THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

BÁT NHÁO Ở CẦU TRẮNG TX QUẢNG TRỊ

Người thành cổ Quảng trị
CẦU TRĂNG LÀ MỘT ĐỊA ĐIỂM TRÊN QUỐC LỘ 1 THUỘC ĐỊA PHẬN TX QUẢNG TRỊ..
NƠI ĐÂY XE ĐỖ, XE DỪNG, XE CỨ QUANH  QUẨN CHẠY LUI CHẠY TỚI ĐỂ ĐÓN KHÁCH .
LÀM MẤT TRẬT TỰ ATGT.XIN CÁC CƠ QUAN HỮU TRÁCH LẬP LẠI SỰ AN TOÀN.
SAU ĐÂY LÀ MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐÁNG TIẾC CHẮC KHÔNG LẬP LẠI NHIỀU LẦN NỮA:


 Đón xe giữa lòng đường
 Đỗ xe có đúng chổ không? Tại ngã ba và cạnh cầu
 Bên kia đường là xe của CSGT đang đỗ ,còn nhân viên cảnh sát đii đâu làm gì nhỉ?
 Đón khách giữa đường, xa xa là một chiếc xe máy đang từ từ kéo một chiếc xe ba gác ngang qua xe của CSGT để thăm dò thái độ ứng xử của các nhân viên CSGT đối với vi phạm ATGT ra sao
 Chướng tai gai mắt

Ảnh do một người mù chụp và cung cấp ngày 29 tháng 2 năm 2012

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ: Triển lãm mỹ thuật Quảng Trị tại TP.HCM

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ: Triển lãm mỹ thuật Quảng Trị tại TP.HCM

Người thành cổ Quảng trị

Triển lãm mỹ thuật Quảng Trị tại TP.HCM

Người thành cổ Quảng trị
Cuối năm 2007, anh Nguyễn Văn Trị, một cựu học sinh Nguyễn Hoàng hiện đang sinh sống tại TP . HCM được mời đến tham dự cuộc triển lảm tranh của những họa sĩ quê Quảng Trị. Anh Trị đã chụp một số bức tranh và viết bài tường thuật cuộc triển lảm đó để gởi cho VNQT nhưng rủi thay, hôm sau, máy tính anh bị lỗi nên bài viết và hình chụp được đều bị mất. Mãi đến 5 năm sau (tháng 3-2012), anh đã phục hồi lại file ảnh cũ nhưng bài viết thì không thể tìm lại được. 
 
Mặc dù máy ảnh của anh Trị khá tốt nhưng dù sao đây cũng chỉ là những ảnh chụp, không thể giữ nguyên được nội dung, màu sắc hoặc độ nét của tranh. Xin mạn phép các họa sĩ cho chúng tôi được đăng những hình chụp tranh của các bạn để bà con ở quê nhà và khắp năm châu  được thưởng lảm tài nghệ của những họa sĩ quê mình. Hy vọng các bạn đã bán hết những tranh này rồi. Nếu chưa bán được, những hình chụp sau đây có cơ may sẽ đến được với những người sưu tập.

Chúng tôi may mắn tìm được bản tin  sau đây trên trang Tuổi Trẻ Online về cuộc triển lảm nói trên.

Triển lãm mỹ thuật Quảng Trị tại TP.HCM


 Đêm hội Thạch Hãn - tranh sơn dầu của Hồ Thanh Thoan

TTO - Lần đầu tiên, với sự tài trợ của Quĩ Thụy Điển - Việt Nam phát triển văn hóa, mỹ thuật tỉnh Quảng Trị có dịp du Nam bằng một triển lãm khá qui mô tại gallery của Hội Mỹ thuật TP.HCM (từ 24 đến 30-11-2007).
Triển lãm giới thiệu 12 tác giả tiêu biểu đại diện cho mỹ thuật Quảng Trị với 46 tác phẩm chọn lọc thuộc nhiều đề tài, chất liệu khác nhau.
Theo họa sĩ Trịnh Hoàng Tân, triển lãm mỹ thuật Quảng Trị tại TP.HCM lần này có thể là bước ngoặt tốt, tạo ra âm hưởng của sự phát triển mỹ thuật tỉnh nhà. Ở đó, những tác phẩm mới nhất định là sẽ là chất xúc tác, gây men cho không khí sáng tạo, mở đường cho những xu hướng, phong cách nghệ thuật nảy sinh.

Tin và ảnh: HỒNG SƠN

Một bản tin trên trang Công An TP HCM  nêu tên 11 họa sĩ đã tham dự : 
Trịnh Hoàng Tân (Biển thức, Phù sa đảo…), Hồ Thanh Thoan (Bản làng bình yên, Sau chuyến ra khơi…), Phạm Phi Trường (Thiếu nữ, Cạm bẫy dòng đời), Hoàng Cường (Thiên đường nhỏ, Sinh tồn…), Nguyễn Lương Giang (Chợ phiên – sơn mài…), Lê Đức Quảng (Tuổi thơ – khắc gỗ màu), Trần Đình Huy (Đất lửa T4, Mùa thu ở phố…), Phan Văn Xung (Chiều muộn, Trầm tư…), Nguyễn Hữu Song (Ký ức K8, Làng thanh niên lập nghiệp), Trường Đình Dung (Giai điệu Bon – Vân Kiều, Hồn núi…), Trương Minh Dự (Ký ức miền quê, Mưa nắng quê nhà…).

Xin bấm chuột vào hình để xem to hơn.


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
http://vannghequangtri.blogspot.com/2012/03/cuoi-nam-2007-anh-nguyen-van-tri-mot.html

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Ảnh nude của phụ nữ Việt cách đây một thế kỷ

Người thành cổ Quảng trị

Không phải chỉ ngày nay mới xuất hiện "phong trào" chụp ảnh khỏa thân, mà từ cách đây hơn một thế kỷ, những người phụ nữ Việt cũng đã có những bức ảnh khỏa thân để đời.

Những bức ảnh này đã được giới thiệu tại Việt Nam trong một triển lãm ảnh vào năm ngoái. Khi đó, những bức ảnh khỏa thân này đã gây ra nhiều tranh cãi.

Nhiều người cho rằng những bức ảnh này chẳng qua cũng chỉ là ảnh khiêu dâm, được một tay chuyên chụp ảnh khiêu dâm chụp, với ý đồ khai thác những hình ảnh dung tục của phụ nữ Việt Nam, qua đó hạ bệ Việt Nam, nhằm chứng minh Việt Nam chỉ là một dân tộc thuộc địa thấp kém. Ngoài mục đích chính trị này, tay chụp ảnh còn muốn qua những hình ảnh này để quảng bá, lôi cuốn đàn ông Pháp sang Việt Nam làm nhiệm vụ khai thác thuộc địa.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, những bức ảnh này không hề dung tục, mặc dù chúng cũng chỉ cho người ta thấy, Việt Nam đúng là một thuộc địa lạc hậu. Và tác giả của những bức ảnh này đã nhìn những người phụ nữ Việt khỏa thân bằng cái nhìn ngạc nhiên và thú vị.

Những bức ảnh phụ nữ Việt khỏa thân này nằm trong số hàng nghìn bức ảnh chân thực về Việt Nam dưới thời Pháp thuộc của nhà nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Pierre Dieulefils (1862-1937). Ông đã mô tả rất chân thực hình ảnh và cuộc sống của những tầng lớp người Việt Nam dưới thời Pháp cai trị. Những bức ảnh đó được đánh giá là những bức ảnh chân thực, giàu tính tư liệu, được chụp bởi tay máy chuyên nghiệp biết tôn trọng văn hoá bản địa, và còn được chụp với với một tinh thần dân tộc học rõ nét nhằm truyền đạt những thông tin văn hóa bằng hình ảnh.

Những bức ảnh này sau đó được nhà sưu tập bưu ảnh nổi tiếng người Pháp Philippe Chaplain mua và lưu giữ.

Đặc biệt hơn, những hình ảnh này đã được người Pháp dùng làm bưu thiếp – một phương tiện truyền tải thông tin, quảng bá nghệ thuật và tuyên truyền tư tưởng vào thời thuộc địa.










Có phải đất Thuận Hóa là món quà cưới của công chúa Huyền Trân đời Trần?

Người thành cổ Quảng trị

Huyền Trân (chữ Hán: 玄珍), một công chúa đời nhà Trần, là con gái của vua Trần Nhân Tông và là em gái vua Trần Anh Tông. Năm 1306, Huyền Trân được gả cho vua Chiêm Thành (Champa) là Chế Mân (tiếng Phạn: Jaya Sinhavarman III) để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến phía bắc Quảng Trị ngày nay).
Người ta nói Huế đẹp và thơ. Không những đất nước và cong người xứ Huế là đẹp và thơ mà lịch sử ra đời của Huế cũng rất đẹp và rất thơ bởi Huế là món quà cưới của một người con gái họ Trần.

Đền thờ Huyền Trân công chúa tại Huế

Như chúng ta biết, năm 1301, thượng hoàng Trần Nhân Tông nước Đại Việt sang thăm Chăm-pa. Vua Chăm-pa lúc bấy giờ là Chế Bồng Mân đã tổ chức nghi lễ đón vua Trần vô cùng trọng thể. Sau chín tháng trò chuyện, thăm viếng, bàn bạc chuyện ngoại giao giữa hai nước, vua Trần đã quyết định gả công chúa Huyền Trân của nước Đại Việt cho Chế Mân – mặc dù vua nước Chăm-pa đã lớn tuổi và đã có nhiều vợ.





Bàn thời Huyền Trân Công chúa

Khi cái tin vua Trần hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân đưa về đến kinh đô Thăng Long, quần thần và trăm họ vô cùng xao xuyến. Công chúa Huyền Trân thì hoảng hốt, vật vã người một cách thảm thiết. Phần vì nghĩ đến Chăm-pa xa xôi, ra đi biết có ngày trở lại; phần vì công chúa đau đớn phải xa lìa người yêu Trần Khắc Chung – một vị tướng trẻ của nước Đại Việt. Bởi vậy, suốt mấy năm liền, công chúa cứ ẩn mình trong cung với nỗi khổ tâm da diết không thể nào diễn tả cho hết được. Trong lúc đó quần thần và dân trăm họ chưa hiểu hết dụng ý của thượng hoàng đã dùng thơ văn chế nhạo việc gả bán này. Ngay cả vua Trần Anh Tông (anh của công chúa Huyền Trân) cũng không đồng ý. Dư luận chống lại việc gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân đã vượt biên giới lan đến tận tai vua Chăm-pa. Vua Chăm-pa không ngạc nhiên và cũng không bỏ ý định cưới Huyền Trân.
Năm 1306, vua Chăm-pa cho người sang Thăng Long xin vua Trân thực hiện lời hứa cũ và thông báo cho nước Đại Việt biết nếu cưới được công chúa Huyền Trân thì sẽ cắt hai châu Ô, Lý giao về cho nước Đại Việt làm quà sính lễ. Công chúa Huyền Trân vốn đã hiểu được nỗi thao thức của vua cha về đất nước. Vì vậy, dù đau khổ nhưng hiểu được dụng ý của vua cha muốn dùng tình nghĩa giao hảo giữa hai nước mà tiết kiệm được xương máu của trăm họ, bà chị hy sinh tình riêng để nhận lời ra đi.
Khi bà sang đến Chăm-pa thì đồng bào ở hai châu Hoan, Ái (Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay) cũng rầm rộ kéo nhau vào tiếp nhận hai châu Ô, Lý. Châu Ô đổi thành châu Thuận, châu Lý đổi thành châu Hóa. Thuận là bằng lòng, Hóa là thay đổi. Bằng lòng thay đổi văn hóa Chăm-pa sang văn hóa Đại Việt.
Người đời sau biết ơn bà đã làm nhiều thơ văn ca ngợi sự hy sinh của bà.
Các làn điệu ca Huế nổi tiếng Nam bình, Nam ai ra đời cũng xuất phát từ cuộc ra đi của công chúa Huyền Trân. Mấy câu kết thúc bài Nam bình “Nước non ngàn dặm ra đi” thật thấm thía:

“Dặn một lời Mân quân
Nay chuyện mà như nguyện
Đặng vài phân
Vì lợi cho dân
Tình đem lại mà cân
Đắng cay muôn phần”
Theo cuốn "700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế" của Nguyễn Đắc Xuân.



Nghệ nhân Lê Văn Kinh: Tài thêu xứ Huế

Người thành cổ Quảng trị

Với niềm đam mê nghệ thuật tranh thêu đến lạ lùng, nghệ nhân Lê Văn Kinh, người thợ thêu có đôi tay tài hoa hàng đầu xứ Huê,ë đã miệt mài lao động hơn 10 năm để hoàn tất 18 bức tranh thêu bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền Sư bằng 18 ngôn ngữ khác nhau. Với thành quả này, cuối năm 2011, ông đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietking) trao chứng nhận kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2011 cho bộ tranh thêu độc nhất vô nhị này. 


Bước vào nghề thêu từ năm lên 10 tuổi cho đến hiện nay ở tuổi 84, ông xứng đáng được tôn vinh là một trong năm bậc thầy lão luyện của các nghề truyền thống xứ Huế (thêu, đúc đồng, chạm khắc gỗ, âm nhạc truyền thống, diều), được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” và được các chuyên gia UNESCO gọi là “Báu vật nhân văn sống”.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh năm nay đã bước sang tuổi 84, là chủ nhân của hiệu thêu Đức Thành tồn tại ngót 100 năm ở Huế. Ông kể rằng, quê ông ở xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là thành phố Hà Nội).

Ông nội của ông Lê Văn Kinh là cụ Lê Chí Thành, một thợ thêu tài hoa ở Quất Động được triều đình nhà Nguyễn triệu về kinh đô Phú Xuân trong một cuộc trưng cầu thợ giỏi thuộc nhiều ngành nghề ở khắp đất nước. Vào Kinh, cụ được giao nhiệm vụ thêu các trang phục của hoàng triều và các vật dụng trang trí nội thất cung điện đình tạ. Cụ chính là người đã lập nên hiệu thêu Đức Thành nằm trên đường Gia Long sầm uất (nay là số 82 đường Phan Đăng Lưu – TP. Huế). Thân sinh ra ông Kinh là cụ Lê Văn Hỡi, một thợ thêu có tiếng tài hoa dưới triều vua Khải Định.

Sinh thời, cụ Hỡi từng được Tôn Nhơn Phủ của triều đình nhà Nguyễn phong tặng Hàn Lâm viện vì đã có công thêu bức chân dung của vua Thành Thái thêu hoàng bào cho vua Khải Định nhân dịp lễ “Tứ tuần Đại khánh” (mừng sinh nhật nhà vua 40 tuổi) và nhiều tác phẩm tranh thêu khác dùng trong những gian chính điện của hoàng cung, hoặc phủ trên những vật báu gia bảo của hoàng triều.

Chuyện được truyền tụng lại rằng: Nhân lễ trọng của hoàng đế An Nam, một chiếc hoàng bào được may bằng vải gấm của Thượng Hải để dâng lên cho vua Khải Định. Sau khi săm soi chiếc hoàng bào, hoàng thượng tỏ ý chưa mấy hài lòng về những đường nét của họa tiết, nên người thợ thêu tài hoa Lê Văn Hỡi đã được triệu vào cung để thêu thêm kim tuyến vào chiếc hoàng bào.

Cho đến ngày nay, một mảnh hoàng bào do chính tay cha mình thêu thêm kim tuyến vẫn được nghệ nhân Lê Văn Kinh cẩn thận lưu giữ và xem đó như một kỷ niệm vàng son của dòng tộc, của người cha, người thầy đã hướng tâm hồn ông biết thao thức với từng đường kim mũi chỉ của nghề thêu gia truyền. Nhiều bức tranh thêu của cụ Hỡi, trong đó nổi bật là bức Thất sư hí cầu được thêu bằng chất liệu đoạn huyền phủ đôn để lư trầm trước ngai vàng đến nay vẫn còn được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật cung đình Huế cho du khách năm châu thưởng ngoạn.

Lên 5 tuổi, ông Kinh bắt đầu được hướng dẫn học nghề thêu và từ đó, ông toàn tâm dốc sức với nghề bằng chính đôi tay tài hoa và trí óc sáng tạo của mình chứ không dựa dẫm vào những ánh hào quang thành đạt của người cha mà ông rất đỗi kính yêu. Năm ông lên 10 tuổi, cha ông lâm trọng bệnh rồi qua đời, từ đó ông phải nối gót cha mình để gìn giữ và phát huy truyền thống của nghề thêu do cụ tổ nghề thêu Lê Văn Hành tạo dựng.

Năm 1956, ông Kinh chính thức bước vào nghề thêu tranh và tiếp quản để làm chủ hiệu thêu Đức Thành của gia đình ông để lại. Ông kể, năm 10 tuổi, ông đã có những bức tranh thêu như bức Tùng hạc (hai con chim hạc đậu trên cành tùng) với những đường nét tinh xảo hiếm thấy đã khiến cho những bậc cao niên trong dòng tộc ngợi khen và hy vọng. Từ bấy đến nay, hơn 70 năm đã trôi qua, nghệ nhân Lê Văn Kinh vẫn vẹn nguyên niềm đam mê sáng tạo những bức tranh thêu mang đậm phong cách của xứ Huế thơ mộng mà lắng sâu.


Nghệ nhân Lê Văn Kinh với bằng chứng nhận kỷ lục Việt Nam.

Nói về nghề nghiệp của mình, ông Kinh bộc bạch: Xưa nay người đời vẫn thường nói với nhau rằng “Trai thì đọc sách ngâm thơ/ gái thì kim chỉ thêu thùa vá may”, nhưng ông lại được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình có ông nội và cha lập nghiệp bằng nghề thêu truyền thống của dòng tộc, nên từ nhỏ từng đường kim, mũi chỉ đã thấm đẫm trong ông, để rồi ông gắn bó với nghề thêu cho đến tận bây giờ.

Ông cho biết, người làm nghề thêu phải biết kết hợp một cách tinh tế rất nhiều yếu tố lại với nhau. Muốn cho ra đời một bức tranh thêu sống động thì người thợ thêu phải biết gửi gắm cả tâm tư tình cảm của mình vào trong đó. Kim thêu phải mua ở chợ Mậu Tài vùng Phú Vang, Thừa Thiên Huế, rồi mang về gia công mài nhỏ đạt đến độ sáng bóng thì đường thêu mới tinh xảo. Chỉ thêu ở Huế là loại chỉ mộc được làm bằng tơ tằm, sau khi mua chỉ thô về, người thợ phải tự tay nhuộm màu cho chỉ theo bí quyết gia truyền riêng. Nhờ vậy mà sợi chỉ thêu xứ Huế sau khi được người thợ xử lý đã trở nên bền hơn mà không bị đứt gãy. Màu sắc của những bức tranh sau khi hoàn thiện cũng thanh thoát ưa nhìn hơn.

Với ông, nghề thêu đòi hỏi phải có sự khéo léo của đôi bàn tay và sự phong phú trong sáng tạo của khối óc. Nhiều đêm giữa chừng tỉnh giấc, trong suy nghĩ vụt lóe lên một ý tưởng mới trong sáng tạo, ông lại chong đèn trở dậy để ghi chép lại những điều vừa nghĩ và đã có rất nhiều tác phẩm thêu của ông đã được ra đời từ những ý tưởng ấy. Bức tranh thêu có tên là Mẹ của ông là một ví dụ điển hình. Ông bảo, để thực hiện được bức tranh thêu mà rất nhiều người ưng ý này, ngoài nỗi khắc khoải nhớ thương mẹ trong ông đã dài như sông, cao như núi, những nếp nhăn trên gương mặt Mẹ đã được ông thể hiện bằng những đường chỉ màu vàng trên nền đen thăm thẳm đã gây ấn tượng mạnh đối với người xem là kết quả của những phút lóe sáng hiếm hoi trong sáng tạo mà ngay cả khi phác thảo tác phẩm này ông chưa hề nghĩ ra.

Suốt một đời chuyên tâm với nghề thêu, vui buồn theo cung bậc của từng đường kim, mũi chỉ, ông Kinh luôn tìm thấy niềm tự hào để vui sống trong những khúc thăng trầm của đời mình ấy là bản sắc văn hóa Việt trong từng bức tranh thêu. Chia sẻ với các thế hệ học trò, ông luôn nhắc nhớ rằng điều quan trọng nhất trong đời một người thợ thêu là chữ Tâm và sự cần mẫn, có cái tâm sáng thì lòng mới trong, mới nắm bắt được cái hồn của từng tác phẩm. Sự cần mẫn của đôi tay mới có thể sáng tạo nên những bức tranh thêu hoàn mỹ nhất… Nghệ nhân Lê Văn Kinh còn cho biết thêm: “Nghề thêu tay truyền thống từ xưa đến nay có bốn ngành riêng biệt gồm: Trang trí nội thất, y môn quần bàn, thêu theo lối mới và thêu ren xuất khẩu”. Về sau này, do yêu cầu thẩm mỹ của khách hàng ngày một nâng cao nên ông mới sáng tạo thêm một ngành thêu mới, đó là thêu Thư pháp.

Một thời gian dài trước năm 1975, ông Kinh cùng với cô em gái Bích Đào rất nổ tiếng với hàng tranh thêu truyền thống. Hai anh em ông Kinh đã tham gia rất nhiều cuộc triển lãm tranh thêu ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế và Đà Lạt. Năm 1958, ông Kinh đã gây tiếng vang lớn khi gửi bức tranh Bất khuất thể hiện hình ảnh tướng quân Trần Bình Trọng khoác chiến bào, tay cầm kiếm cưỡi sư tử xông trận với ngụ ý “Việt Nam bất khuất” tham gia một cuộc triển lãm tranh thêu tại New York (Hoa Kỳ).


Một góc cửa hàng thêu của nghệ nhân Lê Văn Kinh.

Sau ngày nước nhà thống nhất, ông Kinh mở cơ sở thêu tranh xuất khẩu Cẩm Tú, tiếp đó ông thành lập Hợp tác xã Thêu ren xuất khẩu Phú Hòa. Cả hai cơ sở mới ra đời đã ăn nên làm ra bởi những mặt hàng thêu của ông và cộng sự đã đứng được trên thị trường Nhật Bản, Đông Âu và Liên Xô cũ…Vừa sản xuất, ông vừa cưỡi xe Honda của mình đi đến các phường, xã trong dọc dài mảnh đất Bình Trị Thiên để mở các lớp đào tạo nghề thêu. Kết thúc hành trình đi tạo công ăn việc làm cho người dân ở các địa phương trong tỉnh, học trò của ông đã có thể tính đến con số hàng vạn người.  

Năm 1994, ông Kinh nghỉ hưu và trở lại với cửa hàng thêu tranh Đức Thành để phục hồi nghề truyền thống của gia đình và tìm người để truyền thụ những kỹ năng đặc sắc mà ông đã chắt lọc được.

Một buổi sáng mùa thu năm 1997, có một đoàn phóng viên người Mỹ đến tham quan cửa hàng tranh thêu của ông Kinh. Như lệ thường, ông Kinh đã giới thiệu cho khách tham quan những tác phẩm của mình đang được trưng bày trong cửa hàng, trong số đó có những bài Đường thi mà ông Kinh vô cùng ưng ý. Xem xong, một vị khách trong đoàn chợt hỏi: “Vì sao Việt Nam cũng có nhiều bài thơ rất hay mà ông không chọn thêu?”.

Câu hỏi tưởng như vô tình ấy đã chạm vào sâu thẳm nỗi suy tư nghề nghiệp của ông. Ít lâu sau, ông quyết định thể hiện nguyên bản chữ Hán cùng bản dịch bài thơ Cáo Tật thị chúng của Mãn Giác Thiền Sư lên tranh thêu. Sau khi hoàn thành bức tranh thêu ấy, ông Kinh trân trọng lưu giữ nó vào một góc trang nhã trong ngôi nhà của mình. Rồi đến một ngày, ông Jeff Bo Bollinger – một du khách người Đức đến hiệu thêu Đức Thành để xem tranh.

Với vốn tiếng Pháp khả dĩ của mình, ông Kinh và vị khách người Đức kia đã có một cuộc trao đổi kéo dài từ 9 giờ sáng cho đến 3 giờ chiều về những vấn đề của văn hóa Việt. Từ chuyện anh em nhà Tây Sơn đến những bài thơ cổ, chuyện kiến trúc lăng tẩm đến đời sống của vua quan nhà Nguyễn trong Tử cấm thành.

Như gặp được người bạn cố tri, ông Kinh đã mang bức tranh thêu bài thơ Cáo Tật thị chúng ra khoe với Jeff Bo Bollinger, rồi bình giải bài thơ trong niềm cảm xúc cao độ. Cuối cùng, vị du khách người Đức với tất cả sự cảm phục của mình đã mua bức tranh thơ đó với lời cảm tưởng để lại như sau: “Tôi mua bức tranh một phần vì cảm tình với ông và vì bài thơ không còn mang tính Phật giáo hay Việt Nam nữa mà đã trở thành một giá trị nhân văn của nhân loại”.

Ít lâu sau khi trở lại quê nhà, Jeff Bo Bollinger gửi cho ông Kinh bản dịch bài thơ Cáo tật thị chúng bằng tiếng Đức với mong muốn, bài thơ sẽ được thêu bằng tiếng của dân tộc mình. Ý tưởng cùng tinh thần văn hóa sâu sắc của Jeff Bo Bollinger đã thôi thúc ông tái hiện bài thơ Cáo tật thị chúng bằng nhiều thứ tiếng, như một cách để mở rộng kinh doanh và hơn thế, để tinh thần Việt, văn hóa Việt được bay xa hơn cùng năm châu bốn biển.

Hơn 10 năm mệt mài với niềm đam mê cháy bỏng của mình, nghệ nhân Lê Văn Kinh đã tìm cách dịch và thêu bài thơ của Mãn Giác Thiền Sư ra 18 thứ tiếng của những quốc gia có nhiều tín đồ Phật giáo. Ông ao ước làm sao còn sức khỏe, sẽ tiếp tục tìm kiếm người dịch để hoàn thành tiếp 7 bức tranh thêu bài thơ Thiền này ra ngôn ngữ của quốc gia có ảnh hưởng của Phật giáo khác

Loạn tướng Nguyễn Chánh Thi

Người thành cổ Quảng trị

Nguyễn Chánh Thi từng được tạp chí Time của Mỹ gán cho biệt hiệu "chuyên gia đảo chính". Ông Thi sinh năm 1923, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Ít học, năm 1940, ông ta đi lính cho Pháp, từng bị Nhật bắt, Việt Minh bắt nhưng đều trốn thoát được và tiếp tục cầm súng cho Pháp. Đến tháng 3/1954, ông ta được thăng đại úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Ngự lâm quân của Bảo Đại.


Nguyễn Chánh Thi (X) và Nguyễn Cao Kỳ khi còn mặn nồng.

Phần lớn sĩ quan từng phục vụ dưới quyền vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn đều không được Ngô Đình Diệm tin dùng. Nguyễn Chánh Thi là trường hợp đặc biệt, được điều về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nhảy dù và được Diệm cho lên thiếu tá. Tỏ ra xứng đáng với ân huệ của Diệm ban cho, tháng 5/1955, Nguyễn Chánh Thi đã chỉ huy quân dù dẹp tan quân Bình Xuyên tại khu vực Nancy, Trường Petrus Ký (nay là Trường Lê Hồng Phong).

Đến chiến dịch Rừng Sác, tấn công vào cứ điểm cuối cùng của Bình Xuyên, Diệm lại chỉ định Nguyễn Chánh Thi giữ chức vụ Liên đoàn phó Liên đoàn Nhảy dù và thăng lên trung tá. Chưa tròn một năm sau, tháng 2/1956, ông ta lên đại tá. Khi Liên đoàn Nhảy dù được nâng cấp thành Lữ đoàn, Nguyễn Chánh Thi trở thành vị tư lệnh đầu tiên của binh chủng này.

Khi đi thăm Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan), Ngô Đình Diệm còn cho Thi tháp tùng với tư cách tùy viên quân sự. Gia đình Ngô Đình Diệm từng coi Thi như con em trong nhà. Đáp lại ân sủng, ngày 11/11/1960 Nguyễn Chánh Thi đã cầm đầu một nhóm sĩ quan trẻ gồm trung tá Vương Văn Đông, thiếu tá Nguyễn Triệu Hồng, thiếu tá Phan Trọng Chinh, thiếu tá Nguyễn Huy Lợi, đại úy Phan Lạc Tuyên… đảo chính nhằm hạ bệ anh em ông Diệm.

Phe đảo chính tưởng chừng đã làm chủ được tình hình, nhưng thiếu quyết đoán, không được tổ chức kỹ lưỡng và quan trọng hơn cả là mục đích hành động không rõ ràng, thiếu đồng nhất, họ đã khiến thời cơ tuột mất. Họ không chiếm được Đài Phát thanh, không tìm cách cắt hết đường dây điện thoại từ Dinh Độc lập nối với bên ngoài và cũng không đủ quân án ngữ các ngả đường tiến vào thành phố. Ngô Đình Diệm đã tìm cách kéo dài thời gian để liên lạc với những sĩ quan trung thành, gọi họ về cứu giá.

Hôm sau, ngày 12/11/1960, từ Mỹ Tho, đại tá Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh đã kết hợp với Sư đoàn 21 Bộ binh đóng ở Sa Đéc, do đại tá Trần Thiện Khiêm làm tư lệnh kéo quân về giải vây. Lúng túng, Vương Văn Đông đã tìm mọi cách liên hệ với Đại sứ Mỹ Elbridge Durbrow để tìm hậu thuẫn. Đại sứ Elbridge Durbrow đã thẳng thừng từ chối, với lý do: Không dính vào nội bộ của Việt Nam.

Cầm chắc thất bại trong tay, Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, Nguyễn Triệu Hồng… đã nhanh chóng cướp một máy bay D.C3, đồng thời, bắt cóc trung tướng Thái Quang Hoàng, Tư lệnh Quân khu Thủ đô và cưỡng ép phi công Phan Phụng Tiên lái, đưa họ đào thoát sang Campuchia xin tị nạn. Những ngày trong trại tị nạn Monivong (thực chất là trại giam lỏng) ở Nam Vang, Campuchia, Nguyễn Chánh Thi phải làm nghề chẻ củi thuê để kiếm sống. Đông thân Pháp, Thi ghét Mỹ, ghét luôn cả Pháp. Họ thường xuyên chửi mắng nhau như chó với mèo. Số sĩ quan không thuộc phe nào đều nghiêng về phía Đông, tỏ ra coi khinh cách ăn ở và tính khí thô lỗ của Nguyễn Chánh Thi. Có lần thiếu tá Nguyễn Huy Lợi không nhịn được, đã thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với Thi nhưng… bất phân thắng bại.

Anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bị lật đổ, Nguyễn Chánh Thi trở về nước và được phục hồi hàm đại tá giữ chức vụ Tư lệnh phó Quân đoàn 1, kiêm Quân khu 1, do Trung tướng Nguyễn Khánh làm tư lệnh. Ngày 30/1/1964, Nguyễn Chánh Thi lại tham gia vào cuộc đảo chính, được ngụy trang bằng hai từ "chỉnh lý", lật đổ Dương Văn Minh, do Nguyễn Khánh cầm đầu. Năm ông tướng thân cận của Dương Văn Minh, đang nắm giữ những chức vụ trọng yếu, đồng loạt bị bắt tại nhà riêng.

Sáng hôm sau, Nguyễn Chánh Thi vào Bộ Tổng tham mưu thì gặp thiếu tá Nguyễn Huy Lợi tại đó. Sực nhớ lại ân oán từ thời lưu vong tại Campuchia, Nguyễn Chánh Thi đã sấn tới bốp thẳng vào mặt Lợi một cú đấm. Lợi toan đánh lại Thi, nhưng rồi chẳng biết tại sao ông ta lại dừng tay, quay lưng bỏ đi trong khi Nguyễn Chánh Thi vẫn đứng hoa chân múa tay lu loa biện minh với mọi người!



Nguyễn Chánh Thi (dấu X) ngồi giữa Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ trong cái gọi là “Hội đồng quân nhân cách mạng”.


Để thưởng công phò trợ, Nguyễn Khánh đã cho Nguyễn Chánh Thi làm Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, kiêm Khu 11 chiến thuật, và thăng hàm chuẩn tướng. Thi thích xuất hiện trước đám đông, đắc chí khi được tâng bốc, nịnh hót, lại còn muốn chứng tỏ mình là bậc hảo hớn kiểu Lương Sơn Bạc. Đặc biệt ông ta rất khoái đọc diễn văn, ban huấn từ và tuyên bố lung tung. Một lần, đi thị sát tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Chánh Thi bắt toàn bộ quân, cán, chính và các đoàn thể tụ tập đông đủ tại Tòa Hành chính tỉnh để ông ta lên lớp. Cử tọa phải bụm miệng khi nghe Thi lên giọng: "Đồng bào trong khu tôi…". Cử tọa chưa nín được cười, thì ông ta lại tiếp tục màu mè và… bí đường: "Thưa đồng bào, quân với dân như cá với nước. Cá mà thiếu nước thì cá chết, còn nước mà thiếu cá… nước mà thiếu cá thì... thì… quá kỳ cục!!!".

Nói xong câu đó, Thi ngượng đứng chết trân. Có một tay chuyên treo cờ xí, biểu ngữ và trang trí hội trường, đang đứng xớ rớ sau hàng cờ phướn, nhanh nhảu nhảy ra hô to: "Hoan hô chuẩn tướng Nguyễn Chánh Thi!", tiếng hô lặp lại 3 lần, buộc lòng mọi người phải đưa tay lên hoan hô theo. Đến bữa cơm trưa, Nguyễn Chánh Thi đã ra lệnh cho đại tá Nguyễn Ấm, Tỉnh trưởng Quảng Trị, gọi anh chàng khéo nịnh này lên trình diện. Vài tuần sau, anh chàng này được đặc cách chức vụ Phó ty Thông tin!

Không cần đắn đo, suy nghĩ, Nguyễn Chánh Thi vẫn tuyên bố ủng hộ Hiến chương Vũng Tàu của Nguyễn Khánh, bất chấp hiến chương này đã bị các phong trào quần chúng và sinh viên-học sinh phản đối kịch liệt, nhờ đó được Khánh thăng lên thiếu tướng. Ngày 13/9/1964, trung tướng Dương Văn Đức, thiếu tướng Lâm Văn Phát và đại tá Huỳnh Văn Tồn từ Cần Thơ, xua Quân đoàn 4 về làm binh biến. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu trong vai trò tham mưu trưởng liên quân đã yêu cầu Nguyễn Chánh Thi đem quân về dẹp tan cuộc binh biến này. Nguyễn Khánh lại đền ơn Nguyễn Chánh Thi bằng chức vụ Tư lệnh Quân đoàn 1, kiêm Vùng 1 chiến thuật.

Ngày 19/2/1965, chuyên gia đảo chính Lâm Văn Phát, đại tá Bùi Dzinh, trung tá Bùi Hoàng Thao… theo phò đại tá Phạm Ngọc Thảo đứng lên làm đảo chính. Nguyễn Khánh lại trốn thoát được, chạy ra ẩn náu tại Vũng Tàu. Hội đồng tướng lĩnh đã họp khẩn cấp, đề cử Nguyễn Chánh Thi làm Tư lệnh Quân đoàn Giải phóng thủ đô, đem quân về dẹp loạn, buộc phe đảo chính phải rút lui. Quốc trưởng Phan Khắc Sửu ký lệnh giải nhiệm Nguyễn Khánh, chính Nguyễn Chánh Thi đứng ra ép Nguyễn Khánh phải lên đường sống kiếp lưu vong.

Nguyễn Khánh đi, chiếc ghế quyền lực trở thành mục tiêu tranh chấp vô cùng gay gắt giữa 4 ông tướng trẻ: Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ - Nguyễn Chánh Thi - Nguyễn Hữu Có. Tính khí thất thường, cộng thêm việc ỷ mình có quá nhiều “công trạng” đối với các cuộc đảo chính và phản đảo chính nên Nguyễn Chánh Thi coi trời bằng vung. Ba ông tướng kia đánh giá Nguyễn Chánh Thi quá nguy hiểm, tạm thời ngồi lại với nhau để triệt Thi cho bằng được. Tướng Kỳ trở thành đầu tàu trong cuộc đối đầu gay cấn này.

Chính phủ dân sự do Phan Huy Quát làm thủ tướng từ chức, hội đồng tướng lĩnh được triệu tập một phiên họp, dưới sự chủ trì của Nguyễn Văn Thiệu để tìm kiếm một nhà lãnh đạo. Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Chánh Thi vẫn là hai đối thủ nặng ký. Nhưng biết mình không được ủng hộ, Thi tuyên bố bỏ cuộc. Nguyễn Văn Thiệu được bầu làm Quốc trưởng và Nguyễn Cao Kỳ làm thủ tướng. Nhằm xoa dịu phần nào sự cay cú của Nguyễn Chánh Thi, tháng 10/1965, ông ta được thăng hàm trung tướng, giữ thêm cái hư danh Đại biểu Chính phủ Trung phần.

Nguyễn Chánh Thi vẫn không chịu ngồi yên, nuôi mưu đồ biến miền Trung thành lãnh địa riêng. Trong lãnh thổ trách nhiệm của ông ta, đặc biệt là tại Đà Nẵng, nơi Quân đoàn 1 đặt bản doanh, thường xuyên nổi lên những cuộc biểu tình chống Thiệu - Kỳ. Nguyễn Cao Kỳ không thể yên tâm khi loạn tướng Nguyễn Chánh Thi vẫn còn nắm trong tay một quân đoàn. Ngày 10/3/1966, Nguyễn Cao Kỳ ký lệnh cách chức Nguyễn Chánh Thi vì lý do đã không ổn định được tình hình miền Trung. Tại phi trường Đà Nẵng, Nguyễn Chánh Thi đã bị trung tướng Nguyễn Hữu Có, Phó thủ tướng, kiêm Tổng trưởng Quốc phòng ra lệnh bắt giữ, đưa về Sài Gòn giam lỏng. Đài Phát thanh Sài Gòn thông báo: tướng Thi từ chức, Hội đồng quân lực quyết định cho ông ta ra ngoại quốc chữa bệnh thối mũi!

Ngay hôm sau dân chúng Đà Nẵng, đa số là phật tử rầm rộ xuống đường đòi giải tán chính phủ quân sự do Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ dựng lên. Biểu tình nhanh chóng lan tỏa ra Huế, hệ thống chính quyền hai nơi này hoàn toàn tê liệt. Một số lớn đơn vị quân đội ngả theo lực lượng biểu tình đã chính thức ly khai như Trung đoàn 51 của đại tá Đàm Quang Yêu, Tiểu đoàn 11 Biệt động quân của đại úy Nguyễn Thừa Dzu… đã làm chủ tình hình thành phố Đà Nẵng. Tại Huế, Sư đoàn 1 bộ binh của chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận cũng theo phe ly khai. Chẳng đặng đừng, ngày 16-3-1966, Nguyễn Chánh Thi lại được đưa ra Đà Nẵng nhằm trấn an dân tình. Nguyễn Cao Kỳ đã tỏ ra quá lúng túng và thiếu cân nhắc, bởi chẳng khác nào thả cọp về rừng. Quả nhiên, Nguyễn Chánh Thi đã đứng hẳn về phía lực lượng ly khai.

Tình hình trở nên hỗn loạn. Nguyễn Cao Kỳ phải điều động 4.000 quân, bao gồm thủy quân lục chiến, nhảy dù và cảnh sát dã chiến, dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Ngọc Loan, ra Đà Nẵng dẹp loạn. Căng thẳng, các tay súng ly khai đã hờm sẵn trên nhiều ngả đường, sẵn sàng khai hỏa.

Nguyễn Ngọc Loan bèn nghĩ cách chia rẽ, mua chuộc đại úy Nguyễn Thừa Dzu, hứa hẹn sẽ giành cho Dzu những chức vụ béo bở. Dzu xiêu lòng, điều tiểu đoàn của mình ra cầu Đỏ, để lại một lỗ hổng cố thủ rất lớn cho quân ly khai. Hành động của Dzu còn làm mất tinh thần đối đầu của quân sĩ Trung đoàn 51. Ngày 15/5/1966, Nguyễn Ngọc Loan xua quân nhảy dù tiến ra thành phố và tái chiếm Đài Phát thanh Đà Nẵng. Giao tranh đã diễn ra khắp nơi, 150 quân nhân của cả hai phía đã ngã gục và hơn 700 người khác bị thương.

Nguyễn Cao Kỳ đưa thiếu tướng Huỳnh Văn Cao ra làm Tư lệnh Quân đoàn 1 thay Nguyễn Chánh Thi. Khi máy bay đáp xuống phi trường Tây Lộc (Huế), trung úy Nguyễn Đại Thức đã nổ súng nhắm vào ông ta, nhưng viên đạn không trúng đích. Trung úy Thức đã bị hạ sát ngay sau đó. Mãi đến ngày 23/5/1966, ổ kháng cự cuối cùng của quân ly khai tại Đà Nẵng, cố thủ trong chùa Phổ Đà mới chịu buông súng, quân của Nguyễn Ngọc Loan kiểm soát được tình hình.

Ở Huế, đám tang Nguyễn Đại Thức đã biến thành một cuộc biểu tình rầm rộ. Phòng Thông tin và thư viện Hoa Kỳ bị đốt, Tổng lãnh sự Mỹ bị đập phá. Phe biểu tình đưa bàn thờ Phật xuống đường khắp nơi để cản bước đoàn quân của Nguyễn Ngọc Loan. Loan ra lệnh cho binh sĩ đạp đổ hết bàn thờ để dẹp đường, bắt giữ 190 quân nhân, 109 công chức và 35 nhân viên cảnh sát đã theo phe ly khai.

Vụ biến động miền Trung bị dẹp tan. Nguyễn Chánh Thi, Phan Xuân Nhuận, Đàm Quang Yêu, Thị trưởng Đà Nẵng Nguyễn Văn Mẫn, cùng một số quan chức khác bị bắt, giải về Sài Gòn. Không phải ra tòa án binh về tội phản loạn, Nguyễn Chánh Thi chỉ bị sa thải khỏi quân đội. Dễ hiểu, người Mỹ không muốn đám tay chân làm lớn chuyện

Ngày 31/7/1966, kẻ nổi loạn Nguyễn Chánh Thi bị áp giải ra phi trường Tân Sơn Nhất để bắt đầu cuộc sống lưu vong lần thứ hai. Trước khi lên máy bay, ông ta ném bỏ tất cả huy chương, chỉ giữ lại duy nhất chiếc mũ lưỡi trai như một vật kỷ niệm. Tại Mỹ, những năm đầu ông ta được trợ cấp 600 USD mỗi tháng, theo chế độ trợ cấp cho một sĩ quan cao cấp hồi hưu. Nguyễn Cao Kỳ đã phản đối quyết liệt, nại lý do, Nguyễn Chánh Thi bị loại ngũ chứ không phải giải ngũ. Thế là trợ cấp của Thi bị phía Mỹ hạ xuống chỉ còn 170 USD mỗi tháng. Túng quẫn, Thi từng phải làm bảo vệ cho một khách sạn nhỏ ở Los Angeles, rồi mở quán cà phê tại Arkansas.

Tháng 2/1972, sau 6 năm tha phương, Nguyễn Chánh Thi đã tự mua vé máy bay trở về Việt Nam như một dân thường. Nguyễn Văn Thiệu đã cương quyết ra lệnh cấm, không cho ông ta bước ra khỏi máy bay và đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Thế là Nguyễn Chánh Thi đành lủi thủi quay về Mỹ sống nốt phần đời còn lại và mất tại đó vào năm 2007!


  Đoàn Thiên Lý

Số phận của "Sáu Lèo" Nguyễn Ngọc Loan - Đao phủ Tết Mậu Thân

Người thành cổ Quảng trị

Bức ảnh "Saigon Execution" do phóng viên nhiếp ảnh người Mỹ Eddie Adams, Hãng AP chụp trên đường phố Sài Gòn vào dịp Tết Mậu Thân 1968 đã phô bày tất cả những gì tàn bạo, phi luân nhất, châm ngòi cho ngọn lửa phản đối cuộc chiến tranh bẩn thỉu, đầy tội ác ở Việt Nam cháy bùng khắp nơi trên thế giới, đốt bỏng cả trong lòng nước Mỹ. Đao phủ trong bức ảnh, kẻ sau này suốt đời bị lên án, khinh miệt và ghê tởm là một viên tướng Việt Nam Cộng hòa, nổi tiếng với biệt danh “Sáu Lèo” Nguyễn Ngọc Loan.



Xuất thân thượng lưu, có học, có bằng cấp, nhưng từ hình thức bên ngoài, đến tính cách, lời ăn tiếng nói của Nguyễn Ngọc Loan đều chẳng khác gì một tay du thủ, du thực. Một thời, ông ta từng nắm giữ quyền lực trong tay, nhưng không hề được đồng sự, các chính khách và quần chúng ở miền Nam kính trọng. Thay vào đó là sự khinh miệt và sợ hãi. Người ta đã nhìn Loan như một hung thần với khuôn mặt của kẻ sát nhân.

Nguyễn Ngọc Loan sinh năm 1930 tại Thừa Thiên - Huế. Cha của Loan là ông Nguyễn Ngọc Lợi, kỹ sư công chánh, nguyên Trưởng khu Hỏa xa Huế. Năm 1951, Loan gia nhập quân đội và theo học khóa 1, Trường sĩ quan Thủ Đức, ra trường tình nguyện tham gia lực lượng Xung kích Pháp-Việt. Pháp chủ trương "Việt Nam hóa chiến tranh", Loan là một trong những người được chọn và được gửi sang Pháp thụ huấn tại Trường Không quân Salon-de-Provence, tốt nghiệp bằng kỹ sư hàng không, sau này trở thành phi công lái khu trục cơ đầu tiên của không lực miền Nam.

Năm 1960, Nguyễn Ngọc Loan giữ chức vụ chỉ huy trưởng Phi đoàn 2 Quan sát, trú đóng tại Nha Trang. Đồng ngũ biết đến Loan như một tay ăn nói bỗ bã, rượu như hũ chìm nhưng nổi tiếng keo kiệt, bủn xỉn.

Trong hồi tưởng của cựu Trung tá phi công Nguyễn Văn Cử, (về sau là dân biểu Quốc hội Sài Gòn), người đã ném bom dinh Độc Lập, ám sát hụt Ngô Đình Diệm vào sáng ngày 27/2/1962, thì Nguyễn Ngọc Loan là một kẻ bần tướng, mặt dơi, tai chuột, tướng cách của một kẻ tàn độc, phản phúc và ti tiện. Thuở còn giữ chức vụ phi đoàn trưởng Phi đoàn 2 quan sát, Nguyễn Ngọc Loan thường hay hứa sẽ đề nghị thăng thưởng cho thuộc cấp nhưng chẳng bao giờ thực hiện. Bạn bè mời nhậu nhẹt, Loan nhiệt tình tham gia nhưng chẳng bao giờ mời ai một lần nào cả.

Có người không nhịn được, đã nửa đùa nửa thật: "Tới lượt thằng Loan đi chớ, cứ ăn chực anh em hoài coi sao được!". Nguyễn Ngọc Loan vừa cười, vừa hứa chắc như đinh đóng cột: "Được thôi, "moa" mời các "toa" đúng 10 giờ sáng chủ nhật, tại quán số 5 ngoài bãi biển, ai đến trễ sẽ bị phạt". Đúng hẹn, mọi người có mặt đầy đủ, nhưng chủ xị lại bặt vô âm tín! Ngồi chờ đến trưa chẳng thấy Loan đâu, có người giận quá, buông tiếng chửi thề và bảo: "Đúng là thằng "Sáu Lèo!". Biệt danh khinh thị dính chặt đời Loan từ đó.

Năm 1964, Nguyễn Ngọc Loan lên đại tá, giữ chức vụ Tư lệnh phó Không quân, Nguyễn Cao Kỳ làm Tư lệnh. Ngày 11/2/1965, trong chiến dịch có tên gọi là "Mũi tên lửa" (Flaming Dart), Nguyễn Ngọc Loan đã điên cuồng dẫn đầu các phi đoàn khu trục cơ A1 Skyraider của không quân Sài Gòn, đánh phá Hà Tĩnh, và Quảng Bình. Sau sự kiện này, Loan được Kỳ thăng Chuẩn tướng và được điều về làm Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia, kiêm Giám đốc Nha An ninh quân đội, phụ trách luôn Phủ đặc ủy Trung ương tình báo. Ông ta trở thành một hung thần, và là cánh tay mặt của Nguyễn Cao Kỳ.

Nắm một loạt quyền cao, chức trọng nhưng Loan lại trang phục lôi thôi lếch thếch, chân luôn đi đôi dép lẹp xẹp, kể cả khi ông ta chủ trì, hoặc tham dự những phiên họp quan trọng. Đã thế, Loan thường cầm trên tay một chai bia, ngửa cổ tu ừng ực như một bợm nhậu thứ thiệt, chửi thề văng mạng như một kẻ đầu đường xó chợ. Thượng nghị sĩ Thái Lăng Nghiêm, một trong những cố vấn chính trị của nhóm Nguyễn Cao Kỳ đã nhiều lần than phiền về cách ăn mặc và thái độ cư xử vô văn hóa của Nguyễn Ngọc Loan. Ông Kỳ cũng chỉ biết thở dài: "Biết thế, nhưng nó được cái rất trung thành và dám làm những việc mà người khác không dám làm".

Thật vậy! Trong một phiên họp tại trụ sở Quốc hội Sài Gòn, Loan ngồi trên lầu, trang phục như một tên du côn, gác cả hai chân lên một két bia, để cuốn sổ và khẩu súng rulo trước mặt. Trên tay cầm một cây gậy, Loan vừa ngửa cổ tu bia, vừa chĩa gậy thẳng xuống những dân biểu nào phát biểu không có lợi cho phe cầm quyền và lật sổ ghi chép tên tuổi của họ. Nhiều dân biểu đã phản ứng, cho rằng đó là một hành động khủng bố, mang tính chất miệt thị, trấn áp thành phần đối lập trong Quốc hội. Nguyễn Ngọc Loan đáp trả, tuy không chính thức, nhưng cũng đủ vọng đến tai số dân biểu này: "Bọn dân biểu chỉ ăn hại đái nát. Có giỏi thì cầm súng ra trận mà đánh nhau. Dẹp luôn cái quốc hội bù nhìn này đi cũng chẳng hề hấn chi".

Chiến sĩ đặc công Nguyễn Văn Lém bị bắt giải đến cho Nguyễn Ngọc Loan và bị Loan bắn chết. Bức ảnh này đã bị dư luận kịch liệt lên án.


Loan cũng là kẻ thừa mưu mô xảo quyệt. Giữa tháng 3/1965, dân chúng Đà Nẵng-Huế rầm rộ xuống đường biểu tình chống chế độ độc tài quân sự Thiệu - Kỳ với đủ mọi thành phần, cả công chức, quân nhân cũng tham gia. Trung tướng Nguyễn Chánh Thi đã ngã hẳn và trở thành người đứng đầu phe ly khai. Ngày 1/4/1966, Nguyễn Cao Kỳ gửi Trung tướng Phạm Xuân Chiểu ra Đà Nẵng để điều đình. Phe ly khai đã bắt giữ luôn sứ giả để làm con tin. Tình hình trở nên không thể kiểm soát. Nhiều tướng lĩnh, chỉ huy cao cấp đã đưa cả đơn vị mình nhập luôn vào thành phần ly khai, sẵn sàng chống trả nếu chính quyền Sài Gòn đưa quân ra trấn áp

Ngày 14/5/1966, qua cầu không vận của quân đội Mỹ, 5 tiểu đoàn nhảy dù, 2 tiểu đoàn Thủy quân lục chiến và một biệt đoàn Cảnh sát dã chiến do Nguyễn Ngọc Loan chỉ huy đã đến Đà Nẵng để dẹp quân ly khai. Thoạt đầu, Nguyễn Ngọc Loan bàn với Nguyễn Cao Kỳ cho chiến đấu cơ cất cánh uy hiếp các vị trí của Trung đoàn 51 Bộ binh và Tiểu đoàn 11 Biệt động quân đã ly khai. Trung tướng Waltz, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Đà Nẵng phản ứng gay gắt ý đồ này. Ông ta khuyến cáo, nếu chiến đấu cơ của Việt Nam Cộng hòa cất cánh, ông ta sẽ cho không quân Mỹ ngăn chặn. Nhưng về sau, khi phe ly khai đập phá lãnh sự quán và các cơ quan trực thuộc của Mỹ tại Đà Nẵng và Huế thì chính các cố vấn Mỹ cũng làm ngơ để cho Nguyễn Ngọc Loan bạo hành.

Trong thành phần ly khai cố thủ Đà Nẵng có Tiểu đoàn 11 Biệt động quân của đại úy Nguyễn Thừa Dzu ra khỏi vòng chiến. Có kẻ mách Loan, Nguyễn Thừa Dzu có một người bạn chí thân là Nguyễn Tự Cường, hiện đang ngồi tù tại Cục An ninh quân đội. Cường nguyên là đại úy, là tay chân thân tín của lãnh chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn. Sau biến cố ngày 1/11/1963, Ngô Đình Cẩn bị xử bắn, Cường phải chịu kiếp tù đày. Nay có thể dùng Nguyễn Tự Cường làm thuyết khách.

Thế là Cường được dẫn đến, Nguyễn Ngọc Loan hăm dọa: "Mày là bạn chí cốt của thằng Dzu. Nếu mày chiêu hồi được nó, tao sẽ bạch hóa hồ sơ của mày và cho mày lẫn thằng Dzu những chức vụ ngon lành. Còn nếu mày không làm được, thì một là đi theo nó luôn, hai là tiếp tục ngồi tù". Nguyễn Tự Cường hăng hái nhận lời và đã thuyết phục được Dzu.

Tối hôm đó, Nguyễn Ngọc Loan đã cho người đi đón tiểu đoàn của Nguyễn Thừa Dzu rút ra Cầu Đỏ, để lại một lỗ thủng quan trọng cho quân ly khai và còn khiến cho Trung đoàn 51 mất hết tinh thần phản kháng. Hôm sau, 23/5/1966, Nguyễn Ngọc Loan xua quân nhảy dù tiến vào thành phố và nhanh cóng làm chủ tình hình Đà Nẵng. Nguyễn Tự Cường và Nguyễn Thừa Dzu lại theo Nguyễn Ngọc Loan ra Huế...dẹp loạn. Khi tình hình ở miền Trung ổn định, Cường được thăng thiếu tá, làm Trưởng ty An ninh quân đội Đà Nẵng. Còn Nguyễn Thừa Dzu cũng lên thiếu tá, về làm Trưởng ty cảnh sát một quận ở Sài Gòn

Tại Huế, người dân đã đưa bàn thờ Phật xuống đường làm vật cản chân đoàn quân của Nguyễn Ngọc Loan. Nhưng với Loan, thì sá chi Phật thánh! Ông ta ngồi trên xe jeep, chạy quanh khắp mọi ngõ ngách, đích thân đạp đổ không biết bao nhiêu bàn thờ. Người dân Huế nói: "Sáu Lèo" đã đem dùi cui, lựu đạn cay và còng số 8 làm quà tặng nơi ông ta chôn nhau cắt rốn. Biến động miền Trung hạ màn và Loan được Nguyễn Cao Kỳ phong hàm thiếu tướng. Từ đó, bệnh công thần càng khiến cho con người Nguyễn Ngọc Loan trở nên kiêu binh và tàn bạo hơn nữa.

Đỉnh cao tội ác, bộ mặt sát nhân của Nguyễn Ngọc Loan lộ rõ vào Tết Mậu Thân (1968). Cho đến 2 giờ sáng ngày mồng Một tết, khi chiến sự đã bùng nổ dữ dội khắp mọi nơi, ngay giữa lòng thành phố Sài Gòn thì Loan mới bừng tỉnh, và lồng lộn lên bởi sự yếu kém của bộ máy tình báo do ông ta cầm đầu. Tại Thị Nghè (nhiều tài liệu khác cho là tại đường Lý Thái Tổ hoặc tại một con đường trong Chợ Lớn), binh lính của Nguyễn Ngọc Loan đã bắt giữ, trói thúc ké và dẫn giải một người đàn ông mặc thường phục đến trước mặt ông ta và cho rằng đó là một người lính đặc công của Việt Cộng.

Nguyễn Ngọc Loan cầm chiếc khăn lau mặt trên tay, ra hiệu cho đám bộ hạ lùi ra xa, rồi tiến sát bên người đàn ông đó. Mặt lạnh như tiền, không nói một lời, Loan quăng điếu thuốc đang hút dở xuống đất, giơ thẳng cánh tay phải, dí súng sát thái dương của người đàn ông (sau này được xác định là chiến sĩ đặc công Bảy Lốp, tức Nguyễn Văn Lém; có tài liệu xác định là chiến sĩ Nguyễn Văn Nà) và bóp cò. Nạn nhân ngã xuống, máu lênh láng cả mặt đường và chết ngay lập tức.

Nhà báo Mỹ Eddie Adams kịp thời thu vào ống kính, và phóng viên Neil Davis của Đài ABC-Úc quay những thước phim rất rõ ràng, gây sốc cho hàng triệu lương tri trên thế giới. Bức ảnh như một ngọn cuồng phong thổi bùng ngọn lửa phản chiến ở khắp nơi. Năm 1969, nhờ bức ảnh, Eddie Adams đoạt giải Pulitzer danh giá về ảnh báo chí.

Ác giả tất có ác báo. Tháng 5/1968, trong tổng công kích Mậu Thân đợt 2, khi Nguyễn Ngọc Loan đang điều binh khiển tướng tại Chợ Lớn, thì một chiếc trực thăng UH1B, chẳng biết xuất phát từ đâu, thuộc đơn vị nào, xuất hiện trên bầu trời bộ chỉ huy của Loan. Loan ra lệnh thả một trái khói màu tím để báo mục tiêu. Nào ngờ chiếc trực thăng đảo một vòng, nã rocket và xả đại liên xuống bộ chỉ huy của Loan, rồi bay thẳng về phía Biên Hòa.

Dư luận cho rằng, đó là chiếc trực thăng của quân đội Mỹ, được lệnh bí mật giúp Nguyễn Văn Thiệu trừ khử bớt tay chân của Nguyễn Cao Kỳ mà Nguyễn Ngọc Loan là đối tượng số 1. Sự cố này chỉ làm cho Nguyễn Ngọc Loan gãy chân, nhưng 4 viên đại tá thân tín của ông ta là Lê Ngọc Trụ, Đào Bá Phước, Phó Quốc Chụ và Nguyễn Văn Luận cùng với 2 trung tá Nguyễn Ngọc Xinh, Nguyễn Bảo Thụy chết ngay tại chỗ. Nhân cơ hội Nguyễn Ngọc Loan sang Úc trị thương, Nguyễn Văn Thiệu đã loại Loan ra khỏi các chức vụ để thay thế người của mình vào. Về lại Việt Nam, Nguyễn Ngọc Loan bị loại ngũ, và sống bằng chế độ trợ cấp dành cho cấp tướng về hưu.

Sau năm 1975, dư luận xã hội Mỹ không chấp nhận một kẻ sát nhân, một tội phạm chiến tranh như Loan, xua đuổi không muốn cho ông ta định cư. Năm 1976, hai dân biểu của đảng Dân chủ Mỹ là bà Elizabeth Holtzman và ông Harold Sawer, đã thay mặt "người đàn ông bị Loan hạ sát trên đường phố" kiện Loan như một tội phạm chiến tranh và yêu cầu trục xuất Loan ra khỏi nước Mỹ. Sau đó mọi việc đã chìm xuồng, bởi người Mỹ cũng không muốn khơi lại một vết nhơ mà họ từng can dự. Nguyễn Ngọc Loan mở một quán ăn nhỏ tại thành phố Springfield, tiểu bang Virginia, thường xuyên bị người chung quanh phản đối và xa lánh. Có người đã xịt sơn lên cửa quán của ông ta hàng chữ: "Ta đã biết ngươi là ai rồi".

Nguyễn Ngọc Loan chết năm 1998. Ông ta đã phải sống những ngày cuối đời trong sự cô quạnh, túng quẫn và ô nhục như thể phải gồng lưng trả nợ cho những tội ác đã gây ra trong chuỗi ngày nắm quyền lực trong tay


Phạm Gia