Người thành cổ Quảng trị
Sau Hội
Ngộ Đền Đô (Mai Thục Newvietart.com) sư thầy Thích
Tâm Hiệp, người đứng cạnh tôi trong Lễ dâng hương Đền
Đô, đã nhờ Phật tử mang đến nhà riêng tặng tập sách “Trai
Đàn Bạt Thủy Trên Sông Thạch Hãn Quảng Trị”
(NXB Hồng Đức- Hà Nội 2012)
Cầm
cuốn sách gần hai trăm trang trên tay, chiêm ngắm những
bức ảnh mây trời vần vụ, áo cà- sa, đèn hoa sen
hồng mờ ảo, lung liêng trên sông Thạch Hãn buổi chiều
tàn, tôi trào nước mắt. Không phải tôi khóc. Những Linh
hồn người dân Quảng Trị, Nghĩa Trang Trường Sơn, Đường
9, và rất nhiều hương linh nơi những nấm mồ, cỏ cây,
sông, suối, ao hồ Quảng Trị… đã tụ về bên tôi mà
khóc.
Gio
Linh- Quảng Trị, nơi có nghĩa trang Trường Sơn, đối
với tôi thân thương xa xót. Hơn bốn lần tôi về Quảng
Trị, thắp nhang khóc những người tình tuổi hai mươi nằm
lại đất này. Tiếng ai hát “Ơi, Gio Linh, Gio Linh. Đất chung thủy,
nghĩa tình” luôn vang vọng bên tôi.
Quảng
Trị có từ xa xưa Lý- Trần cha ông khai hoang mở lối.
Quảng Trị- Huyền Trân mang tình duyên đổi lấy sơn hà.
Quảng Trị- Nguyễn Hoàng Lập dinh và qua đời tại đây.
Quảng Trị- Nguyễn Hoàng mở nước, nhìn sang Tây phương,
bay ngược chiều kim đồng hồ, theo cánh chim Lạc cha ông
khắc ghi Trống Đồng.
Quảng
Trị- Trịnh Nguyễn phân tranh.
Quảng
Trị- “Mùa hè đỏ lửa” 1972.
Sông Thạch
Hãn. Dòng sông có nguồn đá ngầm chắn ngang. (Thạch
là đá, Hãn là ngăn cản). Dòng sông nước chảy hiền hòa,
xanh biêng biếc. Sau “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972, Thạch
Hãn mang tên “Dòng sông máu”.
Người
Việt Nam nói: “Dòng sông Thạch Hãn là mồ chôn
tập thể, hàng vạn người lính trẻ ngã xuống
đáy nước”.
Đất
Quảng Trị chịu không biết bao nhiêu hoang tàn điêu linh:
“Đây đại lộ Kinh Hoàng, ghi lắm cảnh
tang thương
Nọ dòng sông Bến Hải, khơi bao nguồn sóng gió, ngàn
năm luống chạnh nỗi phân ly”.
Người Quảng
Trị truyền đời con cháu: “Không một mương nước, bờ
ruộng, mảnh vườn, gốc cây, con đường nào khắp trên
vùng đất Quảng Trị mà không có xác bộ đội hay ai đó
chết trận được lấp hờ đâu đó đang yên nghỉ”.
Những
người đang sống hôm nay, cầu siêu thoát cho những người
lính Bắc- Nam, những vong linh thập loại chúng sinh, chết
oan ức vì những cuộc chiến tranh tại Quảng Trị và khắp
nơi trên đất nước Việt yêu dấu.
“Nam mô A Di Đà Phật”
Sách “Trai đàn bạt thủy trên sông Thạch Hãn Quảng
Trị” mang đến niềm an ủi. An ủi rằng, lần đầu tiên trên
đất Quảng Trị, do chính người dân Quảng Trị, nhà sư
của Am Thụy Ứng đề xướng và lập Trai Đàn Trên Sông Thạch Hãn cầu
siêu cho những người lính khắp mọi miền Tổ quốc và
những người dân tử nạn vì cuộc chiến, tri ân “Uống nước nhớ nguồn” ức
vạn hồn, vạn kiếp điêu linh.
Sau Hiệp định 1954. Sông Hiền Lương- Quảng Trị được
chọn làm giới tuyến chia hai miền Nam Bắc.
Sau
chiến trận ác liệt năm 1972. Sông Thạch Hãn- Quảng Trị
làm vết cắt chia đôi hai miền một lần nữa.
Chiến tranh vừa tàn. Người dân khắp nơi trên đất
nước Việt Nam đổ về Quảng Trị tìm “hồn
xiêu phách lạc” của không biết bao nhiêu người thân
thương tử trận. Quảng Trị là mảnh đất chiến địa
kinh hoàng nhất của cuộc chiến thảm khốc trong lịch sử
Việt Nam cuối thế kỷ XX.
G.S Vũ Khiêu gần trăm tuổi khóc:
Buổi chiến trận điêu linh tan tác
Trăm vạn người thịt nát xương tan
Xót xa thay những hồn oan
Sông sâu nước lạnh nương thân chốn nào?
Dòng Thạch Hãn máu đào hòa nước
Các hương linh xuôi ngược nơi đâu
Về đây nghe tiếng nguyện cầu
Cúi xin Đức Phật phép màu siêu sinh.
(Văn
chiêu hồn trên sông Thạch Hãn)
Trai Đàn Trên Sông Thạch Hãn
Trai đàn được diễn ra linh thiêng, thành kính cảm
thấu Đất Trời- Âm Dương vào ngày 20 đến 21 tháng 8-
2011 (Tức ngày 21 đến 22 tháng 7 năm Tân Mão) bên đôi bờ
Thạch Hãn. Một trai đàn Phật pháp quy mô, quy tụ mọi
thành phần, mọi người dân đến từ mọi miền đất nước,
bằng những đồng tiền gom góp của mình. Tất cả đồng
một chữ Tâm, cầu siêu thoát cho ức vạn người nằm xuống.
Khói trầm quyện tỏa theo lời kinh tiếng kệ, theo âm vang
chuông mõ suốt ba ngày đêm. Mười sáu ngàn ngọn nến lung linh trong
đêm hoa đăng trải khắp một vùng sông nước gần cây
số. Thuyền kết thành bè nối dài từ hai bờ ra đến giữa
sông để dựng đàn trên sông. Dòng Thạch Hãn sáng lung
linh trong đêm huyền ảo, hòa âm vang trì tụng câu thần
chú vĩ đại của Đức Quán Thế Âm: “Um Mani Padme Hum”.
Trong
trai đàn này là dịp người dân chứng kiến hàng ngàn lá
cờ Phật giáo tung bay trên quảng trường và hai bên bờ
Thạch Hãn rực rỡ uy linh.
Dòng Thạch Hãn đỏ máu bỗng bừng lên ngọn lửa trái tim
mọi người dân Việt Nam nguyện cầu tình thương và thức
tỉnh, giải thoát, siêu thăng, tịnh độ. Sức chuyển hóa
ẩn chứa hàm tàng từ trong tinh thần từ bi bất phân biệt,
được truyền đi suốt mấy ngàn năm nay hiển hiện bên
dòng Thạch Hãn. Đàn pháp kết tập trí tuệ, tình thương
và nguyện cầu của Chư Đức, Hòa thượng, Thượng tọa,
Đại đức Tăng Ni cùng Phật tử và bà con thân hữu ba
miền đất nước yêu thương gọi anh linh chiến sĩ, đồng
bào tử trận: “Xin thấm sâu tiếng kệ, lời kinh, xin cùng hòa trong
dòng chảy tâm linh mà nhận chân cõi tịnh”.
Chiêu linh thiết vị lễ thường
Bên sông lập một đàn tràng giải oan
Sư thầy Thích Tâm Hiệp tu tại
Am Thụy Ứng- Quảng Trị, nhờ nhân duyên linh ứng mà khởi
lập trai đàn này, cảm nhận mãn nguyện khi tiếng đọc
Văn tế và Văn chiêu hồn vang lên trong đêm hoa đăng dưới
bến sông Thạch Hãn.
Giáo sư Vũ Khiêu và GS Vũ Ngọc Khánh, tuổi cao, sức yếu, cảm ứng
viết những lời cảm động, thống thiết, minh triết, cầu
hương linh nhẹ nhàng siêu thoát. Lời văn của hại cụ
không khơi động hơn thua, phân biệt. Tất cả đều là
sinh linh hàm thức như nhau trước Phật đài, nương tựa
oai lực Tam Bảo, mong giải nỗi u uẩn mà tìm đường siêu
sinh.
Cụ
Vũ Ngọc Khánh viết Văn tế theo thể biền ngẫu với từng
cặp câu đối, ngắn dài, bằng trắc đối xứng, gieo vần
đắc sắc lối cổ.
Cụ
Vũ Ngọc Khánh vừa mới ra đi, thong dong về miền Tịnh
cảnh. Văn tế Trai đàn Thạch Hãn là tác phẩm cuối cùng
cụ gửi lại cho đời. Văn tế của cụ bao quát được
lịch sử, sự kiện, địa danh Quảng Trị, hùng hồn, tha
thiết nói lên nỗi niềm cay đắng, mất mát, điêu linh
trong chiến tranh, có cái chạnh lòng của người chiêm nghiệm,
biết xót xa, cám cảnh “nồi da, xáo thịt” còn đang nhức
nhối tâm can người Việt:
“Con một nhà thành địch thủ hiểm nguy
Chim một tổ thành đối phương độc ác”
Văn chiêu hồn trên sông Thạch Hãn của cụ Vũ Khiêu viết theo thể song
thất lục bát. Lời văn chiêu hồn của cụ đọc lên nghe
da diết làm sao. Những cảnh chết thê thảm, bất chợt,
nhưng con người đủ cấp hạng, già trẻ, gái trai, bào
thai… những oan hồn mệnh bạc còn chìm sâu đáy nước,
bờ sông, gốc cây, ngọn suối… lạnh lẽo, bơ vơ không
nơi nương náu, làm người nghe rơi lệ.
Cụ Vũ Khiêu dựa theo đúng thể văn song thất lục bát của cụ Nguyễn
Du, nhưng lời văn tả cách chết và hồn xiêu dạt là của
cảnh chết trận và tâm tình đau đớn hôm nay. Cụ chủ
yếu nói lên cảnh hương linh chết trên sông Thạch Hãn:
Khốn những lúc mưa sa bão táp
Hồn lênh đênh biết dạt nơi đâu
Nay nương bến vắng chân cầu
Hoặc đành để nước sông sâu nhấn chìm…
Hồn giam hãm dưới nghìn thác nước
Tiếng khóc than tức tưởi ngày đêm
Oan hồn uổng tử trăm miền
Nghe đàn giải nghiệp thăng thiên tựu về…
Trai
Đàn Trên Sông Thạch Hãn vừa đúng nghi lễ Phật
pháp, vừa đúng nghi lễ cổ truyền. Một cụ Hội chủ
làng Thi Ông và hai mươi bô lão chỉnh tề trong trang phục
khăn đống, áo dài đen truyền thống dân tộc có mặt trong
ban đại bái, có hai vị thỉnh chiêng và trống. Họ đại
diện cho lớp người đi qua cuộc chiến năm 1972 còn sống
sót, đã chứng kiến những gì tang thương của tháng ngày
chạy loạn, chết thảm thê ở đại lộ Kinh Hoàng.
Sáng ngày
22 có một đoàn rước Bát Cống đúng theo cổ truyền miền
Bắc đã đi nhiễu ba vòng quanh đàn tràng, trên kiệu cung
nghinh Địa Tạng Vương Bồ Tát khi qua sông lập đàn ở
bờ Bắc, bắt Kiều băng bằng dải lụa cho chân hương
linh qua sông. Đoàn rước hoành tráng và uy nghi biểu lộ
nét đẹp cổ xưa linh thiêng, thành kính.
Học
hỏi kiến thức về Trai Đàn
Sư thầy
Thích Tâm Hiệp hiện tu hành tại Am Thụy Ứng thuộc ngôi
làng Thi Ông bên dòng sông Vĩnh Định- Quảng Trị sôi máu
lửa, đã đề xướng và tổ chức Trai Đàn Trên Sông Thạch Hãn.
Cùng các bậc
thầy của mình, sư Thích Tâm Hiệp thấm mạch nguồn Văn
hóa Dân tộc hòa Phật pháp.
Phật giáo truyền vào nước ta hơn 2000 năm, thấm sâu vào
mạch sống dân tộc. Kể từ khi vua Lý Nam Đế lên ngôi,
lập nên nhà nước Vạn Xuân, dựng chùa Khai Quốc (Trấn
Quốc). Nước có chùa của nước gọi là Quốc Tự. Vua
có thầy của vua gọi là Quốc sư để tham vấn chiều hướng
đạo đức, mở mang chính sự. Làng có chùa của làng để
dân tu tâm, luyện tính, cầu siêu. Chùa có điện thờ Mẫu,
Thánh, Sơn Thủy Thần hòa đạo Phật với tinh thần Tổ
tiên Việt cổ. Theo đó, từ vua, quan, đến thứ dân, nhà
nhà đều thờ Mẫu, Phật, Thánh, mẹ cha ông bà, người
thân đã mất. Đó là Đạo Việt xem trọng Nhân- Nghĩa,
thực hành Hiếu- Tâm, là gốc căn bản của Đạo đức
Dân tộc. Triết gia Lương Kim Định viết: “Đạo mất
trước. Nước mất sau”.
Đạo là vận
khí của vũ trụ, con người, vạn vật.
Đạo
Không bao giờ mất.
Chỉ có những
kẻ vô Đạo bị trừng trị mà thôi.
Đạo
trừng trị không sót một tên vô Đạo nào trên trái đất
này.
Nước
có Đạo thì thịnh. Nhà có Đạo thì yên. Người có Đạo
thì như có sức mạnh hộ thân, làm vốn quý cho sự sống
bình an của mình và phúc cho con cháu. Đó là sự thật.
Không thể nghĩ bàn.
Linh
nghiệm Am Thụy Ứng
Ngôi làng
Thi Ông được hình thành cùng bước chân bậc quân vương
lỗi lạc Trần Nhân Tông. Bước chân Tổ tiên khai hoang,
lập ấp, khơi nguồn Cổ Hà, tạo dòng Vĩnh Định, bốn
mùa lưu thủy thông thương, ruộng vườn sớm hôm lúa khoai
trồng trọt, dân quê vui sống hiền lành.
Nhưng
rồi bể dâu tan nát suốt bao thế kỷ bạo
tàn. Đất và người Quảng Trị thời nào cũng
chìm trong chết chóc, điêu linh.
Khi
nước biến, người dân tìm về Đạo để nương tựa.
Am tranh Thụy Ứng được dựng lên, che chở người hiền,
trong binh biến. Từ một căn hầm trong vườn ông Chánh Bát
Phẩm (hiệu Tâm Thụy) trú ẩn tránh bom Pháp dội năm 1947.
Nhờ sức thiêng ơn trên độ trì, gia đình ông Chánh và
nhiều người thoát chết. Một quả đan pháo trên mặt hầm
không nổ.
Năm 1954.
Ông Chánh làm trên hầm một cái Am tranh và thỉnh Phật
bằng tranh về thờ. Dấu tích Thụy Ứng khởi nguồn từ
đấy.
Ngày 14-
2- 1966. Thi Ông xảy ra một trận đánh ác liệt, xe tăng
thiết giáp và máy bay Mỹ quần nát. Số đông ông bà lão
không chạy được, lại tìm đến căn hầm dưới Am tranh
thờ Phật mà được cứu thoát qua đại nạn.
Tháng
3- 1972. Cuộc chiến hung tàn nhất địa cầu diễn ra tại
Quảng Trị. Người dân nát tan, ly tán. Cũng nhờ Am Tranh
mà mấy chục người già không chạy được, thoát chết.
Trớ
trêu thay! Theo vận nước, núi sông Quảng Trị tàng ẩn
địa linh ít mà trắc khí nhiều chăng? Thiên tai địch họa,
thủy quái hoành hành thành trận đồ bát quái. Những trận
bão lũ năm 1976, 1985, 1999… miền Trung tràn cơn Đại Hồng
Thủy.
Am Tranh Thụy
Ứng đơn sơ mà linh địa, cứu thoát nhiều người qua thiên
tai, địch họa. Ông Bát Nghị (cái tên dân làng Thi Ông
thường gọi ông) vẫn bám trụ Am tranh nơi mảnh vườn
nhà, sống đến ngày hòa bình đoàn tụ con cháu. Mảnh vườn
Am Tranh giờ đây là đất thiêng Am Thụy Ứng hôm nay.
Nối tiếp
cụ Tâm Thụy, sư thầy Thích Minh Thông lúc
đó chưa xuất gia đã tri ân sự mầu nhiệm của Phật
Tổ, sự gia hộ của Bồ Tát Quán Thế
Âm tại Am Tranh đã che chở cho mình qua cơn đại nạn, khi
tìm cách thoát khỏi đại lộ Kinh Hoàng năm 1972, đã sớm
hôm kinh kệ tụng niệm và dựng lại Am Tranh và đặt tên
Am là “Thụy Ứng”.
Chữ “Thụy”
lấy từ tên cụ Tâm Thụy. “Thụy” cũng có nghĩa là điềm
lành. ”. “Ứng” là ứng nghiệm. Những lời nguyện
cầu được linh ứng lợi lạc chúng sinh. Từ khi dựng lại
Thụy Ứng và hết lòng phụng sự Tam Bảo, cư sĩ (nay là
Đại đứcThích Minh Thông) được báo mộng: “Mấy chục năm sau, nơi đây sẽ là
nhà cửa san sát với tòa Tam Bảo trang nghiêm, có tăng chúng
tu hành, xiển dường Chánh Pháp”.
Một nhánh nhỏ cây Bồ Đề được cư
sĩ trồng với lời nguyện: “Nếu Đạo Pháp trường tồn,
không bị hủy diệt từ đây, thì cây Bồ Đề sẽ sống
xanh tốt”.
Tại Thụy Ứng tháng 10- 1975. Cư sĩ chủ nhân Am Thụy Ứng
đã thỉnh ngôi tượng Phật bằng nhôm, cao gần 1m về thờ.
Am Thụy Ứng vẫn là một Thảo Am tranh tre, nhưng cây lá
sum xuê, đủ các lọa phong lan, bám trên thân Lộc Vừng
khoe sắc, tỏa hương, chim ca ríu rít. Thụy Ứng thường
xuyên đón bước chân của hai bậc thầy khả kính. Hòa
thượng Thích Ân Cần và Hòa thượng Thích Chánh Trực cùng
dân làng hôm sớm nguyện cầu, hương khói.
Cư sĩ pháp danh Không Ngụy (Thích Minh Thông) lấy
đức tin và trí tuệ, thể hiện hình ảnh một Phật tử
sống đức độ, giữa xã hội nhốn nháo. Năm 1992, Không
Ngụy từ giã Thụy Ứng, khăn gói lên đường vào Nam cầu
thầy, học Đạo.
Am thiêng vắng chủ,
khói mờ hương nhạt. Cây bồ đề vẫn xanh tươi đợi
chủ nhân ngày về.
Đầu thu Năm 2001. Thầy Thích Minh Thông trở về. Túc
duyên kỳ ngộ, Thầy vận động Phật tử xây
Thụy Ứng bằng gạch ngói.
Năm 2005. Sư thầy Thích Tâm Hiệp cùng thầy Thích
Minh Thông xây dựng ngôi Quan Âm Các. Năm 2010, cơ duyên
hội đủ, thỉnh tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cao 2,5m dáng
đứng mềm mại giữa Quan Âm Các thanh thoát, cứu khổ,
cứu nạn.
Phép lạ ứng hiện. Người dân hân hoan cúng dường
trên 3000m2 đất xây Tam Bảo. Thụy Ứng vừa xây dựng, vừa
thực hiện lễ cúng cầu siêu hằng tháng tại các nghĩa
trang Quảng Trị. Thầy Thích Minh Thông đã ở lại Thụy
Ứng lâu dài để cúng lễ tại nghĩa trang Trường Sơn và
Đường 9, không về tu viện Vạn Hạnh nữa.
Đầu năm 2007, sư thầy Thích Tâm Hiệp chọn Am Thụy Ứng
làm nơi dừng chân tu hành, ước mong cùng thầy Thích Minh
Thông xây Am Thụy Ứng trở thành ngôi Già Lam linh thiêng.
Cơ duyên hạnh ngộ. Một định luật tất yếu
của chu kỳ vận hành nhân quả. Gieo nhân lành,
phúc lộc đơm bông. Suốt gần sáu chục năm hành thiện,
Am Thụy Ứng giờ đây là một ngôi Già Lam trang nghiêm bề
thế, duyên dáng hài hòa giữa bốn bề cây tre xanh tươi
yên ả của đồng quê.
Nội điện Tam Bảo Thụy Ứng có năm gian thờ ứng
với năm vị được tôn thờ. Chính giữa là Đức Thích
Ca Mâu Ni. Bốn gian có bốn vị Bồ Tát: Văn Thù, Phổ Hiền,
Quan Âm và Địa Tạng. Bốn vị Bồ Tát biểu tượng cho
bốn sức mạnh của Trí Tuệ, Hạnh Nguyện, Tình Thương,
Hóa giải và chấp nhận để dấn thân vào đời.
Ngôi tượng gỗ tôn trí ở tòa Tam Bảo Thụy Ứng là
một báu vật quý. Tượng gỗ nguyên khối không tỳ vết
cao 2,2m, nặng 1,95 tấn. Tượng có thế ngồi kiết già mạnh
mẽ thân hình vạm vỡ, một tay để ngửa trên hai vế,
tay phải buông duỗi trước mặt, chạm xuống đất trong
thế Địa Xúc ẩn. Tượng được tạc theo mẫu Đức Phật
thành Đạo tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ.
Mùa thu năm Canh Dần 2010. Đúc Chuông Đại Hồng một tấn, ngân nga
trên đồng lúa, gọi con người tỉnh mộng.
Mùa Thu Tân Mão 2011. Am Thụy Ứng thực hiện Trai Đàn Trên Sông Thạch Hãn.
Sư thầy Thích Tâm Hiệp viết: “Bây giờ tôi ngồi
đây để viết lên những gì mình từng nghe. Viết về
một giai đoạn nơi mình sống và lớn lên, lập thân
hành đạo. Tri ân tiền nhân, tri ân tất cả những
gì làm nên một Thụy Ứng như hôm nay giữa làng
quê Thi Ông hiền lành bên dòng sông Vĩnh êm đềm. Tất
cả đã làm nên chiều dài lịch sử một Thụy Ứng với
nhiều mầu nhiệm và lợi lạc quần sinh.”
Tại
sao phải dựng Đàn Pháp Bạt Thủy?
Sư thầy Thích Tâm Hiệp giải thích bằng vốn tu tập
của mình về Đàn Pháp Bạt Thủy.
Trai đàn là Đàn chay. Lễ cúng hoàn toàn chay tịnh,
đèn, nến, hương, hoa quả. Đàn tràng theo nguyên tắc
Mạn Đà La của Mật tông.
“Bạt Thủy” gọi là “Bạt Độ Tử
Nghiệp Trầm Thủy”. Nghĩa là Đàn Pháp chuyên cứu
vớt siêu thoát cho người mắc nghiệp chết dưới
nước.
Cả
nhân loại từ buổi sơ khai đều tin: “Chết- Không hoàn
toàn mất đi. Thần thức vẫn còn đó.” Định luật “Bảo
toàn Năng lượng” của Khoa học Vật lý đã chứng minh:
“Sự vật không bao giờ mất đi, chỉ biến đổi từ trạng
thái này qua trạng thái khác.”
Người Việt thờ Đạo Mẫu cổ xưa là thể
hiện niềm tin trên. Đạo Phật vào nước ta, gặp Đạo
Mẫu, hòa hợp thành nền tảng Văn hóa Nhân bản Việt.
Đạo Phật giải thích, xét về góc độ nghiệp báo, nghiệp
chướng khi sinh tiền tạo ra cũng không mất đi. Ngược
lại nó theo ta như bóng với hình. Tuy thân chết rồi nhưng
vẫn bị khổ đau nên tìm về người thân còn sống để
níu kéo. Những hương linh không còn ai thân thương để
nương nhờ thì lang thang, vật vờ làm thành thế giới Cô
hồn, Ngạ quỷ. Tất cả họ luôn bao quanh chúng ta, vay trả,
trả vay, hỗn loạn. Do vậy, Chư tổ lập Đàn tràng Chẩn
tế, y vào lời Phật dạy là nhằm giúp cho thế giới Âm
linh, Cô hồn một cơ hội lớn nhất để siêu thoát. Chỉ
có trong Đàn tràng ta mới hợp nhất thành một sức mạnh
lớn lao giúp cõi Âm siêu thoát. Âm siêu thì Dương cũng
nhẹ nhàng thư thái mà vui sống, con người thanh thản, hưởng
phúc ấm của Tổ tiên mà an lành, xã hội bình an. Lợi
ích của Đàn tràng vô biên.
Chết ở trong nước, thần thức hương linh
bị chìm ngộp và chịu sự lạnh lẽo dưới nước. Đưa
thần thức hương linh ra khỏi sự chìm nghỉm giam hãm đó
ta phải vận dụng đến Đàn Pháp Bạt Thủy.
Sự cầu nguyện của ta, phát sinh do tình thương yêu,
nhất tâm hướng về người chết nước, tâm có
tác dụng tạo sự cảm ứng, hương linh dưới nước có thể
cảm nhận được. Tuy vậy, tiếng kinh, lời thỉnh nguyện
không chạm sâu được đến người đang chìm ngộp trong
thế giới đó. Khả năng thức tỉnh không đủ lớn để
vượt thoát sự giam hãm dày xéo bức xé bởi nghiệp lực
níu kéo, chìm nghỉm dưới đáy sông sâu. Hương linh không
thể lên bờ ra khỏi nước được. Để cầu nguyện siêu
thoát, việc trước tiên là phải “vớt” họ lên khỏi
nước.
Dòng sông Thạch Hãn đã để lại hình ảnh thương đau
không năm tháng:
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”
Dòng sông xanh hiền hòa vô tội, bỗng chứa bao uất
hận, điêu linh. Am Thụy Ứng linh thiêng hóa giải oán hờn còn nặng
cõi âm, đã dùng Đàn Pháp Trai Đàn Bạt Thủy. Cầu nguyện
bao oan hồn uổng tử vất vưởng quanh sông, đáy sông, hoằng
duyên Phật Pháp, chuyển hóa, khai ngục, mở lối cho hương
linh quy y siêu thoát.
Am Thụy Ứng thỉnh mời hai bộ Kinh Sư dựng lập
Đàn Pháp ở cả hai bên bờ sông Thạch Hãn. Ở bờ Nam
lễ thỉnh hương linh ở đại lộ Kinh Hoàng và trong Thành
Cổ Quảng Trị. Ở bờ Bắc lễ thỉnh hương linh ở nghĩa
trang Trường Sơn và Đường 9 về dự đàn.
Trai Đàn Trên Sông Thạch Hãn tạo cơ duyên cho những gia đình, trải tình
an ủi, yêu thương tới người thân tử vong tại Quảng
Trị. Hàng chục năm sau cuộc chiến, bao người thân cả
nước đổ về Quảng Trị tìm hài cốt người thân. Tìm
làm sao thấy? Thịt nát xương tan tơi tả đất trời. Còn
chút gì đâu mà tìm. Trai Đàn Trên Sông Thạch Hãn giúp
hàng vạn người phát nguyện cầu siêu, nhờ phép lực vô
biên của Tam Bảo, giải tỏa oan khiên, nghiệp chướng cho
Anh linh Chiến sĩ, Nam Nữ trận vong, Đồng bào tử nạn,
Cửu huyền Thất tổ còn đang bơ vơ, điêu linh.
Sức Mạnh Chuyển Hóa Tâm Thức
Thế
kỷ XX- XXI trên thế gian này có ai đau đớn, thương yêu
bằng chúng ta không? Những người Việt Nam đã chết và
còn sống sót sau cuộc chiến bạo tàn, luôn tìm về nhau
từng thời khắc. Những tiếng khóc vang âm chảy dài xuyên
hai thế kỷ:
Khóc
Vị
tướng già khóc lính nằm nơi đâu?
Đồng
đội sống sót, bạc đầu khóc bạn
Vợ
khóc chồng nặng khăn tang
Trẻ
mồ côi vờ vật khóc cha
Mẹ
mất con khóc mờ mắt lệ
Thiếu
nữ cô lẻ một đời
Khóc người
tình sa trận
Bông hồng
trắng ngậm ngùi chín suối
Bầu bạn
khóc nhau, mình tự khóc mình
Dưới
mồ cha mẹ khóc con
Con khóc cha mấy lần thương tật
Chị
khóc em xao xác thân tàn
Cháu khóc
ông bà vất vưởng kiếp phù du…
Ở đâu
trên trái đất này
Người
khóc người, nước mắt ướt cay
Khóc người
sống và khóc người đã chết
Thương
yêu nào đau đớn thế, hỡi non cao!
(Mai Thục)
Bạn Thu Ca về dự Trai Đàn Trên Sông Thạch Hãn viết:
“Máu chảy thành sông, thây phơi đầy đồng. Cái
cụm từ đau thương về một cuộc chiến. Từ góc độ
nhân bản mà nói, nó khiến cho không còn kẻ thắng, người
thua. Những giọt nước mắt của những bà mẹ mất con,
những người vợ mất chồng, những đứa trẻ mồ côi…
có giọt nước mắt nào không mặn đắng. Bạn có nhói
đau không khi xem lại những thước phim đầy bom đạn đổ
xuống mảnh đất này, nổ tung, những tay súng trẻ măng
gục xuống. Ban có xót xa không khi nhìn những cánh đồng
nghèo đầy hố bom đào xới. Bạn có khóc không khi nhìn
thấy một đứa trẻ nhỏ xíu ngồi giữa đường thét lên
hoảng sợ bên xác mẹ… Cái nỗi đau của giết chóc, của
tàn sát, cái nỗi đau của kẻ bỗng dưng phải mất mát
người thương… nhiều nhiều quá, những nỗi đau hẳn
vẫn còn đây.
Cái nỗi đau làm thành một sức nặng vô hình trên
mảnh đất này. Làm sao để nỗi đau ấy có thể
nhẹ đi, có thể chuyển thành thanh thản?”
Sư thầy Thích Tâm Hiệp viết:
“Từ
tuổi nhỏ, tôi đã từng nghe đến câu thỉnh của thầy
tôi trong lễ cúng Âm linh Cô hồn mỗi khi cúng ở ngoài
trời: “Nhất tâm triệu thỉnh- Việt Nam chiến tranh biến cố
trị Thiên Mậu Thân- Nhâm Tý, chiến sĩ trận vong, Đồng
bào tử nạn…”
Một giai đoạn thật dài, sống và lớn lên bên cạnh cha ông và thầy
tổ, tôi không ngừng nghe họ kể mãi về nỗi kinh hoàng
của họ lưu lại trong ký ức về biến cố đó.
Rồi lớn lên… Tôi thấy quê hương mình đâu đâu
cũng có mộ phần anh linh chiến sĩ, đầy những
nghĩa trang, những nấm mồ vô chủ… Đâu đâu cũng có miếu thờ Âm linh Cô hồn.
Nhà nhà quanh năm, nén nhang, bát cháo, vái van hướng về
người đã khuất ẩn linh đâu đó.
Người
sống và kẻ chết, người còn và kẻ mất. Người sống
là “sống còn” giữa bao nhiêu rủi ro và mất mát điêu
linh bởi thiên tai, địch họa.
Thắp một nén nhang là để cảm ơn Phật Trời
Tổ tiên đã cho mình cái may mắn run rủi được
sống sót… lại chạnh lòng nghĩ đến người chẳng may
ra đi giữa muôn vàn bi thảm.
Từ đó mà sống/ chết buộc ràng, còn/ mất mong
manh. Người Âm giới, kẻ Dương trần quấn quýt vấn vương,
phảng phất qua lại.
Một
nén nhang thắp lên là lòng thành tưởng nhớ, mà
cũng là cảnh tỉnh nhau sống bình an hơn, tha thứ
hơn… có người có ta, có Âm- Dương cùng
tồn tại”.
Nỗi
đau trong Tâm thức
Cần được chữa trị bằng Tâm thức
Bạn
Thu Ca đã thực sự nhận được Sức Mạnh Chuyển Hóa Tâm Thức
(Tên bài viết của Thu Ca trong sách Trai Đàn Trên Sông Thạch
Hãn).
Thu Ca viết:
“Nỗi đau cần được chia sẻ bằng tình thương và dẫn
giải bằng sự hiều biết. Nhưng nỗi đau lớn và âm thầm
như nỗi đau bởi chiến tranh là nỗi đau vô hình trong tâm
thức, phải được chữa trị bằng sự hiểu biết và tình
thương sâu sắc của Tâm thức.
Phương
thuốc ấy có sẵn trong dòng chảy Tâm linh dân tộc
Viêt từ ngàn đời nay, hun đúc bởi nếp sống Đạo Mẫu
và Đạo Phật. Chúng ta mở lòng để đón nhận là có được.
Trai Đàn
Thạch Hãn lung linh nở hàng vạn đóa sen hương
thơm của từ bi, của ánh sáng tuệ giác, kết cầu
nối những cõi lòng thương nhớ, làm nên sức mạnh chuyển
hóa Tâm thức.
Chắp
tay nguyện cầu xin cho nỗi đau chiến tranh được tình
thương xoa dịu. Xin cho không bao giờ còn cảnh tương
tàn. Xin cho an bình mãi mãi có mặt nơi mảnh đất này.
Chắp
tay nguyện cầu, xin gửi lòng thương tưởng biết ơn khôn
cùng tới chư vị anh hùng liệt sĩ, lính trận vong, đồng
bào tử nạn. Xin cho quý vị được siêu sinh nơi Cực lạc.
Chắp
tay nguyện cầu, xin cho lòng người an lạc từ bi.
Cầu chiến tranh đừng bao giờ tái diễn
trên mảnh đất Việt Nam yêu dấu. Xin cho thế hệ cháu
con luôn có nụ cười trên môi”.
Một gia đình huyết thống và một gia
đình Tâm linh
Đó
là thông điệp mà Mai Thục muốn gửi đến những ai hữu
duyên đọc bài viết này:
“Những người có một gia đình
huyết thống và một gia đình Tâm linh
thì khi chết không cảm thấy bơ vơ, tại vì họ biết rằng
họ thuộc về một nền văn hóa, một nhà thờ, một ngôi
chùa, một xã hội, một gia đình.
Còn những người khi sống có cảm tưởng là mình
mất gốc, không thuộc về một gia đình Tâm linh hoặc
huyết thống nào, văn hóa nào. Họ sống và chết trong cô
đơn.
Không phải chết rồi người ta mới trở thành cô
hồn. Khi còn sống chúng ta cũng có thể là
những cô hồn. Biết bao người trẻ không thấy
mình thuộc về một nguồn gốc Tâm linh nào, một gia
đình huyết thống nào, một nền văn hóa nào. Họ đi lang
thang vật vờ giữa cuộc đời, cảm thấy cô đơn lạnh
lẽo. Những người như vậy cô đơn trong khi sống và khi
chết cố nhiên trở thành linh hồn bơ vơ.”
Hồ Gươm Mùa Hoa Sen 2013.
___________________________________
(*) Bài tham luận của Mai Thục tại Hội
thảo Khoa học về ngôi mộ cổ Lý Kiều
Oanh Công Chúa mới phát tích tại Đồng Hới- Quảng
Bình.
-------------------------------------------------TRÍCH TỪ: http://newvietart.com/index3.4984.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét