THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

“Tôi đã hỏi cung Nguyễn Sĩ Bình như thế nào?”

Người thành cổ Quảng trị

Đại tá Nguyễn Xuân Mừng (Phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ)
Những ngày vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã có nhiều bài viết, nói về phiên tòa xét xử Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", trong đó đề cập đến một nhân vật khiến tôi chú ý là Nguyễn Sỹ Bình, kẻ cầm đầu tổ chức phản động "Đảng nhân dân hành động" ở Mỹ.

Để hiểu về một con người, để giải mã mục đích, việc làm mà Nguyễn Sỹ Bình cố tình đeo bám hơn 20 năm trời, và để chúng ta nhớ lời dạy của cha ông "chọn bạn mà chơi", chứ đừng để chơi mà "mang họa" như Định, như Trung, như Long, như Thức thì thật đáng tiếc.

Trong bài viết này, tôi muốn nhắc lại điều tôi tâm đắc nhất trong những điều tôi hiểu biết về Nguyễn Sỹ Bình suốt thời gian anh ta bị giam giữ trong trại giam của Bộ Công an vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước.

Năm 1992, Tổng cục An ninh, Bộ Công an tại TP HCM phá vụ án phản cách mạng với danh xưng "Đảng nhân dân hành động" do Nguyễn Sỹ Bình, Việt kiều Mỹ cầm đầu. Lúc ấy, tôi là điều tra viên của Cơ quan An ninh điều tra, được lãnh đạo phân công thụ lý chính vụ án và trực tiếp hỏi cung Nguyễn Sỹ Bình. Qua quá trình làm việc với Nguyễn Sỹ Bình, có khá nhiều việc nói lên mặt thật của con người này, nhưng có một việc tôi muốn kể ra ở đây, đó là việc Nguyễn Sỹ  Bình "hiến kế" cho Nhà nước Việt Nam về đề án xây dựng đất nước...

Còn nhớ, ngày ấy chúng ta mới bước vào giai đoạn đổi mới. Cuộc sống của nhân dân - nhất là những người hưởng lương còn nhiều khó khăn, Đảng ta chủ trương phải "bung ra" làm ăn để "tự cứu mình". Nơi nơi đều thành lập công ty này, công ty nọ, công ty cấp xã, cấp phường, thậm chí cả trường học phổ thông cũng có công ty, gọi là "làm đời sống". Đã có công ty thì phải có pháp nhân và có giám đốc, có bộ máy...

Thế nhưng, nhiều giám đốc "tay ngang" cũng lao vào "làm ăn", thế là thua lỗ, nhiều ông phải ngồi tù. Thời ấy, báo chí cũng bung ra nên hầu như ngày nào trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng có bài nói về giám đốc này tham nhũng, giám đốc kia bị bắt... Từ phương trời xa xôi, trong lúc "vô công, rỗi nghề" anh ta - tức Nguyễn Sỹ Bình - hý hửng cho rằng phen này "Cộng sản sụp đổ" đến nơi, nên mới mò về bí mật thành lập tổ chức "Đảng nhân dân hành động" để có chân "lãnh đạo đất nước". Phải nói, vốn liếng chính trị chẳng bao nhiêu nhưng đổi lại, Bình có bề ngoài khá đạo mạo, luôn tự tạo cho mình dáng vẻ "thượng cấp", đang làm việc lớn khiến người lạ mới tiếp xúc lần đầu phải kính nể. Chả thế mà thời ấy ta "ăn chưa no" thì lấy chi "mặc đẹp" nhưng khi về miền Tây - khí hậu nóng lắm - Nguyễn Sỹ Bình lúc nào cũng trịnh trọng complê, caravát, giày da  bóng lộn, xuống xe có người mở cửa mới chịu chui ra.

Buổi làm việc đầu tiên, Nguyễn Sỹ Bình "đấu" dữ lắm: Nào là, tại sao các ông lại bắt tôi, bắt tôi là vi phạm nhân quyền, tôi sẽ tố cáo các ông trước Liên Hiệp Quốc, sẽ đưa các ông ra Tòa án quốc tế... Nào là, tôi về đây là vì tôi "thương dân" (cụm từ này được Bình nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những ngày đầu mới bị bắt), tôi muốn thành lập đảng để ra tranh cử với Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo đất nước. Anh ta còn đưa ra dẫn chứng trên báo Tuổi trẻ, đăng số lượng giám đốc tham nhũng, bị bắt giam... để nói ở trong nước không ai xứng tầm lãnh đạo như anh ta.

Chiêu bài đưa ra lúc ấy cũng tưởng hợp thời, phù hợp với khẩu vị của những người đang muốn đa nguyên, đa đảng như kiểu Đông Âu. Nghiên cứu hồ sơ, chứng cứ, tôi thấy hành vi phạm tội đã rõ, nhân chứng, vật chứng đầy đủ, nhưng phải làm cho anh ta "tâm phục, khẩu phục" nên tôi đi sâu nghiên cứu đời tư.

Nguyễn Sỹ Bình sinh ra ở Hoài Nhơn, Bình Định, con của một ông "lái cây" (tức buôn cây từ miền Trung vào Sài Gòn bán kiếm lời). Vì hoàn cảnh nghề nghiệp nay đây, mai đó nên cha Bình  đưa hai anh em Bình vào Sài Gòn, mướn người trông coi đi học phổ thông. Bản tính hiếu động, Bình hay la cà, chểnh mảng học hành nên hiểu biết đường phố nhiều hơn kiến thức học vấn. Vì vậy, đôi lúc Bình cũng bị "ông già" phát hiện, dợt cho những trận đòn chí tử.

Vào những ngày cuối tháng 4/1975 - lúc này Bình đang học lớp 12 - được mấy thằng bạn rủ đi "di tản". Thế là Bình về, kéo ông anh chui vào phi trường Tân Sơn Nhất, và cũng nhờ nhỏ con dễ chui, nên Bình được dòng người đẩy lên máy bay sang Hoa Kỳ. Đất khách quê người, anh em mỗi đứa một nơi, Bình tiếp tục  học rồi cũng có việc làm và lấy bà vợ người Mỹ hơn tuổi, đã có một đời chồng, có con riêng. Cuộc sống cũng không dư dật gì nên gần 20 năm trời Bình chỉ về thăm gia đình, quê hương vỏn vẹn một lần, đúng một tuần, rồi phải về để còn “kéo cày” mà kiếm sống.

Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, do bị bệnh nên Bình phải nghỉ việc. Ở nhà tiền không có, việc làm thì không, nên Bình mới nghĩ ra cái nghề "làm chính trị" để mong đổi đời. Ngồi trên đất Mỹ, Bình soạn thảo cương lĩnh thành lập đảng, cơ cấu chính phủ... rồi ôm về Việt Nam để triển khai. Nguyễn Sỹ Bình bước vào con đường phản dân, hại nước bắt đầu từ đó”.

Trở lại việc hỏi cung Nguyễn Sỹ Bình, những ngày đầu, Bình không trả lời thẳng vào câu hỏi của điều tra viên mà thường nêu ra các yêu cầu, đòi gặp người lãnh đạo cao nhất của Cơ quan An ninh, gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước để trình bày đề án xây dựng đất nước...

Nắm được những chi tiết về nhân thân Nguyễn Sỹ Bình, tôi đặt vấn đề:

- Trước tiên, tôi hoan nghênh tấm lòng "thương dân" và tinh thần “xây dựng đất nước” của anh, tôi hứa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để anh thực hiện nguyện vọng ấy. Nay trách nhiệm của anh có hai phần: Một là trình bày những việc làm của anh về "Đảng nhân dân hành động". Hai là phần mà anh cho là quan trọng, anh sẽ hiến kế xây dựng đất nước. Nhưng điều kiện lúc này là anh phải làm xong bước một thì mới có thể thực hiện bước hai. Anh đồng ý chứ?

Sau nhiều lần "ra giá", cuối cùng Bình cũng phải chấp nhận vấn đề mà tôi đưa ra.

Phải nói, Bình có trí nhớ tốt và thành khẩn nhận tội đến không ngờ. Chỉ với hơn 20 buổi làm việc, Nguyễn Sỹ Bình đã khai báo từng chi tiết, từng hành vi của mình cùng hàng chục đồng bọn - trong đó có cả mẹ và hai em gái Bình. Khi hồ sơ hoàn tất, tôi thực hiện bước hai như đã thỏa thuận. Buổi làm việc này tôi chuẩn bị khá tươm tất, dạo đầu cởi mở, thân thiện, chuyện ngoài đời, chuyện trong tù rất thoải mái. Tôi hỏi:

- Thực hiện lời hứa với anh, nay đến lúc tôi dành thời gian cho anh trình bày đề án xây dựng đất nước theo như anh đề nghị. Anh có thể đưa ra yêu cầu, tôi sẽ cung cấp đầy đủ để anh có thông tin, tư liệu để viết.

Như gãi đúng chỗ ngứa, Bình hứng chí nói ngay: "Tôi chỉ cần một cây viết, một tập giấy và một tuần tôi sẽ viết xong".

Tôi thận trọng: "Nhỏ lớn anh đã xây nhà tầng bao giờ chưa?".

Im lặng một lúc, không hiểu tôi sẽ hỏi gì nữa đây, Bình nói khẽ:

- Thưa, chưa lần nào.

Tôi tấn công luôn:

- Anh biết đấy, muốn xây nhà trước tiên phải có tiền, có đất, rồi anh muốn xây mấy tầng thì phải thăm dò địa chất để thiết kế nền móng như thế nào cho đảm bảo không sụp, không đổ, có đúng không?

Vẫn chưa đoán được ý đồ của tôi, Bình trả lời:

- Dạ đúng! Hồi ở Việt Nam tôi còn nhỏ, phụ thuộc gia đình và đi học. Qua đất Mỹ cũng đi học, rồi sống nhờ vợ và  làm thuê thì làm sao dư tiền để làm nhà như ở Việt Nam.

Tôi tấn công tiếp và cũng là để kết thúc vấn đề:

- Anh đi khỏi Việt Nam từ lúc còn nhỏ, thời kỳ còn chiến tranh, đất nước chưa thống nhất. Gần 20 năm ở nước ngoài, anh chỉ về Việt Nam hai lần tổng cộng chưa được 10 ngày. Một lần đúng nghĩa về thăm gia đình một tuần, còn lần thứ hai anh về nước câu móc người, hoạt động cho tổ chức cũng chỉ có 3 ngày. Ở Mỹ anh tiếp xúc thông tin không đầy đủ, thậm chí trái chiều. Như vậy, anh không hiểu gì về đất nước, con người Việt Nam thì làm sao anh có thể xây dựng được cái gọi là "đề án xây dựng đất nước" cho người Việt Nam? Xây nhà để ở, anh còn không có kiến thức thì làm sao anh có kiến thức để xây dựng được một đất nước to lớn này. Nếu tôi có để cho anh viết thì cũng tốn giấy mực mà thôi. Có đúng vậy không?

Bình cúi đầu, xấu hổ, không nói được gì nữa, cái thói kiêu căng ngày nào cũng biến mất. Sau này, những ngày trong trại giam, khi được đi ra chăm sóc cây cảnh, nếu tình cờ nhìn thấy tôi, anh ta đều tìm cách lảng tránh.

Vậy đó, một kẻ làm chính trị mà kiến thức nông cạn như vậy, nhưng lại có  những người học cao, hiểu rộng, sinh ra và được đất nước này nuôi dưỡng, trưởng thành như Lê Công Định, như Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức lại bỏ công, bỏ của ra nước ngoài để cho Nguyễn Sỹ Bình tập huấn, dạy dỗ... thì thật nực cười!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét