(QT Xuân) - Trong mỗi chuyến vào Cà Mau, chúng tôi thường liên lạc thăm hỏi những đồng hương Quảng Trị đang công tác hoặc làm ăn sinh sống nơi mảnh đất tận cùng của Tổ Quốc. Và lần nào cũng thế, sau cú phôn đầu tiên cho anh Nguyễn Công Trí, hiện là Trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Trường Cao đẳng sư phạm Cà Mau là đồng hương Quảng Trị đều nhận được thông tin.
Rồi tất cả lại quây quần nhâm nhi ly rượu Kim Long cháy gan cháy ruột ôn cố tri tân, cùng hát những điệu hát ru mượt mà bình dị đậm đà chất Quảng Trị. Giờ đây, có người công thành danh toại, cũng còn nhiều thân phận đang vất vả trên vạn nẻo mưu sinh.
Rồi tất cả lại quây quần nhâm nhi ly rượu Kim Long cháy gan cháy ruột ôn cố tri tân, cùng hát những điệu hát ru mượt mà bình dị đậm đà chất Quảng Trị. Giờ đây, có người công thành danh toại, cũng còn nhiều thân phận đang vất vả trên vạn nẻo mưu sinh.
Nguyễn Công Trí lên kế hoạch công tác cho trường. |
Ở quê hương thứ hai nơi đất Mũi, người đồng hương Quảng Trị luôn kề vai sát cánh vượt qua khó khăn làm chủ cuộc sống. Khi nói về sự vượt khó của buổi ban đầu chân ướt chân ráo nơi đất khách, bằng giọng thán phục kể cho chúng tôi nghe về tấm gương anh Nguyễn Công Trí, mọi người đều bảo: Suốt 14 năm bán bong bóng để có tiền ăn học nay trở thành Thạc sĩ đã phần nào nói lên nghị lực của cậu bé đất Quảng Trị cách gần 40 năm về trước.
39 năm về trước, “Trí bong bóng”, cái tên gắn liền với nghiệp mưu sinh của cậu học trò lớp 3 nói đặc sệt giọng Quảng Trị "mua bong bóng khôông; răng rứa" đã một thời quá quen thuộc với đám trẻ trên mọi nẻo đường thành phố Cà Mau.
Trong cuộc sống đầy khốn khó của buổi ban đầu cách xa quê hương, mới học lớp 3, Nguyễn Công Trí đã phải lao vào cuộc mưu sinh. Ngoài buổi đến trường, thời gian còn lại phải đi bán bong bóng giúp gia đình kiếm thêm thu nhập. Cha mẹ anh là những người nông dân cả đời lam lũ nhưng vẫn luôn mong các con ăn học thành tài, sau này có cuộc sống ổn định.
Không phụ lòng kỳ vọng của cha mẹ, Nguyễn Công Trí học rất chăm, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đó là động lực để cha mẹ anh dù vất vả đến đâu cũng phải cố gắng vượt qua để nuôi ước mơ con vào đại học. 12 năm phổ thông là quãng thời gian êm đềm đối với những người có đủ điều kiện học hành, nhưng với Trí đó là những tháng ngày lăn lộn với đời bởi có rất nhiều khó khăn phải vượt qua.
Khi Trí lên cấp 3, vẫn đi học buổi sáng, buổi chiều rong ruổi khắp các con đường, trường học với xe bong bóng để mưu sinh. Khó khăn, thiếu thốn đã thôi thúc Công Trí lao vào học tập bền chí. Anh nhớ lại: "Có một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi, đó là vào ngày Nhà giáo Việt Nam, bạn bè mang hoa và quà đến chúc mừng thầy cô giáo.
Tôi cũng đến chúc mừng thầy chủ nhiệm Phan Anh Tài (sau này là Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ) nhưng không có tiền mua hoa và quà. Loanh quanh trước cổng nhà thầy từ sáng đến tối mịt khi không còn ai đến thăm mới dám bước vào nhà chúc mừng thầy. Thầy chủ nhiệm vô cùng xúc động trước tình cảm của tôi. Thầy động viên và còn tặng cho tôi một xấp vải để may quần áo đi học".
Và có lẽ tình cảm của người thầy đã nhen nhóm trong lòng cậu học trò nghèo một quyết tâm đi theo con đường của thầy. Vào đại học (sư phạm toán, Trường Đại học Cần Thơ), để có thể nuôi sống bản thân và bảo đảm cho việc học, Trí vẫn tiếp tục với nghề quen thuộc đã nuôi lớn mình: bán bong bóng.
Năm 1996, Nguyễn Công Trí tốt nghiệp đại học sư phạm toán và được phân công giảng dạy tại Trường cấp 3 Tắc Vân. Trên chiếc xe đạp cọc cạch, mỗi ngày anh phải đi về hơn 26 cây số. Khó khăn không làm vơi đi nhiệt huyết của thầy giáo trẻ. 2 năm công tác tại Trường cấp 3 Tắc Vân, Nguyễn Công Trí đem hết tâm huyết và năng lực của mình truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Năm 1998, Trí về công tác tại Trường Trung học sư phạm Cà Mau (nay là Trường CĐSP Cà Mau). Trong thời gian này, anh được tham gia bồi dưỡng sinh viên giỏi toán vòng quốc gia và năm nào anh cũng có học sinh đoạt giải Quốc gia.
Năm 2000, được sự động viên của đồng nghiệp và gia đình, Nguyễn Công Trí dự thi cao học tại Trường Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh. Năm 2003, anh trở thành thạc sĩ toán học tiếp tục phục vụ công tác giảng dạy và bồi dưỡng sinh viên giỏi toán của Trường CĐSP Cà Mau.
Năm 2007, anh tham gia Đề án Mekong 120 Cà Mau. Hiện tại anh đã hoàn thành chương trình ngoại ngữ (chương trình IL) với thành tích khá cao và đang lựa chọn một trường đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài để theo học.
Trí cho biết: “Trước đây mình có chọn được một trường, đó là Trường Đại học Buckingham ở Anh quốc, nhưng vì mức học phí và chi phí khá cao: 55.000 bảng Anh (tương đương 90.000 USD)/3 năm đào tạo tiến sĩ, so với mức chi phí quy định tài trợ cho những người tham gia đề án của tỉnh. Do đó, ban chỉ đạo đề án yêu cầu mình tìm một trường khác có mức phí phù hợp hơn để theo học. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm được vì đa số các trường ở nước ngoài đều có chi phí khá cao”.
Hiện tại, với cương vị là Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, ngày ngày Nguyễn Công Trí bận rộn với những hồ sơ thi cử của sinh viên. Tuy vậy, anh vẫn yêu cầu nhà trường sắp xếp giờ lên lớp cho anh, bởi anh rất yêu thích công tác giảng dạy. Ngoài giờ làm, trở về cuộc sống gia đình, anh trở thành một người chồng, người cha mẫu mực, chăm sóc vợ con chu đáo.
Nguyễn Công Trí sinh tại thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Năm 1980, lúc đó mới 8 tuổi, được ông chú đang công tác tại Sở Thủy sản Cà Mau động viên, cả gia đình vào Cà Mau sinh sống làm ăn. Anh bảo, nhớ nhất là những mùa rét, mỗi buổi tối anh phải ra chòi cùng cha canh lúa, canh khoai. Anh nhớ lại: “Lúc đó sợ ma lắm, vì trên đồng vắng gió cứ thổi hun hút”... Hiện nay, người em trai thứ 4 là Nguyễn Công Phương là Hiệu trưởng Trường Tân Đức, huyện Đầm Dơi. Em gái là Nguyễn Thị Lài, dạy tại Trường Cao đẳng sư phạm Cà Mau.
Anh tâm sự: "Tôi đến nhiều nơi, từng thăm thú nhiều bãi biển tuyệt vời nhưng không sao tìm được cảm giác an lành như ở biển Cửa Tùng quê tôi. Bởi nơi này đã chứng kiến những ngày tháng mưu sinh vất vả của gia đình, của ngư dân vùng biển nên trở thành ký ức khó quên".
Vâng ! chúng tôi cũng phần nào thấu hiểu tâm sự của một người trải nghiệm như anh. Quê hương thật đỗi thiêng liêng, càng mặn mà ý nghĩa hơn đối với những người con xa xứ. Như lời bài hát "Quê hương" của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch dựa theo bài thơ "Bài học đầu cho con" của ĐỗTrung Quân đã nói hộ nỗi lòng.
Bài, ảnh: Minh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét