tt
Tháng 4/1756, chúa Trịnh Doanh sai ông dẫn đầu đoàn thanh tra công việc của quan lại ở các lộ miền Tây Tháng 9/1771, khi được chúa Trịnh Sâm bổ dụng làm Tả thị lang Bộ Công, quyền giữ chức Đô Ngự sử, Lê Quý Đôn đã ngay lập tức trình bày bốn việc (theo sách "Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục"): - Cống sĩ thi hội trúng được kỳ đệ tam phần nhiều xin lạm sắc nội hoàng gia ơn, nhảy qua tư cách trao chức vượt bậc. Xin xét thực, bắt trở về bậc cũ. - Hiến sát phó xứ và tham nghị là người có chuyên trách ở một địa phương, thế mà ít lâu nay những bọn cầu may để làm quan phần nhiều không do các quan trong triều đường bảo cử, chỉ lén lút cầu cạnh để được dự vào sự bổ dụng. Xin thu hồi lệnh trước, mà cho các quan trong triều đường bảo cử theo như lệ cũ. - Đất bãi ở các lộ sai các quan chia nhau đi khám lại. - Những dân xã ở các lộ, trước đây phụng mệnh được miễn trừ, gần đây vì chép lại sổ sách, rồi sinh ra sự thay đổi thêm bớt gian trá. Xin sai tín thần xét thực để chỉnh đốn lại cho đúng. Chúa Trịnh Sâm cũng cho những điều mà Lê Quý Đôn tâu lên là phải lẽ cả nên lập tức hạ lệnh thi hành. Tháng 7/1767, mấy tuần liền cả nước không có mưa, như thể bị trời phạt. Chúa Trịnh Sâm đã phải thân hành cầu đảo ở chùa Kính Thiên và đồng ý theo tờ khải của các quan trong kinh ngoài trấn, "lục dụng Lê Quý Đôn và Phan Cẩn để nâng đỡ người bị oan ức lâu ngày; rộng gia ơn về việc chuộc tội, cứu vớt dân xiêu lưu, để dân khỏi đau khổ. Như thế may ra mới có thể thu phục lòng người, và báo đáp được tội lỗi mà trời quở trách", Lê Quý Đôn và Phan Cẩn đã thay mặt chúa đi điều tra về những điều dân uất ức, tha thuế tô cho những nơi bị thiệt hại vì thiên tai… Nếu không được nhà Chúa tin tưởng về phẩm hạnh và lòng nhân, Lê Quý Đôn chắc chắn đã không được cử đi làm những trọng sự như vậy. Tuy nhiên, cũng chính sự thẳng thắn và chính trực của một con người tài cao học rộng như Lê Quý Đôn đã khiến không ít bạn đồng liêu ghen tị, đố kị. Những kẻ lòng xe điếu rất khó hiểu cách hành xử của bậc cao nhân và họ thường bịa ra những lý giải tầm thường, vị kỷ nhất đối với những cử chỉ, quyết định trong sáng nhưng lắm khi không đơn giản một chiều của các cao nhân. Tháng 6/1765, Lê Quý Đôn, khi đó đang là tham chính Hải Dương, vì muốn về quê nghỉ dưỡng sức đã viết lời giãi bày gửi lên chúa Trịnh Doanh: "Tôi mang cái thân sống sót ở muôn dặm trở về nước, mà nay xiêu giạt nơi giang hồ, xin cho tôi được về quê quán". Chúa Trịnh Doanh mặc dù rất trọng tài của Lê Quý Đôn nhưng trước cách lập luận hợp lẽ của ông cũng đã buộc phải bằng lòng cho ông về quê nghỉ. Chuyện tưởng cũng không có gì quá đặc biệt nhưng những kẻ ghen tài với Lê Quý Đôn lại cho rằng, ông xin nghỉ về quê chỉ vì cảm thấy mình không được đãi ngộ đúng mức. Thậm chí trong sách "Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục" còn ghi lại lời bình đầy ác ý về chuyện này như sau: "Học rộng thì có làm gì, chỉ để giúp cho lòng tư của mình… Sở dĩ đến như thế, cũng là do kiến thức lệch lạc mà ra!". Sinh thời, Lê Quý Đôn đã không một lần phải chịu nhận những lời sàm tấu của quan lại đương thời lên nhà Chúa. Nhân một sự cố thi cử của con trai ông (Lê Quý Kiệt), ông đã bị vu chủ mưu cho con làm điều xằng bậy ở nơi lều chõng. Rồi ông còn bị đồn rằng đã "vụng trộm chiếm nơi cấm địa", táng trộm mả tổ ở sơn phận Tản Viên. Có người căm ghét ông quá còn dẫn cả lời Mạnh Tử về việc "Quan sát con ngươi của từng người, thì người gian người ngay không thể nào giấu giếm được" và kết luận: "Con ngươi của Lê Quý Đôn lúc nào cũng đưa đẩy lia lịa, nếu dùng người này vào chức cao cả tất nhiên làm tai hại cho nhân dân..." (?!). Cũng may là nhà Chúa không đến nỗi quá hồ đồ nên những lời lẽ đao to búa lớn gay gắt như thế đã không để lọt vào tai… Lê Quý Đôn qua đời tháng 4 năm Giáp Thìn ở quê mẹ. Chúa Trịnh Khải đã tâu lên vua Lê Hiển Tông bãi triều trong ba ngày để tỏ lòng thương tiếc ông. Được phụng sự một nhà Chúa tri kỷ, âu cũng là may mắn của Lê Quý Đôn, dẫu quá nhiều điều ông biết có lợi cho dân, cho nước đã không thể nào thực hiện được trong điều kiện nước ta khi đó |
Đặng Đình Nguyên |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét