Có một mảnh đất là niềm tự hào của người Quảng Trị, như người xưa vẫn truyền: Địa linh sinh nhân kiệt làng Bích La. Làng Bích La không chỉ vinh danh bởi những danh nhân. Đất này còn có một phiên chợ quê hiếm có chỉ họp mỗi năm một lần ngày mùng 3 Tết.
Và khái niệm phiên chợ đình Bích La như một thương hiệu riêng của làng ẩn chứa những vỉa tầng văn hóa mà không phải làng quê nào cũng có được. Tương truyền rằng, nơi đình làng Bích La xưa có một con rùa vàng sinh sống, hàng năm vào sáng mồng 3 Tết Nguyên Đán dân làng đến thắp hương, dâng hoa ở đình làng và xem rùa nổi lên quanh hồ, đó chính là điềm báo tốt lành cho một năm mưa thuận gió hoà, dân làng làm ăn phát đạt, thịnh vượng. Bỗng một năm hồ nước trước đình làng trở màu đục, rùa vàng không xuất hiện, dân làng tỏ ra lo ngại sẽ gặp điềm xấu. Quả nhiên năm đó mùa màng thất bát, thiên tai hoành hành, lụt to bão lớn. Sau lần đó dân làng nghĩ ra cách hàng năm cứ vào sáng mồng 3 Tết Nguyên Đán phải mở hội lớn. Khoảng canh tư (từ 3 giờ sáng) dân làng không ai bảo ai lần lượt kéo nhau tụ tập về quanh hồ đình làng trống giong cờ mở, đèn đuốc sáng trưng, gõ mõ đánh thanh la thức rùa vàng dậy, bơi lội trên mặt hồ để ban phát cho dân làng vận may phát tài phát lộc. Và quả thực rùa vàng dưới hồ nổi lên, năm đó lại mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống yên vui, hạnh phúc. Và cứ thế hàng năm vào sáng mồng 3 Tết Nguyên Đán, dân làng Bích La lại hội tụ về đình làng thắp hương khấn lễ đầu năm và trẩy hội. Chính từ sự hội ngộ đầu năm đông đúc và mong ước cầu tài cầu lộc nên dân làng hình thành nên phiên chợ: phiên chợ đình làng Bích La ra đời và mấy trăm năm nay trở thành truyền thống của làng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét