Nhà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là một di tích lưu niệm danh nhân duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Ngôi nhà nằm ở thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, cách trung tâm thị xã Quảng Trị theo tỉnh lộ 64 khoảng 3km về phía Đông bắc, cách bến đò Ông Đốc gần 40 mét về phía Nam, trong một khu dân cư đông đúc với phong cách mang dáng vẻ thị thành. Một thời, khu vực này vốn là trung tâm buôn bán và tiểu thủ công nghiệp lớn của vùng đồng bằng huyện Triệu Phong.
Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 07 tháng 04 năm 1907 tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (1) trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Là người sớm giác ngộ tinh thần cách mạng, đồng chí Lê Duẩn là lớp người đầu tiên hưởng ứng và đi theo con đường cứu nước của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1928, đồng chí tham gia (Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội), năm 1930 trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đó cho đến trước cách mạng tháng Tám, đồng chí luôn luôn nhận những trọng trách của Đảng, trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh trên một địa bàn như: Ủy viên Ban tuyên huấn xứ ủy Bắc kỳ (1931), Bí thư xứ Ủy Trung kỳ, UVTV Trung ương Đảng (1937). Đồng chí đã hai lần bị địch bắt, tra tấn dã man và đầy đi Côn Đảo.
Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng, Chính phủ đón về đất liền tham gia kháng chiến ở Nam bộ. Năm 1946, đồng chí ra Hà Nội làm việc bên cạnh Hồ Chủ tịch, cuối năm đó đồng chí được cử vào lãnh đạo kháng chiến ở Nam bộ.
Năm 1951, đồng chí Lê Duẩn được bầu vào Ban chấp hành trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Từ năm 1947 đến năm 1954, đồng chí giữ chức vụ Bí thư xứ ủy, Bí thư Trung ương cục miền Nam.
Sau hiệp định Geneve, đồng chí ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1957, đồng chí ra Hà Nội lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Hồ Chủ Tịch.
Năm 1960, đồng chí lại được bầu vào Ban chấp hành trung ương Đảng, Bộ Chính trị, giữ chức vụ Bí thư thứ nhất và Bí thư quân ủy trung ương.
Từ năm 1975 cho đến ngày đồng chí qua đời, trải qua hai kỳ đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) và lần thứ V (1982), trên cương vị ủy viên Bộ chính trị, Tổng Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn là người lãnh đạo xuất sắc sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Sau năm 1975, với tư cách là người con của quê hương Quảng Trị và cũng là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã nhiều lần về thăm quê nhà (1978, 1981, 1983, 1985). Chính tại ngôi nhà lưu niệm này đã diễn ra những cuộc gặp gỡ ấm cúng, gần gũi, thân thiết tình cảm giữa đồng chí và nhân dân, Đảng bộ địa phương.
Sau khi đồng chí Lê Duẩn vĩnh biệt chúng ta, cùng với nỗi đau thương mất mát của cả nước, ủy ban nhân dân Bình Trị Thiên (cũ), huyện Triệu Hải và bà con địa phương đã tổ chức tang lễ đồng chí trong ngôi nhà này.
Với tất cả ý nghĩa trên, ngôi nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn được coi là di tích lịch sử cách mạng quý giá trong toàn bộ hệ thống di tích lịch sử, văn hóa ở Quảng Trị. Ngôi nhà là nơi biểu hiện lòng kính cẩn biết ơn của nhân dân ta đối với thân thế và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn.
Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm trên một khuôn viên có diện tích 2.000 m2, nguyên trước đây là nhà vườn của cụ thân sinh Lê Hiệp. Nhà làm bằng gỗ khang trang. Trải qua hai cuộc kháng chiến tàn khốc, ngôi nhà bị bom đạn địch đốt phá nhiều lần. Sau khi đất nước thống nhất, hòa bình, tháng 2 năm 1976, huyện ủy, UBND huyện Triệu Hải và bà con địa phương đã xây dựng lại ngôi nhà. Lúc đó, nhà được lợp bằng tranh, xung quanh che chắn bằng gỗ, ván. Cuối năm 1977, do mưa bão, mái tranh bị hư hỏng nặng, UBND huyện đã cho lợp lại bằng ngói. Từ đó đến năm 1994, ngôi nhà vẫn giữ nguyên hiện trạng.
Cấu trúc của ngôi nhà theo dạng ba gian 2 chái, toàn bộ chiều dài 9 mét, rộng 4,5 mét, bao quanh nhà là bốn dãy chè tàu được cắt tỉa cẩn thận, phía trong khuôn viên trồng cây cảnh và cây ăn quả.
Từ dãy hàng rào phía trước ra 57mét là bờ sông Thạch Hãn có hệ thống kè chống xói lở, phía bên là đường liên thôn, cuối đường là bến nước Hậu Kiên, chính bến đò này đã gắn bó với bao kỷ niệm vui buồn trong thủa thiếu thời cũng như giai đoạn hoạt động cách mạng đầu tiên của đồng chí Lê Duẩn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét