Bích La Đông thuộc xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong - Quảng Trị, từ xưa đến nay rất nhiều người ở đây đỗ tiến sĩ, giữ nhiều chức vụ cao trong và ngoài nước. Hằng năm, làng có hàng trăm học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.
Địa linh nhân kiệt
Bích La Đông được hình thành vào năm 1527, do phó tướng Lê Mậu Doãn nhận lệnh triều Hậu Lê vào xứ Thuận Hóa khẩn hoang, lập nên. Hiện tại dân làng có trên 2.500 nhân khẩu. Trên miếu thờ của làng ngày nay có bia ghi danh phó tướng Lê Mậu Doãn. Những ngày này làng đẹp lên rất nhiều. Đường làng được trải nhựa, rộng thênh thang. Chiếc cầu bê tông vững chắc, ước mơ bao đời của người dân, nay đã được đầu tư xây dựng hàng chục tỉ đồng để bắc qua sông Vĩnh Định, dẫn vào làng.
Cụ Phạm Xuân Hưởng, 75 tuổi, một lão làng ở Bích La Đông bảo rằng về thăm làng thì nên tìm đến đình làng trước hết, đây là một biểu tượng văn hóa của làng mà ít nơi có được. Đúng thật vậy, đình làng Bích La Đông nằm trong một khuôn viên rất đẹp, hội đủ các yếu tố phong thủy. Cạnh đình làng là khu miếu thờ tiến sĩ và những người có công trong sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.
Dưới thời nhà Nguyễn, làng có rất nhiều người đỗ tiến sĩ. Tiến sĩ Lê Cảnh Diệu và tiến sĩ Lê Cảnh Phiên... là những người con đầu tiên của làng đỗ học vị cao nhất. Chỉ tính riêng họ tộc Lê Văn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có 5 tiến sĩ. Những người đầu tiên của họ tộc Lê Văn đỗ đạt cao là tiến sĩ Lê Văn Nhượng, tiến sĩ Lê Văn Chân, tiến sĩ Lê Văn Nhiếp. Khoa thi cuối của triều Nguyễn có ông Lê Văn Tăng, bác ruột của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, đỗ phó bảng và ông Lê Văn Lương đỗ tiến sĩ.
Có một nghĩa cử cao đẹp, thanh liêm của những người đi trước mà dân làng Bích La Đông đến hôm nay vẫn còn tự hào. Đó là sau khi đỗ đạt, có chức tước cao, được triều đình ban cho nhiều ruộng đất, của cải nhưng các vị quan người làng Bích La Đông không một ai lấy làm của riêng, mà đều sung vào của công.
Người dân làng này còn lưu truyền câu chuyện công minh của quan Tham tri Lê Bá Thoại, đỗ tiến sĩ dưới thời nhà Nguyễn, giữ chức Thượng thư Bộ hình. Trước bá quan văn võ triều đình, ông dám thẳng thắn vạch mặt thói kiêu căng, hách dịch của một quận công, rồi xin từ quan, về làm ruộng, trọn đời giữ nhân phẩm trong sạch.
Học giỏi, yêu nước
Học giỏi, thi đỗ đạt cao, người làng Bích La Đông còn có truyền thống trung quân, ái quốc. Ông Lê Đăng Doanh, một người con của làng làm quan dưới thời vua Nguyễn, là người văn võ song toàn, từng làm chánh chủ khảo nhiều kỳ thi Hương. Ông từng được phong “Hiệp biện đại học sĩ” dưới triều vua Thiệu Trị. Do có công dạy dỗ bốn đời vua liên tiếp nên khi mất, ông được vua ban tặng nghi lễ cao nhất: “Nhất lão nghi hình thiên hạ tắc / Tứ triều thạc phụ đế vương tôn”. Hai câu đối này đến bây giờ con cháu của làng Bích La Đông vẫn thuộc lòng.
Sống và lớn lên trên mảnh đất của cha ông có truyền thống yêu nước như vậy nên ngay từ nhỏ, cậu học trò Lê Văn Nhuận (tên khai sinh của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, thoát ly từ tuổi hai mươi và năm 1930 trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảm đương các chức vụ cao nhất của Đảng...
Bích La Đông còn có thêm hàng chục tiến sĩ, giáo sư hàng đầu làm việc trong nước và nước ngoài, đó là tiến sĩ toán học Lê Bá Long, tiến sĩ sinh học Lê Thị Diệu Muội (con gái cố Tổng Bí thư Lê Duẩn), tiến sĩ hóa học Nguyễn Từ, họa sĩ lừng danh thế giới Lê Bá Đảng đang ở châu Âu, tiến sĩ Nguyễn Giang Thạch ở châu Úc... Họ đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ của mình cho sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.
Tiếp lửa truyền thống hiếu học
Điều đáng quý của dân Bích La Đông là những truyền thống của làng luôn được gìn giữ, trân trọng. Những thế hệ học trò làng Bích La Đông hôm nay luôn nung nấu ý chí làm rạng danh quá khứ nổi tiếng của làng do cha ông mình đã dày công tạo lập. Các bậc phụ huynh trong làng dù có nghèo đến đâu cũng ráng nuôi con ăn học. Họ sẵn sàng cầm nhà, vay nợ ngân hàng để lấy tiền nuôi con ăn học thành tài.
Chủ tịch xã Triệu Đông Lê Minh Khánh tự hào nói: “Người làng Bích La Đông làm nông nghiệp, trồng lúa là chính nên không giàu lên nhanh chóng. Dù vậy dân làng luôn tự hào về truyền thống của cha ông nên họ luôn vượt qua được mọi khó khăn gian khổ, miễn sao để cho con em mình được ăn no, học giỏi”. Nhiều gia đình trong làng đã đầu tư cho con em mình học hành tới nơi tới chốn, nhiều học sinh tiểu học được bố mẹ mua máy vi tính kết nối Internet.
Đến nay làng nông nghiệp này đã có hơn 100 máy vi tính cho các em học tập. Thế nên có người gọi đùa Bích La Đông là “làng Internet”. Đây là làng quê đầu tiên của miền Trung chủ động đưa Internet về làng. Hằng năm, làng có hàng trăm học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.
Theo Linh An
Người Lao Động
Việt Báo (Theo_DanTri)
Việt Báo (Theo_DanTri)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét