THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Thành cổ Quảng Trị: Khúc tráng ca bất tử

Người thành cổ Quảng trị

 “Cho tôi hôm nay vào Thành cổ
Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ
Cỏ non xanh tơ, cỏ non xanh tơ...! Xin chớ vô tình...
Với người hy sinh, trên mảnh đất quê mình”.

Những câu hát ấy ngân lên lắng đọng một vùng đất Thành cổ. Chỉ mấy câu thôi nhưng khiến cho những ai đã một lần đến nơi đây thêm hiểu và cảm nhận được sự hùng tráng, anh dũng chiến đấu của các chiến sĩ trong trận chiến 81 ngày đêm khốc liệt vào mùa hè đỏ lửa - 1972.

Lịch sử cổ thành
Ngôi thành cổ này được vua Gia Long đắp bằng đất vào năm 1809, đến 28 năm sau (1837), vua Minh Mạng xây thành bằng gạch rất kiên cố. Thành được xây dựng theo kiểu kiến trúc Vô Băng của Pháp, có chu vi 2.160m, diện tích nội thành là 16ha; tường thành cổ cao 4m, dày đến 12m, xung quanh có hào thành và có 4 cửa là tiền, hậu, tả hữu. Vào thời phong kiến, Thành cổ Quảng Trị là trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự của tỉnh Quảng Trị.

Bị thương vẫn không rời trận địa. (Ảnh Đoàn Công Tính chụp các chiến sĩ của ta chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị).
Bị thương vẫn không rời trận địa. (Ảnh Đoàn Công Tính chụp các chiến sĩ của ta chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị).

Là một thành lũy phòng ngự để bảo vệ kinh đô Huế phía bắc, nên trong thành có rất nhiều công trình kiến trúc được xây dựng, phục vụ cho bộ máy quan lại và chính quyền phong kiến như hành cung, cột cờ, dinh tuần vũ, dinh án sát, dinh lãnh binh... Còn vào thời Pháp thuộc, sau khi đặt chính quyền bảo hộ ở nước ta, thực dân Pháp đã cho xây dựng ở đây một nhà lao rất kiên cố, chiếm 1/4 diện tích toàn thành (hiện vẫn còn tồn tại 28 phòng giam). Trong suốt thời gian từ năm 1929 đến đầu năm 1972, hàng ngàn chiến sĩ cộng sản và đồng bào yêu nước của ta đã bị giam cầm tại hệ thống nhà lao này. Còn dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, Thành cổ là khu quân sự nên trong thành còn có trận địa hỏa lực và nhiều trại lính...

Khúc tráng ca bất tử
Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết năm 1954, đất nước ta bị chia cắt thành 2 miền và Quảng Trị trở thành tỉnh địa đầu, có một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước, Mỹ ngụy tập trung xây dựng trên địa bàn Quảng Trị rất nhiều căn cứ quân sự lớn, kéo dài từ đông sang tây, bắc xuống nam. Đặc biệt có hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra chạy dọc vĩ tuyến 17, được mệnh danh là “con mắt thần bất khả xâm phạm”.

Đầu năm 1972, với quyết tâm đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, để tạo thế mạnh trên bàn đàm phán tại Paris, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Xuân-Hè để giải phóng tỉnh Quảng Trị. Và chỉ trong vòng một tháng (từ 30.3 đến 1.5.1972), ta đã đập tan tất cả các căn cứ quân sự địch xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Vào ngày 1.5.1972, ta cắm cờ lên nóc tòa hành chính Quảng Trị nằm tại phía tây Thành cổ. Và Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng.
Đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị.
Đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị.

Để cứu vãn tình hình, đồng thời gây sức ép với ta trên bàn đàm phán Paris, ngày 28.6.1972, Mỹ ngụy điên cuồng mở cuộc hành quân phản kích tại chiến trường Quảng Trị với mật danh là Lam Sơn 72 (mục tiêu số 1 là cắm cờ lên Thành cổ này). Đây là cuộc hành quân cực kỳ tàn bạo, đẫm máu nhất, với tính chất hủy diệt rất cao. Trong 81 ngày đêm (từ 28.6-16.9.1972), cả thị xã và Thành cổ Quảng Trị như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150-170 lần máy bay phản lực, 70-90 lần máy bay B52; 12-16 khu trục hạm, tuần dương hạm thuộc Hạm đội 7 của Mỹ đến ném bom bắn phá. Với diện tích chỉ 3km, nhưng Thành cổ đã phải gánh chịu 328 ngàn tấn bom đạn, bình quân mỗi chiến sĩ gánh chịu 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Cũng chính vì vậy, phần lớn chiến sĩ ta hy sinh là do sức ép của bom đạn, dù đang ngồi trong hầm cũng vỡ máu mũi, máu tai mà hy sinh. Khốc liệt như vậy, chiến sĩ ta trên mình mang đầy thương tích nhưng vẫn không rời trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Dù chiến đấu rất anh dũng, nhưng do hỏa lực của địch quá mạnh, các phòng tuyến bảo vệ vòng ngoài, bảo vệ từ xa của ta vỡ dần. Cuối tháng 8, đầu tháng 9.1972, địch bắt đầu tràn vào thị xã Quảng Trị, từ đây diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt trong lòng thị xã và Thành cổ. Ta với địch giành nhau từng căn nhà, góc phố của Thành cổ. Tuy nhiên, thời tiết lúc này vô cùng ác liệt. Áp thấp nhiệt đới liên tục xảy ra, nước sông Thạch Hãn dâng cao, toàn bộ thị xã và Thành cổ Quảng Trị ngập chìm trong bể nước. Lợi dụng tình hình đó, địch tập trung hỏa lực không quân, pháo binh bắn vào trận địa của ta làm cho hệ thống hầm hào công sự bị sạt lở.

Các chiến sĩ của ta vừa thay nhau tát nước để chống ngập công sự, vừa phải chống trả địch. Suốt ngày ngâm mình trong nước, ăn lương khô, uống nước lã, sức khỏe giảm sút, thương vong rất lớn, có ngày lên đến cả trăm người. Lúc này việc chi viện sức người, sức của cho mặt trận cũng gặp rất nhiều khó khăn và tổn thất do nước sông Thạch Hãn đang cuồn cuộn chảy. Trước tình hình đó, đồng thời sau khi hoàn thành nhiệm vụ chốt giữ Thành cổ, ngày 16.9.1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh rút toàn bộ quân sang bờ bắc của sông Thạch Hãn, kết thúc 81 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường.

“Dòng sông máu”
Hòa chung với khúc tráng ca Thành cổ, dòng sông Thạch Hãn (nằm cách phía tây Thành cổ khoảng 300m), trong cuộc chiến 81 ngày đêm năm 1972, dòng sông là con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho mặt trận Quảng Trị. Để cắt con đường tiếp tế đó, địch điên cuồng ném bom bắn phá, rất nhiều chiến sĩ ta đã nằm lại trên dòng sông. Đặc biệt ngày 16.9, ngày cuối cùng của 81 ngày đêm sau khi nhận lệnh cấp trên rút toàn bộ quân sang bờ bắc của sông để bảo toàn lực lượng, hàng trăm chiến sĩ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói rét đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ. Và sông Thạch Hãn một lần nữa trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị anh hùng.

Sau ngày đất nước thống nhất, hằng năm có rất nhiều cựu chiến binh trở về đây thăm lại chiến trường. Sau khi vào đài tưởng niệm dâng hương các anh hùng liệt sĩ, các vị “lính già” lại ra đứng bên dòng Thạch Hãn thả một nhành hoa khóc thương đồng đội:

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Hồn nhiên bờ bãi mãi ngàn năm”

Để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên dòng sông, Đảng, Nhà nước ta đã cho xây dựng nhà hành lễ, bến thả hoa rất khang trang ở hai bên bờ sông này. Và hằng năm vào các ngày lễ lớn: 30.4; 27.7; 22.12 và ngày rằm hằng tháng, nhân dân Quảng Trị đều tổ chức lễ thả đèn và hoa trên dòng sông, để sưởi ấm linh hồn các liệt sĩ.
Bài, ảnh: PHẠM DANH
http://baoquangngai.vn/channel/2047/201409/thanh-co-quang-tri-khuc-trang-ca-bat-tu-2338752/

     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét