THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

CÁC BÀI VIẾT VỀ THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

Người thành cổ Quảng trị



Thành cổ Quảng Trị


Năm 1994, Thành cổ Quảng Trị được xếp vào danh mục di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Ngày 23-3-2009, UBND tỉnh Quảng Trị quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử cách mạng Thành cổ Quảng Trị có vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng, được triển khai từ năm 2009-2015.
Thành cổ nằm ngay trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2km về phía đông và cách dòng sông Thạch Hãn khoảng 500m về phía nam.
Ban đầu Thành cổ được đắp bằng đất, đến năm 1827 được vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có hình vuông, chu vi tường thành 2.000m, cao 9,4m, bao quanh có hệ thống hào, có bốn cửa Đông Tây Nam Bắc. Sau này Thành cổ vừa là công trình quân sự, vừa là trụ sở chính của nhà Nguyễn trên đất Quảng Trị (1909-1945). Năm 1972, trải qua 81 ngày đêm Thành cổ như một túi bom của kẻ thù. 81 ngày đêm, từng giờ từng phút trôi đi là biết bao mất mát, biết bao máu xương trộn lẫn với từng nắm đất nơi đây Thành cổ bị san bằng, chỉ còn sót lại một cửa phía đông.
Đến nay, trên những bức tường thành vẫn còn chi chít mảnh bom đạn. Qua một chiếc cầu bắc qua con sông nhỏ dẫn chúng tôi đến cổng thành vào bên trong. Khác với tưởng tượng của tôi, Thành cổ không có một ngôi mộ riêng nào cả. Sừng sững trước mắt tôi là một đài tưởng niệm duy nhất giữa bốn bề cỏ non và cây xanh mơn mởn.
Tượng đài được xây dựng khá cao, hình tròn tượng trưng nấm mồ chung cho những người con đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Bước lên đài tưởng niệm, du khách có thể nhìn được toàn cảnh Thành cổ. Tượng đài tạo ra một thế lưỡng nghi, trên là phần dương, dưới là phần âm. Phần dương có một lỗ thông từ dương xuống âm và hai nửa vầng trăng khuyết. Nó như diễn tả triết lý kinh Dịch: Trong âm có dương và trong dương có âm.
Phía bên dưới là phần âm, bên trong phần âm có đặt hành trang người lính (mũ và balô). Phần dương hướng lên trời với một cây Thiên mệnh. Nó có ý nghĩa đưa linh hồn các chiến sĩ đến sự siêu thoát trên thiên đường. Cây thiên mệnh đó xuyên qua ba áng mây tượng trưng cho: thiên, địa, nhân.
Phía trên cây thiên mệnh có một ngọn nến, tượng trưng cho ánh hào quang tỏa sáng nơi nơi. Và cũng là để nhắc nhở thế hệ sau luôn nhớ đến công lao trời biển của cha ông mình. Dưới tầng mây cuối cùng có hình tượng trưng cho ba bát cơm cúng người đã khuất. Điều đặc biệt là ngoài vòng tròn có gắn 81 tờ lịch, thể hiện 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt giữ Thành cổ của quân giải phóng.
Từng đoàn người bước lên dâng hương, hoa tưởng niệm. Khúc mặc niệm vang lên là lúc thiêng liêng nhất, không ai cầm nổi nước mắt.
Khi cô hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến Bảo tàng Thành cổ, tôi không khỏi xúc động trước những di vật còn lại nơi đây. Là thế hệ trẻ, chưa một lần biết đến khói lửa chiến trường. Nơi đây còn minh chứng cho quá khứ hào hùng của dân tộc.
Những lá thư nặng lòng của người con gửi về quê mẹ, tinh thần lạc quan của các chiến sĩ trẻ với những nụ cười ngời lên trong bom đạn... Những dòng nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn viết trước lúc hi sinh khoảng một tuần: "19-8-1972: Ngày mai tôi giáp trận. Ác liệt, đấy là một điều tất nhiên của chiến trận. Rất có thể rồi đây tôi sẽ ngã xuống.
Không can gì, đấu tranh là phải đổ máu. Có máu mới có màu đỏ, có chiến thắng. Không sợ chết, không sợ hi sinh, gian khổ. Cái chủ yếu là phải sống. Cuộc sống đẹp nhất là sống trong chiến trận. Cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời được tôi rèn". Thiết nghĩ trong thời bình hôm nay, đó vẫn là lý tưởng sống mà tuổi trẻ hôm nay nên noi theo: "Cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời được tôi rèn".
Nhìn làn khói hương nghi ngút lan tỏa ở đài tưởng niệm, tôi chợt nhớ đến những câu thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương, khi ông trở lại chiến trường xưa rải những bông hoa trắng xuống dòng Thạch Hãn:

"Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Những tuổi đôi mươi thành sóng nước
Giữ yên bờ bãi mãi ngàn năm...". 

ĐỔ HUYỀN ANH
(K9 ĐH Văn hóa Hà Nội)/ www.tuoitre.com.vn

--------------------------------------------------
Ngày 1.5.1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng hoàn toàn. Quảng Trị là một địa danh được thế giới biết đến bởi nơi đây từng là mảnh đất ác liệt nhất, mang nhiều "dấu tích" của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Những cái tên: Thành cổ, địa đạo Vịnh Mốc, nhà tù Lao Bảo, hàng rào điện tử McNamara, căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu... trở thành điểm đến của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Thành cổ Quảng trị được xếp vào danh mục những di tích quốc gia và còn là điểm thu hút hấp dẫn khách tham quan nhất là khách quốc tế. Thành cổ Quảng Trị nổi tiếng bởi cách đây 35 năm đã diễn ra trận chiến ác liệt diễn ra suốt 81 ngày đêm giữa lực lượng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và lực lượng Việt Nam Cộng hoà, có sự yểm trợ với vũ khí tối tân của quân đội Mỹ hòng chiếm lại thành cổ. Mỗi tấc đất ở thành cổ đều có bom đạn và xác người. Người dân đã coi thành cổ là vùng đất tâm linh.
Sau giải phóng, tượng đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh ở thành cổ được xây dựng. Tượng đài hình tròn tượng trưng nấm mồ cho những người đã mất. Tượng đài tạo ra một thế lưỡng nghi, trên là phần dương, dưới là phần âm. Phần dương có một lỗ thông từ dương đến âm và hai nửa vầng trăng khuyết, thể hiện dương có âm và âm có dương.
Trong phần âm có đặt hành trang người lính (mũ và balô), phần âm hướng lên trời, một cây thiên mệnh với ý nghĩa đưa linh hồn các liệt sĩ lên chốn thiên đường. Cây thiên mệnh xuyên qua ba áng mây thể hiện: Thiên (trời), địa (đất) và nhân (người).
Phía trên cây thiên mệnh có một ngọn nến tượng trưng ánh hào quang toả sáng, dưới tầng mây cuối cùng có gắn hình tượng chung cho ba bát cơm cúng người đã khuất. Ngoài vòng tròn có gắn 81 tờ lịch, thể hiện 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt giữ thành cổ của các chiến sĩ quân giải phóng. Phía dưới tượng đài làm theo hình bát quái.
Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, Ngân hàng Công thương VN đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng tháp chuông (quả chuông nặng trên 7 tấn, trị giá gần 4 tỉ đồng).
Tháp chuông được đặt tại quảng trường từ thành cổ đến bờ sông Thạch Hãn, được khánh thành vào sáng ngày 29.4.2007; để đến ngày lễ, ngày rằm, tiếng chuông vang lên, siêu thoát linh hồn các liệt sĩ đã hy sinh.
Quảng trường đã nối liền không gian giữa thành cổ và dòng sông Thạch Hãn - dòng sông nghĩa trang. Dòng sông này là nơi yên nghỉ của không biết bao nhiêu chiến sĩ từ bờ bắc vượt sông vào thành cổ để chiến đấu.
Hàng năm, cứ đến ngày 30.4 hay ngày 27.7, nhân dân ở đây lại thả những bó hoa xuống dòng sông để tưởng nhớ các liệt sĩ. Tưởng nhớ đồng đội đã không trở về, một người lính chiến đấu bảo vệ thành cổ đến bên dòng sông, thả hoa, rót chút rượu xuống dòng nước và viết: Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Những tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Giữ yên bờ bãi mãi ngàn năm".

Nguồn : Quảng Trị/http://www.tourdulichvietnam.com/
----------------------------------------------

Người trở về từ Thành Cổ Quảng Trị

TP- Một sáng mùa hè năm 2005, sau ba mươi tư năm, kể từ ngày những sinh viên trẻ măng rời Hà Nội vào chiến trường máu lửa, có một người cựu chiến binh - thương binh đến trồng bên mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc hai cây bạch đàn.
Đây loài cây mà Nguyễn Văn Thạc yêu thích, được nhắc tới nhiều lần trong những trang nhật kí Mãi mãi tuổi hai mươi. Anh là đồng đội, nhập ngũ cùng ngày với Nguyễn Văn Thạc (6/9/1971), nhưng may mắn hơn, anh đã có cơ hội đi tiếp vào “chảo lửa” Quảng Trị, có mặt trong 81 ngày đêm khốc liệt và bi tráng của Thành Cổ trong mùa hè đỏ lửa năm 1972.
Người cựu chiến binh đó là ông Nguyễn Quốc Triệu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đấu tranh thống nhất đất nước, Quảng Trị là chảo lửa tiếp tuyến giữa hai miền Nam - Bắc, nơi đụng độ quyết liệt giữa ta và địch. Người ta ước tính rằng, cứ mỗi mét vuông đất ở Quảng trị phải hứng chịu 250 kg bom pháo. Số lượng đạn bom của kẻ thù dội xuống Quảng Trị có sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945.
Tính riêng ở Thành Cổ, trung bình một chiến sĩ giải phóng phải hứng chịu 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Có ngày địch xả vào Thành Cổ 5.000 quả đại bác, vài chục lượt B52 quần đảo.
Cho đến nay, chưa có con số thống kê chính xác bao nhiêu người lính đã nằm lại Thành Cổ Quảng Trị. Có tài liệu ghi hơn một vạn, có  tài liệu ghi hơn một vạn rưỡi, nhưng tại nghĩa trang Thành Cổ chỉ quy tập được chưa đầy một ngàn nấm mộ, hầu hết là vô danh.
Biết bao chiến sĩ trẻ vừa rời giảng đường đại học đã mãi mãi nằm lại trong đống đổ nát của Thành Cổ và cả dưới dòng sông Thạch Hãn. Lê Bá Dương đã viết những câu thơ yêu thương máu ứa: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.
Máu xương của hơn một vạn người lính đã nằm xuống Thành Cổ ngày ấy đã góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris 1973 và Đại thắng Mùa xuân năm 1975. Nhiều người trong lớp sinh viên vào tuyến lửa năm ấy may mắn được trở về cứ mãi đau đáu với nghĩa tình đồng đội, lao vào cuộc chiến đấu mới trong công cuộc xây dựng đất nước, gánh cả phần việc của những đồng đội đã hy sinh.
Cùng với ông Nguyễn Quốc Triệu, đồng đội năm ấy nhiều người hôm nay cũng đang nắm giữ các trọng trách khác nhau như ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân và hàng ngàn kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà văn hoá… hoạt động trên nhiều lĩnh vực công tác.
Ông Nguyễn Trọng Bường, một cựu chiến binh Thành Cổ người Quảng Trị đã rưng rưng hồi tưởng lại trong lễ trao Kỉ niệm chương bảo vệ thị xã Thành Cổ ngày 22/12/2006 tại Hà Nội: “Hồi đó, thấy mấy anh từ Bắc vô, anh nào cũng trắng trẻo, thư sinh, đẹp trai, nhìn mấy anh tụi tui thấy tiếc, cứ nghĩ những người như mấy anh phải đi học,  phải là bác sĩ, kỹ sư để xây dựng đất nước chứ răng lại vô đây cầm súng chiến đấu?”.
Vậy đó, chính lớp chiến sĩ - sinh viên ấy đã làm nên trang sử hào hoa trong khúc ca bi tráng của Thành Cổ Quảng Trị. Đúng như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, khi nói về những người lính Thành Cổ đã viết: “Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hoà bình, chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh”.
Không có may mắn đi hết cuộc chiến tranh, không được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhưng trong những thời khắc máu lửa, trong những giờ phút đối mặt với cái chết, đối mặt với thử thách khốc liệt ấy, người lính trẻ Nguyễn Quốc Triệu cùng đồng đội Trương Xuân Hương đã vinh dự được kết nạp Đảng tại trận (ngày 25/8/1972). Đó là 2  chiến sĩ tiêu biểu của cả Đại đội quân y, được chọn lựa sau thử thách  một chiến dịch ác liệt.
Lễ kết nạp Đảng tổ chức ngay trong một căn hầm dã chiến ở thôn An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Giờ phút thiêng liêng trước Đảng kỳ năm đó mãi in sâu trong tâm trí ông: “Đồng đội ơi, sao đồng đội không về/ Vinh dự thế mà lòng son máu ứa/ Trên nóc hầm vẫn gầm gào đạn nổ/ Ôm súng xông lên sau phút thiêng này”(thơ Lê Cảnh Nhạc).
Về cuộc pháo kích dữ dội khiến ông Nguyễn Quốc Triệu bị thương năm ấy, ông Ngô Thản - nguyên Chủ nhiệm hậu cần Trung đoàn18 chiến đấu ở phía Nam Thành Cổ Quảng Trị và ông Dung- nguyên là chiến sĩ y tá, quê Thái Bình kể lại: Đó là một ngày khốc liệt. Khi C24 vừa được điều động đến địa điểm tập kết thì địch nã pháo dồn dập vào trúng đội hình đại đội quân y. Căn hầm chữ A của ông Triệu và một đồng đội khác bị quả đạn pháo gần kề cắt đứt nóc.
Cả “cái mũ” chữ A bay đi. Ngớt tiếng bom pháo, ông Ngô Thản cùng Đại đội trưởng Phan Ngọc Sơn đi kiểm tra thì thấy ông Triệu bị thương nặng ở ổ bụng,  máu tuôn trào. Đại đội trưởng Phan Ngọc Sơn và y tá Trương Xuân Hương cõng ông Triệu xuống xuồng máy, cho chở ngay ra bệnh viện mặt trận ở Cam Lộ. Xuồng chở ông Triệu đi được nửa chừng thì chết máy.
Tình hình hết sức nguy cấp. Vết thương ở ổ bụng càng ra máu nhiều, nếu không nhanh thì tính mạng khó qua khỏi. Vậy là các chiến sĩ quân y phải bỏ xuồng máy, khiêng ông Triệu và các đồng chí thương binh chạy bộ 3 cây số mới tới bệnh viện mặt trận đặt tại Cùa. Hôm đó may mắn là bệnh viện vừa được tăng cường đội điều trị của  quân y viện 103 từ miền Bắc nên anh Triệu đã được cứu sống...
Đã ba mươi sáu năm trôi qua, trang sử bi tráng của 81 ngày đêm máu lửa ở Thành Cổ Quảng Trị vẫn trào dậy trong kí ức những Cựu chiến binh- Người lính - Sinh viên hào hoa mà trung kiên năm ấy. Hằng năm, cứ đến ngày 6/9 - ngày lớp sinh viên trẻ rời giảng đường đại học vào tuyến lửa, các anh Nguyễn Quốc Triệu, Đinh Thế Huynh, Trịnh Quân Huấn, Trương Xuân Hương, Đỗ Hán, Dương Cao Tường, Nguyễn Văn Khanh, Trần Sỹ Lập, Hoàng Văn Dung ... và nhiều đồng đội cũ lại gặp nhau để ôn lại những kỷ niệm chiến trường, gắng làm điều gì đó cho đồng đội, cho những người đã hy sinh.
Mãi ba mươi lăm năm sau, ông Nguyễn Quốc Triệu mới tìm lại được đại đội trưởng Phan Ngọc Sơn của mình, cũng là người giới thiệu ông vào Đảng, hiện đang công tác ở Hội Chữ thập đỏ Cần Thơ. Ông Bộ trưởng tóc hoa râm khiêm nhường chào Thủ trưởng như đang đứng giữa hàng quân ba mươi lăm năm về trước.
Người đại đội trưởng năm nào nay tóc mây mướt gió, tâm hồn nghệ sĩ, thấp thoáng bóng dáng của tài tử hào hoa, sống chan hòa vào cỏ cây hoa trái của bình dị đời thường. Họ đều trở về từ Thành Cổ Quảng Trị, mỗi người một vị trí khác nhau nhưng cùng có một điểm chung, đó là tuổi tác và thời gian không thể xoá nhòa được dư âm hào sảng của năm tháng chiến trường gắn bó bên nhau, vào sinh ra tử, với tâm hồn trong sáng, vô tư và tình yêu cuộc sống thiết tha của một thời Sinh viên - Chiến sĩ.


------------------------------------------------------------------------------

Thành cổ Quảng Trị - Du ký mùa thu

Tôi đến Thành Cổ vào giữa trời trưa nắng nóng. Thành Cổ giờ đã trở thành một công viên lớn ở Quảng Trị, là địa điểm tham quan của hầu hết khách du lịch có dịp ghé qua tỉnh này. Lối đi vào khu tưởng niệm có hoa trồng bên đường rất đẹp mắt. Có lẽ người ta cũng ít nghĩ rằng đây đã từng là một trong những chiến trường ác liệt bậc nhất trong lịch sữ chiến tranh của nhân loại. Nơi đây đã là nấm mồ chung cho rất...rất nhiều chiến sĩ của cả hai phía. Chính vì vậy, mặc dù giữa tiết trời trưa hè, nhưng tôi vẫn cảm thấy một không khí lạnh lẽo, nặng nề khi đứng thắp hương trên đài tưởng niệm.
CUỘC CHIẾN TRONG CỔ THÀNH: Hai phần ba tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng vào đầu năm 1972 là sự quyết định thắng lợi tại bàn Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Vì vậy, để làm thay đổi hội nghị, Mỹ - ngụy đã âm mưu huy động tối đa lực lượng và phương tiện nhằm tái chiếm thị xã Quảng Trị mà trong đó mục tiêu đánh phá hàng đầu là Thành Cổ.
Tại thị xã nhỏ bé chưa đầy 2Km2 này, địch đã tập trung vào đây mỗi ngày 150 - 170 lần máy bay phản lực, 70 - 90 lần máy bay B52, 12 - 16 tàu khu trục, tuần dương hạm, 2 sư đoàn dù và thuỷ quân lục chiến, 1 liên đoàn biệt động, 4 trung đoàn thiết giáp (với 320 xe tăng, xe bọc thép) và hàng chục tiểu đoàn pháo cỡ lớn...
Chỉ trong vòng 81 ngày, Mỹ- ngụy đã ném xuống đây gần 330.000 tấn bom đạn (tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945). Riêng ngày 25/7, chúng xả vào Thành Cổ hơn 5.000 quả đại bác.
Trước cuộc tấn công cực kỳ khốc liệt đó, quân và dân Việt Nam dù số lượng không đông song với ý chí quyết tâm cao độ, tinh thần chiến đấu kiên cường đã đánh địch bật ra khỏi Thành Cổ và cả thị xã mà có khi "mỗi mét vuông đất là cả một mét máu".
Chiến công ở Thành Cổ Quảng Trị đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam những trang hào hùng. Thành Cổ là nơi hi sinh cao quý của biết bao chiến sĩ giải phóng quân và nhân dân Quảng Trị.

* Vị trí:
Thành Cổ Quảng Trị nằm ngay ở trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2km về phía Đông, cách bờ sông Thạch Hãn 500m về phía Nam .

* Kiến trúc:
Khuôn viên Thành Cổ Quảng Trị có dạng hình vuông với chu vi tường thành là 2000m, cao 94m, dưới chân dày 12m. Bên ngoài thành có hệ thống hào rộng bao quanh. Bốn góc thành là 4 pháo, đài cao, nhô hẳn ra ngoài. Các cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu xây vòm cuốn, rộng 3,4m, phía trên có vọng lâu, mái cong, lợp ngói, cả 4 cửa đều nằm chính giữa 4 mặt thành.

* Lịch sử:
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đặt chính quyền bảo hộ thì Thành Cổ lại có thêm nhà lao, toà mật thám, trại lính khố xanh, cơ quan thuế đoạn... Từ năm 1929 đến năm 1972, nhà lao Quảng Trị là nơi giam cầm các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước và chính nơi đây đã trở thành trường học chính trị, để rèn luyện ý chí son sắt, đấu tranh trực diện với kẻ thù của những người yêu nước.
Thành Cổ Quảng Trị còn được thế giới biết đến và kính phục bởi cuộc đấu tranh anh dũng để bảo vệ Thành Cổ suốt 81 ngày đêm của các chiến sĩ giải phóng quân và nhân dân Quảng Trị
Do phải gánh chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ trong chiến tranh nên từ sau hoà bình lập lại, Thành Cổ chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, cổng tiền, hậu...
Từ năm 1993 - 1995, hệ thống hào, cầu, cống, một số đoạt thành, cổng tiền đã được tu sửa, hàng nghìn cây dừa đã mọc lên phía trong thành. Đặc biệt một đài tưởng niệm lớn đã được xây dựng ở chính giữa Thành Cổ. Đài tưởng niệm được đắp nổi bằng đất có hình một nấm mồ chung, bốn phía gia cố xi măng tạo thành hình bốn cửa của Thành Cổ, phía trên là nơi để mọi người thắp hương tưởng niệm.
Hiện nay Thành Cổ được Nhà nước đầu tư để tôn tạo các khu vực:
- Khu ghi dấu ấn về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở góc Đông Nam, tái toạ lại chiến trường năm 1972 với hầm hào, công sự, hố bom… Tại đây sẽ đặt 81 khối đá tự nhiên tạc văn bia mô tả cuộc chiến đấu phi thường của quân và dân ta.
- Khu phục dựng Thành Cổ nguyên sinh: ở phía Đông bắc, thu nhỏ kiến trúc các công trình cổ, trồng một rừng mai vàng để gợi biểu tượng non Mai sông Hãn.
- Khu công viên văn hoá: ngoài tượng đài và nhà trưng bày bổ sung hai tầng, tại phía tây và tây nam này xây dựng một công viên có nhiều lối đi, ghế đá, cây cảnh, hồ nước, sân chơi,...


---------------------------------------------------------------------------------------------------
Quảng Trị: một thời khói lữa - Du ký mùa thu

Quảng Trị là một vùng quê nghèo của miền Trung. Khí hậu khắc nghiệt, với gió Lào khô da bỏng thịt vào mùa nắng và những trận mưa dầm dề của mùa mưa. Đây cũng là vùng tâm bảo của Việt Nam với rất nhiều cơn bão ghé thăm khu vực này hàng năm. Bao đời nay, Quảng Trị vẫn nghèo như thế. Dọc trên con đường từ Huế ra đến Quảng Trị, khung cảnh của vùng này còn khá hoang vu và xơ xác. Hai bên đường hàng quán lơ thơ, cảnh trí đơn điệu đến nao lòng.

Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia (ND)

Nhưng nhắc đến Quảng Trị, có lẽ người ta nhớ nhiều hơn về những khía cạnh lịch sữ đã được ghi vào vùng đất này. Đây chính là vùng đất chia cắt 2 miền Nam – Bắc của Việt Nam tại vỹ tuyến 17. Cho đến nay, cây cầu Hiền Lương ở vỹ tuyến 17 vẫn còn hiện diện như là chứng nhân lịch sữ của một thời kỳ binh đao khói lữa.
Chính vì vị trí đặc biệt như vậy, Quảng Trị đã trở thành một khu vực tranh chấp hết sức quyết liệt giữa hai phía Bắc – Nam . Là chiến trường của những trận đánh khốc liệt mà mỗi bước tiến công đều phải trả giá bằng sự ngã xuống của hàng ngàn chiến sĩ của cả hai phía. Cũng bởi vì vậy, cả hai nghĩa trang liệt sĩ to nhất nước đều tập trung ở vùng này: Nghĩa Trang Liệt Sĩ Trường Sơn và Nghĩa Trang Thành Cổ Quảng Trị. Và đây cũng chính là nơi đã diễn ra rất nhiều các đại lễ trai đàn cầu siêu cho các oan hồn đã khuất.
Trận đánh lớn nhất ở khu vực này chính là Chiến dịch Xuân hè 1972 (còn gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa). Đây là cuộc tổng tấn công chiến lược bằng các chiến dịch tiến công quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng của quân đội nhân dân Việt Nam (Bắc Việt), tiến công sâu hệ thống phòng ngự của quân đội Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt). Chiến sự ác liệt nhất diễn ra ở khu vực Trị Thiên (Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) với thương vong rất nhiều dành cho cả hai phía.

Thành cổ Quảng Trị

Vị trí
Thành Cổ Quảng Trị nằm ngay ở trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2km về phía Đông, cách bờ sông Thạch Hãn 500m về phía Nam.
Đây vừa là công trình thành luỹ quân sự, vừa là trụ sở hành chính của nhà Nguyễn trên đất Quảng Trị từ năm 1809 đến năm 1945. Theo các nguồn tài liệu thì vào đầu thời Gia Long, thành được xây dựng tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành - Triệu Phong),  đến năm  1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (nay là phường 2 thị xã Quảng Trị).

Kiến trúc
Lúc đầu, thành được đắp bằng đất, đến năm 1827, vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Khuôn viên Thành Cổ Quảng Trị có dạng hình vuông với chu vi tường thành là 481 trượng 6 thước (gần 2000m), cao 1 trượng 94m), dưới chân dày 3 trượng (12m). Bên ngoài thành có hệ thống hào rộng bao quanh. Bốn góc thành là 4 pháo, đài cao, nhô hẳn ra ngoài. Các cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu xây vòm cuốn, rộng 3,4m, phía trên có vọng lâu, mái cong, lợp ngói, cả 4 cửa đều nằm chính giữa 4 mặt thành.
Nội thành có các công trình kiến trúc như Hành cung, cột cờ, dinh Tuần Vũ, dinh án Sát, dinh Lãnh Binh, Ty Phiên, Ty Niết, kho thóc, nhà kiểm học, trại lính … Trong đó, Hành cung được xem là công trình nổi bật nhất: bao bọc xung quanh là hệ thống tường dày, chu vi 400m, có hai cửa. Hành cung là một ngôi nhà rường, kết cấu 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói liệt, trên có trang trí các hoạ tiết: rồng, mây, hoa, lá… Đây là nơi để vua ngự và thăng quan cho các quan cấp tỉnh ở Quảng Trị hay tổ chức các lễ tiết trong năm.

Lịch sử
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đặt chính quyền bảo hộ thì Thành Cổ lại có thêm nhà lao, toà mật thám, trại lính khố xanh, cơ quan thuế đoạn... Từ năm 1929 đến năm 1972, nhà lao Quảng Trị là nơi giam cầm các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước và chính nơi đây đã trở thành trường học chính trị, để rèn luyện ý chí son sắt, đấu tranh trực diện với kẻ thù của những người yêu nước.
Thành Cổ Quảng Trị còn được thế giới biết đến và kính phục bởi cuộc đấu tranh anh dũng để bảo vệ Thành Cổ suốt 81 ngày đêm của các chiến sĩ giải phóng  quân và nhân dân Quảng Trị
Hai phần ba tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng vào đầu năm 1972 là sự quyết định thắng lợi tại bàn Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Vì vậy, để làm thay đổi hội nghị, Mỹ - ngụy đã âm mưu huy động tối đa lực lượng và phương tiện nhằm tái chiếm thị xã Quảng Trị mà trong đó mục tiêu đánh phá hàng đầu là Thành Cổ.
Tại thị xã nhỏ bé chưa đầy 2Km2 này, địch đã tập trung vào đây mỗi ngày 150 - 170 lần máy bay phản lực, 70 - 90 lần máy bay B52, 12 - 16 tàu khu trục, tuần dương hạm, 2 sư đoàn dù và thuỷ quân lục chiến, 1 liên đoàn biệt động, 4 trung đoàn thiết giáp (với 320 xe tăng, xe bọc thép) và hàng chục tiểu đoàn pháo cỡ lớn...
Chỉ trong vòng 81 ngày, Mỹ- ngụy đã ném xuống đây gần 330.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Riêng ngày 25/7, chúng xả vào Thành Cổ hơn 5000 quả đại bác.
Trước cuộc tấn công cực kỳ dã man đó, quân và dân ta dù số lượng không đông (các đơn vị của sư 320, 308, 325 là chủ yếu) song với ý chí quyết tâm cao độ, tinh thần chiến đấu kiên cường đã đánh địch bật ra khỏi Thành Cổ và cả thị xã mà có khi "mỗi mét vuông đất là cả một mét máu".
Chiến công ở Thành Cổ Quảng Trị đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam những trang hào hùng. Thành Cổ là nơi hi sinh cao quý của biết bao chiến sĩ giải phóng quân và nhân dân Quảng Trị anh hùng.
Thành Cổ Quảng Trị được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia theo quyết định số 235/VH - QĐ ngày 12/12/1986. Năm 1994, Thành Cổ Quảng Trị lại được xếp vào danh mục những di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng.
Do phải gánh chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ trong chiến tranh nên từ sau hoà bình lập lại, Thành Cổ chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, cổng tiền, hậu...
Từ năm 1993 - 1995, hệ thống hào, cầu, cống, một số đoạt thành, cổng tiền đã được tu sửa, hàng nghìn cây dừa đã mọc lên phía trong thành. Đặc biệt một đài tưởng niệm lớn đã được xây dựng ở chính giữa Thành Cổ. Đài tưởng niệm được đắp nổi bằng đất có hình một nấm mồ chung, bốn phía gia cố xi măng tạo thành hình bốn cửa của Thành Cổ, phía trên là nơi để mọi người thắp hương tưởng niệm.
Hiện nay Thành Cổ được Nhà nước đầu tư để tôn tạo các khu vực:
- Khu ghi dấu ấn về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở góc Đông Nam, tái toạ lại chiến trường năm 1972 với hầm hào, công sự, hố bom… Tại đây sẽ đặt 81 khối đá tự nhiên tạc văn bia mô tả cuộc chiến đấu phi thường của quân và dân ta.
- Khu phục dựng Thành Cổ nguyên sinh: ở phía Đông bắc, thu nhỏ kiến trúc các công trình cổ, trồng một rừng mai vàng để gợi biểu tượng non Mai sông Hãn.
- Khu công viên văn hoá: ngoài tượng đài và nhà trưng bày bổ sung hai tầng, tại phía tây và tây nam này xây dựng một công viên có nhiều lối đi, ghế đá, cây cảnh, hồ nước, sân chơi,...
Thành Cổ Quảng Trị là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và là điểm thu hút hấp dẫn khách tham quan trong nước và bè bạn quốc tế

Theo www.dostquangtri.gov.vn