THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Hiển thị các bài đăng có nhãn ĐẢO. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn ĐẢO. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Sai hoàn toàn và không có giá trị pháp lý

Người thành cổ Quảng trị
TT - Thông tin Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ đưa bản đồ sai sự thật về quần đảo Hoàng Sa khiến công chúng còn chưa nguôi bức xúc thì trên trang Google Maps lại cung cấp một bản đồ không thể hiện đúng về đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc vẽ đường biên giới này quá sai lệch và thể hiện sự thiếu trách nhiệm của Google Inc khi vẽ đường biên giới chủ quyền quốc gia của Việt Nam.
Công ty Google Inc, có trụ sở tại Mountain View, California, Hoa Kỳ, mới đây đã cung cấp dịch vụ ứng dụng và công nghệ bản đồ trực tuyến miễn phí tại trang web http://maps.google.com/, trong đó đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã được vẽ với nhiều sai lệch nghiêm trọng.
Nhiều vùng lãnh thổ Việt Nam bị nằm bên kia biên giới
Trên bản đồ của Google Inc, hàng loạt địa danh trên lãnh thổ Việt Nam với diện tích lên đến hàng ngàn kilômet vuông đã bị vẽ nằm bên biên giới Trung Quốc. Sự sai lệch này kéo dài từ Apachải (tỉnh Điện Biên) cho đến TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh).
Một trong những điểm sai nghiêm trọng là đường biên giới đi qua TP Lào Cai. Theo đường biên giới (nét đậm, vạch liền trên ảnh - PV) được thể hiện trên bản đồ, gần một nửa TP Lào Cai bị dịch chuyển sang bên biên giới Trung Quốc gồm toàn bộ chợ Cốc Lếu, cầu Cốc Lếu, các trường Nguyễn Công Hoan, THCS Lê Quý Đôn...
Tại địa phận tỉnh Lào Cai, đường biên giới thể hiện trên bản đồ của Google đều bị vẽ lấn vào địa phận Việt Nam nhiều kilômetvới toàn bộ phần sông Hồng, từ Lũng Pô đến TP Lào Cai, đều thuộc về phía bên kia biên giới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Sùng Chúng cho rằng đây là một chuyện không thể tin được. Ông cho biết tỉnh Lào Cai mới đây đã hoàn thành việc phân giới cắm mốc biên giới Việt - Trung nên không thể chấp nhận việc có một bản đồ được cung cấp rộng rãi trên thế giới lại sai lệch nghiêm trọng như vậy.
Trên bản đồ trực tuyến này, hàng loạt cửa khẩu của Việt Nam cũng bị xê dịch. Cụ thể, các cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang), Tà Lùng, Trà Lĩnh (Cao Bằng), Tân Thanh (Lạng Sơn) đều bị vẽ nằm sâu phía bên kia đường biên giới nhiều kilômet. Đáng chú ý, theo bản đồ này, toàn bộ thác Bản Giốc của Việt Nam đều không còn nằm trong lãnh thổ.
Phần thác Bản Giốc thuộc địa phận nước ta đã được phân giới cắm mốc lại nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc với chú thích hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc và phiên âm tiếng Anh, khi dịch ra tiếng Việt là thác Đức Thiên. Trên bản đồ này không có bất kỳ chú thích nào về các địa danh trên thuộc chủ quyền lãnh thổ nước ta.
Ngoài ra còn hàng trăm khu vực và địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam cũng đã bị chia cắt theo bản đồ của Google Inc. Cách thể hiện bản đồ của Google Inc mang đến cho người xem bản đồ cách hiểu những địa danh trên không thuộc về Việt Nam.
Sai hoàn toàn
Ông Đỗ Viết Thi, phó giám đốc Trung tâm Biên giới và địa giới (Bộ Tài nguyên - môi trường), cho biết đường biên giới được thể hiện trên bản đồ của Google Maps là sai hoàn toàn và không có giá trị pháp lý.
Ngày 18-11-2009, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư về phân giới cắm mốc biên giới và hai văn kiện gồm hiệp định về quy chế quản lý biên giới và hiệp định về cửa khẩu. Hai bên đang làm các thủ tục để phê chuẩn theo pháp luật của hai bên. Hiện nay bản đồ phân giới cắm mốc hai bên đều đã in và trao cho nhau.
Về đường biên giới phân giới cắm mốc, ông Thi cho biết cơ bản được xác định theo công ước Pháp - Thanh trước đây và chỉ có một vài điều chỉnh nhỏ ở một số khu vực theo thỏa thuận từ năm 1999. Riêng đoạn Lào Cai, từ thượng cổ đến nay, biên giới Lào Cai chủ yếu theo sông, trên bản đồ và các cuốn Atlas của Việt Nam hoặc Trung Quốc đều vẽ như vậy.
Trung tâm Biên giới và địa giới đã kiểm tra và nhận thấy bản đồ của Google Maps có rất nhiều sai lệch. Rõ ràng nhất là sông suối, biên giới giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chủ yếu đi theo sông biên giới gồm sông Lũng Pô, sông Hồng, sông Nậm Thi, sông Ba Kết, sông Xanh, sông Chảy. Các sông này trên ảnh vệ tinh đều có thể nhận biết bằng mắt thường, đặc biệt là sông Hồng.
Nhưng trên Google Maps, hệ thống sông này đều có những đoạn bị vẽ sai. Đáng nói là đường biên giới từ xưa đến nay đều thể hiện giữa sông nhưng trên bản đồ Google Maps lại lấn lên phần đất liền vào sâu lãnh thổ Việt Nam. Tương tự, tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, đường biên giới đi theo sông Bắc Luân, sông Ka Long nhưng trên bản đồ Google Maps lại không vẽ theo các con sông này mà lấn vào phần đất liền Việt Nam.
Một điểm sai nghiêm trọng nữa là ngay trên ba lớp hiển thị (lớp bản đồ về đường sá, lớp ảnh vệ tinh, lớp địa hình) của bản đồ do Google Maps cung cấp có nhiều điểm sai lệch với nhau, giữa lớp đường sá thể hiện trong bản đồ so với lớp ảnh vệ tinh cũng có rất nhiều sai sót.
Vẫn theo ông Thi, bản đồ của Google Maps là bản đồ không có giá trị pháp lý vì không có tổ chức, quốc gia nào công nhận hay chịu trách nhiệm về tính chính xác của nó. Tuy nhiên, nguy hại ở chỗ bản đồ này được tung lên mạng nên những sai sót trên bản đồ sẽ dẫn đến hiểu lầm cho người xem bản đồ, nhất là những người không được tiếp cận đầy đủ thông tin về biên giới. Thậm chí có thể đặt câu hỏi Google vẽ bản đồ như thế này có dụng ý gì.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Đo đạc và bản đồ Việt Nam (Bộ Tài nguyên - môi trường) cũng khẳng định bản đồ này có rất nhiều điểm sai, những thông tin cung cấp từ bản đồ này không hề có tính pháp lý.
Bản đồ Google Maps không có căn cứ pháp lý
Bà Nguyễn Thị Hạ, phó trưởng phòng công nghệ và thẩm định, Cục Đo đạc và bản đồ Việt Nam, khẳng định đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã được thể hiện trên bộ bản đồ quốc gia, được ký kết theo nghị định thư về phân giới cắm mốc biên giới.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, bản đồ khi được phát hành trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả từ nước ngoài nhập vào, chỉ được công nhận có tính pháp lý khi và chỉ khi đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc chính xác như bản đồ đính kèm trên nghị định thư.
Như vậy, tất cả những đường biên giới thể hiện trên các bản đồ không tuân thủ theo đúng quy định này thì không có tính pháp lý và không được công nhận. Google Maps cung cấp bản đồ với đường biên giới quốc gia như trên mang tính chất trôi nổi vì không có cơ quan nào, quốc gia nào đứng ra nhận trách nhiệm về thông tin thể hiện trên Google Maps.
Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam chưa có xác nhận tính chính xác và đúng đắn về bản đồ trên, do đó bản đồ này không có tính pháp lý nên không có giá trị pháp lý về biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
MINH QUANG - XUÂN LONG

---------------------------

Về trả lời của Hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ:
Rõ ràng là chưa thỏa đáng
Ngày 17-3, Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ đã ra thông cáo báo chí trả lời việc Chính phủ và nhân dân Việt Nam yêu cầu hội sửa lỗi sai về thông tin liên quan đến vị trí quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ trực tuyến.
Thông cáo có đoạn viết: “Gần đây chúng tôi nhận được những lời phàn nàn về cách mô tả trên bản đồ thế giới, ở tỉ lệ mà khó cho chúng tôi đưa thông tin chi tiết về quần đảo nhỏ như Paracel Islands. Chúng tôi đã xem xét tình hình một cách cẩn trọng và nhận thấy rằng chỉ đơn giản biểu thị quần đảo bằng tên Trung Quốc và từ “China” mà không giải thích thêm có thể dẫn tới hiểu sai và hiểu nhầm.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ giải thích thêm trên các bản đồ khác như mô tả bên trên, hoặc sẽ bỏ đi mọi cách định danh (đối với vị trí này)”.
Tuổi Trẻ nhận thấy vẫn còn chữ Xisha Qundao (quần đảo Tây Sa) như tên chính thức của vị trí quần đảo Hoàng Sa, chữ “China” màu đỏ ở bên dưới thể hiện Trung Quốc đang sở hữu vị trí này.
Như vậy, ít ra Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ cũng đã thừa nhận có sai sót và đưa ra hướng sửa sai dù còn nửa vời, thậm chí là cực đoan, khi cho rằng “sẽ bỏ hết mọi định danh (đối với vị trí này)”.
Chúng tôi cho rằng nội dung trả lời này là chưa thỏa đáng. Rõ ràng hội không thể tự bào chữa cho sai sót của mình vừa qua là “chỉ đơn giản biểu thị” và đổ lỗi cho người xem là hiểu nhầm và hiểu sai. Không thể cố biện bạch là chỉ ghi chú theo hiện trạng bởi sự khinh suất, vô tình hay cố ý, của một tổ chức đã có bề dày cả trăm năm đã cho thấy một sự thiếu khách quan khoa học cần thiết, và tự nó không khỏi không bao hàm một thái độ chính trị thiên lệch..
Về hướng sửa sai, chúng tôi cũng cho rằng không thể chuyển từ một cực này sang một cực khác bởi mọi thái cực đều sai với sự thật. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là sự thật không thể chối cãi.
KHỔNG LOAN - ĐÌNH TẤN