Chúng tôi đến thăm Trung tướng Vũ Xuân Vinh, nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng vào đúng dịp kỉ niệm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt", ông là Tham mưu trưởng Trung đoàn 36 - Đại đoàn 308 lừng danh.
Đã sang tuổi 89, nhưng Trung tướng Vũ Xuân Vinh vẫn giữ được sức khỏe và trí tuệ mẫn tiệp. Trò chuyện cùng ông, chúng tôi càng hiểu rõ cội nguồn làm nên chiến thắng chấn động địa cầu; thêm hiểu và khâm phục những người lính Bộ đội Cụ Hồ với bản chất nhân văn sâu sắc của một đội quân từ nhân dân mà ra.
Phép độn thổ của Việt Minh
Cuối tháng 1/1954, theo kế hoạch đã định, cuộc tổng tấn công Điện Biên Phủ sẽ diễn ra với phương châm đánh nhanh, thắng nhanh. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đang trong tâm trạng háo hức chờ đợi thời điểm khai hỏa thì bất ngờ nhận được lệnh lui quân.
Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ triệu tập chỉ huy các trung đoàn, phổ biến mệnh lệnh của Đảng ủy Bộ Tư lệnh mặt trận, quyết định đưa Đại đoàn 308 (gồm 4 trung đoàn) di chuyển sang phía Tây giúp nước bạn Lào đánh địch dọc theo sông Nậm Hu tới cố đô Luôngphabang. Quân lệnh như sơn, hậu cần tự túc với lượng gạo mỗi người chỉ còn ăn đủ 3 ngày; nhưng chúng tôi vẫn khẩn trương lên đường.
Đại đoàn 308 là một "quả đấm thép", nên tình báo địch theo dõi rất sít sao. Trước sự di chuyển này địch cho rằng Việt Minh không dám tấn công Điện Biên Phủ, vì "308 ở đâu thì chiến trường chính ở đó". Vậy là 308 vừa nghi binh, vừa đánh địch, kéo địch phải giãn ra trên nhiều mặt trận. Trong lúc tại Điện Biên Phủ, địch rất chủ quan, bộ đội tranh thủ tăng cường hệ thống công sự, kéo pháo vào sát mục tiêu, đào hệ thống giao thông hào như một chiếc thòng lọng chòng lấy cổ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch.
Đoàn cán bộ quân chủng Phòng không - Không quân trong một lần đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Trung tướng Vũ Xuân Vinh ngồi hàng đầu bên trái). |
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên đất bạn Lào, Đại đoàn 308 bí mật vòng trở lại Điện Biên Phủ, áp sát mặt trận. Ngày 13/3 đến 17/3, ta hoàn thành đợt 1 của chiến dịch, xóa sổ các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập. Với phương châm đánh chắc, tiến chắc, bộ ta đào giao thông hào, có lúc đào ngầm dưới mặt đất vài chục centimet (để tránh mìn địch cài dày đặc dưới bề mặt đất). Trung đoàn 36 còn được mệnh danh là Trung đoàn Bắc - Bắc (gồm chủ yếu là những chiến sĩ quê Bắc Ninh, Bắc Giang), quen đánh "độn thổ".
Thượng tuần tháng 3, Trung đoàn 36 của chúng tôi đào giao thông hào ngầm vào cứ đến điểm 206 rồi nổ súng nghi binh; khi địch tập trung pháo, súng bắn ra, bộ đội rút vào công sự. Địch ngưng bắn thì ta lại ra nổ súng khiêu chiến. Cò cưa mãi như vậy, địch chủ quan cho rằng ta chỉ quấy rối, chứ không dám đánh thật.
Hôm ấy, một trung đội của ta tiếp tục đào công sự ngầm vào sát cứ điểm, gần đến nỗi nghe được cả bọn địch trong các lô cốt đang nghêu ngao hát. Được sự đồng ý của chỉ huy Trung đoàn 36, toàn trung đội táo bạo bật hào xông lên tấn công địch. Thấy bộ đội Việt Minh từ dưới đất chui lên, những tên lính Âu Phi hoảng loạn bỏ chạy khỏi công sự.
Bộ đội ta khống chế được toàn bộ cứ điểm và viên chỉ huy cùng tên sĩ quan truyền tin của địch. Chúng tôi lập tức khai thác viên chỉ huy cứ điểm 206, hắn khai nhận: Các ông xứng đáng là những người chiến thắng. Khi chúng tôi tưởng các ông đánh thật, thì các ông không đánh nữa; khi tưởng đánh nghi binh thì các ông lại đánh thật. Các ông chui từ dưới đất lên thì làm sao chúng tôi trở tay kịp!
Cuộc đối thoại trên chiến hào với nữ tù binh duy nhất
Một kỉ niệm đáng nhớ trong ngày 7/5/1954 lịch sử, mà Trung tướng Vũ Xuân Vinh là một nhân chứng. Trong số hàng vạn tù binh Pháp tại Điện Biên Phủ, có một nữ tù binh duy nhất, là y tá trưởng Genevieve Degala. Cô cũng là tù binh được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lệnh phóng thích đầu tiên sau khi Điện Biên Phủ thất thủ không lâu. Genevieve Degala nhảy dù xuống Điện Biên Phủ để làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh Pháp.
Sau khi sân bay Mường Thanh bị bộ đội ta khống chế, "cái dạ dày" của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bỗng chốc bị cắt phăng. Y tá Genevieve Degala bị kẹt lại và trở thành người phụ nữ duy nhất bên phía địch có mặt trên chiến trường. Người đã bắt Genevieve Degala chính là ông Vũ Xuân Vinh, khi đó mang quân hàm thiếu tá.
Từng là cựu học sinh trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An, Hà Nội), Trung tướng Vũ Xuân Vinh rất thạo tiếng Pháp. Nhớ lại sự kiện bắt nữ tù binh duy nhất này, ông Vũ Xuân Vinh cho biết: Chiều 7/5/1954, đơn vị tôi thọc sâu vào khu trung tâm tập đoàn cứ điểm. Nhiều đơn vị địch lũ lượt ra hàng. Khi còn cách hầm tướng De Castri vài trăm mét, tôi bất ngờ gặp Genevieve Degala khi cô vẫn đang chăm sóc thương binh địch ngay dưới chiến hào. Tôi hỏi cô là ai, làm gì ở đây? Genevieve Degala trả lời: "Tôi là y tá trưởng! Tôi có nhiệm vụ chăm sóc thương binh". Có lẽ thấy tôi mang khẩu súng ngắn, cô đoán là chỉ huy, nên nói tiếp: "Thật may được gặp ngài chỉ huy. Xin phép ông cho chúng tôi được mang thương binh lên khỏi chiến hào, để được hít thở bầu không khí trong lành". Vị chỉ huy bộ đội Việt Minh nói: "Đồng ý. Cô hãy đưa họ lên, để họ được hít thở bầu không khí trong lành và tự do nữa!". Y tá Genevieve Degala nhìn tôi với ánh mắt biết ơn rồi tiếp tục làm phận sự của mình...
Về số phận của y tá Genevieve Degala sau đó, cô đã được đối xử rất nhân đạo và trong chuyến bay đầu tiên trao trả những tù binh, thương binh nặng ngày 27/5/1954, có một chỗ đặc biệt dành cho Geneviene Degala. Tại sân bay Gia Lâm, cô đã nói với các phóng viên báo chí: "Nếu biết trước được lòng khoan dung của Cụ Hồ và nhân dân Việt Nam , thì tôi đã xin làm tù binh sớm hơn!". Rất tiếc, nhiều năm qua, Trung tướng Vũ Xuân Vinh không có thêm thông tin gì về người nữ tù binh này
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét