Hồ Viết Hy
Q
|
uá trình vào Nam dựng nghiệp với tài thao lược xuất chúng, tầm nhìn xa trông rộng, sự am tường về địa - chính trị, địa - văn hóa, Nguyễn Hoàng đã chọn Ái Tử - Triệu Phong làm “thủ phủ” mở đầu thời kỳ thịnh đạt của các chúa Nguyễn mở đất Đàng Trong và đóng dinh ở đây 68 năm (1558 - 1626). Đảng bộ và nhân dân huyện Triệu Phong rất tự hào khi chúa Nguyễn Hoàng đã chọn mảnh đất này làm “Kinh đô khởi nghiệp”. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những cuộc chiến tranh tàn khốc, qua biến thiên thời gian, những dấu tích về địa điểm lỵ sở, thủ phủ của chúa Nguyễn một thời chỉ còn là phế tích. Với mong muốn bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị của di tích lịch sử - văn hóa của chúa Nguyễn trên mảnh đất Triệu Phong. Tại hội thảo khoa học này, thay mặt UBND huyện Triệu Phong, tôi xin trình bày tham luận về “Di tích lịch sử - văn hóa của chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị”:
1 - Vị thế của Ái Tử, Triệu Phong - đất mở đầu đối với quá trình dựng nghiệp của chúa Nguyễn
Mảnh đất Triệu Phong chính thức thuộc về bản đồ nước Đại Việt từ năm 1306, lúc hai châu Ô - Lý được vua Champa là Chế Mân làm sính lễ cưới Công chúa Huyền Trân - con gái vua Trần Nhân Tông. Trước thời Champa, sử cổ chỉ cho biết mảnh đất này là một phần của Bộ Việt Thường - một trong 15 Bộ của nước Văn Lang đời các Vua Hùng.
Quá trình hình thành xây dựng và phát triển làng xã của huyện Triệu Phong trong thời bấy giờ gắn liền với các đợt di dân vào Đàng Trong.
Đợt thứ nhất từ năm 1307. Trong đợt di dân này, số dân và số làng chưa nhiều. Theo sáchMinh chí của Trung Quốc, đến giữa thập kỷ thứ 2 thế kỷ XV (tức hơn một thế kỷ sau), cả hai Châu Thuận và Hóa mới chỉ có 79 làng với 1470 nhà và 5662 khẩu.
Đợt thứ hai vào những năm đầu đời Lê Thánh Tông, là một đợt di dân khá lớn. Theo sáchThiên Nam dư hạ tập, viết năm 1483, thì riêng huyện Võ Xương đã có đến 53 làng. Năm 1553 sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An ghi số làng 59. Lúc này các làng ở vùng đồng bằng đã khá nhiều, vùng trung du ít hơn, và dọc bãi cát chỉ có người ở, chưa hình thành làng xã.
Đợt thứ ba bắt đầu từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) trở đi. Đây là đợt di dân lớn nhất. Hai thể kỷ sau, năm 1776, sách Phủ Biên tạp lục đã cho biết huyện Đăng Xương gồm có 5 tổng, 107 xã, 29 phường, 7 giáp (huyện Đăng Xương lúc đó còn bao gồm cả tổng An Phúc, huyện Hải Lăng và tổng An Lạc của huyện Cam Lộ sau này, còng tổng Hoa La và tổng An Dã thuộc huyện Hải Lăng).
Để tránh sự hiềm khích và sự khống chế của họ Trịnh, Nguyễn Hoàng xin đi trấn thủ xứ Thuận Hóa năm 1558, nhưng thực chất là đi tìm một vùng đất mới dung thân, đợi thời cơ để xây dựng cơ đồ cát cứ, xây dựng thế lực riêng cho mình. Ý đồ này thể hiện rất rõ trong lời dặn dò, “di chúc” để lại cho Nguyễn Phúc Nguyên, người con trai sẽ lên kế nghiệp ông “Đất Thuận Quảng phía Bắc có Hoành Sơn và sông Linh Giang hiểm trở, phía Nam có Hải Vân sơn và Thạch Bi Sơn vững bền. Núi sẵn vàng sắt, bể cho cá muối. Thật là đất dụng võ của các anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp miôn đời. Ví bằng thế lực không địch được thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”1. Như vậy, việc lựa chọn Ái Tử, Triệu Phong mà không phải là Đồng Hới (Quảng Bình) hay Cửa Tùng (Vĩnh Linh) vì Ái Tử là mảnh đất đáp ứng được yêu cầu thiên thời, địa lợi nhân hòa đầu tiên trong bước thăm dò đi tìm “chốn dung thân” của Nguyễn Hoàng.
Khởi nghiệp, Nguyễn Hoàng đã chọn vùng đất Ái Tử thuộc huyện Đăng Xương, Quảng Trị để lập dinh trại. Theo tư liệu ghi chép lại, khi đoàn quân của Nguyễn Hoàng vào đến Ái Tử thì người dân địa phương đã đón tiếp quan trấn thủ rất trọng thị và tôn xưng Nguyễn Hoàng là nhà chúa. Dân bản địa lúc bấy giờ vốn là nông dân nghèo khổ nên chỉ có quà dâng lên là 7 chiếc vò lớn đựng đầy nước mưa, mang ý nghĩa dâng “nước” để lập quốc. Nguyễn Ư Dĩ nói với cháu mình rằng, đến một vùng đất mới mà được dân tình dâng nước ấy là điềm đại cát nên phải cố mà giữ lấy.
Các chúa Nguyễn đóng dinh ở Triệu Phong, Quảng Trị trong vòng thời gian 68 năm (1558 - 1626), kể từ khi Nguyễn Hoàng vào làm trấn thủ Thuận Hóa đến khi chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho dời dinh từ Quảng Trị vào Phước Yên, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế). Trong quá trình tồn tại của buổi ban đầu, Nguyễn Hoàng đã ba lần dời dinh: Lần thứ nhất dinh được xây dựng ở Ái Tử (1558 - 1570); lần thứ hai ở Trà Bát (1570 - 1600) và lần thứ ba là ở Dinh Cát (1600 - 1626). Cùng với quá trình xây dựng, củng cố và phát triển thể chế chính trị, nền tảng kinh tế, xã hội của vùng Thuận Quảng thì dinh phủ của nhà chúa cũng ngày càng được xây dựng quy mô, trở thành trung tâm đầu não của cả Đàng Trong.
Lỵ sở đầu tiên mà Nguyễn Hoàng đóng quân là Ái Tử. Thời điểm hình thành bắt đầu từ khi Đoan quận công Nguyễn Hoàng giữ vai trò là trấn thủ Thuận Hóa cùng đám tùy tùng gần 1000 người rời đất Bắc vào đến Quảng Trị theo sông Thạch Hãn cuối năm 1558. Ông đã cho đóng trại trên một cồn cát ven sông thuộc làng Ái Tử của huyện Võ Xương. Lỵ sở này tồn tại trong vòng 12 năm.
Lỵ sở thứ hai là thủ phủ Trà Bát. Thời điểm hình thành lỵ sở này bắt đầu từ khi Nguyễn Hoàng trở lại Thuận Hóa năm 1570, sau chuyến ra Bắc giúp vua Lê đánh dẹp nhà Mạc (1569); ông cho dời dinh sang làng Trà Bát (Trà Liên, Triệu Giang ngày nay). Lỵ sở này tồn tại trong vòng 30 năm. Các nhà nghiên cứu sử học đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Đa số đều xác nhận cả hai địa điểm Dinh Trà Bát và Cát Dinh đều nằm trên địa phận làng Trà Liên (tức Trà Bát xưa). Nhưng để phân biệt cho cụ thể đâu là Trà Bát đâu là Cát Dinh thì vẫn chưa được rạch ròi.
Nhiều ý kiến cho rằng Dinh Trà Bát nằm ở trên khu vực của nền chùa Liễu Bông (Liễu Ba) - nơi trước những năm 1980 còn có ngôi miếu thờ pho tượng đồng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ (cậu ruột và cũng là vị quân sư của Nguyễn Hoàng). Đây chính là địa điểm nằm trên khu đất có tên gọi là Cồn Dinh thuộc làng Trà Liên tiếp giáp với làng Tiền Kiên, ở bờ Tây của sông Ái Tử đoạn ôm vòng lại; cách địa điểm được gọi là Nương phủ (Phủ thờ) - nơi được xác định là một địa điểm nữa của Dinh chúa chưa đầy 500m về phía Tây bắc mà ngày nay còn lưu lại nhiều vết tích về một vòng thành (thành nội) so với hai địa điểm khác thì đây là nơi mà dấu vết còn lại khá rõ nét.
Trong những năm 1992 - 1993, Bảo tàng Quảng Trị và Trung tâm Văn hóa Việt Nam đã tiến hành khảo sát khu vực này và đã xác định được khuôn viên của bốn mặt vòng thành có hình chữ nhật dài hơn 70m, rộng 50m; có 2 cổng vòm cuốn, mái lợp ngói liệt, mở về hai phía Đông và Bắc. Đến nay, khu đất này đã trở thành nơi chôn mồ mả, tất cả đã bị xáo dấu vết chỉ còn nhìn thấy khuôn viên của vòng thành này thông qua các lớp gạch ngói vạ vụn trên địa hình dương.
Lỵ sở thứ ba là Dinh Cát (hay Cát Dinh). Thời điểm hình thành lỵ sở này từ sau khi Nguyễn Hoàng ra Bắc lần thứ hai (1593) trở về vào năm 1600; ông cho dời phủ Trà Bát sang Dinh Cát. Lỵ sở này tồn tại trong thời gian 26 năm, trong đó có 13 năm dưới thời chúa Nguyễn Hoàng và 13 năm dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
Năm 1613, Nguyễn Hoàng mất, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nối ngôi. Ông ở lại Dinh Cát 14 năm nữa thì chuyển thủ phủ nhà chúa vào sâu hơn về phía Nam: Phước Yên (năm 1626), bắt đầu một thời kỳ chính thức ly khai với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
Như vậy, Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát một thời đã là thủ phủ của chúa Nguyễn - Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam. Sau khi dời đi, Ái Tửvà Trà Bát được gọi chung là Cựu Dinh, trở thành một trong 12 dinh của cả nước. Nơi đây cũng là trung tâm chính trị, hành chính của Cựu Dinh suốt trong các thế kỷ từ XVII - XVIII. Đặc biệt trong vòng gần 10 năm đầu đời Gia Long (1801 - 1809) khu vực hai làng Trà Bát và Ái Tử mà trung tâm là địa điểm làng Tiền Kiên (dinh Trà Bát (1570 - 1600) cũ còn gọi là nơi đóng lỵ sở - Trung tâm hành chính của dinh Quảng Trị trước khi chuyển về làng Thạch Hãn.
2 - Hiện trạng các di tích lịch sử - văn hóa của chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong
Hiện nay các di tích lịch sử - văn hóa gắn với những địa điểm mà chúa Nguyễn đóng dinh ở làng Ái Tử, làng Trà Bát như: Địa điểm Lỵ sở Dinh chúa Nguyễn, xã Triệu Giang, Miếu Trảo Trảo Phu Nhân, xã Triệu Ái (nay thuộc Tiểu Khu 5, thị trấn Ái Tử); lặng mộ bà Phạm Thị Tôm (Còng), xã Triệu Long. Các di tích này đều được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, riêng Tượng đồng Thái Phó Nguyễn Ư Dĩ đang làm hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật Quốc gia.
2.1. Miếu Trảo Trảo Phu Nhân
Mảnh đất Ái Tử là nơi Nguyễn Hoàng dựng dinh trấn đầu tiên, những vết tích dinh trấn của chúa Nguyễn nay không còn lưu dấu gì. Cách khu vực Dinh Ái Tử của chúa Nguyễn Hoàng không bao xa ông đã cho xây dựng Miếu Trảo Trảo Phu Nhân thờ vị thần sông đã có công giúp Nguyễn Hoàng đuổi quân Mạc giữ yên bờ cõi, chúa Nguyễn lập đền thờ tại Ái Tử và phong là: Trảo Trảo Linh Thu Phổ Trạch Tướng Hựu Phu Nhân. Ngôi miếu này thuộc địa phận của làng Ái Tử, xã Triệu Ái (nay thuộc Tiểu Khu 5, thị trấn Ái Tử) nhưng nay chỉ còn lại phế tích.
2.2. Tại vùng Ái Tử, ngoài dinh cơ của chúa Nguyễn, còn có nhiều nơi đặt bản doanh của quân đội. Vì thế sau này có các làng Tả Kiên, Hữu Kiên, Trung Kiên, Tiền Kiên, Hậu Kiên mà tên gọi xuất phát từ đạo quân theo tổ chức biên chế thời đó: Tả quân, Hữu quân, Trung quân, Hậu quân, Tiền quân. Điều này cho chúng ta suy đoán rằng các làng trên, nguyên thủy là nơi đặt hành dinh hay hậu cứ của các đạo quân. Hiện nay làng Tả Kiên, Tiền Kiên thuộc xã Triệu Giang, làng Hữu Kiên, Trung Kiên thuộc xã Triệu Thượng, làng Hậu Kiên thuộc xã Triệu Thành.
2.3. Tượng đồng Thái Phó Nguyễn Ư Dĩ
Riêng Dinh Trà Bát còn lưu giữ pho tượng đồng Thái Phó Nguyễn Ư Dĩ - tước Uy Quốc công là cậu ruột của Nguyễn Hoàng người đã nuôi dạy Nguyễn Hoàng từ nhỏ, là người thay mặt Nguyễn Hoàng đi lĩnh ý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, rồi sau đó theo phò tá Nguyễn Hoàng trong buổi đầu đến Ái Tử. Nguyễn Ư Dĩ là người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn xây dựng cơ đồ ở Đàng Trong, nhất là thời gian chúa Nguyễn Hoàng đóng dinh ở Ái Tử. Tượng được đúc dưới thời chúa Nguyễn, cao 0,62m, phần vai rộng 0.30m. Tượng được làm bằng chất liệu đồng, tạc ở thế ngồi trên ghế thấp hai chân gấp khuỷu hơi dang ra. Khuôn mặt chữ điền, mắt nhìn xuống, mũi cao, môi mỏng, cằm vuông, râu dài, dái tai rộng, đầu đội mũ quan hai lớp, chân đi hia chỉ để lộ phần mũi. Toàn thân khoác áo choàng rộng phủ từ vai xuống vắt trùm cả hai chân. Hai tay vòng phía trước bụng khuất trong vạt áo choàng chỉ để hở một ngón tay cái của bàn tay phải. Phần bụng để hở to, tròn. Trên ngực có một dải đai vòng. Trọng lượng pho tượng hơn 300 kg. Hiện nay pho tượng được thờ trong ngôi miếu nhỏ ở làng Trà Liên, xã Triệu Giang.
2.4. Chùa Liễu Bông, Bến Ghềnh
Ngôi chùa Liễu Bông nơi thờ phụng các công thần theo phò tá Nguyễn Hoàng trong buổi đầu dựng nghiệp đã mất dấu. Các ngôi chùa Liễu Bông không xa là Ghềnh Phủ (Bến Ghềnh) lợi dụng thiên nhiên ưu đãi, chúa Nguyễn đã huy động lực lượng nhân dân trong vùng với binh lính của ông lên núi phá đá đóng thuyền kết thành mảng chở về xây đắp thêm: một mặt để bảo vệ Cồn Dinh, về mặt khác ông cho xây dựng nơi đây thành Bến Thuyền. Ghềnh Phủ là một nơi “trên bến dưới thuyền” đây là một thương cảng đô hội nhất Đàng Trong bấy giờ. Dấu vết còn lại ở Bến Ghềnh này là những mảnh chum, gốm.
2.5. Ngoài những di tích của chúa Nguyễn trong quá trình dựng nghiệp ở Ái Tử, theo sử sách Triều Nguyễn và tư liệu tại địa phương, vào thời chúa Nguyễn Hoàng, bà Phạm Thị Tôm (Còng) đã cùng chồng là Thứ đội trưởng Tổng Thái Bá Đỗ Thuần Chân và một số quân lính phò chúa Nguyễn Hoàng vào khai phá, lập trấn thủ ở xứ Thuận Hóa. Trên đường xuôi về Nam bị quân Trịnh đuổi theo, chẳng may quai chèo bị đứt, đang trong lúc vô cùng nguy hiểm đó bà đã hiến hai cuộn tơ (vốn được bà đem đi dệt vải), để làm quai chèo cứu chúa thoát nạn. Nhớ tới công lao bà, chúa Nguyễn đã phong chức “Thị giá Phu nhân” cho bà Phạm Thị Tôm (Còng). Bà Phạm Thị Tôm (Còng) đã cùng chồng về xứ An Mô khai khẩn đất hoang làm nơi an cư lạc nghiệp. Hiện nay lăng mộ bà Phạm Thị Tôm (Còng) đã xây dựng ở làng An Mô, xã Triệu Long.
Nhìn chung những cụm di tích của chúa Nguyễn trong quá trình dựng nghiệp trên đất Ái Tử chỉ còn là phế tích đang chờ những giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị nhằm khai thác những giá trị lịch sử văn hóa của nó.
3. Vấn đề bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị và những kiến nghị, đề xuất.
3.1. Các ý tưởng bảo tồn di tích:
- Việc tổ chức Hội thảo khoa học này đã được sự quan tâm của các nhà khoa học cũng như sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, chứng tỏ rằng việc bảo tồn, tôn tạo di tích chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong, Quảng Trị đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Các di tích chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong chỉ còn là phế tích. Theo chúng tôi trước hết cần xác định giới hạn, phạm vi đất đai của di tích, xác định địa điểm lỵ sở Dinh chúa Nguyễn, địa điểm những cụm di tích liên quan đến quá trình đóng dinh của chúa Nguyễn. Đây là việc làm quan trọng đối với di tích chỉ còn là phế tích.
- Tổ chức khai quật khảo cổ ở một số địa điểm liên quan các di tích ở Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát nơi chúa Nguyễn đóng dinh. Vì các chúa Nguyễn đóng dinh ở đây là 68 năm, nếu khai quật khảo cổ chắc chắn sẽ tìm thấy những cổ vật quý hiếm có giá trị, đặc biệt qua đó sẽ càng chứng minh rõ thêm về sự phát triển thương mại thời chúa Nguyễn Hoàng.
- Cần quy hoạch quỹ đất để cắm bia, biển những cụm di tích liên quan đến sự kiện chúa Nguyễn Hoàng như di tích Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát, Miếu Trảo Trảo Phu Nhân, chùa Liễu Bông, Bến Ghềnh… Hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích địa điểm Lỵ sở Dinh chúa Nguyễn là di tích cấp Quốc gia.
- Các hiện vật của chúa Nguyễn trên đất Ái Tử chỉ còn lại tượng đồng Thái Phó Nguyễn Ư Dĩ - tước uy Quốc công là cậu ruột của Nguyễn Hoàng. Đây là cổ vật quý hiếm cần có biện pháp bảo tồn tốt nhất, có kế hoạch xây dựng đền thờ Nguyễn Ư Dĩ - tước uy Quốc công.
- Cần xác định vị trí, cắm bia, biển nơi đặt hành dinh hay hậu cứ của các đạo quân để bảo vệ dinh chúa theo biên chế thời Nguyễn đó: Tả quân, Hữu quân, Trung quân, Hậu quân, Tiền quân về sau hình thành các làng Tả Kiên, Hữu Kiên, Trung Kiên, Tiền Kiên, Hậu Kiên.
3.2. Các ý tưởng tôn tạo di tích:
- Xây dựng Nhà lưu niệm và tượng đài chúa Nguyễn Hoàng trên đất Triệu Phong, vì đây là nơi gắn với công lao chúa Nguyễn Hoàng mở cõi Đàng Trong, mở đầu cho công cuộc mở cõi về phương Nam của các chúa Nguyễn. Tại nhà lưu niệm này trưng bày những tài liệu, hiện vật liên quan quá trình dựng nghiệp của chúa Nguyễn ở đất Triệu Phong, dựng sa bàn về các điểm đóng dinh và hành trạng của Nguyễn Hoàng trên đất Triệu Phong. Ngoài ra, tại khuôn viên nhà lưu niệm cần quy hoạch không gian lễ hội để phục vụ lễ hội gắn với sự kiện chúa Nguyễn Hoàng tổ chức theo định kỳ.
- Các thủ phủ Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát được chúa Nguyễn Hoàng và chúa Nguyễn Phúc Nguyên tiến hành xây dựng và tồn tại 68 năm (1558 - 1626) trên vùng đất Ái Tử, vì vậy những con đường ở thị trấn Ái Tử, nên chọn các nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên để đặt tên đường.
- Quy hoạch các làng Tả Kiên, Hữu Kiên, Trung Kiên, Tiền Kiên, Hậu Kiên nằm trong quần thể di tích của chúa Nguyễn.
3.3.Vấn đề phát huy giá trị của di tích:
- Như chúng ta đã biết, các di tích lịch sử không phải chỉ được gìn giữ bảo quản là đủ, mà phải sử dụng những giá trị vốn có của di tích vào các mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa và phục vụ phát triển du lịch. Các di tích tự nó không có ý nghĩa nếu như chúng ta không khai thác những giá trị chứa đựng trong di tích và phát huy những giá trị đó, vì thế các di tích của chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong khi đã được quy hoạch xây dựng phải được sử dụng một cách tích cực, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học làm sáng tỏ lịch sử và văn hóa dân tộc. Phục vụ giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn, là nơi tổ chức sinh hoạt truyền thống để giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ. Phục vụ cho việc quảng bá về mảnh đất, con người Quảng Trị, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.
- Phát huy giá trị độc đáo của các di tích chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong bằng việc kết nối hệ thống di tích này vào “Con đường di sản miền Trung”, làm phong phú thêm và nhân lên giá trị cho con đường di sản này. Đây cũng sẽ là điểm đến độc đáo không thể thiếu của du khách trên tuyến “Du lịch Hành lang Kinh tế Đông - Tây”.
3.4. Những kiến nghị, đề xuất
- Đề nghị Hội khoa học lịch sử Việt Nam hỗ trợ địa phương trong việc nghiên cứu làm rõ vị thế, vai trò và những đóng góp của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cũng như Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát trong tiến trình lịch sử dân tộc, xác định địa điểm di tích Lỵ sở Dinh chúa Nguyễn, địa điểm những cụm di tích liên quan đến quá trình đóng dinh của các chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong.
- Đề nghị Bộ VHTT&DL công nhận di tích Địa điểm Lỵ sở Dinh chúa Nguyễn là di tích cấp Quốc gia.
- Đề nghị Viện Khảo cổ học giúp đỡ địa phương trong việc khai quật khảo cổ ở một số địa điểm liên quan các di tích ở Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát nơi chúa Nguyễn đóng dinh.
- Đề nghị các cấp các ngành Trung ương quan tâm kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các di tích về chúa Nguyễn Hoàng.
- Đề nghị các bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng tượng đài chúa Nguyễn Hoàng tại thị trấn Ái Tử, đền thờ Nguyễn Ư Dĩ - tước uy Quốc công tại Trà Liên, Triệu Giang.
Thông qua hội thảo lần này, với sự góp mặt của các nhà khoa học (ở viện nghiên cứu miền Trung, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, các trường Đại học, các nhà nghiên cứu ở nước ngoài: (Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Pháp, Hoa Kỳ); các nhà nghiên cứu tỉnh Quảng Trị) chúng tôi tin tưởng rằng những công lao to lớn của chúa Nguyễn Hoàng được khẳng định, những vấn đề thuộc về Địa điểm Lỵ sở Dinh chúa Nguyễn được làm sáng tỏ, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di tích được quan tâm. Đây là cơ hội để giúp địa phương có cách nhìn nhận một cách hệ thống, khoa học hơn về di tích quan trọng này để từ đó có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng di tích một cách tốt nhất xứng đáng tầm vóc sự đóng góp của các Chúa Nguyễn tại vùng đất nổi tiếng một thời ở Đàng Trong.
________
1. Quốc sử quấn triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, Tập I, NXB Sử học, 1962, tr 44.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét