Miếu thờ chúa Tiên Nguyễn Hoàng do nhân dân các phường An Định Nha, An Hướng và Phương Xuân lập để thờ phụng và ghi nhớ ân đức của người. Đến năm 1824, vua Minh Mạng không cho dân thờ phụng, nên đã cho đổi thành chùa Long Phước. Miếu thờ Nguyễn Hoàng - Chùa Long Phước nằm ở ven chân của một quả đồi, phía nam cánh đồng Trạng, thuộc địa phận làng An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh; cách đường 75 gần 2km về phía bắc.
Một trong những viên đá táng chân cột còn lại tại dấu tích chùa Long Phước (thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh)
Ngày nay, di tích này đã bị hoang phế, cây cối mọc um tùm, dấu vết còn lại trên nền đất là những đoạn tường thành được xếp bằng đá, những viên đá táng chân cột và mảnh vỡ của gạch ngói. Tuy vậy, trong tâm thức của người dân địa phương vẫn còn hằn in về một công trình kiến trúc tương đối quy mô được dựng lên trên xứ Cồn Tiên/ Bái Trời/ Bái Ân một thời.
Từ miếu thờ chúa Tiên Nguyễn Hoàng...
Tháng 10 năm Mậu ngọ (1558), Nguyễn Hoàng được phong là Thái úy Ðoan Quận Công, giữ chức trấn thủ tổng quản bình dân hai xứ Thuận - Quảng. Nhận lãnh sứ mệnh lịch sử đó, Nguyễn Hoàng cùng với các công tử Thái Bảo Hòa quận công, Thụy Quận công và các tướng Văn Nham, Thạch Xuyền, Tiền Trung, Tường Lộc đem một nghìn quân ra cửa biển nhằm theo hướng hai xứ Thuận - Quảng tiến vào. Chiến thuyền tiến thẳng vào cửa Việt Yên (Cửa Việt) và ngược dòng Thạch Hãn lên đóng quân trên bãi cát nổi thuộc xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay là huyện Triệu Phong), mở ra một thời kỳ mới cho vùng đất Quảng Trị nói riêng và xứ đàng Trong nói chung.Ngay trong những ngày đầu vào trấn nhiệm xứ Thuận Hóa, Ðoan Quận Công đã được dân chúng ngưỡng mộ, mến phục. Các bô lão làng Ái Tử đem dâng 7 vò nước trong. Nguyễn Ư Dĩ nói với Nguyễn Hoàng rằng: "Ấy là điềm trời cho ông nước đó!" 1. Những vò nước của các bô lão làng Ái Tử trong trường hợp này có thể được hiểu theo khía cạnh: Nước có nghĩa là đất nước/ quốc gia. Cũng chính từ ý niệm đó mà về sau chúa Tiên Nguyễn Hoàng và các vị chúa kế nghiệp đã dày công tạo dựng ngày một lớn mạnh về mặt thể chế chính trị và cương vực mà về sau được gọi là xứ đàng Trong.
Vào thời điểm này, xứ Thuận Hóa được xem là Ô châu ác địa, nhân dân gồm những thành phần rất phức tạp. Trước tình cảnh này, Nguyễn Hoàng đã tiến hành công việc an dân, buộc họ phải chăm chỉ làm ăn. Ngay từ ngày đầu vào trấn nhiệm xứ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã biết chăm lo, vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, nhẹ xâu thuế. Vì vậy, Nguyễn Hoàng được dân chúng tin yêu gọi là chúa Tiên, sách Ðại Nam thực lục chép "Vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ được xưng là chúa Tiên" 2. Trong thời gian đóng thủ phủ ở Quảng Trị, cả chúa Tiên và chúa Sãi với chính sách cai trị nghiêm minh, khoan hòa “việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu, tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp” 3.
1Phan Khoang. Việt sử xứ Ðàng Trong (1558 - 1777). Nxb Văn học. 2001. tr. 109
2Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam thực lục, tập 1 (Tiền biên). Nxb Giáo dục. Hà Nội. 1962. tr. 28.
3Lê Quý Ðôn. Phủ biên tạp lục. Nxb Khoa học. Hà Nội. 1964. tr. 41.
Nguyễn Hoàng là một vị tướng tài kiệt, đã nhiều lần giúp vua Lê đánh bại quân nhà Mạc, dẹp yên quân phản loạn, thổ phỉ... Vào năm 1572, khi đóng dinh ở Ái Tử, Nguyễn Hoàng đã sử dụng mỹ nhân kế để giết tướng nhà Mạc là Lập Bạo, đây được xem như một huyền tích gắn kết với thị nữ Ngô Thị tự Ngọc Lâm - người có sắc đẹp và mưu trí. Dấu tích còn lại về sự tích, sự kiện lịch sử này là ngôi miếu Trảo Trảo phu nhân và dấu tích miếu thờ chúa Tiên Nguyễn Hoàng về sau đổi thành chùa Long Phước/Phúc 1.
Chùa Long Phước vốn là ngôi đền thờ chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Năm 1572, quân nhà Mạc do tướng Lập Bạo chỉ huy vào đánh chúa Nguyễn bị Nguyễn Hoàng dùng kế mỹ nhân đánh cho một trận đại bại ở sông Ái Tử. Số tù binh nhà Mạc được Nguyễn Hoàng đưa lên khẩn hoang ở vùng núi Cồn Tiên, lập ra 36 phường thuộc tổng Bái Trời. Dân các xã An Định, An Hướng, Phường Xuân vì cảm ơn ân đức Thái Tổ đã lập đền thờ Nguyễn Hoàng sau khi ông mất.
Vào năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu đã khen ngợi việc dân ba phường lập miếu, đã cho đặt chức từ thừa, cấp bằng son và cho bày mũ, áo bào thần ngự ở miếu: “Đặt chức từ thừa ở miếu phường An Định Nha (thuộc huyện Minh Linh, Quảng Trị). Buổi quốc sơ, các phủ đều dựng miếu để thờ các vị thánh vương trước. Dân ba phường An Định Nha, An Hướng và Phương Xuân thuộc tổng Bái Ân cảm nhớ công ơn Thái Tổ, dựng miếu thờ ở An Định Nha. Chúa nghe khen tốt, sai đem những mũ và áo bào thần ngự bày ở miếu, lại sai đặt chức từ thừa để trông coi, cho bằng son” 2.
Đến chùa Long Phước
Đến năm Minh Mạng thứ 4 (1824) nhà vua không cho phép nhân dân được thờ cúng nên nên đổi thành chùa:“chùa ở ba phường An Định Nha, An Hướng và Phương Xuân thuộc Quảng Trị. Buổi quốc sơ dân 3 phường ấy cảm mến ơn đức Thải Tổ dựng miếu thờ. Đến nay dinh thần đem việc tâu lên, vua giao xuống bầy tôi bàn, đều cho là nhân dân thờ cúng nhảm nhí không nên, xin đình chỉ. Vua bèn sai đổi dựng làm chùa, cấp trước cho 100 lạng bạc, khi làm xong cho 300 quan tiền, trừ tô thuế hơn 70 mẫu ruộng đất công để dùng vào việc thờ cúng, đặt 3 người tự phu”3. Và sách Đại Nam nhất thống chí cũng đã chép lại sự kiện này: Chùa Long Phước ở làng An Định, trước là miếu do 3 phường An Định, An Hướng và Phương Xuân cùng thờ Thái tổ hoàng đế bản triều; đến năm Minh Mệnh thứ 4 đổi làm chùa, cho biển nghạch, lại cấp cho 70 mẫu ruộng công và 3 người tự phu để phụng sự 4.
Như vậy, do vua Minh Mạng không cho dân thờ Chúa Tiên, vì việc này phải do triều đình đảm trách, nên miếu thờ chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã được đổi thành chùa Long Phúc/Phước.
Vào năm 1921, L.Cadière đã chép lại sự kiện lập miếu và mô tả hình dáng ngôi miếu thờ Nguyễn Hoàng - chùa Long Phúc trong B.A.V.H như sau: “Các sử liệu cho thấy họ đã lập được 36 phường và con cháu của họ đã dựng lên ngôi đền còn gọi là Long Phúc để tưởng nhớ Nguyễn Hoàng. Khách du lịch đi trên con đường địa phương vừa mới mở bao quanh Cồn Tiên có thể trông thấy được ngôi đền này trên địa phận làng An Định nhưng cách chợ Yên Gia rộng lớn khoảng một vài cây số” 5.
1Miếu Trảo Trảo thuộc địa bàn của Thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong ngày nay; Chùa Long Phước thuộc thôn An Định, xã Gio An, huyện Gio Linh. Hiện nay, những gì vốn có của hai di tích này chỉ được lưu lại qua tư liệu lịch sử và trong tâm thức của người dân địa phương.
2Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 1. NXB Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr. 110.
3Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 2. NXB Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr. 255.
4Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập 1. NXB Thuận Hóa. Huế. 1992. tr. 206 - 207.
5Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H), tập VIII (1921). NXB Thuận Hóa, Huế, 2001, tr. 328.
Nguyên xưa Chùa Long Phước có kiến trúc tương đối bề thế, khang trang gồm cổng tam quan ở phía trước, 2 nếp nhà song ngang dựng theo mô thức nhà rường 3 gian 2 chái từng nổi tiếng một thời trên vùng đất thuộc xứ Cồn Tiên - Bái Trời: Trải qua những năm chiến tranh cùng thiên tai, lụt bão, ngôi cổ tự này đã bị hoang phế và đổ nát từ trước những năm 80 (thế kỷ XX). Đến nay, khu vực này chỉ còn một nền đất hoang tàn và cỏ dại.
Trong lần khảo sát phế tích chùa Long Phước vào tháng 5-2013, chúng tôi đã ghi nhận được các vết tích như sau: Trong khuôn viên chừng 500m2 được bao bọc bởi tường thành xếp bằng đá mồ côi (hiện còn lại một số đoạn, tuy nhiên đã bị cây cối che phủ), là một khu đất tương đối bằng phẳng với cây cối mọc um tùm, trên nền còn lưu lại một số mảnh vở của ngói liệt (hay ngói âm dương) và gạch có kính thước tương đối lớn (đây có lẽ là gạch, ngói được dùng để xây dựng chùa dưới thời nhà Nguyễn); lệch về phía tây của khuôn viên còn tồn lưu 30 viên đá táng chân cột nằm nguyên vị trí của nó, với đường kính tương đối lớn (mặt trên của mỗi viên đá táng có đường kính là 62cm), khoảng cách giữa hai hàng cột trong các gian chính là 2m và khoảng cách giữa cột gian chính và cột bên ngoài của gian chái là 1,4m (đo theo chiều ngang của công trình kiến trúc). Dựa vào các đá táng chân cột, chúng tôi nghĩ rằng, nơi đây đã từng tồn tại một công trình kiến trúc tương đối quy mô được xây bằng gạch, khung mái bằng gỗ, mái lợp bằng ngói âm dương.
Các cụ cao niên của làng An Nha (Nguyễn Văn Sắt, 83 tuổi; Nguyễn Thị Con, 96 tuổi) và làng Gia Bình (Lâm Công Lũy, 87 tuổi) cho biết: trước năm 1945, trong chùa vừa thờ phật vừa thờ thần. Theo lệ cũ, dân các làng quanh chùa Long Phước hàng năm vẫn tổ chức tế lễ Thánh Vương (chúa Nguyễn Hoàng) ở tại chùa vào ngày 28/8 âm lịch. Đặc biệt là lễ được tổ chức vào ban đêm. Bên cạnh đó, chùa Long Phước còn thờ một vỏ trấu bằng vàng (tượng trưng cho hạt lúa) và nơi đây từng diễn ra lễ cầu mưa của ba làng (phường) An Nha, An Hướng và Phương Xuân, cũng tại chùa Long Phước, cứ ba năm được tổ chức hát bội một lần dưới sự chủ trì của quan huyện.
Chùa Long Phước (hay miếu thờ chúa Tiên Nguyễn Hoàng) đến nay đã không còn nhưng hành trình khai phá vùng đất Cồn Tiên, trong đó có công lao của chúa Tiên Nguyễn Hoàng cùng tên tuổi của nó vẫn mãi đồng vọng trong sử sách và in sâu vào tâm thức của nhân dân trên vùng đất Cồn Tiên dày chất sử thi này. Và đó cũng là lòng ngưỡng vọng, tri ân của các thế hệ người dân các phường ở xứ Cồn Tiên/ Bái Trời đối với vị chúa nhân từ, đức độ - Nguyễn Hoàng.
Có thể nói từ những ngày đầu vào trấn thủ xứ Thuận Hóa cho đến lúc lâm chung, với chính sách an dân, chăm lo đời sống cho nhân dân... Nguyễn Hoàng cùng với các tướng sĩ của mình đã tạo nên một diện mạo mới về lịch sử, văn hóa, xã hội cho xứ đàng Trong. Chúa Tiên cùng các cận thần của mình ra sức củng cố lực lượng, lập đồn trại ở những nơi hiểm yếu để phòng giữ, mở mang các trục lộ giao thông, đặt các dinh trạm để tiện cho việc liên lạc và đi lại. Tiến hành tuyển mộ và huấn luyện binh sĩ, thực hiện chính sách khai hoang phục hóa, đưa dân đến lập nghiệp ở các vùng đất mới...Nhờ vậy, diện tích canh tác ngày một tăng, lương thực dồi dào, vật phẩm trù phú.
Lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử vùng đất Quảng Trị/Thuận Hóa nói riêng không thể không nhắc đến vai trò của Nguyễn Hoàng trong việc chiêu dân lập làng, mở mang bờ cõi của quốc gia Ðại Việt dưới thời phong kiến. Ngoài hệ thống làng xã được thiết lập trước khi Ðoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào trấn nhiệm, thì thời điểm Nguyễn Hoàng chọn vùng đất Ái Tử làm nơi đặt lỵ sở là một thời kỳ mà hệ thống làng xã được thiết lập mới, các thiết chế văn hóa được định hình một cách rõ nét, và đây cũng mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam./.
Bài; ảnh: Nguyễn Cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét