THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

HOA SÔNG THÀNH CỔ - Hồ Sĩ Bình

Người thành cổ Quảng trị

Hình từ trang dulich.quangtri.gov.vn

Nhiều năm qua, những ngày lễ lớn như kỷ niệm ngày giải phóng Thành cổ, ngày thương binh liệt sĩ, tôi có dịp trở lại Quảng Trị, nơi từng được nhân loại vinh danh là thành phố tuẫn đạo (ville martyr).
Mấy ngày trước khi diễn ra lễ hội, đông đảo các cựu chiến binh trở về. Họ quần tụ bên nhau, thậm chí ăn bờ ngủ bụi (vì cả thị xã chỉ có hai nhà nghỉ đã xuống cấp không đủ đáp ứng nhu cầu nghỉ lại). Các anh chị ấy bây giờ mỗi người mỗi công việc, mỗi địa vị khác nhau nhưng gặp lại đều bình dị. Lạ ở chỗ, ai cũng làm thơ, viết nhạc về mảnh đất Thành cổ.
Họ thay nhau hát, đọc thơ gần như liên tu bất tận suốt cả đêm không ngủ về một chủ đề rất cũ. Nhiều người ở tận những miền quê xa, nhưng khi được hỏi về quê quán không ngần ngại trả lời: Thành cổ. Cỏ lau Thành cổ đã sinh thành những chiến binh làm thơ, viết nhạc. Như thể không làm khác đi được, cho dù đó là những dòng thơ nhạc dung dị, mộc mạc, đôi khi còn dễ dãi trong câu chữ, nhưng khi ai đọc lên đều bằng một rung cảm lạ thường đủ sức lay động tâm hồn người khác, chí ít trong không gian giữa ngàn lau Thành cổ.
Bởi đó là nỗi ám ảnh kinh khủng của cả đời người về chiến tranh, niềm nhớ thương chưa bao giờ quên lãng với đồng đội, sự gian khổ của một thời tuổi trẻ, sự bầm tím tâm can để tiếp tục sống trong khắc khoải, nên chỉ có nghệ thuật mới cơ may giải thoát nỗi niềm uẩn khúc của người chiến sĩ...
Chuyện kể hằng năm trong những ngày này ai cũng biết. Những chiến sĩ năm xưa mang hoa huệ trắng thả đầy trên dòng sông Thạch Hãn để tỏ lòng tiếc thương đồng đội. Điều muốn nói thêm là chuyện của người dân thị xã. Bao nhiêu năm đã sống trên đất huân chương khó đủ từng viên gạch (thơ Trần Bạch Đằng), nên trong tâm tưởng của người dân luôn cảm nhận đây là vùng đất tâm linh.
Họ sống bằng tâm thức của sự ngưỡng vọng và niềm tri ân, nên chính họ đã tự mình dâng hoa thả trắng cả dòng sông tưởng niệm. Những đêm lễ hội hoa đăng cũng thế, không chỉ của ban tổ chức lễ hội, của cựu chiến binh mà còn có hoa đăng của người dân đôi bờ đã góp phần tăng thêm sự huyền ảo, trang nghiêm cho dòng sông sử thi Thạch Hãn.
Cũng trong những ngày lễ, khói hương không chỉ nghi ngút ở đài tưởng niệm mà còn ngào ngạt giữa dân gian trong niềm xác tín rằng đây là ngày lễ trọng. Tất cả đều tự nguyện. Không có nghi ngờ gì nữa, họ đã chọn thái độ sống của cả một đời dân bằng trách nhiệm và sự tôn trọng với quá khứ. Cách hành xử ấy đã tạo nên không khí của nền văn hóa tâm linh của người dân thị xã Quảng Trị, để có thể gọi tên đó là bảo tàng sống của văn hóa chiến tranh Thành cổ.
Và di tích lịch sử quốc gia Thành cổ cần được viết thêm vào bia đá những nét đẹp văn hóa rất đáng được tôn vinh và trân trọng của ngày hôm nay.




Hồ Sĩ Bình
hosibinh@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét