THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

Về bài thơ "Màu tím hoa sim"

Người thành cổ Quảng trị
Bản gốc chính xác của Màu tím hoa sim?
Báo Tuổi Trẻ có bài viết về việc Công ty Vitek VTB mua tác quyền bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan và đăng văn bản bài thơ này. Nhiều bạn đọc đã hỏi về nhiều điểm khác nhau giữa các dị bản của bài thơ và đề nghị tòa soạn tìm hiểu bản gốc chính xác.
Bạn đọc truongvc@... đề cập đến chi tiết “thời chiến binh” (văn bản đăng trên Tuổi Trẻ) hay “thời chiến chinh”. Sau khi xem lại bản chép tay có chữ ký của nhà thơ Hữu Loan (ngày 12-10-2004) lẫn dấu đăng ký của Cục Tác quyền (ngày 19-10-2004) do Công ty Vitek VTB cung cấp, chúng tôi xin xác nhận chi tiết này chính xác là “thời chiến chinh”.
Một chi tiết khác từ bấy lâu cũng được rất nhiều người quan tâm nhưng không rõ chính xác là ở câu “chiều hoang tím có chiều hoang biết” hay “...chiều hoang biếc”? Bản chép tay gốc của tác giả cho kết luận chính xác là “chiều hoang biết”. Tương tự, anh Quang Hưng (quốc lộ 13, Thủ Đức) nêu ra chi tiết “ngợ ngàng nhìn ảnh chị” và “ngỡ ngàng nhìn ảnh chị” cái nào đúng, bản gốc chính xác là “Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị”.
Bạn đọc DinhChau (ndvchau@...) phát hiện có nhiều bản dị biệt khác nhau ở đoạn cuối bài thơ từ “chiều hành quân...” đến “... chiều hoang biền biệt”. Văn bản gốc ghi như sau: “Chiều hành quân qua những đồi hoa sim, những đồi hoa sim, những đồi hoa sim dài trong chiều không hết. Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt” (đúng như văn bản đăng trên Tuổi Trẻ).
Tuy nhiên, còn hai chi tiết chưa chính xác trong văn bản đăng trên Tuổi Trẻ do lỗi từ bản đánh máy của Công ty Vitek mà ngày hôm qua 12-12, ông Lê Văn Chính - giám đốc Vitek - đã thông báo và nhờ đính chính.
Đó là: “Khi tóc nàng xanh xanh” thay vì “Khi tóc nàng đang xanh”; và “Nhỡ khi mình không về thì thương người vợ chờ” thay vì “Lỡ khi mình không về...”. Ngoài ra ông Chính cũng xác định quê gốc và cũng là nơi ở hiện nay (đã đối chiếu với sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân) của nhà thơ là thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Như vậy sau hơn nửa thế kỷ tồn tại và được đông đảo người yêu mến, truyền tụng (đặc biệt là những bản trên mạng Internet hay sao lại từ bản nhạc phổ thơ), bài thơ Màu tím hoa sim đã có nhiều chi tiết, từ ngữ dị biệt. Việc bài thơ vừa được mua tác quyền cũng là dịp để chúng ta xác định lại chính xác tất cả theo văn bản gốc từ tác giả.
TR.N

Tác quyền Màu tím hoa sim: 100 triệu đồng

TT - Mới đây, việc nhà thơ Hữu Loan ở tuổi gần 90 bất ngờ nhận được 100 triệu đồng tiền tác quyền cho bài thơ nổi tiếng Màu tím hoa sim từ Công ty điện tử Vitek VTB được coi là một sự kiện.
Từ trước tới nay chưa có bài thơ nào được mua tác quyền với giá cao đến thế. Tuổi Trẻ đã đi tìm câu trả lời từ ông Lê Văn Chính, giám đốc Công ty Vitek VTB.
* Điều mà nhiều người thấy lạ: vì sao một doanh nghiệp lại đi mua bản quyền thơ?
Nhà thơ Hữu Loan tên thật Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916. Quê gốc của ông - cũng là nơi ông đang ở hiện nay - là huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông tham gia Việt Minh từ trước Cách mạng Tháng Tám.
Hữu Loan làm thơ không nhiều nhưng ông có những bài được nhiều người thuộc, ghi lại tâm tư của con người trong thời kháng chiến như Màu tím hoa sim, Đèo Cả, Những làng đi qua...
Màu tím hoa sim viết cách đây hơn nửa thế kỷ, là những cảm xúc tức thời sau một biến cố sâu sắc xảy ra trong đời ông. Thời kháng chiến, ông kết hôn với người vợ trẻ xinh đẹp vốn là học trò cũ. Hai người sống với nhau chỉ hai tuần rồi ông phải trở về đơn vị. Ba tháng sau, ông nhận được tin vợ mất vì bị nước cuốn. Lúc ấy vợ ông mới 16 tuổi...
- Tôi muốn dùng từ “chuyển nhượng” thay cho từ mua bản quyền. Đây là một hình thức thể hiện sự trân trọng của một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm văn hóa với một tác phẩm nghệ thuật. Dĩ nhiên là việc chuyển nhượng này còn nhằm mục đích kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp tham gia các sự kiện văn hóa - thể thao với mục đích phát triển thương hiệu.
Nhưng với các doanh nghiệp điện tử tại VN thì hầu hết là doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, họ có thiệt thòi là không biết tiếng Việt nên không hiểu được người VN thích gì, rung động trước cái gì. Họ chỉ nhận biết những gì hữu hình như người mẫu nổi tiếng, ca sĩ hát hay, một siêu sao bóng đá và đầu tư cho những đối tượng này.
Tuy nhiên, giọng hát, nhan sắc hay đôi chân cầu thủ không phải là những giá trị lâu dài. Vitek là doanh nghiệp trong nước, cảm nhận được những giá trị vô hình chính là lợi thế cạnh tranh của chúng tôi. Thơ là sự lắng đọng, khêu gợi sự rung cảm. Lý do chúng tôi chọn mua tác quyền bài thơ là như vậy.
* Thưa ông, tại sao lại là Màu tím hoa sim mà không phải một tác phẩm nào khác?
- Trong thế kỷ trước, dấu ấn đậm nhất của thế giới về VN là chiến tranh cách mạng. Có rất nhiều bài thơ viết về chiến tranh, nhưng theo chúng tôi, Màu tím hoa sim là bài thơ nhiều giá trị. Chiến tranh luôn kéo theo mất mát, đau khổ.
Trong những năm 1950 người ta cần nhiều bài thơ hô hào, những tiếng xung phong. Nhưng khi chiến tranh đã đi qua, người ta cần nhìn về nó với cái nhìn nhân bản hơn. Nỗi khổ mà chiến tranh gây ra không phải là nỗi khổ của người lính ra chiến trận mà là sự chờ đợi của những người phụ nữ ở nhà, không biết khi nào chồng, cha, anh, em mình mới trở về.
Một khi bài thơ này dịch ra tiếng Anh và đem ra với thế giới, người nước ngoài sẽ có một ấn tượng khác hơn về một VN trong chiến tranh - thổn thức và lắng đọng hơn. Bài thơ là tiếng thở dài, tiếng khóc của một người lính khóc vợ. Người vợ của anh chết trẻ, do lỗi gián tiếp thuộc về chiến tranh.
Ông Lê Văn Chính, giám đốc Công ty Vitek VTB
* Bài thơ này sẽ được sử dụng như thế nào?
- Chúng tôi đưa bài thơ đã được diễn ngâm vào một sản phẩm của chúng tôi. Bài thơ sẽ như một dấu ấn văn hóa của một sản phẩm VN, đi cùng sản phẩm này ra thị trường trong và ngoài nước. Trong tương lai, chúng tôi có dự định mua tác quyền của những tác phẩm khác nữa, tổ chức các hoạt động văn hóa như thi ca khúc, thi thơ, thành lập quĩ phát triển văn hóa để bày tỏ sự trân trọng, biết ơn của mình đối với những tác phẩm nghệ thuật.
Đây cũng là một hình thức bảo vệ sản phẩm văn hóa. Cụ thể, chúng tôi sẽ lưu giữ và phổ biến bản chuẩn nhất để tránh tình trạng có rất nhiều dị bản của cùng một tác phẩm có thể sẽ khiến tác phẩm bị mai một.
* Kéo theo việc mua tác quyền bài thơ Màu tím hoa sim sẽ là một loạt hoạt động liên quan, chẳng hạn như một đơn vị, cá nhân nào đó sẽ xin phép dùng bài thơ để phổ nhạc, diễn ngâm hoặc xuất bản... Vitek sẽ xử lý những việc này như thế nào?
- Tiền tác quyền thu được từ việc sử dụng bài thơ sẽ được chuyển vào quĩ phát triển văn hóa của chúng tôi.
* Xin cảm ơn ông.
LÊ THƯƠNG thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét