THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

Cuộc tranh chấp Việt-Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa 3

Người thành cổ Quảng trị
CHƯƠNG III

DANH NGHĨA LỊCH SỬ VÀ PHÁP LÝ

CỦA VIỆT NAM THỜI KỲ TRƯỚC 1884



1- Nước Đại Việt phát hiện Hoàng Sa



Nếu biển Đông giống Địa Trung Hải cũng là những biển chiến lược thì lại rất khác nhau về lịch sử hàng hải. Từ 3.000 năm trước công nguyên, người Phênici, người Cactagiơ, người Cre-tơ, người La Mã, người Hy Lạp đã biết sử dụng Địa Trung Hải làm con đường liên lạc và buôn bán với các nước ven biển này và đã trao đổi mậu dịch, giao lưu văn hóa và buôn bán với các nước ven biển, đến tận cả Biển Đen. Hàng hải ngày càng phát triển mạnh mẽ trong khu vực. Nhưng tại Biển Đông, một địa bàn dân cư đông đúc, một giao điểm của nhiều nền văn minh khác nhau, trong thời gian khá dài, các hoạt động ngoài biển của các dân tộc ven bờ hạn chế trong phạm vi nước mình. Sự qua lại bằng đường biển trong khu vực đã khó, với các khu vực khác lại càng khó hơn. Nguyên nhân là Biển Đông có vô số đảo nhỏ và bãi san hô rất nguy hiểm cho hàng hải, lại nằm trong một vùng bão tố nhiệt đới mà tầu thuyền thời bấy giờ không đủ khả năng chịu nổi. Vì lẽ đó, phải đợi đến khi hàng hải có những tiến bộ kỹ thuật quan trọng như đóng được thuyền to, có buồm nhiều kiểu, nhất là có la bàn hàng hải, khi đó tầu đến Đông Nam Á hoặc từ đây đi mới dám ra biển lớn, mở ra thời kỳ thông thương và trao đổi kinh tế, văn hóa phồn vinh trong vùng Đông Nam Á và vùng Ấn Độ, Tây Á, Tiểu Á....



Những người qua lại Biển Đông trong lịch sử, không phải chỉ có người Trung Quốc, người Việt Nam, người Mã Lai mà còn có người A-rập, người Ấn Độ. Người A-rập đến Trung Quốc từ thế kỷ thứ VIII, thứ IX. Ở Tuyền Châu hiện nay người ta còn thấy nhà thờ Hồi giáo Ashab, nghĩa địa Hồi giáo Linh Sơn, tượng Vishnu, một vài mộ chí có chữ A-rập. Thế kỷ XIII Marco Polo đã đến Tuyền Châu và coi nó như một thương cảng lớn nhất bấy giờ. Năm 580 Thiền sư Vinitaruci đã đến Việt Nam bằng đường biển. Nhà sư Trung Quốc Pháp Hiển đã từ Ấn Độ trở về Trung Quốc bằng đường biển. Từ thế kỷ XIII các thương gia A-rập qua lại Biển Đông đã có một hệ thống thương điểm từ Ấn Độ qua Malaca đến Tuyền Châu.



Người Bồ Đào Nha là người Châu Âu đầu tiên đến vùng Đông Á và Đông Nam Á: 1505 đến Malaca, 1510 đến Goa (Ấn Độ). Tuy là người Bồ Đào Nha, Magenllan, dưới sắc cờ của quốc vương Tây Ban Nha, đã tiến hành cuộc đi vòng quanh trái đất và năm 1521 đến chiếm hữu các đảo Philippin. Sau này người Tây Ban Nha thay thế người Bồ Đào Nha để chiếm hữu Philippin. Tuy Philippin ở sát nách những đảo phía Đông của quần đảo Trường Sa, cả người Bồ Đào Nha, cả người Tây Ban Nha đều không chiếm hữu đảo, bãi nào trong quần đảo này.



Trong nhiều thế kỷ liên tiếp, Trung Quốc phải lo đối phó với các dân tộc phía Tây Vực và phương Bắc, nên thi hành chính sách lục địa là chủ yếu.



Nhưng từ khi phải chạy xuống Hàng Châu, nhà Nam Tống kiểm soát được vùng duyên hải và sông Dương Tử, từ đó họ bắt đầu thi hành một chính sách biển. Dưới triều Minh, từ vua Vĩnh Lạc, Trung Quốc đã đóng gấp những loại thuyền lớn gọi là Bảo thuyền và cử thái giám Trịnh Hòa mang một hạm đội cực mạnh gồm 300 thuyền, trong đó hơn 60 chiếc là Bảo thuyền với gần 30.000 quân đi xuống vùng Đông Nam Á, Ấn Độ Dương và bờ biển Phi Châu. Đó là 7 chuyến “hạ Tây Dương” của Trịnh Hòa trong vòng 28 năm. Qua lại Biển Đông trong gần 30 năm, có lần đi qua Hoàng Sa nhưng hạm đội của Trịnh Hòa không chiếm hữu bất cứ hòn đảo, bãi nào trong hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thậm chí cũng không để lại dấu vết gì.



Kế tiếp nhà Minh, nhà Thanh lúc đầu vẫn thi hành các chính sách “Hải phòng” lấy phòng thủ bờ biển và sông ngòi là chính. Đến giữa thế kỷ XIX, sau khi bị thua trong “chiến tranh nha phiến”, họ phải lo xây dựng hải quân hiện đại, mời chuyên gia phương Tây làm huấn luyện viên. Nhưng chính sách đó cũng không kịp đem lại cho nhà Thanh một hạm đội đủ sức chống lại các hạm đội của phương Tây và Nhật Bản. Trong tình hình lo giữ nhà không xong, lại không có tầu lớn, thì làm gì dám có tham vọng tiến ra Biển Đông, chiếm thêm đất!



Đại Việt là một nước nhỏ bé bên bờ Biển Đông. Nhưng ngay khi mới dựng nước đã có biển. Thuyền chiến trên các trống đồng tìm thấy ở nhiều nơi trên đất Việt Nam, chứng tỏ từ xa xưa dân tộc Việt Nam đã coi trọng vấn đề đi biển, và về sau càng phát triển thủy quân. Thế kỷ XVII, hải quân của Chúa Nguyễn đã hai lần đánh tan hai hạm đội tầu chiến Hà Lan. Thế kỷ XVIII hạm đội của Tây Sơn đã tiêu diệt hạm đội thuyền Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút. Khi đó, hải quân của Đàng Trong có cả thuyền gắn pháo.



Do nhu cầu mở rộng địa bàn sinh sống, nhà cầm quyền Đàng Trong không phải chỉ tiến xuống phía Nam mà còn tiến ra Biển Đông, chiếm hữu và khai thác các đảo thuộc Hoàng Sa. Điều đó đã được thực tế chứng minh.



Với những tài liệu hiện còn giữ được, có thể nói ít nhất từ thế kỷ XVII Nhà nước phong kiến Việt Nam đã phát hiện và chiếm hữu Hoàng Sa, (tức là cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa), khi đó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào.





2. Các Chúa Nguyễn thực hiện chức năng Nhà nước tại Hoàng Sa.



Từ đầu, người Việt Nam đã đặt cho Hoàng Sa cái tên Nôm là Bãi Cát Vàng. Tên Cát Vàng đó được ghi trên bản đồ của Đỗ Bá công đạo. Người Anh Gutztlaff, trong bài Geography of Cochinchina trong tập san của Geographical Socity of London năm 1849 cũng gọi là Kát vàng1. Trong một bài về Việt Nam đăng trên tờ báo của Hội Á Châu tại xứ Bengale năm 1837, Giám mục J.L. Taberd cũng gọi bằng tên Nôm Cát Vàng2. Dubois de Jancigny trong một cuốn sách xuất bản năm 1850 nói rõ người Việt Nam gọi Paracels là Cát Vàng. Sau này, do xu hướng Hán hóa người ta mới dịch là Hoàng Sa (vẫn nghĩa là Cát Vàng).



Nhà nước phong kiến Việt Nam chiếm hữu và quản lý Hoàng Sa bằng một đơn vị do Nhà nước thành lập. Như vậy Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự các đảo Hoàng Sa mà phái đoàn Kergariou - Locmaria năm 1787 - 1788 sau này khám phá ra gồm hai quần đảo riêng biệt cách nhau 500 km: quần đảo Paracels (Hoàng Sa) và quần đảo Spratly (Trường Sa).



Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư viết:



“Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dụng giữa biển” 3.



Bãi Cát Vàng được vẽ đối diện huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa, xa Cù Lao Ré mãi ngoài khơi.



Ngay sau khi được phát hiện, Bãi Cát Vàng đã được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam, cụ thể là Phủ Quảng Nghĩa.



Tất cả các sách sử chính thức của Nhà nước do Quốc Sử Quán soạn đều nói đến Hoàng Sa.



Đại Nam thực lục tiền biên (1844) về đời các Chúa Nguyễn viết:



“Ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Nghĩa có hơn 130 cồn cát, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài canh. Chiều dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn lý Hoàng Sa, trên có giếng nước ngọt, sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, giải, ba ba...” 4.



Đại Nam thực lục chính biên (1848) về các Vua Nguyễn viết:



“Dải Hoàng Sa trong hải phận Quảng Nghĩa, xa trông trời nước một mầu không phân biệt được nông hay sâu....” 5.



Lại viết:



“Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực biển nước ta, rất là hiểm yếu...”6.



Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ viết từ năm 1843 đến năm 1851 ghi chép những việc làm của Triều đình thuộc lục bộ khẳng định:



“Hoàng Sa thuộc khu vực ngoài biển rất là hiểm yếu”7.



Đại Nam Nhất thống chí soạn từ năm 1865 đến 1882 (sau có chỉnh lý) là bộ sách địa lý chính thức của nước Việt Nam soạn theo chỉ thị của Vua Tự Đức. Quyển 6 về tỉnh Quảng Nghĩa viết:



“Phía Đông có đảo cát nằm ngang (Hoàng Sa đảo) liền với biển xanh làm hào che, phía Tây khống chế vùng Sơn Man có lũy đá dài chồng chất giữ cho vững vàng, phía Nam kề bên tỉnh Bình Định, có sườn núi Bến Đá làm mũi chặn ngang, phía Bắc tiếp giáp tỉnh Quảng Nam, có ghềnh sa có thể làm giới hạn”.



“Ở phía Đông đảo Lý (tức Cù Lao Ré ) huyện Bình Sơn, từ bờ biển Sa Kỳ chạy ra khơi, thuận gió 3, 4 ngày đêm có thể đến. Trên đảo nhiều núi la liệt tất cả hơn 130 ngọn, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài canh. Giữa đảo có bãi Hoàng Sa (Cát Vàng) bề dài kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn lý Trường Sa, trên bãi có giếng nước ngọt, hải điểu tụ tập nhiều, không biết bao nhiêu mà kể, sản xuất nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, giải, ba ba, hàng hóa đồ vật của các thuyền bị phong nạn cũng tụ tập ở đó” 8.

____________________________________1. Bài Địa lý xứ Cochinchina của Cutzlaff trong tập san của Hội địa lý London (journal of the Geographical Society of London Vol. XIX p.93.

2. Ghi chép về địa lý xứ Cochinchina của Jean Louis Taberd trong tập san của Hội Hoàng gia châu Á Bengal, Calcutta Journal of the Royal asiatic society of Bengal, Calcutta Vol. VI (tháng 9/1837), trang 737-745.

L’ Univers - Histoire et description de tous les peuples de leurs eligions, mours, coutumes; Japon, Indochine, Ceylan của Dubais des Jancigny (Thế giới - Lịch sử và miêu tả các dân tộc tôn giáo, phong tục, tập quán của họ Nhật Bản, Đông Dương, Xây-lan) xuất bản năm 1950, Nxb Firmin Didier).

3. Thiên nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá Công Đạo trong cuốn Hồng Đức bản đồ - Thư viện Khoa học xã hội Hà Nội.

4. Đại nam thực lục tiền biên, quyển 10. Thư viện khoa học xã hội Hà Nội.

5. Đại nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 104. Thư viện khoa học xã hội Hà Nội.

6. Đại nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 165, Thư viện Khoa học xã hội Hà Nội.

7. Đại nam hội điển sự lệ. Thư viện Khoa học xã hội Hà Nội.

8. Đại nam nhất thống chí, quyển 6, tỉnh Quảng Nghĩa. Thư viện Khoa học xã hội Hà Nội.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------

Từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, nhiều vị đại thần, có người là thành viên hay tổng tài Quốc sử quán của triều đình Nhà Nguyễn, đã viết về Hoàng Sa.



Năm 1776, nhà bác học Việt Nam Lê Quý Đôn khi đó làm Hiệp trấn Thuận Hóa, đã viết trong bộ sách lớn Phủ biên tạp lục:



“Ở ngoài Cù Lao Ré (cách bờ biển độ 4 canh - tác giả) có đảo Đại Trường Sa ngày trước nơi dây thường sản xuất nhiều hải vật chở đi bán các nơi, nên Nhà nước có thiết lập một đội Hoàng Sa để thu nhận các hải vật. Người ta phải đi 3 ngày dêm mới đến được Đại Trường Sa ấy, như thế là đảo Đại Trường Sa đã gần đến xứ Bắc Hải” 1.



Năm 1821 Phan Huy Chú, một nhà nho nổi tiếng uyên bác, đã giữ nhiều chức vụ quan trọng: từng là biên tu Quốc sử quán, đã viết trong bộ sách lớn Lịch triều hiến chương loại chí một đoạn dài về Hoàng Sa từ địa thế, sản vật đến tổ chức Đội Hoàng Sa. Về địa thế, ông viết:



“Ở đây (tức Phủ Tư Nghĩa - Tác giả), vật lực phong phú, lúa gạo không xiết kể, vàng bạc, cây gỗ, châu báu, trầm hương, tức hương đều rất tốt, voi ngựa chăn nuôi cũng rất nhiều. Lại có đảo lớn, đảo nhỏ ở ngoài biển, cảnh vật xinh tốt, báu kỳ, vật lạ phần nhiều ở nơi này vậy (Thôn An Vĩnh thuộc huyện Bình Dương, sau đổi là Bình Sơn - Tác giả) ở ngoài biển, có hòn đảo lớn, nhiều núi linh tinh hơn 130 ngọn, từ trong núi ra biển, ước đầy một ngày đường hoặc vài canh... ra khơi 3 ngày 3 đêm mới đến đảo này” 2.



Năm 1876, Nguyễn Thông, một đại thần được cử duyệt bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, đã viết cuốn Việt sử cương giám khảo lược về lịch sử và địa lý lịch sử Việt Nam. Ông viết về Hoàng Sa:



“Vạn Lý Trường Sa: từ đảo Lý (tục gọi là Ngoại Lao, người Trung Quốc gọi là Ngoại La) tức Cù Lao Ré đi thuyền về phía Đông ba ngày thì đến”3.



Người Trung Quốc không nói phát hiện mà chỉ nói biết có Tây Sa và Nam Sa, còn người Việt Nam không những biết mà thật sự phát hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Người Trung Quốc không chỗ nào nói tới chiếm hữu các quần đảo Nam Hải mà chỉ nói biết có, còn người Việt Nam nói chiếm hữu và khai thác, quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.

___________________________________

1. Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, quyển 2. Thư viện Khoa học xã hội Hà Nội.

2. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, quyển V. Thư viện Khoa học xã hội Hà Nội.

3. Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông. Thư viện Khoa học xã hội Hà Nội.



3 - Nhà nước Việt Nam tổ chức khai thác tài nguyên, quản lý đảo.



Các Chúa Nguyễn được Vua Lê cử trấn nhậm nửa nước Đại Việt từ Đèo Ngang trở vào, - sau này gọi là xứ Đàng Trong. Đàng Trong là một dải đất ven biển, canh tác hạn hẹp, tình hình chính trị chưa ổn định, tình hình kinh tế khó khăn. Nhưng ưu thế của Đàng Trong là có một bờ biển dài hơn bờ biển Đàng Ngoài, nhìn ra chính giữa Biển Đông, đã trở thành bản lề của con đường Malacca đi Quảng Châu, Đài Loan, Nhật Bản. Khai thác thế mạnh đã tất yếu trở thành một quốc sách bao gồm 4 điểm sau đây:



1. Tổ chức khai thác biển một cách có hệ thống.



2. Tổ chức tuần phòng trên biển.



3. Tổ chức phòng thủ bờ biển.



4. Tổ chức thu thuế và buôn bán thuyền nước ngoài.



Trong quá trình làm ăn, ngư dân Đàng Trong đã phát hiện các đảo Cát Vàng ngoài biển xa, Chúa Nguyễn đã tổ chức một đội chuyên đi chiếm hữu và khai thác các đảo đó.



Vốn là những đảo nhỏ, những bãi san hô dài, Hoàng Sa có rất ít tài nguyên dưới lòng đất. Mặt đảo bị cái nóng nhiệt đới hun đốt ít nhất sáu tháng một năm, lại có lúc khô hạn không có điều kiện phát triển trồng trọt để nuôi sống con người. Ở vùng quần đảo Hoàng Sa, có một lớp phân chim phủ lên lớp cát trên dùng làm phân bón rất tốt, nhưng trước thế kỷ XX, người Việt Nam chưa biết dùng loại phân bón này. Và cũng chỉ mãi nửa cuối thế kỷ XX người ta mới biết và có khả năng khai thác những tài nguyên khoáng sản dưới biển.



Như Đại Nam nhất thống chí đã đánh giá rất đúng: “sản xuất nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, giải, ba ba, hàng hóa đồ vật của các thuyền bị phong nạn cũng tụ tập ở đó”.



Chúa Nguyễn có một mô hình khai thác tài nguyên là lập những đội do Nhà nước chỉ huy và quản lý, vừa cưỡng bức người dân có chuyên môn tham gia, vừa đảm bảo cho họ có một số quyền lợi vật chất và chính trị. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn, Nhà nước bấy giờ đã tổ chức1:



1 - Đội Thanh châu, chuyên lấy tổ yến trên các đảo thuộc các cửa biển Tam Quan, Thời Phú, Nước Ngọt, Nước Mặn (Phủ Qui Nhơn).



2 - Đội Hải môn chuyên lấy hải vật và hóa vật ở bên ngoài cù lao Phú Quý.



Theo Lê Quí Đôn, việc tổ chức và quản lý các đội Hoàng Sa có thể tóm tắt như sau:



1 - Nhiệm vụ của đội là bắt hải vật (ốc xà cừ, ốc tai voi, ốc hương, hải sâm, đồi mồi, ba ba... ) và thu lượm hóa vật của các tầu bị đắm dạt vào các đảo bãi Hoàng Sa (gươm, súng hỏa mai, súng thần công, vàng bạc, chì, thiếc, đồng, ngà voi, đồ sứ, đồ len, vải, xáp ong...) có lần đội được cử làm nhiệm vụ thăm dò, đo đạc thủy trình, xác định vị trí của từng đảo, bãi, vẽ bản đồ, đem về dâng trình Chúa.



2 - Biên chế của đội 70 suất.



3 - Đối với đội Hoàng Sa nguồn bổ sung là người xã An Vĩnh trên Cù Lao Ré, huyện Bình Sơn luân phiên nhau đi biển.



4 - Quyền lợi của đội Hoàng Sa: Ai tình nguyện đi được cấp giấy sai đi, miễn thuế sưu và tiền tuần, đò, nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị kỷ luật nặng, nhẹ tùy theo tội trạng, hoàn thành nhiệm vụ xong được lĩnh bằng, thưởng tiền.



(Đến đời Vua Nguyễn, kỷ luật vẫn nguyên như thế: theo báo cáo Bộ Công nhân ngày 13-7 năm Minh mạng thứ 18 (1837) thuỷ sư suất đội Phạm Văn Biên và hướng dẫn Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sinh, người lái Lưu Đức Trực trong chuyến công du Hoàng Sa năm 1837 phóng thuyền trì hoãn đã bị nhà Vua phạt trượng; giám thành Trương Viết Soái trong chuyến công du năm 1836 không có bản đồ mang về đệ trình nên bị nhà Vua phạt trảm giam hậu).



5 - Thời gian hoạt động trong năm: Tháng 2 lĩnh giấy sai đi, tháng 8 về. Đi 5 chiếc thuyền, mang theo 6 tháng lương thực.



Chúa Nguyễn sau này còn lập thêm đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, lấy người thôn Tứ Chính (Phủ Bình Thuận) hay làng Cảnh Dương (Gần Cửa Eo) sai đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải. Vì địa bàn đội Hoàng Sa quá rộng nên đội Bắc Hải phụ trách vùng phía Nam từ Trường Sa đến Côn Lôn, Hà Tiên.



Thu hoạch của mỗi chuyến đi thất thường. Phần hải vật thường được bảo đảm nhưng phần hóa vật nhiều ít là tùy năm. Với tư cách quan hiệp trấn, Lê Quý Đôn đã trực tiếp tìm hiểu:



“Tôi (túc Lê Quý Đôn - Tác giả) từng tra khảo sổ biên của cai đội Thuyên Đức Hầu ngày trước như sau:



Năm Nhâm Ngọ (1702) đội Hoàng Sa lượm được bạc 30 thoi.



Năm Giáp Thân (1704) lượm được thiếc 5.100 cân.



Năm Ất Dậu (1705) lượm được bạc 126 thỏi.



Còn từ năm Kỷ Sửu (1709) đến năm Quý Tỵ (1713) tức là trong khoảng 5 năm, thỉnh thoảng họ cũng lượm được mấy cân đồi mồi, hải sâm. Cũng có lần chỉ lượm được mấy khối thiếc, mấy cái bát đá và hai khẩu súng đồng”2.

_______________________________________

1, 2. Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Sđd.





4 - Các Vua nhà Nguyễn củng cố chủ quyền đối với hai quần đảo.



Sau cuộc khởi nghĩa năm 1771, nhà Tây Sơn chủ xứ Đàng Trong, lập ra triều đình mới. Họ càng chú ý phát triển hải quân, khai thác thế mạnh về biển. Họ vẫn duy trì các đội Hoàng Sa.



Đánh bại nhà Tây Sơn với sự giúp đỡ của Pháp, Gia Long lên ngôi vua năm 1802, lập ra triều đình nhà Nguyễn và bắt xây dựng lại nước Việt Nam sau cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh. Lúc đầu ông bỏ đội Hoàng Sa nhưng sau lại lập lại. Ít nhất cho đến đời Tự Đức, đội viên Hoàng Sa vẫn được tôn vinh như là các anh hùng.



Từ năm 1805, Gia Long thực hiện trên quy mô toàn quốc theo những phương châm chỉ đạo thống nhất kế hoạch nắm lại toàn bộ tình hình ruộng đất của cả nước trong từng tỉnh, từng huyện, từng làng. Kế hoạch đó được vua Minh Mạng kiên quyết tiếp tục và hoàn thành năm 1836. Đó là kế hoạch thực hiện Địa bạ Gia Long.



Chính trong khuôn khổ kế hoạch đó mà phải đặt việc duy trì đội Hoàng Sa và những cố gắng khai thác và đo đạc Hoàng Sa.



J.B. Chaigneau, cố vấn người Pháp của Vua Gia Long, được mang tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thăng, đã viết trong hồi ký của mình:



“Nước Cochichin mà nhà vua bấy giờ lấy hiệu là hoàng đế Gia Long bao gồm bản thân xứ Cochinchin (tức xứ Đàng Trong - Tác giả), xứ Đông Kinh (tức xứ Đàng Ngoài - Tác giả), một phần xứ Cao Miên, một vài đảo không xa bờ và quần đảo Paracels tạo thành bởi những đảo nhỏ, ghềnh và đá không dân cư, chỉ đến năm 1816 Hoàng đế mới chiếm hữu quần đảo này”1.



Ở đây Chaigneau đã viết không rõ: Hoàng đế Gia Long không đích thân ra quần đảo Hoàng Sa mà cử Phạm Quang Anh ra:



“ Tháng Giêng, năm Ất Hợi (1815).



Sai bọn Phạm Quang Anh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình...”2.



“Năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816),



… Vua ra lệnh cho thuỷ quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét và đo đạc thủy trình...”3.



Các vua đầu Nhà Nguyễn vừa dùng đội Hoàng Sa để khai thác vừa tích cực tiến hành việc khảo sát đo đạc và vẽ bản đồ các đảo ở Hoàng Sa.



Củng cố thêm chủ quyền:



Đại Nam thực lục chính biên viết: “Tháng 8, mùa thu, năm Quý Tỵ, Minh Mạng thứ 14 (1833).



… Vua bảo Bộ Công rằng: Dải Hoàng Sa trong hải phận Quảng Nghĩa, xa trông trời nước một mầu không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị nạn. Nay nên dự bị thuyền bè đến sang năm sẽ phái người tới dựng miếu, lập bia lại trồng nhiều cây cối. Ngày sau, cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, có thể tránh được nhiều mắc cạn. Đó cũng là việc lợi ích muôn đời vậy”4 ...



… Tháng 6, mùa hạ năm Ất Mùi, Minh Mạng thứ 16 (1835).



… Năm ngoái Vua định dựng miếu, lập bia ở chỗ ấy (tức Hoàng Sa - Tác giả), vì gặp lúc sóng gió không làm được. Đến nay mới sai cai đội thuỷ quân Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Nghĩa, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách tòa miếu cổ 7 trượng). Bên trái miếu dựng bia dá, phía tây miếu xây dựng bình phong. Mười ngày làm xong rồi về”5.



Về việc dựng miếu, Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ cho biết thêm:



“Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) tâu xin cho xây cất một gian miếu Hoàng Sa (theo thể chế nhà đá) ở phía Tây Cồn Bạch Sa, bên trái dựng bia đá (chiều cao 1 thước 5 tấc, mặt rộng 1 thước 2 tấc). Mặt trước xếp đá che, hai bên tả hữu đằng sau có miếu có trồng các loại cây”6.

_________________________________________

1. Ghi chép về xứ Cochinchie của jean Baptiste Chaigneau của Salles A. trong Bulletin des amis du Vieux Huế, số 3, 1923.

2 - 5. Đại nam thực lục chính biên, Sđd.

6. Đại nam hội điển sử lệ, Sđd.



Tích cực đo đạc các đảo và hải trình:



Trong khuôn khổ chương trình làm địa bạ toàn quốc, Vua Minh Mạng vừa đôn đốc công việc đo đạc trên đất liền từ miền Nam ra cực Bắc, vừa lo việc nắm tình hình Hoàng Sa ngoài biển.



Theo Đại Nam thực lục chính biên, chỉ thị của nhà vua vừa toàn diện vừa cụ thể:



“Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836). Bộ Công tâu: Xét Hoàng Sa thuộc cương vực biển nước ta, rất là hiểm yếu, từng sai vẽ bản đồ nhưng vì tình thế xa rộng, nên mới chỉ vẽ được một nơi, lại cũng chưa biết rõ nên làm thế nào. Hàng năm, thường phái người đi xem xét cho khắp để thông thuộc đường biển. Xem từ năm nay về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, họ phái thuỷ quân, biền binh và giám thành đáp một chiếc thuyền ô nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Nghĩa, giao cho hai tỉnh Quảng Nghĩa, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, bãi cát nào, phàm khi thuyền đến nơi, tức thì cứ chiếu chỗ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên chung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở bình dị thế nào, phải xem xét đo đạc rõ ràng, vẽ thành bản đồ. Lại chiếu ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến nơi ấy, căn cứ vào thủy trình đã qua, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ biển, đối thẳng là vào tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, ước lượng cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm, đều nhất nhất phải nói rõ, lần lượt đem về dâng trình.



Vua y lời tâu, sai suất đội thuỷ quân Phạm Hũu Nhật đưa binh thuyền đi chuẩn bị mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi dựng lên làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc chữ: “Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân (1836 - Tác giả) thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng lệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”1.



Làm các nghĩa vụ quốc tế:



Như trên đã nói, với tư cách là người có chủ quyền đối với Hoàng Sa, năm 1833 vua Minh Mạng thấy các đảo Hoàng Sa đều thấp so với mặt biển, bờ đảo khó nhìn thấy khi trời nước một màu nên đã chỉ thị cho Bộ Công trồng nhiều cây để sau này cây lớn lên tàu thuyền dễ nhận ra đảo do đó tránh đâm vào đảo. Đó là ý thức rõ rệt về trách nhiệm bảo đảm hàng hải quốc tế.



Thời trước các chúa Nguyễn từng đã cứu giúp những người bị đám tàu ở vùng biển Hoàng Sa (Paracels). Ít nhất người ta còn nhớ hai trường hợp.



Trường hợp thứ nhất là tàu Gootebrock của Hà Lan bị đắm năm 1634 tại vùng quần đảo Hoàng Sa. Trường hợp thứ hai là 3 chiếc tàu buồm Hà Lan từ Nhật Bản đi Batavia năm 1714, đến gần Hoàng Sa bị bão, hai chiếc thoát nạn, một chiếc bị đắm, những người sống sót tạm trú trên đảo Hoàng Sa rồi tìm cách về Nha Trang (xứ Đàng Trong). Những người sống sót về đến bờ biển xứ Đàng Trong đều được Chúa Nguyễn tiếp đón, cho tiền và gạo để đi tiếp...



Đó chẳng phải là thực hiện nghĩa vụ cứu hộ đối với các tàu thuyền bị nạn trong vùng biển của mình hay sao?

___________________________________

1. Đại nam thực lục chính biên, Sđd.



5. Thái độ các nước khác đối với việc Đại Việt làm chủ Hoàng Sa.



Nếu chỉ tính theo tài liệu hiện có từ thế kỷ XVII, thời gian nước Đại Việt chiếm hữu và quản lý Hoàng Sa - tức là cả quần đảo Hoàng Sa (Páracels) và quần đảo Trường Sa (Spratly) - thì đây là thời kỳ liên quan không chỉ tới các nước láng giềng Trung Quốc, Philippin, Mã Lai mà còn liên quan tới nhiều nước phương Tây đang đi chinh phục những đất mới, tìm kiếm những thị trường như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan...



Trong thời gian này, Tây Ban Nha đã thống trị Philippin, họ không phản đối Việt Nam mà cũng không chiếm đảo, bãi nào thuộc Hoàng Sa.



Bồ Đào Nha từ 1550 đã chiếm Ma Cao và biến nó thành một thương cảng quan trọng ở Đông Á. Người Âu đầu tiên đến Đại Việt cũng là một người Bồ Đào Nha. Chính sách của Bồ Đào Nha bấy giờ là giữ quan hệ hữu nghị, hợp tác với các Chúa Nguyễn. Tất nhiên họ không phản đối Việt Nam quản lý Hoàng Sa mà còn giúp các Chúa Nguyễn đúc súng, mua súng.



Hà Lan hai lần đánh xứ Đàng Trong nhưng không phải vì vấn đề Hoàng Sa mà vì họ đang tìm liên lạc với quân Trịnh ở ngoài Bắc.



Nếu căn cứ những sử liệu cổ mà Bắc Kinh ngày nay đưa ngày càng nhiều thì người ta có thể nghĩ rằng Trung Quốc phải là nước phản kháng mạnh nhất, liên tục nhất việc nước Việt Nam chiếm hữu và quản lý Hoàng Sa. Sự thật cho đến hết thế kỷ XIX, suốt trong 3 thế kỷ đó Trung Quốc không một lần nào phản kháng nhà cầm quyền Việt Nam. Lý do đơn giản là Hoàng Sa không nằm trong cương vực của nhà Tranh, như các sách địa lý và bản đồ đế quốc Đại Thanh đã chứng tỏ, cực Nam của Trung Quốc chỉ là đảo Hải Nam. Từ các thương gia Trung Quốc đến Trịnh Hòa, Tư lệnh một hạm đội lớn nhất thế giới thời bấy giờ, qua lại Biển Đông theo con đường qua Việt Nam đều không có ý kiến gì, và Trịnh Hòa cũng chẳng chiếm hữu một hòn đảo nào.



Sự mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Việt Nam là một hiện tượng kéo dài. Quan Hiệp trấn Thuận Hóa Lê Quý Đôn đã viết trong Phủ biên tạp lục:



“Bãi Hoàng Sa ở gần địa phận phủ Liêm Châu thuộc Hải Nam. Những người nước ta đi thuyền đôi khi có gặp những thuyền đánh cá của người Bắc quốc (Tức người Trung Quốc - Tác giả) ở ngoài biển. Giữa biển cả, người hai nước hỏi han nhau. Tôi từng thấy công văn của quan chính đường huyện Văn Xương thuộc Quỳnh Châu gửi cho xứ Thuận Hóa và trong công văn viên quan ấy đề: “Năm Càn Long thứ 18 (1753), 10 tên quân nhân ở xã An Vĩnh, thuộc đội Cát Liêm huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Nghĩa nước An Nam ngày tháng 7 đến Vạn lý Trường Sa tìm kiếm các thứ. Có 8 tên lên bộ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu (có lẽ là Nguyễn Phúc Khoát chép lầm là Nguyễn Phúc Chu vì khi đó Nguyễn Phúc Chu đã chết rồi - Tác giả) sai cai bạ Thuận Hóa là Thức Lượng hầu làm thư trả lời”1.



Trung Quốc đã không có được những tư liệu có giá trị chứng minh chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa thì liệu họ có thể viện dẫn lý do nước Việt Nam trước đây là “chư hầu” của Thiên triều để cho rằng cái mà Việt Nam dành được là thuộc về Trung Quốc không?



Đây là một vấn đề phức tạp về pháp luật.



Nước Đại Việt trước đây chịu tấn phong của triều đình Trung Quốc và phải triều cống cho Trung Quốc. Devétia đã viết trong cuốn Lịch sử quan hệ Trung Quốc với Đại Việt từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX:



“Chữ “Phiên” mà tôi dịch là vassal (chư hầu) nghĩa đen là “phên dậu, cái sàng” với nghĩa là các nước láng giềng trực tiếp của Trung Quốc đồng thời cũng là phên dậu của Trung Quốc, ghép với chữ Thần nó có nghĩa là “người canh giữ ngôi vua” hay là “người bảo vệ biên cương”. Đời Bắc Tống, chức danh này đã tặng cho một số công thần láng giềng giáp biên giới, họ chỉ suy tôn Trung Quốc nhưng bị coi là thần dân Trung Quốc”2.



Chế độ chư hầu, chủ yếu áp dụng dưới đế quốc Ottoman, là một tiền thân của chế độ bảo hộ. Nó đặt ra 2 loại nghĩa vụ: nghĩa vụ của nước chư hầu (đóng góp tiền, chi viện quân sự) và nghĩa vụ của nước tôn chủ (giúp đỡ quân sự nước chư hầu).



Trung Quốc sắc phong vua Đại Việt nhưng không có nghĩa vụ đem quân bảo vệ Đại Việt khi bị xâm lược. Đại Việt nộp cống cho Trung Quốc nhưng không có nghĩa vụ đóng góp tiền, đóng góp quân cho Trung Quốc. Về đối nội cũng như đối ngoại Đại Việt có quyền hành động mà không cần hỏi ý kiến Thiên triều (thí dụ khi ký các hiệp ước với Pháp thế kỷ XIX). Sự chấp nhận tấn phong có thể ví như sự chấp nhận hệ tư tưởng, nền văn hóa của Trung Quốc như ngày nay người ta đứng về “thế giới tự do”, về “phe xã hội chủ nghĩa”. Với sự phân biệt “phiên quốc” và “chư hầu” như thế, Trung Quốc hoàn toàn không có cái gọi là “quyền tôn chủ” đối với nước Đại Việt.



Với sự thâm nhập của Pháp vào Việt Nam thế kỷ XIX, ảnh hưởng chính trị của Thiên triều đã bị quét sạch hoàn toàn.



Hiệp ước hòa bình và liên minh ngày 15-3-1874 giữa Pháp và Đại Nam ghi rõ:



“Điều 1: Ngài Tổng thống nước Cộng hòa Pháp thừa nhận chủ quyền của Quốc vương Đại Nam và sự độc lập hoàn toàn của nhà vua đối với bất kỳ cường quốc ngoài nào, hứa giúp đỡ và chi viện và cam kết, theo yêu cầu của nhà vua, cung cấp không lấy tiền sự hỗ trợ cần thiết để duy trì trật tự và yên ổn trong đất nước mình để bảo vệ đất nước chống mọi cuộc tiến công và để đánh tan nạn cướp đang quấy nhiễu một phần bờ biển của Vương quốc”.



“Điều 2: Đáp lại sự che chở đó, Quốc vương Đại Nam cam hết giữ chính sách đối ngoại của mình phù hợp với chính sách đối ngoại của nước Pháp và không thay đổi quan hệ ngoại giao hiện nay của mình”.



Hiệp ước hòa bình ngày 25-8-1883 quy định:



“Điều 1: Nước Đại Nam thừa nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp với những hậu quả của phương thức quan hệ này về phương diện luật ngoại giao Châu Âu, nghĩa là nước Pháp chủ trì mọi quan hệ của tất cả các cường quốc ngoại quốc kể cả Trung Quốc, với Chính phủ Đại Nam. Chính phủ Đại Nam chỉ có thể giao dịch ngoại giao với các cường quốc ấy qua sự trung gian của nước Pháp thôi”.



Trong Công ước sơ bộ ký với Pháp tại Thiên Tân ngày 11-5-1884, Trung Quốc đã cam kết:



“2. Tôn trọng hiện tại và trong tương lai các hiệp ước trực tiếp đã ký hoặc sắp ký giữa nước Pháp và Triều đình Huế” (điều 2).



Hiệp ước Huế ký ngày 6-6-1884 giữa Pháp và nước Đại Nam quy định:



“Điều 1: Nước Đại Nam thừa nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp.



Nước Pháp sẽ đại diện nước Đại Nam trong mọi quan hệ đối ngoại của nước Đại Nam.



Những người công dân Đại Nam ở nước ngoài sẽ đặt dưới sự che chở của nước Pháp”.



Như vậy, chút ảnh hưởng nào mà Chính phủ Trung Quốc có đối với nước Việt Nam đã chấm dứt với các văn kiện ngoại giao ký kết giữa Pháp và nước Việt Nam. Vả lại, Chính phủ Nhà Thanh cũng đã cam kết tôn trọng mọi hiệp ước Pháp đã ký hay sẽ ký với Đại Nam.



6. Tình hình đến hết thế kỷ XIX



Tình hình có thể tóm tắt như sau:



- Đến khi Pháp và Việt Nam ký Hiệp ước bảo hộ năm 1884, nước Việt Nam đã chiếm hữu và cai quản liên tục hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không gặp sự phản đối của bất cứ nước nào. Max Huber đã viết trong bản án về vụ đảo Palmas: “Chủ quyền lãnh thổ bao hàm quyền độc nhất thực thi các hoạt động Nhà nước”3. Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi được.



- Cần khẳng định rằng đội Hoàng Sa khai thác và quản lý cả hai quần đảo. Có thể việc khai thác và quản lý đảo Hoàng Sa thuận lợi hơn vì ở đó gần căn cứ xuất phát Đại Chiêm, Sa Kỳ hơn. Khu vực quần đảo Trường Sa rộng hơn khu vực quần đảo Hoàng Sa (160 - 180.000 km2), chính vì nó rộng thế mà nhà chức trách lập một đội thứ hai gọi là đội Bắc Hải vẫn do đội Hoàng Sa kiêm quản và phụ trách phần phía Nam và vùng Côn Lôn. Vùng này cho đến nay vẫn là ngư trường truyền thống của nhân dân tỉnh Bình Thuận.

_____________________________________

1. Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Sđd.

2. Lịch sử quan hệ giữa Trung Quốc và Đại Nam từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX, của Deveria (Histoire des relations de la Chine avec 1- Annam du XIIIè au XIXè siècle).

3. Sentence sur l’ affaire Palmas, 1928.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét