THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

Làng vay nợ cho con đi học

Người thành cổ Quảng trị

Chị Thúy ở Triệu Đông, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) “nổi danh” bởi một kiểu vay nợ táo bạo. Để có tiền cho 4 con đi học, chị thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng. Còn thiếu, chị mượn luôn sổ đỏ của em trai.
Làng Nại Cửu vắt bên con sông Vĩnh Định có 712 hộ, song tới 400 người làm nghề dạy học. Tính theo đầu người, cứ 10 dân có 1 giáo viên. Nhưng ít ai biết, để có được những con số ấn tượng ấy, đa phần dân làng đã tự biến mình thành những “con nợ” của ngân hàng.
Thày giáo Hoàng Bá Diệp cho biết, tất thảy 100% gia đình dòng họ Hoàng có người là giáo viên. Ngoài gia đình thày Hoàng Danh, thày Trần Ước có trên 10 giáo viên, con số những nhà có 3 người dạy học trở lên là chuyện bình thường ở Nại Cửu.
Thày Hoàng Danh, cây đại thụ trong nghề dạy học ở Nại Cửu, 75 tuổi, kể nhà thày có 12 người thì 11 là giáo viên, nếu cộng cả con cháu nội ngoại hai anh em ruột của thày thì con số lên hơn 30.Những năm trở lại đây, số học sinh của làng thi vào nghề “kỹ sư tâm hồn” tuy có giảm, nhưng cái sự học chưa bao giờ giảm xuống. Năm 2005, làng có 23 em thi đỗ đại học, cao đẳng (chưa tính số học sinh thi đỗ các trường trung học chuyên nghiệp), số học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên là 24.
Trong khi chiếc máy vi tính vẫn là một thứ hàng xa xỉ ở làng quê, Nại Cửu đã có hơn 40 gia đình đầu tư mua máy vi tính cho con em luyện học.
Ông Trần Tuất, Chủ nhiệm hợp tác xã Nại Cửu, cho biết, bà con nợ không nhiều, nếu đem chia đều mỗi gia đình cũng chỉ nợ khoảng trên 10 triệu đồng. Tuy nhiên, với một làng có hơn 70% dân số sống nhờ nông nghiệp mà mỗi nhân khẩu vỏn vẹn 412 m2 đất ruộng, đó là một món nợ oằn vai còng lưng.
Trong căn nhà rách nát, bà Trần Thị Thôi nhẫn nại sống ở mức “tận cùng của sự nghèo khổ” chỉ với niềm hy vọng đơn sơ thằng Được của bà sẽ trở thành ông giáo cho bằng chị bằng em.
Lúc đó Trần Thành Được là sinh viên Văn năm cuối ĐH Sư phạm Huế. Bà Thôi tâm sự: “Tôi già rồi, cũng chẳng mấy nữa là xong một đời người. Nhưng nó còn trẻ, lại ham học, không được học hành cho đến nơi đến chốn thì đời nó rồi cũng như đời tôi, khổ lắm! Thôi thì cố gắng vay mượn mà cho nó ăn học”. Niềm mong mỏi của bà cũng đến. Được ra trường và đi dạy ở trường cấp 3 Thành Cổ Quảng Trị.
Không cùng cực như bà Thôi, nhưng chị Đặng Thị Thúy lại “nổi danh” bởi một kiểu vay nợ táo bạo. Để có tiền cho 4 con đi học, chị đã đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng. Còn thiếu, chị mượn luôn sổ đỏ thằng em trai thế chấp tiếp.
Chị Thúy đùa: “Tui nghèo, nợ ngập đầu nhưng trong túi lúc nào cũng có bạc triệu để sẵn cho chúng nó đi học, cả làng người ta đi vay nợ cho con cái ăn học chứ có riêng chi mình? Tôi vay khoảng hơn chục triệu ở ngân hàng, cộng với tiền vay mượn bà con hàng xóm chắc cũng... nhiều nhiều”.
Cũng may các con chị đều học rất giỏi. Vân giờ đã ra trường và đi làm, có thể phụ giúp mẹ nuôi em ăn học.
Nại Cửu là làng giáo viên, làng hiếu học nhưng cũng là làng... mắc nợ. Gần 100% gia đình có con đi học thì gần 100% gia đình mắc nợ. Nợ cho con đi học, rồi xin việc làm, sắm phương tiện cho con đi làm.
Có người cầm cố nhà cửa, có người sẵn sàng bán tất cả những gì trong nhà có thể bán được. Có người suốt đời chưa chắc đã trả hết nợ, nhưng khát vọng vươn lên bằng con đường học vấn không nơi nào bằng.
(Theo Báo Tiền phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét