|
hà sử học Dương Trung Quốc
Larry Berman là một giáo sư của đại học Mỹ, ông đã có ba cuốn sách viết về Việt Nam, trong đó có cuốn “Không hòa bình, không danh dự: Nixon và Kissinger, và sự phán bội ở Việt Nam”.
Tôi nhắc đến tựa sách này vì cách đây 8 năm (2005), khi bản dịch tiếng Việt được in ở Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt-Mỹ đề nghị tôi viết lời giới thiệu. Sách ra mắt, tôi mới được gặp tác giả. Không biết Larry Berman nghĩ sao mà lần này, cuốn sách các bạn đang cầm trên tay, lúc chuẩn bị ra mắt, qua First News tác giả lại yêu cầu tôi viết mấy lời cho cuốn sách.
Đây lại là cuốn sách viết về một nhà tình báo Việt Nam, Tướng Phạm Xuân Ẩn. Viết về vị tướng tình báo huyền thoại này Larry Berman không phải là người đầu tiên. Ít nhất thì cũng có hai nhóm làm sách và cả nhóm làm phim mà Larry Berman đã từng tiếp xúc. Đó là chưa kể đến cuốn truyện của nhà văn Nguyễn Khải viết cách nay đã hai thập kỷ (1983) lấy Phạm Xuân Ẩn làm nguyên mẫu cho một nhân vật văn học của mình. Nhưng Larry Berman là người nước ngoài, người Mỹ đầu tiên viết về Phạm Xuân Ẩn, lại dưới dạng một tiểu sử với sự cho phép của nhân vật.
Chắc chắn, một người Mỹ viết về Phạm Xuân Ẩn sẽ có lợi thế mà các tác giả Việt Nam khó có được. Không phải chỉ là vấn đề tư liệu. Giáo sư Larry Berman có thể khai thác các kho lưu trữ ở Mỹ, tiếp cận các nhân chứng người Mỹ, các cựu tướng lĩnh, chính khách Việt Nam Cộng hòa nay đang định cư ở Mỹ… là những nhân tố tạo nên môi trường sống và hoạt động của Phạm Xuân Ẩn với tư cách là một phóng viên của Tạp chí Time và một nhà tình báo luồn sâu vào nội bộ đối phương để chống lại cuộc chiến tranh mà nước Mỹ tiến hành trên đất nước Việt Nam ở thập kỷ 60, 70 thế kỷ trước.
Nhưng, cái lợi thế ấy không mấy quan trọng bằng cách suy nghĩ của một công dân, một nhà sử học Mỹ về một nhà tình báo đứng ở chiến tuyến bên kia của một cuộc chiến khốc liệt. Nói cách khác, chỉ một tác giả người Mỹ như Larry Berman mới lý giải được vì sao Phạm Xuân Ẩn không chỉ được những người đồng bào, đồng chí Việt Nam của mình khâm phục, vinh danh như một người anh hùng mà nhiều người Mỹ đã từng quen biết vẫn giữ được sự kính trọng và chia sẻ những việc Phạm Xuân Ẩn đã hành xử với tư cách một người Việt Nam yêu nước.
Lời mở sách cho bản dịch tiếng Việt lần này của một cựu quan chức cao cấp của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghía Việt Nam và những đồng đội trong ngành tình báo của Phạm Xuân Ẩn ở những hàm cấp khác nhau cũng như những lời bình luận của nhiều tên tuổi là những nhà báo nổi tiếng (David Halberstam, Stanley Karnow…) hay chính khách Việt Nam Cộng hòa có mặt xuyên suốt trong cuộc chiến tranh (Đại sứ Bùi Diễm) và nhiều nhân chứng khác… cho thấy tầm vóc và sức hấp dẫn của Phạm Xuân Ẩn cả trong cuộc đời lẫn trên trang giấy, chung đúc trong cái tên sách “Điệp viên hoàn hảo”.
Nhưng dường như với lịch sử thì khó có cái gì có thể “hoàn hảo”, trọn vẹn nếu chưa đủ độ “ngấu” của thời gian. Thời gian tựa như thứ thuốc hiện hình làm quá khứ ngày càng sáng rõ… mà nhân vật của cuốn sách cũng là người anh hùng trong cuộc đời - Phạm Xuân Ẩn - mới qua đời chưa được bao lâu. Mà cứ theo quan niệm “cái quan định luận” của người Phương Đông (tức là đến khi đậy nắp ván thiên rồi mới có thể luận bàn được người nằm trong quan tài) thì câu chuyện về Phạm Xuân Ẩn với tư cách là một nhân vật của lịch sử dường như chỉ mới bắt đầu (?!). Vì thế mà cuốn sách này vẫn có nhiều chuyện còn để lửng cho các thế hệ sau tìm hiểu. Đây chính là sức sống của lịch sử, hay nói cách khác là cái lý do để người viết sử và nghề sử học còn đất sống…
Nhưng điều có thể chắc chắn khẳng định ngay từ bây giờ, Larry Berman và cuốn sách lần này được dịch một cách trọn vẹn ra tiếng Việt sẽ là một công trình không chỉ đầy đủ và đáng tin cậy nhất vì tính chân thực của cả nhân vật và người viết về nhân vật ấy. Cũng cần phải nói thêm rằng, lần ra mắt bản tiếng Việt này khồng chỉ khắc phục khiếm khuyết của lần xuất bản trước đã không công bố nguyên vẹn toàn bộ tác phẩm thì lần này đã được bổ sung đầy đủ. Lại còn có thêm 20 trang được Larry Berman lấy đầu để “… 6 năm sau - X6, những câu chuyện tiếp nối”. Đó là những chi tiết được nhân vật và tác giả thỏa thuận chỉ công bố sau thời điểm Phạm Xuân Ẩn đã qua đời.
Do vậy mà trong cuốn sách này vẫn còn nhiều điều chính nhân vật anh hùng của chúng ta vẫn cảm thấy “chưa hoàn hảo”. Đoạn Larry Berman nhắc đến bức thư tố cáo của một đồng nghiệp của Phạm Xuân Ẩn ở Tạp chí Time cho rằng nhà tình báo cộng sản đã phản bội các đồng nghiệp của mình và phải chịu trách nhiệm về cái chết của nhiều người khác đứng ở bên kia chiến tuyến chính trị. Cho dù cách lý giải của tác giả cũng như quan điểm một số đông đồng nghiệp người Mỹ đã chia sẻ với Phạm Xuân Ẩn chấp nhận bổn phận của một người Việt Nam yêu nước phải thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình, thì ngay chính Phạm Xuân Ẩn cho đến những ngày cuối đời vẫn còn nghĩ tới một nữ đồng nghiệp (Beverly Deepe) vẫn chưa chẩp nhận sự chính đáng của mọi luận giải bênh vực mình. Hay nội dung cuộc gặp lại William Colby, người từng đứng đầu cơ quan CIA của Mỹ nhiều năm sau khi chiến tranh đã kết thúc vẫn được nhà tình báo Việt Nam mang theo xuống “tuyền đài” không chia sẻ với ngay cả Larry Berman…
Điều đó khiến câu nói của nhân vật với tác giả cuốn sách như một lời thắc mắc “Giáo sư thấy đó… hình như người ta vẫn chưa rõ tôi là người như thế nào?” lại trở thành lời thắc mắc của chính người viết tiểu sử vẻ nhân vật của mình cũng như người đọc.
Rồi trong những tâm sự mà Phạm Xuân Ẩn biết rằng sẽ là những lờl cuối đời dành cho người viết tiểu sử của mình, ông vẫn ngổn ngang chưa thể lý giải được những gì đã phải chịu đựng ngay khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được phong tặng danh hiệu Anh hùng với vô số huân chương đầy vinh dự ghi nhận từng chiến công cũng như toàn bộ cống hiến của mình cho Cách mạng, ông nói nhiều đến sự “cô đơn” ngay giữa những đồng đội, đồng chí của mình mà ông cho rằng chính họ vẫn chưa thực sự muốn hiểu mình là ai? Phạm Xuân Ẩn còn nhắc đến sự chối từ một nguyện vọng rất tha thiết của ông là được có mặt trong lễ tồt nghiệp đại học của người con trai, mặc dù đã được nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho sang học tại nước Mỹ, nơi ông đã từng sống, hoạt động và lập những chiến công hiển hách.
Ông cũng đã bộc bạch với người viết tiểu sử mình những hoàn cảnh buộc ông phải từ chối những tiếp xúc ngay với những người thân, đồng đội của mình sau ngày chiến thắng, để rồi chỉ còn biết khép kín giao tiếp của mình bằng việc nghe đài nước ngoài như một thói quen nghề nghiệp… Cái nghịch lý khác nghiệt ấy được viết ra để những nhà lãnh đạo phải suy nghĩ về những đỏng chí của mình… Nhưng phài chăng đó cũng là một phần của cái vinh quang tột đỉnh gắn với những chiến công trong chiến tranh của “Điệp viên hoàn hảo” tựa như “mặt trái của tấm huân chương” hiểu theo nghĩa một sự hy sinh cũng không kém phần “hoàn hảo”.
Trong lịch sử, ở những mức độ khác nhau, người ta có thể thấy Phạm Xuân Ẩn chì là một trong nhiều chiến sĩ cách mạng đã lựa chọn con đường giống như ông. Phải chăng đó cũng là một phần bi kịch của cuộc chiến tranh mà “Điệp viên hoàn hảo” đã tham gia?Thế nhưng, ở những trang sách khác, ta lại được thấy tấm ảnh Phạm Xuân Ẩn chụp cùng ông Tổng lãnh sự Mỹ khi lên boong chiếc tàu chiến đầu tiên của Mỹ cặp bến cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong một chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam vào tháng 9-2003, để ông có dịp thổ lộ “giờ thì tôi có thể thanh thản ra đi được rồi”.
Thêm nữa là tấm ảnh con trai của Phạm Xuân Ẩn với tư cách là phiên dịch của Bộ Ngoại giao Việt Nam đứng cạnh Tổng thống Bush được in trong sách đã nói lên được niềm mong ước lớn nhất vì nó mà “Điệp viên hoàn hảo” của chúng ta đã tận hiến cuộc đời của mình trong sứ mệnh một nhà tình báo chiến lược, đã trở thành hiện thực. Xin nhắc lại điều Phạm Xuân Ẩn đã nói với Larry Berman trong lần gặp cuối cùng: “Ước nguyện của tôi là như thế này: Chiến đấu cho tới lúc đất nước giành được độc lập rồi sau đó tái lập quan hệ ngoại giao và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, lúc bấy giờ thì tôi đã có thể nhắm mắt xuôi tay thật mãn nguyện vào bất cứ lúc nào”. Như thế, với ông phần “chưa hoàn hảo” vẫn chỉ là một bi kịch - lạc quan mà thôi. Như trên đã nói, đó chính là một phần của sự nghiệp một nhà tình báo chiến lược, luôn tỷ lệ thuận với những vinh quang đã đạt tới.
Rất tiếc, khi Phạm Xuân Ẩn còn sống, tôi đã không có may mắn được gặp “Điệp viên hoàn hảo” lừng danh để kể cho ông nghe hai câu chuyện mà tôi được tham dự: Năm 1995, ngay sau khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, thì một trong những sứ giả sớm nhất từ Mỹ qua Việt Nam là những cựu tình báo OSS (tiền thân của CIA). Họ đã có mặt tại Hà Nội vào tháng 9 năm 1995 để gặp lại những đồng minh cũ là các chiến sĩ Việt Minh và kỷ niệm nửa thế kỷ thành lập Hội thân hữu Việt-Mỹ ra đời ngay sau khi nước Việt Nam Độc lập. Những cựu tình báo OSS này đâ nhảy dù xuống Việt Bắc (7-1945) để cùng đứng trong Đại đội Việt- Mỹ xuất quân từ gốc đa Tân Trào (14-8-1945) đi đánh phát xít Nhật lúc đó đang chiếm đóng Đông Dương, khởi động cho cuộc Cách mạng tháng Tám… Họ còn được gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng là Tư lệnh của Đại đội Việt-Mỹ (Đại đội trưởng là Đàm Quang Trung và Thiếu tá A. Thomas là cố vấn)Đáp lại, vào tháng 7 năm 1997, các cựu chiến sĩ Việt Minh lại có mặt ờ New York để gặp lại các đồng minh Mỹ của mình với sự chứng kiến của các nhà sử học quốc tế. Kết thúc cuộc gặp gỡ Việt-Mỹ, tại “Nhà Châu Á” (Asia House) một cuộc “giao lưu” được tổ chức mà cử tọa tham dự ngoài các nhân chứng lịch sử, quan chức ngoại giao và giới sử học còn có nhiều khán giả là hội viên hoặc những người mua vé đến dự mà chiếm số lượng đông nhất lại là các quan chức và nhân viên CIA đương nhiệm. Họ nói rằng đến đây dự để hiểu vì sao Hồ Chí Minh lại thiết lập được quan hệ đồng minh với Mỹ mà trước tiên là với cơ quan tình báo chiến lược của Mỹ trong Đại chiến II. Và có một sự thật mà chinh các bạn Mỹ cho là hiển nhiên, đó là việc sau này khi lịch sử và thời cuộc lại đặt Mỹ và Việt Nam của Hồ Chí Minh ở hai chiến tuyến đối lập nhau trong một cuộc chiến tranh kéo dài và khốc liệt thì dường như tất cả những thành viên OSS này đều không thù địch với Hồ Chí Minh và có người còn quyết liệt chống lại cuộc Chiến tranh của Mỹ tiến hành ở Việt Nam.
Câu chuyện thứ hai, là lần Thủ tướng Phan Văn Khải dừng chân tại thành phố Boston trước khi kết thúc chuyến thăm Mỹ vào tháng 6 năm 2005. Trong buối dạ tiệc, Cựu Thượng nghị sĩ Mc Govern, người đã thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống với R. Nixon năm 1972 đã tuyên bố trước cử tọa rằng: Sự kiện ngày hôm nay cho thấy các cử tri của Bang Massachusetts mà hơn 30 năm trước đã thất bại trong cuộc tranh cử với cương lĩnh chống lại chiến tranh Việt Nam thì giờ đây có thể tự hào nhận ra rằng chúng ta đã sáng suốt. Cuộc chiến tranh của Nixon đã thất bại và quan hệ giữa hai quốc gia chúng ta đã được xác lập. Vị cựu thượng nghị sĩ đã ngoài tám mươi tuổi còn cho biết, sở dĩ ông đưa ra quan điểm chống chiến tranh là vì trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới, ông là phi công ném bom của Mỹ tấn công các căn cứ của phát xít Nhật ở Đông Nam Á đã được cấp trên phổ biến rằng nếu máy bay gặp nạn sẽ có Việt Minh của Hồ Chí Minh cứu giúp. Cũng trong buổi đó, người tổ chức dạ tiệc, một doanh nhân lớn của Boston đã đưa cho mọi người xem một bằng chứng lịch sử. Đó là phiên bản một bức tranh liên hoàn do Hồ Chí Minh vẽ để hướng dẫn đồng bào mình cứu phi công Mỹ khi gặp nạn ở Việt Nam. Ngoài những hình vẽ và hai lá cờ của Việt Minh và Mỹ còn có câu thơ: “Bộ đội Mỹ là bạn ta - Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh”. Bản gốc hiện vật này là của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, còn phiên bản là do tôi sưu tập tặng ông doanh nhân trong một chuyến sang Việt Nam mở doanh nghiệp.
Dường như trong sâu thảm lịch sử, trước cuộc chiến tranh đã từng có những thế hệ xây đáp nền tảng cho sự thân thiện giữa hai dân tộc và phải chăng Phạm Xuân Ẩn trong khi thực hiện nhiệm vụ của một nhà tình báo chiến lược đã chạm được vào nền tảng ấy?
Cuốn sách của Larry Berman cùng nhằm làm sáng tỏ không chỉ con người của Phạm Xuân Ẩn mà cả một chương sử không dễ nhận thức vì sự khốc liệt bi tráng của nó. Và trong một chừng mực nào đó, qua cây bút của một nhà sử học Mỹ, cuốn sách viết về một nhà tình báo Việt Nam sẽ giúp làm bè bạn trên thế giới, nhất là những người Mỹ hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam qua một cuộc chiến tranh kết thúc cách nay đã bốn thập kỷ.Chiến tranh luôn là đau thương và bi kịch. Và thường là vẫn để lại hậu quả nhiều mặt trong những năm tiếp theo đó, thời gian đó ngắn hay dài không phải là do người dân. Vâng, đã bốn thập kỷ sắp trôi qua…
Câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn rất đặc biệt và dù gặp nhiều chuyện “bi” và trắc ẩn, dường như lại toát lên một ánh lạc quan thầm lặng từ một người anh hùng đã mất và một hướng đi cho những người ở lại từ câu chuyện vượt qua thử thách của chiến tranh và cuộc sống khác nghiệt bằng chính bản lĩnh và những phẩm chất nhân văn của mình. Cuốn sách của Larry Berman đã làm được điều đó để câu chuyện về Phạm Xuân Ẩn trở thành “một bi kịch lạc quan” và nhiều suy ngẫm, trước hết đối với người Mỹ và sau đó là sự khác ghi, nhìn nhận lại với những người đồng chí, đồng đội của Phạm Xuân Ẩn, và, sau đó, với nhân dân Việt Nam!
Điều cuối cùng tôi muốn nói là bài học quan trọng nhất của lịch sử rút ra từ chiến tranh và lòng hận thù phải là hạt giống cho hòa binh, sự công bằng, phát triển và thân thiện nảy mầm. Quá khứ là điều không thể thay đổi, nhưng tương lai là điều có thể kiến tạo. Vì vậy, hãy dám nhìn lại quá khứ thật trung thực như vốn những gì đã diễn ra, để có sức mạnh tạo nên sự thay đổi cho hiện tại và tương lai Việt Nam. Vì thế, thêm một lần nữa cảm ơn Larry Berman - với tư chất của một nhà sử học, và với tầm của một con người - ông đã làm được nhiều việc ý nghĩa, cho một người bạn đã không còn nữa, và cho nhân dân hai dân tộc đã từng có nhiều xung đột trong chiến tranh, qua cuốn sách khá đầy đủ viết về một con người có nhiều bí ẩn và sức hút mang tên: Phạm Xuân Ẩn.
Hà Nội, 2013
Dương Trung Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét