Nguyễn Quang Ngọc
1. Biển Đông và con đường Nam tiến của Đại Việt
Lịch sử Việt Nam được mở đầu bằng sự ra đời của 3 vương quốc cổ đại đầu tiên là nước Văn Lang - Âu Lạc ở miền Bắc, nước Lâm Ấp - Champa ở miền Trung và nước Phù Nam ở miền Nam. Các vương quốc này cùng có chung một dải Biển Đông, đều tự nhận nguồn gốc biển của mình và trong thực tế biển đã giữ vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, thậm chí quyết định sự hưng thịnh hay suy tàn của mỗi vương quốc. Lịch sử Việt Nam do được tích hợp từ 3 dòng như thế, tuy mỗi khu vực vẫn bảo tồn những nét truyền thống riêng, nhưng cũng sớm định hình một xu thế thống nhất của một dòng chảy chủ đạo là từ Văn Lang - Âu Lạc trải qua 1000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc đến Đại Việt - Đại Nam và Việt Nam. Lịch sử Việt Nam, vì thế, lại có một quy luật vận động riêng, trong đó năng lực khai chiếm các vùng biển đảo trở thành thước đo sức mạnh và vị thế của một vương triều hay một thời đại.
Chúng tôi chưa tập hợp được nhiều tư liệu của các thời kỳ trước, nhưng chắc chắn đến đời vua Lý Anh Tông, Đại Việt đã có cả một chiến lược biển với các sự kiện năm 1147 “dựng hành dinh ở trại Yên Hưng”1 để cai quản toàn bộ các vùng biển đảo; năm 1149 “cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn để mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương”2; năm 1161 “đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển Tây Nam để giữ yên miền biên giới”3; năm 1771 “vua đi tuần các hải đảo, xem khắp hình thế núi sông, muốn biết dân đinh đau khổ và đường đi xa gần thế nào”4 và năm 1172 “vua đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ ghi chép các phong vật rồi về”5... Lúc này lãnh thổ của Đại Việt đã mở rộng đến Quảng Trị và Biển Đông cũng được mở rộng đến biển Champa.
Bước sang thời Trần, công việc tổ chức khai thác và quản lý và phòng thủ biển đảo càng ngày càng được tổ chức quy củ và hiệu quả hơn. Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ XIII của quân dân Đại Việt và Champa đã sát cánh cùng nhau khai thác sức mạnh sở trường của mình tiềm ẩn nơi biển đảo để đánh bại đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới đương thời, không chỉ một lần mà đến cả ba lần. Năm 1301 vua Trần Nhân Tông đã mở rộng lãnh thổ, lãnh hải đến vùng Thừa Thiên và hơn trăm năm sau, vào năm 1402, trước khi bị quân Minh xâm lược, lãnh thổ, lãnh hải của nước Đại Ngu đã được mở rộng đến Quảng Ngãi.
Năm 1428, sau thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Minh, vương triều Lê xác định quyền cai quản đất nước Đại Việt bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đã mất vào tay quân Minh trước đây. Do lãnh thổ Đại Việt càng ngày càng được mở rộng về phía Nam, nên lãnh hải cũng được mở rộng theo. Sự kết hợp thành một thể hữu cơ giữa sứ mệnh Nam tiến và công cuộc khai chiếm các vùng biển đảo tương ứng đã trở thành con đường phát triển đặc thù, nhưng hết sức tự nhiên của lịch sử, thành quy luật sinh tồn của dân tộc Việt Nam trong thời đại mở cõi và định cõi. Năm 1471, Lê Thánh Tông tổ chức một cuộc tấn công quy mô lớn theo đường biển vào kinh thành Vijaya của Champa và tiếp tục mở mang bờ cõi xuống phía nam cho đến đèo Cù Mông. Năm 1490 ông cho hoàn thành bản đồ toàn quốc gọi là bộ Hồng Đức bản đồ, tích hợp tất cả các vùng đất liền và biển đảo vào lãnh thổ Đại Việt. Tên gọi Biển Đông (Đông Hải) lần đầu tiên được đánh dấu trên bản đồ thừa tuyên Thuận Hóa và thừa tuyên Quảng Nam. Vùng duyên hải của thừa tuyên Quảng Nam được kéo dài cho đến tận Thạch Bi (giáp tỉnh Khánh Hòa). Phía ngoài khơi, ông cho đánh dấu vị trí của Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa), vừa khẳng định sự tiếp nối truyền thống khai thác biển đảo của các vương triều Champa trước đây, vừa thể hiện ý chí muốn vươn ra khai chiếm toàn bộ vùng biển đảo quan trọng này.
2. Trấn ải phương Nam và quá trình chuẩn bị cho một sự nghiệp lớn
Tròn 100 năm sau ngày triều Lê thành lập, vào năm 1527, Mạc Đăng Dung vốn có gốc “chuyên nghề đánh cá ở ven biển và vùng cửa sông cận biển” nổi lên ở vùng cửa sông Thái Bình, hội được các nguồn lực mới từ vùng biển đảo và sông nước duyên hải, lật đổ nhà Lê, lập ra nhà Mạc. Nhà Mạc, một mặt vẫn duy trì trung tâm chính trị, xã hội cổ truyền - Kinh đô Thăng Long, mặt khác tập trung xây dựng kinh đô mới ngay tại cửa biển thiên về kinh tế biển - Dương Kinh, để từ đó, nói như GS. Trần Quốc Vượng “mang lên kinh đô Thăng Long một cái nhìn phóng khoáng hơn, một cái nhìn về biển phong phú hơn thời Lê Sơ, tâm thức cởi mở hơn”6. Đất nước sau nhiều thập kỷ suy vi và loạn lạc, chỉ trong mấy năm đầu của triều đại mới đã dần dần đi vào thế ổn định, tình hình kinh tế, văn hoá bắt đầu có những dấu hiệu phát triển. Sách Đại Việt sử ký toàn thư mô tả: "Từ đấy, người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên"7. Tiếc rằng, để duy trì sự tồn tại của dòng họ mình, nhà Mạc quá sớm bị cuốn vào các cuộc chiến tương tàn và vì thế mà tham vọng vươn ra đại dương, xây dựng một xã hội khai phóng đã không thực hiện được.
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, lớn lên giữa lúc quê hương đang trở thành tâm điểm của sự năng động khiến ông chỉ ngồi nhà xem nước thủy triều lên xuống mà biết hết mọi chuyện xưa nay8. Lúc này trên thế giới sau những phát kiến địa lý cuối thế kỷ XV, từ đầu thế kỷ XVI, chủ nghĩa tư bản phương Tây đã bắt đầu quá trình bành trướng sang phương Đông, đi tiên phong là thuyền buôn Bồ Đào Nha và Hà Lan. Biển Đông bắt đầu dậy sóng. Nguyễn Bỉnh Khiêm dường như đã hiểu được nguồn năng lực dồi dào từ Biển Đông đưa vào và cái căn cốt sức sống của đất nước phải cậy nhờ ở biển, khi ông viết: “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”9. Trong khi đó, ở kinh đô Thăng Long, triều đình nhà Lê xuất hiện toàn những vua Quỷ, vua Lợn, phá nước, hại dân, Nguyễn Bỉnh Khiêm, với nhãn quan của bậc trí thức kiệt xuất của thời đại đã không chọn con đường phụng sự triều đình nhà Lê mà ẩn nhẫn chờ thời để có thể đem toàn bộ tâm huyết phục vụ cho vương triều mới đang lên. Mặc dù cuối cùng thì vương triều Mạc cũng sớm làm tiêu tan tất cả những gì mà ông gửi gắm, nhưng ông thực sự trân trọng những thành quả của thời kỳ đầu vương triều và luôn “ước một tôi hiền chúa thánh minh”.
Là con trai và là niềm kỳ vọng lớn của người tái lập triều Lê, nhưng Nguyễn Hoàng lại tin tưởng và ủy thác vào nhà trí thức kiệt xuất của vương triều Mạc - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sách Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Chúa nghe tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm (người làng Trung Am, xứ Hải Dương, đỗ Trạng nguyên triều Mạc, làm đến chức Thái bảo về trí sĩ) giỏi nghề thuật số, nên ngầm sai người tới hỏi. Bỉnh Khiêm nhìn núi non bộ trước sân ngâm lớn rằng “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân
Thuận Hoá vốn là đất cũ của vương quốc Champa. Vùng này đất núi ăn ra sát biển, sông ngắn, dốc, đồng bằng nhỏ hẹp, độ phì nhiêu không cao. Để tồn tại và phát triển, cư dân Champa không còn con đường nào khác là phải tiến ra biển, tìm ở biển một con đường sống mới của cộng đồng. Sau khi đã tiến chiếm đất đai Champa qua hệ thống đường biển, để có thể trụ vững trên dải đất duyên hải miền Trung khô cằn này, người Việt cũng chỉ còn duy nhất một còn con đường là vươn ra khai chiếm đại dương. Thực tế này đã được các nhà hàng hải phương Tây đương thời ghi lại như là truyền thống hết sức đặc biệt của các nhóm cư dân duyên hải miền Trung Việt Nam, mà tài liệu gọi chung là Champa.
Nhiều bản đồ hàng hải phương Tây thế kỷ XVI đánh dấu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (được gọi chung là Pracel hay Paracels) cái tên hết sức có ý nghĩa là Baixos de Chapar (bãi đá ngầm Champa) và Pulo Capaa (đảo của Champa), trong đó tiêu biểu nhất là các bản đồ của nhà Địa lý học Hà Lan G. Mercator (1569) vẽ quần đảo Hoàng Sa giống như hình một con dao dài được ghi chú bằng 2 nhóm từ Baixos de Chapar ở phía trên và Pulo Capaa ở phía dưới...
Thừa nhận mối quan hệ mật thiết giữa vùng biển đảo ở giữa Biển Đông với vùng duyên hải đối diện vốn thuộc vương quốc Champa nên nhiều bản đồ phương Tây thời kỳ này đã vẽ một cách rõ ràng và và chính xác các quần đảo Pracel (Paracels) và khu vực duyên hải miền Trung (tương đương với tỉnh Quảng Ngãi) là Costa de Pracel (Bờ biển Hoàng Sa). Chẳng hạn có thể thấy rất rõ ở 2 tấm bản đồ các năm 1590 và 1592-1594 của Bartholome Lasso (người Bồ Đào Nha) vẽ quần đảo Pracel ở ngoài khơi và dải duyên hải đối diện (tương đương với khu vực Quảng Ngãi) được đánh dấu là Costa da Pracel. Đặc biệt tấm bản đồ của anh em Van Langren (người Hà Lan) vẽ năm 1595 đánh dấu rất rõ ràng I.de Pracel ở ngoài khơi và Costa de Pracel là vùng bờ biển nằm ở phía bên trong của Pulo Catam (Cù Lao Ré) thuộc tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.
Vùng duyên hải và hải đảo này vốn của vương quốc Champa, tuy đã được tích hợp vào lãnh thổ, lãnh hải Đại Việt từ lâu và “nhà Lê có đặt Tam ty (Đô ty, Thừa ty, Hiến ty) và phủ huyện để cai trị, nhưng nhân dân vẫn chưa một lòng”11. Dưới mắt Trịnh Kiểm, “Thuận Hoá là nơi quan trọng, quân và của do đấy mà ra, buổi quốc sơ nhờ đấy mà nên nghiệp lớn”12, nhưng lúc này lại đang là mối lo lớn của Nam triều vì: “nay lòng dân hãy còn tráo trở, nhiều kẻ vượt biển đi theo họ Mạc, sợ có kẻ dẫn giặc về cướp, ví không được tướng tài trấn thủ vỗ yên thì không thể xong”13.
Trịnh Kiểm không phải không biết những tính toán riêng của Nguyễn Hoàng, nhưng theo ông việc Nguyễn Hoàng ra đi lúc này là cần thiết, đáp ứng nhu cầu giữ vững và phát triển hai mặt phía Nam và phía Đông của đất nước. Có lẽ vì thế mà nguyện vọng của Nguyễn Hoàng đã được Trịnh Kiểm chấp thuận ngay. Ông dâng biểu lên vua Lê Anh Tông khẳng định: “Đoan quận công là con nhà tướng, có tài trí mưu lược, có thể sai đi trấn ở đấy, để cùng với tướng trấn thủ Quảng Nam cùng nhau giúp sức thì mới đỡ lo đến miền Nam"14. Vua Lê Anh Tông cũng hầu như không một chút hoài nghi, hoàn toàn tin theo Trịnh Kiểm đã trao trấn tiết cho Nguyễn Hoàng: “Phàm mọi việc đều uỷ thác cả, chỉ mỗi năm nộp thuế mà thôi”15.
Như thế Thuận Hóa thực sự là đất “dụng võ” của Nguyễn Hoàng. Việc Nguyễn Hoàng chọn Thuận Hóa hoàn toàn không phải là sự lựa chọn cho riêng cá nhân, hay một mưu đồ cá nhân, mà có sự tham vấn của bậc trí thức hàng đầu đất nước Nguyễn Bỉnh Khiêm, được sự chấp thuận và ủy thác của cả chúa Trịnh và vua Lê, trong sự ủng hộ của nhiều quan chức cao cấp ở cả Nam triều và Bắc triều và nhất là được sự hưởng ứng của đông đảo dân chúng hai vùng Thuận Hóa và Thanh Nghệ. Đây rõ ràng là một sự lựa chọn công khai, chuẩn xác vì sự phát triển của vương triều Lê - Trịnh và của đất nước, trong bối cảnh vô cùng rối ren và bế tắc ở giữa thế kỷ XVI.
Tháng 10 năm 1558, Nguyễn Hoàng vào nhận chức ở Thuận Hoá, “những người bộ khúc đồng hương ở Tống Sơn và những người nghĩa dũng xứ Thanh Hoa đều vui lòng theo đi”16. Năm sau vùng Thanh Hoá, Nghệ An bị lụt to, nhiều gia đình bị mất nhà cửa, mùa màng thất bát, nhân dân đói khổ, nhiều người đã kéo nhau vào đất Thuận Hoá để tìm kế sinh nhai.
Khi mới vào xứ Thuận Hoá, Nguyễn Hoàng dựng dinh ở xã Ái Tử (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), tin dùng bộ phận quan lại Tam ty của nhà Lê, thực thi một chế độ cai trị khoan hoà, khuyến khích sản xuất, thu phục nhân tâm. Sách Đại Nam thực lục nhận xét: “Chúa vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ thường xưng là Chúa Tiên. Nghiệp đế dựng lên, thực là xây nền từ đấy"17 .
Đầu năm 1570 vua Lê cho triệu Tổng binh Quảng Nam là Nguyễn Bá Quýnh về trấn thủ Nghệ An và giao cho Nguyễn Hoàng kiêm lãnh trấn thủ cả hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam. Có trong tay quyền cai quản toàn bộ hai xứ Thuận Hoá và Quảng Nam, Nguyễn Hoàng vẫn tiếp tục giữ quan hệ hoà hiếu với chính quyền Lê - Trịnh, góp sức với Nam triều trong cuộc chiến tranh chống lại nhà Mạc, đồng thời hết sức chú trọng phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực về mọi mặt. Lê Quý Đôn khẳng định: "Đoan quận công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối... chính sự khoan hoà, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, phép tắc công bằng, nghiêm giữ quân sỹ có kỷ luật, cấm chấp kẻ hung bạo. Quân dân hai xứ đều mến yêu kính phục; thay đổi phong tục xấu, ai ai cũng cám ơn mến đức. Chợ không có hai giá, trong dân gian không có trộm cướp, đêm không phải đóng cổng; thuyền ngoại quốc đến buôn bán, việc giao dịch phân minh, ai cũng cố gắng, toàn cõi nhân dân an cư lạc nghiệp. Hàng năm nộp thuế má để giúp việc quân, việc nước, triều đình cũng được nhờ"18. Sách Đại Nam thực lục tiền biên nói rõ thêm vào cuối năm 1572: “Bấy giờ Chúa ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều yên cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn”19.
Năm 1592, sau khi mở cuộc tấn công quyết định vào Thăng Long, đánh tan quân Mạc, về cơ bản kết thúc cục diện Nam - Bắc triều, Trịnh Tùng xưng Vương, xây dựng Vương phủ, thâu tóm trong tay mọi quyền hành và biến vua Lê thành bù nhìn. Thời gian này Nguyễn Hoàng đem binh quyền ra yết kiến vua Lê, được sai đi đánh dẹp các dư đảng của nhà Mạc và lập được nhiều chiến công. Mặc dù trực tiếp chỉ huy các trận đánh tan quân Mạc ở Sơn Nam, Hải Dương, Sơn Tây, Thái Nguyên, đảm nhiệm một phần công việc bang giao với nhà Minh, nhưng Nguyễn Hoàng vẫn không xa rời việc điều hành các hoạt động ở Thuận Quảng, sai Lương Văn Chánh đem dân vào mở mang đất đai ở Phú Yên...
Như thế là sau hơn 30 năm “chọc trời, khuấy nước”, với tầm nhìn đại dương và ít nhiều đã có những thành tựu và kinh nghiệm tổ chức một vùng đất, một địa phương độc lập và khai phóng, Chúa Tiên trở về giúp rập bên cạnh vua Lê, chúa Trịnh hẳn cũng hy vọng có thể góp phần làm thay đổi cách thức tổ chức nhà nước vốn đã trở nên bảo thủ và lạc hậu này. Nhưng ông đã hoàn toàn thất vọng, vì chính quyền Lê - Trịnh sau khi đánh bại nhà Mạc lại xúc tiến hoàn thiện theo khuynh hướng bảo thủ và lạc hậu hơn. Bình An vương Trịnh Tùng còn có ý định giữ Nguyễn Hoàng ở hẳn lại miền Bắc để kiềm chế và xóa bỏ cơ chế quản lý khai phóng vùng Thuận Quảng mà ông đã dầy công xây dựng hơn 40 năm qua. Ông âm thần cam chịu và nhiều năm lặng lẽ chờ thời. Tháng 11 năm 1600, nhân việc được điều đi đánh Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê ở cửa biển Đại An (Nam Định), Chúa Tiên đã “đem cả tướng sĩ, thuyền ghe bản bộ, đi đường biển thẳng về Thuận Hoá”20.
Mặc dù vẫn để con trai thứ năm là Hải, cháu nội là Hắc ở lại làm con tin, bề ngoài vẫn giữ quan hệ hoà hiếu, hàng năm vẫn nộp thuế và xin kết nghĩa thông gia với Bình An vương Trịnh Tùng, nhưng trong thực tế đây là một quyết định dứt khoát từ bỏ vua Lê, chúa Trịnh để toàn quyền thực thi một chính sách cai trị mới phù hợp với xu thế phát triển của Thuận Quảng, của đất nước trong thời đại thương mại Biển Đông. Đây là quyết định có tính bước ngoặt, vì nó thực sự mở ra một giai đoạn lịch sử mới, giai đoạn nước rút về đích của công cuộc Nam tiến, đã trở thành xu thế phát triển và tiến bộ của đất nước suốt trong nhiều thế kỷ trước.
3. Khai mở chặng đường về đích của sự nghiệp mở cõi Việt Nam
Trở lại Thuận Hoá, Chúa Tiên quyết định dời dinh về Dinh Cát, đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền riêng, không nghĩ đến việc quay trở về yết kiến vua Lê nữa.
Nguyễn Hoàng là người sùng đạo Phật. Khi trở lại Thuận Hóa, ngay năm sau, năm 1601, ông tiến hành khảo sát và cho xây chùa Thiên Mụ làm cơ sở tư tưởng cho chính quyền mới, “để tụ khí thiêng, cho bền long mạch”21.
Năm 1602, ông cho xây dựng dinh trấn Quảng Nam và giao cho con trai thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên làm Trấn thủ, thực hành một chính sách mở rộng quan hệ giao thương với Nhật Bản, với nhiều nước phương Đông và phương Tây, thúc đẩy kinh tế hàng hóa và đô thị phát triển nhảy vọt hơn bất cứ một giai đoạn nào khác trong thời quân chủ.
GS. Kawamoto Kuniye (Nhật Bản) nghiên cứu các bức thư Nguyễn Hoàng gửi cho Mạc phủ Đức Xuyên các năm 1601, 1603, 1605, 1606 nhận thấy “Chúa Nguyễn đời thứ nhất ghi hiệu mỗi lần khác nhau, con cháu dần dần tự xưng An Nam Quốc Vương mà mưu cầu thông giao với Nhật Bản. Đó biểu lộ nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn trước thời đại mới. Và trong lãnh thổ Quảng Nam, có một đô thị quốc tế là Hội An, nơi có phong cách quốc tế mới mà chúa Nguyễn mới tự xưng là An Nam Quốc Vương muốn phát triển hệ thống ngoại giao đối với các nước, trong đó có nước Nhật Bản”22. Trong bối cảnh đó, Thuận Hóa, Quảng Nam thực sự trở thành khu vực kinh tế năng động, Hội An nhanh chóng trở thành một đô thị, cảng thị quốc tế tiêu biểu ở khu vực châu Á23.
Năm 1611, trước cuộc tấn công xâm lấn của Champa, Chúa Tiên sai Chủ sự là Văn Phong đem quân đi đánh dẹp. Sau khi giành chiến thắng đã “đặt phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, lập dinh Trấn Biên, sau gọi là dinh Phú Yên”24. Đây là bước tiến rất căn bản, tạo đà, tạo lực cho các thế hệ tiếp theo đi tiếp chặng đường, hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh mở cõi và định cõi của dân tộc Việt Nam.
Vào tháng 5 năm 1613, ở tuổi 89, trước lúc qua đời, sau gần 60 năm gây dựng lực lượng, Nguyễn Hoàng đã di chúc lại cho con cháu và các thân thần: "Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang
Kể ra kỳ công tạo dựng của Chúa Tiên cũng vẫn còn nhiều dang dở. Nhưng thật may cho ông và cho đất nước là người kế nghiệp ông - Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, đã thực hiện được trọn vẹn ước nguyện của ông. Nguyễn Phúc Nguyên tiến hành cải cách nền hành chính, phát triển kinh tế, đưa Hội An bước vào thời kỳ phát đạt nhất của một thương cảng quốc tế. Ông đẩy nhanh việc mở mang lãnh thổ xuống tận khu vực miền Đông và một phần miền Tây Nam Bộ, trực tiếp tổ chức đội Hoàng Sa đặc trách công việc khai thác và bảo vệ Biển Đông từ tuyến ngoài. Chúa Sãi thực sự là một vị chúa Nguyễn kiệt xuất nhất, một anh hùng mở cõi Việt Nam, nhưng sự nghiệp kỳ vĩ của ông dường như tất cả đều đã được chuẩn bị và sắp đặt bởi Chúa Tiên và bắt đầu từ thời Chúa Tiên.
Công cuộc mở cõi phương Nam và định cõi Việt Nam trải dài có đến gần một thiên niên kỷ, nhưng chỉ tăng tốc và bước vào giai đoạn nước rút ở thế kỷ XVII, trong đó sự kiện Chúa Tiên trở lại Thuận Hóa vào tháng 11 năm 1600 phải được coi là mốc mở đầu quan trọng nhất.
Chúng tôi đã kiểm tra lại các nguồn tư liệu và nhận thấy sự kiện năm 1558, Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, không phải là một cuộc trốn chạy, cũng không phải là một âm mưu xây dựng cơ sở cát cứ chống lại triều đình Lê - Trịnh, mà là thực hiện một sứ mệnh cao cả của triều đình giao phó và trong thực tế Nguyễn Hoàng đã hoàn thành một cách trọn vẹn trọng trách với triều đình. Đây cũng là giai đoạn Nguyễn Hoàng mở rộng thêm tầm nhìn, cách nghĩ, không loại trừ có những toan tính cá nhân, nhưng những toan tính cá nhân đó không phương hại đến sự phát triển chung của đất nước. Hơn thế, việc ông trở lại triều đình và có đến gần chục năm tận tâm, tận lực phục vụ bên cạnh vua Lê, chúa Trịnh, không chỉ thể hiện lòng trung thành, mà còn là sự kỳ vọng vào khả năng thay đổi của chính quyền Lê - Trịnh trong điều kiện đất nước đang đứng trước muôn vàn thách thức và vận hội. Chỉ đến khi nhận thấy chính quyền Lê - Trịnh hoàn toàn không thể đại diện cho sự tiến bộ, mà trái lại đang kìm hãm gay gắt sự phát triển của xã hội, Chúa Tiên mới quyết định trở về Thuận Hóa xây dựng chính quyền riêng, tự mình gánh vác trọng trách xây dựng và phát triển đất nước.
Đóng góp lớn nhất của Chúa Tiên, theo quan niệm của chúng tôi, là trong bối cảnh khốn khó và bế tắc của chính quyền Lê - Trịnh, đã thực thi một chính sách tương đối độc lập, khai phóng và thân dân, huy động mọi nguồn lực biến Thuận Quảng từ vùng đất đói nghèo và hỗn loạn trở nên trù phú, năng động và an cư lạc nghiệp, làm cơ sở cho việc triển khai chặng đường nước rút của công cuộc mở cõi và định cõi của dân tộc Việt Nam.
--------------------------------------------------------
1,2,3,4,5: Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I - NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1993
6: Trần Quốc Vượng: Mấy vấn đề về nhà Mạc (tóm tắt), trong Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hà Nội, 1996
7: Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III
8: Nguyên văn câu thơ: “Tĩnh quan triều tịch hậu/ Thủy đắc cổ kim tình”
9: Nguyên văn hai câu “Vạn lý Đông minh quy bảo ác/ Ức niên Nam cực điện long bình” trongBạch Vân am thi tập do Nguyễn Khắc Mai dịch và giới thiệu.
10: Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, TI, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002
11,12,13,14,15, 16,17, 21, 25: Quốc sử quán triều Nguyễn
18: Lê Quý Đôn: Toàn tập, Tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977
19: Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục
20: Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, TI, Sđd, tr 35. Được tin Nguyễn Hoàng bỏ chạy về Thuận Hóa, Bình An Vương Trịnh Tùng đã viết thư dụ dỗ và răn đe: “Nếu cậu quả biết tỉnh ngộ ra, hối lại lỗi trước, nghĩ đến công nghiệp của tiên tổ, nên sai người mang thư đến hành tại lạy trình, rồi đốc nộp tiền thuế để cung việc chi dùng của nhà nước thì lấy công trừ lỗi, triều đình đã có pháp điển, mà công lao ngày trước của cậu lại được toàn vẹn, huân danh sự nghiệp bao đời, bền lâu mãi mãi. Nếu không thế thì lấy thuận đánh nghịch, triều đình dùng binh đã có cớ rồi, danh tiết của cậu sẽ ra làm sao?” (Đại Việt sử ký toàn thư, T III, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,
22: Đô thị cổ Hội An, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991. Ở Nhật Bản, cảng Nagasaki chính thức được mở vào năm 1570 thì chỉ 25 năm sau, vào năm 1595, theo sách Trường Kỷ sự điển, lần đầu tiên thuyền của An Nam cập cảng Nagasaki mở đầu cho giai đoạn phát triển giao thương Nhật - Việt. Theo tài liệu công bố của Seiji Sasaki thì vào khoảng tháng 10 năm 1601 và tháng 8 năm 1604 thuyền buôn của An Nam đã trực tiếp đến buôn bán ở Nhật Bản nhiều lần.
23: Đô thị cổ Hội An đã được UNESCO ghi vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới (năm 1999) vì “Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo” (Tiêu chí 5)
24: Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Tập III, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét