THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tập I

Người thành cổ Quảng trị

TỆP 3
Truyện kí thứ hai
TRẦN XUÂN AN
NGƯỜI THẦY THUỐC– THẦY GIÁO TRẺ TUỔI
Truyện kí thứ hai
1
Người đàn ông khoảng năm mươi tuổi, dáng vẻ tiều tụy, gương mặt tái xanh đầy vẻ bệnh hoạn, dè dặt ngồi xuống chiếc ghế trường kỉ bằng gỗ cũ đã lên nước nhưng không một đường nét chạm trổ, sau khi đan tay xá chào vị thầy thuốc trẻ tuổi.
- Bác cứ tự nhiên. – Thầy Tường nhìn người bệnh, ân cần nói –.
Thầy Tường giấu cái giật mình, khi trông thấy một bên má, chỗ gần vành tai, hai chữ “tả đạo” bị khắc xăm rõ nét. Anh cố giữ cái nhìn đừng có vẻ soi mói để người “dữu dân” ấy khỏi chạnh lòng.
- Bác thấy trong người ra răng?
- Dạ, bẩm thầy, không ngủ được, cũng không ăn được nhiều.
Thầy Tường nhìn vào đôi mắt ông ta, trông hơi lờ đờ. Anh lại hỏi các triệu chứng bệnh.
- Bác cho tôi xem mạch.
Vén cổ tay áo, người bệnh duỗi ngửa cánh tay trên mặt bàn. Ngón trỏ và hai ngón kế đặt vào mạch, ngón thứ tư là ngón cái kềm phía dưới cườm, thầy Tường lắng nghe, tất cả tinh thần đều tập trung vào cảm giác ở đầu ba ngón tay. Anh khẽ nhíu mày suy nghĩ.
- Bác bị bệnh đã khá lâu, sao không sớm chữa chạy!
- Dạ, bẩm thầy, tôi bị phân tháp. Bệnh, yếu quá, may mới được phóng thích.
Thầy Tường ái ngại, không biết nói gì. Sau khi đã nhìn sắc diện, hỏi triệu chứng, bắt mạch, người thầy thuốc trẻ nhưng rất có uy tín ở huyện lị Đăng Xương này cầm ngọn bút lông kê đơn.
- Bác qua quầy kia lấy thuốc. – Thầy Tường đưa phái thuốc cho người bệnh –. Uống thuốc và nhớ thắp hương cho ông bà tổ tiên.
Người đàn ông hơi chạnh lòng, đứng dậy, đan tay chào, không nói gì.
- Bác nhớ đó, phải vừa uống thuốc, vừa thắp hương cho ông bà tổ tiên. Quên uống thuốc hoặc quên ông bà tổ tiên thì không lành bệnh được đâu! Xin thành khẩn với bác như thế. – Với tấm lòng của một nhà nho trẻ lỡ vận trên đường khoa cử, thầy Tường khẽ nói –.
Người đàn ông bị gọi là “tả đạo”, “dữu dân” đã hiểu ý. Ông ta lặng thinh làm dấu thánh, trong khi quay bước, chầm chậm tiến tới chỗ quầy thuốc bắc, thuốc nam. Phía sau quầy, trước một dãy kệ để đầy các thùng thiếc, hộp gỗ, hũ sành, thẩu thuỷ tinh có dán những mảnh vuông giấy điều, trên đó viết chữ Hán, chữ Nôm bằng mực xạ đen, là một cụ già quắc thước, mái tóc đã thưa với búi tó đã nhỏ lại, bạc trắng.
Thầy Tường ái ngại nhìn theo người bệnh ấy. Rồi anh lại tiếp tục bắt mạch, kê đơn cho người bệnh tiếp theo.
Sau bốn năm trời miệt mài, say mê học y lí về người và bệnh, học dược tính các loại thuốc, đồng thời học kinh nghiệm điều trị qua thực tiễn hằng ngày với những thầy thuốc già ở Huế, Tường đã trở thành một lương y trẻ nổi tiếng ở quê nhà. Sáu tháng nay, anh ở hẳn trong tiệm thuốc bắc này và cùng cụ chủ tiệm già đang bốc thuốc, cân đếm, gảy bàn tính kia phối hợp trong nghề y dược. Bốn năm trời học nghề thuốc ấy, Tường cũng không hề xao lãng thi thư kinh sử. Hơn nữa, ở Huế, Tường càng có dịp tìm đọc các cuốn sách quý trong các tủ sách gia đình và tìm mua được ở hiệu sách lớn của kinh đô. Bốn năm trời, Tường đã chín chắn, trầm tĩnh, uyên bác hơn xưa đến mức anh cũng không ngờ. Lúc này, với chiếc khăn đóng trên mái tóc bối tó, trong chiếc áo the đen, ngồi bắt mạch, kê đơn cho bệnh nhân từ các làng thôn ra Ái Tử, lị sở của huyện, ở gương mặt trắng trẻo, đẹp một cách cương nghị, toát ra vẻ trang nghiêm. Đó là vẻ trang nghiêm thân ái, ân cần, khiến người đối diện vừa kính nể, vừa cảm thấy dễ gần gũi.
Khi viết phái thuốc cho người bệnh là một người đàn bà có lẽ ở tuổi bốn mươi xong, thầy chợt nghe chú nhỏ đi theo mẹ hình như không thể kìm chế được nữa, buột miệng nói:
- Mạ, khi hồi có ông “tả đạo” vô đây!
Bà mẹ nhăn mặt:
- Kệ người ta! Có quan, có lính, việc chi con! Họ nghe được, sinh chuyện thêm phiền. – Bà mẹ đang bệnh vẫn mắng khẽ con trai, áy náy muốn xin thầy thuốc thứ lỗi –. Dạ, cháu nó còn con nít, tò mò, nói bậy… Dạ, xin thầy cảm phiền…
Bà mẹ bối rối bước về phía quầy thuốc, sau khi thầy Tường lắc bàn tay mở ra, đưa lên, với nụ cười tỏ ý không có gì đáng trách trẻ con cả.
Người bệnh kế tiếp là một cụ ông trông không đến nỗi trầm kha lắm, cũng buột miệna!
- Bẩm thầy, tháng ba vừa rồi, Tây gây sự ở Đà Nẵng, cũng vì bọn “tả đạo” nớ đó!
Thầy Tường gật đầu nhưng lại nói:
- Tất cả là do bọn Tây dương! Nổ súng, truyền “tả đạo” cũng đều do Tây cả. Mình là người Việt với nhau, thương cho người mình nhẹ dạ, cũng trách là người mình trót nhẹ dạ, thậm chí mê muội mất rồi. Triều đình đã hết thuốc chữa! – Quên vẻ trầm tĩnh, thầy thuốc trẻ hơi đanh giọng, và chợt biết phải ngừng lại –. Nhưng, thôi… Người Việt mình còn bệnh, bệnh thiếu ăn, thiếu mặc, bệnh thiếu súng thép, tàu đồng… Ồ, thôi… Cụ cho tôi hỏi bệnh đã. Rứa cụ cảm thấy bệnh trong người ra sao?
Nhìn sắc diện, hỏi han, lắng nghe, thăm mạch, kê đơn, vị lương y trẻ ân cần trong công việc của mình. Thầy Tường cũng lắm khi gặp những nỗi đời, niềm thời sự, những dự cảm, báo động về vận nước.
Đó là một buổi sáng trong một ngày đầu mùa hè năm Thiệu Trị thứ bảy (1847), năm đã xảy ra vụ thứ hai thực dân Phú Lãng Sa (France) khiêu khích triều đình, sau vụ đầu tiên cách đây đã bảy năm, hồi nhà vua đương kim mới lên nối ngôi! Lần này, chúng bắn chìm đến năm chiếc thuyền binh của nước ta cũng tại Đà Nẵng, rồi bỏ chạy ra khơi xa (1)! Không thể không thao thức, suy tư, thầy thuốc đông y Nguyễn Văn Tường còn nghe dậy lên trong lòng khát vọng dấn thân, nhập thế bằng hành động mạnh mẽ hoặc tích cực hơn của nhà nho. Có điều, kẻ sĩ Nguyễn Văn Tường vẫn chưa được ban sắc chỉ xoá án “bất đắc ứng thí”! Thầy vẫn ân cần, ẩn nhẫn, lặng lẽ trong công việc y dược của mình. Sinh ra đời bảy ngày sau Tết Trung thu tháng tám nguyệt lịch năm Giáp thân, Minh Mạng năm thứ năm (1824), đến nay, Nguyễn Văn Tường đã hai mươi bốn tuổi, kể cả một tuổi trong lòng mẹ. Trải qua đằng đẵng mười tám năm đèn sách, đã một lần đỗ tam trường (tú tài) nhưng bị truất, đến giờ, thầy thuốc trẻ này vẫn trắng tay khoa cử, không một mảnh bằng cấp, học vị của triều đình!
2
Ngày quý mão, hai mươi bảy, cuối tháng chín lịch mặt trăng Đinh mùi (1847) năm ấy, vua Thiệu Trị băng hà!
Tiệm thuốc cũng là phòng thăm mạch đông y của cụ già và của kẻ sĩ lỡ vận Nguyễn Văn Tường khép cửa trong những ngày quốc tang. Tin tức kinh đô qua những kẻ bộ hành trên đường thiên lí Bắc – Nam, ghé lại quán cơm, quán nước ở huyện lị Ái Tử này, thầm thì rỉ tai, đã lan truyền khắp làng thôn trong huyện Đăng Xương. Người ta ngạc nhiên khi người lên nối ngôi vua cha mới mất không phải là thái tử Hồng Bảo. Người con thứ, Hồng Nhậm, nổi tiếng về văn chương thơ phú nhưng hơi ốm yếu của đại hành hoàng đế Thiệu Trị đã lên ngôi theo di chiếu, được sự phù giúp của bốn cố mệnh đại thần: Trương Đăng Quế, Nguyễn Tri Phương, Vũ Văn Giải và Lâm Duy Thiếp (2).
Trong những ngày quốc tang, thầy Tường không bước sang tiệm thuốc bắc và phòng mạch. Ngôi nhà tranh vợ chồng thầy thuê ở Ái Tử này cũng không xa tiệm thuốc của cụ già bao đỗi, chỉ cần bước vội chân một chút, là đến ngay nếu có việc cần kíp. Sáng nay, ngồi trước cuốn sách mở, nhưng tâm trí thầy Tường không thể không nghĩ ngợi, bâng quơ nhìn ra ngoài vuông cửa sổ trổ ngay căn giữa, thấy Đích, vợ của thầy, đang sắp những lát thuốc Nam trên mấy chiếc nong, dưới ánh nắng cuối thu vẫn còn rực rỡ. Thật lòng, thầy không ngờ đời vua Thiệu Trị lại ngắn ngủi đến thế. Mấy năm rồi, chờ sắc chỉ ân xá mãi đến mức thầy cũng đôi khi an phận. Và mới năm kia đây, khi đang còn học đông y ở Huế, trong một lần về thăm nhà, anh được biết cụ khoá Dương Văn Thu, thân sinh của Đích, đã đồng ý nhận lời cầu hôn cho con trai của cha anh. Sau lễ thăm, lễ hỏi và lễ cưới, Đích về làng An Cư làm dâu nhà anh, trong khi chờ anh học xong nghề thuốc. Vợ chồng son chưa sống với nhau nhiều nhưng đủ mặn nồng, nên đến bây giờ đã có chung với nhau một đứa con trai đầu lòng. Dương Thị Đích, người mẹ trẻ mười chín tuổi của thằng bé Thiều, chính là người con gái út của cụ khoá Thu, chủ tiệm thuốc đông y cũng là phòng thăm mạch của anh. Thầy Tường hạnh phúc và cũng không hiểu rõ mình có an phận hay không. Có điều, với thầy, an phận hay không, cũng mê say, miệt mài đèn sách. Nói đâu xa, ngay ở nước mình, dưới thời Lê, vẫn có những cụ già bảy mươi tuổi lều chõng đi thi hương, thi hội kia mà. Chí học hành của kẻ sĩ đâu kể gì tóc xanh hay bạc tóc!
O Đích, bây giờ láng giềng đã quen gọi là o Thầy. Đó là cách gọi người vợ theo công việc của chồng. O Thầy đã vào nhà, đang ngồi trên chiếc đòn gỗ, bên nôi của thằng cu Thiều, và một bên thuyền tán. O đang nắm hai tay cầm của dao cầu (một bánh nghiền bằng sắt, khá nặng), lăn tới lăn lui cho thật mịn những thứ thuốc mà cụ khoá Thu giao cho. Hương thuốc đông y thơm lạ lùng.
Nghe tiếng bước chân của thầy Tường bước ra cửa, o Thầy ngước mắt lên.
- Ta đi ra bờ sông một lát. Mình ở nhà.
- Có việc chi mà ra bờ sông? Anh Thầy nhớ về sớm nghe.
Thầy Tường gật đầu, bước ra ngõ. Anh vừa đi vừa nghĩ ngợi. Thế mà đã bảy ngày trôi qua, từ khi vua Thiệu Trị băng hà. Không rõ lòng mình, anh chỉ thấy bâng khuâng. Ngồi xuống một phiến đá lớn dưới gốc cây sầu đâu rợp bóng bên bến sông vắng, cuốn sách cầm ở tay, nhưng thầy Tường nghĩ ngợi đâu đâu.
Dòng sông Ái Tử ngập nắng, chầm chậm trôi lững lờ trước mặt. Cơ hồ cái chết của đại hành hoàng đế đang đẩy đưa tâm thức thầy Tường về khởi nguyên của triều đại. Chính dòng sông Ái Tử này đây, nơi vua Trần Quang Đế nhà hậu Trần bị tên tướng Tàu nhà Minh đánh bại, cũng là nơi Mạc Lập Bạo nhà Mạc bị tiên chúa thái tổ Nguyễn Hoàng tiêu diệt, do được Qua Qua phu nhân linh thánh hiện ra hiến kế mĩ nhân trong giấc mộng mị của ngài (3)! Tiếng trẻ con khóc “oa oa” trên sóng nước hẳn cũng chỉ nảy sinh từ hai chữ “Ái Tử”, thương con. Dân gian chẳng hát “mẹ thương con ngồi cầu Ái Tử” đó sao! Thương con mà hiến độc kế giết tướng Mạc, con cháu Mạc Đăng Dung, gã đô lực sĩ cướp ngôi nhà Lê, hẳn chỉ là mộng mị của thái uý Đoan quận công Nguyễn Hoàng, hay thương con như thế mới là tình thương mãnh liệt, tích cực của dân gian? Từ tiên chúa Nguyễn Hoàng, trải qua mấy đời chúa, đến tiên đế Gia Long, ngót hai trăm bốn mươi bốn năm (1558 – 1802). Từ ngày tiên đế Gia Long lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Nguyễn với nước Việt Nam nhất thống, địa dư rộng lớn nhất lịch sử mấy ngàn năm, đến nay, cũng tròn bốn mươi lăm năm (1802 – 1847).
Thời gian! Lịch sử! Bao nhiêu dâu bể thăng trầm, in dấu ngay ở từng cây đa, giếng nước làng quê với những sự tích!
Thầy Tường bâng khuâng với một câu thơ thiền thời Lí – Trần: “Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”. Quả thật, ở vùng đất trận mạc tranh chấp này, có đó rồi mất đó, thoắt xanh tươi cây trái, thoắt vườn không nhà trống, mong manh như hạt sương treo đầu ngọn cỏ. Nhưng lạ lùng thay, sức sống Quảng Trị bền bỉ đến phi thường!
Dòng sông ngập nắng đưa đẩy ý nghĩ thầy Tường đi về làng quê của mình. Làng An Cư là ngôi làng đầu tiên của tổng An Cư trên đất châu Ô này, được phát hoang, gầy dựng bởi những cư dân châu Diễn, châu Hoan, châu Ái từ thuở Huyền Trân công chúa theo vua Chế Mân về Chiêm Thành. Dòng họ Nguyễn của thầy Tường vào đây cũng già năm trăm năm! Sau hai trăm năm, châu Thuận thân yêu này, vốn là Ô châu, vẫn là mảnh đất tranh chấp, là trận mạc. Ba trăm năm gần đây, dẫu chiến trường của cuộc nội chiến hai thế kỉ giữa Đàng Trong – Đàng Ngoài thuộc vùng đất xa hơn, phía châu Lí (Bố Chính, Ma Linh, Địa Lí – Quảng Bình), quê hương Quảng Trị không phải không đao binh. Ba trăm năm ấy, dòng họ anh sinh sống dưới ơn mưa móc của các đời chúa, đời vua nhà Nguyễn, triều đại hiện thời, triều đại mà một kẻ sĩ như anh phải tận lòng phụng sự, nhất là trong thời điểm này.
Bây giờ, đã bảy ngày, sau cuộc băng hà của đại hành hoàng đế Thiệu Trị, cũng chẳng hiểu sao thầy Tường lại ra ngồi đây nghĩ ngợi vẩn vơ, thoáng có chút gì u hoài nữa!
- Anh Thầy ơi, có nghe mõ làng rao không? Vua ban ân chiếu! – Rõ là giọng của o Đích –.
Thầy Tường vụt đứng dậy, quay lại, nhìn vợ đang vội bước với niềm vui mừng rạng rỡ.
- Mõ rao ân chiếu? – Thầy Tường hỏi lại –. Mình nghe răng chừ?
- Chú mõ làng mới vừa đi rao ngang ngõ nhà mình!
Hai vợ chồng bước về nhà.
- Mình để thằng cu Thiều ở nhà một mình sao?
- Em đã bồng qua gửi bên mệ ngoại.
Thầy Tường bảo vợ về nhà, một mình anh bước về phía dinh huyện lị.
Ngày kỉ dậu hôm nay, mùng ba, đầu tháng mười, kỉ nguyên Tự Đức đã bắt đầu mở ra với ân chiếu gồm 25 điều ban khắp thiên hạ. Vị lương y trẻ tuổi Nguyễn Văn Tường run lên khi đứng đọc những dòng chữ trên bảng bố cáo:
“Các địa phương có nhân sĩ nào tài đức giỏi giang mà ẩn dật nơi rừng núi, chuẩn cho quan thượng ti ở nơi ấy xét thực tâu lên, lượng cho bổ dụng”.
“Từ tờ mờ sáng ngày mồng 3 tháng 10 năm Thiệu Trị thứ 7 trở về trước, phàm các tội phạm phải sung quân hay phát lưu trở xuống, không cứ là đã kết án hay chưa kết án, đều cho khoan miễn tha ra” (4).
Thầy thuốc đông y Nguyễn Văn Tường cố giữ vẻ trầm tĩnh thường ngày, bước thong thả về nhà, với niềm vui rộn rã trong lòng. Ân chiếu!
Anh về đến nhà, Đích bỏ dao cầu thuyền tán, đứng đậy bồng con ríu rít hỏi chuyện. Thầy Tường cầm bàn tay mũm mĩm của chú bé Thiều, đứa con trai đầu lòng của vợ chồng anh, nhìn vào đôi mắt đen láy đã ràn rụa nước mắt xúc động của Đích, nói với giọng trầm tĩnh đến lạ lùng:
- Ta sẽ được xoá án! Mình vui đi!
Sau đó, tháng mười một, lại có một chiếu ban ơn gồm 19 điều nữa, cũng được rao truyền, niêm yết khắp thiên hạ.
Ở Quảng Trị, vào đầu năm Mậu thân (1848), Tự Đức nguyên niên, tuần vũ Lê Trường Danh (5) và án sát Lê Văn Vĩ (Lê Hồng Miên) (6) đã chiểu theo ân chiếu, lập thủ tục đệ trình lên Bộ Hình, xin xoá án cho Nguyễn Văn Tường, tú tài bị truất, bị kết án tội đồ đã chấp hành án, sáu năm về trước, vì không chịu đổi tên trùng với quốc tính.
Sáu năm về trước, Văn Tường chẳng buồn bã trông chờ một kỉ nguyên mới với sự xuất hiện minh đế của triều Nguyễn đó sao! Anh những tưởng phải hai mươi năm, ba mươi năm hoặc có khi phải lâu hơn nữa mới có ngày nay!
3
Sau một tháng được xoá án “bất đắc ứng thí”, tỉnh Quảng Trị của người thầy thuốc trẻ lại phải đối phó với nạn thổ phỉ Lào. Phủ Cam Lộ, nơi đã có một thời gian dăm năm, gia đình cha mẹ anh phải lên đó tìm đất mưu sinh bởi nạn cường hào ác bá ở quê nhà An Cư. Trên vùng đất đó, bọn thổ phỉ nước láng giềng đang tràn sang cướp phá. Hai châu Ba Lan, Mường Bổng gồm những người nhân tộc thiểu số đồng bào lại một phen điêu đứng, tang tóc. Cam Lộ, đó là cửa ngõ phía tây của Đất nước, của kinh đô, Xiêm rồi Lào đã chín lần quấy phá dưới hai triều Minh Mạng, Thiệu Trị. Đây là lần thứ nhất dưới triều Tự Đức!
May sao tri phủ Lê Văn Dự và quản vệ Nguyễn Nhuận của Cam Lộ đã kịp thời đánh tan, vỗ yên được bọn phỉ Lào trong một thời gian ngắn (7).
Qua vui mừng trước ân chiếu, qua xôn xao, kinh động bởi thổ phỉ, Quảng Trị và Nguyễn Văn Tường lại thầm lặng với ruộng nương, sách đèn, bắt mạch, kê đơn thuốc, theo nhịp sống bình thường. Thật ra, trong những ngày tháng này, thầy Tường lại sôi kinh nấu sử hơn bao giờ hết. Những cuốn sách triết học, sử luận thuộc kinh điển tam giáo, đặc biệt là của Nho giáo với tứ thư, ngũ kinh như Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử, Kinh dịch, Kinh Xuân thu… cho đến Bắc sử và các pho quốc sử từ Việt sử lược, Việt điện u linh, Đại Việt sử kí toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục tiền biên, và cả Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỉ… được viết bằng chữ Hán, hầu như đã trở thành máu thịt trong anh. Ngoài ra, cũng như các sĩ tử khác, anh vận dụng nhuần nhuyễn các thể văn cử nghiệp, quan trường và trước tác (8). Đúng là sôi kinh nấu sử để những hạt ngọc chữ nghĩa trở thành cơm ăn nước uống hằng ngày của kẻ sĩ!
Lắng đi vài tháng, lại tàu Pháp ghé vào dòm ngó, đòi xin được lấy củi, lấy nước ngọt để chạy tàu thuỷ với máy hơi nước! Triều đình chấp thuận như thế (9). Nhưng đâu chỉ thế, trong thâm ý, với kế hoạch tằm ăn lá dâu lâu dài, chúng đang ra sức tuyên truyền, đào tạo lực lượng hậu thuẫn bên trong nước ta, lại đo đạc mực nước các cửa biển, cửa sông, hòng chiếm một vùng đất của ta làm trạm dừng chân, cung ứng vật hạng, nhân lực, làm bàn đạp ban đầu.
Rồi lại bùng lên vụ thổ phỉ Lào với tên tay sai Phù Xu Phì ở châu Mường Bổng trên Cam Lộ! Phù Xu Phì phản quốc, phản buôn làng chỉ vì một chức ma tà vằn của giặc (10)!
Và tháng sáu nguyệt lịch (1848), điều cấm đạo Gia Tô (Catholicisme) lại phải ban bố (11)! Cây thập tự được đặt trên đất để thử thách “dữu dân” có chịu bước qua hay không! Có người thức ngộ thú nhận đã bị thực dân lợi dụng, bước qua cây thập giá một thời tôn thờ, người ấy được tẩy hai chữ “tả đạo” khắc xăm trên mặt. Có người cam chịu tử đạo như Chúa Giê Su (Jésus) trên hai thanh gỗ thập tự tử hình! Các đạo trưởng (giám mục, linh mục) người Tây dương lén lút đổ bộ vào bờ biển, sống dưới hầm, lẩn trong nhà “dữu dân”, một số bị bắt được và bị hành hình về tội xúi giục dân trong nước làm giặc! Ở nước ta, bờ biển dài suốt mấy ngàn dặm, thật khó lòng kiểm soát. Cấm đạo, triều đình đành phải bức hại dân mình, bi kịch ấy đâu chỉ của nước ta, mà khắp châu Phi, châu Á, nhất là ở các nước: Thanh (Trung Hoa), Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ, Xiêm, Miến…
Có một buổi sáng lương y Nguyễn Văn Tường không bao giờ quên được. Quanh bãi cát ở phía tây cột cờ Dinh Cát ngày xa xưa, thầy Tường có mặt trong dãy ghế phía sau các quan chức tỉnh huyện. Là sĩ phu của huyện, thầy đang ngồi cạnh các quan viên về hưu, các cử nhân, tú tài chưa được bổ nhiệm, nhìn ra vuông cát rộng. Một cây thập tự bằng gỗ đặt nằm ở giữa. Phía trên thập tự, những người đã cải đạo, “chối đạo” đứng một bên, những người cam chịu tử vì đạo đứng bên kia. Một không khí nặng nề bao trùm. Trong cái nặng nề ấy, thực ra, hầu hết những người dân lương, quan chức, sĩ phu, thảy đều kinh ngạc và căm giận đám “tả đạo” đang đứng giữa sân. Họ chẳng hiểu sao niềm tin vào một tôn giáo xa lạ, chối bỏ cả việc đặt bàn thờ gia tiên trong nhà, chối bỏ mọi phong tục thờ cúng của dân tộc, thậm chí chống lại cả nền độc lập của dân tộc mình, không đoái hoài đến sự mất còn của Tổ quốc mình, lại được tin tưởng đến mức cuồng tín đến thế. Ngỡ sẽ sớm chấm dứt cảnh huống đang diễn ra trước mắt ấy, bởi những người theo “tả đạo” đã có thời gian suy nghĩ, bỗng nhiên, một người đến lượt được dẫn đến dưới chân cây Thánh Giá của họ, không phải như những người “tả đạo” khác, mà bị trói chặt khuỷu tay. Khoảng bốn mươi tuổi, ông ta tiều tụy bước, và đứng lại đúng chỗ.
- Bỏ tà đạo thì bước qua, đứng phía phải! Không bỏ, qua bên trái! – Viên lính dõng dạc bảo –.
- Xin quan cho tôi nói một lời.
- Không nói gì hết!
- Tôi cứ nói! Xin hỏi: Ai giúp tiên đế Nguyễn Ánh đánh bại bọn ngụy Tây Sơn, lập nên nhà Nguyễn? Có phải Đức Cha cả Bá Đa Lộc – Pi-nhô đờ Bê-hen (Pigneau de Béhaine) (12)? Có phải là cha ông chúng tôi theo đạo Gia Tô, thời đó, đã phù giúp? Sao các người phủi ơn nhanh rứa?
- Câm miệng! Đúng là phạm thượng, giọng lưỡi “tả đạo”, lại xổ tiếng Tây tiếng Âu nữa! – Giọng viên lính cố nói to để át sự bối rối –.
Viên lính chạy ngay đến trước khán đài, đan hai tay đặt trước trán, một đầu gối quỳ xuống chạm đất cát:
- Bẩm các quan lớn, thằng “tả đạo” này cứng đầu, phạm thượng!
Các quan, sĩ phu và tất thảy dân lương tham dự đều nghe rõ lời gã “tả đạo” to gan. Dám phạm huý, kêu ngay tên tự của tiên đế là đủ tội chết, nữa là!
- Thật láo xược! – Quan tuần vũ giận dữ quát –. Quân đâu! Gông cổ nó lại. Như thế là rõ ràng nó muốn chịu án trảm quyết bêu đầu! – Quan đầu tỉnh Lê Trường Danh lại cố trấn tĩnh, vẫn với giọng Đàng Ngoài quê ông –. Lẽ ra, không cần nghị xử gì nữa, mà phải chém ngay thị chúng! Nhưng ta cũng bảo cho tất cả quan dân ở đây rõ, bọn cố đạo Tây dương ngày càng lộ bộ mặt thật. Chúng đã giúp ngụy Khôi ở Gia Định, kích động bao nhiêu vụ làm loạn ở Bắc Kì, kể cả bọn ngụy Nông Văn Vân, toan lật đổ bản triều (13). Ngay tiên đế Gia Long về sau cũng đã hạn chế bọn “tả đạo” Tây dương, và cả tiên đế Minh Mạng cũng đã nhiều lần ban dụ cấm đạo vì bản chất bọn “tả đạo” ngày càng lộ rõ (14)! Thế mà “dữu dân”, “tả đạo” các ngươi vẫn ngu mê! Thôi, khỏi lắm lời! Gông cổ tên kia lại! Tiếp tục!
Sau khi rời khỏi bãi cát cải đạo, thầy Tường bước về nhà, đi cạnh Lê Đình Dao (15), một bạn đồng liêu cùng lứa tuổi vừa đỗ cử nhân khoa thi Mậu thân (1848) năm nay. Tính Dao vốn khẳng khái nhưng điềm đạm, lúc này cũng không thể không bức xúc nói:
- Trong phường Lá Vằng, mấy cố đạo Tây hay gọi là La Vang, bây chừ “tả đạo” tụ tập cầu nguyện Đức Mẹ Đồng Trinh suốt cả đêm ngày, xem chừng sốt sắng lắm! – Lê Đình Dao buồn buồn nói –. Thật khó hiểu quá chừng quá đỗi! Nghe đâu thời ngụy tướng Phạm Ngô Cầu của ngụy chúa Trịnh (1779), thời vua Cảnh Thịnh ngụy triều Tây Sơn (1798), chỗ nớ cũng đã là nơi trốn chạy các cuộc “sát tả”, máu chảy thành khe, thành ngòi (16)! Lúc bấy chừ, họ đồn có Đức Mẹ, người Do Thái, dân gian bảo là “ngó như mấy bà đầm”, hiện ra an ủi! Không hiểu vì răng dân mình lại có những kẻ theo cái đạo lạ kì như rứa!
- “Kính nhi viễn chi”! Đối với quỷ thần phải vậy, cứ “kính cẩn nhưng nên xa lánh”, như thầy Khổng dạy là tốt nhất, miễn là dân “tả đạo” người Việt mình đừng theo Tây, nghe lời bọn cố đạo Tây dương là được. – Nguyễn Văn Tường nói với Lê Đình Dao, khẽ giọng –. Nhưng, thật lòng… mình cũng không hiểu nổi vì răng một bộ phận dân mình lại như rứa, như Dao nói. Họ cứ nghe, cứ tin mấy cố đạo Tây tà. Ở kinh đô, khách thương người Tàu, Nhật, Mã Lai… cập bến tường thuật rất rõ là bọn Tây bạch tạng lợi dụng tôn giáo! Xưa nay tam giáo cửu lưu, có ai trấn áp chi đâu! Tu hành quái quỷ chi bọn đội lốt cố đạo nớ! Đi ăn cướp nước người ta mà còn khoác áo tu sĩ! Hết nước nói!
Hai người bạn, một vốn dân gốc làng Bồ Bản, một gốc An Cư, hai làng gần nhau, đi bên nhau, lặng lẽ suy tư. Họ cũng hiểu rằng, không phải chỉ riêng họ, mà hầu hết lương dân, sĩ phu, quan lại cho đến hoàng thân, hoàng đế đều cảm nghĩ như thế.
Thực dân! Thổ phỉ! “Tả đạo”! Đó là ba nguy cơ, hiểm hoạ và nỗi đau cả nước từ Bắc chí Nam và ở Quảng Trị quê nhà! Và nguy hoạ thứ tư: thiên tai dịch lệ! Như một trận bão oan nghiệt, bệnh dịch lại quét qua xát lại miền Trung, miền Bắc (17)! Bệnh dịch tả, căn bệnh hung ác, giết người hàng xã, hàng huyện, thầy Tường biết rõ cả đông y lẫn tây y đều bó tay chịu trận hoặc chỉ cầm cự!
Lại một mùa hạ thứ hai của kỉ nguyên mới!
Tháng năm nguyệt lịch, Tuần phủ Trị – Bình mới nhậm chức là Trần Quang Chung, người Tuy Phước, Bình Định, thay Lê Trường Danh, chuẩn bị cung trạm nghinh tiếp tại tỉnh nhà để đón sứ bộ nước Thanh (Trung Hoa) qua trao sắc chiếu phong vương cho vua Tự Đức. Lễ phong vương sẽ được tiến hành vào tháng bảy, năm Kỉ dậu (1849). Sứ bộ sẽ sang ngay kinh đô Huế, chứ không phải vua nối ngôi phải ra tại Hà Nội (Thăng Long) như các vị vua trước. Đó là một thắng lợi ngoại giao đầu triều Tự Đức (18). Và vì vậy, cộng với bệnh dịch đang lan tràn vừa tắt, kì thi hương chính khoa tháng bảy mùa thu năm nay bị triển hoãn, chỉ mỗi một trường thi Gia Định vẫn được thi theo lệ định!
Từ tháng mười Đinh mùi (1847) đến nay, đã hai mươi mốt tháng trôi qua với bao biến động, lễ lạc. Thầy thuốc đông y Nguyễn Văn Tường cũng đã lỡ mất một kì ân khoa năm ngoái, Mậu thân (1848), vì đang làm thủ tục xin xoá án “bất đắc ứng thí”! Kì này được xét hạch để dự thi, lại bị hoãn! Phải chờ đến tháng ba mùa xuân Canh tuất (1850) năm tới!
Hơn bao giờ hết, lúc Đất nước đang trong thời điểm báo động lâm nguy, kẻ sĩ càng nao nức nhập thế cuộc. “Nhập thế cuộc”, dấn thân vào đời kinh bang tế thế, sửa nước giúp đời, “bất khả vô văn tự”, không thể không chữ nghĩa, không thể không thông qua con đường khoa cử!
Bạn bè tuổi tác có chênh lệch nhau, nhưng đều cùng một lứa, cùng được tập trung về trường tỉnh để được học quan giảng tập, khảo khóa, xét hạch trước khi dự thi, từ khoa Nhâm dần (1842) đến nay, nhiều người đã đỗ đạt, cũng nhiều người bỏ cuộc. Trần Đình Túc (làng Hà Trung), Nguyễn Đăng Điều (làng An Cư), Hoàng Văn Giảng (làng Diên Sanh), Nguyễn Tăng Doãn (làng Câu Nhi), Lê Đình Dao (làng Bồ Bản), Vũ Tử Văn (Võ Văn Thọ, làng Nại Cửu), Nguyễn Hữu Điềm (làng Thái Hoà), và đặc biệt là Trần Xuân Hoà (làng Thâm Khê, huyện Hải Lăng; về sau trở thành người trung nghĩa, anh hùng chống Pháp của triều Nguyễn, được vua Tự Đức ban dụ dựng đền thờ)… đã lần lượt được đăng khoa (19)!
Người vượt lên tất cả bạn bè, sẽ đứng đầu Đất nước, giờ này vẫn hãy còn lận đận! Nhưng cơ may đang được mở ra sau khi kỉ nguyên Tự Đức đã ban ân chiếu, Nguyễn Văn Tường đã được mở khỏi cái ách “bất đắc ứng thí”!
Thầy Tường đã hai mươi sáu tuổi, anh trầm tĩnh chờ mùa xuân năm sau.
Và tháng ba, Canh tuất, năm Tự Đức thứ ba (1850), kì thi hương chính khoa vốn phải triển hoãn cũng đến. Nguyễn Văn Tường đã đỗ cử nhân (20). Nhưng đau xót thay, anh lại bị “nhắc nhở” về cái án “tên trùng với quốc tính không chịu đổi, nên bị đi đày” một lần nữa! Phải bị tội đồ một lần nữa, trước khi chính thức được công nhận học vị cử nhân. Đó là một cách khẳng định trước toàn dân thiên hạ và trước tất thảy quan chức, sĩ phu: Nguyễn Văn Tường không phải thuộc huyết thống hoàng tộc (không phải là hạt máu rơi của Trường Khánh công Miên Tông – hoàng đế Thiệu Trị – bao giờ!). Tuy nhiên, lần bị đày (tội đồ) thứ hai này cũng chỉ là “thủ tục xoá án có nhắc nhở” để anh được tiến thân trên con đường khoa cử, hoạn lộ, đúng như những người xuất thân từ giai tầng dân đen dân dã khác. Chỉ làm các công việc nhẹ nhàng, anh không bị lao dịch khổ sai như lần trước. Nguyễn Văn Tường bình tâm, thanh thản trong sự thấm thía thuyết chính danh định phận. Vâng, có phàn nàn gì đâu, cho dù bị oan trái! – Ông cử tân khoa còn bị treo bằng cấp tự nhủ –. Anh không hề mạo nhận quốc tính. Xưa nay, anh đã sống đúng với phận mình như tuân theo thiên mệnh!
Lần bị tội đồ này, có tính chất khẳng định, nhắc nhở lại án cũ, chứ không phải Nguyễn Văn Tường tái phạm, và chỉ trong mức sáu tháng, từ tháng tư đầu mùa hạ đến tháng mười đầu mùa đông. Lần này, suốt sáu tháng trời, cống sĩ tân khoa bị tạm thời treo bằng cấp, học vị lại phải lên tuốt tận đỉnh núi trong rặng Bạch Mã, nơi có con đường đèo Hải Vân, con đường dành cho khách bộ hành và binh lính hành quân, nhỏ như sợi chỉ ngoằn ngoèo vắt qua. Trong rặng núi Bạch Mã ấy, Viện Thái y mới thử nghiệm gầy dựng một vườn thuốc Nam. Ngày ngày, cùng với toán lính thú, dưới sự hướng dẫn của vài ngự y, kẻ cựu phạm nhân tội đồ bị cảnh cáo lại chăm lo bắt sâu tỉa lá, tưới nước, bón tro. Cũng là thầy thuốc, nhưng anh không khăn đóng áo the, phải ăn ngủ chung với lính thú, và cố nhiên không được hưởng đồng lương bổng nào. Các quan ngự y ăn riêng, ngủ riêng, được phục dịch hầu hạ, và lương bổng gấp đôi, gấp ba so với lúc làm việc ở kinh đô!
Tháng mười, Nguyễn Văn Tường được về quê, trước khi lại vào kinh đô dự kì thi hội. Trên đường ra Quảng Trị, qua chuyện trò với những người cùng đi, anh mới biết, từ tháng tám năm Tân Hợi (1851) sang năm, làng Diên Sanh sẽ được chọn để dời đặt lị sở cho huyện Hải Lăng (21).
Hôm ấy, qua Diên Sanh, mặc dù khá nóng lòng về thăm nhà, nhưng cũng rất mệt mỏi, cống sĩ Nguyễn Văn Tường tách khỏi đám bộ hành, ghé lại nhà Hoàng Văn Giảng (22), được dân làng gọi là ông cống, cống sĩ tân khoa từ khoá Đinh mùi (1847). Ở đấy, không những gặp Giảng, anh còn gặp cả Trần Xuân Hoà (23). Cả hai đang chuẩn bị đi nhận nhiệm sở. Hoà vào Nam, sẽ lãnh ngay chức tri phủ Định Tường, kiêm lí vài huyện. Giảng ra Bắc, lãnh tri huyện Tiến Lữ ở tỉnh Lạng Sơn.
Trần Xuân Hoà là con trai của cố bố chính sứ Trần Tuyên ở tận tỉnh Vĩnh Long, bị giặc mai phục, chết trận, rất được vua Thiệu Trị khen ngợi. Hoà được bổ ngay tri phủ cũng nhờ công lao của cha. Hoà vẫn nói giọng Nam Bộ đặc sệt, chụp lấy tay Tường:
- Tù đày sao mậy? Tưởng tiều tụy, nhưng hoá ra trông còn bảnh chán! Ta đi từ làng lên đây, ngang qua làng Kim Long (Kim Lung) ở Hải Quế, mua được vò rượu đầu vòi, say đằm mà bốc, ngon nhất nước! – Anh cười ha hả –. Gặp Tường ở đây, không nhậu làm sao được, phải hông Giảng? Giảng, kiếm con gà con qué gì nhậu chơi mậy! Mừng thằng Tường ở tù ở đày đã được dề!
Tường cảm động cầm tay bạn, nhìn gương mặt với những nét vừa gân guốc vừa thông minh của Hoà:
- Bình thường! So với cày cuốc ở nhà, xem ra bị đày cũng không cực lắm! Tội đồ sơ sơ, vừa chiếu lệ, lại vừa không phải lệ, rứa thôi! Thật ra, cũng oan cho mình, nhưng cái tính bướng thành ra đành phải “bụng làm dạ chịu”! – Tường cười –. Thôi, hết nợ oan gia rồi! Đừng nhắc nữa! – Tường hỏi Hoà –. Sắp vào Nam nhận chức? Răng chừ lên đường?
- Cụ thượng, cụ tổng Nguyễn Đức Hoạt (24) nghe đâu mới mất! – Giảng nói –. Thi hài mới từ Định Tường, Biên Hoà, chở thuyền ra! Cũng tiếc cho làng An Thơ, huyện Hải Lăng mình! Nếu cụ còn sống, Hoà sẽ nhậm chức dưới trướng của cụ. – Hoàng Văn Giảng vẫn giữ cốt cách nhà nho, vận khăn đóng áo the dài tiếp bạn, nhìn Tường và Hoà, giọng từ tốn –. Ở quê mình có món lòng sả, đặc sản. Uống chút rượu, nhấm gà bóp, rồi chén lòng sả sau. Đồng ý?
Lát sau, khi ba người bạn mắc áo dài khăn đóng lên hai chiếc gạc nai với nguyên đầu nai còn lông đã khô, được gắn lên vách gỗ, mỗi người chỉ còn vận bộ áo quần trắng, vạt áo cài khuy nút thắt một bên, ngồi trên hai chiếc trường kỉ chạm trổ tinh vi đặt ở căn giữa, trước gian đặt bàn thờ buông sáo trúc. Đứa cháu gái bưng lên một khay chén trà ngan ngát hương lài.
Lát sau, cháu gái lại bưng rượu thịt lên.
Tiệc rượu đã nồng. Câu chuyện đẩy đưa thế nào, lại nhắc đến Lê Đình Dao, Vũ Tử Văn, tháng ba Tân hợi (1851) sang năm sẽ cùng họ dự kì thi hội.
- Mình và Võ Văn Thọ, tức là Vũ Tử Văn đó, sau khi học chữ ở nhà với cha mình, lại học với cha Dao. Bọn mình vốn là học trò cụ thân sinh của Lê Đình Dao. Cụ thầy Lê Đình Khuê ấy đúng là túc nho, không hiểu có bị trù dập gì không, thi cử cứ bị đánh hỏng mãi, không đỗ được cái tú tài! – Nguyễn Văn Tường nói –.
- Mình biết cụ Lê! Chả là có một lần thời trai trẻ, cụ cho Tây Sơn có công thống nhất Đàng Trong, Đàng Ngoài. Cụ biện luận: Nếu không có Tây Sơn, Đất nước cứ hai Đàng mãi, chinh chiến mãi. Phải có Tây Sơn như thế, Đất nước mới yên, mới nhất thống một mối. – Hoàng Văn Giảng đặt chén rượu gạo Kim Long xuống –. Do đó, cụ cho là theo lẽ biến dịch, nên không gọi Tây Sơn là ngụy, còn bọn nào xuyên tạc Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ (25) vốn là đạo dòng, “dữu dân”, tức là cỏ trong lúa, thì đúng là láo toét (26). Chỉ chừng đó mà khốn một đời.
- Nhưng cụ thanh thản lắm! Đúng như triết lí tam vô, vô công, vô danh, vô vi, của Đạo đức kinh – Nguyễn Văn Tường gật đầu –. Thật ra, nhập thế mới là đại đạo…
- “Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”!
Trần Xuân Hoà mỉm cười, sau khi ngâm lớn hai câu thơ của Văn Thiên Tường (27). Anh lại dịch ra chữ Nôm:
- Người đời sau trước ai không chết
Lưu lại lòng son sáng sử xanh!
Hoà lại nói:
- Mình hoàn toàn đồng ý với Tường! Phải nhập thế mới đúng đạo làm người, đó là cái lẽ đạo lớn nhất!
- Khi hồi mình nói chưa hết ý. Mình có bàn về tam vô của Lão Tử!… Nhưng dạy học như cụ Lê Đình Khuê, theo mình, cũng tích cực lắm. Đào tạo bao nhiêu là môn sinh! Học trò đỗ đạt có cả hàng trăm. – Nguyễn Văn Tường lại nói –. Cụ thầy trước sau vẫn là nhà nho thôi!… Tất nhiên, có nhiều cách nhập thế, cách nào là tích cực nhất, vậy thôi. Lập đức? Lập công? Lập ngôn? Và nhiều hình thức, dạng thể trong một cách! Với bọn sĩ phu chúng mình, đại đạo đúng là như vậy, như Hoà vừa ngâm nga.
Trần Xuân Hoà đắc ý, lại một lần nữa ngâm sang sảng:
- “Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”!
Ba người bạn hào hứng, vẫn nhẹ nhàng, từ tốn, quanh mâm rượu cho đến khuya.
Ánh trăng tháng mười ở làng Diên Sanh này đang ngời sáng trước sân nhà Giảng.
Tháng ba năm sau, năm Tự Đức thứ tư (1851), Nguyễn Văn Tường dự kì thi hội trong hoàn cảnh bị tội đồ “nhắc nhở lại” vừa mới mãn hạn như thế, với tâm trạng không buồn rầu, nhưng không thể không ê ẩm, mỏi mệt. Khoa ấy, Lê Đình Dao và Vũ Tử Văn đều đỗ phó bảng. Dao lại đứng đầu bảng phụ ấy (28). Nguyễn Văn Tường, bạn bè anh đều hiểu rằng, tư tưởng của anh ít nhiều vượt lên những hạn chế của lối mòn “quan phương, chính thống”, nên quan trường khó lòng để đỗ cao, nhưng cũng khó bề đánh rớt. Dẫu sao, họ vẫn phải để Nguyễn Văn Tường ở mức đủ phân số điểm để được bổ nhiệm làm huấn đạo (29).
Nguyễn Văn Tường nhận chức học quan ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, coi sóc việc học hành cho sĩ tử trong một huyện. Huyện Mộ Đức mới vừa giảm biên chế tri huyện, huyện phải thống thuộc vào phủ Tư Nghĩa. Thầy giáo Nguyễn Văn Tường ở hẳn trong trường học của huyện, tại xã Vạn Phúc (30). Làm thầy giáo, nhưng Nguyễn Văn Tường vẫn thăm mạch, viết phái thuốc cho bà con láng giềng quanh đó.
Lại năm sau nữa, Tự Đức năm thứ năm, Nhâm tí (1852), trường Bình Định bắt đầu được thành lập và mở khoa thi, với sĩ tử tỉnh nhà cùng hai tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên (31). Học trò huyện Mộ Đức của huấn đạo Nguyễn Văn Tường có một người thi đỗ tứ trường hương khoa: Phan Văn Điển, người xã An Thổ, Mộ Đức (32). Khoa sau, Ất mão (1855), Tự Đức năm thứ tám, lúc huấn đạo Tường đã về lại Quảng Trị, một học trò khác của thầy là Nguyễn Hữu Tạo (làng An Đại), đỗ cử nhân (33).
Năm Nhâm tí (1852) đó, triều đình lại định lệ xét bổ cho học quan tham dự chính quyền. Học quan như thầy huấn đạo Tường sau ba năm giảng tập cho học trò, sẽ được quan đốc học xét hạch, để đủ điều kiện được Bộ Lại bổ nhiệm làm tri châu, tri huyện (34).
Cũng năm Nhâm tí (1852) ấy, giặc Tam Đường, một loại giặc Tàu “khách”, thứ khách không mời, ở biên giới phía bắc mới được đánh tan, vỗ yên, phải chia ghép chỗ ở cho chúng (35). Đất nước không yên!
Năm Tự Đức thứ sáu, Quý sửu (1853), triều đình đổi tỉnh Quảng Trị thành đạo Quảng Trị, trực thuộc vào Phủ Thừa Thiên, trở thành một phần đất của kinh sư (kinh đô). Phủ doãn kinh sư Vũ Trọng Bình kiêm lãnh. Tuần phủ của hai tỉnh ghép Trị – Bình nguyên là Phạm Khôi, ông quan họ Phạm này vào kinh làm hữu tham tri Bộ Lễ (36). Cũng dịp đó, triều đình đồng thời cho giải thể phủ Cam Lộ, vốn kiêm nhiếp cả huyện Thành Hoá thưa thớt, ít ỏi dân cư. Huyện Hướng Hoá cách đây ba năm đã thành huyện Thành Hoá, rồi lại được sáp nhập thêm một số châu, xã của các huyện lân cận khác để mở rộng địa bàn. Nay Thành Hoá đã là một huyện ngang tầm với các huyện khác trong địa hạt kinh đô. Tháng sáu năm Quý sửu ấy, thầy thuốc, thầy giáo Nguyễn Văn Tường nhận sắc chỉ do Bộ Lại sao lục gửi vào, chuẩn bị về lại Quảng Trị quê nhà, giữ chức tri huyện ở vùng đất xung yếu ấy, vùng đất mà không một ân chiếu nào không nhắc đến, với một sự ban ơn đặc biệt của triều đình cho nhân dân ở đấy, nhất là đồng bào thiểu số. Nguyễn Văn Tường hiểu rằng anh được nhà vua tin cậy, tin vào sức bền chịu đựng, vượt lên gian khổ, thử thách nơi anh. Hướng Hoá – Cam Lộ, nơi thuở ấu thơ cùng gia đình cha mẹ có dăm năm gắn bó, mưu sinh, nên cũng có thể nói anh là người thổ trước (người địa phương) ở đấy, hoặc ít ra, cũng là người đã có kỉ niệm thân thương bám chặt (trước) với vùng đất (thổ) đó (37). Nay Nguyễn Văn Tường với chức trách quan tri huyện đầu tiên của Thành Hoá, tuổi tròn ba mươi, lại trở về chốn cũ, vào một ngày tháng chín nguyệt lịch, một ngày cuối thu.
Ở Thành Hoá, một vùng núi non hùng vĩ, hiểm trở, có nhiều buôn làng nhân tộc đồng bào ít người, ngoài việc chu tất với nỗ lực trong nhiệm vụ của một huyện lệnh, nhiều lần được vua Tự Đức khen thưởng, thăng cấp, anh vẫn là một lương y, một thầy thuốc tốt. Như một niềm đam mê, y học với tri huyện Nguyễn Văn Tường, từ năm mười chín tuổi, đến lúc này, vẫn là tâm nguyện “hành đạo trợ dân”. Ấy vốn là ý thức nhập môn của nho sĩ, nhưng ở Nguyễn Văn Tường, đó còn là một thôi thúc nội tâm.
Viết đến dòng chữ này lúc 16 giờ kém 03 phút,ngày 22.08.2002(14.07 Nhâm ngọ, năm thứ 2 công nguyên Hoà Bình [HB.2]).
TRẦN XUÂN AN
-----------------------------
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), bản dịch Viện Sử học, tập 26, Nxb. KHXH., 1972, tr. 253 – 258. Xem thêm: Trần Trọng kim, Việt nam sử lược (VNSL.), bản 1964, Nxb. Tân Việt, tr. 468 – 469; Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (NĐNĐDVP. & TH.), UB.KHXH. TU. Tp. HCM. xb., 1993, tr. 93 – 99.
(2) ĐNTL.CB., tập 27, sđd., 1973, tr. 32 – 33.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC.), bản dịch Phạm Trọng Điềm, hiệu đính: Đào Duy Anh, tập 1, Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 149.
(4) ĐNTL.CB., tập 27, sđd., 1973, tr. 39 – 40.
(5) ĐNTL.CB., tập 27, sđd., 1973, tr. 117.
(6) ĐNTL.CB., tập 27, sđd., 1973, tr. 69; Quốc sử quán triều Nguyễn và Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục (QTHKL.), bản dịch: Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Thị Lâm, hiệu đính: Cao Tự Thanh, Nxb. Tp. HCM., 1993, tr. 155.
(7) ĐNTL.CB., tập 27, sđd., 1973, tr. 70 – 71.
(8) QTHKL., sdđ., tr. 294.
(9) ĐNTL.CB., tập 27, sđd., 1973, tr. 88.
(10) ĐNTL.CB., tập 27, sđd., 1973, tr. 91.
(11) ĐNTL.CB., tập 27, sđd., 1973, tr. 111 – 112, tr. 423.
(12) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (ĐNLT.), bản dịch Viện Sử học, tập 2, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 476 – 477; NĐNĐDVP. & TT., sđd., tr. 58 – 61. Nhân đây, xin trình bày cách phiên âm tiếng các nước Âu Mỹ: Nếu Quốc sử quán triều Nguyễn đã phiên âm và chúng ta quen dùng, tôi vẫn giữ nguyên để tiện việc tra cứu, đối chiếu với ĐNTL.CB. và ĐNLT., nhưng có chua thêm tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, chẳng hạn như Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), Gia Tô (Catholisme), Mỹ Lợi Kiên (US. America)… ; nếu gặp trường hợp phiên âm theo một trong các cách hiện nay và cũng đã quen dùng, mà cách được đa số chấp nhận là có dấu ngang nối tách âm, tôi cũng theo cách như thế, ví dụ như Na-za-rét (hoặc Na-gia-rét, theo Kinh thánh), Lê-nin (Lénine), Ăng-ghen (Engels), I-rắc (Iraq); có khi lại để nguyên tiếng Âu Mỹ, đơn cử như Pierre Tạ Văn Phụng thay vì Phê Rô Tạ Văn Phụng… Tuy nhiên, cũng tuỳ văn cảnh, nhất là tuỳ ngôn ngữ nhân vật thế kỉ XIX, tôi linh hoạt về cách phiên âm; hoặc tên các nhân vật chưa hề được nhắc đến dưới dạng phiên âm (chỉ thấy trong sách nước ngoài hoặc sách xuất bản tại nước ta ở Miền Nam trước 1975 hay từ sau Đổi mới), tôi để nguyên tiếng nước ngoài, chẳng hạn: Charles Duval… Ngoài ra, đối với trường hợp người Pháp có thêm tên tiếng Việt, tôi chua thêm tên tiếng bản ngữ của họ, như cố đạo Trường (Legrand de la Liraye)… Nói chung, cho dù cách nào đi nữa, cũng cố gắng chua thêm để tiện tra cứu.
(13) NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 52.
(14) ĐNTL.CB., tập 1, bộ sđd., tr. 154; tập 17, tr. 243; tập 26, tr. 276, 385.
(15) ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 312 – 313.
(16) Trần Quang Chu, Hành hương La Vang (HHLV.), tập 1, tác giả tự in vi tính, 1999, tr. 5 – 122.
(17) ĐNTL.CB., tập 27, sđd., 1973, tr. 185.
(18) ĐNTL.CB., tập 27, sđd., 1973, tr. 186 – 187.
(19) QTHKL., sđd., tr. 219 – 310.
(20) QTHKL., sđd., tr. 297.
(21) ĐNTL.CB., tập 27, sđd., 1973, tr. 300.
(22) ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 416.
(23) ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 399.
(24) ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 26 – 27.
(25) ĐNLT., tập 2, sđd., tr. 491 – 540.
(26) HHLV., tập 1, sđd., tr. 35.
(27) Viện Văn học, Từ điển văn học (TĐVH.), tập 2, Nxb. KHXH., 1984, tr. 530: Văn Thiên Tường (1236 – 1282).
(28) Cao Xuân Dục (biên tập viên), Quốc triều đăng khoa lục (QTĐKL.), bản dịch: Trúc viên Lê Mạnh Liêu, TTHL. Bộ VHGD. & TN. xb., Sài Gòn, 1961, bản in 1971, tr. 118.
(29) ĐNTL.CB., tập 29, sđd., 1974, tr. 327.
(30) ĐNNTC., tập 2, sđd., tr. 403 – 404, tr. 409.
(31) QTHKL., sđd., tr. 311.
(32) ĐNTL.CB., tập 24, sđd., 1971, tr. 48; QTHKL., sđd., tr. 320.
(33) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 239; QTHKL., sđd., tr. 334.
(34) ĐNTL.CB., tập 27, sđd., 1973, tr. 333 – 362.
(35) ĐNTL.CB., tập 27, sđd., 1973, tr. 364, tr. 389 – 390.
(36) ĐNTL.CB., tập 27, sđd., 1973, tr. 396, tr. 398.
(37) Nguyên quán lâu đời của dòng họ Nguyễn Văn Tường là Nghệ – Tĩnh, Thanh Hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét