THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2010

Địa linh sinh nhân kiệt

Người thành cổ Quảng trị
(ANTĐ) - Cứ đến dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3-2 hàng năm, bà con trong dòng họ Lê Văn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và dân làng Bích La Đông lại tụ họp tại sân đình làng ôn lại truyền thống của vùng đất nổi tiếng.
Địa linh sinh nhân kiệt


 Miếu thờ người khai khẩn và tiến sĩ ở làng Bích La Đông



Dòng họ Lê Văn có 6 tiến sĩ
Làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là vùng đất địa linh nhân kiệt. Trưởng làng Bích La Đông - ông Lê Văn San, thắp hương tổ tiên và các vị thần, tiến sĩ được làng thờ phụng. Nén hương đầu tiên tưởng nhớ công đức người khai khẩn, Phó tướng Lê Mậu Doãn.
Nhận lệnh triều Hậu Lê, năm 1527 Phó tướng Lê Mậu Doãn vào Thuận Hoá khai khẩn đất hoang, lập nên xứ Hoa An, tức là làng Bích La Đông ngày nay. Bích La Đông là làng quê duy nhất Việt Nam có miếu thờ tiến sĩ và những người có công với nước. Miếu thờ nằm sát đình làng. Ngoài bia ghi danh Phó tướng Lê Mậu Doãn, miếu còn thờ nhiều vị tiến sĩ, trong đó có Tiến sĩ Lê Cảnh Diệu và Tiến sĩ Lê Cảnh Phiên, những người con đầu tiên của làng thi đỗ học vị cao nhất. Từ xưa, Dương Văn An đã ngợi ca truyền thống hiếu học của Bích La trong sách Ô châu cận lục: “Hoa La là đất văn nho”.
Chỉ tính riêng họ tộc Lê Văn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có 6 tiến sĩ. Người đầu tiên của họ tộc Lê Văn thi đỗ đạt cao là Tiến sĩ Lê Văn Nhượng, Tiến sĩ Lê Văn Chân, Tiến sĩ Lê Văn Nhiếp. Khoa thi cuối của triều Nguyễn có ông Lê Văn Tăng, bác ruột của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, đỗ Phó bảng và ông Lê Văn Lương đỗ Tiến sĩ...
Lớn lên trên mảnh đất có truyền thống hiếu học nên cậu học trò Lê Văn Nhuận (tên khai sinh của đồng chí Lê Duẩn) sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, thoát ly quê nhà từ tuổi hai mươi, tham gia Hội Thanh niên cách mạng năm 1928 và năm 1930 đồng chí Lê Duẩn trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh . Khi đã là lãnh đạo cao nhất của Đảng, dù bận rộn với trăm ngàn công việc, nhưng Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn nặng tình thiết tha với quê hương, sắp xếp thời gian để về thăm quê nội Bích La Đông.
Yêu nước
Có một nghĩa cử cao đẹp, thanh liêm của những người đi trước mà dân làng Bích La Đông đến hôm nay vẫn còn tự hào. Đó là, sau khi đỗ đạt, có chức tước cao, được các triều đình ban cho nhiều ruộng đất, của cải nhưng các vị quan người làng Bích La Đông không một ai lấy làm của riêng, đều sung vào của công. Dân làng còn lưu truyền câu chuyện công minh của một vị quan là người con của làng. Tham tri Lê Bá Thoại, đỗ tiến sĩ dưới thời nhà Nguyễn, giữ đến chức Thượng thư Bộ hình. Trước bá quan văn võ triều đình, ông thẳng thắn vạch thói kiêu căng, hách dịch của một quận công, rồi xin từ quan, về nhà làm ruộng, trọn đời chu toàn nhân phẩm.
Học giỏi, thi đỗ đạt cao, người làng Bích La Đông còn có truyền thống trung quân, ái quốc. Ông Lê Đăng Doanh, một người con của làng làm quan dưới thời vua Nguyễn, là người văn võ song toàn, từng làm Chính chủ khảo nhiều kỳ thi Hương. Ông từng được phong “Hiệp biện đại học sĩ ” dưới triều vua Thiệu Trị. Do có công dạy dỗ bốn đời vua liên tiếp nên khi mất ông được vua ban tặng nghi lễ cao nhất: “Nhất lão nghi hình thiên hạ tắc/ Tứ triều thạc phụ đế vương tôn”. Hai câu đối này đến bây giờ con cháu của làng Bích La Đông vẫn thuộc lòng.
Từ khi đất nước thống nhất đến nay, làng Bích La Đông đã có thêm hàng chục tiến sĩ, giáo sư hàng đầu. Họ có mặt khắp năm châu bốn biển, đó là Tiến sĩ Toán học Lê Bá Long, Tiến sĩ Sinh học Lê Thị Diệu Muội (con gái cố Tổng Bí thư Lê Duẩn), Tiến sĩ Hoá học Nguyễn Từ, Hoạ sĩ lừng danh thế giới Lê Bá Đảng đang ở châu Âu, Tiến sĩ Nguyễn Giang Thạch ở châu Úc… Những người này đã đóng góp nhiều công sức trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.
Huyền tích con rùa
Hơn ai hết, dân làng nhận thức được một điều, một làng quê cũng như một con người sẽ chẳng còn là mình khi ngủ quên với dĩ vãng vàng son. Thế hệ học trò làng Bích La Đông hôm nay luôn nung nấu ý chí sống phải có ý nghĩa để không hổ danh với quá khứ nổi tiếng của làng do cha ông mình dày công tạo lập. Các bậc phụ huynh trong làng dù nghèo đến đâu cũng ráng nuôi con ăn học.
Trưởng làng Bích La Đông - Lê Văn San cho biết: “Người làng Bích La Đông làm nông nghiệp, không giàu nhanh như buôn bán thương nghiệp. Nhưng dân làng luôn tự hào về truyền thống của cha ông nên họ luôn vượt qua được mọi khó khăn gian khổ. Làm sao để cho con em mình được ăn no, học giỏi là điều dân làng quan tâm nhất”. Nhiều gia đình trong làng đã đầu tư cho con em mình học hành có chiều sâu, mua máy vi tính kết nối internet. Hiện tại cả làng nông nghiệp này có hơn 100 máy vi tính phục vụ việc học hành cho các em.
Nhiều người nói rằng, học sinh làng Bích La Đông học giỏi, thi đỗ đạt cao vì đình làng nằm trên lưng một con rùa. Tương truyền rằng, mỗi năm, con  rùa thức giấc một lần để kiểm tra con cháu của làng trong năm qua học hành, ăn ở như thế nào.
Nhưng trong ký ức của người dân Bích La Đông, có một lần con rùa không thức dậy, nên năm ấy trong làng gặp nhiều chuyện không may. Sợ rùa thiêng ngủ quên, các lão làng nghĩ ra diệu kế, hàng năm, vào sáng mồng 3 Tết Âm lịch, tất cả dân làng tập trung về đình làng dùng chiêng trống, mõ khua vang và họp chợ đầu năm, để đánh thức rùa dậy đón Tết cùng bà con.
Đây là phiên chợ đầu năm độc đáo nhất Việt Nam, mỗi năm chỉ họp một lần từ 3h đến 6h mùng 3 Tết. Không phải người đi chợ nào cũng mua, bán, mà chủ yếu đến chợ để chào hỏi nhau, chúc nhau năm mới gặp nhiều điều may mắn.
Các cô tú, cậu tú cũng thức dậy sớm để có mặt tại phiên chợ thức rùa cầu may. Bà con đến chợ vui các trò chơi dân gian là chủ yếu. Những thứ được bày bán trong phiên chợ đầu năm chỉ có hoa trái đầu mùa hái từ vườn nhà. Khi chợ đã vãn, con rùa làm bằng gỗ được kéo lên từ dưới hồ nước trước đình làng bơi nổi trên mặt nước để du khách chiêm ngưỡng, mong năm mới vạn sự cát tường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét