Phần thứ tư
TIẾN TỚI TỔNG KHỞI NGHĨA
6) Lo việc thống nhất các tổ chức
cộng sản ở Nam Kỳ và lo việc
đặt lại liên lạc với miền Bắc
Triển vọng tươi sáng thật. Thế nhưng hãy còn một chấm đen trong tình hình tổ chức của Đảng ở Nam Kỳ, hãy còn một vấn đề, một vướng mắc, nếu không kịp giải quyết xong bây giờ thì sau sẽ có trở ngại : thống nhất cộng sản ở Nam Kỳ và nối lại với Trung ương.
Trần Văn Giàu trước Mur des Fédérés, nghĩa trang Père Lachaise Paris, nơi 147 chiến sĩ Công xã Paris đã bị giết chết và chôn tập thể ở chân tường. Ảnh chụp tháng 7.1989 (NNG).
Hồi 1942, 1943, khi anh Phúc đi Long Xuyên để tổ chức Tỉnh uỷ lâm thời ở đó thì nhóm của các đồng chí kỳ cựu của các đồng chí Nhung, Phẩm đồng ý liền, và Tỉnh uỷ lâm thời Long Xuyên được thành lập (chính cái Tỉnh uỷ này sẽ lãnh đạo khởi nghĩa lập chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945). Đồng chí Nhung là người đã vào Thanh niên cách mạng đồng chí hội hồi 1927, anh từ Ngã tư Vĩnh Long lên ở Long Xuyên và công tác ở đó lâu rồi. Hồi 1933-1934, khi Nhung còn ở Ngã tư (Vĩnh Long), tôi đã đến cùng anh hoạt động. Năm 1942, Nhung ở Long Xuyên thì tôi nhờ Châu Văn Giác lên bắt liên lạc với anh. Ở Long Xuyên khi ấy có một vài đồng chí không tán thành lập Tỉnh uỷ lâm thời với các anh Nhung, Phẩm. Nghe đâu ở Vĩnh Xuân, Trà Ôn cũng có một nhóm đồng chí mà Phúc tìm bắt liên lạc không được. Nghe Phúc báo cáo thì tôi sanh nghi là ở Nam Kỳ hồi 1933-1934, còn có vài nhóm cộng sản rời rạc, chưa lập thành hệ thống. Khác với Long Xuyên, ở Mỹ Tho, còn đồng chí cũ sau 1940, mà anh Khuy đã hợp tác với các anh em đó lập ra Tỉnh uỷ lâm thời một cách dễ dàng, ví dụ như Chín Còn, em của Hai Giác (Hai Giác là chồng của chị Mười Tốt - Nguyễn Thị Thập, còn gọi là Mười Thập). Giác là tử sĩ anh hùng trong cuộc khởi nghĩa 1940 ở Chợ Bưng). Chín Còn giống như Hai Giác, cao như cây tre, Tỉnh uỷ Mỹ Tho làm việc được tốt trong tinh thần thống nhất. Tôi nghe nói chị Mười Tốt vẫn còn có dấu hiệu hoạt động, tuy là bề ngoài chị đi buôn cám. Chị Mười quen biết với tôi khá nhiều từ hồi 1934-1935, khi ấy tôi làm Bí thư Xứ uỷ và chị Mười làm cán bộ cơ sở, tôi đưa chị xuống Phú Xuân, Nhà Bè đi gánh dầu để hoạt động trong công nhân. Tôi tin rằng anh Chín Còn tham gia Tỉnh uỷ Mỹ Tho cũng là được sự tán thành của chị dâu là Mười Tốt.
[Sau 9-3-1945, chị Mười còn ở Mỹ Tho, vậy mà theo một đoạn hồi ký của Thép Mới (in ấn năm 1995, nhân kỷ niệm cách mạng tháng Tám), có bài của Thép Mới nói rằng, tháng 3 năm 1945, có chị Mười và Dân Tôn Tử có mặt ở Bắc và Trường Chinh đã trao cho họ chỉ thị : “ Nhật-Pháp đánh nhau, hành động của chúng ta ”. Ôi ! Chị Mười khi ấy ở Mỹ Tho và Dân Tôn Tử (tức đồng chí Trần Văn Vi), ngày 10-3-1945, mới ra khỏi căng (trại giam) Bà Rá thì làm sao họ đem Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Đảng ngày 9 tháng 3 về Nam được ? Bịa như thế thì than ôi, cũng có người tin, hễ tin như vậy thì tất phải đặt câu hỏi : “ Tại sao được chỉ thị của Trung ương mà Xứ uỷ Nam Kỳ và anh Giàu không làm theo ? ”. Sao mà bày đặt ác thế ? Ác thế để làm gì ? Bịa trắng trợn, sao mà sách ở một nhà xuất bản lớn ở Hà Nội lại đăng ? Tai hại cho lịch sử quá].
Thành công của Dương Khuy ở Mỹ Tho trong việc lập Tỉnh uỷ cùng với Chín Còn, em chồng chị Mười Tốt (Mười Thập) có cái để mà phấn khởi. Riêng tôi thì, vào đầu năm 1945, tôi có đi Bà Điểm, Hóc Môn đến mấy lần. Vùng Củ Chi, Hóc Môn, Bà Điểm, tôi quen biết khá nhiều từ mười năm trước. Hồi 1933, khi tôi ở Liên Xô về, cái Đặc uỷ (ngang với Tỉnh uỷ) mà tôi tổ chức trước hết ở Nam Kỳ (trong sự cố gắng xây dựng lại hệ thống Xứ uỷ đã bị tan vỡ từ 1932), là Đặc uỷ Vàm Cỏ Đông, gồm các cơ sở Đảng ở quận Thủ Thừa (Tân An), quận Đức Hoà (Chợ Lớn) và quận Hóc Môn (Gia Định). Lúc ấy, tôi công tác với anh em Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân và nhiều đồng chí ở Bà Điểm, Hóc Môn trong khi đó chị Hai Sóc (người phụ nữ vóc vạc lớn), chú Voi, (người thanh niên rất nhỏ thó), anh Ngữ (em của Bùi Thủ là bạn thân của tôi hồi ở Toulouse, rồi ở Moscou), anh Đối (một tay nghề võ có tiếng ở địa phương), anh Mười Thinh (ở tại chợ Hóc Môn) và nhiều anh em khác mà tôi đã từng dạy học chính trị trong Khám Lớn, Sài Gòn, hồi thời Mặt trận bình dân. Tôi tin rằng nếu ở Nam Kỳ mà có một trung tâm chỉ huy nào (Xứ uỷ hay Xứ uỷ lâm thời), khác với Xứ uỷ chúng tôi thì nó phải đóng hoặc ở vùng Hóc Môn, Bà Điểm hoặc ở Mỹ Tho chứ không thể ở đâu khác. Mà ở Sài Gòn, ở Mỹ Tho thì dứt khoát là, cho đến đầu 1945, không có Xứ ủy, Tỉnh uỷ nào khác rồi. Chỉ còn Bà Điểm, Hóc Môn. Tôi lên đó thì được biết rằng còn một nhóm đồng chí hoạt động ít nhiều nhưng cũng không có Xứ uỷ Đảng Cộng sản. Tôi bàn với nhóm đồng chí đó là nên thống nhất với chúng tôi. Nhưng các đồng chí xem chừng không muốn, họ nói với tôi là bây giờ không tổ chức Đảng nữa mà chỉ tổ chức Việt Minh (?). Tôi lấy làm lạ và cho rằng có cái gì mới đây, và nếu các đồng chí nói đúng thì như vậy là “ chủ nghĩa thủ tiêu ” (tôi nói tiếng Pháp là “ liquidationnisme ”) tức là một màu chủ nghĩa quốc gia dân tộc chứ không phải chủ nghĩa Marx-Lenin nữa. Chủ nghĩa Marx-Lenin nào mà lại thay Đảng bằng Mặt trận, thay Cộng sản bằng Việt Minh ? Xứ uỷ Cộng sản thì tôi hiểu ngay chứ làm sao tôi hiểu được “ Xứ uỷ Việt Minh ”. Chỉ có thể có kỳ bộ Việt Minh nếu Việt Minh là một thứ Mặt trận phản đế. Hay là các anh ấy hiểu sai, hiểu lầm những chỉ thị nào đó của cấp trên của họ ? Nếu họ hiểu sai, hiểu lầm thì sẽ là may mắn, còn nếu như họ hiểu đúng mà đúng như vậy thì chết rồi, họ đi ngược với chủ nghĩa Marx-Lenin rồi. (Về sau, sau cách mạng tháng Tám tôi mới hay rằng nghị quyết của Hội nghị Trung ương năm 1941 chỉ thị phải đưa Mặt trận Việt Minh ra hàng đầu để cho sự tuyên truyền cổ động về chủ nghĩa yêu nước được triển khai dễ dàng, Đảng Cộng sản đứng bên trong mà lãnh đạo một cách khéo léo, chớ tuyệt nhiên không phải lấy Việt Minh thay Đảng Cộng sản 1). Tôi trở về Phú Lạc, nhờ Bảy Trân lên Bà Điểm điều tra thêm, Bảy Trân biết anh em, chị em Bà Điểm còn nhiều hơn tôi ; Bảy Trân đi về báo cáo cũng y như tôi đã nghe biết. Mới đáng lo chớ ! Nhưng, anh em Bà Điểm hồi đầu 1945, không có thực lực và không có hoạt động gì làm bọn tôi ngại, chớ nếu khuynh hướng “ thủ tiêu chủ nghĩa ” mà mạnh, dù một chút thôi, thì chắc là bọn tôi sẽ “ đấu ” dữ lắm, nghĩa là sẽ giải thích cho anh em chớ không thoả hợp, bọn tôi chủ trương là, y như trước nay, Đảng là Đảng Cộng sản, Đảng Marx-Lenin, còn Mặt trận có thể gọi là phản đế, dân chủ, Việt Minh, hay dân tộc, gì cũng được.
Tôi đi Bà Điểm lần thứ hai, thương lượng cũng không kết quả gì.
Tôi đi Bà Điểm lần thứ ba, sau cuộc đảo chánh Nhật độ tháng. Lần này thì thương lượng có kết quả. Tôi nghe nói một Xứ uỷ tự gọi là “ Xứ uỷ Việt Minh ” (của các anh em không muốn thống nhất với chúng tôi, vừa mới được thành lập ở Mỹ Tho, sau khi đồng chí Trần Văn Vi ở Bà Rá về). Vi ở trại giam Bà Rá mới về sau đảo chánh 9 tháng 3. Tôi (và nhiều anh em) biết rõ Vi là người mưu xảo, đâm bị thóc, thọc bị gạo. Nhưng anh này quả có tinh thần chiến đấu. Lâu nay tôi tưởng đâu anh này đã vượt căng (như bọn tôi, căng Bà Rá tuy ở xa hơn mà không khắt khe kỷ luật như căng Tà Lài), nhưng không ; Vi từ căng về mới đây thôi, sau đảo chánh Nhật, mà khi về thì vận động ngay lập Xứ uỷ riêng (tháng 4/1945), mặc dầu Nam Kỳ quả có Xứ uỷ từ tháng 10/1943, có ra báo, ra sách. Thương lượng có kết quả, tôi hết sức mừng khi hai Xứ uỷ đồng ý thống nhất với nhau. Để bắt đầu làm việc thống nhất đó, hãy làm một việc quan trọng chung với nhau là cùng ra một tờ báo. Tờ báo tên gì ? Tôi đề nghị lấy tên là báo Giải Phóng. Tại sao lấy tên Giải Phóng ? Nguyên là hồi 1933-1934, khi lập ra Đặc uỷ Vàm Cỏ Đông cùng với các đồng chí Tần, Nguyên, Năm Quảng, tôi đã cùng với các anh trong Đặc uỷ lập ra báo Giải Phóng, xuất bản hàng tháng, in xu xoa, có khi in ở Bà Điểm, có khi in ở Tân Phong, Tân Phú. Phần nhiều các bài xã luận đều do tôi viết. Bây giờ tôi đề nghị lấy lại tên báo Giải Phóng để cho có một sự nối tiếp truyền thống đoàn kết. Anh em đều đồng ý.
Tôi về Phú Lạc sắp đặt cuộc Hội nghị thống nhất.
Thất vọng ! Tôi về rồi thì anh em trong “ Xứ uỷ Việt Minh ” không đồng ý thống nhất nữa.
Tụi tôi liền mời đại biểu của “ Xứ uỷ Việt Minh ” xuống Trung Huyện (Chợ Lớn) tiếp tục thương lượng. Anh em Bà Điểm phái người xuống. Họp ở nhà cô Tám Đẹt (em gái của Bảy Trân và ở nhà vợ bé của Tư Ó – con trai bà Chùa). Ở hội nghị thì đồng ý tất cả cũng như lần vừa rồi. Nhưng về nhà thì không đồng ý nữa. Anh em Bà Điểm tự mình ra tờ Giải Phóng riêng và như vậy, từ nay tự gọi là phe “ Giải Phóng ” đối lập với phe “ Tiền Phong ” – tờ báo của Xứ uỷ Nam Kỳ, của Đảng Cộng sản, bọn tôi phát hành từ cuối 1943, đầu 1944. Đó, nguồn gốc của việc “ Tiền Phong ”, “ Giải Phóng ” là như vậy. Tôi không biết phải làm gì nữa để thống nhất.
Ông bà Trần Văn Giàu và mấy cháu họ ở Hà Nội (cuối những năm 1950) (ảnh tư liệu gia đình)
Vào tháng 4, tháng 5 năm 1945, Hà Huy Giáp vượt ngục ở Trung vào Nam nằm ở nhà thương tư Phạm Ngọc Thạch. Anh Giáp đồng ý với bọn tôi là phải tổ chức Thanh niên Tiền phong ; Giáp cùng chúng tôi đi giảng bài ở một số cơ sở lớp học Công đoàn và lớp học Thanh niên trí thức. Tôi nhờ Giáp làm cái việc thương lượng thống nhất mà tôi làm không được. Tôi nói rõ với Giáp là : với giá đắt mấy cũng phải thống nhất, cái giá đó có thể là tôi – Trần Văn Giàu – từ bỏ chức vụ Bí thư Xứ uỷ nếu bên kia đòi hỏi. Cũng không thành công. Vì sao ? Các đồng chí “ Giải Phóng ” trước hết là Vi và Dự nói : Giàu đầu hàng Pháp năm 1935, đã bán Deschamps cho mật thám Pháp ; Giàu là tay sai của Pháp ; ở Tà Lài, Giàu được Pháp biệt đãi ; Pháp tổ chức cho Giàu và đồng bọn vượt căng Tà Lài để phá cộng sản ! Cho nên Giàu lập “ Xứ uỷ Tiền Phong ” lấy cờ vàng sao đỏ làm cờ hiệu chống lại “ Xứ uỷ Việt Minh ” lấy cờ đỏ sao vàng làm cờ hiệu. Phe “ Giải Phóng ” báo cáo ra Bắc cũng y như vậy : Xứ uỷ của Giàu chống Đảng ! Tôi nghe đâu anh em ngoài Bắc có gửi Bùi Lâm vào Sài Gòn điều tra tình hình hư thật thì Bùi Lâm về đã nói y như “ Giải Phóng ” và nói thêm rằng “ Ngay cả thằng Giáp cũng bị thằng Giàu nó mua chuộc mất rồi ”.
Nói đến việc Bùi Lâm thì, luôn thể nói luôn vụ Ngoạn. Sau này tôi mới hay rằng, trước khi phái Bùi Lâm vào Sài Gòn để bắt liên lạc với các đồng chí trong Nam, thì Trung ương đã phái một đồng chí tên là đồng chí Ngoạn. Trước cách mạng tháng Tám, tôi không biết việc này, không biết người nào hết trong số ba đồng chí đó. Nhưng cái “ Xứ uỷ Giải Phóng ” đã lan truyền rằng Ngoạn bị bắt ở Sài Gòn gần nơi ở của Trần Văn Giàu. Không ai nói thẳng rằng Giàu chỉ chỗ Pháp bắt Ngoạn, nhưng họ ám chỉ rằng Ngoạn bị bắt khi ở nhà Giàu đi ra. Hay không ! Sau này tôi hỏi lại nhiều người thì được biết rằng, Ngoạn bị bắt cuối năm 1944. Từ mấy năm nay, sau khi vượt ngục, có ai biết nhà của tôi là ở đâu ? Tôi chưa được liên lạc nào với người của các nhóm sau này tự xưng là “ Giải Phóng ”. Vậy mà họ vẫn có thể bày chuyện để sinh ra nghi vấn rằng tôi là tay sai của Pháp chỉ điểm bắt người liên lạc của Trung ương. Khai bắt Deschamps, chỉ bắt Ngoạn là một loại việc làm như nhau thôi !
Bịa chuyện để vu cáo như thế, không còn cái gì trắng trợn, gian ác hơn ! Họ nói có, mình nói không ; lấy gì làm bằng cớ để mà cải chính ? May thay, có nhà nghiên cứu lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa : anh Giang, đã tìm thấy trong kho lưu trữ Sài Gòn tư liệu gốc sau đây, xin chép nguyên văn (photocopy)
Annexe à l’ envoi No7540-s du 27-10-1944 de S.S.Co.
ULTRA SECRET
Cochinchine
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Le 27 Octobre 1944 N°46
Exploitant les déclarations de BUI Van DU la Police Spéciale a appréhendé au début l’après-midi du 27 Octobre le Tonkinois NGUYEN Huu NGOAN dit NGUYEN Tien NGOAN agent de liaison entre les organisations communistes de la Cochinchine et du Tonkin.
P.S.Saigon.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Gặp MT 279
3. Hoạt động cộng sản. Địch bắt được Bùi Văn Dự và Nguyễn Hữu Ngoạn ở Sài Gòn.
4. Bắt được Nguyễn Hữu Ngoạn Nhà in Giải Phóng.
Dịch :
Ngày 27 tháng 10 năm 1944 số 46
Khai thác lời khai của Bùi Văn Dự, Sở Công An Đặc Biệt trưa ngày 27 tháng 10, đã bắt tên Bắc kỳ Nguyễn Hữu Ngoạn tức Nguyễn Tiến Ngoạn nhân viên liên lạc giữa tổ chức Nam kỳ và Bắc kỳ.
Có lẽ anh Lê Đức Thọ đã biết từ khá lâu tư liệu này cho nên trong Nghị quyết của Ban tổ chức về các vấn đề đòi giải oan của tôi, không thấy có kể vấn đề Ngoạn bị bắt. Nhưng vu cáo đồn đãi lâu ngày, có thể nào lấy cái “ im ” mà giải oan được ? Có cần chăng phải nói thêm rằng Bùi Văn Dự là lãnh tụ số 2 của “ Xứ uỷ Giải phóng ” sau Trần Văn Vi, là người đã dẫn đầu mấy ngàn tín đồ Hoà Hảo có vũ trang kéo vào Cần Thơ, tháng 9 năm 1945, đòi nắm chính quyền trên 7 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Dự bị ta bắt và được Hoàng Quốc Việt xin tha. Tập kết ra Bắc, Dự được làm một chức lãnh đạo ở Ban thống nhất, quản lý anh chị em miền Nam tập kết !!!
Rồi từ ngày Thanh niên Tiền phong xuất hiện, phe “ Giải phóng ” tặng thêm cho tôi (Giàu) một danh hiệu mới “ tay sai của Nhật ”, có người trong bọn họ giải thích : “ Đã làm tay sai cho Pháp được thì làm tay sai cho Nhật cũng được, chớ sao ”. Cái nhóm Trần Văn Vi, Bùi Văn Dự (Giải Phóng) đi tới mức cho người ám sát tôi bằng bất kỳ cách nào. Theo lời một người đồng chí tên là Võ Văn Thanh con của Võ Văn Tần ở Đức Hoà, khi ấy được lệnh của Vi hễ gặp Giàu thì có thể chém bằng mác, đâm bằng xà búp 2, giết chết một tên ở Tà Lài đã ngày ngày cùng sếp căng đi săn bắn, kiếm thịt rừng ăn nhậu ; ở căng Tà Lài cũng như ở bót Catinat đều nằm giường ruột gà, nệm dày một chống 3 !
Dựng đứng lên như vậy, mà than ôi cũng có người tin ! Về sau, gặp tôi, Thanh, cũng tên là Sáu Voi (Giám đốc Sở Lương thực Thành phố) thú nhận kể lại cái sự ly kỳ ấy. Hoàng Quốc Việt biết chán âm mưu đó, nên ở cuộc chỉnh huấn Việt Bắc, Việt nói với tôi, để bảo tôi “ khai thiệt ” rằng “ anh em để cho mình sống tới nay là may rồi ” thế là Việt cũng tin và đã ghìm rằng ở bót Catinat, Giàu nằm giường lò xo, nệm một chống ; ở Tà Lài Giàu xách súng đi săn, ăn nhậu với sếp Tây ; rằng Pháp tổ chức cho bọn Giàu vượt căng Tà Lài.
Thế là hết đường ! Giữa năm 1945, sau khi phái viên đầu tiên của chúng tôi là Lý Chính Thắng 4 ra Bắc tìm Trung ương về tới Sài Gòn thì chúng tôi được chỉ thị phái người ra Bắc họp Quốc dân đại hội. Xứ uỷ phái Giáp và Khiêm đi Việt Bắc để dự Hội nghị Quốc dân ở Tân Trào vì hai anh là xứng đáng đại diện, cũng vì hai anh cũng chưa làm công tác cụ thể gì, đi xa thì không phải khó tìm người thay. Còn tôi thì ở lại “ chịu trận ”.
Chán quá sức !
Có những phút tiểu khí lên cao, tôi tự bảo là có lẽ nên giao lại hết cho anh em mọi việc ở Nam Kỳ, ở Sài Gòn rút lui về Đồng Tháp Mười cùng vợ với một chiếc thuyền con, một giạ 5 gạo, một hũ mắm, một lu nước thả dọc sông Vàm Cỏ Tây, đậu dưới mấy cây bần gục trên mặt nước, giết thời gian bằng câu cá, bắt chim ; hoặc tích cực hơn một chút, một thân một mình lên Cao Miên hoạt động, trong mấy tháng học cho rành tiếng Miên, chữ Miên rồi vào Nam Vang, lên Biển Hồ, nếu muốn làm nổi sóng, nổi gió cho mau thì tổ chức đánh theo kiểu Giảo Kim cướp muối nhà Tuỳ, ai mà bắt mình nổi ? Làm cách mạng thì lâu dài, khó khăn, không làm giùm cho dân tộc bạn được, chớ đánh du kích nay đây mai đó, lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo, trừng trị kẻ gian ác, bênh vực người yếu hèn, thì khó gì đâu ? Tôi đã gợi ý với anh Kỉnh, gọi là “ Kỉnh Ấn Độ ” (vì anh này giống người Ấn) ; cũng gọi là “ Kỉnh bóng đèn ” (vì anh này cao nghều có khả năng giơ tay lên gỡ bóng đèn điện trên trần nhà), Kỉnh đã từng đi làm thuê trên xứ Chùa Tháp ; tôi cũng đã liên hệ với anh bạn trẻ Trang Văn Nhứt lúc ấy đang làm việc cảnh binh ở Nam Vang. Ở lại làm gì tại cái đất Nam Kỳ này để mang tăm mang tiếng, làm gì trầy vi tróc vẩy mà chịu hết vu cáo này đến vu cáo khác, phải chi là vu cáo của địch thì chẳng nói làm gì, đầu này lại là vu cáo của người cộng sản, đồng chí của mình thì ớn quá, chán quá !
Nhưng, vẫn còn những sợi dây vô hình buộc tôi lại với các bạn chiến đấu, hoặc đã chết, hoặc đang làm việc với tôi. Người chết quả có thế lực rất mạnh với người sống. Chú Văn râu xồm (Trần Văn Kiệt) học với tôi một trường, một lớp, hồi ở Chasseloup Laubat 6, cùng vào Đảng Cộng sản Pháp, cùng học ở Đại học Đông Phương, cùng ở căng Tà Lài, cùng vượt ngục ; nó chết rồi. Anh em thề thốt làm cách mạng đến thắng lợi. Bây giờ nó không còn, tôi đang làm bí thư, một nghĩa vụ, một gánh nặng, một trách nhiệm. Công việc cách mạng đang tiến mạnh ; mà bỏ cuộc à ? Biết bao nhiêu anh em đã chết rồi nhưng hình như họ sẵn sàng chê trách, phản đối tôi. Tôi không sợ Tây, không sợ Nhật, thì sợ gì bọn Biện Vi và Ba Dự ? Nhưng mà tôi sợ con mắt trách móc, phê phán của tụi bạn bè đã chết… Vả lại, Xứ uỷ không đồng ý với ý định tiêu cực xin từ chức của tôi ; anh em tỏ ý hoàn toàn tín nhiệm vào tôi. Thì tôi bỏ anh em sao được, tuy rằng đi Cao Miên cũng là tiếp tục làm cách mạng. Tôi bỗng nhớ rằng hồi cuối những năm 1920, ở Pháp, lúc đó tôi mới vào Đảng Cộng sản Pháp, có xảy ra vụ đồng chí Pierre Sémard 7, Tổng Bí thư bị vu cáo là nhân viên sở mật thám. Bọn vu cáo tính đánh một đòn chí tử vào đội tiên phong cách mạng ở nước Pháp. Tôi cũng có lúc nhớ (để mà tự an ủi) đến vụ Lenin, vâng, chính Lenin, bị bọn men-sơ-vích, bọn s.r. 8 và nhiều lũ khác vu cáo là tay sai của Đức vì Lenin được phép từ Thụy Sĩ qua nước Đức đang chiến tranh để về Nga sau cách mạng tháng Hai năm 1917. Nhưng, rốt cùng, bị lật mặt nạ chính là bọn vu cáo. Mình bị vu cáo mà mình bỏ đi thì kẻ vu cáo tự xem là đại thắng. Mình chết đi thì xem như mình thua cuộc. Tôi quyết định ở lại với anh em. Tôi hoạt động hăng hái hơn lúc nào hết. Tôi thiết tha với sự thống nhất các lực lượng cộng sản ở Nam Kỳ không phải vì “ Xứ uỷ Việt Minh ” hay “ Xứ ủy Giải Phóng ” thành lập tháng Tư năm 1945, có cơ sở hay quần chúng ; họ không có những cái đó, họ chỉ có từng lúc liên lạc với Bắc mà tôi chưa có. Tôi thiết tha là thiết tha với sự thống nhất của tất cả các người yêu nước cộng sản, vì Lenin từng dạy rằng phải giữ gìn sự thống nhất đó như giữ gìn con ngươi của chính mình. Tôi hiểu nhiều đồng chí trong đó. Tôi dốt gì mà không biết chắc rằng làm như các anh ấy thì chẳng bao giờ có cách mạng thành công ở Nam Kỳ đâu ; có sức đâu mà làm ? Thời cơ tốt thì anh em đó nhiều lắm là giành được chính quyền ở mấy làng, ở một vài quận là cùng. Tất nhiên không phải nhất thiết phải có các anh đó thì Xứ uỷ Nam Kỳ mới tổ chức và lãnh đạo được khởi nghĩa cách mạng, bọn tôi không tự cao tự đại mà có ý thức sâu sắc về khả năng của Xứ uỷ, của Đảng bộ mà chúng tôi xây dựng mấy năm nay, tiếp tục sự nghiệp lớn của các đồng chí đi trước. Không tự phụ mà chúng tôi tự tin lắm. Tôi (và tất cả các đồng chí cộng tác với tôi) sở dĩ hết sức thiết tha với sự thống nhất các lực lượng cộng sản ở Nam Kỳ, bởi vì theo nguyên lý của chủ nghĩa Marx-Lenin, Đảng Cộng sản phải là một ý chí duy nhất, không có bè phái, không có rạn nứt thì mới thật mạnh, mới khỏi bị kẻ địch lách mũi dao vào kẻ hở để phá phách, quần chúng khỏi hoang mang vì lẽ ông cách mạng này nói ông cách mạng kia là xấu, là gian. Chuyện phê phán nhau giữa Đông Dương, An Nam, hồi 1929 là một bài học lớn. May hồi đó có Nguyễn Ái Quốc. Bây giờ Nguyễn Ái Quốc còn sống không, nếu còn thì làm sao anh biết được mọi uẩn khúc ở Nam Kỳ ? Tôi ở địa phương, chẳng gì đi nữa thì cũng là một thầy giáo đỏ dạy hàng hai ba chục lớp về Đảng, về sự thống nhất là nguồn sức mạnh của Đảng Marx-Lenin phân biệt với các đảng xã hội dân chủ. Bây giờ mình thực hiện không nổi sự thống nhất thì “ năng thuyết bất thành hành ” 9 hay sao ? Anh em “ Giải Phóng ” hình như có liên lạc với Trung ương, mình thì chưa, họ báo cáo, anh em ngoài kia có hiểu cho mình không hay là hiểu rằng bọn mình chia rẽ, bọn mình là tay sai của Pháp, của Nhật ? Chúng tôi hối hả chạy tiền gửi Lý Chính Thắng ra Bắc. Rồi tiếp tục gửi đại biểu đi họp Quốc dân đại hội, Xứ uỷ Nam Kỳ vui mừng gửi hai đồng chí Ung Văn Khiêm và Hà Huy Giáp ra Bắc, mong rằng hai chiến sĩ kỳ cựu này có thể có đủ uy tín để báo cáo đầy đủ tình hình và sẽ mang về một sự thống nhất từ bên trên xuống, khi mà ở cấp xứ chúng tôi thất bại liên tiếp trong việc thiết yếu này. Nhưng mãi đến sau cách mạng thành công thì Ung Văn Khiêm mới về đến Sài Gòn, cùng đi với Hoàng Quốc Việt, một ông đã đứng về phía các bạn của Biện Vi, Ba Dự rồi !
Hãy ghi rõ điều này. Trước khi Hoàng Quốc Việt vào tới Sài Gòn, nghĩa là sau Tổng khởi nghĩa, sau ngày độc lập (chiều tối ngày 2 tháng 9), tôi và Xứ uỷ chúng tôi không có nhận được một chỉ thị nào hết của Trung ương. Nếu sau 9 tháng 3, tôi được đọc một vài tài liệu về Việt Minh ấy là tình cờ do giao thiệp cá nhân mà có. Không chỉ thị viết, không phái viên nào đến gặp chúng tôi để chỉ thị miệng, nghe nói có vài người vào mà các anh chị ấy không hề gặp Xứ uỷ và tôi. Sau, nghe nói có đồng chí Ngoạn vào Sài Gòn, đồng chí ấy bị bắt thì Trần Văn Vi và Bùi Văn Dự hô lên rằng tôi chỉ điểm bắt Ngoạn ở một địa điểm gần nhà tôi sau khi gặp tôi. Ghê chưa ? Hồi đó, tôi có nhiều nhà. Ai biết tôi ở nhà nào ? Và tôi chưa hề gặp một ai từ Bắc vào liên lạc, kể cả Bùi Lâm mà sau này tôi mới biết mặt. Chúng tôi chỉ tuỳ sức mình, tuỳ tình hình mà liệu công việc phải làm ; cho nên không thể không có sự khác biệt giữa Xứ uỷ chúng tôi và các quyết nghị của Trung ương, khác biệt nhiều khi quan trọng, nhưng không thể chối cãi rằng về mục tiêu lớn của Tổng khởi nghĩa cách mạng là đồng nhất.
Bây giờ hãy trở lại mấy điều vu cáo đầu tiên, kể theo thứ tự thời gian.
Không biết tôi sanh vào cái năm gì, nhằm cái ngày nào, cái giờ nào, mà riêng một khoảng đời chỉ vài ba năm, tôi bị liên tiếp mấy cái vu cáo, cái nào cái nấy lớn bằng trái núi, riêng mỗi cái thừa sức đè tôi nát như tương bầm.
Vu cáo thứ nhất : “ Ông Giàu bán Deschamps cho Pháp và khai bắt các đồng chí hồi tháng Tư năm 1934 ”.
Vu cáo thứ hai : “ Ông Giàu và đồng bọn được Pháp tổ chức vượt ngục Tà Lài năm 1941, để ra phá cộng sản, phá cách mạng ”.
Vu cáo thứ ba : “ Nhân viên liên lạc của Trung ương ở Bắc vào Nam, đến Sài Gòn, khi ở nhà Giàu đi ra thì bị mật thám bắt ! ”.
Vu cáo thứ tư : “ Ông Giàu là tay sai của Nhật, chủ trương lập Thanh niên Tiền phong ở Nam Kỳ để giúp Nhật làm chiến tranh Đại Đông Á ! ”.
Còn một số vu cáo khác nữa. Hãy kể bốn cái vu cáo lớn đó đã. Không phải giống như đánh một roi cá đuối vào lưng hay bị một trận đánh nhiều roi, đau ở lúc đó rồi thôi ; đầu này, bị vu cáo, nhất là vu cáo chính trị, thì tai tiếng kéo dài, không biết đến chừng nào dứt, người ta cứ xầm xì xầm xít, rỉ tai nhau, người nghe tin thì chưa chắc đã tin, mà không thì chẳng phải là không, ngờ ngờ, vực vực. Ba chữ “ có vấn đề ” thật vô cùng tai hại. Tất nhiên địch lợi dụng tình hình khoét sâu thêm chỗ chia rẽ tăng thêm, bày thêm ngờ vực ; dại gì mà không làm.
Tiếng đồn này dồn dập hồi đầu và giữa năm 1945, khi ấy tôi làm Xứ uỷ Nam Kỳ, đang cùng anh em xúc tiến mạnh sự chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Tôi thường nghĩ rằng, nếu hồi đó tôi chỉ là Bí thư của một chi bộ xã ở một xó Đồng Tháp Mười, thì chẳng ai vu cáo tôi làm gì, có khi lại còn được khen là chịu khó và được việc. Nhưng mà “ chữ tài lại với chữ tai một vần ”, “ đã mang lấy nghiệp vào thân ”, tôi đứng đầu sóng ngọn gió và công việc phát triển rất mạnh, nên bị vu cáo dồn dập. Cái thứ triết lý “ tài mạng tương đố ”, “ nghiệp quả ” là chỉ để nghe mà chơi cho nó bớt căng thẳng chính trị, chớ có nhằm vào đâu ? Còn như điều phải chú ý, phải không thể không chú ý, là, đáng lý trong một đảng cách mạng chân chính, tuy không nên xuề xoà che lỗi cho nhau, hẳn không nên quen cái thói đâm nhau đàng sau lưng. Không nên có sự vận động mờ ám hãm hại lẫn nhau. Hữu sự thì kiểm thảo, thì họp “ toà án đồng chí ” mà xét xử cho đâu đó rõ ràng, chưa rõ ràng thì tạm kết luận là chưa rõ, còn rõ thì có kỷ luật. Có đâu lại thọc gậy bánh xe, mà xe là xe cách mạng đang tiến nhanh. Thiếu gì đất trống để ai muốn khai phá tới đâu thì khai phá, quèo chân nhau làm gì, bôi lọ nhau làm gì, quèo chân người ta, người ta có ngã đâu, bôi lọ người ta, hàng triệu nhân dân có mất tín nhiệm người ta đâu, mà thường lệ, như người xưa nói, “ hàm huyết phún nhơn, tiên ô tại khẩu ”, ngậm máu phun người trước dơ miệng mình. Dơ miệng họ, tất nhiên, mà cũng lấm áo mình. Chúng tôi chẳng khi nào đi nói xấu bất cứ một điều gì, bất cứ một ai của nhóm Giải Phóng, tuy ở đó không phải mọi việc, mọi người đều hoàn hảo, không phải không có người cũng đứng đầu mà có tai tiếng và tai tiếng có bằng cớ rõ ràng nữa ? Mà bên Xứ uỷ Tiền Phong có bao giờ hở môi đâu ? Sao không chút nghĩ rằng, làm chuyện vu cáo thì ít nhiều cũng là làm lợi cho quân thù, làm hại cho cách mạng ? Hoặc chính thằng Pháp nó gài bẫy cho ta mắc chân vào thì nó cười hì hì ? Mà giá thắng Giàu nó chịu đòn không nổi, nó khai cho Deschampes và anh chị em đồng chí đi nữa, mà rồi ở trong nhà tù, nó dạy anh em học, nó tìm cách vượt ngục và nó tiếp tục hoạt động không nản chí, thì đáng lẽ phải khuyến khích nó chớ sao lại đâm lưng, đâm hông nó ? Ích gì ? Để thoả mãn cái tính gì ? Tính đó chắc hẳn không có gì là yêu nước, là cách mạng, là cộng sản. Những người có vai trò quan trọng trong công tác mà bị địch bắt giam, tra khảo, nhất là khi cùng bị bắt lại có đông người, mấy ai được như Trần Phú ? Mấy ai không khai, không nhận gì hết ? Còn như không hề bị bắt, hoặc có bị bắt mà không bị tra tấn, hoặc ít bị tra tấn, đối chiếu, vì lẽ này hay lẽ khác, nên khai ít, nhận ít, thì xin chớ tự cao tự đại, lên mặt lên mày, kết án người này người kia để đề cao mình.
Sự thật trong vụ Deschamps năm 1935 như thế nào ?
Giàu có nằm bệnh viện ở bót Catinat không ? Làm gì có chuyện đó ? Nếu có thì ai thấy ? Kể tên một người xem ! Nó ở truồng nằm xà lim Catinat hơn 4 tháng. Ai được biệt đãi thì nói người ấy, sao lại bảo là Giàu ? Lúc đó ở xà lim Catinat có hàng chục anh em, giấu ai được ? Vì sao mà Deschamps bị bắt ? Giàu có bán Deschamps không ? Hồi 1935 báo La Dépêche của De Lachevrotière 10 có viết như vậy ; tôi có đọc. Nhưng Tây nó viết thì tin là đúng hay sao ? Hồi đó anh em ở bót Catinat ai cũng biết, người bị bắt mà được Tây ưu đãi không phải là Giàu. Giàu vẫn trần truồng chịu còng, chịu muỗi trong xà lim số 4, như tất cả mọi người. Ở bót, ai ra sao, bị tra tấn tới mức nào, khai báo cái gì, không ai giấu ai được. Qua Khám Lớn lại càng rõ hơn. Vì hễ ai khai cho ai thì cả hai đều bị Tây đem ra cho giáp mặt với nhau. Không một ai là người đồng chí Việt Nam trong vụ Deschamps này đã giáp mặt với tôi tại bót hết. Sáu Vi, Mười Tốt, v.v… hai anh chị này sau thuộc nhóm “ Giải Phóng ”. Bảy Trân, các anh Phúc, Đức, Khuy, v.v. sau này ở trong Xứ ủy, cùng vụ Deschamps với tôi, có ai nói tôi bán Deschamps đâu, có ai không tín nhiệm tôi đâu, chính họ bầu tôi làm bí thư Xứ uỷ đó ; Châu Văn Giáp, Phan Văn Đại, Nguyễn Hữu Thế cũng vậy, trong vụ Deschamps có ai bảo rằng tôi đầu hàng Tây đâu, họ vẫn hợp tác chặt chẽ với tôi về sau. Sau khi từ Catinat về Khám Lớn có kiểm điểm. Có ai tố cáo là tôi bán Deschamps và khai bắt anh chị em đâu ! Tôi có trách nhiệm gì trong vụ bắt này không ? Nói là hoàn toàn không thì không đúng. Tôi không bằng Trần Phú, cái đó thì quá rõ rồi. Báo La Lutte lúc đó cũng viết như vậy. Nhưng bảo rằng tôi bán Deschamps, khai bắt anh em thì sai, không đúng, không đúng chút nào. “ Bán ” để được cái gì ? – Để được cái không được ân xá trong suốt thời kỳ Chính phủ Mặt trận bình dân, trong lúc hàng trăm tù chính trị và tuyệt đại đa số anh em trong vụ Deschamps (trừ ba : Giàu, Thế, Vi) đều được về trước khi mãn án ? – Để được tống đi trại tập trung sau chín ngày mãn án về nhà ? Lên Tà Lài tôi được trăm phần trăm anh em tín nhiệm, bầu làm đại diện. Vượt ngục, lập lại Xứ ủy, trăm phần trăm đại biểu hội nghị bầu tôi làm bí thư. Trong số đại biểu này có bốn, năm đồng chí nguyên là trong vụ Deschamps.
Vậy ai khai bắt Deschamps ?
Có ai trong những người lãnh đạo Xứ bộ Nam Kỳ hồi 1935 “ bán ” Deschamps không ?
Tại sao người liên lạc của Đảng Cộng sản Pháp bị bắt ?
Nói người này, nói người kia thì bằng cớ ở đâu ? Trong những vấn đề loại này rất khó mà chứng minh. Nhưng cuối cùng rồi cũng vẫn có thể làm sáng tỏ vấn đề. Tôi nghe phong phanh rằng, hồi 1952, ở Nam Bộ có cuộc chỉnh huấn ; rằng trong cuộc chỉnh huấn này có một đồng chí đã nhận hồi năm 1935, chính mình đã khai bắt Deschamps. Hồi 1952 đó, hình như Ban Tổ chức Trung ương Đảng có điện hỏi Xứ uỷ (hay Trung ương Cục) về vấn đề này thì được điện trả lời rằng, khai bắt Deschamps không phải là đồng chí Giàu mà là một đồng chí khác. Tôi không được đọc bức điện. Nhưng có mấy đồng chí được đọc, và họ có can đảm nói lên sự thật ấy trong vài cuộc họp hội nghị cán bộ bàn về lịch sử Đảng bộ thành phố Sài Gòn. Tôi mừng lắm, nên có viết thơ cho người đã được đọc điện của Ban Lịch sử Đảng thành phố Sài Gòn, người đó là Lưu Phương Thanh (Phó trưởng ban Lịch sử Đảng thành phố Hồ Chí Minh).
Tôi xin chép lại ở đây bức thơ của Lưu Phương Thanh trả lời cho tôi :
Kính gửi : Đồng chí Trần Văn Giàu
Thưa đồng chí,
Chúng tôi nhận được thơ của đồng chí hỏi về vụ Deschamps. Vì quá bận rộn mãi tới nay mới viết thơ này trả lời đồng chí được.
Cơ quan chúng tôi không làm công tác tổ chức nên không lưu hồ sơ thuộc về lý lịch của các đồng chí, mà chỉ lưu một số tư liệu có liên quan đến tiểu sử một số ít đồng chí có cương vị lãnh đạo trước đây tại thành phố để nghiên cứu.
Về vụ Deschamps chúng tôi có đọc một tư liệu hiện lưu tại văn phòng Trung ương Đảng, trong đó có một bức điện của Xứ ủy Nam bộ điện trả lời Trung ương hỏi, có nói rõ việc khai ra Deschamps là một đồng chí khác chớ không phải đồng chí Trần Văn Giàu.
Chúng tôi thiết nghĩ Trung ương đã biết rõ việc này thì đồng chí khỏi lo gì. Đảng không đánh giá sai đảng viên.
Kính chúc sức khỏe đồng chí.
Lưu Phương Thanh
Phó Ban nghiên cứu lịch sử Đảng
Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh
Phó Ban nghiên cứu lịch sử Đảng
Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh
Ký tên (đóng dấu)
1.7.1983
“ Đồng chí khỏi lo gì ” : cám ơn đồng chí Thanh.
Về vấn đề này thì đúng là từ ấy tôi hết lo !
Nhưng trước đây không lo sao được ?
Tôi định tới 75 tuổi sẽ viết một hồi ký về những năm 1940-1945, giải quyết mấy vấn đề lịch sử cá nhân. Nhưng hồi 1980-1981, tôi bị cấp cứu tới ba lần. Lo chết mà hàm oan chưa được giải. Cho nên tôi mới viết thư cho Thanh. Chẳng những viết thư cho Thanh tôi còn viết thư cho Bảy Trân mà gia đình ở Phú Lạc đã chứa chấp, bảo vệ tôi nhiều lần, mỗi lần khá lâu. Vùng quê của Bảy Trân đã chứng kiến nhiều hội nghị tôi tổ chức ; ở đó, tôi quen tất cả, biết mọi người. Tôi bị bắt hai lần, lần tháng 10 năm 1933 ; lần tháng 4 năm 1935, trước đó cũng đã lui tới ăn ở tại vùng Bảy Trân mà câu hỏi đầu tiên của mật thám khi chúng bắt được anh là : “ Anh ở đâu ? ”. Tôi không lần nào làm phiền gia đình và chòm xóm của Bảy Trân khi tôi bị bắt. Tôi nghĩ rằng Trân có thể là một nhân chứng của vụ Deschamps, trong đó Bảy Trân và mấy anh em nhà cũng bị bắt giam. Tôi viết thư cho Trân :
“ Đồng chí Trân,
Người bảy mươi tuổi hiếm có. Mà bác và tôi đều đã quá bảy mươi, nghĩa là gần đất xa trời lắm rồi. Mấy năm nay, tôi bị cấp cứu mãi, trước khi đi theo Cụ Hồ, Cụ Tôn tôi muốn làm rõ một vài vấn đề chính trị của cá nhân để nhắm mắt yên ổn và để con cháu khỏi thắc mắc vì lời qua tiếng lại.
Vụ Deschamps xảy ra hồi tháng Tư năm 1935, cách đây gần 50 năm rồi, mà vẫn còn mấy điểm mờ. Hồi trước cách mạng tháng Tám, Trân còn nhớ, có một nhóm người nói rằng, tôi, Trần Văn Giàu, khai bắt Deschamps, nhân viên liên lạc của Đảng Cộng sản Pháp và khai bắt nhiều đồng chí khác. Tai tiếng đến nay chưa hết.
Trân là người trong vụ Deschamps. Đồng chí biết gì về việc khai bắt Deschamps thì xin đồng chí viết ra rõ ràng. Giàu có phải chịu trách nhiệm việc Tây xuống tàu Félix Roussel bắt Deschamps không ? Nhờ đồng chí nói thật kỹ. Trần Văn Giàu tuy không can đảm tuyệt vời như Trần Phú, nhưng có đến đỗi phụ bạc lòng tin của gia đình, làng xóm Bảy Trân đã đùm bọc tôi nhiều năm không ?...”
Tôi được thư trả lời sau đây của Trân (thư viết tay, bản thảo tôi còn giữ) :
“ Tôi Nguyễn Văn Trân, bí danh Xồi, năm nay 77 tuổi, cán bộ hưu trí hiện ngụ ở 468/19 Võ Di Nguy, phường 3, Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, là một đảng viên kỳ cựu, có tham gia các phong trào cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, từ 1930, sau khi học trường Đại học Đông Phương ở Moscou khoá 1927/30. Nay tôi còn nhớ rõ nội vụ Complot Giàu-Dứt-Deschamps, tháng Tư năm 1935 như sau : trước cái năm 1935, đồng chí Trần Văn Giàu ở đóng trong gia đình bà con dòng họ tôi tại vùng Phú Lạc gần xã Đa Phước, xã An Phú và xã Phong Đước, để công tác lãnh đạo cho Đảng Cộng sản mà tôi có nhiệm vụ bảo vệ, bố trí chỗ ở đóng. Đồng chí Trần Văn Giàu ở vùng tôi rất lâu, bà con họ hàng tôi ai cũng biết, và coi đồng chí Giàu như ruột thịt, cảm mến và thương yêu như bà con trong họ. Khi vụ Deschamps đổ bể, Đảng bộ bị bắt bớ, có một số đồng chí, thậm chí Trung ương Đảng, nghi là vụ bắt bớ đồng chí Deschamps là do đồng chí Giàu khai báo, phản phúc. Sự thật là vô cùng oan ức cho Giàu, mà sự bắt bớ đó do D. tức L. đi học ở Liên Xô về, do Giàu chỉ thị tôi lên rước D. tại nhà Huỳnh Tấn Phát, kiến trúc sư ở đường Legrand de la Liraye góc đất Thánh Tây 11 Sài Gòn, đem về Phú Lạc bố trí ăn ở nơi các nhà bà con họ hàng tôi và tham gia công tác Đảng với chúng tôi. D. đi công tác, bị bắt, bị tra tấn, chịu không nổi mà khai báo, nên các cơ sở bị đổ vỡ, khai bắt luôn Deschamps. D. dẫn một bầy lính kín xuống xét bắt các nhà chứa nuôi và cộng tác gồm mẹ, dì ruột, mợ, cậu, con cậu dì và anh em ruột tôi cả thẩy mấy chục người, không từ người nào, bị tra tấn, bị tù… Cơ sở liên lạc tin cậy lâu nay của Đảng là chùa Cao Đài của dì Bảy tôi bị hết. Chớ đồng chí Giàu không hề khai báo một ai, ở vùng này mặc dầu ở lâu, biết nhiều người, cơ sở. Sau D. cũng phản tỉnh, thú nhận là anh bị tra tấn, chịu không nổi mà khai thôi, khi Giàu ra tù vẫn tiếp tục xuống và hoạt động lại ở vùng tôi, mọi người đều chứa chấp, nuôi dưỡng coi Giàu như ruột thịt. Cho tới bây giờ, Giàu già, về hưu mà mọi người đều cảm phục, nhớ thương, nhắc nhở, mời mọc về quê luôn ; họ gọi Giàu là thầy Sáu Trắng…”.
Những bức thư trên, bất đắc dĩ tôi mới chép ra đây, nguyên tôi chỉ muốn giữ làm gia bảo, nhưng bây giờ tôi sắp theo Cụ Hồ rồi, chẳng còn ai nói rằng tôi kiếm cách để trở lại quyền vị ; mà phải làm sáng điều còn tối, nên ghi lại đó thôi. Trong công việc làm cách mạng có một số bạn vô tình mà hiểu lầm, và, than ôi, cũng có một vài người cố ý bày chuyện, hay vẽ thêm để hạ anh em hòng được quyền vị. Hạng ấy chẳng đáng kể, nhưng quả là những con sâu làm sầu nồi canh !
Hai bức thư của Thanh và của Trân nói đã rõ, nhưng chưa hết.
Theo chỗ tôi (Trần Văn Giàu) biết, biết chắc lắm, thì ngay cả đồng chí D. tức L. cũng không phải là nguyên nhân đầu tiên của việc bắt đồng chí Deschamps và một số đồng chí Việt Nam hồi tháng 4 năm 1935. Hồi 1935, sau khi bị bắt, trước khi bị đưa ra toà, Vi, Dựt, tôi (Giàu) và sau đó hỏi ý chị Mười Tốt (sau này là Nguyễn Thị Thập), chúng tôi nhất trí với nhau rằng thủ phạm vụ này là thằng thợ Sáu, cũng gọi là Sáu Nhỏ. Thợ Sáu, người Quảng Nam, vào Sài Gòn không rõ từ hồi nào, nói là làm thợ máy và thật ra thì y cũng biết máy ô-tô chút đỉnh. Một hôm, chúng tôi còn ở Khám Lớn (vụ trước) thì Sáu và hai người nữa bị bắt ở Xóm Chiếu vì rải truyền đơn cộng sản, họ bị tù ba đến sáu tháng. Ai vô tù, bọn tôi cũng huấn luyện chính trị. Vi (Trần Văn Vi tức Biện Vi) lo dạy học cho ba tay thợ mới vào. Trong ba tay này, Sáu nhanh nhảu hơn hết, chịu huấn luyện đến nửa năm đã có thể làm một cán bộ trung cấp. Vi và Sáu mãn tù gần cùng một lúc. Ra tù, Vi hoạt động tại Sài Gòn, cộng tác mật thiết với Sáu. Vi làm Xứ ủy viên, Sáu làm cán sự thành, sau đó kiêm cả liên lạc quốc tế vì nó biết nói chút ít tiếng Pháp, tiếng Quảng Đông ; hàng ngày nó đối phó là chồng chị Mười Tốt, khi ấy làm việc ở hãng dầu Phú Xuân mà nhà thì ở Bàn Cờ. Trước khi tôi phụ trách cả Bí thư Xứ ủy và liên lạc quốc tế (những mối liên lạc này chủ yếu do tôi tạo lập từ khi tôi ở Moscou về Sài Gòn). Sau đó, Dựt ở Tàu về Sài Gòn, tôi giao liên lạc quốc tế cho Dựt (1934), và Vi giới thiệu thằng Sáu Nhỏ cho Dựt để lên xuống tàu trực tiếp với các đồng chí Pháp, Trung Quốc, chớ để Dựt trực tiếp thì dễ lộ bí mật lắm. Công việc bình thường, tàu bè qua lại, báo cáo chỉ thị và tài liệu gửi đều. Tôi ra nước ngoài vài tháng. Khi tôi trở về Sài Gòn, tháng 3 năm 1935, thì Sáu Nhỏ đón tôi ; có Vi có Dựt nữa. Vi bảo Sáu Nhỏ đem tôi gửi tạm một nơi trước khi bố trí chỗ ở lâu dài. Sáu Nhỏ đem tôi lại ở nhà anh sốp-phơ của một thằng Pháp xếp hãng rượu Bình Tây, thằng Pháp thì ở đường bây giờ là Võ Văn Tần ; sốp-phơ của nó ở Bàn Cờ, từ đường Verdun (bây giờ là Cách mạng tháng Tám) vô không đầy một trăm thước, một căn phố gỗ lợp ngói, nhà không có ống nước, phải xài nước giếng. Tôi về nhà mới một buổi tối, liền đã sanh nghi, bởi vì không rõ người bên cạnh là ai mà vách bổ kho 12 cho phép người bên cạnh trông sang và nghe nói. Không thể ở được. Tối hôm đó, tôi ngồi ngoài sân, sân không đèn điện, chỉ có đèn trời, thấy người nhà bên cạnh ra cùng ngồi chơi mà sao anh ta lại chọn hai chỗ ngồi lạ lùng, ngó thẳng mặt và ngó cạnh mặt. Chắc nó nhìn theo hình chụp ở bót để xem tôi là ai, có đúng đối tượng nó phải bắt không ? Đêm ấy tôi không ngủ, đợi tới khuya, lúc có người ta đi gánh nước thì tôi mặc quần xà lỏn, xách gàu, xách thau ra giếng. Với ý định là “ giông ” với cái xà lỏn đó, lẩn vài phút trong bụi rậm của Bàn Cờ, trong xóm ngõ quanh co như trận đồ bát quái thì thánh mà tìm ra ! Nhưng, tôi vừa đặt gàu xuống miệng giếng thì một bầy lính kín đến còng tay tôi. Bị bắt lần này khác với hai lần trước, cò không hề hỏi tôi vậy tôi ở nhà ai, ai đem lại ở nhà đó, chủ nhà làm gì, tên gì. Cũng không thấy Tây nó bắt chủ nhà và thằng thợ Sáu. Thế là rõ. Mười ngày sau, Deschamps và một đồng chí Trung Quốc (làm tàu khác) bị bắt. Thợ Sáu vẫn an toàn ! Anh ta lại vào thăm tụi tôi khi tụi tôi bị thành án. Lạ một điều, theo lời chị Bảy Huệ (sau đó là Phó trưởng Ban Tổ chức), thợ Sáu vẫn tiếp tục hoạt động và nhà nó lại là chỗ tá túc của một số anh chị em ta đang công tác ! Chị Bảy Huệ nói rằng, lúc đó anh chị em đã nghi ngờ sự đi về của thợ Sáu mà không biết gì rõ hơn.
Đầu đuôi là như vậy. Tụi tôi Vi, Dựt, Giàu đều tính chắc rằng thằng Sáu là người của Sở Mật thám gài vào. Vậy thì chuyện rải truyền đơn bên Xóm Chiếu năm trước là một sự giả mạo, một cái bẫy. Mà tụi tôi, nhất là Vi, không điều tra rõ lý lịch của Sáu ; lại ai nấy đều thích có một anh thợ máy trong hàng ngũ để làm công vận cho nên Sáu mau lên, lên cao, thế mới chết ! Chính nó làm ra cớ sự. Chính nó dâng Deschamps (và đồng chí Trung Quốc mà tôi quên tên) cho Tây. Mối liên lạc mà tôi dày công đặt từ đầu 1933 bỗng bị đứt đoạn. Có lẽ theo dõi báo Tây, anh em đồng chí Đảng Cộng sản Pháp thắc mắc về tôi, sao khỏi ? Nhưng, các đồng chí ơi, có phải tại tôi đâu ? Việc đã đổ bể, bây giờ nói tại anh này thiếu cẩn thận, anh kia thiếu điều tra, ích gì ? Ngay tôi là một thằng không phải không có chút mưu trí, tại sao tôi nghe lời Vi để cho thợ Sáu dẫn tôi lại một nhà người tôi chưa hề biết, vào một nhà tôi chưa hề tới ? Sao tôi lại ngốc đến thế ? Sao tôi không về Phú Lạc, Bàu Lăng, Chợ Gạo, thiếu gì chỗ ?
Đầu đuôi như vậy. Deschamps bị bắt, không phải tại tôi, chắc chắn cũng không phải tại Dựt mà do thợ Sáu, Sáu Nhỏ là nhân viên của Sở Mật thám chui vào hàng ngũ của ta.
Ấy vậy mà, khi cần đạt một mục đích “ chính trị ”, mục đích phá hoại hay cản trở công tác đang phát triển mạnh của Xứ ủy Nam Kỳ mà chính tôi làm bí thư thì người ta đồn đại, báo cáo rằng “ Giàu bán Deschamps ”, “ khai bắt đồng chí ”. Bán để được cái gì ? Để không được “ ân xá ” suốt từ 1936-1939 khi hàng trăm, (hàng ngàn) anh em, chị em được ra tù ? Để ở hết án không thiếu một ngày ? Để khi mãn tù, ra được chín ngày thì lại bị bắt đem đi trại tập trung ?
Vu cáo ghê gớm quá ! Đê hèn quá ! Nhưng trong đảng bộ Nam Kỳ, trong Xứ ủy Nam Kỳ, không ai không tín nhiệm tôi. Cho nên tôi quyết tâm đền đáp cái nghĩa lớn ấy bằng cách dám hy sinh tất cả, suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ quê hương. Nếu có những phút yếu đuối, muốn “ thôi cho rảnh ”, muốn, “ đi nơi khác làm ăn ”, thì đó chỉ là tạm thời, thoáng qua.
Vu cáo lớn thứ hai : “ Tây tổ chức vượt ngục Tà Lài của Giàu ”. Lý do : “ Mọi đoàn người vượt ngục đều bị bắt lại, chỉ có Giàu và đồng bọn thoát khỏi ”.
Vu cáo này được truyền ra ở Nam Kỳ sau cái vu cáo tôi vừa trình bày ở bên trên, và trước một ít cái vu cáo rằng Giàu là tay sai của Nhật, nó phổ biến nhất là vào giữa năm 1945, mà người ta đã xầm xì xầm xít từ đầu năm kìa sau khi biện Vi ra khỏi căng Bà Rá và lập “ Xứ ủy Việt Minh ” ở Mỹ Tho với năm, ba đồng chí mà anh ta là bí thư.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Hoàng Quốc Việt (quần áo sẫm), viện trưởng Viện kiếm sát nhân dân tối cao, tiếp phái đoàn VKSNDTC Trung Quốc.
Sao lạ vậy ? Vượt ngục được là nhờ Tây tổ chức ! Lý do gì mà “ hay ” đến thế ? Trước nay, biết bao cuộc vượt ngục thành công ? Tưởng đâu là chuyện tầm phào bậy bạ của vài anh chàng nào đó không đáng quan tâm. Thế mà, đến cuộc chỉnh huấn hồi mùa đông 1951-1952 ở Tân Trào, ông Hoàng Quốc Việt 13, một đêm, – người ta có cái thói “ hỏi cung ban đêm ” –, tôi được Việt mời lên văn phòng của ban phụ trách. Có mặt Việt, vài anh cố vấn Tàu trẻ bân, một phiên dịch cho cố vấn, Việt hỏi tôi :
– Sao, hồi 1941 anh ra khỏi căng Tà Lài như thế nào, nói lại hết cho chúng tôi nghe. Pháp nó tổ chức cho anh đi làm sao, kể lại cho rõ, cho đúng. Người Nam Bộ anh hùng, có gì nói nấy, không sợ ai, đúng nói, sai cũng nói. Nói đi !
Nghe Việt bảo, như sét đánh bên tai ! Nói thật, nếu không phải là chỉnh huấn, nếu là ngày thường mà Việt bảo như vậy, tôi sẽ đặt cho anh một câu hỏi : “ Anh hỏi thật hay nói chơi ? ”. Nếu Việt trả lời “ thiệt chớ ”, thì tôi đã cất cái mũ văn nhân của tôi vào túi rồi. Đó là vào năm 1952, hơn chín năm sau cuộc vượt ngục Tà Lài, bảy năm sau khởi nghĩa tháng Tám ! Như vậy là người ta từ đó đến nay vẫn không trông thấy cái phi lý của lời vu cáo ở nhóm “ Giải Phóng ” của biện Vi mà ra. Trái lại, anh em phụ trách tổ chức và lãnh đạo vẫn ngờ vực rằng Pháp tổ chức cuộc vượt ngục Tà Lài của tôi ! Trời ơi là trời !
Có cái điều khá hài kịch trong cái chuyện bịa này là Hoàng Quốc Việt không rõ đã học của ai cái thứ khiêu khích trẻ con này : “ Anh là người Nam Bộ anh hùng, có gì nói nấy, không giấu giếm, nói cái sai của mình là một sự can đảm ; nói đi, Pháp nó tổ chức cho anh vượt ngục thế nào ? ”. Cái thứ khiêu khích trẻ con còn được kèm theo sau đó một sự đe doạ ; cũng không lấy gì làm “ người lớn ” : “ Anh em người ta để cho mình sống tới nay thì may lắm rồi ! Hãy nói thật đi ! ”. À té ra Việt và một bọn nào đó đã có tính “ khử ” tôi thật ! Mà khử chưa được, hoặc còn do dự ! Việt nói tới đây thì tôi đã nổi giận xung thiên rồi. Nhưng đây là chỉnh huấn, với phương châm là thành thật, nói theo lối Tàu khi ấy là “ thực sự cầu thị ”. Biết đâu người ta chẳng có gì ác ý mà thành thật, vậy ta hãy cứ bình tĩnh mà trả lời. Tôi đáp :
“ Anh Việt à !
Vượt ngục Tà Lài lần đó không phải chỉ có mình tôi, có nhiều anh em, trong đó có cả Tô Ký, bây giờ là khu trưởng kiêm chính uỷ Khu 7, là người trong phe “ Giải Phóng ”. Vậy các anh điện hỏi Tô Ký đi ! Hỏi thêm Phúc, Đức, Khuy, Tỵ, hàng chục anh em cùng ở căng Tà Lài, cùng vượt ngục, cùng công tác và bây giờ nếu còn sống mà tôi biết là còn sống thì đều có cương vị lãnh đạo cả. Hỏi đi thì rõ, chớ vu cáo tôi, mạt sát tôi như thế, giữa rừng Tân Trào này, tôi thanh minh cách nào được, chỉ có “ thề ” mà thôi, mà “ thề ” thì tin sao được ? ”.
Việt “ quần ” tôi mãi tới quá nửa đêm !
Sáng hôm sau tôi ra ngồi bên bờ sông Đáy gần đó. Ngẫm nghĩ mà cười cho đời ! Mình hy sinh hết tuổi trẻ của mình (năm 1952 này tôi đã 41 tuổi) bỏ cha mẹ, vợ con, gia tài, ra đi làm cách mạng ; lúc không còn mấy ai gánh vác việc nước, việc Đảng, mình liều thân ra gánh vác và gánh vác được, khởi nghĩa thành công, để rồi bị Hoàng Quốc Việt và những người phụ trách tổ chức bảo rằng Pháp tổ chức cho mình vượt ngục để phá cách mạng ! Trước mình, trong lịch sử Việt Nam và thế giới, sau mình, đã có và còn mấy người ? Tôi đã học sử ; tôi đã đọc vô số truyện trung nịnh, chân giả, thì tôi còn lạ gì với cái vụ vu cáo mà tôi đang bị. Dù sao một câu hỏi từ đêm qua lởn vởn trong đầu tôi : “ Đời còn đáng sống không ? ”. Có chim, có cá rồi, thì ná nơm nếu chưa nhúm bếp thì cũng dễ mọt ăn. “ Đời còn đáng sống nữa không ? ”. Sông Đáy 14 không như sông Lô, sông Thao ; nó cạn quá ; mùa này ít nước quá, xăn quần lội qua được. Vả lại, người chết là người thua, người chịu thua, vô tình đó là chịu nhận cái bịa là cái thật. Tôi lại về trại, tiếp tục ngồi vào tổ kiểm điểm.
Chắc là Việt đã có dịp để hỏi Tô Ký và anh em khác nữa rồi, cho nên tôi mới được yên. Hay là “ khỏi lỗ vỗ vế ” 15 ta có quyền vu cáo, vu cáo rồi, thấy sai cũng không cần đính chánh đính phó gì cả, cái thói chỉnh huấn kiểu Mao là như thế ! Thảo nào mà tôi nghe Nguyễn Khánh Toàn kể lại khi chỉnh huấn ở Diên An có khối đồng chí kỳ cựu đâm đầu xuống giếng tự tử. Mà giếng ở Diên An thì sâu lắm !
Chuyện vượt ngục Tà Lài rõ quá ; vượt ngục vì sao, vượt ngục với ai, vượt ngục để làm gì, tôi đã kể rõ. Không cần nói lại. Vu cáo tới mức đó, mà xem vu cáo dễ như chơi, như đùa. Những kẻ vu cáo, khiêu khích, hăm doạ như kiểu họ Hoàng và tay chân của ông ta thì cứ điềm nhiên như không có trách nhiệm gì. Sau khi giải phóng được nửa nước (1954), Tào Tỵ, Tô Ký, v.v… cựu trại viên Tà Lài đều có mặt ở Hà Nội. Sao người ta không bảo các anh làm sáng tỏ vấn đề ? Phúc ở lại trong Nam không tập kết mà vẫn liên lạc được dễ, sao không đánh điện hỏi Phúc ? Tưởng chừng như người ta cứ muốn để lơ lửng cái vu cáo khốn nạn để cho người bị vu cáo càng khổ thì họ càng bằng lòng, chớ họ không chịu nhận là đã nói bậy, nói láo có toa rập với nhau. Làm gì có việc ông Giàu đi săn nai, săn heo với sếp Tây nhậu nhẹt trong lúc anh em ở trong căng khốn cùng, làm gì có chuyện Pháp tổ chức cho Giàu, Tô Ký, Phúc (Dương Quang Đông), Văn, Trung, Nhâm, Đức, Giác trốn ra để phá Đảng Cộng sản ? Dựng đứng lên như vậy mà có một vài ông lớn tin mới là lạ cho. Anh em Tà Lài đến nay hãy còn sống hàng mấy chục người, họ đã chết hết đâu ?
1 Chủ nghĩa thủ tiêu : Vì những lí do lịch sử của Đảng xã hội Nga trước Cách mạng tháng mười (đấu tranh giữa phe bôn-sê-vic và phe men-sê-vic), danh từ “chủ nghĩa thủ tiêu” đã trở thành một điều cấm kỵ tuyệt đối (hao hao giống khẩu hiệu “đổi mới mà không đổi màu” của phe bảo thủ trong ĐCSVN đầu thập niên 1990). Người ta hiểu tại sao Trần Văn Giàu chống lại chủ trương “thay đảng bằng Việt Minh” (một cách hiểu méo mó chủ trương Mặt trận dân tộc thống nhất của Nguyễn Ái Quốc, từ những người trước đó đã được nhồi sọ về “chủ nghĩa dân tộc” mà Nguyễn Ái Quốc bị quy kết). Và cũng hiểu thêm những khó khăn mà Hồ Chí Minh gặp phải ở Moskva khi Stalin tra hỏi tại sao đã “ giải tán Đảng cộng sản ” (thực ra là rút vào vòng bí mật) và hạch sách “ giữa cái ghế của giai cấp vô sản và cái ghế của giai cấp tư sản, đồng chí chọn cái ghế nào mà ngồi ? ”).
2 Xà búp : cái chĩa dùng để đâm cá. (còn có nghĩa khác : búp non, (tĩnh từ) ngang bướng).
3 Giường ruột gà, nệm dày một chống : người biên tập đoán mò (sau khi tham khảo các từ điển phương ngữ Nam Bộ không ra, và gửi “meo” tứ phương) là giường có giát (sommier) bằng những dây lò xo nhỏ (như ruột gà), nệm (matelas) thì dày bằng một chống tay (15 cm ?!!!). Rất mong được các thức giả chỉ giáo.
4 Lý Chính Thắng : tên là Nguyễn Đức Huỳnh (1917-1946) quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, hoạt động ở Nam Bộ, tham gia thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Tháng 3-1945 được phái ra bắc để liên lạc với Trung ương, trở về kịp thời. Kháng chiến bùng nổ, ông hoạt động trong ngành giao thông liên lạc vùng Sài Gòn. Bị giặc Pháp bắt, tra tấn, mất tại bệnh viện Chợ Rẫy ngày 30.9.1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh ngày 25.4.1949 truy tặng Lý Chính Thắng huân chương Độc lập hạng nhì (theo Từ điển Nhân vật Lịch sử).
5 Giạ : đơn vị đo lường dung tích truyền thống ở Nam Bộ, thường dùng để đong lúa gạo, muối. Thay đổi từng vùng, chính quyền thực dân Nam Kì quy định là 40 lít, nhưng có nơi một giạ chỉ bằng 20 lít.
6 Thời thuộc địa, Chasseloup Laubat là trường trung học dành cho nam học sinh người Pháp, dân Tây hay con cháu những gia đình khá giả (giống Lycée Albert Sarraut ở Hà Nội). Thời kì 1954-1975, đổi tên là Jean-Jacques Rousseau, dạy theo chương trình trung học Pháp. Sau 1975, thành trường trung học Lê Quý Đôn.
7 Pierre Sémard (1887-1942) : lãnh đạo công đoàn và cộng sản, bị phát xít Đức giết hại. Từng giữ chức vụ tổng bí thư Đảng cộng sản Pháp (1924-1928), ủy viên Ban bí thư Quốc tế Cộng sản. Cuối thập niên 1920, có lời xì xầm ông làm cho mật thám Pháp. Buồn bực, ông xin rút khỏi những trách nhiệm chính trị, chỉ hoạt động công đoàn.
8 men-sơ-vich, sr : cùng với bôn-sơ-vích (tiếng Nga là đa số), men-sơ-vich (thiểu số) và S.R. (xã hội cách mạng) là những xu hướng trong đảng xã hội Nga (1905-1917). Xu hướng bôn-sơ-vich (của Lenin) liên minh với phái tả của S.R., làm Cách mạng tháng mười, loại trừ men-sơ-vich, rồi S.R.
9 năng thuyết bất thành hành : nói giỏi, làm không thành.
10 De Lachevrotière : Henri Chavigny de Lachevrotière (1883-1951) là nhân vật thế lực trong giới thực dân ở Nam Kỳ. Sinh tại Sài Gòn, con một nhà quý tộc Pháp đã sống ở thuộc địa Bắc Mỹ và Trung Mỹ trước khi tới Nam Kỳ, mẹ là một phụ nữ Việt Nam gốc Bắc Kỳ. Chủ tờ báo Pháp ngữ La Dépêche d’Indochine (lớn nhất Đông Dương, số in 3500), chủ đồn điền cao su ở Campuchia và Nam Kỳ. Lập trường thực dân kiên định, từng luận chiến kịch liệt với André Malraux và luật sư Paul Monin, ủng hộ Pháp trở lại Đông Dương sau 1945. Chết trên xe hơi bỏ mui, do một quả lựu đạn ném từ một chiếc xe hơi mang biển số ngoại giao ở Sài Gòn nên không rõ thủ phạm là “quân khủng bố” (ý nói Việt Minh) hay “lực lượng ngoại lai” (hàm ý Mỹ lúc đó đã bắt đầu nhảy vào Việt Nam).
11 Đường Legrand de la Liraye góc đất thánh Tây : Legrand de la Liraye sau đổi thành Phan Thanh Giản, nay thành Điện Biên Phủ ; đất thánh Tây là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi nay đã trở thành công viên Lê Văn Tám.
12 Vách bổ kho : vách được đóng bằng những tấm ván ngang, xếp chồng lên nhau, cạnh dưới của tấm trên đè lên cạnh trên của tấm dưới, nhờ đó gió có thể thổi qua mà nước mưa không hắt vào được.
13 Hoàng Quốc Việt : tên thật là Hạ Bá Cang (1905-1992), quê Đáp Cầu, Võ Giàng, Bắc Ninh. Học trường Kĩ nghệ Thực hành Hải Phòng, bị đuổi vì tham gia bãi khóa phản đối thực dân kết án tử hình chí sĩ Phan Bội Châu. Thuộc thế hệ các chiến sĩ cộng sản đi “vô sản hóa” (làm thợ nguội, thợ mỏ, thợ cơ khí). Sau khi bị đuổi khỏi nhà máy, Đảng cử ông vào Nam Kỳ hoạt động. Ủy viên Ban chấp hành trung ương (lâm thời) tháng 10 năm 1930, bị bắt, kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo. Được trả tự do năm 1936 (nhờ Mặt trận bình dân Pháp) nhưng buộc trở lại Bắc Kì. Bí thư Xứ ủy Bắc Kì năm 1937. Là một trong số ít những người lãnh đạo (cùng với Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ) thoát khỏi cuộc khủng bố và đàn áp của Pháp năm 1930-40. Năm 1941, tại Hội nghị Pắc Bó, được cử vào Ban chấp hành Trung ương và Ban thường vụ (tương đương với Bộ chính trị ngày nay). Sau Cách mạng tháng Tám, được cử vào Sài Gòn giải quyết những tranh chấp trong nội bộ xứ ủy Nam Bộ. Được bầu vào Bộ chính trị tại Đại hội II (1951). Sau thất bại Cải cách ruộng đất, chuyển sang công tác tòa án, mặt trận công đoàn.
Hoàng Quốc Việt là điển hình đảng viên từ ngày trứng nước của Đảng cộng sản, vào tù ra khám, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, nhưng hẹp hòi, cứng rắn, thiếu trí tuệ, “không mao-ít mà mao nhiều”. Ứng xử của ông trong “vụ Trần Văn Giàu” – qua chứng từ của đương sự trong thiên hồi ký này – cho thấy rõ khía cạnh đó. Theo nhiều nguồn tin : tháng năm 1941 ở Pắc Bó, Hoàng Quốc Việt đã hỏi Nguyễn Ái Quốc chứng minh thư và giấy ủy quyền của Quốc tế Cộng sản. Điều này không có gì lạ, nếu ta biết rằng trong thập niên 30, Nguyễn Ái Quốc đã bị phê phán là “dân tộc chủ nghĩa”, “cải lương chủ nghĩa”, không theo đúng đường lối của đảng. Nếu lúc đó, Ban chấp hành ĐCS không bị thực dân tiêu diệt gần hết, và nếu Trường Chinh không tuân phục sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc, thì gần như chắc chắn Nguyễn đã phải chịu chung số phận của những nhà lãnh đạo phong trào giải phóng ở hải ngoại trở về (cộng sản ở Hy Lạp năm 1945, không cộng sản ở Algérie năm 1962), không được cho về vườn thì cũng bị vô hiệu hóa.
14 Sông Đáy : chính xác hơn, là Sông Phó Đáy, chi lưu của Sông Lô ở tả ngạn. Sông Phó Đáy chảy qua Tân Trào. Sông Phó Đáy vào Sông Lô được khoảng 2 km thì Sông Lô nhập vào Sông Hồng (đoạn này, Sông Hồng còn được gọi là Sông Thao). Đừng nhầm Sông Phó Đáy ở trung du Bắc Bộ này với Sông Đáy, phụ lưu của sông Hồng, tách khỏi Sông Hồng ở gần Hà Nội rồi chảy ra Vịnh Bắc Bộ, song song với Sông Hồng. Ở đoạn vừa tách khỏi Sông Hồng, Sông Đáy còn có tên là Sông Hát / Hát Giang.
15 Khỏi lỗ vỗ vế : câu tục ngữ đầy đủ là “dâm bôn khỏi lỗ vỗ vế”, vừa giở trò dâm dục xong là vỗ đùi, bỏ đi, bất kể sự đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét