THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2010

Chuyện của hai học trò nghèo mồ côi học giỏi

Người thành cổ Quảng trị

Cách đây chừng một năm, em Nguyễn Quốc Thịnh, khu phố 7, phường 1, thị xã Đông Hà đã mãi mãi mất đi những người thân yêu nhất. Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa đang sống mạnh khoẻ, đột ngột bị tai biến mạch máu não.
Gia đình đưa chị vào Bệnh viện Đại học Y (TP Huế), rồi Bệnh viện Trung ương Huế cứu chữa, nhưng chỉ sau 3 ngày nhập viện, chị đã qua đời do bệnh tình quá nặng. Mẹ ra đi là nỗi đau quá lớn đối với em. Những tưởng nỗi đau thương mất mát ấy còn có người cha chia sẻ, vỗ về, nào ngờ…
Cha em, anh Nguyễn Quốc Hùng một mặt do bị bệnh từ trước, mặt khác không vượt qua được nỗi đau mất đi người vợ hiền yêu dấu, chỉ 3 tháng sau ngày chị Hoa ra đi, anh đã ngã bệnh nặng và qua đời, để lại 3 người con mồ côi.
Cháu Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Kế toán Mai Lĩnh (thị xã Đông Hà) chưa xin được việc làm, em nhỏ Nguyễn Thị Thu Huyền đang là học sinh lớp 7. Đau thương mất mát là vậy, nhưng nhớ lời mẹ dặn trước lúc nhắm mắt, rằng phải chăm ngoan, học giỏi để không phụ lòng cha mẹ, em đã lau khô nước mắt, miệt mài với đèn sách hằng đêm.
Thịnh thi đỗ vào Trường Đại học Giao thông TP Hồ Chí Minh , Khoa Công nghệ thông tin ngay sau khi rời ghế nhà trường THPT. Ngày cầm giấy báo điểm thi trên tay, nước mắt em chảy ròng ròng: "Mẹ ơi, con đã làm được điều mà mẹ hằng mong ước, nhưng nay không còn ba mẹ, con biết nương tựa vào ai, biết lấy đâu ra tiền để đi học bây giờ...!".
Bà con hàng xóm đã quyên góp được mỗi người một ít, cho em tất cả được 2,3 triệu đồng... Ngày tôi tìm về nhà Thịnh, em đã vào trường được 3 ngày. Chị em nói với tôi trong nước mắt: "Em chỉ mong sớm kiếm được việc làm để nuôi em…".
Khác với Thịnh, em Võ Quốc Hùng, thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong vẫn còn có mẹ, nhưng bao năm nay, để em được đến trường, người mẹ ấy đã phải vắt cạn chút sức tàn. Chuyện về cuộc đời của chị và đứa con không có cha nghe thật buồn.
Năm 1954, lúc vừa 7 tháng tuổi, người cha của chị tập kết ra miền Bắc. Cũng từ đó đến lúc mất, ông không một lần trở lại quê hương. Người mẹ hiền tần tảo ở vậy nuôi con. Ông trời đôi khi nghiệt ngã quá với phận đàn bà, 37 tuổi chị vẫn không có lấy một tấm chồng.
Nhà nghèo, 2 người phụ nữ ấy ở vậy nuôi nhau, cho đến năm 1989, chị xin có con. Hùng sinh ra không có cha, bà ngoại đau ốm thường xuyên, gia đình nghèo nên thân thể em còi cọc.
Chị Nguyệt một mình nuôi con khôn lớn và chăm nom người mẹ già yếu ấy cho đến cách đây 6 năm, bà cụ qua đời sau một cơn bạo bệnh. Căn nhà lợp lá nhỏ bằng cái lều vịt trở nên trống trải hơn.
Năm 2004, trong một lần thăm quê hương Nại Cửu, các cựu chiến binh tỉnh An Giang đã hỗ trợ chị 5 triệu đồng, cùng với 2 triệu đồng do bà con lối xóm quyên góp và giúp công xây cho 2 mẹ con chị một căn nhà cấp 4 rộng chừng 20m2.
Ngày ngôi nhà hoàn thành, chị mừng rơi nước mắt. Nhưng không lâu sau đó, ngôi nhà ấy chỉ có cháu Hùng sinh sống. Để có tiền nuôi con ăn học, chị đã phải lên thị xã Đông Hà làm giúp việc.
Người ta trả công chị mỗi tháng 300 nghìn đồng, chỉ đủ tiền mua sách vở và nộp học phí cho con. Cháu Hùng ngoài giờ đi học, phải tranh thủ cuốc cày, trồng cây rau, cây mía đem đi chợ quê bán kiếm sống qua ngày. Cơ cảnh nghèo khó, vất vả là vậy, nhưng Hùng học rất giỏi.
Em thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, ngành Cơ khí chế tạo máy. Tin vui, nhưng chị Nguyệt cứ thần người ra, vì lấy đâu ra tiền cho con theo học.
Cầm giấy báo trên tay, Hùng rơi nước mắt nói với mẹ: "Mẹ ơi, đây là ước mơ của con bao năm nay, con muốn đi học để có được cái ngày hai mẹ con mình đàng hoàng, sẽ không còn lầm lũi nữa!".
Chị ôm lấy con vào lòng, nước mắt cứ thế chảy ròng ròng. Hôm sau, chị đi một vòng quanh xã, bà con cho mỗi người một ít, được tất cả 2 triệu đồng. Chị mừng quá, chạy một mạch về nhà đến nỗi thở không ra hơi.
Ngày Hùng lên đường nhập học, hai mẹ con cuốc bộ hàng cây số ra QL1A đón xe. Chị nói với con: "Chỉ có 2 triệu thôi con ạ, gắng chi tiêu tiết kiệm mới sống được!". Hùng ôm chặt lấy mẹ, khóc nức nở: "Con sẽ cố gắng học giỏi để không phụ lòng mẹ và bà con lối xóm!".
Căn nhà nhỏ không còn Hùng vào ra mỗi ngày, chị Nguyệt gửi chìa khoá lại cho hàng xóm, nhờ thắp hương vào những ngày rằm… Quảng Trị: Chuyện của hai học trò 
nghèo mồ côi học giỏi

 Theo Báo CAND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét