THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

TRẬN ÐÁNH CỬA VIỆT

Người thành cổ Quảng trị

Sau khi tái chiếm lại thị xã Quảng Trị và Cổ Thành, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến lần lượt sử dụng Tiểu Đoàn 8, 9 và 4 TQLC đánh vào khu vực tỉnh lộ 560 chạy song song bờ biển Nam Hải lên đến Cửa Việt nhưng gặp sự kháng cự mạnh mẽ của Bắc quân dưới sự yểm trợ dữ dội của các giàn pháo binh 130 ly và mùa mưa khởi đầu vào tháng 12 nên không chiếm được mục tiêu quan trọng là Cửa Việt. Trong một nỗ lực cuối cùng để chiếm mục tiêu chiến lược quan trọng là Cửa Việt, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến thành lập một lực lượng đặc nhiệm mang tên Tango. Lực lượng này do Đại Tá Nguyễn Thành Trí, tư lệnh phó sư đoàn, trực tiếp chỉ huy gồm có Tiểu Đoàn 2 và 4 TQLC, tăng cường một đại đội của Tiểu Đoàn 5 TQLC và 3 đại đội của Tiểu Đoàn 9 TQLC, Thiết Đoàn 20 Chiến Xa, Thiết Đoàn 17 và 18 Kỵ Binh và được ba tiểu đoàn pháo binh TQLC cùng pháo hạm của Hạm Đội 7 Mỹ yểm trợ đã đánh vào khu vực Long Quang, Bồ Xuyên và tiến dọc theo bờ biển về hướng Thanh Hội, Gia Đẳng, Cửa Việt.
Mục tiêu chính của Việt Nam Cộng Hòa là tái chiếm lại căn cứ Hải Quân ở cửa sông Miếu Giang đổ ra biển Nam Hải, cách tuyến đầu của Thủy Quân Lục Chiến khoảng 12 km và cắm cờ VNCH ngay trước giờ ngưng bắn. Khác với chiến dịch tái chiếm tỉnh Quảng Trị và đặc biệt là Thành Cổ Quảng Trị đẫm máu và lâu dài, cuộc hành quân này được thiết kế áp dụng lối đánh thần tốc để chiếm mục tiêu trong vòng 25 giờ đồng hồ.
Khi ấy lực lượng Cộng Sản Bắc Việt ở cánh Đông gồm có Trung Đoàn 48 và 64 của Sư Đoàn 320B ở khu vực Long Quang, An Lộng, Bồ Liên,Văn Hoa, Trung Đoàn 101 của Sư Đoàn 325 ở khu vực Gia Đẳng. Lực lượng trừ bị ở phía sau gồm Trung Đoàn 88 và 102 của Sư Đoàn 308 và Trung Đoàn 52 của Sư Đoàn 320B. Bộ chỉ huy Mặt Trận B-4 cho tăng cường một đại đội chiến xa T-54, một tiểu đoàn pháo binh 85 ly chống chiến xa và một tiểu đoàn hỏa tiển chống chiến xa AT-3 Sagger.
Khoảng 7 giờ sáng ngày 27 tháng 1, lúc thủy triều xuống, gió bấc mưa phùn và ồn ào sóng biển, cùng với sự yểm trợ hữu hiệu của pháo binh gồm 10 ngàn quả đạn, thêm 9 phi vụ B-52 và 5 ngàn đạn hải pháo của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ từ ngoài khơi bắn vào, quân đội Việt Nam Cộng Hòa tiến quân dọc theo bờ biển về hướng Cửa Việt. Các chốt phòng thủ của Bắc Việt lần lượt bị nhổ, nhưng sức kháng cự của họ cũng còn mạnh.
Đến khoảng 8 giờ tối ngày này thì quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã tiến được nửa đường, và một số đơn vị đã bị tổn thất khá nặng, khoảng trên dưới 20 chiến xa và thiết vận xa của bị hư hại. Đại Tá Trí cho hai lực lượng Cọp Biển và Thiết Giáp liên kết đánh nhanh theo hướng sát biển mà không cần yểm trợ bảo vệ ở cánh trái từ hướng đất liền. Do tập trung vào tuyến phòng thủ chánh phía trong đất liền, Bắc quân bị bất ngờ, vì đúng 7 giờ 58 phút sáng ngày 28 tháng 1, hai phút trước khi hiệp định ngừng bắn có hiệu lực thì mũi nhọn đột kích với khoảng 300 lính Cọp Biển được 3 chiến xa M-48 yểm trợ do Thiếu Tá Phạm Văn Tiền, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 4 TQLC, chỉ huy đã chọc thủng tuyến phòng ngự phía Đông và cắm cờ ngay cảng Cửa Việt, bắt loa kêu gọi ngừng bắn.
Các cấp chỉ huy Bắc Việt ở mặt trận (thuộc Sư Đoàn 320B CSBV) đã tỏ ra lúng túng, đánh thì sợ vi phạm hiệp định, không đánh thì bị mất đất, nên phải điện lên cấp trên xin chỉ thị giải quyết . Do vị trí quan trọng chiến lược trong việc chi viện cho chiến trường Trị Thiên của cảng Cửa Việt và Đông Hà, đã xảy ra những ngày căng thẳng ở bộ chỉ huy tối cao Cộng Sản ở Hà Nội khiến các cấp lãnh đạo không "yên tâm ăn Tết." Quân Ủy Trung Ương sau cùng phải cử Thiếu Tướng Lê Trọng Tấn, tổng tham mưu phó vào tận Quảng Trị ra lệnh cho Đại Tá Cao Văn Khánh, phó tư lệnh Mặt Trận Quảng Trị, xuống tận Cửa Việt với chỉ thị phải tấn công để lấy lại ngay.
Đêm 28 tháng 1 các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến tập trung ở ba cứ điểm phòng thủ về phía Nam cảng Cửa Việt, Đông Bắc của Thanh Hội và Nam của Long Quảng. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa được lệnh chuẩn bị nhận tiếp tế, tải thương và canh phòng cẩn mật để chờ cho Ủy Ban Kiểm Soát Ngưng Bắn đến ghi nhận. Suốt ba đêm từ 28 đến 30 tháng 1, bộ chỉ huy quân Bắc Việt do Cao Văn Khánh chỉ huy điều động lực lượng và hoàn chỉnh đội hình để tấn công cảng Cửa Việt.
Sáng ngày 31 tháng 1 Bắc quân dùng Trung Đoàn 48 của Sư Đoàn 320B và Trung Đoàn 101 của Sư Đoàn 325, tăng cường thêm Trung Đoàn 24 của Sư Đoàn 304 được chiến xa và pháo binh yểm trợ tấn công chiếm lại Cửa Việt. Cao Văn Khánh tổ chức ba hướng tấn công:
1. Hướng chận đầu do Trung Đoàn 48 của Sư Đoàn 320B và một bộ phận Hải Quân CSBV đang tiếp thu Cửa Việt bảo vệ không cho các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến VNCH mở rộng khu vực chiếm đóng.
2. Hướng khóa đuôi do Trung Đoàn 64 của Sư Đoàn 320B tăng cường 2 tiểu đoàn (một từ Trung Đoàn 24 và một từ Trung Đoàn 101) bố trí ở Vĩnh Hòa, vừa đánh các đơn vị Cọp Biển-Thiết Kỵ từ Thanh Hội lên tăng cường, vứa chận các đơn vị Cọp Biển-Thiết Kỵ từ Cửa Việt rút về.
3. Hướng tấn công do Trung Đoàn 101 của Sư Đoàn 325, Trung Đoàn 24 (thiếu 1 tiểu đoàn) của Sư Đoàn 304, tăng cường hai tiểu đoàn của mặt trận B-5 tấn công vào các cụm phòng thủ của liên quân Thủy Quân Lục Chiến-Thiết Giáp ở khu vực Cửa Việt.
Sau 30 phút bắn pháo mở màn từ 6 giờ 30 đến 7 giờ sáng, Bắc quân ào ạt tấn công và đến trưa ngày này đã khôi phục lại vị trí phòng ngự khu vực Cửa Việt.
Bị bao vây cả ba mặt trừ phía sau lưng trông ra biển, thiếu nước uống, đạn dược cũng như cần tải thương, không dám sử dụng hỏa lực yểm trợ của phi pháo do sợ vi phạm hiệp định, các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến và Thiết Giáp phải mở đường máu rút trở về vị trí xuất phát với đơn vị Thiết Giáp bị thiệt hại trên 2/3 số chiến xa tham chiến.
Thường Vụ Quân Ủy Trung Ương thở phào nhẹ nhõm và gởi thơ khen ngợi việc chiếm lại cảng Cửa Việt, chấm dứt chiến dịch tấn công chiến lược 1972 ở hướng Quảng Trị.
Phía Việt Nam Cộng Hòa, dù Lực Lượng Đặc Nhiệm Tango đã linh động khôn ngoan trong việc đột kích theo hướng sát bờ biển để cắm cờ trên căn cứ hải quân tại cửa biển chiến lược Cửa Việt ngay trước giờ ngưng bắn khiến Sư Đoàn 320B không kịp phản công, do sự thiếu sót trong công tác yểm trợ cũng như phán đoán sai lầm về thời gian có mặt lập tức của Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Ngưng Bắn khiến Bắc quân có nhiều thời gian chuẩn bị phản công. Tuy nhiên phía Việt Nam Cộng Hòa sau đó đã có cơ hội phục hận ở Sa Huỳnh.
Với thành tích trong trận đánh Cửa Việt, các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa tham chiến sau đây đã được tuyên dương công trạng với U.S. Valorous Unit Award của Hoa Kỳ:
• Bộ Chỉ Huy Hành Quân Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến
• Lực Lượng Đặc Nhiệm Tango (Sư Đoàn TQLC và Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh)
• Tiểu Đoàn 2,4 và 9 Thủy Quân Lục Chiến
• Bộ chỉ huy Thiết Đoàn 20 Chiến Xa, Chi Đoàn 1/20 và 3/20 Chiến Xa
• Chi Đoàn 1/17 và 2/17 Kỵ Binh
• Chi Đoàn 2/18 Kỵ Binh
Sau khi hiệp định ngừng bắn có hiệu lực được ít ngày, Bắc Việt cho sát nhập hai chiến trường B-4 và B-5 lại thành một, gọi là Quân Khu Trị-Thiên, bí danh B-4. Thiếu Tướng Cộng Sản Cao Văn Khánh trở thành tư lệnh Mặt Trận B-4, Đại Tá Lê Tự Đồng là chính ủy trong khi Đại Tá Hoàng Văn Thái là tư Lệnh phó và Đại Tá Nguyễn Hữu An là tư Lệnh phó kiêm tham mưu trưởng.
Lực lượng chủ lực của Bắc Quân gồm Sư Đoàn 304, 324B và 325 bố trí ở khu vực Bắc Quảng Trị cùng với các trung đoàn độc lập 4, 5, 6, và 271 của Quân Khu Trị-Thiên bố trí ở phía Tây Huế ở hướng Đường 12 và các lực lượng yểm trợ như Lữ Đoàn 164 Pháo Binh, Lữ Đoàn 219 Công Binh, Lữ Đoàn 203 Thiết Giáp. Các sư đoàn tổng trừ bị 308, 312, và 320B được đưa vào từ Lào và Miền Bắc để tham gia cuộc tổng tấn công đã được rút về Miền Bắc để dưỡng quân và hồi phục sau những tổn thất nặng nề.
Phía quân đội Việt Nam Cộng Hòa có Sư Đoàn 1 BB và hai sư đoàn tổng trừ bị cơ động chiến lược Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến tăng viện từ Bộ Tổng Tham Mưu /Quân Lực VNCH cùng các đơn vị cơ hữu của Quân Ðoàn 1 như Biệt Động Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh, Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân, v.v.
Phía Bắc Việt, chủ yếu là hoạt động cũng cố và bảo vệ các vùng đất đã chiếm được trong chiến dịch Nguyễn Huệ vào mùa hè 1972, đặc biệt là thị trấn Đông Hà trở thành một trung tâm tiếp vận lớn cùng với cảng Cửa Việt. Bắc Việt cũng bắt đầu xây dựng con đường chiến lược mới Đông Trường Sơn chạy dài từ khu vực Khe Sanh xuống khu vực Tân Cảnh-Dakto nối vào Quốc Lộ 14 xuống tận Lộc Ninh cũng như những nhánh đường mòn tiếp-vận chạy dài từ khu vực rừng núi phía Tây các tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam ra hướng đồng bằng duyên hải để cắt đứt Quốc Lộ 1 và cô lập Huế và Đà Nẵng trong nổ lực tổng tấn công sắp đến.
Phía quân đội Việt Nam Cộng Hòa chủ yếu là bảo vệ các vị trí quân sự quan trọng, khu vực đồng bằng duyên hải và các trung tâm đô thị, các khu vực tái định cư cho đồng bào Quảng Trị chạy nạn chiến tranh, và duy trì lưu thông liên lạc trên Quốc Lộ 1 huyết mạch chạy xuyên qua Quân Khu 1 dọc theo Biển Nam Hải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét