THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

HỘI THẢO KHOA HỌC: "QUẢNG TRỊ - ĐẤT DỰNG NGHIỆP CỦA CHÚA NGUYỄN HOÀNG (1558-2013)”

Người thành cổ Quảng trị

Ngày 25/9/2013, nhân kỷ niệm 455 năm chúa Nguyễn Hoàng dựng đô khởi nghiệp ở Quảng Trị (1558-2013) và 400 năm ngày mất của ông (1613 - 2013), UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học: “Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng” tại Hội trường Văn hóa huyện Triệu Phong (Thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong). Đoàn chủ tịch hội thảo gồm có: GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Đức Chính – UVTVTU - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; PGS.TS Nguyễn Văn Nhật – Viện trưởng Viện Sử học; Đồng chí Hồ Viết Hy – Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong; PGS.TS Đỗ Bang – Phó chủ tịch Hội KHLS Việt Nam.
Về phía khách mời, có đại diện Lãnh đạo: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), các nhà khoa học ở Viện nghiên cứu miền Trung, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, các trường Đại học, UBND tỉnh Quảng Trị, các Sở Ban ngành và phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc hội thảo khoa học: “Quảng Trị - đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng”, đồng chí Nguyễn Đức Chính - UVTVTU - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã khẳng định: Đây là một dịp để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan và công bằng về sự kiện lịch sử có ý nghĩa này; đồng thời sẽ làm sáng tỏ vị thế, vai trò và những đóng góp của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cũng như Ái Tử, Trà Bát, Cát Dinh trong tiến trình lịch sử dân tộc”. Đồng thời, đồng chí cũng nhấn mạnh đây là hội thảo khoa học mang tầm vóc quốc gia với sự tham gia của các nhà sử học, các nhà khoa học trong cả nước với mong muốn công trạng của chúa tiên Nguyễn Hoàng được sớm nhìn nhận đúng đắn, đánh giá khách quan để tỉnh Quảng Trị có kế hoạch tôn tạo và phát huy di sản thời Nguyễn Hoàng.
Hội thảo đã nhận được 43 báo cáo của các nhà khoa học lịch sử đề cập và tham luận các khía cạnh về chúa Nguyễn Hoàng và công cuộc dựng nghiệp của ông, nhân kỷ niệm 455 năm khởi nghiệp. Các báo cáo này, được sắp xếp theo 3 nội dung: Quê hương, gia thế và sự nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng;  Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị; Tư liệu, di tích và di sản về thời Nguyễn Hoàng.   
Tại Hội thảo đã có 15 tham luận đã được trình bày theo các chủ đề như trên bao gồm:
Chủ đề 1 - Quê hương, gia thế và sự nghiệp chúa Nguyễn Hoàng: Nhìn lại những đóng góp của Nguyễn Hoàng và các bậc khai quốc công thần người Thanh Hóa với đất Thuận Quảng giữa thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII. (Ts. Lê Ngọc Tạo  Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa); Hành trạng và sư nghiệp của Thái úy Đoan quốc công Nguyễn Hoàng (PGS.TS. Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học); Chúa tiên và công cuộc mở cõi của dân tộc (Gs.Ts Nguyễn Quang Ngọc, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển); Phật giáo Châu Thuận thời chúa Nguyễn Hoàng (Hòa Thượng Thích Trí Hải, Trú Trì Tổ Đình Sắc Tứ Tịnh Quang, Ái Tử, Quảng Trị); Tầm nhìn chúa tiên Nguyễn Hoàng (PGS.Ts. Trần Thị Mai, Trường Đại học Khoa học Xã hội&Nhân văn – ĐHQG HCM).
Chủ đề 2 - Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị: Quảng Trị, địa bàn chiến lược tối ưu của chúa Nguyễn Hoàng (Phan Thuận An, Hội Khoa học lịch sử Thừa thiên Huế); Lịch sử đàng trong nhìn từ thủ phủ chúa Nguyễn (Ts. Phan Thanh Hải,  GĐ Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế); Thử lý giải nguyên nhân Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558 (PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng sử học); Góp bàn thêm về tầm nhìn và phương sách “nam tiến” của Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị, Thuận Hóa  (PGS.TS Ngô Minh Oanh, Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh).
Chủ đề 3 - Tư liệu, di tích và di sản thời Nguyễn Hoàng: Một số nhận định về tác giả An Nam quốc thư của các chúa Nguyễn Ở đàng trong (dựa trên khảo sát về văn bản học và các cứ liệu  lịch sử) (Ths. Ncs. Võ Vinh Quang, Đại học Phan Châu Trinh, Hội An, Quảng Nam); Di sản thời chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị, bảo tồn và phát huy giá trị (T.s Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL Thừa thiên Huế); Xác định ba thủ phủ Ái Tử, Trà Bát, dinh cát trên thực địa và một số giải pháp bảo tồn, tôn tạo (Ts Nguyễn Bình, Sở Khoa học và công nghệ Quảng Trị); Sự thay đổi diện mạo địa cuộc khu vực dinh chúa Ái Tử - Trà Bát nhìn từ sự biến đổi của sông Thạch Hãn (Ths.Yến Thọ, Hội di sản văn hóa QuảngTrị); Nguyễn Hoàng với bài học vượt qua hiểm họa, dựng xây nghiệp lớn (Nguyễn Hoàn, PGĐ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị).
Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận để làm sáng tỏ mưu tính đại sự của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, tại sao chọn vùng đất Quảng Trị đặt trụ sở của chính quyền lúc dựng nghiệp; vị thế và đóng góp trong công cuộc mở cõi của Chúa Tiên để ghi nhận và tôn vinh công lao của Chúa Nguyễn Hoàng. Đặc biệt hội thảo cũng đã nghe bản Báo cáo Tổng kết hội thảo rất quan trọng, đầy đủ ý nghĩa của GS. Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam.
Bế mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Du - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị nhấn mạnh rằng “Qua hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu đã cung cấp các tư liệu cũng như đề xuất các giải pháp nhằm  bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thời Nguyễn Hoàng và Chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị cùng nhiều nội dung quan trọng khác cơ bản đã được giải quyết một cách khoa học, xác đáng”. Thay mặt các thành viên trong Ban Tổ chức, đồng chí cũng khẳng định hội thảo khoa học “Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng” đã thành công tốt đẹp và đây sẽ là tiền đề quan trọng để góp phần tôn tạo và phát huy di sản thời Nguyễn Hoàng tại tỉnh Quảng Trị nói riêng và bảo tồn di sản văn hóa lịch sử dân tộc nói chung ./.
 
Tác giả bài viết: Hải Yến, Trung tâm Tin học - Thông tin KH&CN

THEO:http://dostquangtri.gov.vn/htnh/index.php/news/Tin-tuc/HOI-THAO-KHOA-HOC-QUANG-TRI-DAT-DUNG-NGHIEP-CUA-CHUA-NGUYEN-HOANG-1558-2013-29/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét