THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

Nhà thơ Hữu Loan: "Thơ tôi, dấu ấn đời tôi"

Người thành cổ Quảng trị

Hơn một năm sau ngày Hữu Loan chuyển nhượng quyền sử dụng bài thơ Màu tím hoa sim cho Công ty điện tử Vitek, tôi quay lại thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) và có cuộc trò chuyện với lão nhà thơ vừa bước sang tuổi 87.

Cuộc đời ông trải qua quá nhiều thăng trầm. Tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, là Ủy viên Thông tin tuyên truyền của Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hoá, sau đó về công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam... Nhưng rồi sau thời kỳ "nhân văn giai phẩm", ông đã về sống ẩn đến tận bây giờ.
Nhà thơ Hữu Loan cho biết, kể từ sau ngày "bán" bài thơ Màu tím hoa sim (100 triệu đồng) đến nay đã có một số tổ chức, cá nhân khác ở trong và ngoài nước đến đặt vấn đề muốn được khai thác toàn bộ những tác phẩm thi ca do ông sáng tác. Song ông không đồng ý bởi nhiều lý do.
Cái lý do cơ bản nhất là: "Thơ tôi làm ra không phải để bán. Tôi làm thơ chủ yếu là để phục vụ cho phong trào cách mạng đấu tranh chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta. Để ca ngợi tình con người với con người và để chép lại những câu thiên tình sử đẹp nhất mà tôi đã gặp, đã chứng kiến. Những bài thơ đó, giờ nó đã trở thành tài sản chung của mọi người rồi". Ông cũng cho biết, những bài thơ do ông sáng tác đến giờ phút này đã bị thất lạc rất nhiều, do ông không có thói quen ghi chép và lưu trữ.
Tuy nhiên, những tác phẩm thi ca của nhà thơ Hữu Loan khó có thể lẫn đi đâu được vì nó có một bút pháp riêng, tạo nên một phong cách đặc biệt, mà Tình thủ đô của ông do Dương Tường và Mạc Lân nhớ lại vào cuối năm 2004 là một ví dụ rất cụ thể. Hiện Hữu Loan đã giao toàn quyền việc sưu tầm, lưu trữ các tác phẩm thơ do ông sáng tác cho người con trai thứ 8.
Đó là anh Nguyễn Hữu Đán - cán bộ Cty Tu bổ di tích và Thiết bị văn hoá trung ương thuộc Bộ VH-TT. Anh Đán cho hay, đến nay anh đã "tìm thấy" được cả thảy 60 bài thơ của ông sáng tác. Có những bài anh chỉ sưu tầm được 4-5 câu, nhưng cũng có những "trường ca" dài tới 60 trang.
Anh Đán cho biết việc sưu tầm tuy rất khó khăn, nhưng vì trân trọng những giá trị trong thơ, đã có những người tự mang thơ đến đưa lại ông sau nhiều năm thất lạc. Mới đây nhất, bà Nguyễn Thị Thanh ở đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đã gửi lại cho nhà thơ Hữu Loan một bài thơ vô đề.
Bài thơ ca ngợi những y, bác sĩ đã hết lòng chăm sóc cho các thương binh trở về sau trận chiến chống lại kẻ thù xâm lược bảo vệ tổ quốc. Bài thơ có đoạn. "... Áo quần loang bết mủ/ Vết thương nhày hôi tanh/ Em đem về giặt giũ/ Chong đèn vá thâu canh/ Mai những người vui được áo lành...". Vào một thời điểm nào đó thích hợp anh Nguyễn Hữu Đán sẽ cho ra mắt Toàn tập Hữu Loan.
* Chắc bác vẫn còn nhớ cảm xúc của mình khi viết nên bài Màu tím hoa sim được nhiều người coi là một "kiệt tác" của thi ca VN thế kỷ 20?
- Làm sao tôi có thể quên được điều đó. Màu tím hoa sim là màu tang thương của một tình yêu định mệnh, tình vợ chồng ngắn ngủi mà giờ đây nó chỉ còn lại trong ký ức của riêng tôi. Đó là một mối tình ly kỳ nhất và tôi là người may mắn nhất được tạo hoá ban tặng. Ngày tôi đặt chân đến gia đình ông Lê Đỗ Kỳ (sau này là nhạc phụ) làm gia sư cho ba người con trai của ông, cũng là ngày vợ ông ấy sinh hạ một bé gái xinh xắn.
Nhưng có một điều khác thường ở chỗ là cô bé không cất tiếng khóc chào đời như mọi đứa trẻ khác. Gia đình họ mang cô bé đặt lên trên nắp một cái thùng phuy để cầu nguyện một điều gì đó, tôi tò mò lại ngắm nhìn thì cô bé nhoẻn miệng cười với tôi. Lớn lên, tôi đi đâu cô bé ấy cũng đòi đi theo.
Và còn một điều kỳ lạ nữa là khi tôi quay trở lại làm gia sư dạy học cho chính cô bé sau này là vợ mình, nhà ông tham Kỳ lúc nào cũng có vài ba mươi người ăn, kẻ ở hầu hạ thế nhưng cô ta luôn giữ vali và không cho bất kỳ ai giặt quần áo của tôi, mà tự tay cô ấy giặt, là lấy rồi gấp xếp vào vali cho tôi.
Cô bé càng lớn càng đẹp, một vẻ đẹp thánh thiện. Chúng tôi cưới nhau ngày 16-2-1949 thì đến ngày 29-5 cùng năm đó, vợ tôi tên là Lê Đỗ Ninh mất do chết đuối, khi tôi đang hoạt động cách mạng ở Nưa (huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá). Đau thương này kéo dài lắm. Và cũng chính vì lẽ đó nên sau khi cô ấy mất, tôi có ý định không lấy vợ nữa. Mỗi lần nhớ tới cô ấy là tôi lại "khóc" ra một quãng của bài thơ Màu tím hoa sim hoàn chỉnh bây giờ.
* Nhưng rồi định mệnh lại dắt bác đến với một người phụ nữ khác, sống cùng bác đến ngày hôm nay và đã sinh cho bác tới 10 người con.
- Người vợ thứ hai là bà Phạm Thị Nhu, sống với tôi hơn 50 năm rồi. Bà ấy cũng là một người phụ nữ sâu sắc. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé vào mỗi buổi chiều lại lén lút đứng bên ngoài song cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn. Khi gặp nhau, cô bé ấy mới nói vì đi nghe tôi giảng Kiều nên nhiều hôm để trâu ăn lúa, nên bị bắt phạt. Thì ra cô ta cũng là người có tâm hồn. Khiến tôi vẫn phải suy nghĩ rất nhiều mới có quyết định này. Rất may là sự quyết định của tôi đã không nhầm.
* Với bác, điều tâm đắc nhất trong những tác phẩm của mình là gì, có thể định nghĩa được không?
- Trong thơ tôi có niềm khát khao cháy bỏng cho một đất nước được tự do, cho dân tộc được giải phóng khỏi ách đô hộ, đó là niềm lớn nhất. Còn nhớ, ngày đó có một viên trung tướng phục vụ cho thực dân Pháp được giao nhiệm vụ theo dõi để ám sát tôi. Vì lý do gì thì tôi không biết, nhưng ông ấy đã tìm gặp và nói với tôi rằng, khi ông ta đọc xong bài thơ Yên Mô thì ông ấy đã từ bỏ ý định ám sát tôi. Ông ấy rất yêu bài thơ Yên Mô của tôi viết về quê hương ông.
Viên trung tướng nói, mỗi một lúc ông nhớ quê là lại đọc bài thơ Yên Mô. Mỗi lúc định giết tôi, viên tướng lại nhớ đến quê mình nên lại thôi. Nhà nghiên cứu và phê bình văn học Đặng Thai Mai cũng đã từng nói rằng, ông rất thích câu thơ cuối cùng trong bài Yên Mô: "Canh làng du kích Yên Mô/ Nửa đêm trăng mọc đỏ như cháy đồi".
Ông Đặng Thai Mai nhận xét rằng, câu thơ đã đốt cháy rực cả bài thơ lên. Nửa đêm trăng mọc, nhưng người ta cứ tưởng là du kích đánh cháy đồn địch. Cái sức sống mạnh mẽ trong mỗi tác phẩm thi ca là ở chỗ phải ghi được dấu ấn trong một thời khắc đặc biệt.
Bài thơ Tình thủ đô cũng là một minh chứng xác thực cho niềm tâm đắc mà tôi vừa nói ở trên. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn trước kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp. Một bộ phận trí thức chán nản, muốn quay lại nội thành Hà Nội. Nhưng bài thơ Tình thủ đô đã kêu gọi được tầng lớp trí thức là giáo viên, bác sĩ vững tin ở lại với kháng chiến, phục vụ cho kháng chiến.
* Cháu xin tò mò một chút! Khoản tiền 100 triệu đồng thu về từ việc "bán" bài thơ Màu tím hoa sim đến nay bác sử dụng thế nào rồi?
- Sự thật tôi không có ý định "bán" Màu tím hoa sim, nhưng thấy họ giải thích thuyết phục nên mới xuôi lòng. Khoản tiền 100 triệu đồng, trừ thuế còn 90 triệu, chia "lộc" cho 10 người con hết 60 triệu đồng. Tôi giữ lại 30 triệu, phòng ốm đau lúc tuổi già.
- Xin cảm ơn bác và chúc bác một năm mới dồi dào sức khoẻ!
Theo Lao Động

Nhà thơ Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 14-6-1919 tại làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông đỗ tú tài Tây sau đó đi dạy học, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện Nga Sơn. Khi cách mạng thành công, Hữu Loan giữ chức Ủy viên Thông tin tuyên truyền trong Uỷ ban lâm thời của chính quyền tỉnh Thanh Hoá.
Hữu Loan nổi tiếng với nhiều bài thơ tình lãng mạn như: Màu tím hoa sim, Tình thủ đô, Hoa lúa, Yên Mô... Các tác phẩm thi ca của Hữu Loan bị thất lạc hiện đang được người con trai út Nguyễn Hữu Đán sưu tầm và lưu giữ. Tuy nhiên đến thời điểm này nhà thơ Hữu Loan vẫn chưa cho ra mắt bạn đọc một tập thơ nào. Ông sống trong một ngôi nhà nhỏ tại quê hương, các con của ông đã trưởng thành và có cuộc sống tương đối ổn định.
Ông đã từng trải qua những năm tháng rất cơ cực, ông đi thồ đá vợ tráng bánh bèo nuôi các con ăn học. Song cho đến bây giờ như ông nói: "Tôi đã được trả lại tất cả rồi. Hiện tôi đang sống bằng một khoản tiền 400 nghìn đồng do Hội Nhà văn Việt Nam trả hàng tháng".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét