THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Ký ức Quảng Trị-lửa và hoa

Người thành cổ Quảng trị

Rằm tháng 7 hằng năm thường có lễ phóng đăng trong đêm lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Ở Quảng Trị cũng vậy. Nhưng từ hơn 3 thập kỷ qua, ngày 27-7 hằng năm có thêm lễ mới. Trên những dòng sông ở Quảng Trị vào buổi chiều sẽ thấy những bè hoa muôn màu sắc. Tối đến, lung linh hàng vạn ngọn lửa đèn bồng bềnh trôi xuôi. Đó là sự tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh cho công cuộc chiến đấu giải phóng đất nước, quê hương. Sông thành sông hoa, sông lửa, ngọn lửa của tâm linh thắm đượm nghĩa tình...
Thế mà năm 1972, nó là con sông lửa, làm đỏ cả mùa hè...
Nhớ về dòng sông bi tráng
Tôi thường đến với Quảng Trị vào mùa hè. Với mảnh đất này, mỗi người chỉ có thể đến với nó, nhớ về nó bằng cảm nhận trực tiếp của mình. Nhưng thế cũng đủ để nhận ra cuộc chiến đấu đầy chất bi hùng, với những chiến công hào hùng và tình người thấm đượm muôn đời.
Đò lên Thạch Hãn chiều nay.
Mùa hè năm 1972, trong cuộc hội quân về Quảng Trị, có 53 binh nhì học viên Lớp phóng viên tiền phương, mang mật danh C28 thuộc Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Các học viên tỏa khắp chiến trường, theo các đơn vị của ta tiến về Thừa Thiên rồi chống địch tái chiếm tỉnh Quảng Trị nói chung và Thành cổ nói riêng. Tôi là một trong số học viên đó, được giao theo Đoàn pháo binh Bến Hải, cơ động dọc miền Tây của tỉnh. Các nhà báo đàn anh có mặt tại Mặt trận khi ấy nói với tôi rằng thật hạnh phúc khi mới 20 tuổi đã được theo các đơn vị pháo 130 ly mặt đất nòng dài xung trận lại ở mặt trận Quảng Trị này. Thú thật là khi ấy tôi chưa thật thấm ngay cái cảm tưởng đó.
Mấy tháng sau, nhất là từ tháng 7 đến tháng 9 năm ấy, xung quanh trận địa pháo, dọc đường hành quân, chỗ nào cũng đầy lửa. Không chỉ có ánh lửa đầu nòng của những khẩu pháo của ta mà cả lửa bom, đạn pháo mặt đất và pháo hạm của địch, tạo nên. Nếu coi cuộc đời đẹp nhất của một chiến binh, cũng là niềm hạnh phúc được tôi luyện trong lửa thì ở mặt trận này có đủ. Nhất là khi cuộc tái chiếm của ngụy quân (bắt đầu từ cuối tháng 6) đã ở cường độ cao và cuộc chiến đấu giữ đất Quảng Trị nói chung và Thành cổ nói riêng của các đơn vị quân đội ta ngày càng quyết liệt.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, với tôi, pháo mặt đất 130 ly nòng dài đã là biểu tượng của sức mạnh chiến thắng. Những gì mà loại pháo này thể hiện trong mấy tháng trước đó quá đủ để chứng tỏ điều đó. Ngay cả khi ngụy quân đưa pháo 175 ly, huênh hoang là “Vua chiến trường” vào cuộc cũng không lấn át nổi. Cái chính là nếu pháo 175 dựa vào ưu thế bắn xa hơn vài cây số thì 130 ly có thể với bằng nếu đặt ở đồi cao; còn nhược điểm lớn nhất của pháo 175 ly là tốc độ bắn chậm, vài phút một phát thì pháo 130 ly của ta một phút vài phát. Bởi vậy nếu đấu pháo thì chưa chắc ai sẽ giành chiến thắng. Nên khi biết hai khẩu đội được đưa từ Cam Lộ vào tăng cường cho trận địa giáp ranh với Thừa Thiên, tôi xin chỉ huy đơn vị cho đi theo ngay. Chập tối, chỉ huy hành quân nói: Đêm nay chúng ta sẽ vượt sông Thạch Hãn, nhưng trên đường đi phải hết sức cẩn thận với thằng C130 (loại máy bay của Mỹ vừa mới sử dụng khí tài kỹ thuật la-de trong điều khiển bom đánh vào các phương tiện cơ giới). Cũng đã nghe kể nhiều về thằng C130 này, rằng dùng tia la-de, nó có thể điều khiển bom chính xác đến từng mét; rằng vì mới quá chúng ta chưa có cách tránh hiệu quả… Các cựu binh từng theo pháo suốt chiến dịch giải phóng Quảng Trị tặc lưỡi: Ôi dào, ăn nhau ở cái số… Còn tôi chưa mấy quan tâm đến chuyện đó, chỉ bàn và thống nhất với một bạn học viên cùng lớp vừa bổ sung cho hướng này: Mỗi người đi theo một xe, chả lẽ nó đánh được cả hai xe-cả hai cùng cười khoái trá.
Bữa cơm chuẩn bị lên đường tối đó diễn ra trong không khí hơi gượng gạo. Người anh nuôi mà tôi rất thân thiết, khi rảnh rỗi thường cùng nhau đi lấy rau rừng và chuyện trò thì tỏ rõ sự buồn bã vì cảm thấy chưa làm đủ đầy bổn phận của mình. Có người bô lô, ba la với mong muốn khỏa lấp, lấy lại không khí vui đùa trước đó. Lái xe mà tôi sẽ theo trong chuyến đi đã đứng tuổi, ăn qua loa rồi ra một góc làu bàu: Sắp đi rồi mà cơm lại bị khê… Tôi chỉ thấy hơi buồn cười vì suy nghĩ đó.
Hai xe kéo hai khẩu pháo cồng kềnh bò trên đường, vừa đi vừa nghe ngóng. Trên ô tô, những thùng đạn xếp chồng lên nhau, thuốc phóng riêng, đầu đạn riêng. Cả bầu trời là những đốm sáng đỏ, trắng của những quả pháo sáng. Đạn pháo không ngớt nổ, đem lại một cảm giác yên tĩnh tương đối cho hai khẩu pháo đang hành tiến. Vừa lên đỉnh một điểm cao thì dường như có một khoảng lặng vô hình, tiếng động lạ lạch cạch, lách cách ngay phía trên đỉnh đầu, rồi tiếng ai hét lên: Nhảy đi. Dường như có sức mạnh từ đâu tới khiến tôi bay qua thành ô tô xuống mặt đường, kịp nhìn thấy rãnh thoát nước bên đường mà lăn vào. Không còn nghe thấy gì nữa, chỉ cảm thấy một chớp sáng lòa, cũng không cảm nhận thấy gì rồi giây phút sau, nhìn thấy vầng lửa cháy rừng rực từ chiếc ô tô ngay cạnh, còn khẩu pháo thì đổ nghiêng hẳn xuống. Lại tiếng ai quát: Chạy đi. Mọi người gần như đồng loạt nhỏm dậy mà chạy. Rồi cũng gặp lại nhau bên bờ suối dưới chân đồi.
Thần tượng về hỏa lực của tôi đã mất đi phần nào và ánh lửa hủy diệt nó ám ảnh mãi trong tôi cho đến sau này.
Trần Liên Hương, đoàn viên thanh niên Công ty chứng khoán (Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam) thắp nến mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9.
Thế là cuộc vượt sông Thạnh Hãn hôm sau phải thực hiện bằng đi bộ, vào giữa trưa. Nước trên thượng nguồn không sâu nhưng cũng chảy khá mạnh. Tiếng pháo, tiếng bom ầm ĩ. Chiếc OV10 quần thảo, nghiêng ngó, có cảm giác nó nhìn thấy mình và sắp chỉ điểm cho pháo hoặc máy bay của chúng bắn phá. Nó làm thế thật song là bắn một quả đạn khói phía bên kia đồi. Thế rồi không lâu hơn vài hơi thuốc lá, hai chiếc phản lực ập đến, bắn rốc-két, thả bom tạo nên quầng khói lửa lớn rồi lại biến mất, để lại thằng OV10 è è lượn tiếp. Vượt qua quả đồi, xuống chân đồi thì thấy nơi bị bom đánh là mấy cái hầm âm, chứa gạo nhưng chỉ còn thấy vài bao gạo cháy dở, mấy mảnh tăng chắc để che mưa nắng cũng cháy xém. Khắp nơi đầy vết dép, chắc là kho gạo dã chiến này vừa được chuyển ngay sau khi bị phát hiện.
Chúng tôi đã được nghe về những bao gạo này, nó được đóng trong mấy lớp ni lông, màu xanh lá cây đậm, khi thả xuống nước sẽ ở trạng thái của một cái phao, 4 phần chìm 1 phần nổi. Những bao gạo này tập kết ở nhiều điểm, chuyển tới nơi thích hợp và buổi tối được thả xuống sông Thạch Hãn, bộ đội ta ra hai bờ sông đón gạo. Đó là một cách vận chuyển gạo trong tình thế địch tăng cường đánh phá quyết liệt bằng pháo từ tàu biển, mặt đất, bom cháy… trên khắp các nhánh sông, cửa sông ngăn chặn các thuyền và xuồng của chúng ta đưa gạo đến các điểm chốt của đơn vị. Sau này tôi được biết địch cũng biết phương thức vận chuyển đó của ta, chúng đã dùng cả chất độc da cam/đi-ô-xin và bom có chứa phốt pho thả xuống dòng sông. Nhiều đoạn sông ánh lên ánh sáng xanh lét, chập chờn, phủ đám cháy quái đản lên bất cứ thứ gì gặp trên sông. Rồi những bao gạo không còn được thả theo dòng sông nữa.
Đó là chuyện về sau, còn khi đó, từ vị trí của kho gạo dã chiến nhìn khắp bốn phía, không thấy một cái cây nào, kể cả loại cây bụi thấp. Tất cả đều chỉ là đất, đất đã bị đào xới nhiều lần nên thành lớp đất bột, dày chừng 40-50cm. Vốn là vùng đất đỏ mà chỉ còn thấy màu đen do bị phủ một lớp muội đen. Hầu như không còn gì có thể cháy được nữa. Bom đạn thì vẫn cứ dội xuống, phá lớp muội đen cũ thì lại phủ lên lớp mới. Chỉ có lớp đất bột là ngày lại dầy thêm. Nhưng chỉ cần ai đó bước đi trên lớp đất này, từng bước chân phá lớp muội đen làm lộ ra màu đất đỏ nâu. Hai bàn chân bước sẽ hình thành đường thẳng không liên tục nhưng rõ nét, mà chiếc máy bay OV10 có thể nhận thấy từ trên cao. Chỉ một người đi, cái đường thẳng nghiệt ngã ấy cũng hiện ra và khởi đầu ở đâu, kết thúc ở đâu đều là điểm mà thằng OV10 có thể bắn pháo khói báo hiệu cho máy bay hoặc pháo bắn vào đó. Trên cái nền khói lửa đó, nếu ai đi bộ mà mang lá ngụy trang thì lộ ngay lập tức. Để tránh vết chân để lại trên nền đất, có thể kéo theo một cành cây để san bằng nó, song không phải bao giờ cũng có hiệu quả mong muốn. Vả lại tìm đâu được một cành cây khi mà xung quanh không còn một cây nào. Tình trạng đó chắc còn kéo dài vì theo thông báo của Bộ tư lệnh B5, mỗi ngày địch huy động 200 máy bay phản lực, hơn 100 lượt máy bay chiến lược B52 đánh phá Quảng Trị. Hạm đội 7 Mỹ với hàng chục tầu chiến các loại áp sát vùng biển. Ngoài các sư đoàn bộ binh, chúng đưa 4 trung đoàn tăng, thiết giáp, 15 tiểu đoàn pháo tầm xa và súng phun lửa đến Quảng Trị. Mỹ - Ngụy mở chiến dịch Lam Sơn 72 - A tiến công tổng lực tái chiếm Thành Cổ. Bởi vậy, lửa đỏ khắp ngày đêm, rải rác khắp nơi còn mặt đất tiếp tục đem nhẻm.
Thời gian trôi cũng nhanh, đã 81 ngày (từ 28-6 đến 16-9) các đơn vị của chúng ta cố thủ trong Thành cổ Quảng Trị. Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định rút lực lượng ra ngoài, cùng các đơn vị khác lập tuyến ngăn chặn ở bắc sông Thạch Hãn, vây hãm lại địch trong Thành Cổ. Lớp phóng viên tiền phương được lệnh rời mặt trận để chuẩn bị phục vụ đợt chiến đấu mới.
Ngày cuối chuẩn bị về điểm tập kết của Bộ Tư lệnh B5, tôi bần thần bên bờ sông Thạch Hãn. Chiến công giữ vững Thành cổ sau này được coi là khúc tráng ca bất tử, ghi đậm trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam những trang hào hùng nhất. Thành cổ như một bảo tàng ghi nhận hy sinh cao quý của biết bao chiến sĩ giải phóng quân và nhân dân Quảng Trị anh hùng. Cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ Thành Cổ là đòn chiến lược bẻ gãy ý đồ cuồng vọng tái chiếm Quảng Trị của Mỹ ngụy, tạo thế mạnh cho ta trên bàn đàm phán Pa-ri. Suốt dọc sông Thạch Hãn, lớp lớp chiến sĩ đã ngã xuống, nhiều người nằm lại mãi trong lòng sông này.
Tôi còn nhớ khi đó lũ sông cuồn cuộn chảy, bom đạn ngớt hẳn. Lũ đã xuất hiện từ đầu tháng 9. Con sông lớn nhất tỉnh, có tới gần 40 phụ lưu, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn phía Tây Quảng Trị, đã đầy nước. Bà con nói rằng, là do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang nên lấy đặc điểm đó gọi tên sông là Thạch Hãn. Bà con còn nói thêm rằng chẳng biết trời đất sắp đặt thế nào để mà trong mùa hè này, Thạch Hãn là dòng sông nghẹn-đúng như cái tên của nó. Từ một con sông quan trọng, huyết mạch giao thông đường thủy, cung cấp nguồn nước cho các đồng bằng xanh tươi các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, nơi dòng sông đi qua, mùa hè năm 1972 này là dòng sông lửa, góp phần lập nên những chiến công hiển hách nhưng đầy bi hùng.
QĐND - Chủ Nhật, 09/08/2009, 18:14 (GMT+7)
Trước giờ thả hoa.
Còn cuối chiều hôm đó, trên dòng sông xuất hiện nhiều cánh hoa dại trôi xuôi, theo luồng về Thành cổ và ra biển. Những cánh hoa đủ loại, từ rừng đại ngàn và dọc hai bờ sông nhập dòng, lướt trôi, tạo nên dòng sông hoa. Đủ sắc màu, kích cỡ, hình dáng, những cánh hoa trải cuộc trường chinh trên sông nước, vẫn tươi thắm sắc màu.
Cảm giác về sự hội tụ của hoa là mừng chiến thắng tràn đầy. Trong số đó, tôi nhận ra được những cánh hoa trắng 5 cánh tròn phớt hồng, như hình ngôi sao cách điệu trong hội họa. Nó đã xuất hiện nhiều trên dòng sông này. Tôi không biết tên nó nhưng có người nói nó là hoa muống mèo, khi nở đủ độ thì tự tách khỏi cuống, gieo mình xuống dòng sông.
Lại nhớ các dịp rằm tháng bảy, làng tôi thường có tục phóng sinh, thả hoa đèn, rải những bông hoa xuống sông, ao hồ lớn để tưởng nhớ các hương hồn đã khuất. Nên chạnh nghĩ có thể trời đất trải hoa trên sông là vì hương hồn các anh chị đã hy sinh. Cứ lẩn thẩn nghĩ, lẩn thẩn nhìn, lẩn thẩn suy tư, thời gian trôi qua thật nhanh. Ánh hoàng hôn đã tắt dần.
Chợt nhớ, tôi lần trong cái túi công tác màu xanh, trang bị của lớp học, còn lại trong lúc xe ô tô kéo pháo bị bom đánh trúng do luôn đeo bên người, lấy ra một cuốn sổ. Cuốn sổ đó ghi những điều riêng tư, nhưng được ép rất nhiều cánh hoa, bông hoa các loại ở nhiều địa phương.
Từ nhỏ, tôi rất thích lưu giữ những cánh lá, bông hoa theo kiểu này. Thói quen ấy theo tôi cả khi vào chiến trường. Từ cánh sim tím ở ven đường đoạn Hà Tĩnh, khi chờ pháo sáng tắt; cánh hoa cúc dại ở bên một bến phà nổi tiếng ở Quảng Bình chờ lượt xe qua; cánh hoa dâm bụt ở một vườn một gia đình dân Cam Lộ, nơi chúng tôi dừng chân, có con nhỏ bị chết vì bom bi; mấy cánh hoa lạ khi cùng anh nuôi vào rừng ở miền tây Cam Lộ tìm rau rừng; cánh hoa rừng không rõ tên ở Cùa, nơi chúng tôi gặp được mấy hộ đồng bào Vân Kiều… tất cả đều đã khô héo, có cánh hoa ngả màu vàng.
Tôi chậm rãi nhặt từng cánh hoa, bông hoa thả xuống sông. Gặp nước, chúng như nở tung ra nhập vào dòng chảy, rồi sẽ trôi khắp các địa danh nổi tiếng dọc Thạch Hãn và ra biển qua Cửa Việt.
Tiếng nói rộ lên đâu đây. Chắc có đơn vị nào đó chuyển quân. Tôi cũng rời bờ sông trong nỗi niềm bâng khuâng. Bao giờ sẽ gặp lại dòng sông này? Tôi tự hỏi mà chưa thể trả lời ngay được nhưng chắc rằng khi gặp lại sẽ là một dòng sông hoa.
Từ Lễ thả hoa đến Bến thả hoa
Cùng trong chiến trường Quảng Trị, vào thời điểm ấy có một người cùng trang tuổi tôi song đã là cựu binh dày dạn trận mạc, lập nhiều chiến công vì đã đi bộ đội khi tròn tuổi 15. Tất nhiên là anh ấy đã phải tìm mọi cách để có thể được nhập ngũ-đó là Lê Bá Dương.
Khi còn ở Quảng Trị, tôi cũng nghe một số nhà báo đàn anh và bạn bè kể sơ qua về anh và khâm phục phẩm chất anh hùng của chiến binh này. Sau này được biết anh cũng trở thành nhà báo.
Bẵng vài chục năm, rất nhiều lần về Quảng Trị, có đợt theo Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đoàn Khuê vận động bầu cử đại biểu Quốc hội cả tháng trời… cũng không gặp anh. Bởi vì anh cũng chỉ về lại chiến trường này trong những dịp kỷ niệm lớn hoặc ngày 27-7. Nhưng điều tôi khâm phục anh nữa là tình cảm với đồng chí, đồng đội của anh thật sâu nặng, với nhiều cách tưởng nhớ có sức lay động lòng người và tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi và sâu sắc. Đó lại là một phẩm chất anh hùng nữa của anh.
Mùa hè năm ngoái, trong chuyến thăm Quảng Trị của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, tên anh lại được nhắc đến nhiều. Ấn tượng sâu đậm nhất trong chuyến thăm đó là lễ thả hoa trên sông Thạch Hãn. Chủ tịch nước nhạt nhòa nước mắt ở bến sông, thả vòng hoa tươi thắm sắc đỏ và vàng, trong tiếng trầm hùng của ai đó đọc bài thơ của Lê Bá Dương.
Mọi người nhắc lại rằng người khởi xướng việc thả hoa trên những dòng sông Quảng Trị trong dịp 27-7 là anh. Chuyện rằng năm 1968, nhân chuyến đi dự Hội nghị Dũng sĩ diệt Mỹ, anh đến thăm mẹ của Quế-một người bạn học cùng chiến đấu đã hy sinh trong một trận đánh ở khu vực Gio An, Gio Linh, Quảng Trị. Mẹ dắt ra bờ ao thắp hương vái trời đất rồi ngắt một cành giâm bụt ở bờ giậu thả xuống ao.
Năm 1975 đất nước giải phóng, anh trở lại thăm thì bà đã mất. Người nhà kể lại: Cứ đến ngày giỗ anh Quế, bà lại thắp hương, hái hoa dâm bụt thả xuống ao. Ngay ngày hôm sau-ngày nghỉ phép thứ ba của anh, anh vào Quảng Trị, đó là đợt nghỉ phép ngắn nhất.
Anh về lại những nơi anh cùng đồng đội tham gia các trận đánh, thắp hương và thả những bông hoa cúc dại xuống những chiếc giếng cổ ở Gio An. Từ đó, anh bắt đầu thả hoa trên sông. Năm 1976, là bè hoa đầu tiên thả trên sông Bến Hải, nhiều loại nào hoa tứ quý, hoa mào gà và hoa dại... Sau đó là trên dòng Sông Hiếu, Lai Phước.
Đêm thả hoa trên sông Thạch Hãn, bên Bến thả hoa mới khánh thành.
Ngày 27-7-1978, anh thả hoa trên sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu. Đến đây thì việc của anh không còn trong lặng lẽ, âm thầm nữa. Khi anh mua hết hoa ở chợ Triệu Hải, nay là chợ Quảng Trị, vừa chở đi, vừa khóc trên bến sông đã gây sự chú ý của tất cả mọi người. Sau đó, nhiều người bạn là cựu chiến binh Thành cổ rồi nhân dân và chính quyền, tổ chức quần chúng trong vùng cùng tham gia.
Cảm nhận được nghĩa cử đẹp đó, chính quyền, nhân dân thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong đã nhân thêm nghĩa tình và quê hương Quảng Trị đã tổ chức một lễ hội riêng. Hằng năm cứ vào ngày lễ 27-7, cán bộ và nhân dân hai bờ sông kết những bè chuối, trên bè cắm hương hoa và đèn hoa đăng thả xuống dòng sông để tưởng nhớ hương hồn đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh.
Có một sự lan tỏa từ chuyện thả hoa đó. Nghĩa cử thả hoa hình thành một lễ hội văn hóa đậm chất truyền thống cách mạng của dân tộc. Song lại thiếu công trình tương xứng. Chính trong chuyến thăm của Chủ tịch nước đó, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn được góp phần xây dựng Quảng trường Tưởng niệm, Nhà hành lễ, Bến thả hoa với tầm vóc là một công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa về chính trị, xã hội, mang đậm tính nhân văn.
Chủ tịch nước và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tỏ rõ sự đồng tình, ủng hộ nguyện vọng đó. Bởi vì việc có một đền thờ trên bến sông cùng một quảng trường, tuyến lễ hội nối liền sông Thạch Hãn với Thành cổ được đặt ra như một yêu cầu bức thiết. Công trình sẽ trở thành nơi hội tụ của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân mọi miền đất nước về tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh. Thế là các công trình mới được dồn sức xây dựng. Ông Lê Công Vinh, Giám đốc Ban Quản lý công trình, cho biết: Từ ý tưởng đến thi công công trình chỉ có chưa đến 100 ngày. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành theo kế hoạch.
Công trình có tổng kinh phí đầu tư 17,8 tỉ đồng do cán bộ, công nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin tài trợ. Công trình được khởi công và hoàn thành sau hơn 90 ngày thi công. Công trình gồm Nhà hành lễ có lầu chuông, lầu trống với diện tích mặt sàn 240m2, trong đó Nhà hành lễ có diện tích 80m2 là nơi thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên sông Thạch Hãn; lầu chuông, lầu trống có diện tích 60m2, hành lang có diện tích 70m2; nhà Thủy Dinh có diện tích 20m2.
Bến thả hoa rộng 840m2, có thể chứa 300 người tham gia thả hoa. Quảng trường diện tích 10.000m2, có sức chứa 5.000 người và là nơi tổ chức mít tinh, biểu diễn nghệ thuật. Thế rồi công trình cũng hoàn thành theo tiến độ. Tối 26-7-2009, Bến thả hoa đã khánh thành và ngay thời điểm đó đã diễn ra lễ hội thả hoa lớn, đầy ấn tượng.
Cả đoạn sông từ cầu Thạch Hãn về phía biển, rực ánh sáng lửa ấm áp của những ngọn đèn thả trên sông. Từ dọc bờ bắc, dải đèn tạo nên dòng sông mới, hợp lại của những nhấp nháy sáng hàng vạn ngọn lửa tâm linh. Dòng sông lửa đó dịch chuyển dần sang bờ nam và về phía biển. Đây đó là những bè hoa, vòng hoa với những ngọn nến cháy sáng lặng lẽ trôi. Tất cả vẽ nên những đường nét và mảng khối kỳ bí, lung linh trên nền của cụm công trình Bến thả hoa và Nhà hành lễ soi bóng xuống dòng sông. Những con thuyền chở hoa và đèn đi thả, lừng lững in hình trên nền trời và bóng nước, lướt nhẹ trong ánh lửa đèn.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, người từng tham gia giải phóng Quảng Trị và là Chủ tịch Ủy ban quân quản lâm thời khu vực Thành cổ năm 1972, nay chứng kiến lễ thả hoa đã thốt lên: Đêm nay bầu trời Quảng Trị không có ngôi sao nào nhưng trên dòng sông lịch sử có hàng vạn ngôi sao…
Ngắm nhìn cảnh vật mênh mang, không bờ bến, chỉ thấy ánh sáng lửa đèn. Dòng sông chứng nhân của lịch sử mùa hè đỏ lửa năm nào dường như nghẹn lại, từng là dòng sông lửa của chiến công, đang chứng kiến những ngọn lửa tâm linh, trong lễ hội lửa đèn, hoa và nước mắt. Đó là tấm lòng của người hôm nay gửi đến vong linh những chiến sĩ đang nằm dưới sông, bờ sông... Đúng là trời không có sao nhưng dòng sông đầy ắp những ngôi sao nhấp nháy, như kể về chiến công xưa, nghĩa cử nay. Những ngôi sao từ dòng sông soi ánh sáng lên bầu trời.
Nhìn rộng hơn về phía Thành cổ, cụm công trình này tỏa ánh sáng đỏ vàng hòa lẫn nhau, nối với tháp chuông Thành cổ tạo nên điểm nhấn trong quần thể di tích lịch sử ở thị xã Quảng Trị. Ý tưởng đưa đất thiêng Thành cổ-Quảng Trị thành khu di tích lịch sử, công viên văn hóa tưởng niệm đang hình thành rõ nét trong mỗi công trình. Vùng đất thiêng “non Mai, sông Hãn” đang được bồi đắp từng năm, qua từng công trình mới.
Trở lại chuyến thăm của Chủ tịch nước vào năm ngoái, tôi nhớ Chủ tịch nước nghe đọc bài thơ của Lê Bá Dương đã nhẩm theo để ghi nhớ. Song có một băn khoăn của tôi về bài thơ quá nổi tiếng lại có nhiều khác nhau về từ, ngữ. Chưa bao giờ tôi gặp phải cảnh một bài thơ do mấy người đọc để giới thiệu với Chủ tịch nước, mà mỗi người đọc cũng khác nhau. Tôi mong sẽ có dịp gặp tác giả để hỏi rõ ngọn nguồn. Nghe nói anh Lê Bá Dương, tác giả bài thơ đang là phóng viên thường trú của Báo Văn hóa, Văn phòng thường trực miền Trung và Tây Nguyên, trụ sở tại Nha Trang, Khánh Hòa.
Bài và ảnh: VIỆT ÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét