THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

QUẢNG TRỊ, ĐỊA BÀN CHIẾN LƯỢC TỐI ƯU CỦA CHÚA NGUYỄN HOÀNG

Người thành cổ Quảng trị

Người ta thường nói anh hùng tạo ra thời thế, nhưng cũng có khi thời thế tạo ra anh hùng. Nguyễn Hoàng là một nhân vật lịch sử do thời cuộc tạo ra. Ông sinh trưởng ở đất Bắc nhưng lại dựng nên nghiệp lớn và lưu danh muôn thuở ở phương Nam.
Thật vậy, sự phân cực về quyền lực trên chính trường đầy rối ren ở đất Bắc giữa các dòng họ Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn trong nửa đầu thế kỷ XVI đã đẩy đưa ông vào trấn thủ Thuận Hóa vào năm 1558. Sự kiện và thời điểm lịch sử này là một cái mốc đáng ghi nhớ trong quá trình hình thành và phát triển lãnh thổ Đàng Trong. Nhân vật lịch sử ấy và các thế hệ chúa Nguyễn kế vị ông sẽ tiếp tục hoàn thành cuộc Nam tiến để mở ra một đất nước Việt Nam hoàn chỉnh vào đầu thế kỷ XVIII.
Vào giữa thế kỷ XVI, phía nam dãy núi Hoành Sơn là một vùng đất mênh mông vốn đã được tiếp quản bởi nhà Trần, nhà Lê rồi nhà Mạc, nhưng trên đường vào trấn nhậm lãnh địa mới, Nguyễn Hoàng chỉ chọn Quảng Trị làm chỗ đứng chân. Trong giai đoạn chân ướt chân ráo ấy, chắc hẳn ông cho rằng đây là chỗ cắm chốt an toàn nhất, vì nó không va chạm quyền lợi với bất cứ thế lực nào kể cả thế lực “chính phủ” và “phi chính phủ”.
Sau ba lần xây dựng và di chuyển lỵ sở của mình từ Ái Tử (1558) đến Trà Bát (1570) rồi Dinh Cát (1600), cho tới cuối đời (1613), ông vẫn xem lưu bồn sông Thạch Hãn như là một địa bàn chiến lược tối ưu chứ chưa bao giờ nghĩ đến lưu bồn của sông Hương hay một con sông nào khác ở phía Nam.
Bài tham luận này điểm lại đôi nét lịch sử liên quan đến việc chọn lựa 3 lỵ sở ấy và ý nghĩa của các lần di chuyển lỵ sở.
1. ÁI TỬ 愛子 : 1558 – 1570
Sau khi được chính quyền lưu vong Lê – Trịnh ở Tây đô (Thanh Hóa) cho phép, vào tháng 10 năm Giáp ngọ (1558), “Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn thủ xứ Thuận Hóa... Mọi việc của xứ này không cứ lớn hay nhỏ, và các ngạch thu thuế đều giao cả cho, hàng năm đến kỳ hạn thì thu nộp” (1). Năm ấy, Nguyễn Hoàng 34 tuổi. Đoàn người theo ông xuôi về Nam trong dịp này khá đông, gồm nhiều kẻ đồng hương ở huyện Tống Sơn, gia đình binh sĩ ở Thanh, Nghệ, một số viên chức đã từng phục vụ cho nhà Lê. Trong khoảng 1.000 người đó, có một người cậu ruột của ông là Nguyễn Ư Dĩ từng nuôi dạy ông “trù tính nhiều cách để xây vững nghiệp chúa” (2). Nguyễn Hoàng còn có sẵn uy tín do thân phụ ông là Nguyễn Kim – một trung thần đã quá cố của nhà Lê – để lại, ông dùng đức độ của mình để “vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục... Bấy giờ, mọi việc bắt đầu. Chúa khuya sớm chăm lo, nghĩ việc củng cố căn bản” (3).
Phần lớn những người mới đến Thuận Hóa lần này là thủy quân. Họ đã đi đường biển bằng chiến thuyền và vào đất liền bằng cửa Yên Việt (tức là của Việt hiện nay), rồi “đóng quân trên bãi cát nổi thuộc xã Ái Tử, huyện Vũ Xương” (4).
Ái Tử là tên một làng, trước đó từng được liệt kê trong sách Ô Châu Cận lục do tiến sĩ Dương Văn An biên tập vào năm 1555. Đây là 1 trong 59 làng của huyện Vũ Xương thuộc phủ Triệu Phong bấy giờ (5). Làng Ái Tử ngày nay thuộc xã Triệu Gia, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Làng nằm ở bờ bắc sông Thạch Hãn, cách thành cổ Quảng Trị khoảng 4km đường chim bay về phía tây bắc và cách Quốc lộ 1A hơn 1 km về phía đông bắc.
Nguyễn Hoàng đã đóng lỵ sở đầu tiên của ông tại đó. Nếu gọi Ái Tử bấy giờ là Thủ phủ thì có lẽ không chính xác, vì quy mô xây dựng ở đây chỉ là một quân dinh hoặc dinh trại. Một số nhà nghiên cứu người Pháp trước kia, đã dùng từ  “ le camp” (dinh, trại) hoặc “ le camp militaire”  (trại quân) để nói lên tình trạng xây dựng lỵ sở đơn sơ giản dị của Nguyễn Hoàng và những người đi theo ông bên bờ sông Thạch Hãn.
Dinh Ái Tử bấy giờ tọa lạc tại bên trong một khúc uốn hình bán nguyệt của dòng sông ấy. Đường cong của nó hướng ra phía biển cách đó khoảng 7 km về phía đông bắc. Về mặt chiến lược, đoạn sông uốn cong này là một tuyến đường thủy có thể dùng làm tuyến phòng thủ cho cả 3 phía bắc, đông và nam của quân dinh. Còn ở phía tây của nó thì đã có một chi lưu ở tả ngạn sông Thạch Hãn ngăn cản. Chi lưu này được sử sách gọi là sông Ái Tử (7) và nhân dân địa phương gọi là Rào Ái. “Đất nầy ở ven sông, gần biển, hơi xa cách rừng núi” (8).
Người ta kể rằng khi lập dinh ở Ái Tử, chúa Nguyễn Hoàng đã “truyền dựng một cột cờ trên bãi cát, gần bờ sông Đá Hàn (nay là sông Thạch Hãn hay sông Quảng Trị), sông nầy, xưa nước trong suốt đá, gọi là “bãi cát Cồn Cờ”. Do đó đã có câu ca dao địa phương như sau:
          Nước Cồn Cờ hòa trong hòa mát,
          Bãi Cồn Cờ nhỏ cát càng xinh” (9).
Trong quyển Sử ký tỉnh Quảng Trị do Ty Tiểu học tỉnh này biên soạn và ấn hành vào đầu thập niên 1960, các nhà giáo tại chỗ nói rằng bấy giờ chỉ còn một dấu vết duy nhất của Nguyễn Hoàng để lại. Họ viết: “Tại thôn Lập Thạch có một gò đất cao do chúa Nguyễn lúc vào trấn đất Thuận Hóa đã đắp nên với mục đích quan sát tàu bè ngoài biển và trên sông Cái. Nay dân chúng vẫn còn gọi là Cồn Dõi Lập Thạch” (10).
Cồn đất cao ấy còn có một cái tên khác nữa là Cồn Súng hoặc Mô Súng, ngày nay vẫn tồn tại, nằm ở ngã ba sông Ái Tử - Thạch Hãn, thuộc làng Lập Thạch, xã Triệu Lễ. Về phương diện quân sự, Cồn Dõi Lập Thạch bấy giờ là một tiền đồn của dinh Ái Tử, chỉ cách quân dinh của Nguyễn Hoàng khoảng 1km về phía hạ lưu. Nó giữ nhiệm vụ vừa quan sát mọi tàu bè đi lại trên biển và trên sông, vừa đề phòng sự xâm nhập của lực lượng hải quân đối phương.
Hiện nay, nhìn chung, ngoài một số địa danh chỉ các vị trí mà Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng dinh trại để thiết lập cơ ngơi ban đầu của mình ở Ái Tử, tất cả các dấu vết lịch sử của hơn 4 thế kỷ trước đã trở nên nhạt nhòa trên thực địa. Ngay vào đầu thập niên 1970, một người cầm bút ở Quảng Trị đã phải ngậm ngùi: “Ngày nay Ái Tử không còn giữ được một dấu vết nào đáng kể, những du khách đến đây đều phải bâng khuâng...” (11).
Nhưng, thử hỏi tại sao khi mới vào trấn thủ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng không chọn một địa điểm nào đó bên bờ sông Bồ hoặc sông Hương để lập dinh, mà phải đóng ở bờ sông Thạch Hãn ?
Có lẽ đó là một quyết định mang tính sách lược chính trị có sự tham mưu của “quân sư” Nguyễn Ư Dĩ. Ở Quảng Trị bấy giờ dân cư còn thưa thớt, đất đai còn nhiều nơi hoang vắng, không phải là miếng mồi ngon để các “anh hùng hào kiệt” thuộc loại thảo dã của họ Mạc và triều đình Lê – Trịnh quan tâm giành giật. Trong khi đó thì địa bàn Thừa Thiên bấy giờ đã trở nên trù phú hơn nhiều, nhất là tại vùng phủ lỵ phủ Triệu Phong, tức là thành Hóa Châu ở mạn hạ lưu sông Hương: “Sông Cái Kim Trà rót vào phía nam, đập lớn, chằm to ước nghìn vạn khoảnh. Các dòng nước bọc cả bốn bề, giữa có một tòa thành trăm nhận sừng sững như đám mây dài. Đó là nơi địa hình kết hợp, thiên tạo đặt bày vậy”. Trong thành “la liệt những trường học, nha môn...” (12).
Nếu so sánh với vùng đất còn tương đối hoang vu ở Quảng Trị thì khung cảnh vừa được mô tả là một nơi sinh hoạt nhộn nhịp và phồn thịnh, là một miếng mồi ngon để các thế lực nhắm vào. Nhưng, khi chọn Ái Tử, Nguyễn Hoàng đã tỏ ra khôn khéo trong việc tìm nơi cắm chốt ban đầu để tránh khỏi những va chạm không cần thiết và bất lợi có thể xảy đến do các thế lực bất mãn với chính quyền Lê – Trịnh và các thành phần cưu dân phức tạp trên địa bàn Thuận Hóa gây ra.
2. TRÀ BÁT  茶缽: 1570 – 1600
Năm 1570, sau khi ra Tây đô yết kiến vua Lê và gặp lại Trịnh Kiểm lần đầu tiên trở về nhiệm sở, Nguyễn Hoàng cho “dời dinh sang xã Trà Bát” (13).
Trước đó 2 năm, Trấn thủ Quảng Nam Bùi Tá Hán mất khi còn tại chức, triều đình Lê – Trịnh ở Thanh Hóa cử Nguyễn Bá Quýnh vào thay. Nay, 1570, triều đình lại triệu Nguyễn Bá Quýnh ra giữ chức Trấn thủ Nghệ An, và giao Quảng Nam cho Nguyễn Hoàng kiêm nhiệm. “Họ Nguyễn gồm có đất đai hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam từ đấy” (14). Bấy giờ, “Thuận Hóa có 2 phủ, 9 huyện, 3 châu... Quảng Nam có 3 phủ, 9 huyện... [Nguyễn Hoàng] đeo ấn Tổng trấn tướng quân” (15).
Với chức vụ mới là Tổng trấn, lãnh đạo cả Thuận Hóa lẫn Quảng Nam, quyền lực của Nguyễn Hoàng đã tăng lên gấp đôi. Việc ông cho dời dinh sang làng Trà Bát bấy giờ mang một ý nghĩa lịch sử: đánh dấu một thắng lợi của cá nhân ông khi được thăng quan tiến chức.
Trà Bát nằm cách Ái Tử khoảng 1 km về phía hạ lưu sông Thạch Hãn (16). Về sau, tên làng Trà Bát đổi thành Trà Liên, nay thuộc xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong.
Vào năm 1966, các tác giả của sách Địa phương chí tỉnh Quảng Trị viết rằng: “Thời bấy giờ, để phòng ngự cho chính dinh, Nguyễn Hoàng đặt 5 cánh quân chung quanh, gọi là Trung kiên, Hậu kiên, Tả kiên, Tiền kiên, Hữu kiên; ngày nay, tên 5 cánh quân này vẫn còn dùng để đặt tên cho thôn ấp” (17).
Đa số các nhà nghiên cứu gần đây đều cho rằng địa điểm trung tâm của Trà Bát “nằm tại khu đất được gọi tên là Nương Phủ hay Phủ Thờ, gần sát với khu dân cư của xóm Bồi làng Trà Liên, kéo dài ven sông Thạch Hãn cho tới làng Tiền Kiên. Phủ Thờ nằm tại phía đông của Cồn Đinh. Cách Phủ Thờ chừng hơn 300 m về hướng đông nam là Ghềnh Phủ, một bến cảng với các hoạt động buôn bán tấp nập của dinh chúa một thời” (18). Lê Quý Đôn cho biết thêm rằng bấy giờ cũng đã có nhiều thuyền buôn ngoại quốc đến mua bán, đổi chác hàng hóa ở đây (19). “Ở về phía bắc và nam của Phủ Thờ, tức là hai đầu của làng Trà Liên hiện còn các địa danh như: Mô Súng, Thành ao, Bến đò xưởng, Ruộng xưởng, Bãi trận, Đình hát...” (20).
3. DINH CÁT 營葛 : 1600 – 1636
Sau khi Trịnh Tùng (con của Trịnh Kiểm) đem quân từ Tây đô ra đánh lấy lại được Đông đô trong tay nhà Mạc, vua Lê được trở về cố đô của mình vào tháng 4 năm Quý tị (1593). Một tháng sau, Nguyễn Hoàng đem binh thuyền ra đó yết kiến vua Lê. Ông được vua khen ngợi và lưu lại làm chức quan Thái úy Hữu tướng, rồi được phong tước Đoan Quốc công, đồng thời vẫn kiêm nhiệm chức Tổng trấn hai xứ Thuận – Quảng như cũ.
Bấy giờ, tuy kinh đô nhà Lê đã được thu phục, nhưng quân nhà Mạc vẫn còn chiếm cứ và đánh phá nhiều nơi trên đất Bắc. Nguyễn Hoàng đã có nhiều công lao trong việc đem quân đi tiểu trừ, nhưng sau 7 năm chinh phạt thắng lợi, ông vẫn không nghe Trịnh Tùng đề cập gì đến việc để cho ông trở về Thuận Hóa. Do đó, ông phải lập kế để trở vào nam bằng cách “mưu sử bọn thủy tướng quân là Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê làm phản ở cửa biển Đại An, rồi tự xin đi đánh, đến nơi giả cách thua, bèn do đường biển về thẳng Thuận Hóa” (21).
Ngay sau khi về đến nhiệm sở cũ vào tháng 5 Âm lịch năm ấy (1600), ông “cho dời dinh sang phía đông dinh Ái Tử (bấy giờ gọi là Dinh Cát)” (22).
Về địa danh và địa điểm Dinh Cát, có đôi điều cần tìm hiểu. Một nhà nghiên cứu từng sống lâu năm ở Quảng Trị đã viết rằng: “Dinh được xây cất trên một động cát, do đó dinh mới gọi là Dinh Cát hay Cát Dinh” (23). Nhưng, chữ nghĩa được ghi chép trong sử sách không cho phép cắt nghĩa theo cảm tính như vậy.
Khi nói về sự kiện Nguyễn Hoàng cho dời dinh từ Trà Bát sang phía đông dinh Ái Tử, Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã viết một câu bằng chữ Hán, nguyên văn như sau: 移營于愛 子營之東時稱葛營 (Di dinh vu Ái Tử dinh chi đông, thời xưng Cát Dinh). Riêng chữ Cát 葛 trong câu này được Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải nghĩa là dây sắn, còn Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh thì dịch là cây sắn, cây đay. Nếu là động cát hay bãi cát thì trong chữ Hán cũng như trong chữ Nôm đều có ký tự để dùng. Trong chữ Hán, sa 沙 có nghĩa là cát.

Về địa điểm của Dinh Cát, gần đây có một số ý kiến cho rằng nó nằm quanh vực nền chùa Liễu Bông vốn được xây dựng sau khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên di chuyển lỵ sở vào làng Phước Yên. Đây chính là địa điểm nằm trên khu đất có tên gọi là Cồn Dinh thuộc làng Trà Liên, tiếp giáp với làng Tiền Kiên, ở bờ tây sông Ái Tử đoạn ôm vòng lại (gọi là cổ chai), cách địa điểm gọi là Nương Phủ (Phủ Thờ) chưa đầy 500m về phía tây bắc mà ngày nay còn lưu lại nhiều vết tích về một vòng thành (thành nội). So với 2 địa điểm khác [Ái Tử và Trà Bát] thì đây là nơi mà dấu vết còn lại khá rõ nét” (25).
Tuy lỵ sở của Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng đóng tại Dinh Cát chỉ 26 năm (1600 – 1626), nhưng địa danh này đã được sử dụng trong một thời dài để chỉ cả địa bàn tỉnh Quảng Trị về sau. Chẳng hạn như trong một bức thư của Laurent Barisy đề ngày 16 – 7 – 1801 (sau khi Nguyễn Phúc Ánh tái chiếm Phú Xuân từ tay nhà Tây Sơn), có câu: “Tất cả quân lính các tỉnh gốc Chàm, Huế, Dinh Cát... từ xưa vẫn mến chúa đã kéo từng lũ đến yết kiến và xin đầu quân với Nguyễn Vương” (26).
Dù sao,  sự thiên di lỵ sở từ Trà Bát đến Dinh Cát cũng đã mang một ý nghĩa lịch sử. Để biểu tỏ một đổi thay nào đó trong cung cách ứng xử của chính quyền Thuận Quảng, ngay sau khi từ đất Bắc trở vào đến nhiệm sở của mình, Nguyễn Hoàng liền cho dời dinh sang một địa điểm mới, và sau đó 2 năm, 1602, ông cử người con trai thứ 6 của mình là Nguyễn Phúc Nguyên vào giữ chức Trấn thủ Quảng Nam. Với sự kiện ấy, Nguyễn Hoàng đã tự nâng địa vị của mình lên một bậc. Ý nghĩa của sự dời dinh lần này có lẽ là như vậy.
Nhìn chung,  trong suốt 55 năm trấn nhậm xứ Thuận Hóa rồi xứ Quảng Nam (1558 – 1613), chúa Tiên Nguyễn Hoàng vẫn giữ trung tâm hành chính của mình tại đất Quảng Trị. Mặc dũ đã trải qua 3 lần dời dựng lỵ sở từ Ái Tử đến Trà Bát rồi Dinh Cát, nhưng chúa vẫn lựa chọn địa điểm ở lưu bồn sông Thạch Hãn. Mỗi lần thiên di lỵ sở như vậy đều gắn liền với một sự kiện quan trọng, một dấu mốc lịch sử trong quá trình xác lập thế lực chính trị của chúa trên con đường mở rộng lãnh địa về phía nam. Vào năm 1611, tức là 2 năm trước khi qua đời, chúa Nguyễn Hoàng còn mở thêm một đơn vị hành chính mới là phủ Phú Yên (27). Sự kiện này tiếp tục mở ra một chân trời mới trong sự nghiệp Nam tiến của chúa Tiên. Nhưng, chúa vẫn không di dời lỵ sở của mình ra khỏi lưu bồn sông Thạch Hãn. Điều này chứng tỏ rằng cho đến bấy giờ, Quảng Trị vẫn là địa bàn chiến lược tối ưu của chúa.
Suốt đời mình, chúa Tiên “muốn dựng lên nghiệp lớn” và “xây dựng cơ nghiệp muôn đời” cho họ Nguyễn, trong đó có việc đánh bại họ Trịnh và thống nhất đất nước. Ý muốn này đã được bộc lộ trong lời dặn người con kế nghiệp trước khi ông trút hơi thở cuối cùng:
“Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang và sông Gianh hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống choi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời...” (28).
Quản lý một vùng đất rộng lớn từ Thuận Hóa đến Phú Yên, Đoan Quốc công đã lập được một tuyến phòng thủ từ Cửa Việt đến 5 đơn vị quân đội “Ngũ Kiên” đóng dọc theo sông Thạch Hãn, và trong hơn nửa thế kỷ (1558 – 1613), lỵ sở của ông đã được xây dựng ngày càng quy củ và kiên cố ở lưu vực con sông này. Nếu bộ chỉ huy của ông di chuyển đi xa phòng tuyến đó, e rằng lỵ sở đó sẽ bị hở sườn và sẽ có sự dòm ngó từ miền Bắc để xuống thôn tính lãnh địa trù phú của ông.
Lời “di huấn” của ông trên đây đã gián tiếp tuyên chiến với thế lực họ Trịnh. Con ông là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên sẽ công khai xây thành đắp lũy ở Đồng Hới để thay thế cho phòng tuyến ấy khi dịch chuyển lỵ sở xuống phía nam và ra mặt “chống chọi với họ Trịnh” như lời ông dặn.
Với việc dùng địa bàn Quảng Trị làm đất bản bộ trong tiến trình ổn cố và mở mang lãnh địa của mình, chúa Nguyễn Hoàng đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử đất nước. “Ông là người khởi đầu cuộc mở rộng biên cương lớn nhất trong lịch sử về phía nam... Có thể nói rằng nếu không có việc Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa vào năm 1558 thì lịch sử có thể đã diễn ra theo một chiều hướng khác” (29).
 

                                                CHÚ THÍCH
(1)             Đại Việt Sử ký Toàn thư, NXB KHXH, Hà Nội, 1993, tập III, bản dịch của Hoàng Văn Lâu và Ngô Thế Long, tr. 132.
(2)             Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Liệt truyện, bản dịch của Viện Sử Học, NXB Thuận Hóa, Huế, 1993, tập 1, tr. 77.
(3)             Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực lục (Thực lục),  bản dịch của Viện Sử Học, tập I, NXB Sử Học, Hà Nội, 1962, tr. 30 – 32.
(4)             Nguyễn Khoa Chiêm, Nam triều công nghiệp diễn chí, bản dịch của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2003. tr. 26.
(5)             Dương Văn An, Ô Châu Cận lục, bản dịch của Bùi Lương, Văn hóa Á châu xuất bản, Sài Gòn, 1961, tr. 38.
(6)             A. Laborde, “La Province de Quảng Trị”, Bulletin des Amis du Vieux Hué, 1921, tr. 112.
(7)             Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí: Tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Bình, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn Hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1961, tr. 42.
(8)             Phan Huy Chú, Lịch triều Hiến chương Loại chí: Dư địa chí, bản dịch của Nguyễn Thọ Dực, Sài Gòn, 1972. tr. 345.
(9)             Léopold Cadière, “Les Résidences des Rois de Cochichine (Annam) avant Gia Long”, Ernest Leroux, Paris, 1916, tr. 10 – 11. Xem thêm: Nguyễn Văn Ngọc, “Lược sử xứ Dinh Cát”, Giai phẩm Chim Việt, số 3, tháng 6 – 1971, Quảng Trị, tr. 52 – 53.
(10)        Sử ký tỉnh Quảng Trị, in ronéo, 49 trang cỡ 21 x 27,5 cm, tr. 47.
(11)        Thạch Hà, “Vài nét sơ lược về Quảng Trị”, Giai phẩm Chim Việt, số 4, tháng 8 – 1971, Quảng Trị, tr. 67.
(12)        Dương Văn An, sách đã dẫn, tr. 65.
(13)        Thực lục, tập đã dẫn, tr. 33.
(14)        Lê Quý Đôn, Phủ biên Tạp lục, bản dịch của Lê Xuân Giáo, Phủ Quốc Vụ khanh Đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, tập I, 1972, tr. 69 – 70. Xem thêm bản dịch của Viện Sử Học, NXB KHXH, Hà Nội, 1977, tr. 49 – 50.
(15)        Thực lục, nơi đã dẫn.
(16)        A. Laborde, bài đã dẫn, tr. 113.
(17)        Địa phương chí tỉnh Quảng Trị, 65 trang cỡ 15,5 x 23 cm, Tòa Hành chánh Quảng Trị ấn hành, 1966, tr. 7.
(18)        Lê Chí Tài, “Các dinh chúa Nguyễn ở Quảng Trị - Bảo tồn và phát huy giá trị của di tích”, đăng trong Di sản Văn hóa Huế, nghiên cứu và bảo tồn do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ấn hành, Huế, tập II, 2012, tr. 463.
(19)        Phủ biên Tạp lục, bản dịch của Viện Sử Học, tr. 50. Chúng tôi xin cập nhật hóa vấn đề bằng cách cung cấp thông tin liên quan dưới đây với tất cả sự dè dặt cần thiết. Vừa qua, bảo tàng Quốc gia Kyushu ở tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) đã phát hiện và công bố một bức thư đề năm 1591 do “một nhân vật có địa vị cao có liên quan đến triều đình nhà Nguyễn (xứ Đàng Trong) nắm quyền cai quản Quảng Nam thời kỳ đó” gửi cho chính phủ Nhật Bản, tỏ quyết tâm muốn thông thương với nước này (Xem Tấn Vũ, “Phát hiện thư tịch cổ về giao thương Việt Nam và Nhật Bản”, báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 3 – 7 – 2013, tr. 16). Năm 1591 là thời điểm Nguyễn Hoàng đang đóng dinh ở Trà Bát.
(20)        Lê Chí Tài, nơi đã dẫn.
(21)        Lê Quý Đôn, Phủ biên Tạp lục, bản dịch của Viện Sử Học, tr. 51.
(22)        Thực lục, tập đã dẫn, tr. 41.
(23)        Nguyễn Văn Ngọc, Lược sử xứ Dinh Cát, trang đã dẫn.
(24)        Đại Nam Thực lục Tiền biên, quyển 1, tờ 19b.
(25)        Lê Chí Tài, bài đã dẫn, tr. 464.
(26)        “Những ngày tàn của Tây Sơn dưới mắt các giáo sĩ Tây phương”, Đặng Phương Nghi sưu tầm, Nguyễn Ngọc Cư dịch, tập san Sử Địa, số 21, Sài Gòn, 1971, tr. 183.
(27)        Thực lục, bản dịch, tập đã dẫn, tr. 43 – 44.
(28)        Thực lục, nơi đã dẫn.
(29)        Võ Hương An, Từ điển nhà Nguyễn, NXB Nam Việt, California, 2012, tr. 423.
Tác giả bài viết: Phan Thuận An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét