Việt Nam Cộng hòa đã huy động 4 tàu chiến, một trung đội biệt
kích cùng đội phá hủy dưới nước đã tham gia Hải chiến Hoàng Sa năm 1974.
Đầu năm 1974, 6 quân nhân Việt Nam Cộng hòa cùng 1 quan sát viên
người Mỹ trên tàu khu trục Lý Thường Kiệt HQ-16 tiến hành khảo sát quần
đảo Hoàng Sa. Họ đã phát hiện các hoạt động bất thường của hải quân
Trung Quốc.
Trước tình hình đó, hải quân Việt Nam Cộng hòa đã điều động tàu khu
trục nhỏ Trần Khánh Dư HQ-4 cùng đến khu vực này. Sau đó điều động thêm 1
tàu khu trục nhỏ Trần Bình Trọng HQ-5 và tàu hộ tống Nhật Tảo HQ-10.
Đây là 4 con tàu đã tham gia sự kiện Hoàng Sa, ngày 19/1/1974.
Lý Thường Kiệt HQ-16
Đây là loại tàu khu trục nhỏ được sản xuất tại Mỹ vào năm 1941, đưa
vào hoạt động chiến đấu trong hải quân Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ
2 với tên gọi USS Chincoteague (AVP-24). Sau khi kết thúc chiến tranh,
tàu này được cho ngưng hoạt động vào năm 1946.
Đến năm 1949, con tàu lại được “hồi sinh” để phục vụ trong lực lượng
tuần duyên Mỹ giai đoạn 1949-1972. Tháng 06/1972, con tàu này lại được
sửa đổi và chuyển giao cho hải quân Việt Nam Cộng hòa với vai trò tàu
khu trục nhỏ.
Tàu khu trục HQ-16 có chiều dài 94,72 mét, rộng 12,5 mét, mớn nước
4,9 mét, lượng giãn nước tiêu chuẩn 1.766 tấn, đầy tải 2.800 tấn, thủy
thủ đoàn 200 người, tốc độ hành trình 18 hải lý/h. Vũ khí chính trên tàu
bao gồm 1 pháo hạm 127mm, 2 cối 81mm. HQ-16 là tàu chiến lớn nhất, hỏa
lực mạnh nhất của hải quân Việt Nam Cộng hòa.
Sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, tàu khu trục HQ-16 gia nhập
biên chế hải quân Philippines cho đến khi “nghỉ hưu” vào năm 1993.
Trần Khánh Dư HQ-4
Đây là loại tàu khu trục nhỏ lớp Edsall được đưa vào hoạt động trong
hải quân Mỹ vào năm 1944 với tên gọi USS Forster (DE-334). Con tàu này
ngưng hoạt động vào năm 1954. Đến năm 1956, nó được huy động trở lại
phục vụ trong biên chế cảnh sát biển Mỹ ở vịnh Subic, Philippines. Ngày
25/09/1971, con tàu được chuyển giao cho hải quân Việt Nam Cộng hòa.
Tàu khu trục Trần Khánh Dư HQ-4 có chiều dài 93 mét, rộng 11,15 mét,
mớn nước 3,18 mét, lượng giãn nước tiêu chuẩn 1.253 tấn, đầy tải 1.590
tấn. Tàu được trang bị 4 động cơ diesel truyền động cho chân vịt 2 trục,
tốc độ tối đa 21 hải lý/h.
Tàu được trang bị 3 pháo 76mm, 2 pháo 40mm, 8 pháo 20mm, 3 ống phóng
ngư lôi 533mm, 8 máy phóng mìn sâu chống tàu ngầm. Sau khi kết thúc
chiến tranh Việt Nam, tàu HQ-4 được chuyển giao hoạt động trong hải quân
Việt Nam với tên gọi HQ-3. Đến nay tình trạng hoạt động của tàu này
không rõ ràng.
Trần Bình Trọng HQ-5
HQ-5 cùng lớp với tàu HQ-16. Tàu này được đóng mới và đưa vào hoạt
động trong hải quân Mỹ năm 1944 với tên gọi USS Castle Rock (AVP-35). Nó
đã tham chiến ở khu vực trung tâm Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế
giới thứ 2.
Năm 1949, tàu USS Castle Rock được chuyển giao hoạt động trong biên
chế lực lượng tuần duyên Mỹ. Ngày 21/12/1971 tàu được chuyển giao cho
hải quân Việt Nam Cộng hòa. Tàu khu trục HQ-5 có chiều dài 94,72 mét,
rộng 12,5 mét, mớn nước 4,9 mét, lượng giãn nước tiêu chuẩn 1.766 tấn,
đầy tải 2.800 tấn, thủy thủ đoàn 200 người, tốc độ hành trình 18 hải
lý/h. Vũ khí chính trên tàu bao gồm 1 pháo hạm 127mm, 2 cối 81mm.
Sau Chiến tranh Việt Nam, tàu khu trục HQ-5 cũng sang Philippines.
Con tàu sau đó được đưa vào hoạt động trong biên chế hải quân
Philippines với tên gọi BRP Francisco Dagohoy (PF-10). Tàu đã ngưng hoạt
động vào năm 1985.
Nhật Tảo HQ-10
Nguyên gốc của Nhật Tảo HQ-10 là tàu quét mìn USS Serene (AM-300),
được đưa vào hoạt động trong hải quân Mỹ ngày 31/10/1943. Tàu này đã
được sử dụng vào nhiệm vụ quét mìn xung quanh quần đảo Okinawa (Nhật
Bản) nhằm dọn đường cho các lực lượng tấn công của hải quân Mỹ.
Sau đó con tàu này còn thực hiện nhiệm vụ giải phóng các bãi mìn do
hải quân Nhật Bản sử dụng phong tỏa các vùng biển Hoàng Hải, eo biển
Tsushima và biển Nhật Bản. USS Serene (AM-300) đã được tặng 6 sao cho
các thành tích trong chiến đấu.
Năm 1964, con tàu được chuyển đổi thành tàu hộ tống theo chương trình
hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Việt Nam Cộng hòa và mang tên mới là
Nhật Tảo HQ-10. Tàu có chiều dài 56,24 mét, rộng 10 mét, mớn nước 2,97
mét. Lượng giãn nước tiêu chuẩn 650 tấn, tốc độ hành trình 14,8 hải
lý/h, thủy thủ đoàn 104 người.
Tàu hộ tống HQ-10 được trang bị một pháo 76mm, 6 pháo 20mm, 4 pháo
40mm, 1 dàn phóng cối chống ngầm, 4 ống phóng mìn biển sâu cùng 2 hệ
thống xử lý mìn.
Trong trận chiến ngày 19/1/1974 tại Hoàng Sa, sau khoảng 15 phút giao
tranh, Nhật Tảo HQ-10 bị trúng đạn vào tháp pháo và chìm tại chỗ sau
đó. 62 sĩ quan, thủy thủ Việt Nam Cộng hòa trên tàu đã tử trận. Một số
người khác được một tàu buôn Hà Lan cứu vớt sau gần 4 ngày lênh đênh
trôi giạt trên biển. Trước đó, Hạm đội 7 của Mỹ đã từ chối lời đề nghị
tham gia tìm kiếm, cứu hộ các sĩ quan, thủy thủ còn sống trên tàu HQ-10
của phía VNCH.
(Trí Thức Trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét