QĐND - Qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, cùng với biết bao vùng đất quả cảm, kiên cường của đất nước, tỉnh Quảng Trị huyền thoại là minh chứng hùng hồn cho đỉnh cao khí phách và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Bắt đầu từ trưa ngày 30-3-1972, sau hai cuộc tiến công bất ngờ và quả cảm, với binh chủng hợp đồng quy mô lớn của quân ta, ngày 2-5-1972, thị xã Quảng Trị được giải phóng, sau 18 năm, bị Mỹ-ngụy chiếm đóng. Trong chiến dịch này, ta đã đánh tan tập đoàn phòng ngự mạnh nhất của địch ở Quảng Trị. Hơn ba vạn quân giặc bị loại khỏi vòng chiến đấu; 178 máy bay, 11 tàu chiến, 320 xe tăng, 237 khẩu đại bác và nhiều vũ khí đạn dược của địch bị phá hủy hoặc lọt vào tay Quân giải phóng.
Sau những giờ phút hoàn hồn, để lấy lại tinh thần và nhằm gây sức ép với ta tại Hội nghị Pa-ri, họp lại vào ngày 13-7-1972, đã nhiều lần trì hoãn, địch dốc toàn bộ lực lượng, mở cuộc phản kích, tái chiếm Quảng Trị, mà mục tiêu số 1 là chiếm lại tòa Thành cổ. Chúng gọi tên cuộc hành quân này là “Lam Sơn 72” và bắt đầu từ ngày 28-6-1972.
Địch huy động máy bay phản lực, bình quân mỗi ngày 150-170 lần (có ngày 220 lần), 70-90 lần chiếc B-52; 12-16 tàu khu trục hạm và tuần dương hạm, thuộc Hạm đội 7; 2 sư đoàn dự bị chiến lược là sư dù và sư thủy quân lục chiến, một liên đoàn biệt động, 4 trung đoàn thiết giáp (mỗi trung đoàn có 79 xe tăng và xe bọc thép), cùng hàng chục tiểu đoàn khác.
Đây là cuộc hành quân cực kỳ tàn bạo mà kẻ thù không từ một hành động tội ác nào: Ném đủ các loại bom bi, bom 7 tấn, bom điều khiểu bằng la-de; bắn đủ các loại pháo chụp, pháo khoan; thả chất độc hóa học, hơi độc và hơi ngạt... Số bom đạn chúng ném xuống đây khoảng 328 nghìn tấn, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống hai thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki (Nhật Bản), năm 1945.
Thanh niên, sinh viên nhập ngũ vào chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu. |
Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa hề có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ đánh vào một tòa Thành cổ, có chu vi 2.080m, rộng chưa đầy 3km2, khiến đối phương có thể huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy.
Chính trong chiến dịch phản kích mang tính hủy diệt đó của kẻ thù, Thành cổ Quảng Trị đã mở đầu trang sử vô cùng oanh liệt, hào hùng bằng cuộc chiến đấu cực kỳ gian khổ, hiểm nguy và dũng cảm qua 81 ngày đêm mùa hè rực lửa, rung chuyển cả nước và toàn cầu từ ngày 28-6-1972 đến ngày 16-9-1972.
Lực lượng ta ở vòng trong thị xã, lúc đầu có Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B và hai tiểu đoàn bộ đội địa phương. Khi cao điểm, có thêm Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 và Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 64. Chỉ huy sở của Mặt trận thị xã đặt tại hầm trong dinh Tỉnh trưởng ngụy, bên bờ sông Thạch Hãn. Lực lượng vòng ngoài có Sư đoàn 320B ở cánh Đông, Sư 308 ở cánh Nam, cùng các đơn vị xe tăng, pháo cao xạ và lực lượng du kích các xã phụ cận. Các chốt quan trọng như: Long Quang, nhà thờ Trí Bưu, ngã ba Long Hưng, trường Bồ Đề, ngã ba Cầu Ga... là những nơi, quân ta bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, hy sinh, kiên quyết đập tan các đợt phản kích của địch. Đặc biệt, trong Thành cổ Quảng Trị, là tiêu điểm ác liệt nhất và cũng là nơi thể hiện tinh thần chiến đấu phi thường, huyền thoại, cực kỳ dũng cảm, hy sinh của quân dân ta. Tại đây, trung bình, một chiến sĩ phải hứng chịu hơn 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Có ngày như ngày 25-7-1972, kẻ thù bắn vào Thành Cổ 5.000 quả đạn. Bốn dãy tường thành ở bốn phía đông, tây, nam, bắc, dày 12m, đều bị vỡ dần; đến một viên gạch nơi đây cũng không còn nguyên vẹn.
Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra như một huyền thoại. Và cách đánh địch nhiều khi cũng vượt ra khỏi những quy ước thông thường: Súng cối 60mm, được các chiến sĩ kẹp nách, bắn ứng dụng liên tục mấy chục quả một lần; lựu đạn sau khi rút chốt, phải tính toán sao cho khi nó vừa bay tới mục tiêu là nổ. Có lúc, chiến sĩ bò sát miệng hầm của địch rồi mới tung lựu đạn vào. Trong một trận đánh, có chiến sĩ bắn tới 14 quả đạn B40, diệt 32 tên địch. Tại mặt trận, nhiều chiến sĩ bị thương một, hai, thậm chí ba lần, vẫn chiến đấu, không chịu về tuyến sau. Các chiến sĩ bộ binh, công binh, quân y, thông tin, đều cầm súng đánh địch. Bằng tính kỷ luật tuyệt vời, tinh thần dũng cảm, ý chí ngoan cường và sự hy sinh vô bờ, ai nấy kiên quyết giữ vững trận địa trong suốt 81 ngày đêm. Đó là 81 ngày đêm lịch sử bi tráng, ác liệt, hào hùng, đầy hy sinh và mãi mãi bất tử.
Đại đội 1, Tiểu đoàn 25 vận tải, Sư đoàn 320B nhận thấy, nếu chỉ dùng sức người mang vác vũ khí vào thị xã và dùng võng cáng thương binh ra, với quãng đường dài hàng chục cây số, dưới làn bom đạn của máy bay, pháo mặt đất và pháo hạm của địch thì khá vất vả, hiểm nguy mà hiệu quả thấp. Còn như dùng thuyền, vận chuyển qua sông Thạch Hãn, sẽ được nhiều hơn. Ban chỉ huy đại đội bàn bạc và thống nhất với phương án của Đại đội trưởng Nguyễn Thanh Mai (sau này, đồng chí là giảng viên của Học viện Lục quân Đà Lạt), vận động địa phương cho dùng thuyền máy của bà con ngư dân đi sơ tán, để lại ở các thôn, xóm ven sông, làm phương tiện vận chuyển. Được cấp trên chuẩn y, các chiến sĩ khẩn trương tìm những chiếc thuyền có máy móc còn tốt và một số thùng dầu ma-dút để chạy máy.
Nhớ lại những ngày ấy, các chiến sĩ không thể quên sự giúp đỡ tận tình, có hiệu quả và tình cảm chân thành của nhân dân cũng như du kích bốn thôn: Nhĩ Hạ, Vĩnh Quang, Mai Xá, Lâm Xuân... Những chiếc thuyền đánh cá, đầu máy xe tải nhỏ, máy bơm nước, máy xay xát thóc gạo, các thùng nhiên liệu chạy máy... đều là tài sản lớn mà bà con chắt chiu, dành dụm trong nhiều năm để làm ăn sinh sống. Nhưng khi bộ đội xin được trưng dụng thì ai cũng sẵn sàng ủng hộ và nói: “Mấy chú từ miền Bắc vô đây chẳng tiếc máu xương để giải phóng cho bà con, thì tụi tôi tiếc chi các thứ đó...”.
Thôn Nhĩ Hạ có o Hồng, du kích, mới 17 tuổi, mặt tròn, da trắng, mắt bồ câu. Hồng đang dẫn đường cho bộ đội thì bị pháo địch bắn dữ dội. Một số chiến sĩ mới vào chiến trường, chưa quen trận mạc nên hốt hoảng, lúng túng. Giữa lúc ấy, o bình tĩnh hướng dẫn anh em xuống trú ẩn vào các hố bom vừa nổ, bảo toàn lực lượng.
Có thuyền và nhiên liệu chạy máy, phân đội vận tải thủy của đơn vị được thành lập, kèm theo một tổ bảo đảm kỹ thuật mà nòng cốt là mấy chiến sĩ quê ở hai huyện Giao Thủy và Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ngay trong 5 đêm đầu tiên, đơn vị đã vận chuyển được 8 tấn vũ khí vào thị xã Quảng Trị và đưa gần 100 thương binh về tuyến sau an toàn. Nhưng rồi địch phát hiện ra, nên cuộc chiến ác liệt trên sông Thạch Hãn bắt đầu...
Để tìm diệt thuyền tiếp tế của ta, đêm đêm, chúng cho máy bay thả đèn dù sáng rực và rải bom từ trường trên sông, nhiều nhất là đoạn từ cầu Quảng Trị, thôn Nhan Biều đến căn cứ Ái Tử. Với ánh sáng đèn dù, các chiến sĩ cứ nghe tiếng máy bay và tiếng nổ “bụp” trên trời, liền cho thuyền đã ngụy trang, tắt máy, áp sát vào bờ; đợi đèn dù tắt, máy bay đi xa, lại tiếp tục công việc. Nhưng đối phó với bom từ trường thì không dễ, bởi bom chìm sâu dưới lòng sông, rất khó phát hiện. Nếu thuyền đi qua, tác động của chân vịt, bom sẽ phát nổ, gây thương vong, nhấn chìm vũ khí, đạn dược.
Thời gian đầu, bom từ trường của địch đã phá hủy nhiều thuyền của ta và làm hàng chục cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Đồng chí Phạm Vụ, Chính trị viên đại đội, dẫn một tổ đi tìm kiếm thi hài đồng đội để chôn cất, đã phải thu nhặt từng mảnh thi thể liệt sĩ bị bom địch hất lên bờ sông. “Cái khó ló cái khôn”, phải tìm cách chế ngự sự hiểm nguy này.
Đơn vị cử một tổ được tăng cường ba chiến sĩ công binh của Sư đoàn 320B và có du kích địa phương giúp đỡ, thực hiện rà phá bom từ trường bằng phương pháp thủ công: Dùng dây ni-lông, buộc các thùng đạn đại liên của địch (cách 5m một thùng), với độ sâu từ 1,5 đến 2m, có cây chuối làm phao; rồi chăng ngang sông và kéo xuôi dòng chảy để kích cho bom nổ. Trong quá trình rà phá bom, anh chị em phát hiện nhiều thi thể bộ đội ta hy sinh trong lúc vượt sông sang Thành cổ Quảng Trị, trôi theo dòng nước khiến anh chị em sục sôi căm thù giặc. Đêm đêm, khi đưa thuyền ngang qua các đoạn sông có bom từ trường, để hạn chế thương vong, ta tắt máy, chỉ để một người trên thuyền cầm sào giữ hướng, số còn lại, buộc dây vào mũi thuyền, lội theo mép nước, kéo qua đoạn nguy hiểm.
Trong 81 ngày đêm diễn ra chiến dịch bảo vệ thị xã, Thành cổ Quảng Trị, thì có đến gần 40 đêm, thuyền của Đại đội 1, vận chuyển vũ khí, đạn dược, thương binh cho các đơn vị bộ đội. Thường thì, mỗi đêm từ một đến ba chiếc qua sông và hầu như, đêm nào cũng có đồng đội hy sinh. Khó khăn, gian khổ và hiểm nguy như vậy, nhưng với khẩu hiệu “Đoàn Quang Sơn còn thì thị xã, Thành cổ Quảng Trị còn”, “Đại đội 1 còn thì Đoàn Quang Sơn còn được cung cấp vũ khí, đạn dược”. Anh em trong đơn vị đã đoàn kết một lòng, kiên quyết vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù để đưa những chuyến hàng tới đích.
Trong 81 ngày đêm, ngược xuôi dòng Thạch Hãn làm nhiệm vụ, một phần ba số quân của Đại đội 1 đã mãi mãi hóa thân vào dòng sông đầy máu lửa. Cùng với những con thuyền, hài cốt liệt sĩ của đơn vị còn nằm dưới lòng sông này. Linh hồn của các anh trở thành hồn thiêng sông nước.
... Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
(Thơ Lê Bá Dương)
Cuộc chiến đấu anh hùng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, kết thúc bằng thất bại của một đội quân xâm lược đông hơn 5 vạn tên, với thừa thãi vũ khí, bom đạn hiện đại, một lần nữa làm sáng ngời chân lý: Kẻ thù dù có vũ khí tối tân đến đâu cũng phải khuất phục trước những con người có ý chí kiên cường, một lòng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đúng như cố Tổng bí thư Lê Duẩn tôn vinh về cuộc chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị: “Chúng ta đã chịu được không phải chúng ta là gang thép; vì gang thép cũng chảy với bom đạn địch; mà chúng ta là những con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống hàng nghìn năm, đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.
Thành cổ cùng với thị xã Quảng Trị đã được Nhà nước ta tuyên dương danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Lập nên những chiến công vang dội đó, nơi đây đã thấm đẫm máu của 18 nghìn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Quảng Trị và cả nước. Dưới lớp cỏ non Thành cổ, ngã ba Long Hưng, được gọi là “ngã ba bom”, “ngã ba lửa”, dòng sông Thạch Hãn... bao nhiêu người con yêu nước đã mãi mãi nằm lại. Đời đời, con cháu luôn luôn tưởng nhớ một thời máu lửa, một thời oanh liệt, hào hùng mà cha anh đã làm tất cả để đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại cuộc sống hòa bình, tươi đẹp như hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét