Lê Quang Thái
Địa danh Ái Tử đã được ghi vào chính sử cho đến nay đã được 577 năm, đánh dấu một cái mốc lịch sử quan trọng trong đấu tranh của người dân từ các tỉnh phía Bắc, kể từ đèo Ngang trở ra, đến đây theo từng triều đại để dựng tỉnh lập nước sau đám cưới của Huyền Trân công chúa năm Bính Ngọ (1306).
Sử chép rằng, năm Mậu Ngọ 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hoá đóng tại gò Phù Sa, xã Ái Tử thuộc huyện Đăng Xương (đời Lê là Võ Xương) tức huyện Triệu Phong ngày nay. Sau đó người bình dân bản địa quen gọi là Ái Tử bằng cái tên sâu lắng tình quê hương là KHO CÂY KHẾ (1).
Năm Giáp Tý, 1744, chúa Nguyễn Phú Khoát xưng hiệu là Võ Xương, chia xứ Đằng Trong ra làm 12 dinh, Ái Tử trở thành Cựu Dinh và Phú Xuân trở thành Chính Dinh. Địa danh Ái Tử nghiễm nhiên được nâng cấp và gắn liền với tên gọi mới là Dinh Cát, thủ phủ của một đơn vị hành chính thời phong kiến ngang hàng với Phú Xuân. Chắc rằng thời kỳ này là thời hưng dậy, đắt giá của Ái Tử. Dinh Cát mang tên mới Phủ TOÀN THẮNG khi đã dời sang địa điểm ở làng Trà Bát. Nhiều giai thoại mang tính huyền sử đã gắn liền với tên gọi mới này. Biên cương của tổ quốc dưới thời các chúa Nguyễn dần dần đến Cà Mau dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Đất cũ đãi người mới. Tình đất ở đó mà nói theo cách dân giã là Ái Tử có ngạch đất tốt: trung dũng, hiếu học, tảo tần, tu hành,...
Theo sử gia Trần Trọng Kim, năm Canh Ngọ 1570, Thuỵ Quận Công là Nguyễn phúc Nguyên con trai thứ 6 của Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng dời dinh sở về đóng ở làng Trà Bát, phía đông giáp hai làng Đâu Kinh (nay là Đâu Kênh) và Hoa La (sau đổi thành Bích La). Trà Bát được đổi thành Trà Liên vì kỵ huý, ở đây còn di tích của Phủ cũ TOÀN THẮNG uy nghi một thời gắn liền quyền uy của phủ chúa với những truyền thuyết mang tính chất sử thi. Nhờ nữ thần hoặc nhân dân giúp kế mà chúa Nguyễn đánh tan quân Trịnh. Thời kỳ này các chúa Nguyễn đã dùng chiến thuật tình báo để chống lại đối phương vốn không được lòng dân.
Ngày nay, con cháu của các vị tổ khai canh của các họ Trịnh, họ Bùi vẫn sinh sống, con cháu sây cành sum sê mặc dù cho bom đạn đã trút xuống và những điều kiện khó khăn xã hội bức bách người dân phải tìm đường đi khắp mọi miền đất nước để lập cơ nghiệp mới. Những vị tổ đầu tiên này là những người góc ở Tống Sơn, Thanh Hoá; Nghệ Tĩnh và các tỉnh ở Bắc Hà theo cùng với quân sĩ của Nguyễn Hoàng từ buổi đầu xuôi buồm thuận gió về Nam.
Về cuối đời của chúa Nguyễn, Nguyễn Phúc Thuần con thứ 16 của Võ Vương mới 12 tuổi lên kế vị, quốc phó Trương Phúc Loan chuyên quyền, lộng hành làm bậy, lòng tham vô đáy cố vơ vét cho đầy túi. Gieo gió gặp bão, tháng 9 năm Giáp Ngọ, 1774, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34, Trịnh Sâm cử nội thần là Quốc Lão Việp quận công Hoàng Đình Việp tức Hoàng Ngũ Phúc làm Thượng tướng kéo ba vạn tinh binh tiến đánh miền Nam (2).
Trước bức thế của quân Nam triều bàn nhau bắt quốc phó gian ác đóng cũi đưa lên xe, giải đến nơi đóng quân của Hoàng Ngũ Phúc ở Quảng Bình dâng nộp. Quân Trịnh thừa thắng tiến vào đất Thuận Châu một cách dẽ dàng, Hoàng Ngũ Phúc đóng quân ở Võ Xá truyền hịch đi khắp miền vào tận Phú Xuân. Lú đại binh chuyển vào đóng ở đất Ái Tử, có một thầy đồ già, người huyện Đăng Xương tên là Trần Duy Thông đón đường rước quân và dâng thơ rằng:
Cùng truyền đống trập oanh lôi dạ
Mãn địa khô miêu đắc võ thì
Nguyện chỉ Phú Xuân thôi tiến phạt
Binh cơ quý tộc bất nghi trì
dịch:
Sâu co gặp sấm vừa vang tiếng
Lúa héo chờ mưa đã được thì
Xin thẳng Phú Xuân mà tiến tới
Việc binh nên chóng chớ nên trì (3)
Bản lĩnh chơn chất, tính nết thuần lương của người dân Thuận Châu được bộc lộ rõ nét qua thần khí của tứ thơ. Có thể xem vị đồ già thức thời, vì dân mà đóng đúng vai trò của kẻ sĩ, mạnh dạn đứng lên nói hết thảy tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân đã quá chịu đựng áp bức bấy giờ:
“Quân Nguyễn không quen đánh bộ, chỉ thuỷ quân là giỏi. Đại quân ở xa tới xin đừng tranh ở chỗ sở trường của họ” (4)
Trước thái độ chính trực, căm ghét bạo tàn của vị đồ già, Thượng tướng Hoàng Ngũ Phú đáp lễ bằng cách xin giữ thầy lại ở trong quân ngũ và sau cùng là làm chức Câu kê.
Lê Quí Đôn, chứng nhân thời cuộc một thời, lúc giữ chức Tham hiệp trấn quân cơ trấn Thuận Hoá, bên gác Triêu Dương cạnh bờ sông Hương ở xã Kim Long, đã ghi lại dấu tích còn lại của Ái Tử sau 218 năm ngày Nguyễn Hoàng chon cuộc đất Ái Tử làm điểm dừng chân tiến về Nam:
“Dinh Cát ở đầu núi xã Phúc Toàn do Thuỵ quận công lập ra. Trấn dinh cũ của họ Nguyễn ở phía tây sông Ái Tử, từ dinh mới ra đường cái, sang cầu Ái Tử đi về tay trái nữa khắc là đến nới, nhà quân lính vẫn còn, tức là chỗ dinh của Đoàn quốc công Nguyễn Hoàng khi mới vào trấn. Phía đông sông ấy là hai xã Đâu Kinh và Hoa La...” (5)
Từ giữa thế kỷ 16 trở đi, Ái Tử bắt đầu đi vào thời kỳ xây dựng dinh phủ, các chúa Nguyễn đặt quan chức cai trị theo cơ cấu hành chính riêng biệt khác hẳn với nền hành chính ở phía bắc đèo Ngang.
Nền hành chính đương thời là nên hành chính của một xã hội văn hoá nông nghiệp, quyền lực tập trung về một mối nhưng biên chế dân sự không nặng nề:
“Đoàn quốc công đóng ở Dinh Cát, sau sai quan đóng giữ gọi là Dinh cũ, ở xã Ái Tử, huyện Đăng Xương, chỉ có một lệnh sử, Câu kê, Cai hợp một chức một người, Thủ hợp một người, Lại viên 20 người, giữ viện từ tụng văn án, sổ hộ khẩu và binh suất do một viên Ký lục và viên Thư ký đứng đầu; lại thu tô ruộng hai huyện Hải Lăng, Đăng Xương, xét hỏi việc từ tụng của quân dân” (5)
Thuở ấy ngoài chuyện lo chăm chút công việc đồng áng, chăn nuôi, người dân xã Ái Tử đã biết nấu được đường trắng và đường đen. Công nghiệp bước đầu gắn liền việc trồng mía để lấy mật đường chi dùng và nước đường để trộn với hồ xây dựng thành trì, kho tàng, dinh thự. Các làng bên cạnh bờ sông Thạch Hãn là Xuân Yên, Trung Kiên có lò vô hàu; An Đôn, Thượng Phước cung cấp gỗ từ thượng nguồn sông Thạch Hãn đổ về.
Trên đồi thoai thoải ở phía tây bắc giáp Nại-Cửu thường thuận lợi cho việc chăn nuôi bò. Và bò bê Ái Tử đã nổi tiếng một thời, lai buôn từ phương xa đến bán buôn, trao đổi, chon giống.
Đầu niên hiệu Gia Long, vua đổi Cửu dinh thành dinh (doanh) Quảng Trị và lại chon đất phường Tiền Kiên (so với thời điểm bấy giờ là một làng mới) để xây dựng thành trì. Năm Gia Long thứ 18, 1809 mới dời tỉnh lỵ về địa điểm mới ở làng Thạch Hãn, huyện Hải Lăng.
Ái Tử trở thành tổng kho chứa lương thực dự trữ. Mục lục châu bản triều nguyễn còn ghi rõ ràng của kho Ái Tử qua một bản lệnh truyền thời Gia Long , ngày 20 tháng giêng năm thứ 4,1805:
“Công đồng truyền=dinh Quảng Trị đặng rõ: Kho Ái Tử có 5 toà, cộng 126 gian bỏ trống, đổ đầy lúa hết 88 gian, chỉ con 38 gian bỏ trống, nay nên làm thêm hai toà công khố, mỗi toà 22 gian để tiện trữ lúa năm nay” (7)
Ái Tử là trung tâm của dinh Quảng Trị, nơi thuận lợi cho việc tập trung lúa là tổng kho dự trữ. Việc vận chuyển lương thực, hàng hoá về tổng kho theo đường bộ và đường sông khá tiện lợi - bổi lẽ Ái Tử nằm trên đường thiên lý.
Ngày nay trên dãi đất trải dài dọc bờ bắc sông Thạch Hãn vẫn còn những kỳ tích do bàn tay của các nghệ nhân và công sức đóng góp lớn lao của dân chúng vì lòng ngưỡng mộ đạo lý và nghĩa khí của tiền nhân.
Thuở mới vào lập nên xứ Đằng Trong, các chúa nguyễn đã cho dựng chùa Tịnh Quang ở đất Ái Tử và sau đó chẳng bao lâu được phong là SẮC TỨ TỊNH QUANG TỰ mà ngày nay biển gạch vẫn còn nét vàng son. Dân gian quanh vùng và cả tỉnh quen gọi là chùa SẮC TỨ ( có nghĩa là chùa được vua ban sắc dụ làm Quốc Tự).
Cũng liền theo dãi đất toạ nên cơ cuộc vuông tròn buổi đầu này, chúa Nguyễn cho dựng Văn miếu ở làng An Đôn, năm Gia Long thứ 13,1814 dời đến xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, năm Minh Mạng thứ 21,1840, lại dời về chốn cũ (8)
Lại có đền thờ thần TRẢO TRẢO LINH THU PHỔ TRẠCH TƯỚNG HỰU PHU NHÂN ( trảo trảo là tiếng nước xao dòng sông). Cứ theo sự tích thì buổi đầu Đoan quận công đến trấn giữ Ái Tử, tướng nhà Mạc là Lập Bảo đem quân đánh đuổi. Năm 1572 Nguyễn Hòng đóng quân trên bờ sông Ái Tử, ban đêm ở dưới sông có tiếng nước động nghe “TRẢO TRẢO”. Đêm ấy Đoan quốc công mộng thấy một người đàn bà đẹp xin định “mỹ kế”. Khi thức giấc, nhớ lời thần bảo lấy “mỹ kế” thì phải chăng khiến dùng mỹ nhân kế để đánh lại. Tức thì có lệnh khiến nàng hầu là Ngô thị qua dụ Lập Bảo mời sang bàn luận giảng hoà. Lập Bảo vốn hiếu sắc thấy nàng có sắc đẹp liền mê say nhận lời nên bị phục binh dàn sẵn giết chết (9)
Hơn 200 năm sau sông nước Ái Tử vọng nghe tiếng dậy sấm: Tháng 5 năm Bính Ngọ niên hiệu Cảnh Hưng 47 (1786), Nguyễn Huệ đánh chếm Phú Xuân, các tướng sĩ đóng ở các đồn Cát Doanh (Ái Tử) và Động Hải (Đồng Hới) điều khiếp sợ và tan rã hàng ngũ.
Đến năm Thiệu Trị thứ 2,1842 vua ngự giá Bắc thành đã đi qua sông Ái Tử có đề thơ, sau này được chạm vào bia đa dựng ở phía tả bờ sông. Tháp tùng đoàn hộ giá, vua Thiệu Trị có cử hai con trai (con thứ 10 và 12 của vua Minh Mạng) là hai nhà thơ lớn Tùng Thiện Vương, Tương An quận vương (quê ngoại huyện Gio Linh, con bà Hồ An Tân) đều đươc sung chức Ngự tiền hộ giá (10)
Đối với lịch sử đạo Công giáo thì Dinh Cát là hạt Dinh Cát Cựu dinh Ái Tử tức tỉnh Quảng Trị sau này, các Linh mục giòng Tên đã đến truyền giáo khoảng đầu thế kỷ 17. Trụ sở hạt Dinh Cát ở gần dinh Ái Tử và Trà Bát. Tháng 12 năm 1689, linh mục Cô sơn cô Lân được chính thức cử làm cha sở hạt này. Trước đó 5 năm, ngày 7-2-1694, Linh mục Lân đã trình với Thánh bộ truyền giáo rằng: “Họ Nhu Lý, xứ Dinh Cát có 50 người Công giáo” (11)
Chỉ riêng Họ Nhu Lý (gần Cửa Việt có 50 dân giáo, không rõ toàn hạt Dinh Cát có bao nhiêu tín đồ Công giáo. Gần Dinh Cát có trụ sở của giáo xứ Đồng Giám. Có thể xem Dinh Cát là trung tâm Công giáo đầu tiên trên đất Quảng Trị.
Cạnh xã Ái Tử về phía thị xã Quảng Trị là làng Nhan Biều có một bãi cát trải dài và rộng lan ra tận bờ sông. Dưới thời nhà Nguyễn, Nhan Biểu là bãi chém, chỗ hành hình tội nhân. Trông qua bờ Nam sông Thạch Hãn là bến Hộ, bến Vườn Hoa thuộc xã Thạch Hãn, đò Nhan Biều sớm hôm đưa khách sang sông đi chợ thị xã Quảng Trị.
Bên cạnh làng Ái Tử là lang Phước Toàn, sau đổi thành Phước Mỹ. Có thuyết nói rằng vì sau giấc mộng được giang thần sông Ái Tử mách kế diệt được tướng nhà Mạc là Lập Bảo nên Phước Toàn được đổi thành Phước Mỹ. Ngày nay vẫn còn duy trì bến đò An Mô đưa dân miệt đồng bằng phủ Triệu sang sông Thạch Hãn để thâu ngăn đường đi Ái Tử, Đông Hà.
Năm Thành Thái thứ 18, 1906 vẫn còn bến đò Ái Tử: tả ngạn là làng Ái Tử, Hữu ngạn là làng Phước Mỹ. Đường xe lửa chạy qua địa phận làng song song với đường bộ quốc lộ I, cầu sắt Ái Tử có trước năm 1906 dài 41 thước 20 thông qua làng Hà Xá tiến ra ga Đông Hà.
Đông Hà - Quảng Trị, hai thị xã, hai tỉnh lỵ, mới và cũ cách nhau chưa đầy 12 cây số nằm trên quốc lộ I. Ái Tử chưa nằm hẳn ở vị trí trung tâm của hai tỉnh lỵ cũ và mới, mà lại nằm chếch hướng và thị xã Quảng Trị, từ trên máy bay trông xuống, Ái Tử và thị xã Quảng Trị chỉ cách nhau một giòng sông, vốn là thủ phủ đầu tiên của xứ Đằng Trong.
Quốc lộ I ngày nay có tiền thân là Thiên lý lộ đời Trần đã vạch đôi làng Ái Tử thành hai phần mất cân đối, phía Đông Nam là cả một bãi cát trải dài ra đến tận bờ sông Thạch Hãn, phía Tây Bắc là khu dân cư ăn thông với triền đồi thoai thoải giáp Nại Cửu phường.
Ái Tử, Đông Hà xưa kia đều là làng xã cả, kéo dài từ phía bên kia bờ Bắc sông Thạch hãn cho đến địa giới giáp ranh với các huyện Cam Lộ, Gio linh thuộc tổng An Đôn nổi tiếng là xứ có núi rú: Rú An Đôn, cồn Bái Thượng. Sau này qua bao biến đổi, xã Đông Hà được tách ra nhập vào huyện Cam Lộ và từ đó cơ ngơi đi lên dần dần. Và trong khoảng 50 năm trở lại, Đông Hà trở thành một đơn vị hành chính nhảy vọt khá nhanh. Từ làng xã lên thị trấn, lên quận, lên thị xã, lên tỉnh lỵ. Đất Đông Hà có cánh đi lên như diều gặp gió nhưng tiếc thay là còn thiếu sân bay theo đúng nghĩa của nó.
Dưới tiêu đề TUẦN LỄ DÀI NHẤT CỦA SƯ ĐOÀN TRỪNG GIỚI, Lê Hiếu Ánh trong báo Tuổi trẻ chủ nhật số 1690 ra ngày 29-4-1990 viêt:
“Năm 1971...Theo lệnh Bộ Quốc phòng, quân đoàn i gấp rút hình thành Sư đoàn 3 Bộ binh với thành phần chắp vá. Riêng binh lính đại đa số là lao công đào binh và quân phạm hoặc thuộc thành phần vô kỷ luật. Tất cả được đưa về Ái Tử để sớm thành sư đoàn cuối cùng của quân đội Sài Gòn”.
Cũng trong năm đó, một số binh sĩ trung đoàn 56 (đầu hàng ở cụm căn cứ Tân Lâm) do Trung tá Phạm Văn Đính làm Trung đoàn trưởng đã đào hầm phía sau chùa Ái Tử, gặp hầm chôn xác một con voi. Theo tìm hiểu sơ bộ cho biết xác con voi này được chôn thừ thời chiến tranh Trịnh Nguyễn (1627-1672). Và về sau trung đoàn này lấy quân hiệu VOI TRẮNG.
Từ tháng 3-1972 Ái Tử - Quảng Trị đã sớm được giải phóng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười phụ trách xây dựng đã đến thăm nhân dân Quảng Trị.
Thời đó và tiếp tụ sau này người ta đã “làm thịt” sân bay, căn cứ Ái Tử, phân tán đi bốn phương tám nẻo; chủ thể làm thịt là dân có, bộ đội có, cơ quan nhà nước cũng tham dự chia phần. Nguyễn Quận, người Hải Lăng dưới triều Lê Thánh Tôn vào đánh Chiêm Thành chỉ lấy một cây cờ lớn. Mấy ai nghĩ tới gương sáng của cố nhân lúc chia phần này.
Đau lòng vì thấy những phi đạo có giá trị bị phá, đồng chí Đỗ Mười đã phê phán, đại thể nói rằng: có lẽ các đồng chí và nhân dân cứ đinh đinh rằng không bao giờ ta sử dụng sân bay trên đất Quảng Trị này.
Vâng, ngày nay Quảng Trị đang ở thời kỳ xây dựng tập trung cao điểm không biết các cấp lãnh đạo có hướng đầu tư lâu dài thiết thực để cho Quảng Trị mang tính cách chiến lược, lịch sử, kinh tế và văn hoá chưa. Lẽ nào bước vào năm 1990 (đã hết quý II) nói chuyện năm du lịch mà không đặt vấn đề cho rõ Là QUẢNG TRỊ CẦN CÓ PHI TRƯỜNG (dù là nhỏ đi nữa) một khi công nghiệp du lịch của tỉnh Quảng Trị có thể tạo ra tiền của để xây dựng tỉnh to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.
Lẽ nào cứ để vùng đất này thanh bãi cát để “cuốn theo chiều gió.”.
L.Q.T
_________________
(1) Trần Trọng Kim, Việt Nam sủ lược, Sài Gòn, Tân Việt (in lần 6) 1958, trang 288.
(2) Bùi Dương Lịch, Lê quí dật sử, Phạm Văn Thắm dịch, nxb KHXH – Hà Nội 1978, trang 28.
(3), (4) Lê Quí Đôn, phủ biên tạp lục nxb KHXH, Hà Nội, 1977, trang 313.
(5) Lê Quí Đôn,sđd, trang 109.
(6) Lê Quí Đôn,sđd, trang 145
(7) Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập thứ I, Triều Gia Long, UB phiên dịch sủ liệu viện Đại học Huế, 1960, trang3. Cộng đồng triền là các đạo mệnh lệnh hành chính truyền đi.
(8) Đại Nam nhất thông chí, tỉnh Quảng Trị, tập số 9, Nguyễn Tạo dịnh, Sài Gòn, 1961, trang 49.
(9) Xem Trần Trọng Kim, Sđd tr.288 và Đại Nam nhất thống chí, Sđd tr.49,50. Về sau Nguyễn Hoàng được tôn trọng là Thái Tổ nên mới gọi là vua.
(10) Hoàng Trọng Thược, Hương Bình thi phẩm, Đà Nẵng, 1962 tr.9 và . 41
(11) Nguyễn Văn Ngọc, Lịch sử giáo xứ Như Lý, Huế, 1970, tr.6.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét