CHƯƠNG IV
DANH NGHĨA LỊCH SỬ VÀ PHÁP LÝ
CỦA VIỆT NAM THỜI KỲ SAU 1884
I - Bối cảnh chính trị, pháp lý mới của cuộc tranh chấp
Từ sau khi chế độ bảo hộ Pháp được thiết lập, bối cảnh Việt Nam, Đông Dương và quốc tế đã có nhiều biến đổi đặt vấn đề hai quần đảo dưới tác động của những yếu tố mới. Dưới đây sẽ nêu những yếu tố trực tiếp liên quan tới việc xem xét vấn đề hai quần đảo.
1. Từ 1894 nước Việt Nam trực thuộc Bộ Thuộc địa Pháp, nước Việt Nam gồm Nam Kỳ, thuộc địa, Trung Kỳ và Bắc Kỳ danh nghĩa là bảo hộ nhưng trên thực tế là thuộc địa của Pháp. Pháp thay thế nước Việt Nam trong mọi vấn đề đối ngoại, trước hết trong việc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ. Pháp đại diện Việt Nam nhưng danh nghĩa chủ quyền vẫn là của Việt Nam.
Sau cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 2-9-1945 nền độc lập của nước Việt Nam được tuyên bố, và nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Pháp dùng quân sự lấy lại Nam Kỳ và ngày 6-3-1946 ký với Việt Nam dân chủ cộng hòa bản Hiệp định sơ bộ công nhận nước Việt Nam là một quốc gia tự do, có Chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng, tham gia Liên Bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp; về việc thống nhất ba kỳ, Chính phủ Pháp sẽ chấp nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.
Phía Pháp đã vi phạm có hệ thống Hiệp định sơ bộ và đình chiến, gây nên cuộc chiến tranh 1946 - 1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 được triệu tập sau Điện Biên Phủ đã dẫn đến việc chấm dứt chiến tranh Đông Dương, công nhận độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ nước Việt Nam, tạm thời chia nước Việt Nam làm hai miền với vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý phần Bắc vĩ tuyến 17, Quốc gia Việt Nam quản lý phần dưới vĩ tuyến 17. Trong vòng hai năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử tự do trong cả nước để tái thống nhất nước Việt Nam. Nhưng cũng từ đây Hoa Kỳ can thiệp ngày càng sâu vào miền Nam Việt Nam, gây nên cuộc chiến tranh kéo dài đến 30-4-1975. Năm 1976 hai miền Nam, Bắc được thống nhất, và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập và thực hiện các chức năng Nhà nước của mình trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam thống nhất, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
2. Để chuẩn bị cuộc tiến đánh các nước Đông Nam Á tháng 2 năm 1942, Nhật Bản đã chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1939.
Để giải quyết các vấn đề sau chiến tranh, trong đó có vấn đề lãnh thổ Châu Á bị Nhật Bản chiếm, lãnh đạo ba nước Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh, (Franklin D.Roosevelt, J.Stalin, Winston L.S. Churchill) đã họp tại Tehêran rồi Yalta, Posdam. Chuẩn bị một lập trường chung cho Hội nghị Tehêran về vấn đề lãnh thổ bị Nhật Bản chiếm tại Châu Á. Roosevelt, Churchill và Tchang Kai Shek, nguyên thủ Trung Hoa dân quốc, đã họp tại Cairo năm 1943 và ra Tuyên bố Cairo trong đó chỉ nói sau chiến tranh Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Trung Quốc. Sự im lặng của Trung Quốc trong Tuyên bố Cairo về Hoàng Sa và Trường Sa có ý nghĩa một sự từ bỏ (abandon) mọi yêu sách.
Bản Tuyên bố này đã được Stalin tán thành ngày 30-11-1943 và được những người đứng đầu ba nước Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc khẳng định ngày 26-7-1945 trong Tuyên cáo Potsdam.
Cũng trong Hội nghị Potsdam, Hoa Kỳ, Liên Xô và Anh thỏa thuận chia Đông Dương làm hai khu vực giải giáp quân đội Nhật Bản với vĩ tuyến 160 làm giới tuyến: khu vực phía Bắc giao cho quân đội Trung Hoa dân quốc, khu vực phía Nam giao cho liên quân Anh - Ấn.
Ngày 28-2-1946, Pháp và Trung Hoa dân quốc ký Hiệp ước Trùng Khánh, trong đó Trung Quốc nhường quyền giải giáp quân Nhật Bản cho quân Pháp và rút về nước. Theo Hiệp định 6-3-1946 việc giải giáp quân Nhật Bản từ vĩ tuyến 16 trở ra giao cho liên quân Việt - Pháp.
Hòa ước San Francisco ngày 8-9-1951 ghi rõ: Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa hay đòi hỏi đối với Triều Tiên, Đài Loan và Bành Hồ của Trung Quốc, quần đảo Kouriles, một phần quần đảo Sakhaline và các đảo kế cận của Liên Xô, các đảo ở Thái Bình Dương dưới quyền ủy trị của Nhật Bản, bất kỳ bộ phận nào của vùng Nam cực xuất phát từ bất cứ hoạt động nào của Nhật Bản, quần đảo Spratly và quần đảo Paracels.
Trong hội nghị San Fracisco, đề nghị của Liên Xô trao trả Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã bị tuyệt đại đa số đại biểu bác bỏ. Trưởng đoàn đại biểu của Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước nào.
3. Đế quốc Đại Thanh tồn tại đến năm 1911 thì bị cuộc Cách mạng Tân Hợi lật đổ. Nước Trung Hoa dân quốc ra đời. Chính phủ Quốc dân đảng bị đánh bại phải rút ra Đài Loan từ 1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập. Đài Loan được coi là một tỉnh của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nhưng Đài Loan vẫn tự coi là độc lập. Đài Loan chiếm đảo Phú Lâm và đảo Ba Bình năm 1946 và coi Tây Sa, Nam Sa là của họ. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho là có quyền đối với hai quần đảo Tây Sa, Nam Sa và thực tế đã chiếm quần đảo Tây Sa làm hai đợt 1956 và 1974, chiếm một số đảo, bãi của quần đảo Trường Sa năm 1988, 1992, 1993.
Tuy khác nhau về chính trị, nhưng Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Đài Loan lại giống nhau về tham vọng đối với Biển Đông. Không những cả hai đều đòi chủ quyền đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa mà còn đòi biên giới của Trung Quốc là một đường gọi là “chín đoạn” vạch ra bất chấp luật pháp quốc tế, giành cho mình 3.000.000 km2 của Biển Đông, để lại cho các nước ven bờ khác khoảng hơn 400.000 km2.
4. Sự thay đổi đột ngột thái độ của Trung Quốc.
Cho đến hết thế kỷ XIX, Trung Quốc vẫn không hề phản đối chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, họ chấp nhận tình trạng đó. Thậm chí có lần họ còn khẳng định quần đảo Hoàng Sa không phải của họ. Đó là kết thúc của câu chuyện hai tầu Bellona (của Đức) và Imezi Maru (của Nhật Bản) chở đồng cho Anh bị đắm năm 1898 tại vùng biển Hoàng Sa. Số đồng đó bị người Trung Quốc đi thuyền ra lấy mang về Hải Nam. Theo yêu cầu của các hãng bảo hiểm Anh, Công sứ Anh tại Bắc Kinh và lãnh sự Anh tại Hoihow can thiệp để lấy lại số hàng đó, nhưng các nhà chức trách Trung Quốc trả lời rằng Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc, không phải là đơn vị hành chính nào của Hải Nam và tuyên bố không chịu trách nhiệm.
Đầu năm 1907, Nhật Bản chiếm quần đảo Đông Sa (Ptatas), gây ra phong trào phẫn nộ trong nhân dân Trung Quốc. Để gỡ thể diện và làm dịu phong trào phản đối, Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn chủ trương tổ chức một cuộc hành quân chớp nhoáng ở vài đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Vì chưa hiểu gì nhiều lắm về quần đảo này, ông ta trước hết phái hai pháo thuyền tháng 4-1909 ra thăm dò Hoàng Sa, vì người Trung Quốc, trái với những tuyên bố chính thức, khi đó mới hiểu lờ mờ về các đảo Hoàng Sa. Sau khi được báo cáo về tình hình Hoàng Sa, cuối tháng 5-1909 Đô đốc Lý Chuẩn được phái ra Hoàng Sa với ba chiếc pháo thuyền. Họ đã viếng thăm chớp nhoáng một vài đảo nhỏ và đổ bộ lên đảo Phú Lâm rồi rút lui trở về thẳng Quảng Châu. Văn kiện Bộ Ngoại giao gọi đây là cuộc “tuần tra” để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc1.
Sự thật về cuộc hành quân của Đô đốc Lý Chuẩn là thế, và nó không có ý nghĩa nào khác là đánh dấu sự thay đổi đột ngột thái độ của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Sau khi việc tuyên truyền rầm rộ chấm dứt, nhà cầm quyền Trung Quốc lại im lặng, cho đến năm 1921 Chính phủ miền Nam lại sáp nhập Tây Sa vào huyện Nhai.
5. Từ giữa thế kỷ XIX đến nay trong bước tiến chung của luật quốc tế tới một trật tự pháp lý và chính trị hiện đại và tiến bộ, lĩnh vực gìn giữ hòa bình, bảo vệ chủ quyền và thụ đắc lãnh thổ của các quốc gia đã có những thành đạt tích cực tuy chưa phải là đủ.
- Bổ sung các quy tác về thụ đắc lãnh thổ.
Cho đến giữa thế kỷ XIX, việc thụ đắc một lãnh thổ cũng đã đòi hòi có chiếm hữu thật sự và tiếp sau đó là hành động nào đó chứng tỏ mình là chủ, tuy vậy cả hai yếu tố chiếm hữu và thực hiện quyền làm chủ chưa được xác định rõ ràng và chắc chắn. Định ước chung Berlin năm 1885 nêu ra hai quy tắc mới: Cần thiết phải có một sự chiếm hữu thật sự những lãnh thổ coi là đã thụ đắc và sự cần thiết phải thông báo việc chiếm hữu cho các quốc gia khác. Đây là những quy định chỉ ràng buộc các bên ký kết và có hiệu lực ở Châu Phi. Mặc dầu các điều khoản của Định ước Berlin đã bị Công ước Saint - German năm 1919 hủy bỏ, vì nó đề cập tới một vấn đề có tầm phổ quát cho nên những quy tắc nó nêu lên sớm được vận dụng trong nhiều vụ án ở nhiều nơi ngoài Châu Phi. Ngược lại nhiều kết luận, nhiều phán quyết đã củng cố nguyên tắc thật sự. Trong đó có kết luận nổi tiếng của Trọng tài Max Huber về vụ Palmas.
- Duy trì hòa bình, bảo đảm chủ quyền, lãnh thổ của các quốc gia, khẳng định nguyên tắc bình đẳng, hữu nghị và hợp tác trong quan hệ giữa các quốc gia.
Liên hợp quốc đã ghi lên đầu Hiến Chương rằng mục tiêu của Tổ chức thế giới là tránh cho loài người một thảm họa chiến tranh mới, do đó đã nêu cao nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia, bắt buộc giải quyết mọi tranh chấp quốc tế bằng các phương thức hòa bình. Mặt khác Liên hiệp quốc đã ra những nghị quyết quan trọng, tiền đề của một trật tự pháp lý mới.
Sự chinh phục không còn là một phương thức hợp pháp thụ đắc lãnh thổ bằng vũ lực. Nghị quyết 26/25 (1970) của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quy định rõ ràng:
“Lãnh thổ một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự sau khi sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương. Lãnh thổ một quốc gia không thể là đối tượng của một sự thụ đắc bởi một quốc gia khác tiếp sau việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Không một sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ được công nhận là hợp pháp”2.
- Về việc giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế, Nghị quyết đó cũng quy định rõ ràng:
“Mọi quốc gia đều có nghĩa vụ tránh sử dụng đe dọa hay sử dụng vũ lực để xâm phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hay để làm phương tiện giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan tới các biên giới các quốc gia”3.
Tiếp tục, với một thái độ mạnh mẽ hơn, các cố gắng của Công ước La Haye ngày 18-10-1907 và các văn kiện khác của Hội Quốc liên và thời kỳ giữa hai cuộc đại chiến để xúc tiến xu hướng giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc đã quy định:
“Điều 33 - 1. Các bên của bất kỳ cuộc tranh chấp nào mà sự kéo dài có thể uy hiếp bằng việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phải tìm cách giải quyết tranh chấp đó, trước hết bằng con đường thương lượng, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, giải quyết pháp lý, nhờ cậy các tổ chức hay hiệp định khu vực, hay bằng mọi phương tiện hòa bình khác do các bên lựa chọn.
2. Hội đồng Bảo an, nếu thấy cần thiết, yêu cầu các bên giải quyết cuộc tranh chấp của họ bằng những phương tiện như vậy”.
Bản Tuyên bố Manila năm 1982 về việc giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp quốc tế đã cụ thể hóa vấn đề giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.
- Ký kết công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Là một hiệp ước đa phương lớn nhất của Liên hợp quốc từ năm 1945 lại đây, Công ước Montego bay đã phát triển các công ước Genève về luật biển năm 1958, đưa nội dung luật biển lên mức độ toàn diện, với những quy định mới về các vùng biển, thềm lục địa, vùng biển nằm ngoài quyền tài phán của các quốc gia. Công ước cung cấp những kiến thức mới về các đảo, quần đảo, thềm lục địa, về các vùng biển chung quanh các đảo, về cách vạch đường biên giới biển, phân định các vùng biển và thềm lục địa, do đó đề ra những yếu tố mới phải tính đến khi giải quyết các tranh chấp về đảo hay vấn đề phân định mới.
_____________________________________
1. Văn kiện Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Sđd.
2, 3. Nghị quyết 26-25-1970 của Liên hợp quốc: Tuyên bố về các nguyên tắc của luật quốc tế liên quan đến các quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia theo đúng Hiến chương Liên hợp quốc.
II - Pháp quản lý hai quần đảo cho đến khi rút khỏi Đông Dương
Sau khi thiết lập chế độ thuộc địa tại Việt Nam, trên lý thuyết và thực tế Chính phủ Pháp phải bảo vệ chủ quyền của Triều đình Huế đối với hai quần đảo. Nhưng thời gian đầu họ phải đối phó với những sự kiện bên trong và bên ngoài vừa khó khăn vừa phức tạp. Bên trong, họ phải chống lại các cuộc nổi dậy của nhân dân cả nước, chủ yếu là ở Bắc Kỳ từ phong trào Cần Vương của Vua Hàm Nghi cho đến các cuộc khởi nghĩa của Đề Thám, Tán Thuật, phong trào Văn thân của các sĩ phu, phong trào chống thuế, cuộc khởi nghĩa Duy Tân v.v... Bên ngoài, Pháp phải chống lại hàng chục vạn quân Cờ Đen do Nhà Thanh phái sang quấy rối Thượng Du, thậm chí cả Trung du Bắc Kỳ, giải quyết xong vấn đề biên giới giữa Bắc Kỳ và Vân Nam - Quảng Tây - Quảng Đông nhưng đồng thời lại muốn thương lượng việc phát triển buôn bán với Bắc Kinh, cố len chân vào Hoa Nam, xây dựng đường sắt Hải Phòng - Vân Nam, mở một số lãnh sự quán ở Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông. Trong tình hình phức tạp đó, các quan chức cai trị thuộc địa không hiểu Trung Quốc đã đành mà ngay cả những vấn đề của Việt Nam cũng không hiểu. Sự quan tâm ưu tiên của họ là bình định được Bắc Kỳ, Trung Kỳ, đuổi được quân Cờ Đen về nước, củng cố nền bảo hộ, do đó sự quan tâm đối với các đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thứ yếu. Đối với họ lúc này lục địa, nội địa quan trọng hơn các đảo ngoài xa.
Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đề nghị với Paris xây dựng một hải đăng tại đảo Hoàng Sa (Pattle) trong quần đảo Hoàng Sa để hướng dẫn các tầu biển qua lại vùng này, nhưng kế hoạch không thực hiện được vì thiếu ngân sách.
Về hành động vi phạm của Lý Chuẩn đối với Hoàng Sa, Tổng lãnh sự Pháp tại Quảng Châu Beauvais cho rằng: “chúng ta có thể dễ dàng tìm những lý lẽ hỗ trợ yêu sách của chúng ta đối với các đảo Hoàng Sa. Nhưng nếu sự việc không bõ làm thì nên nhắm mắt trước những sự kiện hiện tại vì một sự can thiệp của phía chúng ta có thể làm bùng lên trong dân chúng một đợt sô-vanh mới có hại cho ta hơn” và nhà cầm quyền Pháp đã không lên tiếng phản đối.
Từ những năm 20, các tàu của Hải quân Đông Dương tăng cường tuần tiễu trong vùng biển Hoàng Sa để chặn buôn lậu.
Năm 1925, Viện Hải dương học Nha Trang cử tầu De Lanessan ra khảo sát ở quần đảo Hoàng Sa về hải dương học. Cùng đi với ông A. Krempf, Giám đốc Viện đó, còn có các nhà khoa học khác như Delacour, Jabouille… nghiên cứu về địa chất, về sinh vật v. v...
Cũng trong năng 1925, ngày 3-3 Thượng thư Bộ binh của Triều đình Huế Thân Trọng Huề khẳng định Hoàng Sa vẫn thuộc về Việt Nam, không có gì tranh cãi về vấn đề này.
Năm 1927, tàu Lanessan ra khảo sát khoa học quần đảo Trường Sa.
Năm 1929, phái đoàn Perrier - DeRouville đề nghị đặt 4 cây đèn biển ở 4 góc của quần đảo Hoàng Sa: đảo Tri Tôn, đảo Đá Bắc, đảo Linh Côn, đảo Bombay.
Nhân một đơn của Société Nouvelle des phosphates du Tonkin xin khai thác phân chim ở Hoàng Sa, Toàn quyền Đông Dương gửi Công hàm cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa ngày 17-11-1928 tố cáo “bệnh bành trướng không ngừng tăng thêm của chủ nghĩa quốc gia Trung Quốc” và khẳng định dứt khoát: “Như vậy đã đến lúc chúng ta phải đi bước trước và khẳng định các quyền hình như đã được thừa nhận bằng các tài liệu lịch sử cũng như thực tế địa lý”1.
Trong bản báo cáo gửi Toàn quyền ngày 22-1-1929, Khâm sứ Trung Kỳ Le Fol nhấn mạnh các quyền của Việt Nam đã từ lâu được khẳng định, nhắc lại lời tuyên bố của Thượng thư Thân Trọng Huề và phàn nàn thái độ tiêu cực của nhà cầm quyền Pháp năm 1909 trước hành động của Lý Chuẩn.
Năm 1930 tàu thông báo La Malicieuse ra quần đảo Hoàng Sa.
Tháng 3-1931 tầu Inconstant ra quần đảo Hoàng Sa.
Tháng 6-1931 tàu De Lanessan ra quần đảo Hoàng Sa. Tháng 5-1932 pháo hạm Alerte ra quần đảo Hoàng Sa.
Từ 13-4-1930 đến 12-4-1933, Chính phủ Pháp cử các đơn vị hải quân lần lượt ra đóng các đảo chính trong quần đảo Trường Sa: Spratly (Trường Sa), Caye d’Amboine (An Bang), Itu Aba (Ba Bình), nhóm Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ, và các đảo nhỏ phụ cận.
Ngày 21-12-1993 Thống đốc Nam Kỳ M.J.Krautheimer ký Nghị định sáp nhập các đảo Spratly, Amboine, Itu Aba, nhóm Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ vào địa phận tỉnh Bà Rịa.
Ngày 4-12-1031 và ngày 24-4-1932, Pháp phản kháng Trung Quốc về việc chính quyền Quảng Đông lúc đó có ý định cho đấu thầu khai thác phân chim trên quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 4-1-1932, Pháp gửi Công hàm cho Công sứ quán Trung Quốc ở Paris nêu chủ quyền của Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và đề nghị với phía Trung Quốc một giải pháp hữu nghị hay một giải pháp trọng tài. Ngày 29-9-1932 Công sứ quán Trung Quốc bác quan điểm của Pháp và khước từ vấn đề trọng tài.
Ngày 24-7-1933, Pháp thông báo cho Nhật Bản việc Pháp đưa quân ra đóng các đảo chính trong quần đảo Trường Sa, Nhật Bản phản kháng nhưng Pháp bác bỏ sự phản kháng đó.
Ngày 18-2-1937, Bộ Ngoại giao Pháp gửi công hàm cho sứ quán Trung Quốc đề nghị một giải pháp hữu nghị hoặc một giải pháp trọng tài. Phía Trung Quốc không hưởng ứng.
Tháng 10-1937, nhà chức trách Pháp cử kỹ sư Gauthier ra quần đảo Hoàng Sa nghiên cứu chỗ xây dựng đèn biển, lập bải thủy phi cơ, nơi ăn ở cho một lực lượng bảo an ra đóng thường xuyên.
Ngày 30-3-1938, Hoàng đế Bảo Đại sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc tỉnh Nam Ngãi vào tỉnh Thừa Thiên.
Ngày 15-6-1938, Toàn quyền Jules Brévié lập một cơ quan đại lý hành chính tại Hoàng Sa.
1938: xây dựng tại đảo Hoàng Sa (Pattle) một bia chủ quyền ghi các chữ: “République Francaise - Royaume d’Annam - Archipel des Paracels 1816 - Ile de Pattle - 1938”
Xây dựng một hải đăng, hai trạm khí tượng (OMM đăng ký số 48860 ở Hoàng Sa, số 48859 ở Phú Lâm), một đài TSF trên đảo Hoàng Sa (Pattle), quần đảo Hoàng Sa, và trên đảo Ba Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa (Station Cochinchina).
Tháng 6-1938, một đơn vị bảo an Việt Nam tới Hoàng Sa.
Năm 1939, Nhật Bản chiếm quần đảo Trường Sa. Ngày 4-4-1939 Pháp phản kháng. Nhưng vấn đề dừng ở đó, vì sau đó là chiến tranh thế giới đang đến gần.
Ngày 5-5-1939, Toàn quyền Jules Bévié chia quần đảo Hoàng Sa thành 2 đơn vị đại lý hành chính với trụ sở tại hai đảo Hoàng Sa và Phú Lâm (ile boisée)
___________________________________
1. Thư số 2276 ngày 17 tháng 12, 1928 của René Robin, Quyền Toàn quyền Đông Dương gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa tại Paris.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét