THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2010

Danh hoạ Việt trong đoàn phu

Người thành cổ Quảng trị

Hoạ sĩ Lê Bá Đảng vừa được thị trưởng thành phố Arles Hervé Schiavetti tặng huy chương hôm 10-12. Ông là một trong số rất ít nhân chứng thời làm phu trồng lúa và khai thác muối tại một vùng quê miền Nam nước Pháp
Sau 70 năm im lặng, chính quyền thành phố Arles, thuộc tỉnh Bouches-du-Rhône đã đón tiếp hơn 10 người gốc Đông Dương từng là phu lao động nhập cư tại Pháp thời thế chiến thứ hai hoặc gia đình họ, gắn huy chương để nhớ công lao của những người từng mở mang nghề trồng lúa ở địa phương này cho đến ngày nay.

Một thời kỳ tồi tệ

Buổi tối trước đó, nhà xuất bản Actes Sud tổ chức một cuộc toạ đàm về quyển sách của tác giả Pierre Daum mới xuất bản mang tên Những người nhập cư bị cưỡng bức, người lao động Đông Dương tại Pháp (1939-1952) với sự tham dự của sử gia chuyên về thời thực dân Pháp Gilles Manceron. Nhân chứng sống thời kỳ này -  hoạ sĩ nổi tiếng Lê Bá Đảng - đã kể chuyện với báo Pháp Le Monde.

Năm nay đã 90 tuổi, người hoạ sĩ lão thành chỉ muốn nói đến tương lai như những chuyến đi, những công trình đang dang dở tại thành phố Huế... hơn là nhắc về quá khứ như “một thời kỳ tồi tệ” “quá khổ cực” mà “tôi muốn quên”. Câu chuyện của chàng trai Lê Bá Đảng cũng giống như chuyện của hàng chục ngàn nhân công Đông Dương sang Pháp lúc đó.

Vào cuối năm 1939, khi chưa tròn 20 tuổi và vì tò mò, ông lên đường khi nước Pháp mộ lính thợ - thực chất là mộ phu phục vụ chiến tranh. Ông đến cảng Marseille vào tháng 3-1940 sau 5 tuần chui rúc dưới hầm tàu. Từ đó, ông đến thành phố Saint-Nazaire, nơi các công xưởng hải quân đang thiếu nhân công. Nhưng không may, ông bị lính Đức bắt giam và vượt ngục trốn thoát 18 tháng sau đó. Ông vượt ranh giới để tìm đến cảng Marseille chỉ với một ý định tìm một chuyến tàu về quê.
Danh hoạ Việt trong đoàn
 phu
Lễ vinh danh những người lao động Đông Dương tại Toà Thị chính Arles hôm 10-12. Ảnh: FLICKR.COM

Tuy nhiên, lịch sử đã quyết định theo cách khác. Chế độ Vichy (lúc Pháp bị Đức chiếm đóng) từ chối trả về Đông Dương 20.000 lính thợ đến Pháp từ cuối năm 1939 đến đầu năm 1940. Ông bắt đầu tham gia lực lượng lao động gốc Đông Dương do một cơ quan thuộc Bộ Lao động Pháp quản lý. Lúc đầu, ông được đưa đến gần Arles, ngụ trong những căn lều tồi tàn và làm nghề trồng lúa. Tuy nhiên, công việc khổ cực đã khiến ông bỏ đi 3 tháng sau đó. Ông bắt đầu học mỹ thuật tại thành phố Toulouse từ năm 1943...

Thân phận nô dịch

Theo ông Yves Schmitt, một chuyên gia địa phương, có khoảng 500 người Đông Dương làm việc tại những cánh đồng lúa ở Camargue trong thời kỳ này. Sự đóng góp của họ có ý nghĩa quyết định trong việc khôi phục nghề trồng lúa được khởi đầu từ thế kỷ XIX nhưng lụi tàn dần một thời gian sau đó. Ông Schmitt thuật lại: “Trong thập niên 1930, lúa được trồng tại Camargue chủ yếu để giải mặn cho đất nhằm sử dụng vào mục đích khác. Do  việc nhập khẩu gạo gặp khó khăn bởi chiến tranh nên nghề trồng lúa được phát triển lại để có thêm lương thực”.

Trong khi đó, khoảng 1.000 người dân Đông Dương làm ruộng muối ở Camargue trong đó có cụ Nguyễn Trọng Hoan, người hiện còn sống tại ngoại ô Paris. Cụ Hoan sinh năm 1915 tại ngoại ô Hà Nội, đến Marseille vào năm 1940, làm nhiều việc khác nhau trước khi dừng chân ở ruộng muối Salin-de-Giraud thuộc Công ty Pechiney. Cụ Hoan còn nhớ rõ cuộc sống trong những “lán trại thiếu nước uống và không có lò sưởi” mà cụ và các bạn đồng hương bị nhồi nhét vào đó. Công việc cực nhọc nhưng tiền lương chỉ bằng 10% lương công nhân Pháp.
Hành trình sang phương Tây của Lê Bá Đảng
Thuật chuyện với nhà báo Nathalie Dubois trong một bài viết trên trang web của Hội Hữu nghị Việt-Pháp tháng 5-2009, hoạ sĩ Lê Bá Đảng nói rằng năm 18 tuổi, ông mơ ước phiêu lưu.

Ông rời khỏi làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong lúc mẹ ông nhìn theo chiếc xe tải chở tân binh và lặng lẽ khóc sau rặng cây. Còn cha ông không ngăn được ý muốn của con trai. Sau này, ông không gặp lại họ lần nào nữa.

Đến một đất nước của "tự do và bình đẳng" vào tháng 3-1940, tất cả chỉ đọng lại những kỷ niệm “đóng băng” trong lòng hoạ sĩ tương lai. Ông kể: “Một cái lạnh khủng khiếp, không một chiếc lá trên cành cây, không chim chóc. Tôi tự nhủ thầm rằng không thể sống trên đất nước này được”.

Gian khổ  rồi cũng qua, ông theo học lớp buổi tối của Trường Mỹ thuật Toulouse năm 1943 và nhận bằng tốt nghiệp vào năm 1948. Giải thưởng đầu tiên ông nhận được là trong cuộc thi vẽ tranh cổ động nông nghiệp.
Danh hoạ Việt trong đoàn phu
Với tiền thưởng 70 franc “là tài sản đầu tiên để tôi lên thủ đô Paris” ông vẽ tranh bán cho du khách và mở triển lãm đầu tiên vào năm 1950. Năm 1989, ông nhận giải thưởng “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo” của Viện Quốc tế Saint-Louis của Mỹ.

Năm 1992, ông được Trung tâm Tiểu sử Quốc tế thuộc Đại học Cambridge của Anh đưa vào danh mục Những người nổi tiếng trên thế giới. Năm 1994, ông được nhà nước Pháp tặng thưởng Huân chương Văn hoá Nghệ thuật Pháp. Năm 2006, ông  cùng với chính quyền thành phố Huế xây dựng Trung
tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại số 15 đường Lê Lợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét