THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009

Hỏi cung tướng ngụy Sài Gòn Nguyễn Vĩnh Nghi

Người thành cổ Quảng trị

Thiếu tướng Lê Phi Long

Sau khi phần lớn Tây Nguyên được giải phóng, ngày 25-3-1975, một cơ quan chiến dịch gọn nhẹ gồm cán bộ của ba tổng cục vừa được hình thành bắt đầu hành quân từ Hà Nội vào chiến trường bằng cả hai phương tiện máy bay và ô tô. Tôi cũng từ ở Bộ tổng Tham mưu với đồng chí Lê Trọng Tấn may mắn được tham gia cuộc hành quân cấp tốc này với cương vị là Trưởng phòng tác chiến mặt trận.
Ngày 4-4-1975, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 74 do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương ký, nói rõ: “Giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Lê Quang Hòa chỉ huy Quân đoàn 2 (trừ Sư đoàn 324 ở lại bảo vệ Huế, Đà Nẵng) và Sư đoàn 3 của Quân khu 5 cùng các đơn vị binh khí kỹ thuật do Bộ tổng Tham mưu điều động hành quân cấp tốc theo đường ven biển về đông nam Sài Gòn để cùng các lực lượng tại chỗ hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường trọng điểm”. Với tinh thần đó, cánh quân này được gọi là cánh quân Duyên Hải có nhiệm vụ cơ động và tác chiến dọc theo vùng duyên hải miền Trung giải phóng các tỉnh ven biển trước khi tiến vào khu vực tập kết tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sáng ngày 7 tháng 4 năm 1975, sau 2 ngày chuẩn bị, cánh quân Duyên Hải xuất phát từ Đà Nẵng bắt đầu cuộc hành quân thần tốc tiến về phía Nam và ngày 14 tháng 4 năm 1975 đánh Phan Rang, tiến công tuyến phòng thủ từ xa của quân đội Sài Gòn. Lực lượng địch ở Phan Rang gồm lữ đoàn 2 dù, sư đoàn 2 bộ binh mới phục hồi, liên đoàn 31 biệt động quân, sư đoàn 6 không quân ở Thành Sơn có hơn 100 máy bay các loại, cùng các đơn vị địa phương quân của Tiểu khu Ninh Thuận, quân số tổng cộng khoảng hơn một vạn tên do Bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 chỉ huy, đứng đầu là trung tướng 3 sao Nguyễn Vĩnh Nghi.
5 giờ sáng ngày 14 tháng 4 năm 1975, quân ta bắt đầu tấn công Phan Rang, đến khoảng 10 giờ ngày 16 tháng 4 thì hoàn toàn làm chủ thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn, bắt sống trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, cố vấn Mỹ Javel Lewis cùng nhiều sĩ quan khác của quân ngụy Sài Gòn. Nhận được báo cáo về việc quân ta đã bắt sống được tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, đồng chí Lê Trọng Tấn rất mừng. Là tướng vừa ở Tổng hành dinh ra trận, vốn có tầm nhìn chiến lược, Trung tướng liền gọi tôi tới giao nhiệm vụ đi hỏi cung ngay hai viên tướng ngụy vừa bắt được. Trước khi đi, Tư lệnh bảo tôi: “Đối với tù binh cấp tướng như Nghi và Sang, đồng chí chỉ cần tìm hiểu hai vấn đề: Một là, có khả năng Tổng thống Thiệu bị lật đổ không, và Thiệu đổ thì ai sẽ thay thế? Hai là, nếu quân ta đánh vào Sài Gòn thì liệu Mỹ có can thiệp không?”. Rồi ông vui vẻ nói đùa: “Cậu có mái đầu bạc xem ra có vẻ lão tướng. Làm việc này thuận lợi đấy”.
Sau khi nhận được lệnh đó, tôi liền liên lạc điện thoại ngay với đơn vị đang giam giữ Nghi, Sang và tên cố vấn Mỹ. Đơn vị cho tôi biết là ba người đang ở trước mặt và họ đòi được đối xử tử tế. Tôi ra lệnh dẫn họ về một ngôi nhà tại Suối Dầu, cạnh quốc lộ 1, giao lại cho đơn vị cảnh vệ của mặt trận để tôi trực tiếp xuống hỏi cung. Lúc vệ binh dẫn họ về sau khi trời đã tối, giữa đường xe bị hỏng máy. Trên xe, ngoài hai viên tướng ngụy còn có một người Mỹ trạc 30 tuổi, từ đầu chí cuối ngồi im lặng, làm như không biết tiếng Việt nên quân ta hỏi gì cũng không trả lời. Nhưng khi màn đêm đã buông xuống, anh ta sợ quân du kích từ trong rừng ra sẽ xử anh ta, nên anh ta vội lân la đến cạnh đồng chí lái xe và nói một câu rất đúng tiếng Việt: “Tôi có thể phụ giúp các ông việc gì nào?”. Với tay nghề thành thạo, sau mười phút sửa chữa, anh ta đã làm cho chiếc xe nổ máy và đoàn người lại lên đường.
Khi ba tù binh đã về tới trại giam tạm thời tại khu vực Suối Dầu, nam Diên Khánh, tôi chỉ thị cho đơn vị cảnh vệ ở đấy tổ chức canh gác cẩn thận, cho tù binh ăn uống, tắm giặt tử tế, chờ sáng ngày mai sẽ hỏi cung. Tám giờ sáng 17 tháng 4, cuộc hỏi cung bắt đầu. Giúp việc tôi có đồng chí Mẫn, cán bộ Cục Quân báo và đồng chí Hà Thúc Đại, cán bộ Cục Địch vận. Hai đồng chí này phụ trách ghi cung và giúp tôi về mặt nghiệp vụ.
Trước khi vào cuộc, tôi hỏi thăm đêm qua họ có ngủ được không, ăn uống thế nào, có điều gì phàn nàn không? Hai tù binh tỏ lời cảm ơn và không có điều gì đề đạt. Tách riêng từng người, tôi hỏi Nguyễn Vĩnh Nghi trước. Nguyễn Vĩnh Nghi sinh năm 1927, đã có vợ và hai con, đậu tú tài, sau đó học sĩ quan. Đã qua các cấp từ úy đến tá, leo lên đến cấp trung tướng, gần đây nhất giữ chức Tư lệnh vùng 4 (đồng bằng sông Cửu Long). Do không ăn cánh với Thiệu và phạm tội tham nhũng, bị Thiệu điều về làm Giám đốc trường Bộ binh Long Thành, sau đó về làm phó cho Tư lệnh vùng 3, trung tướng Nguyễn Văn Toàn.
Sau một vài câu hỏi có tính chất thủ tục ban đầu và trấn an tư tưởng bằng cách nhắc lại một số điểm trong chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng, tôi đi ngay vào vấn đề. Tôi cũng không quên nói rõ tình hình chiến sự gần đây và hình thái quân sự của đôi bên để Nghi nhận rõ thêm tình hình tuyệt vọng của phía Sài Gòn. Tôi nói:
- Ông Nghi! Ông thấy đấy, chúng tôi đang lợi thế, sớm muộn thế nào cũng sẽ tấn công vào Sài Gòn. Khi chúng tôi vào Sài Gòn, liệu Mỹ có nhảy vào không và nhảy bằng cách nào?
- Xin lỗi ông-Vĩnh Nghi đáp-Đây là một vấn đề thuộc lĩnh vực chiến lược, một vấn đề thuộc cấp trên.
- Nhưng ông là tướng lẽ nào ông không có tầm nhìn và không có ý kiến của riêng mình?
- Nếu ông muốn hỏi ý kiến cá nhân thì tôi cũng có thể trả lời. Tôi thấy người Mỹ hứa nhiều, nhưng chẳng làm bao nhiêu. Nói một cách khác, Mỹ ít giữ lời hứa với bạn bè mỗi lúc đụng chạm tới quyền lợi của họ. Vả lại, nước Mỹ cũng đang bê bối lắm. Làm bạn với Mỹ thật khó.
- Cảm ơn ông đã nói thật suy nghĩ của mình. Thế về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chúng tôi được biết gần đây ông Thiệu không còn được tín nhiệm trong hàng ngũ tướng lĩnh. Trước tình hình nghiêm trọng như hiện nay mà ông Thiệu là người chịu trách nhiệm chính, ông có nghĩ đến việc ông Thiệu từ chức hoặc bị đánh đổ không? Nếu trường hợp đó xảy ra, theo ông thì ai là người có khả năng lên thay thế ông Thiệu?
- Tôi nghĩ rằng tình hình đã đến mức nghiêm trọng mà tướng lĩnh chúng tôi thì mỗi người có cách suy nghĩ riêng, có chỗ dựa riêng, khó đồng tâm nhất trí. Hiện nay chỉ có ông Thiệu là người duy nhất đoàn kết được các tướng lĩnh và quốc dân đồng bào. Nếu ông Thiệu cũng bó tay thì coi như mọi việc đã kết thúc.
Nói xong Vĩnh Nghi nhìn sang một phía khác, cặp mắt lơ đễnh hình như không muốn nói thêm điều gì. Tôi thấy cần phải đánh vào lòng tự ái của Nghi, khêu gợi sự chống đối của hắn ta đối với những người đã hạ bệ mình. Tôi nói:
- Ông Nghi! Ông kể thật khó lý giải tại sao một người như ông, nguyên Tư lệnh vùng 4, một vùng giàu có, có một vị trí chiến lược quan trọng, mà lại phải điều về làm phó cho ông Toàn cũng là Tư lệnh một vùng?
Hình như hiểu rõ ý đồ của tôi, Vĩnh Nghi nhẹ cười và nói vắn tắt:
- Tôi là một quân nhân. Tôi chỉ biết chấp hành lệnh trên.
- Theo ý ông thì tại sao Phan Rang bị thất thủ nhanh như vậy trong lúc các ông đã tuyên bố tử thủ tại Phan Rang?
- Đối với người chỉ huy từng trải như ông, điều đó cũng dễ hiểu thôi! Sở dĩ Phan Rang thất thủ nhanh vì ba lẽ: Một là, binh lính mất tinh thần không chịu chiến đấu. Hai là, chúng tôi thiếu tiếp liệu, thiếu vũ khí, đạn dược cần thiết. Ba là, chúng tôi thiếu thời gian. Xin lỗi ông, nếu chậm một tháng nữa các ông mới tới thì tình hình có thể khác.
Đánh vào tự ái của Nghi không được, tôi chuyển sang phương pháp khác. Tôi rót nước, đưa thuốc lá mời Nghi nhưng Nghi từ chối hút thuốc, chỉ uống nước.
- Chúng ta có thể kết thúc cuộc nói chuyện tại đây. Ông có đề nghị gì không?
- Hiện nay tôi là một tù binh, tính mạng nằm trong tay các ông. Yêu cầu các ông tuân theo đúng luật pháp quốc tế về vấn đề tù binh mà Hiệp định Giơ-ne-vơ đã quy định. Nếu các ông làm khác đi thì mình tôi xin chịu cả, xin đừng làm hại gia đình, vợ con tôi. Xin cảm ơn các ông.
Tôi được dịp nói rõ thêm để Nghi an lòng:
- Ông thấy đấy, chúng tôi đối xử với tù binh rất nhân đạo. Từ khi ông bị bắt đến giờ, chúng tôi đối đãi với ông chắc không có gì đáng để ông phàn nàn. Nhưng tôi cũng khuyên ông một điều: phải nhận rõ mình là người có tội với dân tộc, với nhân dân, phải biết ăn năn, hối lỗi, thành thật khai báo để lập công chuộc tội. Ông có sớm được về với vợ con gia đình là tùy thuộc thái độ của ông. Ông sẽ được về tuyến sau.
Đến đây, Vĩnh Nghi hơi chột dạ, hình như muốn nói gì thêm. Tôi không bỏ lỡ dịp tốt:
- Tôi còn ít thời gian. Nếu ông muốn chúng tôi sẽ trao đổi thêm về thế cuộc. Không rõ các ông đánh giá thế nào về chúng tôi?
- Tôi cũng không có nhiều thông tin. Bộ tổng Tham mưu cũng chẳng mấy thông báo, chỉ biết là các ông có một số lực lượng mới chuyển từ miền Bắc vào, có ý định đánh chiếm Sài Gòn theo hai hướng, đường 1 và đường 22, sử dụng lực lượng có sẵn tại chỗ là chủ yếu.
- Ông có thể phân tích đôi điều về trận chiến sắp tới nếu xảy ra không?
- Thật là khó nói lúc chưa có đủ các yếu tố. Về các ông thế nào thì tôi chưa được rõ lắm, tôi chỉ nói về phía chúng tôi. Chúng tôi đang ở thế yếu. Cách phòng thủ Sài Gòn hiện nay là phòng thủ từ xa theo hình vòng cung từ Gò Dầu Hạ, Lai Khê, Biên Hòa, Xuân Lộc, lực lượng mỗi hướng có khoảng một sư đoàn. Còn trong nội đô thì không có chủ lực, không tổ chức phòng ngự kiên cố, chỉ có lực lượng cảnh sát, địa phương quân, nhân dân tự vệ… Nếu các ông diệt được lực lượng án ngữ vòng ngoài, khống chế và làm tê liệt sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hoà và chiếm được hai mục tiêu quan trọng là Bộ tổng Tham mưu và trại Hoàng Hoa Thám của quân dù thì các ông sẽ làm chủ Sài Gòn, Sài Gòn sẽ sụp đổ nhanh.
Thấy thái độ của Vĩnh Nghi đã có chuyển và đã nói ra được những điều mà cả cơ quan tham mưu chiến lược của ta cũng đang cần biết, tôi bèn tranh thủ “lấn sân” luôn:
- Ông có nhận xét gì về tác dụng của các sân bay trong hoàn cảnh hiện nay không?
- Hiện nay lực lượng bị căng mỏng, lực lượng trù bị còn ít nên phía chúng tôi chủ yếu dựa vào không quân của bốn sân bay Thành Sơn, Biên Hòa, Tân Sơn Nhất và Cần Thơ. Nay sân bay Thành Sơn đã bị mất, chỉ còn lại ba cái mà quan trọng nhất là sân bay Biên Hòa vì toàn bộ máy bay F.5 và A.37 đều được sửa chữa và bảo trì tại đây, còn sân bay Tân Sơn Nhất và Cần Thơ không có kỹ thuật để bảo trì hai loại phản lực này. Muốn khống chế sân bay, dùng pháo bắn từng đợt cũng tốt, nhưng trong lúc này tôi sợ nhất lối bắn liên tục kéo dài của các ông, cứ 15 - 30 phút bắn một đợt, mỗi đợt vài phát vào hai đầu đường băng. Như vậy thợ máy không dám ra bảo dưỡng và lắp bom, máy bay không dám cất cánh.
- Còn kho tàng, nên phá hủy cái nào? Chiếm giữ cái nào?
Sau một giây lát suy nghĩ, Vĩnh Nghi trả lời:
- Hiện nay kho Cái Bè và kho Cát Lái là quan trọng nhất. Kho Cái Bè chứa xăng dầu, kho Cát Lái chứa đạn dược. Kho Long Bình chứa hàng hóa và một số vật tư, thiết bị máy móc. Còn chiếm cái nào, phá hủy cái nào là tùy các ông.
Tôi đặt câu hỏi chủ bài cuối cùng:
- Vùng 4, vùng chiến thuật quan trọng, xưa kia nằm dưới quyền của ông có thể là nơi tử thủ cuối cùng của quân đội cộng hòa hay không?
- Không, trăm ngàn lần không. Tôi chưa bao giờ nghe nói kế hoạch này và tôi tin là không có, vì vùng 4 không chuẩn bị cơ sở tiếp tế và hậu cần.
Trước khi chia tay, tôi nói với Nghi:
- Ông sẽ được đối xử tử tế theo đúng chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sẽ được đưa về tuyến sau. Tôi cũng mong ông tiếp tục suy ngẫm về quá khứ và thời cuộc để có hành động tức thời, có lợi cho dân cho nước, chuộc lại phần nào lỗi lầm đã qua.
Vĩnh Nghi không đáp, chỉ cúi đầu chào tôi.
Trở về Sở chỉ huy tôi báo cáo lại với đồng chí Lê Trọng Tấn toàn bộ diễn biến cuộc hỏi cung. Sau giây lát trầm ngâm suy nghĩ, đồng chí vui vẻ nói: “Thế là đã rõ. Ngụy quyền dao động, lục đục. Ngụy quân mất sức chiến đấu, khó lòng chống đỡ nổi cuộc tiến công vũ bão của chúng ta. Mỹ cũng đang gặp bê bối không dễ gì quay trở lại can thiệp. Thế là an tâm thực hiện kế hoạch đã định, giải phóng miền Nam. Còn các mục tiêu chiến dịch và cách đánh vào Sài Gòn mà Vĩnh Nghi đã nêu lên, cơ quan tham mưu cần nghiên cứu thêm để bổ sung kế hoạch tác chiến cho đầy đủ”.
Các mục tiêu mà Nghi đề cập đến đúng là những mục tiêu hiểm yếu mà trong kế hoạch tác chiến của ta đã xác định, còn cách đánh táo bạo khôn ngoan để giảm bớt thiệt hại cho dân thường, để thành phố khỏi đổ nát thì làm sao mà tướng Nghi hình dung ra được.
Bản cung của tướng Nghi theo chỉ thị của đồng chí Lê Trọng Tấn đã được điện gấp về Tổng hành dinh ở Hà Nội để cơ quan đầu não có thêm cơ sở đánh giá tình hình vững tâm thực hiện kế hoạch giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.

Trích Sự Kiện & Nhân Chứng, QĐND
Ngày 25 tháng 04 năm 2005
ĐDTB, ngày 18/12/05

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét