THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Chuyện những anh hùng chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972

Người thành cổ Quảng trị
 Nguyễn Hoàn

T
rước chiến thắng vang dội của quân và dân ta giải phóng Quảng Trị ngày 1/5/1972, địch vô cùng cay cú và điên cuồng phản kích, tập trung đánh phá vào thị xã Quảng Trị, trọng điểm là Thành Cổ Quảng Trị. Nhưng chúng đã vấp phải sự giáng trả mãnh liệt của quân và dân ta trên mọi hướng, bảo vệ cho Thành Cổ Quảng Trị hiên ngang trụ vững trong suốt 81 ngày đêm của mùa hè năm 1972 lịch sử. Chiến công bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị đã làm chấn động lương tri nhân loại yêu chuộng hòa bình, đã tạo ra “quả đấm thép” trên bàn Hội nghị Pa ri về Việt Nam, góp phần xoay chuyển cục diện đàm phán tại Hội nghị theo hướng có lợi cho ta, dẫn đến kết cục Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam và chấm dứt chiến tranh. Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Quảng Trị 1/5 (1972-2012), tôi đã tìm gặp những người chỉ huy của các đơn vị tác chiến trên chiến trường bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 - những người anh hùng để hiểu thêm về vai trò quan trọng và những đóng góp có tính quyết định của họ vào chiến công chung, đồng thời để được lý giải, được cảm và hiểu sâu hơn về cội nguồn sức mạnh Việt Nam. Một người chỉ huy chốt giữ ngã ba Long Hưng, bảo vệ vòng ngoài cho Thành Cổ Quảng Trị, đó là anh hùng Vũ Trung Thướng. Một người ở ngay dưới hầm dinh Tỉnh trưởng ngụy để chỉ huy chốt giữ Thành Cổ Quảng Trị, đó là anh hùng Trần Minh Vân.
Trận địa chốt giữ ngã ba Long Hưng do Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 B đảm trách có ý nghĩa quân sự đặc biệt ở chỗ nhằm trấn giữ cửa ngõ lợi hại phía tây nam thị xã Quảng Trị, phát hiện, khống chế địch từ xa, không cho địch bước qua ngã ba Long Hưng, tạo điều kiện cho quân đội ta trong Thành Cổ Quảng Trị đào hầm hào, công sự, chuẩn bị thế trận chiến đấu. Không có lực lượng đánh địch từ xa thì không giữ Thành Cổ được. Bởi thế nên Đảng ủy Trung đoàn 48 đã ra Nghị quyết nêu cao quyết tâm sắt đá: “Quang Sơn còn, Quảng Trị còn” (“Quang Sơn” là phiên hiệu của Trung đoàn 48). Cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng ủy Trung đoàn 48, anh Vũ Trung Thướng, Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 B đã truyền đạt cho anh em đồng đội tư tưởng tiến công: “Còn người còn trận địa. Còn người còn tiến công. Quyết không cho địch bước qua ngã ba Long Hưng”. Quyết tâm sắt đá đó được thể hiện thành công qua chiến thuật chủ động tiến công, như anh Thướng kể: “Nằm trong chốt thì không giữ nổi, phải tổ chức xuất kích đánh địch thì mới giữ được chốt. Phòng ngự là phòng ngự tiến công. Lúc địch lùi là mình tiến, bám thắt lưng địch mà đánh”. Xét về tương quan lực lượng giữa đại đội 5 với địch, phải nói là quá chênh lệch: theo quy chuẩn, một đại đội phải có trên 100 người nhưng do trải qua các trận đánh, tại thời điểm tháng 7/1972, đại đội 5 chỉ còn có 57 tay súng (từ ngày 18/7 đến 28/7/1972, đại đội 5 chỉ còn có 17 tay súng), trong khi đó địch huy động cả tiểu đoàn (1 tiểu đoàn có 500 quân) cùng xe tăng tấn công ta. Thế nhưng với quyết tâm chốt giữ bằng được ngã ba Long Hưng, đại đội 5 đã đánh lui được một tiểu đoàn địch tăng cường. Sát thời điểm ngày 13/7/1972, ngày Hội nghị Pa ri về Việt Nam được mở lại, ngày 12/7/1972, địch tập trung đánh mạnh nhưng chúng đã bị đẩy lùi. Trong ngày 12/7/1972, đại đội 5 đã tiêu diệt hơn 100 tên địch, diệt 5 xe tăng của địch, còn 3 chiếc xe tăng khác phải bỏ chạy. Tính trong suốt quá trình chiến đấu từ đầu tháng 7/1972 đến ngày 18/7/1972, đại đội 5 đã diệt hơn 400 tên địch. Tiểu đoàn địch ở Long Hưng bị đánh bại, mất sức chiến đấu, địch phải thay thế tiểu đoàn khác.
Tôi hỏi anh Thướng về tinh thần chịu đựng, vượt qua khó khăn, gian khổ về ăn ở, sinh hoạt thường ngày của bộ đội ta trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, anh Thướng kể với giọng lạc quan của lính: “Anh em tắm là dùng dây thả từng người xuống giếng, anh này tắm xong đến anh khác. Còn ăn uống ở Long Hưng lúc đó là không đói, bộ đội ta thu được chiến lợi phẩm của địch, lấy của địch để ăn mà đánh địch”.
Trong khi anh Vũ Trung Thướng chỉ huy đánh địch từ xa, ở vòng ngoài, anh Trần Minh Vân ở ngay dưới lòng Thành Cổ để chỉ huy đánh địch. Ngày 26/6/1972, Thiếu tá Trần Minh Vân, Trung đoàn phó Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 B nhận nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy chốt giữ Thành Cổ Quảng Trị. Hầm chỉ huy của anh nằm sâu dưới chân móng của dinh Tỉnh trưởng ngụy. Thế nhưng địch lại ngờ bộ phận chỉ huy của ta đóng ở Tích Tường, La Vang, ở Nhan Biều… nên chúng đã tập trung đánh phá vào đó. Bám trụ cùng Thành Cổ, anh đã chỉ huy 10 tiểu đoàn, gồm 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 B; 2 tiểu đoàn địa phương K3, K8 của Tỉnh đội Quảng Trị; Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 B; Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312; Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 188, Sư đoàn 308; Tiểu đoàn 5 và 6 của Trung đoàn 95, Sư đoàn 325. Ngoài chỉ huy qua điện đàm ở dưới hầm, có nhiều lúc anh đã rời hầm, xuống công sự để trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Trong số các trận đánh của 81 ngày đêm kiên cường bảo vệ Thành Cổ, anh Vân nhắc nhiều về 3 trận đánh công hiệu: “Có 3 trận đáng chú ý. Trận ngày 14/7, khoảng 1 trung đội địch từ góc Trí Bưu kéo lên, định cắm cờ, bị ta phát hiện, đánh trả, chúng bỏ chạy. Sau đó, ngày 26/7, chúng tổ chức cắm cờ ở Trâm Lý, ta dùng pháo mặt trận bắn dập, đập tan mưu đồ tạo “chiến thắng giả” để tuyên truyền của địch. Trận ngày 5/8, địch đổ quân dù từ trực thăng xuống bãi tha ma, phía Nam chợ Sãi, gồm 2 tiểu đoàn. Ta dùng hỏa lực cối và pháo dập địch, không cho chúng triển khai lực lượng. Ta dồn địch vào bãi tha ma, tiêu diệt hơn 1 đại đội địch. Trận ngày 20/8, địch từ Trí Bưu gồm hơn 1 tiểu đoàn kéo lên đánh vào thành ở phía Đông. Ta huy động 3 tiểu đoàn đánh trả. 3 tiểu đoàn nhưng thực ra chỉ có hơn 200 tay súng, số còn lại là lực lượng ở lại để giữ chốt. Trận này ta diệt khoảng 80 tên địch, số còn lại phải tháo chạy”.
Lực lượng bộ đội chiến đấu trên chiến trường bảo vệ Thành Cổ ngoài số dạn dày kinh nghiệm trận mạc còn được bổ sung bằng nhiều tân binh vừa rời ghế nhà trường. Đối với lực lượng “mới toanh” này, nhiệm vụ của cán bộ là vừa làm gương cho họ noi theo, vừa tăng cường huấn luyện. Anh Vân kể: “Lính mới từ Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình… vào, mới rời cây bút sau 25 ngày là vào đến Thành Cổ, chưa biết gì. Do vậy phải huấn luyện lính mới ngay tại chiến trường luôn. Đào công sự là đào thật luôn. Bắn đạn thật là bắn địch luôn”. Ta đánh địch bằng chiến thuật riêng, lợi thế riêng. “Chốt giữ phải có nghệ thuật, chiến thuật, bố trí chi viện lẫn nhau - Anh Vân cho biết - Đào công sự, bố trí hầm phải chi viện nhau được. Cái sâu chi viện cái nông. Góc này chi viện góc kia. Không bố trí theo kiểu dàn hàng ngang, địch biết, nó dùng toàn bộ hỏa lực tiêu diệt ngay”. Phân tích về lợi thế của chiến tranh nhân dân mà địch không có được, anh Vân làm phép so sánh: “Trong chiến tranh, địch đổ xuống 1 đại đội, nếu ta tiêu diệt được 10 tên thì đại đội đó coi như xóa sổ, vì 1 tên chết thì phải có 3 - 4 tên đưa đi. Ta có lợi thế hơn. Việc tiếp tế lương thực, thực phẩm, việc vận chuyển thương binh là do lực lượng du kích địa phương đảm trách. Bà con nhân dân vùng hậu cứ đã chi viện đắc lực cho bộ đội”.
Chuyện về anh Vân, trên chiến trường Thành Cổ gian khổ và ác liệt là thế, vẫn có những tình tiết hy hữu mà có lẽ chỉ có người anh hùng mới gặp và càng cho thấy sự hy sinh hết mực của người chỉ huy. Do mến phục anh nên có một người nữ tiếp tế lương thực đã âm thầm yêu anh. Anh Vân bộc bạch: “Trong công việc tiếp tế cho mình, cô chú ý từng li, từng tý. Cô yêu mình tha thiết, nhưng mình không dám yêu. Sau này gặp lại, cô có ý trách mình, mình nói cô thông cảm do hoàn cảnh chiến tranh, phải lo đánh giặc”.
Những chiến công của các anh và Trung đoàn 48 trên chiến trường bảo vệ Thành Cổ đã được Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao. Anh Vũ Trung Thướng, anh Trần Minh Vân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung đoàn 48 được tuyên dương Anh hùng, được tặng 16 chữ vàng: “Tấn công dũng mãnh, phòng ngự kiên cường, đánh thắng giòn giã, lập công xuất sắc”, được mang tên gọi Trung đoàn Thạch Hãn, tên của “dòng sông hoa lửa”.

Có một sự gặp gỡ tình cờ mà đầy thú vị, ngày 1/4/2012, trong lúc đến dâng hương viếng Đài tưởng niệm tại Thành Cổ Quảng Trị, các anh hùng Vũ Trung Thướng, Trần Minh Vân và cựu chiến binh Việt Nam đã gặp một số cựu chiến binh Mỹ ở đây. Trong số cựu chiến binh Mỹ này, có những người từng là cố vấn cho Sư đoàn dù 3 của ngụy, cố vấn công binh, không quân, hạm đội… Sau những cái bắt tay làm quen, đương khi cuộc trò chuyện diễn ra cởi mở, một cựu chiến binh Mỹ thừa nhận: “Hồi đó, lực lượng không quân, pháo binh, bộ binh của chúng tôi mạnh lắm, nhưng không hiểu sao chúng tôi không thể nào vượt qua được ngã ba Long Hưng”. Lúc đó có người chỉ vào anh Thướng, anh Vân cùng các cựu chiến binh Việt Nam và nói: “Thế thì các ông gặp đúng đối tượng rồi”. Các cựu chiến binh Mỹ đã chắp tay trong niềm ngưỡng mộ: “Vậy xin bái phục các ông”. Người Mỹ rút cuộc đã hiểu ra sức mạnh Việt Nam. Các cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ xoay qua nói chuyện về khát vọng hòa bình, về khắc phục hậu quả chiến tranh, về trách nhiệm của cựu binh Mỹ trong việc góp phần kêu gọi, vận động giúp đỡ nhằm xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam. Các cựu chiến binh Mỹ đã bày tỏ sự tán đồng, chia sẻ với việc làm nhân đạo này, vì như chính họ thổ lộ, họ cũng có những người đang chịu đựng nỗi đau bệnh tật vì ảnh hưởng chất độc da cam. Vậy là dưới chân Đài tưởng niệm Thành Cổ thiêng liêng, những anh hùng Thành Cổ, những cựu chiến binh Thành Cổ không chỉ giúp người Mỹ hiểu ra sức mạnh Việt Nam mà còn gửi tới người Mỹ một thông điệp, rằng đấy chính là sức mạnh của hòa bình, tự do, hợp tác và hội nhập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét