Giác Ngộ - Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép việc Trần Thủ Độ sau khi bức tử vua Lý Huệ Tông, đã tàn sát những người trong tôn thất nhà Lý, với mong muốn tiêu diệt tận gốc họ Lý để tập hợp nhân tâm hướng vào họ Trần.
Tuy nhiên, vẫn có một số người trong tôn thất nhà Lý may mắn thoát chết, đã đành trốn đi, rời bỏ quê hương, mang theo phổ hệ lánh sang nước khác, hy vọng có dịp hồi hương phục quốc. Đó là trường hợp như Lý Long Tường, từ quê tổ Hoa Lâm đi sang nước Hàn Quốc, ban đầu mang theo tên Hoa Lâm, sau đổi sang tên Hoa Sơn cho hợp cảnh ngộ. Hiện nay, những người hậu duệ nhà Lý đang cố truy tìm văn bản Hoa Lâm Lý thị tộc phả - mà tương truyền tài liệu này được Lý Long Tường đem theo trong khi buộc phải xuất dương. Một số người trong gia tộc họ Lý buộc phải đổi sang họ khác nhằm trốn sự truy lùng của nhà Trần. Đại đức Thích Thanh Trung (trụ trì chùa Phúc Lâm-Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, bản Phả điệp của dòng họ Nguyễn ở Hoa Lâm (xã Mai Lâm) có ghi rằng: "Hoa Lâm xưa kia có mộ Lý Công Uẩn và một số mộ các vua nhà Lý. Trần Thủ Độ chỉ cho phá nhà thờ gốc họ Lý ở Hoa Lâm, mà không dám phá hủy những lăng mộ người đã khuất. Từ khi nhà thờ gốc họ Lý ở Thái Đường Hoa Lâm bị nhà Trần phá hủy để dòng tộc họ Trần nắm quyền trị vì đất nước, thì con cháu họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn. Hiện nay, số gia đình gốc họ Lý ở làng Hoa Lâm và các xã lân cận cũng còn nhiều, đều đã bị Trần Thủ Độ buộc phải đổi sang họ Nguyễn để cho họ Lý mất gốc, trừ Lý Chiêu Hoàng là con dâu họ Trần thì vẫn được cùng chồng tôn thờ ở Thái Đường Hoa Lâm".
Tháp thiền sư Lý Khánh Văn tại Đình Bảng
Ông Nguyễn Hạc Đạm Thư - hậu duệ đời thứ 32 của họ Nguyễn gốc Lý ở Mai Lâm cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại (tháng 12-2009), số hậu duệ nhà Lý trụ lại ở thôn Du Lâm (tức Hoa Lâm) có 19 hộ gia đình, với tổng cộng 78 người. Trong ký ức những người trên 70 tuổi hiện sống ở Du Lâm, làng cổ Hoa Lâm ở ven sông Đuống vào những năm đầu thế kỷ XX tuy không trù phú nhưng có vẻ đẹp hữu tình, với nhiều di tích lịch sử của nhà Lý. Tiếc thay, do sự thay dòng đổi hướng của sông Đuống, khiến ngôi làng cổ xưa kia với nhiều di tích quan trọng của nhà Lý đã bị thời gian biến cải. Sau trận vỡ đê Mai Lâm năm 1957, một phần diện tích của làng đã bị nhấn chìm xuống sông Đuống, nhiều di tích quan trọng bị nước cuốn trôi. Đến năm 1980, sông Đuống tiếp tục bị sạt lở, toàn bộ làng Hoa Lâm phải chuyển vào trong đê. Đại đức Thích Thanh Trung cũng là hậu duệ nhà Lý, chỉ tay ra giữa lòng sông Đuống, chua xót: "Chỉ cách đây chừng hơn 30 năm, Du Lâm vẫn còn khu lăng mộ Bất kỳ nhi nhiên của nhà Lý, nay đã nằm ở giữa lòng sông Đuống. Tương truyền, Trần Thủ Độ vì bức tử vua Lý Huệ Tông, khiến tôn thất nhà Lý vô cùng uất ức. Đến lúc người nhà họ Lý làm lễ tế tổ ở Thái Đường, Thủ Độ sai người ngầm đào hố sâu dựng nhà lên trên, rồi giật máy cho nhà đổ chôn sống hết tất họ Lý, vì vậy hình thành nên khu lăng mộ Bất kỳ nhi nhiên. Chùa Phúc Lâm trước kia cũng ở ngoài đê kia. Nửa cuối thế kỷ XX do vỡ đê, nước lụt tràn bờ nên dân làng phải di chuyển chùa sâu vào phía trong làng về vị trí ngày nay".
Ông Nguyễn Triệu Bản - một người họ Nguyễn gốc Lý ở Du Lâm hồi tưởng: Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, rừng nhà Lý ở Hoa Lâm rất rộng, có nhiều cây cổ thụ, trong đó có những cây gáo có gốc to hàng mấy người ôm. Giữa rừng gáo là lăng Nhà Lý có cổng chính rộng 2m và 2 cổng phụ, trước cổng có 2 con sấu đá. Trong đền, có bệ thờ bằng gạch Bát Tràng cao 1,5m, dài 4m, rộng 3m; phía trong có bức bình phong hình chữ nhật đắp 2 con rồng chầu vào nhau. Trước sân lăng có một bia đá hình khối bốn mặt khắc chữ Hán. Bãi Sập ở phía sau bệ thờ, được truyền huấn là nơi các tôn thất nhà Lý bị chôn sống vào năm 1232, có rất nhiều đá chồng lên nhau lẫn đất. Giờ đây nhắc lại những kỷ niệm cũ, ai nấy đều bùi ngùi xót xa vì toàn bộ rừng và lăng nhà Lý đã bị phá hủy không còn dấu tích. Lăng nhà Lý ở trên một gò cao đã bị phá hủy để công trường thủy lợi lấy đá hàn đê Mai Lâm vào năm 1958. Trận sạt lở sông Đuống năm 1980 khiến lăng nhà Lý bị cuốn trôi hoàn toàn. Sau khi dân làng phải di chuyển vào phía trong, Nhà máy gạch Cầu Đuống mua đất ở đó làm gạch, họ đào thấy rất nhiều mảnh bát đĩa, chum chĩnh rải rác khắp nơi.
Thiên đài thạch trụ tại Đền thờ Lý Thánh Mẫu, niên đại 1705,
được khẳng định đây là đền thờ bà Phạm Thị Ngà, mẹ của Lý Công Uẩn
được khẳng định đây là đền thờ bà Phạm Thị Ngà, mẹ của Lý Công Uẩn
Trong cuốn sách Ngược đường trường thi của tác giả Nguyễn Triệu Luật (một người họ Nguyễn gốc Lý) được xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1939, có kể về quá trình rời bỏ Du Lâm và trở về Du Lâm của hậu duệ nhà Lý sau hơn 550 năm. Sau thảm họa kinh hoàng bảy mươi người tôn thất nhà Lý bị chôn vùi vào năm 1232, một số người đã phải chạy lên biên giới lánh nạn và đổi thành họ Nguyễn, nhờ vậy đã tránh được tai vạ. Dù ở đâu, người gốc Lý vẫn luôn có ý thức lưu truyền phả hệ, không bao giờ quên chua chữ gốc Lý bên cạnh tên họ Nguyễn trong gia phả. Đến thế kỷ XVIII, ông Nguyễn Đường đã tìm về sinh sống tại quê cha đất tổ ở Du Lâm. Con trai duy nhất của Nguyễn Đường là Nguyễn Án (1770-1815) là danh nhân văn hóa đất Thăng Long, có cuốn sách Tang thương ngẫu lục viết chung với Phạm Đình Hổ. Nguyễn Tư Giản (1820-1890) - cháu nội của Nguyễn Án, là người đa tài đa năng, đỗ hoàng giáp năm 21 tuổi, từng làm quan hơn 40 năm dưới triều đình nhà Nguyễn. Nguyễn Tư Giản từng làm đến chức Thượng thư Bộ Lại, ông còn là nhà thơ nổi tiếng để lại nhiều tác phẩm giá trị, riêng bộ Thạch Nông toàn tập của ông đã dày 2.508 trang. Trong 2 năm đi sứ nhà Thanh (1868-1869), Nguyễn Tư Giản đã có 3 tác phẩm với hàng trăm bài thơ tặng và đối đáp với danh sĩ Trung Hoa và các sứ thần Triều Tiên. Tài ngoại giao văn chương của ông được triều đình nhà Thanh mến mộ, tặng ông một bức vẽ truyền thần, một bộ đồ thờ cúng hiện còn lưu giữ ở nhà thờ Nguyễn Tư tại TP.Hồ Chí Minh. Cháu nội của Nguyễn Tư Giản là nhà văn chuyên viết lịch sử, tiểu thuyết Nguyễn Triệu Luật, là đời thứ 31 nhà Lý, ông thạo cả chữ Hán và tiếng Pháp, tên tuổi được khẳng định trong Từ điển văn hóa Việt Nam và Lược truyện các tác gia Việt Nam.
Theo tài liệu dài hơn 1.000 trang do ông Vân Lộc Foundation-hậu duệ của Nguyễn Tư Giản hiện đang định cư ở Mỹ soạn với tựa đề Thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Tư Giản, có đoạn: "Một buổi chiều, Nguyễn Tư Giản cầm sách dạo quanh Lý Gia Lăng bùi ngùi xúc động, bèn cảm tác: Thâm dạ nguyệt minh Thiên Đức Thủy/Tịch dương phong vấn Lý Gia Lăng. Dịch nghĩa là: Đêm đã khuya, một vầng trăng soi sông Thiên Đức/Nắng về chiều chỉ còn gió hỏi mộ Lý gia". Vân Lộc Foundation cũng cho biết: "Khoảng đầu thời Trần, Trần Thủ Độ phá hủy nhà thờ họ Lý ở đất Hoa Lâm, bắt họ Lý đổi sang họ Nguyễn, và phải chuyển cơ đồ thờ phụng họ Lý từ đất Hoa Lâm sang thờ ở đất Đình Bảng. Gia tộc họ Lý hốt hoảng lo sợ, phần nhiều phải bỏ đất mà đi, cũng có một số người đổi họ nhưng vẫn lén lút ở lại, đó chính là tổ tiên của cụ Nguyễn Tư Giản".
Tác giả bên giếng đá cổ hơn 600 năm tuổi ở chùa Phúc Lâm
Trong số những người bỏ đi nơi khác lập nghiệp, về sau con cháu vẫn thương cành nhớ cội, nhiều người đã tìm về mảnh đất cổ xưa ở Hoa Lâm để tưởng vọng các vị tiền nhân. Một trong những hậu duệ họ Nguyễn gốc Lý là Nguyễn Phi Khanh, đã từng tìm đến Lý Gia Lăng ở đất Hoa Lâm, mảnh đất cội nguồn của họ Lý. Ông bùi ngùi xúc động ứng tác bài thơ Bạc Lý gia lăng:
Biển chu Thiên Đức hệ tà huyVọng Lý hoang khâu dĩ tích thìTúc túc di linh tàng trạch thụThanh thanh cổ sắc chẩm giang tìĐồng quan vô phục thành long khíHoa biểu di tồn thúc hạc chiNgưng chử bách niên thành nhất kháiHoàng hôn tiểu lập tự nga thi. Ở làng Vân Điềm (xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng còn một dòng họ Nguyễn gốc Lý. TS Nguyễn Văn Sơn, một người trong họ này hiện là Giám đốc Trung tâm Cổ Loa và Thành Cổ Hà Nội cho biết, theo truyền ngôn của những người trong họ, bất cứ ai trước khi qua đời cũng phải dặn dò con cháu về gốc gác của gia tộc là họ Lý. Phả tộc còn ghi, dòng họ Nguyễn này là hậu duệ của Lý Hùng Tích - em vua Lý Nhân Tông. Sau sự biến nhà Trần kế ngôi nhà Lý, hậu duệ đời thứ 8 của Lý Hùng Tích là Lý Quang Bật đã tụ hợp dân binh chống lại nhà Trần, nhưng thất bại bị nhà Trần đày lên Ba Điểm ở huyện Lũng Hữu tỉnh Lạng Sơn. Đến đời thứ 15, hậu duệ của dòng họ là cụ Nguyễn Thiện Tính đã trở về làng Vân Điềm ngày nay sinh sống. l
Kỳ cuối: Hoa Lâm - quê mẹ của Lý Công Uẩn ?
Chu Minh Khôi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét