THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

Một thời văn nghệ sĩ đi chiến trường

Người thành cổ Quảng trị

(QT Xuân) - Năm 1972, chiến trường Quảng Trị không chỉ sôi động bởi cuộc chiến đang hồi kết thúc mà còn háo hức tưng bừng trên diễn đàn báo chí thi ca làm xao động lòng người.
 
 Nhạc sĩ Huy Thục nhiều năm gắn bó với chiến trường Quảng Trị. Ảnh: T.L
Trong những căn hầm chật chội nấp bên những bờ tre thưa lá, nhiều anh chị em văn nghệ sĩ xin được tá túc cùng ăn cùng ở với bộ đội ta để khai thác tư liệu cho tác phẩm. Vì thế, trong những ngày tháng sôi động ấy, thường xuyên xuất hiện trên các trang báo với nhiều thể loại ngợi ca mảnh đất con người Quảng Trị gan góc, dạn dày mà cả nước biết đến như một chiến trường ác liệt nhất. Trong hoàn cảnh ấy, tôi đã gặp, đã sống với nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng.

Ấn tượng trong tôi ngày đầu là một bất ngờ thú vị. Người giao liên với khẩu AK mang chéo trước ngực dẫn theo một anh bộ đội cao lớn đến gặp tôi trước cửa căn hầm mới dựng. Anh giao liên nhỏ nhẹ giới thiệu.

Đây là nhà thơ Thu Bồn mới vào chiến trường muốn về tìm hiểu vùng đất Gio Linh, mong các anh giúp đỡ. Tôi hơi ngờ ngợ trước diện mạo của khách. Cứ nghĩ, nhà thơ phải là con người mảnh khảnh có nét thư sinh, sao đây là một ông bộ đội cao lớn đồ sộ thế kia. Trông dáng dấp như là vị sư trưởng hơn là nhà thơ. Thu Bồn, tôi biết anh là tác giả của trường ca "Bài ca chim chơ rao" và bài thơ "Gởi lời con đến cùng cha" có câu:

Có người thợ dựng thành đồng
Đã yên nghỉ tận sông Hồng mẹ ơi !

Trong bộ quần áo 8-3 bạc màu với chiếc túi đựng mìn Claymo, chiến lợi phẩm bộ đội tặng cho để đựng bản thảo. Sau phút giây làm quen vội vã theo tác phong của những người lính, tôi đưa anh ra mỏm đá bên bến sông ngồi chuyện trò. Anh nói chuyện có duyên đến lạ. Cánh thanh niên như tôi nghe anh nói là mê ngay. Anh có giọng đọc thơ hút hồn. Đây là một khúc trong trường ca "Bài ca chim chơ rao" mà anh đọc tôi nghe:

"Xưa kia tráng sĩ hề da ngựa
Ta nay uống cạn mấy rừng mưa
Độc huyền tráng sĩ xưa ca cẩm
Ta ôm xích đạo gãy vòng cung
.................
Ta như con dế nằm trên cỏ
Đợi uống từng đêm giọt ngọc sương
Châu báu trọn đời con dâng mẹ
Là trái tim đau lấm bụi đường...”

Chừng ấy cũng đủ làm cho tôi, một anh lính trẻ mê văn chương ngẩn ngơ, coi anh như một thần tượng cứu cánh tâm hồn lãng tử của tôi. Tôi tò mò hỏi anh: Sao anh lấy tên dòng sông Thu Bồn để đặt cho bút danh của mình? Anh cười bảo rằng, đó là con sông quê thấm đẫm huyền thoại về mối tình của chúa thượng Nguyễn Phúc Lan và cô thôn nữ hái dâu trở thành hoàng hậu. Câu chuyện tình đã đi vào tâm hồn anh từ thời thơ trẻ.

Vào chiến trường, dạo ấy, anh viết nhiều thơ. Tôi còn nhớ bài thơ viết về người mẹ Gio Linh có nhiều câu đậm chất ca dao:

Trưa nằm trên chiếc võng đưa
Con nghe tiếng mẹ xa xưa vọng về
Mái tôn che quá nặng nề
Con nghe gió từ bờ tre thổi vào
..........

Tiếng ru như tiếng con đòi
Bao đêm sữa mẹ chảy ngoài môi con

Một nhà thơ nữ rặt chất Hà Nội để lại nhiều ấn tượng cho cánh lính trẻ thời ấy đến mức hoài nghi đó là nữ sĩ Xuân Quỳnh. Hôm ấy, nhà thơ Cảnh Trà dẫn vào lán chúng tôi một cô gái có nước da trắng trẻo, vóc người thon thả trong bộ bà ba đen với khăn rằn vắt vai y như du kích Bến Tre. Chúng tôi hồi ấy phải gọi cô bằng chị. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ đây là cô văn công của đoàn nào ghé thăm.

Thời ấy, văn công về đơn vị là ngày hội của chiến trường. Được nhà thơ Cảnh Trà giới thiệu, chúng tôi thầm nghĩ, người đẹp như thế này mà vào chiến trường gian khổ làm sao chịu nổi. Thế mà sau vài bữa cơm chỉ có rau rừng với mazi, chị đã hoà mình với anh em chúng tôi. Nhiều câu chuyện chị kể nghe dí dõm và thật thú vị.

Tôi nhớ hôm ấy khi vui với cánh lính trẻ, chị góp câu chuyện giai thoại nhà văn, những câu
 
 Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: T.L
chuyện chỉ có trong làng văn. Câu chuyện kể rằng, trong một dịp đi thực tế Hải Phòng, đoàn có nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận và một số nhà thơ tên tuổi khác. Buổi sáng, đoàn đi thăm một ngôi đền cổ thờ một vị tướng của Quang Trung mắc xương chết sau buổi khao quân mừng đại phá quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu .

Trở về, trưa hôm ấy, các văn nghệ sĩ vừa ăn cơm vừa trò chuyện sôi nổi. Bỗng nhà thơ Xuân Diệu bị sặc, mấy cọng rau văng ra bàn, nhà thơ không kịp che miệng. Một lát sau, khi không khí bàn ăn trở lại bình thường, nhà thơ Xuân Quỳnh nhẹ nhàng hỏi nhà thơ Xuân Diệu: Anh Xuân Diệu! Gì vậy? nhà thơ trả lời. Anh có hay tự ái không ? Không! Nhà thơ đáp. Vậy anh nghe tôi đọc câu thơ này nhé ! Chị Xuân Quỳnh nói xong rồi đọc:

Buổi sáng xem đền tướng mắc xương
Trưa về thi sĩ hóc rau thơm
Mới hay đất Cảng nhiều xương quá
Thịt cũng xương mà rau cũng xương

Chiến trường phía nam vẫn đì đùng súng nổ thế mà lớp lớp anh chị em văn nghệ sĩ liên tiếp thay nhau vào mảnh đất Quảng Trị ngày đêm khói lửa. Lương thực khô cạn, đến rau dại cũng không còn, thế mà chủ, khách vẫn sống, vẫn tươi vui hồ hỡi.

Lớp này ra đi lại đón lớp khác quay vào. Mùa hạ nóng như quạt lửa, sông Hiền Lương cạn, là cơ hội cho anh em đánh cá, mò cua cải thiện bữa ăn. Hôm đón nhà thơ Liên Nam và Trinh Đường vào là lúc gặp thời nhất. Bữa ăn tươi hơn nhờ nguồn cua cá của sông Bến Hải.

Kỷ niệm khó quên của chúng tôi là các anh đòi đi theo bắt cá, mò cua. Mặc cho bom nổ chậm nằm im ỉm giữa lòng sông có thể nổ tung không biết lúc nào, anh em chúng tôi vẫn xách nơm ra đi. Cua bên mép sông sống lẫn trong cỏ nanh nhiều vô kể. Chỉ cần úp nơm mà nghe tiếng lào xào là y như có cua rồi. Chỉ tội, đáng sợ nhất là thò tay vào để bắt. Nếu không khéo lựa chiều mà để cua kẹp vào tay là đau thấu tim.

Anh Trinh Đường có khuôn mặt khắc khổ và tính tình hiền dịu nên anh em thương quý lắm. Anh làm việc say sưa không kể giờ giấc. Với một mẩu bút chì không còn chỗ cầm tay thế mà anh cứ lúi húi ghi ghi, chép chép chữ như con kiến chen đầy mấy cuốn sổ tay.

Ban đêm không có đèn dầu, chỉ qua ánh sáng cây đèn pin nhưng anh vẫn đọc thơ cho anh em nghe. Một điều lạ là anh không đọc thơ anh mà lại đọc thơ của bạn bè như Võ Văn Trực, Hữu Thỉnh... một cách say sưa. Được biết nhà thơ có học vấn đến bậc tú tài thời Tây thế mà khi nói chuyện nhiều câu thật ngớ ngẫn. Có lần anh hỏi tôi: Này cậu, làm sao cậu biết mấy thỏi pin này đã hết. Thực tình lúc bấy giờ tôi không biết trả lời thế nào cho anh.

Anh em chúng tôi còn nhiều cơ hội sống với các nhạc sĩ nổi tiếng như Huy Thục, Doãn Nho... Thời ấy, các anh đã có nhiều ca khúc cho chiến trường sôi sục. Với anh Huy Thục, anh em mến mộ lắm vì anh viết nhiều ca khúc nổi tiếng cho Quảng Trị mà nổi bật là bài “Tiếng đàn Ta lư”.

Bài hát được chị Tường Vy biễu diễn thành công nhất. Bài hát có sức động viên lớn đối với quân dân Quảng Trị một thời. Như là một tâm niệm trong lòng dân đến mức khi mua chiếc đài bán dẫn, đồng bào Vân Kiều phải hỏi đài này có "Tiếng đàn Ta lư" không mới mua. Anh Doãn Nho thì để lại ấn tượng sâu nhất là bài ca “Người con gái sông La’’ sáng tác trong dịp này khi đi qua Hà Tĩnh.

Chiến trường Quảng Trị năm 1972 còn để lại nhiều ký ức lạc quan, tươi tắn, hồ hỡi bởi các văn nghệ sĩ lần lượt thay nhau ghé thăm rồi sau đó đi dần vào phía Nam. Không gian cuộc chiến đã mang lại nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời. Mảnh đất Quảng Trị vì thế mà cả nước biết tới như những huyền thoại của cuộc kháng chiến. Nó âm vọng và đi vào tâm hồn biết bao đồng bào, đồng chí với lòng yêu thương trìu mến một thời và mãi mãi.
                                     Đức Tiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét