Với mong muốn
nhân vật Nguyễn Hoàng được sớm nhìn nhận đúng đắn, đánh giá khách quan
để Tỉnh có kế hoạch tôn tạo và phát huy di sản thời Nguyễn Hoàng nên
UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ
chức hội thảo khoa học Quảng Trị - đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613).
Nhận thức được tầm quan trọng về vấn đề này cả ý nghĩa khoa
học lẫn thực tiễn, nên tham dự hội thảo có nhiều đồng chí lãnh đạo của
tỉnh Quảng Trị, huyện Triệu Phong, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện
Sử học, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng nhiều đại biểu cơ quan
Trung ương, nhiều tỉnh có gắn với thời kỳ Nguyễn Hoàng trấn nhậm vùng
đất Thuận Quảng. Đặc biệt là sự có mặt của nhiều nhà nghiên cứu về
Nguyễn Hoàng, đại diện cho giới Sử học trên cả nước: Hội Khoa học Lịch
sử Việt Nam, Viện Sử học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia
thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế;
cùng các nhà nghiên cứu ở Quảng Trị, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà
Rịa- Vũng Tàu… Nước ngoài có một tác giả Nhật Bản.
Xin
nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu, các nhà khoa học bấy lâu đã quan
tâm và hôm nay đến tham dự hội thảo với chúng ta.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Kính thưa toàn thể hội nghị!
Năm 2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá và Hội Khoa học Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về Chúa Nguyễn và vương triếu Nguyễn trong lịch sử Việt Nam
có 94 báo cáo của các nhà khoa học trong nước và quốc tế và vào tháng 5
vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ)
cũng tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề trên, có 20 nhà khoa học của
nhiều nước đến tham dự. Riêng chủ đề về Nguyễn Hoàng thì đây là hội thảo
đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị.
Do chủ đề và yêu cầu
hội thảo đã được xác định, nên trong số 43 báo cáo khoa học gửi đến
tham gia hội thảo, chúng tôi tuyển chọn được 33 bài là những kết quả
nghiên cứu mới, công bố đầu tiên để in vào tập Kỷ yếu. Các báo cáo này,
chúng tôi sắp xếp theo 3 nội dung:
- Quê hương, gia thế và sự nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng
- Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị
- Tư liệu, di tích và di sản về thời Nguyễn Hoàng
- Về quê hương, gia thế và sự nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng
Tham gia nội dung này có 12 tác giả, với kết quả nghiên cứu như sau:
Về tên gọi Gia Miêu Ngoại trang tuy sử sách không ghi xuất
hiện từ lúc nào, nhưng khi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Công
Duẩn, viễn tổ của chúa Nguyễn Hoàng là hào trưởng lớn ở Gia Miêu Ngoại
trang, huyện Tống Giang, lộ Thanh Hoá. Do vậy, tác giả Phạm Tấn cho rằng
cái tên "Gia Miêu Ngoại trang" chắc chắn là có từ thời cuối Trần và tên
đó vẫn không hề thay đổi cho đến tận bây giờ.
TS. Lê Ngọc
Tạo, cho rằng: Dòng họ Nguyễn Gia Miêu ngoại trang huyện Tống Sơn, phủ
Hà Trung, Thanh Hóa là một danh gia vọng tộc được bắt đầu từ Định Quốc
công Nguyễn Bặc có công phò nhà Đinh, có Nguyễn Công Duẩn là công thần
khai quốc trong khởi nghĩa Lam Sơn; có Nguyễn Kim người khởi xướng công
cuộc trung hưng nhà Lê.
Về miếu Triệu Tường, năm 1803, vua
Gia Long đổi thành Quý hương, Quý huyện và vua cho xây Nguyên Miếu tức
miếu Triệu Tường ở Gia Miêu Ngoại trang tại vùng núi Thiên Tôn, thuộc
trấn Thanh Hóa để thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng. Minh Mạng thứ 2
(1821), núi Thiên Tôn được phong tên là núi Triệu Tường. Năm 2007, Bộ
trưởng Văn hoá - Thông tin đã ra Quyết định công nhận Khu Lăng miếu
Triệu Tường là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Về tên gọi chúa Tiên, tác giả Lê Quang Thái mất công tra cứu nhiều nguồn tài liệu và có lưu ý đến bài viết Phổ hệ nhà Nguyễn trước thời Gia Long của Tôn Thất Hân đăng trên Tập san B.A.V.H năm 1920, cho rằng: Nguyễn Hoàng tự xưng là Tiên Chúa, vì “Chúa giống như tiên”. Ý kiến này có chính xác không, theo tôi cũng cần nghiên cứu thêm, nhưng tác giả cho rằng, trong sách Nam Triều công nghiệp diễn chí
in năm 1719. Thuật ngữ “Chúa Tiên” được tìm thấy và đã được nhắc đến 5
lần. Ngoài ra sách còn dùng các thuật ngữ khác như Đoan Vương, Nam Chúa
để gọi Nguyễn Hoàng.
Đánh giá về sự nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng có các ý kiến sau:
PGS.TS Nguyễn Minh Tường có nhận xét rằng: “ Mặc dù, xuất
thân con nhà võ tướng, nhưng ông thuộc hàng Nho tướng, tức vị tướng có
tài chính trị và có đạo đức lớn”, và tác gỉa đánh giá: “Xét theo quy
phạm tài năng và đạo đức của Nho giáo thì Nguyễn Hoàng có đủ cả 3 phẩm
chất: Nhân 仁, Trí 智, Dũng 勇 của một nhà chính trị lớn. Chính vì thế, theo tôi, ông đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ mà lịch sử giao phó: Vị Chúa Tiên – vị Chúa mở đầu tạo lập nên vùng đất xứ Đàng Trong, vùng đất phía Nam của quốc gia Đại Việt thời bấy giờ ”.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cũng đề cao vi trò Nguyễn Hoàng: “Đóng góp
lớn nhất của Chúa Tiên, theo quan niệm của chúng tôi, là trong
bối cảnh khốn khó và bế tắc của chính quyền Lê - Trịnh, đã
thực thi một chính sách tương đối độc lập, khai phóng và thân
dân, huy động mọi nguồn lực biến Thuận Quảng từ vùng đất đói
nghèo và hỗn loạn trở nên trù phú, năng động và an cư lạc
nghiệp, làm cơ sở cho việc triển khai chặng đường nước rút của
công cuộc mở cõi và định cõi của dân tộc Việt Nam ”. Và rất
xác đáng khi tác giả so sánh: “Chúa Sãi thực sự là một vị chúa
Nguyễn kiệt xuất nhất, một anh hùng mở cõi Việt Nam, nhưng sự
nghiệp kỳ vĩ của ông dường như tất cả đều đã được chuẩn bị
và sắp đặt bởi Chúa Tiên và bắt đầu từ thời Chúa Tiên”.
PGS.TS Đỗ Bang cho rằng: “Nguyễn Hoàng người có tầm nhìn vượt
thời đại của ông và không gian ông đang sống để đặt nền móng cho Đàng
Trong và tạo mối quan hệ thông thương với Nhật Bản”.
PGS.TS Trần
Thị Mai cũng có nhận xét tương tự: “Từ tầm nhìn phi thường của chúa Tiên
Nguyễn Hoàng, người Việt đã tiến những bước dài, vững chắc trên dải đất
Đàng Trong, tạo ra thế và lực mới cho công cuộc mở đất của các chúa
Nguyễn về phương Nam tiếp sau đó”.
Làm chính trị sắc bén
là phải biết nhạy cảm trước thời cuộc và vượt lên những người khác bằng
tầm nhìn của mình, PGS.TS Ngô Minh Oanh cũng thừa nhận: “Có được những
thành quả đó không thể không nhắc đến một tầm nhìn sáng suốt,
sự kiên định với mục đích đã chọn và phương sách tự cường khôn khéo của
Nguyễn Hoàng cũng như những đóng góp có tính khai mở của vùng đất Quảng
Trị”.
Nhà báo Nguyễn Hoàn của quê hương Quảng Trị đã chú ý đến đặc
điểm nhân văn của chúa Nguyễn Hoàng, cũng là một lợi thế của nhà chính
trị: “Nhờ biết giữ mình, lánh họa, vượt qua hiểm họa, chuyển họa thành
phúc, Nguyễn Hoàng đã đặt nền móng quan trọng cho công cuộc phát triển
Đàng Trong, mở cõi của các chúa Nguyễn, bắt đầu bằng việc đặt phủ Phú
Yên năm 1611. Từ năm 1611 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng đến năm 1757 dưới
thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, trong vòng 146 năm, đất nước đã được mở
rộng từ Phú Yên đến Cà Mau.
Sau sự kiện Phú Yên năm 1611, TS. Đỗ
Quỳnh Nga cũng có nhận định: “ Từ sự kiện này, chúa Nguyễn Hoàng không
chỉ là một quan chức của vua Lê giao trấn nhậm vùng Thuận Quảng mà là
một động thái tự thân “ bùng nổ” sau 53 năm (1558-1611) nung nấu về một
hoài bảo tự cường, nhất là sau khi được vua Lê trao thêm quyền cai quản
vùng đất Quảng (1570). Phú Yên được xem là một khởi động táo bạo, hợp lý
đầy tiềm năng trong bước khởi đầu thành lập Đàng Trong”.
Nhà nghiên
cứu Trần Đại Vinh nhìn Nguyễn Hoàng như soi vào một tấm gương sáng: “
400 năm trôi qua kể từ ngày Tiên chúa từ trần. Người đời sau soi lại
gương ngài vẫn không thấy có tỳ vết, vẫn sáng ngời phẩm chất vị chân
chúa khai sáng cả một vương triều, người đặt nền tảng vững chắc cho cơ
nghiệp họ Nguyễn ở Đàng Trong, là một danh nhân tầm khu vực Đông Nam Á,
xứng đáng vào hàng ngũ minh vương mở mang đất nước, chăm lo cho quân
dân, mãi mãi là vì sao tỏa sáng trên vòm trời nước Việt”.
- Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị
Đây là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
Trong nhiều lý do để Nguyễn Hoàng chọn Ái Tử làm thủ phủ,
nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho rằng : “Trong giai đoạn chân ướt chân
ráo ấy, chắc hẳn ông cho rằng đây là chỗ cắm chốt an toàn nhất, vì nó
không va chạm quyền lợi với bất cứ thế lực nào kể cả thế lực “chính phủ”
và “phi chính phủ”. Theo tác giả, nếu gọi Ái Tử bấy giờ là Thủ phủ thì
có lẽ không chính xác, vì quy mô xây dựng ở đây chỉ là một quân dinh
hoặc dinh trại”.
Tác giả Mai Khắc Ững cũng có nhận xét tương tự:
“Bởi chung quanh Trấn phủ mới khai sinh đang ở dạng doanh trại, tay chân
anh rể đã bài binh bố trận đâu ra đó rồi”.
Bí quyết của việc chọn
Ái Tử làm đất đứng chân, theo tác giả Nguyễn Xuân Hoa: “ thực chất việc
chọn Ái Tử để lập dinh trấn là Nguyễn Hoàng đã chọn một vùng đất mới để
làm đất khởi nghiệp, âm thầm xây dựng thực lực, thu phục nhân tâm để
chuẩn bị cho một chiến lược lâu dài khi có thời cơ”.
GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đã phân tích rất xác đáng về sự lựa chọn của
Nguyễn Hoàng qua sự kiện năm 1558: “Thuận Hóa thực sự là đất
“dụng võ” của Nguyễn Hoàng. Việc Nguyễn Hoàng chọn Thuận Hóa
hoàn toàn không phải là sự lựa chọn cho riêng cá nhân, hay một
mưu đồ cá nhân, mà có sự tham vấn của bậc trí thức hàng đầu
đất nước Nguyễn Bỉnh Khiêm, được sự chấp thuận và ủy thác
của cả chúa Trịnh và vua Lê, trong sự ủng hộ của nhiều quan
chức cao cấp ở cả Nam triều và Bắc triều và nhất là được sự
hưởng ứng của đông đảo dân chúng hai vùng Thuận Hóa và Thanh
Nghệ. Đây rõ ràng là một sự lựa chọn công khai, chuẩn xác vì
sự phát triển của vương triều Lê - Trịnh và của đất nước,
trong bối cảnh vô cùng rối ren và bế tắc ở giữa thế kỷ XVI”.
Điều băn khoăn của nhiều người trong đó có TS. Phan Thanh Hải
cho rằng: “Trên vùng đất mới, Nguyễn Hoàng không đóng lỵ sở tại các
trung tâm cũ của Hóa châu như thành Thuận châu hay thành Hóa châu mà ông
lại xây dựng trấn dinh ngay trên bãi cát trắng ở ngã ba sông Thạch
Hãn-Ái Tử. Từ đó cho đến khi ông qua đời, trung tâm quyền lực của đất
Thuận Hóa, rồi cả Đàng Trong chỉ di chuyển loanh quanh tại khu vực này.
Qua nghiên cứu, tác giả Phan Thanh Hải đã tìm được cho mình
lời giải của bài toán khó. Đó là vị trí chiến lược của vùng đất Quảng
Trị vào giữa thế kỷ XVI: “Chỉ đóng lỵ sở tại đây, Nguyễn Hoàng mới khống
chế được cả tuyến đường thủy bộ Bắc-Nam cả hành lang giao thông và giao
lưu kinh tế Đông-Tây (từ cửa khẩu Lao Bảo và các “nguồn” ở phía tây về
Cửa Việt). Đây là trung tâm cung cấp hồ tiêu và nhiều loại hương liệu
quý cho thị trường nhiều nước trên thế giới”.
Tuy nhiên, khi thế lực
của Nguyễn Hoàng đã lớn mạnh vấn đề mâu thuẫn Trịnh - Nguyễn lại càng
tăng và cả hai phía đều thấy nguy cơ tranh chấp là không tránh khỏi. Về
vấn đề này, tác giả Nguyễn Xuân Hoa phân tích rằng: “Sự có mặt của
Nguyễn Hoàng lúc nầy trở thành một trở ngại cho quyền lực của cha con họ
Trịnh. Có lẽ vì thế, đầu năm Canh Ngọ (1570) chính Trịnh Kiểm đã dâng
biểu xin vua Lê cho gọi Tổng binh Quảng Nam là Nguyên quận công Nguyễn
Bá Quýnh về (trấn thủ Nghệ An) và giao Nguyễn Hoàng kiêm quản cả hai xứ
Thuận Hóa, Quảng Nam, tạo cớ để Nguyễn Hoàng phải rời khỏi Thanh Hoa,
nhằm củng cố quyền lực độc tôn của dòng họ Trịnh bên cạnh vua Lê”.
Trong vòng xoáy của quyền lực và mâu thuẫn dòng họ, TS. Phan Thanh Hải
cho rằng: “Thực chất, cuộc ra đi của ông là sự đào thoát khỏi triều
đình, nơi đang xãy ra cuộc cạnh tranh khốc liệt về quyền lực giữa hai
dòng họ có công trung hưng lại triều Lê: họ Nguyễn và họ Trịnh. Nguyễn
Hoàng, người kế thừa của dòng họ Nguyễn phải tìm một phương trời mới để
dung thân và tạo lập cơ nghiệp. Trong bối cảnh đó, Thuận Hóa là cơ hội
và cũng là nơi thử thách ý chí và tài năng của Nguyễn Hoàng”.
Tác
giả Nguyễn Phước Tương cũng tán thành tư tưởng cát cứ của Nguyễn Hoàng
nhưng ở vào thời điểm muộn hơn: “Đến lúc này, Hữu Tướng Nguyễn Hoàng
nhận thấy rõ âm mưu thâm độc của họ Trịnh và mình khó tiếp tục trở thành
một bậc trung thần của vua Lê nên thấy không còn lý do gì nữa để lưu
lại ở Thăng Long. Nhưng để rời khỏi Kinh đô đối với ông không phải là
một điều đơn giản bởi vì Trịnh Tùng luôn luôn tìm mọi cách ngăn cản ông
quay về Thuận Quảng vì sợ “thả hồ về rừng”.
Các
tác giả Lê Ngọc Tạo, Vũ Thị Xuyến cũng đều nhận định: “ Nếu như sự kiện
Nguyễn Hoàng được kiêm trấn thủ Quảng Nam là mốc mở đầu cho ý đồ xây
dựng một thể chế cát cứ trên vùng đất phương Nam, thì lần ra Bắc cuối
cùng 1593 – 1600 càng khẳng định quyết tâm xây dựng một vương quốc riêng
biệt của Nguyễn Hoàng”.
PGS.TS. Đỗ Bang cho
rằng, Quảng Trị vừa là đất thách thức nhưng cũng là vùng đất tạo thời
cơ cho những bậc anh hùng trong đó có Nguyễn Hoàng, người đã dựng nên
nghiệp lớn: “Thuận Hoá trong buổi đầu quả là một thử thách sống còn về
năng lực cải đổi “ thiên thời, địa lợi, nhân hoà” mà Nguyễn Hoàng bằng
mọi giá phải vượt qua”.
“Hơn 55 năm dựng nghiệp chúa,
Nguyễn Hoàng nhiều lần ra bắc hầu vua Lê, gặp chúa Trịnh chung lo việc
trị nước an dân. Nguyễn Hoàng cũng đi vào miền núi Ngự sông Hương, qua
đèo Hải Vân vào miền đất Quảng khảo sát hình thế núi sông, xếp đặt lại
địa giới hành chính, nhưng ông vẫn chọn Quảng Trị để đóng đô và đã cân
nhắc qua 3 lần dịch chuyển”.
TS. Thái Quang Trung cũng
nhận xét: “Từ Thuận Hóa, bản đồ nước ta dần dần hình thành như ngày hôm
nay. Có thể nói, đến giữa thế kỉ XVIII, công cuộc mở đất phía Nam của
dân tộc đã hoàn thành. Trong sự nghiệp to lớn đó không thể không kể đến
vai trò của vùng đất dựng nghiệp Ái Tử”.
PGS.TS
Nguyễn Minh Tường rất đề cao phẩm chất chính trị của Nguyễn Hoàng: “Có
thể nói với tài năng chính trị lớn, với tính năng động và mềm dẻo của
mình, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã được lịch sử lựa chọn làm người đặt cơ
sở vững chắc cho sự hình thành và phát triển của xứ Đàng Trong”.
Về động cơ Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá là do trốn chạy, mưu đồ
cát cứ hay là một sứ mệnh cao cả, vấn đề này lại có nhiều ý kiến khác
nhau. PGS.TS Ngô Minh Oanh cho rằng: “Cũng không phải không có ý kiến
cho rằng, sức ép từ “ nguy cơ họ Trịnh ” không phải là nguyên nhân chủ
yếu của quyết định “nam tiến” của Nguyễn Hoàng, mà hành động đó là một
sự thể hiện “mưu đồ vương bá” trước hết là của cá nhân và sau đó là của
một dòng họ”. Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đã có một phân tích
khá mới mẽ: “ Chúng tôi đã kiểm tra lại các nguồn tư liệu và
nhận thấy sự kiện năm 1558, Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, không
phải là một cuộc trốn chạy, cũng không phải là một âm mưu xây
dựng cơ sở cát cứ chống lại triều đình Lê Trịnh, mà là thực
hiện một sứ mệnh cao cả của triều đình giao phó và trong thực
tế Nguyễn Hoàng đã hoàn thành một cách trọn vẹn trọng trách
với triều đình. Đây cũng là giai đoạn Nguyễn Hoàng mở rộng thêm
tầm nhìn, cách nghĩ, không loại trừ có những toan tính cá nhân,
nhưng những toan tính cá nhân đó không phương hại đến sự phát triển
chung của đất nước. Hơn thế, việc ông trở lại triều đình và có
đến gần chục năm tận tâm, tận lực phục vụ bên cạnh vua Lê,
chúa Trịnh, không chỉ thể hiện lòng trung thành, mà còn là sự
kỳ vọng vào khả năng thay đổi của chính quyền Lê - Trịnh trong
điều kiện đất nước đang đứng trước muôn vàn thách thức và vận
hội. Chỉ đến khi nhận thấy chính quyền Lê - Trịnh hoàn toàn
không thể đại diện cho sự tiến bộ, mà trái lại đang kìm hãm
gay gắt sự phát triển của xã hội, Chúa Tiên mới quyết định
trở về Thuận Hóa xây dựng chính quyền riêng, tự mình gánh vác
trọng trách xây dựng và phát triển đất nước”.
Công lao tạo
lập và phát triển vùng đất Thuận Hoá của chúa Nguyễn Hoàng được nhân dân
ở đây suy tôn làm Thần hoàng đã được Hoà thượng Thích Trí Hải xác nhận:
“chúa Nguyễn Hoàng được xem là vị tổng khai canh, đại khai khẩn của hầu
hết các làng quê ở đất Thuận Hoá, mà cho đến nay một số lớn các làng
quê ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đều tôn thờ chúa Nguyễn Hoàng cùng các
tuỳ tướng của ngài như những vị Thần hoàng, khai canh hoặc khai khẩn”
Phật giáo Thuận Hoá dưới thời chúa Nguyễn Hoàng cũng được nhiều tác giả
đề cập. Hoà thượng Thích Trí Hải đã phân tích: “ Ở đây tuyệt nhiên vắng
bóng những lý thuyết về vương đạo của Nho gia, những quy chuẩn khắt khe
của cung đình. Với một cơ cấu xã hội như vậy, dĩ nhiên đời sống văn
hoá, tín ngưỡng của cư dân Thuận Hoá chắc chắn không phải là đạo tu tề trị bình của Nho giáo hay thuật trường sinh của Lão Trang, mà chính Phật giáo với đạo lý từ bi, cứu khổ, vô ngã, vị tha mới là tín ngưỡng căn bản của họ”.
TS. Nguyễn Văn Đăng cũng phân tích cơ sở xã hội để Phật giáo Thuận Hoá
vào thời Nguyễn Hoàng thịnh hành: “thiếu vắng một ý thức hệ làm nền
tảng. Vì vậy, trong buổi đầu, Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên cần
phải đưa ra các chính sách an dân hợp lý để củng cố và ổn định lòng dân,
tạo cơ sở cho việc xây dựng một chính thể mới.
Do vậy, Phật giáo
thời điểm này trở thành chỗ dựa tinh thần nhằm để ổn định xã hội. Chúa
Tiên và cả những vị chúa sau này tỏ ra là rất sùng đạo Phật là vì thế.
Chúa Tiên cho dựng chùa Thiên Mụ năm 1601, sửa lại chùa cổ Sùng Hóa (Lại
Ân - Phú Vang), dựng lại chùa Long Hưng năm 1602, cho tiếp tục dựng
chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu (Quảng Nam) năm 1607, xây dựng chùa Kính Thiên ở
Lệ Thủy (Quảng Bình) năm 1609 Phật giáo được xiển dương, đi vào chốn
cung đình, được tô đắp dần và trở thành chất men gắn kết các yếu tố tư
tưởng khác trong phương sách an dân của chúa”.
PGS.TS Trần Thị Mai
cũng đã phân tích: “ trong chính sách quản lý của Nguyễn Hoàng và các
đời chúa Nguyễn kế nhiệm trên vùng đất mới đó là “cư Nho, mộ Thích” là
phương cách hiệu quả để củng cố quyền lực lâu dài trên vùng đất mới. Đây
là tư tưởng cai trị phù hợp và cởi mở hơn hẳn so với tư tưởng cai trị
dựa hẳn vào Nho giáo của chính quyền Lê – Trịnh đương thời”.
Đồng
tình với quan điểm là các chúa Nguyễn không độc tôn về tôn giáo, Nhà
nghiên cứu các tôn giáo phương Đông ONISHI của Nhật Bản sau khi khảo sát
chùa Thiên Tôn ở làng Đâu Kênh, huyện Triệu Phong đã có một nhận xét
khá thú vị, là các chúa Nguyễn ngoài sùng mộ Phật giáo còn chủ trương
phát huy Đạo giáo. Tác giả cho rằng: “Đồng thời chúng
tôi có thể khẳng định được là ngôi chùa này thờ Ngọc Hoàng thượng đế là
một vị thần cao quý nhất của Đạo giáo Việt Nam cững lâu dài”.
Thông
qua kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả có thể cho chúng ta thấy rõ
chính sách tôn giáo của chúa Nguyễn là đề cao Phật giáo, nhưng bên cạnh
đó Đạo giáo và Nho giáo vẫn được khuyến khích nên vẫn tồn tại trong đời
sống tâm linh và các quan hệ xã hội đối với người dân Thuận Quảng.
- Tư liệu, di tích và di sản về thời Nguyễn Hoàng
Về chủ đề tư liệu, di tích và di sản về thời Nguyễn Hoàng
cũng được nhiều tác giả quan tâm tìm hiểu và đề xuất xác đáng.
Có thể nói rằng qua hội thảo này, các tài liệu về Nguyễn
Hoàng ở trong và ngoài nước, các di tích, di vật có liên quan đã được
các tác giả khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu, giám định công phu trong đó
có đủ các văn bản của chúa Nguyễn Hoàng gửi cho Mạc phủ Nhật Bản, được
xem là văn kiện ngoại giao mở đầu cho quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản
đã được tác giả Võ Vinh Quang sưu tầm, nghiên cứu và đưa ra nhiều kiến
giải mới. Tác giả viết: “Chúng tôi đã may mắn phát hiện ra được một số
văn bản gốc của các bức quốc thư với hoa văn, chất liệu giấy
đặc trưng và dấu triện son rõ nét. Đây chính là những tư liệu chính xác
nhất làm căn cứ để bổ khuyết, hiệu chỉnh lại một số nhầm lẫn về tác giả
của các bức thư được nói đến”[1].
Thông qua nghiên cứu các văn bản này, tác giả Võ Vinh Quang cho rằng:
“từ năm 1570, khi nhận lãnh chức Tổng trấn Thuận Quảng đến lúc qua đời
(1613), chúa Tiên Nguyễn Hoàng vẫn dùng ấn triện Tổng trấn tướng quân chi ấn”. Và
Chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên đã đảm nhiệm chức quan Trấn thủ Quảng Nam
vào trước tháng 5 năm Hoằng Định thứ 2 [1601], nhưng đến năm 1602 mới
hợp thức hóa bằng văn bản, và sau này sử thần triều Nguyễn căn cứ vào
văn bản đó để ghi chép…
Sau nhiều lần khảo sát, chiêm nghiệm pho
tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, tác giả Hồ Vĩnh cho rằng: Tượng ngài Nguyễn Ư
Dĩ là một pho tượng tạo hình có nét điêu khắc đặc biệt liền khối nên
không có tiêu chí đối sánh. Nhìn vào thực tế, đây là pho tượng đẹp, quý
về chất liệu, có giá trị cao về mặt nghệ thuật và lịch sử.
TS.
Nguyễn Bình cũng đánh giá cao về pho tượng đồng có một không hai này và
đề xuất giải pháp bảo quản: “Đối với bức tượng đồng của ngài Thái phó
Nguyễn Ư Dĩ, đây là di sản có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, mỹ
thuật, văn hoá còn lại đến hôm nay, (đã được đưa vào danh mục trình Bộ
VH,TT & DL công nhận Bảo vật Quốc gia) nên cần có giải pháp bảo
quản, bảo vệ và phát huy giá trị di sản chu đáo. Trước mắt cần thiết xây
dựng lại ngôi miếu thờ (nơi đặt bức tượng đồng) cho khang trang, tương
xứng”.
Nhà cổ tiền học Nguyễn Anh Huy sau khi trưng dẫn các đồng
tiền thời chúa Nguyễn đã hết sức lưu ý đến hiệu tiền “Thái Bình”, ý
tưởng này có thể xuất phát từ thời Nguyễn Hoàng với bình luận như sau:
Sự nghiệp vào Nam “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của Thái tổ
Nguyễn Hoàng là để thoát khỏi sự bức hại của họ Trịnh, tạo tự do (“thái
bình”) cho mình.Vì thế, hai chữ “太平 (Thái Bình)” trên hệ thống tiền mà
các chúa theo lệ phải đúc…
Một công trình nghiên cứu công phu về các
dấu tích thời chúa Nguyễn ở lưu vực sông Thạch Hãn của Yến Thọ cho
chúng ta nhiều niềm tin nhưng cũng nhiều tín hiệu đáng buồn. Tác giả cho
rằng, phần lớn các di tích có liên quan đến thời chúa Nguyễn Hoàng nếu
không bị chôn vùi dưới lòng sông thì cũng đã biến mất như: địa danh Ghềnh phủ
- vốn là một bến thuyền, cảng thị mà các thuyền buôn tấp nập lui tới
buôn bán với Dinh Chúa, làm cho Dinh chúa “trở thành nơi đô hội” chỉ còn
thấy dấu vết bãi gốm sứ vỡ ken dày do sự xói lỡ của bờ sông mang lại. Phủ thờ
7 vị tiên vương (gồm: Tiên Vương, Công Thượng Vương, Hiền Vương, Nghĩa
Vương, Minh Vương, Ninh Vương, Võ Vương) vốn là công trình dinh thự
thuộc Dinh Cát được sử dụng lại sau khi thủ phủ nhà chúa chuyển từ Quảng
Trị vào Thừa Thiên (1626) mà đến thời kỳ đầu Gia Long “dấu tích hãy
còn” thì sau đó một thời gian đã bị xâm thực. Bãi Cồn Cờ, một
địa danh nổi tiếng thời chúa Nguyễn Hoàng nay đã biến mất. Cồn Cờ hiện
tại theo dân địa phương thì là khu vực trũng thấp sát mép sông. Ngôi
miếu Trảo Trảo thờ vị thần sông Trảo Trảo có công giúp cho chúa Nguyễn
Hoàng dùng “mỹ nhân kế” để chiến thắng quân Mạc Lập Bạo vào năm 1572 nằm
cạnh sông nay cũng đã xoá hết dấu tích.
Để bảo tồn, tôn tạo và phát
huy khu di sản lịch sử thời chúa Nguyễn Hoàng, TS. Nguyễn Bình, Chủ
tịch UBND huyện Triệu Phong Hồ Viết Hy và PGS.TS Đỗ Bang đều thống nhất
phương pháp và quan điểm về nghiên cứu và tôn tạo khu di tích chúa
Nguyễn tại Triệu Phong là cần có chương trình nghiên cứu lịch sử, điều
tra khai quật khảo cổ học toàn diện, công phu để tiến hành khoanh vùng
bảo vệ. Các ý kiến này đều cho rằng cần xây dựng Nhà lưu niệm và tượng
đài chúa Nguyễn Hoàng trên đất Triệu Phong mà Quảng Trị là nơi khởi đầu
cho tiến trình lịch sử “ Người mang gươm đi mở cõi” là xác đáng. Cần
quy hoạch các làng Tả Kiên, Hữu Kiên, Trung Kiên, Tiền Kiên, Hậu Kiên
nằm trong quần thể di tích của chúa Nguyễn vì các làng này đều đã thống
nhất lấy chúa Tiên Nguyễn Hoàng làm vị tiền khai canh của làng mình.
Các tác giả Nguyễn Bình, Lê Tân mong muốn huyện Triệu Phong sẽ có kế
hoạch đầu tư để hình thành lễ hội về chủ đề chúa Nguyễn Hoàng tầm cỡ
quốc gia và mang đặc trưng của vùng đất Thuận Hoá trong thời kỳ khai mở.
Từ đó, địa danh Ái Tử- 1558 sẽ được khôi phục thông qua các hoạt động
văn hoá sẽ trở thành điểm đến du lịch trên tuyến về vùng đất di sản ở
miền Trung.
TS. Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở văn hoá, Thể thao và
Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: “Kết nối việc nghiên cứu bảo tồn
và phát huy hệ thống di tích thời chúa Nguyễn ở Quảng Trị với hệ thống
di tích thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn ở Thừa Thiên Huế để thu hút du
khách và các nhà nghiên cứu quan tâm đến với một địa bàn có nhiều sự
kiện và nhiều giá trị văn hóa”.
- Một số vấn đề đã được sáng tỏ
- Về tên gọi Thái phó là cậu của chúa Nguyễn Hoàng, lâu nay sử sách do
phiên âm chữ Hán có dạng chữ gần nhau, nên không phân biệt là Ư Dĩ, Ư
Kỷ, Ư Tỵ, nay PGS. TS Nguyễn Minh Tường đã nghiên cứu công phu và đề
nghị từ nay nên thống nhất gọi là Ư Dĩ.
- Nguyễn Hoàng là người nắm
được thời cơ để phát triển kinh tế hàng hoá vùng Thuận Quảng và việc
Nguyễn Hoàng gửi nhiều thư cho chính quyền Nhật Bản và đã được đáp ứng,
chứng tỏ Nguyễn Hoàng là người đầu tiên thực hiện chính sách mở cửa và
cánh cửa được mở đầu tiên để đất nước phát triển là tại Quảng Trị.
-
Nhiều ý kiến cho rằng sự hình thành tư tưởng cát cứ của Nguyễn Hoàng
chỉ bắt đầu từ năm 1570 và bộc lộ rỏ nhất là sau năm 1600.
5. Một số vấn đề còn tồn nghi
- Việc Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá vào năm 1558 là do có lời khuyên của
Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” được nhiều tác
giả thống nhất, nhưng người được giao nhiệm vụ gặp Nguyễn Bỉnh Khiêm
thì chưa rõ: Nguyễn Ư Dĩ, mẹ của Nguyễn Hoàng hay một sứ giả khác ?
- Hầu hết các ý kiến cho rằng việc Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá vào năm
1558 là do tình thế bức bách qua lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng
cũng có ý kiến cho là việc Nguyễn Hoàng được cử vào làm trấn thủ Thuận
Hóa không phải vì lý do như sử thần nhà Nguyễn nêu ra mà chính bởi vị
trí cực kỳ trọng yếu của miền đất này đối với sự nghiệp trung hưng của
nhà Lê và do vậy là không có mâu thẫu giữa hai hị Trịnh- Nguyễn (Nguyễn
Đức Nhuệ).
- Nhiều ý kiến cho là Nguyễn Uông bị chết “mờ ám” là do
bàn tay của Trịnh Kiểm là xác đáng vì lúc đó quyền lực nằm trong tay họ
Trịnh nên không thể làm sáng tỏ được vụ án này, nhưng cũng có ý kiến
còn nghi ngờ về cái chết của Nguyễn Uông: “Nguyễn Uông bị hãm hại
cụ thể thế nào, hiện chưa thấy nguồn tư liệu nào nói đến”. Do
vây, việc Trịnh Kiểm có âm mưu hãm hại Nguyễn Hoàng nên buộc
ông phải xin vào trấn thủ Thuận Hóa để tránh họa sát thân,
việc này cũng chưa có chứng cứ xác thực (Nguyễn Đức Nhuệ).
-
Về pho tượng đồng mà nhiều người cho đó là của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, là
báu vật duy nhất còn lại cũng còn nhiều ẩn số: Nguyễn Ư Dĩ chết năm
nào, tượng đúc vào năm nào, nghệ nhân là ai và lò đúc ở đâu ? Trong khi
tài liệu không đề cập đến một lò đúc đồng nào xuất hiện ở vùng Thuận
Quảng vào thế kỷ XVI ? Pho tượng quý giá như vậy, trải qua hơn 4 thế kỷ
biến động, chiến tranh và cướp bóc nhưng pho tượng vẫn còn trong tình
trạng hầu như không có người bảo quản đó cũng là điều khó hiểu. 6 . Về những vấn đề cần thảo luận
Ngoài những vấn đề còn tồn nghi như tôi đã trình bày, tại hội thảo
chúng ta còn có nhiều nội dung cần được hội nghị quan tâm thảo luận như:
-
Về các nguyên nhân Nguyễn Hoàng vào Quảng Trị và những nguyên nhân đưa
đến thay đổi về chủ trương của Nguyễn Hoàng trong quá trình trấn nhậm
vùng đất Thuận Quảng.
- Đánh giá về
công lao cũng như hạn chế của Nguyễn Hoàng trong lịch sử dân tộc và mối
quan hệ với vùng đất Quảng Trị trong tiến trình lịch sử.
-
Vấn đề nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích chúa Nguyễn ở
huyện Triệu Phong trong định hướng phát triển du lịch hiện nay.
Trên đây là những gợi ý về các nội dung cần thảo luận tại hội trường, mong muốn được hội nghị quan tâm.
Kính thưa toàn thể hội nghị.
Do khuôn khổ thời gian có hạn nên không thể trình bày tất cả 33 bản báo
cáo khoa học trong các phiên trình bày tham luận và thảo luận, nên
chúng tôi chỉ mời một số tác giả đại diện cho 3 nhóm chủ đề: Thân thế và
sự nghiệp chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị và Tư
liệu, di tích Nguyễn Hoàng và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị lên phát
biểu, nhưng không quá 15 phút. Còn các tác giả khác cùng chủ đề sẽ tham
gia thêm những phát kiến mới, nhưng không quá 5 phát. Cuối mỗi buổi, sau
khi kết thúc các chủ đề hội thảo sẽ dành thời gian thảo luận. Có như
vậy, hội thảo chúng ta mới được nghe và thảo luận nhiều ý kiến mới và bổ
ích.
Với sự chuẩn bị công phu của các tác giả và với tinh thần
khoa học của tất cả quý vị, tôi tin chắc rằng Hội thảo khoa học Quảng
Trị - Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng sẽ thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn.
[1] Văn bản này hiện lưu trữ tại Nhật Bản Quốc lập công văn thư quán (National Archives of Japan) ở Nhật Bản và Cửu Châu quốc lập bác vật quán (Kyushu national Museum), .