THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

“Săn” cây kiểng đại thụ

Người thành cổ Quảng trị
(QT) - Chưa bao giờ phong trào chơi kiểng (cây cảnh) lại rộ lên như hiện nay. Nếu trước đây dân chơi kiểng chỉ yêu thích các loại Bonsai và cây kiểng cỡ nhỏ thì hiện nay họ quay sang “khoái” loại cây kiểng đại thụ.

Cây kiểng đại thụ có giá cao ngất ngưỡng từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng, và hầu như những loại cây kiểng này phải vào rừng sâu hoặc sang tận rừng Lào mới có được. Có cầu ắt có cung, vì lợi nhuận lớn từ thú chơi này mà người dân ở nhiều nơi vẫn lén lút vào rừng đào cây kiểng cổ thụ về bán, dù biết là phạm luật.

Cuối năm, đi “săn” kiểng

Thời gian gần đây, tình trạng người dân tại các địa bàn giáp rừng như Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ đổ xô “săn” cây kiểng đại thụ về chơi hoặc bán là khá phổ biến. Đặc biệt, tại một số xã của huyện Cam Lộ dọc tuyến Quốc lộ 9 như Cam Thành, Cam Tuyền hay các xã vùng Cùa như Cam Chính, Cam Nghĩa, phong trào người dân “săn” cây kiểng đại thụ khá rầm rộ. Tại những nơi này, nhiều chủ vườn có đến hàng chục cây cảnh, đó phần lớn là cây kiểng đại thụ đủ loại như: sanh, si, đa đỏ, lộc vừng, sung, bằng lăng, quan âm… với kích cỡ cây lớn nhất đến vài người ôm.

 
Một cây sanh đại thụ vừa mới đưa từ rừng về trồng trong vườn nhà.

Chính những “chợ” cây kiểng này là nguồn cung cấp cho dân chơi kiểng khắp nơi trong tỉnh, hay xa hơn nữa là Thừa Thiên Huế và Quảng Bình. Trong vai những người đi tìm mua cây kiểng, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu về những “chợ” cây kiểng này. Từ thành phố Đông Hà theo Quốc lộ 9 đến đoạn Km 30 xuất hiện nhiều “chợ cây kiểng di động” bày bán cho khách hai bên vệ đường.

Cây kiểng có đủ loại, kích cỡ để khách chơi có thể lựa chọn thoải mái. Có khi chỉ cần 200 ngàn đã có một cây kiểng nhỏ vừa ý, nhưng đôi lúc lên đến hàng chục triệu đồng nếu đó là cây kiểng quý, to, gốc đẹp, lâu năm. Thường thì tại những chợ cây kiểng di động kiểu này chỉ bày bán những loại cây cỡ nhỏ còn những loại kiểng đại thụ thì được “ém” tại vườn của các chủ lớn.

Chúng tôi dừng xe bên lề đường, cạnh một chợ kiểng sát bìa rừng trên Km 30 và hỏi mua gốc lộc vừng, mấy tay lái kiểng (những người mua kiểng bán lại kiếm lời) hét giá trên trời không quên kèm câu quảng cáo: “Sáng sớm mở hàng cho chú em 5 xị (năm trăm nghìn đồng), giá thế là mềm rồi đó, nay những loại vừa vừa như thế này khó kiếm lắm. Còn nếu chú em cần gốc to, đẹp hơn thì bọn anh sẽ sẵn sàng cung cấp”. Khi chúng tôi có ý định đặt mua với số lượng nhiều để về “trồng trong cơ quan”, mấy tay lái lái kiểng hớn hở nói ngay: “Số lượng bao nhiêu không thành vấn đề, loại nào cũng có, nói chung là “hàng” đẹp miễn chê luôn. Nếu mua số lượng lớn bọn anh sẽ giảm giá nhưng phải đặt cọc trước. Chú em yên tâm đi, tiền trao cháo múc, không lo chi hết”.

Thoái thác phải đi xem những nơi khác, chúng tôi rút lui. Trước khi đi, một trong số những tay lái kiểng không quên cho địa chỉ rồi bảo “có gì chú em liên lạc nhé, không ở đâu “hàng” đẹp bằng chỗ bọn anh đâu”. Đặc biệt các “chợ” kiểng này chỉ tụ họp vào thời điểm gần trưa hoặc lúc chập tối vì lúc đó dân đào kiểng mới xuống núi đưa cây ra.

Vào thời điểm giáp Tết này, nhiều người lùng sục “săn” cây cảnh nên các chợ này xôm tụ cả ngày. Anh Nguyễn Văn Vinh, một dân chơi kiểng thành phố Đông Hà cho hay: “Nói thiệt, tuy đi hơi xa một tí nhưng bù lại mình “săn” được “hàng” độc, dáng thế cũng đẹp và đặc biệt giá rẻ hơn ở thành phố”. Anh Vinh cho biết anh đã từng mua được rất nhiều cây đẹp, giá rẻ tại những điểm bán di động như thế này và đợt cuối năm này anh đang định “săn” thêm cài cây về chơi Tết.

Máu” rừng chảy về… phố

Thời gian gần đây, khi giá cây kiểng đại thụ tăng vùn vụt thì một số người dân các xã Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ và một số xã thuộc các huyện Hướng Hóa, Đakrông… lại ồ ạt vào rừng “săn” đem về vườn nhà trồng, chăm sóc và “tút” lại để bán cho dân chơi. Vì lợi lớn mà hàng ngày có rất nhiều người từ thanh niên trai tráng đến lớp trung niên cứng tuổi cũng đổ xô vào rừng đào bới, lùng sục tìm cây kiểng.

 
Ông Lê Hữu Khoa, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lộ cho biết, trong thời gian qua Hạt Kiểm lâm đã tăng cường kiểm tra, giám sát các khu rừng trên địa bàn, trong đó chú trọng đặc biệt tại khu rừng tự nhiên ở vùng Cùa nhưng vẫn chưa phát hiện bắt giữ vụ nào liên quan đến việc người dân lén lút vào rừng đào bới cây cảnh. Trước thông tin về tình trạng người dân lén lút vào rừng đào bới cây cảnh “rộ” lên như hiện nay, ông Khoa cho biết sẽ tăng cường lực lượng giám sát, xiết chặt hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, nếu phát hiện sẽ có biện pháp xử lý. Tuy nhiên cũng theo ông Khoa cho biết thì hiện nay chế tài xử phạt về việc đào bới, buôn bán cây cảnh trái phép vẫn chưa rõ ràng, cụ thể, quy định còn chung chung nên hiệu quả còn hạn chế.
 
Dân “săn” cây kiểng thường tìm đến những cánh rừng nằm sát các ngọn núi như Phu Lơ, Lèn Đá, Đầu Mầu, Đôộng Chòi thuộc xã Cam Thành… vì theo họ cho biết thì những nơi này nổi tiếng với nhiều loại cây kiểng quý hiếm, được dân chơi kiểng ưa chuộng. Anh Mỹ, nhóm trưởng một nhóm chuyên “săn” cây kiểng hơn 10 người ở thôn Đầu Mầu cho biết, nhóm anh theo nghề thuộc loại có thâm niên nhất.

Thường thì mỗi chuyến “săn” kiểng kéo dài đến 3-4 ngày, ăn ngủ luôn trong rừng cho đến lúc tập hợp đủ cây là đưa ra Quốc lộ 9 để bán. Nhóm anh Mỹ đã từng bán những cây có giá lên đến 100 triệu đồng. Có tháng thu nhập mỗi người được hơn 14 triệu. “Hồi trước thu nhập cao nhưng làm ăn càng lúc càng khó.

Bây giờ muốn có được cây đẹp phải đi vào sâu trong dãy Trường Sơn, phía ngoài này dân tìm lùng nhiều quá nên hiếm lắm!”. Từ khi giá những loại cây kiểng thông thường không còn cao, ít người ưa chuộng nên những người như anh Mỹ cũng xoay sang lùng kiểng đại thụ. Theo chân anh Bắc, một người dân ở xã Cam Thành, chúng tôi lên chân núi Phu Lơ, đi dọc theo các con suối mới thấy được sự tàn phá của nạn chơi cây kiểng.

Một đoạn dọc bờ sông Tân Lâm (địa phận xã Cam Thành) dày đặc những hố sâu lồi lõm, nham nhở là dấu vết do dân lùng cây kiểng để lại. Có nơi, đất rừng bị đào tràn ra thành những bãi bồi lấn chiếm cả mặt sông. Mỗi khi hạ một cây đại cảnh là phải phát rộng đường và xung quanh gốc cây đó khiến rất nhiều cây khác cũng bị đốn hạ. Chính vì vậy, việc “săn” cây cảnh đại thụ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái rừng.

Dọc theo con đường vào vùng Cùa chúng tôi chứng kiến có rất nhiều vườn trồng đến hàng chục cây kiểng đại thụ. “Đó hầu hết được mang về từ rừng sâu, có cây còn sang tận Lào mới có”, một người dân nơi đây cho biết. Những vườn cây kiểng đại thụ với diện tích rộng gần cả ngàn mét vuông nhưng đã lèn chật ních các loại cây đại cảnh. Có những cây với thân lớn đến mấy người ôm, có cây với dấu chặt mới đang ứa nhựa đỏ quạch vừa được đưa về ươm.

Những cây cảnh đại thụ lớn đến mức muốn chăm sóc hay tưới nước cho cây những chủ vườn ở đây phải bắc thang để leo. “Hiện nay, những loại cây như sanh, đa đỏ, bằng lăng… dân chơi lắm tiền rất chuộng. Vườn tui có cây được trả đến hơn trăm triệu đồng mà tui chưa bán, chờ giá lên mới bán. Bữa nay giá cả bất thường lắm, có lúc hôm nay vài chục triệu nhưng ngày mai có khi giá đã gấp đôi”, một chủ vườn tại vùng Cùa không ngần ngại cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Ánh, Chủ tịch UBND xã Cam Thành cho biết: “Tình trạng người dân địa phương lén lút vào rừng đào tìm cây cảnh về bán trong thời gian gần đây chúng tôi cũng biết và đã nhiều lần nhắc nhở, cảnh cáo. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần bố trí người vào tận rừng sâu kiểm tra, thu hồi các loại dụng cụ đào bới đồng thời xử phạt nghiêm. Tuy nhiên, sau một thời gian tình trạng này vẫn tái diễn, khó kiểm soát”.

Tình trạng người dân “săn” cây kiểng, đặc biệt là kiểng đại thụ để bán cho dân chơi kiểng là có thật và có dấu hiệu ngày càng tăng. “Săn” đại cảnh cũng là một kiểu phá rừng, đã đến lúc cơ quan chức năng cần có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng trên, nếu không muốn những cánh rừng có ngày sẽ bị xóa sổ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét