THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

Từ "Lời thiên thu gọi" ở vườn Cơ Hạ đến cuộc hội ngộ tại Tích Tường

Người thành cổ Quảng trị

(QT) - Sau những chương trình đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Lời thiên thu gọi” trong lễ hội Festival 2010 tại thành phố Huế, Đoàn nghệ sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn từ sân khấu tại vườn Cơ Hạ, Đại Nội, Huế đã trực chỉ về Thành Cổ Quảng Trị, viếng Đền tưởng niệm các liệt sĩ và bến thả hoa bên sông Thạch Hãn, ngưỡng vọng tháp chuông Thành Cổ và tham gia cuộc gặp gỡ với những người yêu nhạc Trịnh tại Khu du lịch sinh thái Tích Tường. 

Cuộc tao ngộ “ngẫu nhiên” mà dường như là đã hẹn trước tại mảnh đất từng là chiến trường xưa khốc liệt nhất, nơi thể hiện ý chí và khát vọng hoà bình mãnh liệt của dân tộc, khát vọng đó cũng từng ngập tràn thống thiết trong nhạc Trịnh. 
Phải chăng, nơi năm xưa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng khuân đá làm đường sắt Thống Nhất, từng đi thực tế để viết bút ký về đại công trường Nam Thạch Hãn, nay “được chọn” làm nơi ngân lên nốt nhạc trầm “Lời thiên thu gọi” từ vườn Cơ Hạ vọng về. Cuộc tao ngộ rất “mộc”, rất “Trịnh” tại Khu du lịch sinh thái Tích Tường trong không gian ấm áp, không khí thắm tình nhân ái. 
 
Một tiết mục của đoàn tại buổi giao lưu.
Nghệ sĩ Thuỷ Tiên tâm sự: “Tuy đây là lần đầu tiên em đến Quảng Trị, nhưng qua lời kể của bố mẹ nuôi là người gốc Quảng Trị, các ca khúc viết về Quảng Trị, em hiểu được mảnh đất Quảng Trị anh hùng trong chiến tranh và thân thiện trong cuộc sống đời thường. 
Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại vùng ven Sài Gòn. Mới 2 tuổi em đã mất bố và năm 3 tuổi thì bị một chứng bệnh nan y phải cắt một phần môi và xương hàm. Từ đó em phát âm bập bẹ, phần lớn không chuẩn tiếng. Được gia đình và bạn bè động viên, em nỗ lực luyện tập phát âm và hoàn thiện dần. 
Em từng tập hát nhiều nhạc phẩm, nhưng đến năm 16 tuổi, một hôm nghe nhạc Trịnh Công Sơn, em thấy thích và hát theo một số bài. Nhiều người bảo số em “bén duyên” với nhạc Trịnh Công Sơn nên động viên em hãy phát huy khả năng hát nhạc Trịnh. 
Năm 2004, em đạt giải nhất cuộc thi hát về nhạc Trịnh Công Sơn do Hội quán Hội Ngộ, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, với nhạc phẩm “Xin cho tôi”, cầu nguyện cho hoà bình trên quê hương. Sau này là những chuyến lưu diễn đến nhiều nước trên thế giới”. 
Hiện nay, Thuỷ Tiên là Phó Chủ nhiệm Hội quán “Đời rất đẹp”, trực thuộc Chương trình Khuyết tật và Phát triển, khoa Xã hội học, Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, tích cực tham gia hoạt động xã hội ở nhiều nơi trong nước. 
Và một nghệ sĩ khác, được những người yêu mến nhạc Trịnh Công Sơn tặng cho anh biệt danh “Người hát nhạc Trịnh xuyên lục địa”, đó là Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái Hoà. Thái Hoà là Việt kiều Canada. Hiện anh là Tổng Giám đốc chất lượng Khu vực châu Á -Thái Bình Dương của Tập đoàn Scheinder Electric, Pháp.
 
Là người yêu mến nhạc Trịnh, anh đã phát hành 7 album nhạc Trịnh Công Sơn do mình thể hiện, tham gia nhiều chương trình ca nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn tại Pháp, Mỹ, Australia, Việt Nam. Anh đã xuất bản tập sách “Vườn xưa - hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn” (NXB Trẻ) và hiện đang thực hiện tập 2 “Hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn- Giọt lệ thiên thu”
Thái Hoà cùng một số bạn bè thực hiện nội dung tập hợp tư liệu về cuộc đời sáng tác, nhạc phẩm... của Trịnh Công Sơn trong thư viện Centro Studio Vietnamiti, một thư viện dành cho người Việt tại thành phố Torino (Ý). Là người khởi xướng Quỹ da vàng (2009) nhằm giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam, anh tâm sự: “Tôi muốn dòng nhạc Trịnh sẽ tiếp tục chảy qua các vùng miền của trái đất này để làm dịu những nỗi đau trên da thịt con người Việt Nam”. 
Buổi gặp gỡ lắng đọng lại khi bà Trần Tuyết Hoa, mẹ của anh Nguyễn Hữu Thái Hoà hồi tưởng lại những kỷ niệm sâu sắc với Trịnh Công Sơn. Bà Trần Tuyết Hoa là vợ của ông Nguyễn Hữu Thái. Ông Thái là bạn cùng lớp với Trịnh Công Sơn thời Trung học Trường Providence (Thiên Hựu), Huế. 
Hai người đã gặp nhau vào trưa 30/4/1975, đúng thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc khi quân ta cắm lá cờ chiến thắng trên Dinh Độc Lập. Lúc đó, biệt động thành mới chiếm Đài phát thanh Sài Gòn, ông Nguyễn Hữu Thái nằm trong đội sinh viên tiếp quản, Trịnh Công Sơn gặp bạn cũ tại đây và hai người cùng một số sinh viên khác đã hát bài hát đầu tiên ca ngợi hoà bình trên sóng phát thanh bài “Nối vòng tay lớn”: “Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”, “Dòng máu nối con tim đồng loại... Dựng tình người trong ngày mới...” hát trong khi súng một số nơi vẫn nổ ác liệt. 
Sau này, Nguyễn Văn Thọ, một chiến sĩ giải phóng quân viết trong nhật ký như sau: “Bài ca có tác động làm chùng tay súng, một ngày, một giờ mà sinh mệnh hàng triệu con người nằm trên đường tơ kẽ tóc. “Mặt đất bao la...anh em ta về ...gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng...”. Lời ca không phải là tiếng thách thức tử thủ, không phải là tiếng bể máu như kết cục thường của chiến cuộc, mà lời ca khi ấy làm chùng xuống không khí thù hận và hằn học. Chúng tôi tiến vào Sài Gòn, chiến tranh bao giờ chẳng có mặt trái, nhưng tiếng hát kia, bản nhạc ấy, mở ra cho cả hai bên nghe như một liều thuốc vô hình đã làm chùng xuống một thời khắc dễ nổi cáu và nổi đoá”. 
Bà Trần Tuyết Hoa lại là bạn học cùng khoá với Nhất Chi Mai, người đã biến thân mình làm ngọn đuốc sống để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Bà kể trong nghẹn ngào: “Chi Mai học Sử ở Văn khoa, tôi học Triết, chúng tôi thường đi làm công tác xã hội ở các vùng ven ngoại ô Sài Gòn. Chị Chi Mai tính nhu mì, hiền lành, một nữ tu Dòng Tiếp hiện được quý nể trong công tác với tâm bồ đề chân thành. 
Sáng hôm ấy, khoảng 7 giờ 30 phút, ngày 16/5/1967, bạn Phan Đạm Hiệp đạp xe đến gọi tôi thảng thốt: “Chị Hoa ơi! Chi Mai tự thiêu trên chùa Từ Nghiêm rồi”. Tôi vừa khóc vừa đạp xe lên Từ Nghiêm, đến nơi thì ngọn lửa vừa tắt, Nhất Chi Mai của tôi ngồi xếp bằng như một pho tượng đồng đen, mùi thịt da khét lẹt bốc khói. 
Tôi đặt tay lên đùi chị lại phải rụt lại ngay vì suýt bỏng tay. Tôi gục xuống nức nở đau đớn: “Mai ơi! Sao lại phải thế này? Không còn cách nào khác sao, hở Mai?”, nhìn hai pho tượng nhỏ Đức Mẹ Maria và Quan Âm Bồ Tát đặt ngay ngắn trước mặt chị với 10 bức thư gửi gia đình và cho những quan chức đang cầm đầu cuộc xâm lược tại Việt Nam... 
Tôi đạp xe qua kể hết sự tình cho Sơn nghe, Sơn hốt hoảng rơi người xuống ghế, sửng sốt chết lặng một lúc rồi kêu lên: “Trời ơi, con gái mà cũng tự thiêu à? Dễ sợ quá, sao không ai can ngăn dùm?”. Can ngăn nổi gì Sơn ơi, chị Mai đã âm thầm chuẩn bị rất kỹ khi nghe tin Morison tự thiêu bên Mỹ kia. Tôi vừa khóc vừa đọc bài thơ “Chắp tay tôi quỳ xuống” của Chi Mai cho Sơn nghe. “Sơn thấy không, cái tâm Bồ Đề của chị thanh cao vời vợi như vậy thì làm sao mà can ngăn cho được. Chị thành Bồ Tát rồi Sơn ơi!”. 
Sơn ứa nước mắt: “Ừ! Chỉ có cái tâm Bồ Tát mới làm được một hạnh nguyện lớn lao vậy!”. Vài ngày sau, Sơn nhắn tôi lên phòng và ôm đàn hát miên man ca khúc vừa mới viết: “Hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi...”. Sơn nói: “Hôm đó bạn về rồi, suốt ngày mình không làm gì được, suốt đêm cũng không ngủ được, cứ trằn trọc mãi với câu thơ của Chi Mai: “Sống mình không thể nói/ Chết mới được ra lời”, tại sao vậy? Mình đã tự hỏi bao lần như vậy. Tối qua vùng dậy viết, cuối cùng đã trả lời được cho Chi Mai”. Sau này bài này phổ biến trên nhiều nước, công chúng cho rằng: “Đây là tiếng kêu hoà bình thống thiết nhất từ Việt Nam”. 
Trở lại cuộc kỳ ngộ, tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm, đang giảng dạy tại Đại học Hoa Kỳ, ông Nguyễn Trí Dũng, Việt kiều Nhật Bản, bà Mỹ Linh, Việt kiều Pháp, người xây dựng hơn 100 cây cầu khỉ cho đồng bào miền Đông Nam Bộ đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. 
Họ cũng lặng người khi nghe nhà thư pháp Hoàng Tấn Trung ngâm bài thơ “Cái rốn” của tác giả Nguyễn Văn Đắc: “Có hạnh phúc nào không bắt đầu từ nỗi đau/ Có nỗi đau thì niềm hạnh phúc mới diệu vợi/ Ai cũng có một quê hương/ Ai cũng có một nơi chôn nhau cắt rốn/ Từ thuở mới lọt lòng đỏ hỏn/ Ai cũng có một phần máu thịt để lại nơi đây/ Không nơi đâu sâu nặng hơn nơi này/ Quê hương/ Cái rốn”. Có phải chăng có một sự đồng điệu từ “Như một hòn bi xanh”, “Cái rốn” với thế giới đại đồng và cội nguồn bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ mà những người con của quê hương đã trở về. 
Các ca khúc lừng danh của Trịnh như “Còn tuổi nào cho em”, “Hãy yêu nhau đi”, “Diễm xưa”, “Biển nhớ” đã được hát lên, nhiều người yêu nhạc Trịnh ở Đông Hà, thị xã Quảng Trị đã say sưa hát giao lưu với đoàn. Chúng tôi ấn tượng mãi câu chia tay của người dẫn chương trình buổi nhạc rằng: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về” (Biển nhớ), quê hương luôn dang rộng vòng tay đón những người con, người bạn trở về. Trở về “Nối vòng tay lớn” xây dựng quê hương ngày một mạnh giàu. Trở về “Dựng tình người trong ngày mới” (Nối vòng tay lớn). Và trở về ban sơ bên bọc trăm trứng, bên “Cái rốn” của mẹ hiền. 
                      Bài, ảnh: MINH TUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét