THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

Nại Cửu - làng thầy giáo!

Người thành cổ Quảng trị

Nại Cửu có rất nhiều người làm cái nghề cao quý này đến nỗi làng còn được gọi với cái tên khác: làng thầy giáo. Người thầy là "khuôn vàng thước ngọc", được bao lứa học trò trân trọng nhớ đến. Có lẽ vì yêu cái nghề ấy, nên ở làng Nại Cửu kể cả dâu rể có đến 500 người chọn nghề dạy học, đông nhất ở Quảng Trị và dường như đông nhất cả nước...
Trên đất nước Việt Nam ta chắc chỉ riêng làng Nại Cửu, xã Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị có một ngày hội rất đặc biệt - ngày của các nhà giáo của làng. Đến ngày lễ này, gia đình nào cũng vui như Tết khi cả làng có khoảng 300 người cùng làm một nghề - nghề dạy học. Chưa kể vài trăm giáo viên dâu rể của làng đang ngày ngày đứng trên bục giảng từ Nam chí Bắc. Nghề giáo được xem là nghề truyền thống của Nại Cửu khi 670 hộ trong làng, bình quân 1,5 nhà có một giáo viên.
Làng Nại Cửu thuần nghề làm nông nhưng có truyền thống hiếu học nhất nhì Triệu Phong. Học sinh trong làng nên danh nên tước ngoài xã hội cũng do học mà ra cả. Làm nghề giáo được cái ngày lễ ngày tết học trò kéo nhau đến chúc mừng thầy cô, cũng đủ ấm lòng. Những gia đình ở Nại Cửu có 5 người làm nghề giáo trở lên khoảng mươi nhà, chứ nhà có 2 đến 3 người cùng nghề thì có khắp cả làng. Thầy giáo nhọc nhằn dạy chữ cho học trò ngày xưa bây giờ trò trở về dạy cùng trường với trò cũ, họ là đồng nghiệp. Như Trường Tiểu học Triệu Đông có 31 giáo viên thì 27 thầy cô người của làng Nại Cửu. Trong làng, họ Hoàng có người theo nghề giáo đông nhất với gần 50 người. Làm nghề giáo kinh tế không khá giả, được cái an nhàn, có thời gian giáo dục con cái cẩn thận nên học sinh trong làng càng nối tiếp truyền thống học giỏi như cha anh.
Thầy Hoàng Danh năm nay 70 tuổi, đã có tuổi nghề dạy học 41 năm. Con gái, con trai của thầy cả nhà có 9 người cùng làm nghề giáo, còn bà con họ hàng gần thì đủ một "hội đồng giáo dục" 30 người, đông nhất làng. Theo thầy, tất cả các ngành nghề đều thoát thai từ việc học, văn hóa là chìa khóa mở mọi tri thức, nên người thầy rất quan trọng đối với mỗi người. Những năm lương cho ngành giáo dục còn bấp bênh, trong làng Nại Cửu có rất nhiều thầy cô bỏ nghề, con cái thầy Danh có người cũng nao núng, nhưng thầy gạt hết, bảo các con cứ bám nghề. Thầy cười móm mém khi nhớ lại những ngày tháng đó: "Anh xem, tôi cứ bảo các con: Ba làm thầy mà vẫn nuôi các con ăn học nên người, cứ theo nghề đi, nghề không phụ công người". Thầy nói đúng, nghề không phụ công người, nên cả làng Nại Cửu này gia đình nào kinh tế cũng đủ đầy, vì ngoài thời gian đứng trên bục giảng, nhà thầy cô nào cũng làm thêm hai, ba sào ruộng.
Thầy Danh tốt nghiệp khoa Tiểu học Trường Sư phạm Huế năm 1955 và dạy học ở vùng giới tuyến Quảng Trị hơn 10 năm; rồi vào Huế, Đà Nẵng và về lại làng Nại Cửu làm ông giáo làng cho đến khi về hưu. Những năm đó thầy làm một cuốn sổ lưu lại danh sách học sinh - "để sau này còn nhớ, chứ mình đã xác định làm nghề dạy học thì không thể nhớ hết tên học trò" - như thầy tâm sự. Tấm lòng thầy bình dị là thế, nhưng rồi chiến tranh ác liệt năm 1972 khiến cuốn sổ bị mất. Lứa học trò thầy bây giờ cháu nội cháu ngoại đầy nhà, nhớ ông thầy giáo già thì họ họp nhau lại kể chuyện đi học ngày xưa. Trong số 9 người con làm nghề giáo của thầy Danh chỉ có anh Tương là thành đạt nhất với vị trí chuyên viên của Phòng Giáo dục huyện.
Học sinh bây giờ ít chọn nghề dạy học vì so ra nó cũng không phải là "nghề thời thượng". Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều học sinh của làng hiện nay thôi không chọn nghề giáo đầy tự hào mấy đời của dòng họ.
Ngày Nhà giáo Việt Nam năm ngoái, làng Nại Cửu vui như hội khi lần đầu tiên ngày hội nghề giáo của làng tổ chức, con cháu khắp nơi kéo về đầy đủ gần 500 người. Chắc chỉ riêng ngôi làng Nại Cửu trên đất nước này mới có một ngày hội đặc biệt như thế, một nghề truyền thống đáng trân trọng đến thế. Ngày nhà giáo năm nào cả làng cũng rộn ràng khách phương xa về thăm thầy cô giáo cũ. Thầy cô nhận hoa của học trò mà mắt rưng rưng, bao lớp người đã được bàn tay cô dìu dắt, về thăm với cả tấm lòng mến yêu; người bình thường, người thành danh, nhưng niềm vui nụ cười chan hòa trong mỗi người. Hạnh phúc của nghề giáo chỉ bình dị như thế, nhưng bao lứa học trò Nại Cửu tiếp bước truyền thống gia đình, dòng họ ghi tên học ngành sư phạm, để ngôi làng này mang một cái tên rất riêng: Làng nghề dạy học.
Linh Huỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét