THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Đi tìm gốc tích vua Lý Thái Tổ -Kỳ cuối: Hoa Lâm quê mẹ của Lý Công Uẩn?

Người thành cổ Quảng trị

Vào những năm gần đây, công cuộc nghiên cứu khảo sát để nhận diện lại quê hương Lý Công Uẩn đã tiến những bước khá xa. Trong đó, nhiều nhà khoa học đã đưa ra luận điểm mới mẻ, khác hẳn với cố GS Trần Quốc Vượng rằng Du Lâm (tức Hoa Lâm) ở Đông Anh là quê ngoại của Lý Công Uẩn, còn Dương Lôi là quê nội của ông. PGS Trịnh Bỉnh Dy đưa ra 2 chứng tích để minh chứng rằng Hoa Lâm là quê mẹ của Lý Thái Tổ. Một là, tại chùa Tiêu vẫn còn tấm bia Lý gia linh thạch khắc vào năm 1793, có đoạn: "…Đông Ngạn, Hoa Lâm nhân Phạm mẫu, tiêu dao kỳ tự, thường kiến nhất thần hầu, bất giác hữu thần…". Đoạn văn này đã khẳng định mẹ Lý Công Uẩn họ Phạm, người trang Hoa Lâm huyện Đông Ngàn. Đình thôn Thái Đường ở xã Mai Lâm ngày nay vẫn còn bảo lưu được đôi câu đối cổ: "Mạch tụ quân vương truyền thắng địa/Tích lưu Lý mẫu quán danh phương" (Đất có mạch tụ sinh ra vua/Mẹ vua Lý quê tại làng này). Khi Lý Thái Tổ dựng nhà Thái Đường ở quê mẹ, ngài cũng đặt tên mới cho xã này là Hoa Lâm vào năm 1010 và lập Ly cung ngự uyển ngay tại đó. Nhà vua còn tuyển chọn trai tráng giỏi trồng hoa về Hoa Lâm gọi là "viên đinh". Tương truyền, viên đinh và người phục dịch Ly cung đều phải sống tại nơi mà ngày nay mang tên thôn Lê Xá. Xã Mai Lâm (Hoa Lâm) có 4 thôn: Thái Đường có nhà thờ mẹ vua; Du Lâm là nơi vua về nghỉ ngơi du ngoạn; Đông Trù (bếp ngự) là nơi nấu cỗ cúng; thôn Lộc Hà là nơi phát lộc sau khi cúng.
Theo PGS.TS khoa học lịch sử Trần Bá Chí (Trường ĐH Quốc gia HN): Xét về tầm cỡ và bề thế của địa danh, thì trang Hoa Lâm ở Mai Lâm đã xuất hiện sớm và đã tồn tại lâu dài trong sử sách thời Lý Trần. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử gia Ngô Sĩ Liên từng chép địa danh Hoa Lâm: "Khi ấy Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tôn, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng. Mùa Đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ cúng các vua Lý đời trước ở Thái Đường xã Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu làm nhà lên trên, đợi khi người ta uống rượu say, giật máy chôn sống chết hết". Trong khi đó, chưa từng có thư tịch cổ nào đề cập đến tên Hoa Lâm liên quan đến làng Dương Lôi. Mặt khác, Dương Lôi và Đình Bảng từ thời Trần đến đầu thời Nguyễn thuộc về huyện Tiên Du, chứ không thuộc về huyện Đông Ngàn. Như vậy, xã Hoa Lâm mà bia Lý gia linh thạch ghi phải là địa danh Hoa Lâm ở Mai Lâm. Ở xã Mai Lâm, phế tích hành cung do Lý Công Uẩn lập ra, nay vẫn còn nhận rõ vị trí. Ngôi đền thờ Lý triều quốc mẫu Phạm Thị Tiên, nay nhân dân dựa theo dấu nền cũ, chuẩn bị khôi phục tôn tạo lại. Khu Lý gia lăng bị bào mòn nhiều, nay vẫn còn nhận rõ. Miếu oan hồn thờ các tôn thất nhà Lý bị giết oan năm 1232 nay còn nguyên, nhưng đã xuống cấp.
Theo TS Nguyễn Quang Ngọc (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển): "Khu Sơn Lăng cấm địa của nhà Lý được xây dựng trên cánh đồng của các làng Dương Lôi, Đình Bảng, Đại Đình và chỉ mới thành đất riêng của làng Đình Bảng hơn trăm năm nay, chứ không phải vì là quê nội của nhà Lý nên Lý Thái Tổ mới lấy đất riêng của làng Đình Bảng để xây dựng Thọ Lăng. Dù vai trò và vị trí của làng Đình Bảng trong hương Cổ Pháp có quan trọng đến thế nào, chúng ta vẫn không có cơ sở khẳng định Đình Bảng là quê nội hay là nơi sinh thành Lý Thái Tổ. Dương Lôi dù gần đây đã được nhiều người ra sức chứng minh là quê mẹ hay quê ngoại của Lý Thái Tổ, thậm chí đã từng có cuốn sách viết về Quê mẹ đức vua Lý Thái Tổ (tác giả PGS.TS Đặng Văn Lung, NXB ĐH Quốc Gia TP.HCM, 2006). Nhưng với những nguồn tư liệu phong phú và độc đáo, thì dường như lại gợi ra cho người đọc hình ảnh hợp lý và rõ ràng hơn về một làng quê nội chứ không phải là quê ngoại của Lý Công Uẩn".
Nếu chỉ căn cứ vào sự có mặt của ngôi đền thờ bà Phạm Thị Ngà ở Dương Lôi để khẳng định rằng đây là quê mẹ của Lý Thái Tổ thì chưa đủ sức thuyết phục. Bởi vì, khắp vùng Kinh Bắc hiện có rất nhiều ngôi làng (trong đó có Du Lâm) cũng có đền thờ Phạm Thị. Vì bà là quốc mẫu, nên triều đình nhà Lý sức cho dân nhiều nơi làm đền thờ. Tuy nhiên, việc bà Phạm Thị sinh ra Lý Công Uẩn ở làng Dương Lôi thì không ai dám chối cãi, nhưng vẫn có 2 khả năng xảy ra: hoặc bà Phạm Thị là người Dương Lôi (lấy chồng cùng làng) hoặc bà là người nơi khác đến lấy chồng ở Dương Lôi. Nếu chấp nhận luận điểm rằng Đình Bảng là quê nội, Dương Lôi là quê mẹ của Lý Thái Tổ như kết luận của các nhà nghiên cứu lịch sử vào cuối thế kỷ XX, thì như vậy vô hình trung coi Vạn Hạnh chính là cha đẻ của Lý Công Uẩn.
Nhân dân vùng Kinh Bắc truyền tụng: đương thời không ít người cho rằng Vạn Hạnh là cha đẻ của Lý Công Uẩn. Vạn Hạnh bày tỏ nỗi oan bằng cách chỉ tay vào con hổ đất bên bàn thờ mà thề: "Thân này, tâm này đã tu hành không vọng tưởng gì nữa, nhược bằng không thanh tịnh, mắc tội tà dâm thì xin trời trừng phạt và con hổ kia vẫn là con hổ đất, còn vẫn giữ phép giới siêu thoát thì hổ đất sẽ biến thành hổ thật". Kỳ lạ, con hổ đất bỗng rùng mình biến thành hổ thật để Vạn Hạnh cưỡi. Người đời sau đã dựa vào tích đó để tạc tượng Ngài. Pho tượng cổ tạc Ngài được đặt trong một khám thờ ở chùa Tiêu, bài vị khắc: "Lý triều nhập nội, Quốc công tể tướng Thiền sư Vạn Hạnh". Tượng cao 50cm, chân dung Ngài sinh động, ngồi uy nghiêm trên con hổ màu xám, một tay ôm lấy đầu hổ, bàn tay kia đặt lên đầu gối, mặt ngẩng cao, đôi mắt dõi vào cõi xa xăm. Những năm gần đây, nhân dân Tiêu Sơn đã xây dựng phiên bản pho tượng Vạn Hạnh cưỡi hổ, kích thước lớn gấp hàng chục lần, đặt trên đỉnh Tiêu Sơn để du khách thập phương chiêm bái.
Theo GS.TS lịch sử Nguyễn Quang Ngọc, một sự thật mà không ai có thể phủ nhận được là ngay sau lễ đăng quang vào ngày 21-11-1009, Lý Thái Tổ đã "truy tôn cha là Hiển Khánh vương, mẹ là Minh Đức Thái Hậu" (Việt sử lược). Ông còn phong cho chú làm Vũ Đạo vương, anh ruột làm Vũ Uy vương, em ruột là Dực Thánh vương. Năm 1018, ông tiếp tục truy phong bà nội làm hậu và đặt tên thụy. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi nhận các sự kiện này, nhưng sử gia Ngô Sĩ Liên đã chê "Vua đến lúc này mới truy phong cho bà nội, đó là lỗi chậm trễ". Sách Thiền uyển tập anh có nhắc đến việc Thiền sư Vạn Hạnh trực tiếp bàn bạc với người chú và người bác ruột của Lý Công Uẩn về tình hình chính sự ở kinh thành Hoa Lư, rồi "chú và bác Lý Công Uẩn nghe xong lấy làm lo sợ, sai người ruổi gấp về Hoa Lư nghe ngóng thì quả đúng như lời sư nói". Sách còn cho biết khá tường tận về sự tích ngôi mộ của Hiển Khánh Vương ở hương Cổ Pháp với các mốc chuẩn về vị trí. Về sau, cố GS Trần Quốc Vượng đã giải mã và xác định vị trí khá chính xác của ngôi mộ nằm ở cánh đồng làng Dương Lôi. Thiền uyển tập anh còn kể về câu chuyện, lúc Lý Công Uẩn chưa lên ngôi vua, sư Vạn Hạnh nửa đêm ra thăm mộ Hiển Khánh vương đã gặp Hiển Khánh vương hiển linh báo cho biết về sự ra đời của triều Lý. Như vậy, Vạn Hạnh không phải là cha đẻ của Lý Công Uẩn. Những thông tin trên đã giúp xác nhận một cách rõ ràng danh nghĩa người cha đẻ và dòng họ nội của Lý Thái Tổ. Rõ ràng, Lý Công Uẩn có cha, mẹ, chú, bác ở làng Dương Lôi. Ông có anh và em ruột, chứng tỏ ông không thể là con hoang, nhưng việc người cha sớm qua đời, đã để lại cho mẹ ông nhiều điều dị nghị, muôn nỗi gian truân. TS Nguyễn Quang Ngọc đưa ra kết luận rằng, quê nội của Lý Thái Tổ là làng Đình Sấm (nay thuộc thôn Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Quê ngoại của Lý Công Uẩn là Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn, nay là xã Mai Lâm, huyện Đông Anh Hà Nội. Bà Phạm Thị từ Hoa Lâm đến lấy chồng ở Dương Lôi, sinh ra Lý Công Uẩn.
Hoa Lâm là quê ngoại của vua Lý Thái Tổ, lại án ngữ trên đường từ kinh đô Thăng Long về Đình Bảng nên mảnh đất này gánh trên vai bao chứng tích thăng trầm của triều Lý. Như vẫn còn đây dấu tích ngự trị nơi vua ngồi câu cá, cùng những phủ đền, hành cung của vua và các vương tôn nhà Lý, đông đúc xóm thôn, trên bến dưới thuyền. Đây cũng là nơi các quan đi sứ về đợi vào triều kiến, nơi bá quan văn võ đương triều họp bàn quyết định các việc trọng yếu của đất nước, vui chơi săn bắn, thao diễn quân binh. Thế kỷ XX, nơi đây sinh ra nhà văn, nhà báo, danh nhân văn hóa Ngô Tất Tố. Thật không hổ danh lời truyền tụng "Chín xóm Cổ Loa không bằng ba xóm Ao Dài". Trong những năm 2004-2009, các nhà khảo cổ học và khoa học lịch sử nước ta đã tiến hành nghiên cứu khai quật, khảo cổ trên nền đất Hoa Lâm, đã phát hiện số lượng đồ sộ các di vật minh chứng cho sự hiện diện của gia tộc nhà Lý trên mảnh đất này. Năm 2004 đã phát hiện thành bậc tam cấp điêu khắc con sấu đá thời Lý (niên đại thế kỷ XII) và giếng đá cổ thời Lý, cả 2 di vật này hiện được lưu giữ tại chùa Phúc Lâm. Đồng thời phát hiện nhiều mảnh gốm, sành, sứ và vật liệu kiến trúc có niên đại thời Lý- Trần tại khu vực thôn Du Nội cũ. Theo PGS.TS Khảo cổ học Hán Văn Khẩn, khai quật Hoa Lâm vào năm 2007, đã phát hiện 107 mảnh gốm sứ có niên đại từ thế kỷ IX trở về trước; 925 mảnh đồ sứ có niên đại thời Lý; 1.313 mảnh gốm sứ thời Trần; 495 mảnh gốm sứ thời Hậu Lê…Về vật liệu kiến trúc, phát hiện tại đây hàng trăm mảnh gạch và hàng ngàn mảnh ngói niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ X, trong đó có cả gạch ngói khắc chữ Giang Tây Quân. Gạch ngói thời Lý chiếm số lượng áp đảo nhất, với các loại ngói phẳng mũi lá, ngói cong úp nắp và ngói âm dương.
Chùa Phúc Lâm ngự trên đất thôn Du Nội, trung tâm của Hoa Lâm xưa, là nơi tụ hội những di tích vật thể và phi vật thể của triều Lý. Chùa được xây dựng từ năm 1224, giữa rừng hoa, vườn quan họ của các phủ Tôn Thất. Trải qua gần 800 năm dâu bể, gồng gánh sức tàn phá của binh đao đạn lửa, lũ lụt, sự thay dòng đổi hướng của sông nước, nên bóng dáng kiến trúc xưa lộng lẫy uy nghi đã bị thời gian biến cải. Nửa cuối thế kỷ XX do vỡ đê, nước lụt tràn bờ nên dân làng phải di chuyển chùa sâu vào phía trong làng. Tuy nhiên chùa vẫn còn bảo lưu được nhiều báu vật của ngôi chùa cổ xưa: một số pho tượng cổ, bia đá, những tảng đá kê chân cột, đặc biệt vô cùng quý giá là một giếng đá cổ và phù điêu lan can con sấu đá thời Lý. Vào năm 2004, trong quá trình khai quật nghiên cứu tại nền chùa Phúc Lâm xưa, đã phát hiện một lan can thành bậc trang trí hình con sấu chế tác từ đá cát màu nâu xám. Sấu là loài vật mình thú, đuôi rồng, kết tinh từ trí tưởng tượng dân gian (cũng như long, lân, phụng). Phần đầu của lan can con sấu đã bị vỡ. Mặt bên trái chỉ còn dấu vết của hai chân. Mặt bên phải còn khá nguyên vẹn, với những vân mây, mỗi chân có 3 vuốt. Đuôi dài uốn lượn tinh xảo. Lan can hình con sấu được tạc liền khối với bệ trang trí hoa văn cúc dây hình chữ S xen kẽ với những bông cúc mãn khai. Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học, lan can sấu đá ở chùa Phúc Lâm mang phong cách nghệ thuật thời Lý, đường nét chạm khắc tương đồng với những mảnh thân rồng trên lan can thành bậc đá thời Lý tìm thấy trong cuộc khai quật Hoàng thành. Hiện ở Việt Nam, mới chỉ tìm thấy 2 di vật sấu đá thời Lý, đó là sấu đá chùa Phúc Lâm và sấu đá Hoàng Thành hiện lưu ở Bảo tàng lịch sử.
Giếng đá trong khuôn viên chùa Phúc Lâm được làm từ những tảng đá nguyên khối. Phần cổ giếng được tạo bởi hai khối đá cao 30cm, được khoét rỗng hình tròn ở giữa, với đường kính 80cm, tạo nên miệng giếng. Miệng giếng tròn xoay toàn bích khiến bất cứ ai tới chiêm ngưỡng cũng phải thán phục bàn tay khéo léo, tài tình của những người thợ xưa. Vết tích biết bao đời người dùng dây kéo nước tạo nên những rãnh đá mòn lõm sâu hằn lên miệng giếng, có thể đặt vừa cả ngón tay. Các nhà khảo cổ học đã xác định tuổi của giếng đá trên 600 năm.
Khi chúng tôi đề cập về Hoa Lâm, ông Nguyễn Văn Quyết, trưởng thôn Dương Lôi ở Bắc Ninh lại đưa ra quan điểm rất khác với những người ở Hoa Lâm. Theo ông Quyết, ở Dương Lôi vẫn còn dòng họ Phạm nhận là dòng họ của bà Phạm Thị Ngà. Trong khi, ở Hoa Lâm lại có dòng họ Nguyễn nhận là hậu duệ của tôn thất nhà Lý, như vậy chưa đủ khẳng định Hoa Lâm là quê hương bà Phạm Thị Ngà. Bởi Hoa Lâm nằm kề kinh đô Thăng Long, lại ở ngay ngã 3 hợp lưu của sông Hồng và sông Đuống, nên được các vương tôn nhà Lý chọn làm nơi xây cung thất nghỉ ngơi, giải trí, săn bắn. Hoa Lâm chỉ hình thành sau khi nhà Lý đã lên ngôi, như vậy việc tại Hoa Lâm có dòng hậu duệ của các vương tôn nhà Lý còn truyền đến ngày nay là hoàn toàn có thể lý giải được.

Chu Minh Khôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét