THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2010

Tháng bảy ở Quảng Trị

Người thành cổ Quảng trị
Thả hoa tưởng nhớ đồng đội ở sông Thạch Hãn, Quảng Trị.
Ðã thành thông lệ, cứ vào tháng bảy hằng năm là lại có những cựu chiến binh tóc đã hoa râm từ mọi miền trở về Quảng Trị. Mấy chục năm trước, họ đã có mặt ở mảnh đất này, họ đã sống, đã gắn bó với những người dân bất khuất, kiên cường. Họ đã có những ngày chiến đấu quả cảm, và cũng từ ngày đó, hàng vạn đồng đội của họ đã không trở về...
Buổi tối khánh thành Bến thả hoa bên dòng Thạch Hãn, cả một đoạn dài bên bờ sông chỉ có người và người. Là ngày hội nhưng rất ít tiếng nói cười, chỉ thấy những gương mặt trang nghiêm của già trẻ, gái trai. Và những bè hoa lung linh, chập chờn ánh nến, huyền ảo trôi trong đêm Thạch Hãn, như trôi về nơi có linh hồn những người lính ngã xuống năm nào.



Tôi đã từng gặp rất nhiều người lính trở lại chiến trường Quảng Trị. Mỗi người một vẻ, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng mỗi khi nhắc đến những ngày khói lửa trên đất Thành cổ là mắt họ lại ánh lên niềm tự hào, ánh lên vẻ can trường của những người lính Cụ Hồ từng hiên ngang đối mặt với bão đạn mưa bom. Chiến tranh qua đi, những người lính trở về với cuộc sống thường ngày. Thời hậu chiến, họ phải đối mặt với vô vàn gian nan của cuộc mưu sinh. 

Nhưng đến hôm nay, dù thành đạt hay còn vất vả thì trong họ vẫn không nguôi ngoai những kỷ niệm của thời trai trẻ, thời họ đã sống, đã chiến đấu như những người con ưu tú của Tổ quốc. Cùng một cựu chiến binh, tôi tới một làng ven biển Quảng Trị. Vẻ trầm ngâm, anh kể với tôi: Ðầu những năm 70 ấy, anh chiến đấu ở vùng đất này. Quảng Trị ngày đó, xóm làng tiêu điều vì bom đạn, nhìn đâu cũng chỉ thấy có cát trắng và xơ xác hàng dương. 

Các anh sống trong dân, được sẻ chia, được đùm bọc, che giấu. Anh đã qua Ái Tử, Cồn Tiên, đã có những ngày vùi mình trong cát nóng Gio Linh, Triệu Phong. Một lần đi trinh sát bị lộ, giặc đuổi theo, anh nấp giữa những luống khoai trong vườn nhà của người mẹ Quảng Trị, chuẩn bị cho trận đánh sinh tử sắp tới. Mẹ đã không quản hiểm nguy, một mình ra vườn, vác những bó dây khoai lang che lên người anh, che mắt lũ giặc. Mẹ đã cứu anh, mẹ đã sinh ra anh lần thứ hai.
 
Giờ mẹ đã mất, hằng năm anh về thắp cho mẹ nén tâm nhang. Nhìn người cựu binh tóc đã hai mầu, mắt ngấn lệ, thành kính đứng bên bàn thờ người mẹ Quảng Trị, tôi hiểu, những kỷ niệm như thế đã trở thành một phần cuộc đời của những người lính đã chiến đấu trên mảnh đất này - mảnh đất từng phải chịu đựng, từng phải đối diện với các thủ đoạn chiến tranh tàn bạo.

Tháng bảy, người từ mọi miền về Quảng Trị đông hơn thường lệ và vì thế tôi đã có những cuộc gặp gỡ tình cờ. Như lần tôi nhẹ bước bên dãy mộ liệt sĩ thuộc trung đội Mai Quốc Ca, đọc tên của từng người, 19 anh đã hy sinh để bảo vệ cầu Thạch Hãn, và tôi dừng lại khi thấy một người đàn ông luống tuổi ngồi bên ngôi mộ liệt sĩ Nguyễn Huy, như đang thủ thỉ điều gì đó với người dưới mộ. 

Sau tôi mới biết, ông là một đại tá về hưu, đang ở TP Hồ Chí Minh. Nhà chỉ có hai anh em, từ ngày đất nước thống nhất, cụ đi tìm mộ em nhiều lần mà không thấy. Năm ngoái, cơ quan của liệt sĩ Nguyễn Huy đã tìm được và mời cụ ra để cùng xây lại ngôi mộ. Lật xấp ảnh trên tay, cụ kể với tôi về những kỷ niệm gắn với từng bức ảnh đen trắng của hai em thời còn trẻ mà cụ đã chụp lại, ép plattic cẩn thận. Cụ bảo:

- Từ Tết đến giờ tôi ra đây với em ba lần rồi. Còn khỏe thì tôi cố gắng ra với em, sau này yếu, không đi được nữa.

Nhìn theo ông cụ tuổi đã gần tám mươi, chậm rãi, xiêu xiêu đi giữa Nghĩa trang liệt sĩ trong nắng chiều Quảng Trị, trong tôi tê tái điều gì đó không thể nói thành lời. Các anh hy sinh, nhưng các anh vẫn sống mãi trong tâm trí của những người ruột thịt, các anh vẫn sống cùng đất nước, vẫn sống cùng cháu con.

Sớm mai của một ngày tháng bảy, Nghĩa trang liệt sĩ Ðường Chín tấp nập người. Ðoàn từ Hà Nội, đoàn từ TP Hồ Chí Minh, đoàn từ Việt Bắc và Tây Bắc, đoàn từ miền Ðông, miền Tây. Ðứng giữa Nghĩa trang mênh mông, hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ liệt sĩ được bao bọc bởi rừng cây xanh ngát, tôi lặng nhìn các anh chị, các bác cựu chiến binh quân phục chỉnh tề, lặng nhìn từng đoàn, từng tốp các cụ, các ông, các bà, từng đoàn em nhỏ đến bên các ngôi mộ thắp nén hương lòng. Không khí rộn ràng, tấp nập của cuộc sống hằng ngày đã được đặt sang một bên, chỉ còn lại là tấm lòng thành kính hướng về những người con anh hùng của đất nước. 

Dường như mỗi khi đến với Quảng Trị, đến với vùng đất từng một thời không có nổi một thước đất nguyên vẹn này, mọi người đều chiêm nghiệm ra điều kỳ diệu không gì có thể sánh được là, máu xương của lớp người đi trước đã làm nên nền móng của cuộc sống hôm nay. 

Trước ngôi mộ của liệt sĩ Nguyễn Ðộ, vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Trình - Lê Thị Huệ và hai con đang lúi húi chuẩn bị thắp hương. Anh chị đều là con liệt sĩ, chị Lê Thị Huệ là con liệt sĩ Lê Quỳnh, mộ đã đưa về quê, bà nội của chị là Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Thân cũng đã mất. Hai người cha hy sinh khi họ còn nhỏ. Nhà ở TP Ðông Hà, hằng tháng anh chị đều ra đây thắp hương cho cha, hôm nay là ngày lễ của cả nước, cả nhà cùng đi.

- Thắp hương cho cha không chỉ là tấm lòng của mình, mà còn để cho các cháu luôn nhớ đến ông.

Anh Trình nói với tôi như vậy. Nhìn hai cháu nhỏ khôi ngô và lễ phép, tôi trộm nghĩ, nếu biết được chuyện nhân gian, hẳn liệt sĩ sẽ thấy ấm lòng.

Như mọi người, mỗi lần tới Quảng Trị, tôi đều đến viếng thăm các nghĩa trang. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Ðường Chín... và bao nhiêu nghĩa trang nữa là nơi yên nghỉ của hàng vạn người cha, người anh đã cầm súng ra đi để đất nước vẹn toàn. Ðã nhiều lần tôi ngậm ngùi đứng trước những ngôi mộ liệt sĩ vô danh hay chỉ vỏn vẹn một cái tên như Nguyên, như Mảnh, như Chanh... Lần này thời gian nhiều hơn, có điều kiện đi đây đi đó, tôi lại càng hiểu thêm về sự hy sinh của cha anh mà tôi tin là, khó có ngòi bút nào có thể tả xiết. Riêng xã Gio Hòa của huyện Gio Linh có bốn nghĩa trang liệt sĩ. 

Ở Nghĩa trang xã Triệu Trạch thuộc huyện Hải Lăng, trong hơn 600 ngôi mộ liệt sĩ thì có gần 300 ngôi mộ liệt sĩ vô danh... Tôi ghi những con số ấy vào sổ tay và đối với tôi, đó là những con số biết nói. Quảng Trị là thế. Quảng Trị đã chịu bao nhiêu mất mát và đau thương, đã lấy thân mình làm cầu nối giữa Bắc và Nam. Những đoàn quân đã qua đây, những người lính đã ngã xuống. Bằng lòng quả cảm và ý chí kiêu hùng, tiếp nối truyền thống của tổ tiên, họ đã lập nên những chiến tích phi thường gắn liền với Thành cổ - "vùng đất tâm linh", vùng đất của "thời hoa lửa", vùng đất của những kỳ tích ngỡ như huyền thoại, và là địa danh đã thành địa chỉ hành hương của mọi người Việt Nam. 

"Tại đây Thành cổ Quảng Trị kiên cường, bao chiến sĩ sinh viên Việt Nam đã anh dũng chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã hy sinh oanh liệt. Các anh sống mãi trong lòng đất nước, nhân dân, và đồng đội thân yêu". Ðó là dòng chữ ghi trên bia tưởng niệm những người lính sinh viên đã chiến đấu trong 81 ngày đêm năm 1972 tại Thành cổ. 81 ngày đêm, các anh sống và chiến đấu trên mảnh đất rộng chưa đầy 2 km2 nhưng phải hứng chịu tới 330.000 tấn bom đạn.

Rời giảng đường ra chiến trường, với khí phách, nhiệt huyết của trai nước Việt, các anh đã dâng hiến tuổi xuân cho đất nước. Ra đi, nhưng những dòng nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, những lá thư viết vội của liệt sĩ Lê Binh Chủng, của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh với lời để lại bất hủ: "Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau",... rồi tấm áo, đôi dép cao-su, chiếc ba-lô bạc mầu, cây bút, khẩu súng, chiếc xẻng, cây cuốc... được gìn giữ trong Bảo tàng di tích Thành cổ Quảng Trị đã thay các anh nói lên tất cả. Cho nên, dù đã tới Thành cổ Quảng Trị nhiều lần mà lần nào cũng vậy, tôi chỉ dám bước đi nhè nhẹ, vì e đâu đó vẫn còn những người anh đang nằm. 

Và khi ngước nhìn mái vòm của phòng giam chật chội xây từ thời thuộc Pháp - nơi là vị trí cố thủ của các anh trong 81 ngày đêm, tôi đã thấy dòng chữ: "Hãy khóc người Việt Nam yêu nước". Nét chữ còn non nớt lắm, hẳn là do một bạn trẻ nào đó đã viết lên. Vâng, như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết về những người lính Thành cổ: "Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình, chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh". Ngã xuống, các anh đã trở thành con của mọi nhà, trở thành người anh lớn của thế hệ chúng tôi và sâu xa hơn, các anh đã trở thành một phần máu thịt của Tổ quốc...

Tháng bảy, trời Quảng Trị như cao hơn, xanh hơn và sông Thạch Hãn như hiền hòa hơn để linh hồn những người lính quả cảm năm xưa luôn luôn được thanh thản. Và "lính Thành cổ" - nay như đã trở thành một khái niệm, lại từ mọi miền trở về thắp nén hương lòng tưởng nhớ đồng đội năm xưa. Sau mấy chục năm, Quảng Trị đã thay da đổi thịt, một cuộc sống mới đã và đang hiện rõ hình hài trên những con đường, trong mỗi ngôi nhà, trên gương mặt của mọi người. 

Cuộc sống sinh sôi, và đôi khi, chuyện của quá khứ chỉ còn đọng lại trong ký ức thế hệ. Song có một điều chắc chắn là, dù thế nào chăng nữa, cùng với đất nước này, những sự tích thần kỳ, sự hy sinh không thước nào có thể đo hết được của người lính Cụ Hồ, của người dân nước Việt trong những năm tháng chiến tranh sẽ sống mãi cùng thời gian. Vì, mỗi khi nhớ về quá khứ, mỗi khi đến với những địa danh như đất Quảng Trị này, mỗi người lại như thấy mình nhỏ bé, và lại nghĩ phải tiếp tục làm điều gì đó cho xứng đáng với ngày hôm qua.
                                   NGUYỄN HÒA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét