THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

Vài điều về Liên Thành, tác giả “Biến động miền Trung”

thành cổ quảng trị

Vài điều về Liên Thành, tác giả “Biến động miền Trung”

Chủ nhật, 13 tháng 11, 2009, 18:49, tôi nhận được một e-mail của “Một người yêu Huế” với nội dung như sau:
Kính gửi nhà văn Nguyễn Đắc Xuân,
Tôi là một người dân Huế xa xứ, vì yêu Huế nên rất quan tâm đến những chuyện vui buồn của Huế. Vừa qua tôi có đọc bài viết “Trịnh Công Sơn và những hoạt động nằm vùng” của ông Liên Thành và sau đó là bài phản hồi của ông Hoàng Phủ Ngọc Phan trên trang web Lề Bên Trái. Tôi cũng theo dõi những trang web hải ngoại giới thiệu quyển sách Biến động miền Trung của Liên Thành và loạt bài “Liên Thành và mắm tôm” của Bảo Quốc Kiếm… Tuy vậy, vẫn còn một số chuyện mà tôi nghĩ rằng những người trong cuộc chưa nói hết. Được biết ông Nguyễn Đắc Xuân cũng là một trong số những người trong cuộc, là nhân chứng quan trọng – hơn nữa ông còn là nhà Huế học, rất am hiểu về các biến động lịch sử nói trên. Vậy tôi xin mạo muội gửi thư này kèm một số câu hỏi có liên quan đến ông, nhờ ông giải đáp giùm. Mục đích của tôi không phải vì hiếu kỳ mà vì muốn hiểu được sự thật, nên cũng mong được nghe ông nói những điều trung thực, với lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút để ghi chép lịch sử, nhất là lịch sử thành phố Huế.
Xin hỏi:
1) Trong sách BĐMT, tại tr. 108, Liên Thành viết ông là bạn học của Liên Thành, xin ông cho biết lúc cùng học với ông, Liên Thành là người như thế nào? Những gì Liên Thành viết về nhân thân của ông có đúng không?
2) Nghe nói ông Liên Thành là học trò của nhà giáo Ngô Kha, có đúng không? Cho đến nay bà con ở Huế có ai biết thêm thông tin gì về cái chết của thầy Ngô Kha không?
3) Ngoài việc giết thầy Ngô Kha, Liên Thành có còn phạm thêm những tội ác nào nữa không?
Xin trân trọng cảm ơn và mong được hồi âm theo địa chỉ riêng hoặc trên một phương tiện truyền thông nào đó thì càng tốt.
Một người yêu Huế
Xin trả lời:
Vào khoảng tháng 4-2007, một nhà thơ bạn cũ của tôi, nguyên là công an Việt Nam Cộng hòa, cấp trên của Liên Thành đang ở San Jose (Cali) mail cho tôi biết Liên Thành, Chỉ huy trưởng BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế, vừa khởi đăng trên một Website ở Hoa Kỳ loạt bài bôi bác Phong trào Đấu tranh chống Mỹ Vận động Hòa bình của Phật giáo và Sinh viên Học sinh Huế từ năm 1966 đến 1975, đề nghị tôi nên lên tiếng để bảo vệ sự thật. Lúc ấy tôi đang khẩn trương chuẩn bị báo cáo chuyên đề “Phong trào văn thơ âm nhạc vận động hòa bình những năm 1964-1966 ở miền Nam Việt Nam” với William Joiner Center (WJC) ở Boston nên tôi không thực hiện được lời đề nghị của anh bạn nhà thơ năm xưa. Đến tháng 5-2007, sau khi hoàn thành việc báo cáo ở WJC, ngồi ở Boston, tôi có dịp đọc loạt bài của Liên Thành với cái tít rất hấp dẫn “Biến động miền Trung – Những chuyện chưa ai nói” từ tập san Biệt Động Quân. Đọc chưa xong loạt bài đó thì hết hạn visa ở Mỹ, tôi phải về Việt Nam. Đến mùa Thu năm 2008, một anh bạn ở Houston (Texas), gởi tặng tôi cuốn Biến động miền Trung (BĐMT) của Liên Thành do tập san Biệt Động Quân xuất bản, (Westminster) tháng 5-2008, dày 440 trang, vì anh bạn đọc thấy trong sách này, Liên Thành đã dành nhiều trang viết về tôi. Rồi mới đây, hồi cuối Hè 2009, không biết ai đó ở bên Mỹ biết địa chỉ e-mail của tôi cũng đã gởi cho tôi bài “Trịnh Công Sơn và những hoạt động nằm vùng” của Liên Thành lại cũng có nhiều “thông tin” liên quan đến tôi. Dù muốn dù không tôi cũng phải đọc hết cái mớ hổ lốn mà Liên Thành đã bịa đặt và phổ biến ở hải ngoại ấy. Nhưng tôi không động bút vì những lý do sau đây:
1. Tôi là một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa hơi đâu đi phản biện Liên Thành, một người mà tôi biết rất rõ tông chi họ hàng, học hành thi cử, đạo đức, quá trình làm công an mật vụ tay sai cho Hoa Kỳ, tội ác gây ra cho người dân Huế từ năm 1966 đến 1975 và ngay cả sau năm 1975 ở Hoa Kỳ của anh ta.
2. Tôi tin gia đình những người được Liên Thành xếp loại “trong hàng ngũ quốc gia”, được ông “Cựu Thiếu tá Chỉ huy trưởng BCH/CSQG TTH” viết là “Việt cộng nằm vùng”, như Trung tướng Tổng cục trưởng Tổng cục Chiến tranh Chính trị Trần Văn Trung (hiện ở Pháp), Đoàn Công Lập, Trưởng ty Cảnh sát Huế, từng là cấp trên trực tiếp của Liên Thành, nhân viên Công an Mật vụ VNCH làm việc với Liên Thành như Lê Văn Thiện (hiện ở Cali) v.v… sẽ có ý kiến thẳng thắn với Liên Thành.
3. Thật tình tôi cũng không muốn đề cập đến Liên Thành vì cuộc đời học hành, đi dạy giờ, tranh đấu Phật giáo, nghiên cứu nhà Nguyễn, nghiên cứu Kỳ Ngoại hầu Cường Để với Phong trào Đông Du[1], tôi thân quen với quá nhiều người trong gia đình của Liên Thành như bác Tráng Đinh, con bác là Liên Phú (tức Thượng tọa Chơn Kim ở Đơn Dương, Lâm Đồng ngày nay), Liên Đàm (đã mất), như thầy Tráng Cử (làm giám thị thời tôi dạy giờ trường Bán Công Huế, (anh Nguyễn Ngọc Minh hiện ở San Jose còn nhớ), con thầy Tráng Cử là Liên Hương (Việt Kiều Canada, đã cùng tôi giúp thực hiện cuốn phim Theo dấu Ba Vua), Liên Mai (hiện đang giữ nhà thờ Cường Để ở 9 Tân Lăng, An Cựu Huế), Tôn Nữ Thạch Hà (hiện có nhà ở sát tường phía đông chùa Từ Đàm ngày nay), ông Liên Á (cháu đích tôn của cụ Cường Để, hiện ở Gò Vấp, TPHCM) v.v…
Nói đến Liên Thành là chọc vào cái vết thương đau của hậu duệ của Kỳ Ngoại hầu Cường Để thân quen của tôi nên tôi tránh.
Nhưng nay bạn hỏi riêng về những thông tin có liên quan đến nhân thân và một vài người bạn của tôi, nếu tôi không trả lời thì thông tin về tôi sẽ không đúng với sự thực, không đúng với những gì tôi đã và đang viết trong các bài mang tính hồi ký của tôi. Vậy tôi chỉ xin trả lời giới hạn trong phạm vi ấy. Những thông tin khác xin hẹn trong một dịp khác sẽ tiếp tục nếu hoàn cảnh và thời gian cho phép.
1. Liên Thành là bạn học của Nguyễn Đắc Xuân?
Tại trang 108, BĐMT, Liên Thành viết về Nguyễn Đắc Xuân như sau:
“Thế nhưng định mệnh trớ trêu, bẵng đi vài năm, khi tôi từ đơn vị tác chiến về Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế, vào tháng 6 năm 1966, đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ty Cảnh Sát Đặc Biệt, để dẹp loạn miền Trung, hai người tôi phải đối đầu là thầy, và thằng bạn học cũ từ thuở xa xưa vào năm lớp nhì, lớp nhất tại trường tiểu học Nam Giao và những năm kế tiếp tại trường Quốc Học, đó là Nguyễn Đắc Xuân. [Nguyễn Đắc Xuân sinh năm 1937 tại Huế, nhưng trên giấy tờ khai sanh là 1943, hắn gốc Quảng Nam. Thuở nhỏ học trường Tiểu học Nam Giao, gần chùa Từ Đàm, Xuân và tôi cùng học với hai Thầy là, thầy Bút và thầy Liên. Nhà Nguyễn Đắc Xuân ở cuối dốc Bến Ngự, nhà tôi ở đỉnh dốc Bến Ngự, cạnh chùa Từ Đàm. Nguyễn Đắc Xuân cựu học sinh Quốc Học 1956-1961, sinh viên Văn khoa và Đại học Sư phạm 1961-1966, ban Sử địa]
Trong hồ sơ cá nhân của thầy và của Nguyễn Đắc Xuân, cả hai đều hoạt động trong ban Trí vận của cơ quan Thành ủy Huế, trực thuộc Thành ủy viên Hoàng Kim Loan. Cả hai đều là những tay tranh đấu rường cột của Phong trào Tranh đấu Phật Giáo miền Trung của ông Trí Quang, từ tháng 3 năm 1963.”
1.1. Liên Thành viết: “vào tháng 6 năm 1966”,…. “hai người tôi phải đối đầu là thầy, và thằng bạn học cũ”.
NĐX bình luận: Cuối tháng 5-1966, khi Thiệu-Kỳ ra lịnh hai bạn Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Phủ Ngọc Phan và tôi ra trình diện, sau đó hai bạn thoát ly ngay. Còn tôi vào ẩn trong chùa Kim Tiên, chùa Tường Vân và Đình Dương Xuân Hạ, đến đầu tháng 7-1966 thì Tường gởi thư bảo tôi ra chiến khu nghỉ một thời gian. Tôi đi. Tháng 6-1966 chúng tôi đâu còn tranh đấu ở Huế nữa để Liên Thành phải đối đầu? Có phải Liên Thành hư cấu thông tin đó để thấy vai trò quan trọng của mình lúc ấy chăng?
1.2. Liên Thành viết: “Nguyễn Đắc Xuân sinh năm 1937 tại Huế, nhưng trên giấy tờ khai sanh là 1943, hắn gốc Quảng Nam.”
NĐX bình luận: Trong các sách đã xuất bản của tôi (như Kiến thức Triều Nguyễn và Huế xưa, tập IV), trên nhiều trang Web, tiểu sử của tôi được ghi rõ ràng. Tôi sinh năm 1937, nhưng theo dượng ghẻ sống trong rừng Phụng Sơn (Đà Lạt), không được đi học. Đến khi được đi học tôi phải khai trụt tuổi xuống thành sinh năm 1943. Chuyện nầy liên quan đến sự chênh lệch trong bằng cấp và lý lịch cán bộ của tôi hiện nay, tôi đã trình bày nhiều lần, không có gì bí ẩn cả. Tôi ở trong rừng Phụng Sơn do người Quảng Nam thành lập, tôi chơi thân với các bạn Quảng Nam, bị ảnh hưởng bạn nên nói giọng Quảng, chứ tôi không phải người Quảng Nam. Mẹ tôi người Thanh Hóa, cha tôi người Dã Lê Chánh, xã Thủy Vân, Hương Thủy, Thừa Thiên, ông bà sinh tôi ra khi cha tôi đang làm thủ quỹ cho Hãng buôn Morin Huế. Liên Thành nghe tôi nói giọng Quảng nên đoán mò cho tôi gốc Quảng Nam là quá sai.
1.3. Liên Thành viết: “Thuở nhỏ (NĐX) học trường Tiểu học Nam Giao, gần chùa Từ Đàm.”
NĐX bình luận: Tôi chỉ học Tiểu học hai năm (1952-1954) với thầy Võ Quang Khương (hiện đang sống ở Bảo Lộc, Lâm Đồng) và thầy Nguyễn Tri Bật (đã qua đời ở 30A Hương Sơn, Nha Trang) tại trường Đa Phước (nay là Trường Trại Mát), Đà Lạt. Tôi không hề học Trường Tiểu học Nam Giao bao giờ.
1.4. Liên Thành viết: “Xuân và tôi cùng học với hai Thầy là, thầy Bút và thầy Liên. Nhà Nguyễn Đắc Xuân ở cuối dốc Bến Ngự, nhà tôi (Liên Thành) ở đỉnh dốc Bến Ngự, cạnh chùa Từ Đàm.”
NĐX bình luận: Từ Tiểu học ở Đa Phước Đà Lạt (1952) cho đến năm đỗ Tú tài II ở Quốc học (1961), trong lớp tôi không hề có một người bạn học nào có tên là Liên Thành cả, và cũng không có thầy Bút, thầy Liên nào cả. Mấy năm Đệ Ngũ – Đệ Tứ (1956-1958) Quốc học, lớp tôi có bạn Liên Đàm con bác Tráng Đinh và cô Tạ Thị Hóa ở Vỹ Dạ mà thôi. (Hỏi ông cựu phi công quân sự Đặng Văn Âu từng học một lớp với tôi và Liên Đàm, hiện đang ở Mỹ sẽ rõ.) Trước năm 1975, gia đình tôi chỉ có một ngôi nhà rường của ông nội tôi (Chánh đội Nhạc chánh Nam Triều) để lại tại làng Dã Lê Chánh, xã Thủy Vân, chưa hề có một mái nhà nào ở Huế hoặc ở “cuối dốc Bến Ngự” cả. Vì thế ở làng Dã Lê đi học, gặp những ngày cuối năm mưa lụt tôi hay ở lại nhà của Liên Đàm, (TT Chơn Kim, tức Liên Phú, còn nhớ rõ). Vì thế Liên Thành viết “Nhà Nguyễn Đắc Xuân ở cuối dốc Bến Ngự” là chuyện không có thật, hoặc ai đó hư cấu viết giúp cho Liên Thành nên trật lất, hoặc Liên Thành không biết gì về tôi, mà muốn viết vu khống tôi nên không cần sự thật cứ dựng chuyện viết bừa để lừa bịp những người chưa biết tôi!
1.5. Liên Thành viết: “Nguyễn Đắc Xuân cựu học sinh Quốc Học 1956-1961, sinh viên Văn khoa và Đại học Sư phạm 1961-1966, ban Sử địa.”
NĐX bình luận: Liên Thành là “sếp” công an mật vụ của VNCH tại Thừa Thiên-Huế, đã “lập hồ sơ cá nhân” của Nguyễn Đắc Xuân, mà không biết Nguyễn Đắc Xuân là sinh viên Ban Việt Hán Đại học Văn khoa và cả Đại học Sư Phạm đến 5 năm (1961-1966) lại bảo Nguyễn Đắc Xuân là sinh viên “ban Sử địa” thì thật buồn cười. Nếu có ai chưa tin thì cứ điện thoại hỏi ông Nguyễn Lý Tưởng – dân Sử địa ngày xưa, hiện đang rất gần gũi với Liên Thành ở Hoa Kỳ sẽ được xác nhận ngay. Qua chi tiết nhỏ nầy không rõ trình độ công an mật vụ của Liên Thành thuộc cái cấp buôn làng thôn bản nào mà kém đến vậy. Các nhân viên CIA thầy của Liên Thành, nếu họ biết cậu học trò của mình kém đến vậy, chắc họ tiếc đã lỡ bỏ công dạy cho Liên Thành.
1.6. Liên Thành viết: “Trong hồ sơ cá nhân của thầy (tức Hoàng Phủ Ngọc Tường) và của Nguyễn Đắc Xuân, cả hai đều hoạt động trong ban Trí vận của cơ quan Thành ủy Huế, trực thuộc Thành ủy viên Hoàng Kim Loan”.
NĐX bình luận: “Trong hồ sơ cá nhân… của Nguyễn Đắc Xuân” là hồ sơ nào? Hồ sơ do Liên Thành – Chỉ huy trưởng BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế lập hay hồ sơ do ngành an ninh của chính quyền Thừa Thiên-Huế ngày nay lập? Nếu hồ sơ do Liên Thành lập thì khi chạy khỏi Huế sau ngày 26-3-1975, Liên Thành có đủ thì giờ để lục tìm và mang theo không? Và có đem hồ sơ đó sang Mỹ để tham khảo khi viết BĐMT không? Chắc chắn là không. Nếu là hồ sơ cá nhân của Nguyễn Đắc Xuân do ngành an ninh Thừa Thiên-Huế ngày nay lập thì làm sao Liên Thành có được để tham khảo? Trong lý lịch cán bộ của tôi cho đến nay vẫn ghi “Ngày tham gia cách mạng 10-7-1966” tức là ngày tôi ra chiến khu theo cái thư của bạn tôi là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Cái mốc thời gian nầy rất quan trọng, nó liên quan đến thời gian tham gia Cách mạng trong lý lịch Đảng viên của tôi, liên quan đến lương bổng, không thể khai khác được. Nếu khai khác tôi phạm tội man khai lý lịch, sẽ bị kỷ luật ngay. Cho đến nay tôi chưa hề bị kỷ luật vì tội man khai lý lịch bao giờ. Lý lịch của tôi chính xác, rõ ràng. Do đó chuyện Liên Thành viết Nguyễn Đắc Xuân “hoạt động trong ban Trí vận của cơ quan Thành ủy Huế, trực thuộc Thành ủy viên Hoàng Kim Loan” là chuyện tưởng tượng, bịa đặt với ác ý kết tội tôi trong thời gian tranh đấu Phật giáo Nguyễn Đắc Xuân đã là cán bộ trí vận của Mặt trận Giải phóng rồi. Trong hồi ký của tôi, tôi đã viết rõ: Tôi chỉ gặp ông Hoàng Kim Loan trên đường tôi ra chiến khu ngày 10-7-1966 mà thôi.
Tóm lại, chuyện học hành, tranh đấu, viết lách của tôi và tiểu sử của tôi công khai trên báo chí trong và ngoài nước mấy chục năm qua như thế, tôi cũng đang sống sờ sờ ở Huế đây, nhiều trang Web trong và ngoài nước luôn cập nhật các bài viết của tôi, thế mà Liên Thành dám mạo nhận là bạn học của tôi, hư cấu thông tin về nhân thân của tôi sai 100% như thế, thật quá liều. Chuyện thật về tôi ai cũng có thể kiểm chứng được mà Liên Thành dám phịa ra như thế, thì thử hỏi những bí ẩn chính trị, lịch sử liên quan đến những người đã chết mà Liên Thành tung ra trong BĐMT có được bao nhiêu phần trăm sự thật? Phải chăng 0 %?
2. Hỏi: “Nghe nói ông Liên Thành là học trò của nhà giáo Ngô Kha, có đúng không? Cho đến nay bà con ở Huế có ai biết thêm thông tin gì về cái chết của thầy Ngô Kha không?”
Trả lời: Liên Thành nguyên là học trò của Ngô Kha, đã công nhận với nhiều bạn bè của ông. Theo ông Lê Quang X. (PA 25, người khai thác can phạm sau năm 1975, nay đã hưu trí), cho biết hồ sơ can phạm khai còn lưu tại Công an Thừa Thiên-Huế thì vào khoảng đầu năm 1973, hai mật vụ Lê Đình Liên và Nguyễn Đình Cáp đi giám thị bằng Honda 67 thì gặp nhà thơ Ngô Kha mặc áo măng-tô trắng, đầu đội mũ phớt đi qua cầu Gia Hội. Liên và Cáp đón đầu Ngô Kha và yêu cầu Kha lên xe. Kha không chút ngạc nhiên bèn hỏi: “Lên xe nào?” Liên đáp: “Xe 67 nầy.” Kha trèo lên xe. Chiếc xe 67 chở ba vụt chạy về gặp Thiếu úy Trưởng G đặc biệt Dương Văn Sỏ tại nhà riêng ở Nguyễn Thị Giang (bên cạnh quán Bar Why not, 21 Võ Thị Sáu, Huế ngày nay). Sỏ nói: “Để tau ăn cơm xong rồi sẽ đi báo ôn.” Ăn xong Sỏ đi báo với Trương Công Ân và Ân báo với Liên Thành. Kết quả các nhân viên mật vụ vừa bắt Ngô Kha nhận được chỉ thị của Liên Thành “1.000 năm mây bay”. Đến 4 giờ chiều Ngô Kha vẫn còn ở Ty thẩm vấn. Ân đến hỏi bọn Sỏ: “Sao chưa hành động?” Chúng nói trời chưa tối. Đến tối mấy đứa Sỏ, Nghệ, Liên, Cáp chở Ngô Kha về hướng Thuận An, lấy búa đánh Kha chết ngay tại Mỹ An rồi trùm bao bố thả xuống hói gần đó. Bọn chúng báo cáo với Liên Thành: “1.000 năm…” xong và đã giải quyết ở Mỹ An. Liên Thành chửi: “Chúng bây quá ngu, như rứa dân chúng biết răng? Đi vớt lên, kiếm chỗ chôn cho thật kín đáo ngay.”
Theo gia đình các ông bác trong họ Ngô của Ngô Kha, cùng lứa tuổi và ở gần nhà Ngô Kha (30 Lê Đình Chinh, P. Phú Hiệp ngày nay)[2], bổ sung thêm một vài chi tiết cụ thể hơn:
Hai tên mật vụ Lê Đình Liên và Nguyễn Đình Cáp phát hiện Ngô Kha qua cầu Gia Hội và vào nhà 42 Bạch Đằng – nhà của bà quả phụ Ngô Giu[3], chị dâu của Ngô Kha, chúng sục vào nhà bắt Ngô Kha. Bà Ngô Giu là công chức biết rõ luật lệ bèn hỏi:
“Các ông bắt người phải có lệnh của cấp có trách nhiệm chớ?”
Hai tên mật vụ ú ớ rồi để một tên ở lại canh giữ Ngô Kha và một tên chạy lấy lệnh của Liên Thành. Trong lúc chờ đợi bà Ngô Giu bảo Ngô Kha:
“Chú trèo tường phía sau nhà trốn đi. Để chị lo đối phó với mấy người ấy.”
Ngô Kha không đồng ý nên trả lời chị:
“Em làm việc chính đại quang minh. Có việc gì phải trốn. Cứ để cho chúng bắt!”
Quả nhiên sau đó chúng đem lệnh bắt Ngô Kha do Liên Thành ký đến và bắt Ngô Kha đem đi. Ngô Kha mất tích từ đó.
Họ hàng của Ngô Kha cũng cho biết: Theo lệnh của Liên Thành, xác của Ngô Kha được vớt lên khỏi bờ hói ở Mỹ An đem lên bỏ nằm chết trần truồng trong phòng thẩm vấn. Không rõ từ nguồn tin nào, ông Phạm Bá Nhạc, Phó Công an quận Hương Thủy, biết chuyện ấy rất đau đớn. Ngô Kha có một người chị là mẹ kế của Phạm Bá Nhạc. Dù sao trên danh nghĩa Ngô Kha cũng là cậu của Nhạc. Nhạc liền lên Huế xin Liên Thành một ân huệ cho phép Nhạc mua cho Ngô Kha một cái săng. Liên Thành đồng ý với điều kiện phải giữ tuyệt đối bí mật. Nếu để lộ Nhạc sẽ bị giết ngay. Nhạc cam kết sẽ giữ bí mật tuyệt đối. Ngô Kha được táng ở cồn mồ phía nam Huế. Để giữ mạng sống của mình, Nhạc không dám hé môi ngay với bà Cao Thị Uẩn, thân mẫu của Ngô Kha. Sau 1975, Phạm Bá Nhạc đi học tập. Nhiều năm sau nầy, trước khi đi HO, Nhạc có nói nhỏ cho gia đình biết Ngô Kha đã chết vào ngày 27 tháng Chạp năm Nhâm Tý (nhằm ngày 30-1-1973) chứ không phải ngày 25 tháng Chạp như gia đình và bạn bè của Ngô Kha thường tổ chức kỵ trong mấy chục năm qua. Còn xác Ngô Kha được táng cụ thể chỗ nào thì vẫn còn trong vòng bí mật.
Gần đây, đối chiếu từ nhiều nguồn tư liệu, tôi đã khoanh vùng được nơi táng Ngô Kha ở cồn mồ làng An Cựu. Sau năm 1975 cồn mồ đó đã bị giải tỏa san lấp để dựng xí nghiệp Gỗ Hương Giang, nay là khu kho ngoại quan phía sau trạm xăng dầu gần Bến xe phía Nam. Xác của giáo sư, nhà thơ Ngô Kha được vùi lấp cụ thể vào tọa độ nào, hay còn nằm dưới đất vùng kho ngoại quan, hay đã được dời đi đâu v.v… là những câu hỏi ám ảnh chúng tôi, những người bạn, những người học trò và gia đình Ngô Kha trong mấy chục năm qua. Không trả lời được những câu hỏi nầy, chúng tôi thật không dám ngẩng đầu nhìn anh khi gặp lại ở chốn vĩnh hằng. Chúng tôi đang có kế hoạch nhờ nhà ngoại cảm Bích Hằng (Hà Nội) chỉ hộ. Nhưng nhân đây tôi có lời khẩn thiết gởi đến các ông từng làm việc dưới trướng Liên Thành biết rõ đầu đuôi cái chết của Ngô Kha như Lê Văn Thiện, Dương Văn Sỏ (có tin đã qua đời), Trương Công Ân, Phạm Bá Đạt, Lê Đình Liên, Nguyễn Đình Cáp, Hồ Đình Chi v.v… đang ở Hoa Kỳ hãy cởi bỏ mọi hận thù, bố thí một chút từ tâm chỉ cho gia đình Ngô Kha[4] và họ Ngô ở Thế Lại và chúng tôi biết Ngô Kha đã được chôn lấp nơi đâu để chúng tôi đến đó dựng cho Ngô Kha một tấm bia và hằng năm đến ngày 27 Tết, đến thắp cho hương hồn Ngô Kha một nén hương. Mong lắm thay.
3. Hỏi: “Ngoài việc giết thầy Ngô Kha, Liên Thành có còn phạm thêm những tội ác nào nữa không?”
Trả lời: Vì giới hạn của một lá thư trả lời bạn đọc, tôi chỉ xin kể thêm một tội ác nữa của Liên Thành sau đây:
Biết tôi là người nghiên cứu về cụ Cường Để, mỗi lần gặp tôi anh Hà Thúc Quyết (bà con với ông Hà Thúc Ký, Đảng trưởng Đảng Đại Việt) hay kể chuyện người cháu nội của cụ Cường Để là Liên Thành, sếp công an mật vụ ở Huế cuối những năm sáu mươi đầu những năm bảy mươi. Quyết kể nhiều chuyện Liên Thành ác dã man. Tôi tường thuật lại sau đây một chuyện: Chuyện Liên Thành chặt đầu một người bạn thân trốn ở Thủy Bằng hồi mùa Hè năm 1968.
Theo Hà Thúc Quyết, người biết rõ chuyện chặt đầu bạn ấy của Liên Thành là bác sĩ Hà Công Lương (hiện đang định cư ở Nam California). Nghe kể nhiều lần nhưng tôi không dám tin. Rồi một hôm, vô tình tôi gặp cả Hà Thúc Quyết và Hà Công Lương ở quán cà-phê Sơn bên bờ sông Hương, tôi hỏi trực tiếp Hà Công Lương chuyện Liên Thành chặt đầu bạn thực hư như thế nào. Hà Công Lương khẳng định chuyện ấy có thực.
Qua thông tin của Hà Thúc Quyết, Hà Công Lương, tôi gặp cô Hồ Thị Châu, em ruột Hồ Đăng Lương, ở Huế, để phối kiểm lại các nguồn thông tin tôi đã nghe kể. Xin tóm tắt sự kiện đã được phối kiểm như sau:
Hồi đầu những năm sáu mươi thế kỷ trước, Hồ Đăng Lương ở Thôn Dương Xuân Thượng 1 (bên phải đàn Nam Giao), có hai người bạn cùng học Trường Tiểu học Nam Giao là Hà Công Lương và Liên Thành. Nhà của Hồ Đăng Lương khá, ông bà Hồ Đăng Duyên và bà Thái Thị Sen lại rất quý bạn của con. Vì thế Hà Công Lương và Liên Thành hay ở lại ăn cơm, học bài, chơi đùa ở nhà Hồ Đăng Lương. Ba người thân nhau như ruột thịt cho đến những năm học Trung học.
Sau đó Hà Công Lương đỗ Tú tài rồi vào Đại học Y khoa, Hồ Đăng Lương mãi đến năm 1967 mới đỗ và trốn lính, ở nhà với cha mẹ. Liên Thành học kém, nhà nghèo, không học lên cao được phải đi lính địa phương quân. Đến tháng 6-1966, Liên Thành xin chuyển qua làm Cảnh sát Đặc biệt, được Nguyễn Ngọc Loan tin dùng trong việc đàn áp Phong trào Đấu tranh Đô thị mùa Hè 1966 ở Huế. Vì chơi thân với Hồ Đăng Lương nên Liên Thành biết bạn mình có tư tưởng chống VNCH. Sau Tết Mậu Thân 1968, Liên Thành được báo tin Hồ Đăng Lương có hoạt động cho Việt cộng trong Tết Mậu Thân. Không nghi ngờ gì nữa, Liên Thành tìm bắt Hồ Đăng Lương. Đăng Lương biết thế nên trốn ra khỏi địa phương. Sau một thời gian truy tìm, đến ngày 6-6-1968, Liên Thành phát hiện được hầm bí mật nơi Hồ Đăng Lương đang trốn ở gần nhà ông Kiểm Hoanh, ở vùng núi sau lưng Lăng Khải Định thuộc xã Thủy Bằng. Liên Thành cho giở nắp hầm bí mật và gọi Đăng Lương lên nộp mạng. Nhưng Đăng Lương không lên, Liên Thành rút chốt lựu đạn ném xuống hầm, Đăng Lương chụp lựu đạn ném lên lại. Liên Thành điên tiết cho đào hầm bí mật của Đăng Lương, kéo Đăng Lương lên khỏi miệng hầm và cầm dao chặt đầu người bạn học đã từng ăn một mâm, ngồi học cùng một bàn suốt nhiều năm xưa. Sau đó Liên Thành lấy đầu của Hồ Đăng Lương cắm vào một cái cọc chôn bên con đường từ lăng Khải Định về làng Dã Lê Thượng xã Thủy Phương với mục đích nhử phục kích đồng đội đồng chí của Đăng Lương ban đêm về lấy đầu Đăng Lương. Nhưng cả tuần sau Liên Thành không phục kích được ai, dân chúng địa phương sợ hôi thối đã lén lấy đầu Đăng Lương đem chôn. Đăng Lương bị bạn Liên Thành thảm sát, thân dập một nơi, đầu chôn một nẻo. Đến sau 1975 một vài năm, một đồ đệ cũ của Liên Thành (hiện còn sống gần chợ Bến Ngự) báo cho bà Thái Thị Sen biết Hồ Đăng Lương, con trai bà, đã bị thảm sát như thế nào và đã bị vùi dập nơi đâu. Nhờ thế gia đình của Hồ Đăng Lương tìm được thân và đầu của anh đem về ráp lại táng ngay trong khu vườn, nơi Liên Thành, Hà Công Lương và người đã bị bạn thảm sát chơi đùa năm xưa.
Chuyện thảm sát đã diễn ra hơn 40 năm, nhưng mỗi lần nghe kể lại ai cũng rùng mình.
Chuyện Liên Thành giết thầy Ngô Kha, chặt đầu bạn Hồ Đăng Lương chưa được Liên Thành viết trong hồi ký Biến động miền Trung. Nhân trả lời bạn đọc, tôi đề nghị những người đang có cuốn sách này nên photocopy bài viết này kèm theo cuốn sách để thấy rõ hơn “cái công lao to lớn” của Liên Thành thời làm Chỉ huy trưởng BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế đối với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trước đây.
Trong quá khứ Liên Thành đã hành xử với thầy mình và bạn mình dã man như thế, đến tuổi già đáng lẽ phải hồi tâm sám hối với trời đất, với ông bà để xin được giải tội trước khi giả từ cái cõi tạm nầy, nhưng Liên Thành đã không những không hồi tâm sám hối mà còn làm ngược lại. Lưu vong ở Mỹ, Liên Thành không gây được tội ác giết người bằng da bằng thịt nữa, nay xoay qua viết sách bịa đặt bao điều xằng bậy, ác độc hòng giết tinh thần, uy tín xã hội của những người không cùng “lý tưởng” làm tay sai cho ngoại bang Mỹ như mình. Nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam tôi chưa hề gặp một mẫu nhân vật phản diện nào mang cái nghiệp độc ác, quỷ quyệt nặng nề như Liên Thành. Đến bao giờ Liên Thành mới giải được cái nghiệp chướng ấy?
Chúng ta hãy tin vào luật nhân quả!
Huế, 20-11-2009
Nguyễn Đắc Xuân, Talawas, ngày 23/11/09

NDVN, ngày 29/11/09

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét