THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Phía bên kia nghĩ gì về cuộc chiến Quảng Trị 1972?

Người thành cổ Quảng trị

 Ngày 2/4/1972, Hãng tin AFP bình luận "Dù chờ đợi cuộc tấn công từ 3 tháng nay, nhưng không thể ngạc nhiên hơn về sự dữ dội của nó…"

Vào hồi 11h ngày 30/3/1972, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn - Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - Tư lệnh Mặt trận Trị - Thiên đã phát lệnh mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Từ đó, trên mảnh đất này đã diễn ra một cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt giữa Quân giải phóng với kẻ thù...

Cuộc giao tranh ấy đã kéo dài đến 304 ngày từ lúc khai hỏa tấn công địch cho đến ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam ngày 27/1/1973. Thắng lợi ở chiến cuộc Quảng Trị ngày ấy đã đi vào Lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi vì đó là chiến thắng vang dội đầu tiên có sức cổ vũ lớn cho toàn quân và dân ta xung kích trên mọi mặt trận, đánh thắng kẻ thù để thống nhất non sông.

Cuộc tấn công bất ngờ

Quân viễn chinh Mỹ sau đợt rút quân vào đầu năm 1972 còn để lại chừng 9,5 vạn quân ở chiến trường, nhưng trên thực tế hầu như đã chấm dứt mọi hoạt động chiến đấu bằng bộ binh. Tình hình chiến cuộc lúc đó "Quân đội nhân dân Việt Nam đang ở trên thế thắng lợi, Mỹ - ngụy đang lâm vào tình thế của những người thua trận…".

Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến, dựa vào tiềm năng quân sự, chúng vẫn thực hiện những hành động chiến tranh phiêu lưu nhằm chống lại Quân giải phóng, thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Một mặt rút dần số quân đội Mỹ còn lại, tạo điều kiện mặc cả với ta trên bàn Hội nghị Paris. Một mặt nhằm xoa dịu phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho Nixon trong việc bầu cử tổng thống vào cuối năm 1972.

Trước tình hình đó, tháng 8 năm 1971, Bộ Chính trị họp ra nghị quyết về phương hướng hoạt động quân sự năm 1972 là mở nhiều chiến dịch tiến công trên chiến trường Đông Dương, trọng điểm là chiến trường miền Nam, đẩy mạnh đánh phá chiến lược "bình định" của địch ở nông thôn, đưa phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị lên một bước mới, phát huy thế chủ động chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam, tạo ra một bước chuyển biến cơ bản, tiến lên thay đổi cục diện chiến tranh. Theo phương hướng đó, Bộ Chính trị đề ra nghị quyết cụ thể mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng miền Đông Nam Bộ, Trị - Thiên, Tây Nguyên, trong đó miền Đông Nam Bộ là hướng tiến công chủ yếu, đánh vào đây sẽ tác động mạnh tới Sài Gòn.

Nhưng thông qua diễn biến của chiến trường, nhất là việc chuẩn bị vật chất cho chiến trường miền Đông Nam Bộ. Tuy có nỗ lực lớn nhưng chưa đảm bảo yêu cầu, nên đầu tháng 3-1972 Quân ủy Trung ương quyết định thay đổi hướng tiến công chiến lược chính sang chiến trường Trị - Thiên, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên chuyển thành hướng quan trọng, và sẵn sàng đưa một bộ phận chủ lực thọc sâu xuống đồng bằng khi có thời cơ. Có sự thay đổi như vậy là vì ở chiến trường Trị - Thiên sát với hậu phương chiến lược miền Bắc, ta có thể tập trung lực lượng và bảo đảm vật chất cho một chiến dịch quy mô lớn, dài ngày. Thêm nữa, cho đến lúc này, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ vẫn cho rằng hướng tiến công chiến lược chính của ta vẫn là chiến trường Tây Nguyên, nên đã điều động phần lớn Sư đoàn dù (lực lượng dự bị chiến lược) và các lực lượng chủ lực của Quân khu 2 lên cao nguyên Trung phần...
 Quân giải phóng tấn công làm chủ Quảng Trị.


Quyết tâm mới của Quân ủy Trung ương được Bộ Chính trị thông qua ngày 11/3/1972. Cũng trong hội nghị này, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Trị - Thiên 1972, trong đó có cả sáp nhập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị. Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng được cử làm Tư lệnh; Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy. Các đồng chí Cao Văn Khánh, Giáp Văn Cương, Doãn Tuế, Phạm Hồng Sơn, Lương Nhân, Nguyễn Anh Đệ làm Phó tư lệnh. Đồng chí Hồ Sỹ Thản, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cũng tham gia Đảng ủy Bộ Tư lệnh chiến dịch. Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị Tổng tham mưu trưởng được cử làm đại diện của Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo hướng chiến lược quan trọng này.

Về phương châm, phương pháp chỉ đạo và thực hiện tác chiến, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Chính ủy chiến dịch nhấn mạnh: Cần tranh thủ đánh dã ngoại để tiêu diệt sinh lực địch và phương tiện chiến tranh, tạo thời cơ đánh những trận quyết định tiêu diệt từng trung đoàn, lữ đoàn địch, phá vỡ tuyến phòng thủ, nhanh chóng đột phá trung tâm, không cho chúng đối phó. Đồng thời phát huy cao độ uy lực của mọi loại binh khí kỹ thuật hiện có, đánh tập trung hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, coi trọng đánh vừa và nhỏ, đánh sâu và hiểm bằng những lực lượng tinh nhuệ, hỗ trợ cho nhân dân tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên nổi dậy giành chính quyền. Đó vừa là ý chí quyết tâm vừa là tình cảm thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ trên Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị.

Thời điểm này, do chưa thấy động tĩnh của quân ta, Mỹ - ngụy ra sức tuyên truyền rằng "Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh đã gặt hái được những thành quả nằm ngoài dự kiến". Nguyễn Văn Thiệu lớn tiếng tuyên bố: "Tôi đã chỉ thị cho quân lực bằng mọi giá không để cho hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và bất kỳ nơi nào khác rơi vào tay Cộng sản".

Đại tá Phan Bá Hòa - Tỉnh trưởng Quảng Trị cũng hí hửng phát ngôn cùng giới truyền thông quốc nội và quốc tế rằng: "Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã đẩy lùi mọi bước tiến của quân đội đối phương". Trong khi đó, mọi bước chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn tất, chảo lửa ở chiến trường Trị - Thiên đang nóng dần lên từng ngày để chạm mốc thời gian điểm hỏa.

Sáng 30/3/1972, trong buổi giao ban của Bộ Tư lệnh chiến dịch, nghe báo cáo về quy trình chuyển quân hoán đổi vị trí của địch ở những cao điểm trên chiến trường. Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn nhận định "Đây là thời cơ thuận lợi để nổ súng tấn công" và đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, chiến dịch mở màn.
 Quân giải phóng làm chủ căn cứ của địch.


Quân giải phóng tập trung hỏa lực pháo kích dữ dội vào các căn cứ của địch trong vùng giới tuyến Carroll, Mai Lộc, Sarge, núi Bá Hộ, Tân Lâm, Cồn Tiên, Đông Hà và Quảng Trị. Pháo binh của ta, với các loại đại bác nòng dài 130 ly, cũng như hỏa tiễn 122 ly tầm xa 27,5 km, từ Vĩnh Linh bên kia cầu Hiền Lương, đồng loạt bắn phá các căn cứ hỏa lực của địch. Thời điểm này, cũng là lúc Trung đoàn 2 và Trung đoàn 56 của Sư đoàn 3 bộ binh địch đang hoán chuyển vùng, nên chúng bị tổn thất rất nặng nề, nhiều vị trí phòng thủ của địch bị bỏ ngỏ, đồng thời làm cho tinh thần binh sĩ, nhất là Trung đoàn 56 giao động mạnh.

Tiếp đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch huy động các đơn vị chủ lực của Sư đoàn 304 và 308 cùng 3 trung đoàn biệt lập của B5, 1 trung đoàn Đặc công và 2 trung đoàn Chiến xa 203 và 202 vượt khu phi quân sự chia thành 4 mũi tấn công cường tập vào tuyến phòng thủ của các đơn vị địch đang trấn đóng tại các căn cứ phía tây và bắc Quảng Trị. Sau một ngày giao tranh, quân địch đồn trú ở các cứ điểm núi Bá Hô và Sarge hoàn toàn bị đẩy lùi và tiêu diệt, quân ta làm chủ trận địa hoàn toàn.

Tình hình chiến cuộc qua nhận định của báo chí đối phương

Ngày 1/4/1972, đồng loạt các báo ở Sài Gòn bắt đầu loan tin chiến sự. Trên trang nhất tờ Sóng Thần chạy hàng tít đậm "Quân Bắc Việt phát khởi mưa pháo kích và chấp nhận giao tranh ồ ạt". Hãng UPI thì nêu nhận định: "Một loạt các cuộc tấn công của địch được xem là dữ dội nhất kể từ gần một năm nay trên chiến trường Đông Dương". Thừa thắng xông lên, quân ta tiếp tục tập trung hỏa lực vào các căn cứ địch ở Đông Hà, Cam Lộ, Ái Tử, nhiều đơn vị thuộc Sư đoàn 3 bộ binh của ngụy bị tiêu diệt, hàng nghìn sĩ quan và binh sĩ ngụy mạnh ai nấy chạy nhằm tìm đường thoát thân.

Ngày 2/4/1972, Hãng tin AFP bình luận "Dù chờ đợi cuộc tấn công từ 3 tháng nay, nhưng không thể ngạc nhiên hơn về sự dữ dội của nó…". Tờ Bách Khoa phân tích: "Bắc Việt đã lợi dụng được yếu tố bất ngờ" và dự đoán: "Quân đội Bắc Việt có thể tung những cú đấm thép và thắng điểm trong 4 tuần đầu của chiến cuộc…". Tiếp đó, tờ Sóng Thần nhận định: "Cuộc tấn công Quảng Trị của quân đội Bắc Việt là bước quan trọng để quyết định chiến cuộc tại Đông Dương…". Bên cạnh những nhận định, đánh giá tình hình chiến sự tại chiến cuộc Quảng Trị, các báo còn liên tục thống kê những thiệt hại của quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Tính đến ngày 3/4/1972, tức là sau 4 ngày Quân giải phóng ào ạt tấn công đã có 11 căn cứ hỏa lực của quân đội Sài Gòn tại vùng giới tuyến bị thất thủ liên tiếp, 53 khẩu trọng pháo bị đánh hỏng, trên 7.000 binh sĩ bị tử thương, trọng thương, bị bắt và thất lạc đơn vị. Báo Sóng Thần trong các ngày 2 và 3/4/1972 liên tục có bài tường thuật sự thất thủ và tháo chạy của quân đội Sài Gòn: "Các mũi tiến công và hỏa lực của quân đội Bắc Việt ngày một thêm dữ dội khiến cho các cấp chỉ huy của Sư đoàn 3 bộ binh và Tiểu khu Quảng Trị gần như bó tay, vì không thể tìm ra kế hoạch nào để ổn định tình thế…".

Trong thời điểm này, căn cứ hỏa lực Carroll (Tân Lâm) của Trung đoàn 56 bộ binh địch đã bị bao vây, Quân giải phóng vẫn tiếp tục pháo kích dữ dội vào căn cứ để uy hiếp.

Đúng 14h30', Trung tá Phạm Văn Đính - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 thuộc Sư đoàn 3 bộ binh địch đã treo cờ trắng xin đầu hàng. 1.500 hàng binh cùng với 22 khẩu đại bác, trong đó có 4 khẩu đại bác 175 ly, 10 khẩu 105 ly của pháo đội Thủy quân lục chiến, còn lại là pháo đội 155 ly và 105 ly của pháo binh Quân đoàn 1 và Sư đoàn 3 bộ binh được Quân giải phóng tiếp quản. Sự kiện diễn ra vào chiều ngày 2/4/1972 này đã được báo chí miền Nam gọi là một biến cố gây chấn động không ít đến tinh thần của các binh sĩ trong quân đội Sài Gòn đang có mặt ở vùng giới tuyến.            

Sau khi tiến chiếm và làm chủ được căn cứ hỏa lực Carroll của địch, căn cứ Mai Lộc, nơi đặt Bộ chỉ huy của Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến địch trở thành mục tiêu tấn công tiếp theo của ta. Trước sự tấn công như vũ bão từ nhiều hướng, đơn vị pháo binh 105 ly của Thủy quân lục chiến ngụy đang đồn trú tại đây không thể chống trả mà chỉ nổ súng cầm cự đến chừng 10 giờ đêm thì cùng nhau tháo chạy về hướng Đông Hà, rồi từ đó thất thểu chạy về thành phố Huế. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 bộ binh địch cũng hoang mang cực độ trước sức ép của Quân giải phóng, nên đã hạ lệnh cho quan quân rút khỏi căn cứ Ái Tử để chạy về thị xã Quảng Trị. Tiếp đó là Trung đoàn 57 của Sư đoàn 3 bộ binh tháo chạy khỏi căn cứ Gio Linh nhằm về hướng Đông Hà.

Để cứu vãn tình thế, địch tăng viện bằng đường hàng không, đưa các đơn vị lính Biệt động quân và Lữ đoàn 369 Thủy quân lục chiến từ Sài Gòn ra tăng viện nhằm trấn giữ tại các căn cứ Nancy, Jane, Evan và phòng tuyến Mỹ Chánh, ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Lúc này, các sư đoàn Quân giải phóng vẫn tiếp tục hướng các mũi tấn công vào thị xã Quảng Trị. Vì cầu Đông Hà lúc này đã bị sập, nên các cánh quân của ta phải dùng cầu Cam Lộ để vượt sông Hiếu. Lực lượng được chia thành 2 cánh quân: Một cánh hành quân đi dọc theo quốc lộ 9 để tiến chiếm Đông Hà, Cửa Việt và theo quốc lộ 1 tiến về hướng nam. Một cánh quân khác tiến về hướng nam, theo tỉnh lộ 558 và 557 qua những cứ điểm vừa chiếm như Carroll, Mai Lộc, Holcomb để tấn công căn cứ Phượng Hoàng và thị xã Quảng Trị từ hướng tây.

Đêm 24/4/1972, một cánh quân của ta tấn công làm cháy kho tiếp liệu của Sư đoàn 3 bộ binh ngụy tại La Vang, trong đó có kho xăng dầu và cả một đoàn xe tiếp tế quân trang, quân dụng của Bộ chỉ huy 1 tiếp vận từ Đà Nẵng ra. Đêm 27/4/1972, quân ta lại tấn công thẳng vào mục tiêu kho dự trữ đạn dược của địch tại căn cứ Ái Tử, phá hủy hoàn toàn số đạn dược ở đây.              

Bị tấn công từ nhiều hướng, đến ngày 30/4/1972, thế trận phòng thủ của quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Quảng Trị hoàn toàn trở nên nguy khốn và hoảng loạn. Nhiều đơn vị lính ngụy xem như đã tan hàng vì hầu hết binh sĩ đã tự động rã ngũ để chạy theo gia đình tìm đường thoát thân về Huế. Ở thế cùng đường, Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, Tư lệnh Sư đoàn 3 bộ binh triệu tập một cuộc họp tại Bộ Tư lệnh hành quân sư đoàn đóng trong thành cổ Quảng Trị để giải trình kế hoạch tháo chạy. Ngày 2/5/1972, Quân giải phóng hoàn toàn làm chủ địa bàn tỉnh Quảng Trị. 

http://kienthuc.net.vn/giai-ma/phia-ben-kia-nghi-gi-ve-cuoc-chien-quang-tri-1972-244412.html

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét