THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

LÀNG BÍCH LA – QUẢNG TRỊ: “NÔI SINH SỸ TỬ”

Người thành cổ Quảng trị
Về làng Bích La xã Triệu Đông huyện Triệu Phong bây giờ ngoài con đường từ thành cổ Quảng Trị của Tám mươi mốt ngày đêm lịch sử còn có thể rẽ từ quốc lộ 1, thị trấn Ái Tử, nơi một thời là Dinh Cát của Nguyễn Hoàng, qua cầu An Mô, ngược theo kênh Nam Thạch Hãn, rồi băng qua cánh đồng chừng ba cây số là về tới đầu làng.
Làng hình thành cách đây gần 500 năm, là một trong những làng có lịch sử hình thành sớm so với các làng ở Đàng Trong từ những đợt đầu tiên người phía Bắc di cư vào các vùng phía Nam Đèo Ngang. Nhiều nhà nghiên cứu nói rằng Bích La là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi nổi tiếng ''Lò sinh quan, nôi sinh sĩ tử".
Click vào hình để xem kích thước lớn hơn
Đình làng Bích La
Tại cổng khu miếu thờ bên phải đình làng Bích La có câu đối:

Địa chung linh khí tuyền thiên cổ
Thế xuất anh tài diễn ức niên
Tạm dịch là:
Đất hun đúc khí thiêng toàn vẹn từ nghìn xưa
Đời sinh hào kiệt khi nào cũng có.
Chính diện cổng miếu là miếu thờ Thần trông coi núi sông đất nước, trên bia có ghi dòng chữ: ''Cao các quảng độ đại vương chưởng quản sơn xuyên tôn thần''. Các miếu bên tả thờ các Thần: Thần Hoàng, Thần Sấm Sét, Thần Nông. Bên hữu có các miếu thờ Thần Dân an, Vật lợi; thờ bà Chúa nhà Trời giúp quân ta đánh thắng Chiêm Thành. Đặc biệt phía trước có miếu thờ Cai tri Phó tướng Doãn Lộc Hầu, có ghi dòng chữ: "Bổn thổ khai khẩn cai tri Phó tướng Doãn Lộc Hầu lĩnh tế Dục Bảo Trung Hưng Linh Phò tôn thần".
Theo gia phả họ Lê ở làng Bích La thì ông là người Hoa Duệ ở Hoan Châu (Hà Tĩnh), vốn tính trung hậu lại thông binh pháp. Vào năm Thống Nguyên đời Lê (1522-1527) làm quan Chính Chưởng trung tể, nhân lúc Mạc Đăng Dung tiếm quyền, vốn lĩnh mạng Triều Lê làm Cai tri xứ Tân Bình, Thuận Hoá ngăn chặn giặc Chiêm Thành, chiêu mộ dân khẩn hoang ruộng đất, lập tổng xã theo từng lúc chia làm 14 hộ. Cai tổng bá là: Lê Cảnh Sắc, Lê Vãn Tài, Lê Bá Hỷ, Lê Phúc Thiện, Lê Đức Dũng, Lê Đình Cống, Nguyễn Thọ Bình, Lê Thế Toàn, Lê Trọng Mưu, Trần Hữu Dực, Phan Định, Phạm Xuân Dương, Hồ Đằng, Đặng Xương lập chung một xã gọi là Hoa An xã. Thời Tây Sơn đổi là xã Hoa La, thời nhà Nguyễn đổi là Bích La chia làm bốn giáp: Đông, Trung, Nam, Hậu.
Như vậy việc lập làng, hình thành các tộc họ ở Bích La vào những năm 1526, 1527, có trước năm Nguyễn Hoàng vào đóng đô ở Ái Tử (1558) khoảng 30 năm. Theo gia phả của tộc họ Lê Văn của đồng chí Lê Duẩn, tính đến nay đã trải qua 15 đời con cháu. Đồng chí Lê Duẩn thuộc đời thứ 12 của phả hệ chi phái một tộc họ Lê Văn.
Qua bao biến thiên của lịch sử với gần 5 thế kỷ lập làng, người Bích La vừa chống chọi với thiên tai, vừa đấu tranh chống địch họa, đã hình thành nên một bề dày truyền thống tốt đẹp. Trước hết, đó là truyền thống làng có nhiều người đỗ đạt khoa bảng. Ngay tại khu miếu thờ của làng có thờ hai vị Tiến sĩ vào thời Lê, đi theo Cai tri Phó tướng Doãn Lộc Hầu: Tiến sĩ Lê Cảnh Diệu và Tiến sĩ Lê Cảnh Phiếu.
Còn theo gia phả các tộc họ trong làng thì làng có nhiều người đỗ đạt tiến sĩ trở lên dưới Triều Nguyễn như Tiến sĩ Lê Mậu Cúc, Lê Thuỵ, Lê Hữu Thường... Chỉ tính riêng tộc họ Lê Văn của đồng chí Lê Duẩn, thời đó đã có 5 vị: Tiến sĩ Lê Vãn Nhượng đỗ khoa Đinh Dậu (1837); Tiến sĩ Lê Vãn Chân đỗ khoa Tân Sửu (1841); Tiến sĩ Lê Vãn Nhiếp đỗ khoa Mậu Tý (Đồng Khánh 3). Khoa cuối cùng của Triều Nguyễn có ông Lê Vãn Tặng (bác ruột của đồng chí Lê Duẩn) đỗ Phó bảng và ông Lê Vãn Lương đó Tiến sĩ.
Nhiều người đỗ cử nhân, tú tài... làm nên bảng vàng truyền thống khoa bảng của các tộc họ trong làng, nêu gương muôn đời cho hậu thế. Sau này con em của làng còn có nhiều người học hành đỗ đạt học vị Tiến sĩ dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa như Tiến sĩ toán học Lê Bá Long, Tiến sĩ sinh học Lê Thị Diệu Muội (con gái đồng chí Lê Duẩn) ở Hà Nội, Tiến sĩ hoá học Nguyễn Từ ở Đại học Huế...
Nhà tưởng niệm cố tổng bí thư
 Lê Duẩn
Phát huy truyền thống, ngày nay hàng năm làng có từ 12-15 học sinh thi đỗ vào các trường đại học. Hiện có hơn 50 con em của làng đang học ở các trường đại học. Nhiều con em của làng được học hành, đi ra nhiều nơi và đang giữ nhiều cương vị quan trọng ở các lĩnh vực khác nhau ở trong nước. Làng cũng có danh hoạ nổi tiếng thế giới là Lê Bá Đảng hiện đang sống ở Pháp. Cách đây mười năm ông đã từng về thăm làng Bích La, tổ chức cuộc triển lãm tranh của mình cho dân làng xem và bỏ tiền xây dựng bốn phòng học cho Trường tiểu học Bích La.

Nói đến Bích La, người ta còn nói đến mảnh đất của nhiều danh nhân, có truyền trống phò nước giúp dân. Theo Đại Nam Chính Biên liệt truyện (Nxb Thuận Hoá - 1993), ông Lê Đăng Doanh, tự là Lê Văn Doanh, người Bích La làm quan dưới thời Gia Long, là người văn võ song toàn, từng làm Chánh chủ khảo nhiều kỳ thi Hương, từng cầm quân đánh dẹp quân Xiêm ở Nam Kỳ.
Khi về giữ chức Bố Chính sứ Quảng Trị thấy dân tình đói kém ông đã dâng sớ xin Vua miễn thuế cho dân và được Vua chấp nhận (năm thứ 17 triều Minh Mạng). Ông đã từng được thăng Hiệp Biện Đại học sĩ dưới triều Thiệu Trị thứ nhất (1481), có công dạy bốn đời Vua nên khi mất được Vua ban tặng nghi lễ cao nhất: Nhất lão nghi hình thiên hạ tắc/Tứ triều thạc phụ đế vương tôn. Cũng từ làng Bích La sau này có nhiều người tham gia phong trào Cần Vương và các phong trào chống Pháp khác. Điển hình có ông Lê Mậu Hiến đứng đầu phong trào đòi dân sinh dân chủ, giảm sưu thuế cho dân.
Năm 1882, nhiều con cháu trong làng theo ông Lê Hữu Thường, là người làng, làm Thượng thư Bộ Công của Triều Nguyễn ra xây dựng Sơn Phòng ở vùng Cùa thuộc huyện - Cam Lộ (Quảng Trị) theo chủ trương của Tôn Thất Thuyết để chuẩn bị chống Pháp. Tích cực tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp có các cụ: Chánh vệ uý Lê Văn Thống (ông nội của đồng chí Lê Duẩn), Đề đốc Lê Văn Tặng (bác ruột của đồng chí Lê Duẩn), cùng với Suất đội Phan Cự, người làng Nại Cửu đem quân đánh chiếm thành Quảng Trị.
Sinh ra và lớn lên trên một mảnh đất có bề dày truyền thống yêu nước như vậy nên ngay từ nhỏ, cậu học trò Lê Văn Nhuận (tên khai sinh của đồng chí Lê Duẩn - sinh ngày 7-4-1907) đã sớm nảy sinh lòng yêu nước thương dân. Từ học trường làng, rồi trường phủ, vốn có tư chất thông minh, học giỏi, lại được tiếp xúc với nhiều con người yêu nước, đồng chí Lê Duẩn đã sớm giác ngộ lý tưởng giải phóng dân tộc, đi vào hoạt động cách mạng, thoát ly từ tuổi hai mươi, tham gia Hội thanh niên cách mạng năm 1928 và năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Thời gian cùng cha lên sống, hoạt đông cách mạng ở thôn Hậu Kiên xã Triệu Thành cùng huyện Triệu Phong, đồng chí bị thực dân Pháp xếp vào "thành phần nhân vật quan trọng'' nên luôn bị lùng sục, bắt bớ nhưng nhờ sự chở che đùm bọc của dân làng nên đồng chí đã được an toàn, để rồi sau này đi ra, trải qua bao tù tội ở các nhà lao: Hà Nội, Sơn La, Côn Đảo, rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng sau khi Bác Hồ qua đời. Làng Bích La trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ còn là cơ sở vững chắc của cách mạng.
Đây là cứ điểm quan trọng diễn ra nhiều trận đánh phá của kẻ thù và cũng là nơi quân ta cắm chốt làm bàn đạp để đánh vào Thành cổ Đảng Trị năm 1972. Nhiều con em của làng đã tích cực lên đường tham gia kháng chiến, trở thành sĩ quan cao cấp trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày nay làng Bích La có nhiều gia đình là thân nhân liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng.
Sau ngày quê hương giải phóng, cũng như bao làng quê Quảng Trị tiêu điều xơ xác bởi chiến tranh, người Bích La đã chung tay đoàn kết xây dựng lại quê hương. Từ đồng khô cỏ cháy quê nghèo, dưới bàn tay làm lụng chăm chỉ cần cù của người dân, cuộc sống đã dần dần ổn định.
Hợp tác xã Bích La vươn lên trở thành ngọn cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp nhờ năng suất lúa và quy hoạch kiến thiết đồng ruộng, được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào những năm 80 của thế kỷ hai mươi. Các thế hệ nối tiếp lãnh đạo địa phương và Hợp tác xã Bích La từ trước tới nay đều biết lo cho dân, thực hiện lời căn dặn của đồng chí Lê Duẩn lần về thăm quê: ''Bây giờ tất cả đều làm chủ chế độ mới, xây dựng nền kinh tế mới, phải, bảo đảm đời sống của mọi người no đủ", "một con người phải có ba cái: Lao động, tình thương và lẽ phải". Mặc dù chưa phải là giàu có nhưng hiện nay đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, đồng đều. Tuy đã chuyển đổi hình thức quản lý nhưng Hợp tác xã Bích La vẫn là mái nhà để dân có thể nương cậy. Các thôn Bích La Đông, Bích La Trung, Bích La Nam đều đã xây dựng làng vãn hoá và Bích La Đông đang chuẩn bị được công nhận làng văn hoá lần hai. Ở Bích La, các giá trị truyền thống của làng luôn được trân trọng, giữ gìn. Đình làng Bích La là một biểu tượng văn hoá của làng. Nét độc đáo là đình này được xây cất không phải để thờ phụng mà là nơi nhóm họp dân làng, nơi diễn ra mọi sinh hoạt văn hoá của làng từ xưa đến nay.
Click vào hình để xem kích thước lớn hơn
Khai hội phiên chợ cầu may
Theo giai thoại dân gian đình Bích La nằm trên lưng một con Cù. Con Cù là con gì, không ai giải thích được. Tương truyền mỗi năm con Cù thức dậy một lần, nhưng có một năm đã lâu lắm rồi nó không nổi lên. Năm đó dân làng làm ăn thất bát. Năm sau đó dân làng nghĩ ra kế cứ vào ngày mồng ba đầu năm, từ sáng sớm dân làng tập trung khua chiêng gõ mõ đánh thức con Cù dậy, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Từ đó hàng năm đến ngày mồng ba Tết người làng tập trung ở đây để họp chợ. Chợ chỉ đông từ năm giờ đến bảy, tám giờ sáng là tan. Người ta chỉ mua bán trong mấy tiếng đồng hồ. Hàng hoá là cây nhà lá vườn, chủ yếu rau quả, hoa tươi, trầu cau, cá các loại, thịt lợn... Mấy năm gần đây chợ diễn ra ngày càng đông, có hàng ngàn người tham gia. Người mua, người bán không chỉ là dân làng mà còn có rất nhiều người ở các làng bên cạnh, có cả những người từ thị xã Đông Hà, thị xã Quảng Trị cũng tìm về đây làm cho phiên chợ rất nhộn nhịp. Người ta đi chợ chủ yếu là để cầu may, gặp nhau đầu xuân, chuẩn bị vài ba thứ cho lễ cúng tiễn đưa ông bà, rồi ngày hôm sau ai nấy kịp xuống đồng tiếp tục công việc của một mùa vụ đang chờ. Người xa xứ về thăm quê, ăn Tết thì kịp trở lại nơi làm việc. Những năm gần đây làng còn bổ sung thêm một số trò chơi dân gian như kéo co, chọi gà... Nét đẹp văn hoá của làng đang được giữ gìn và phát huy.

Lần tìm về truyền thống của làng Bích La, chúng tôi còn được nghe kể nhiều chuyện cảm động lần đồng chí Lê Duẩn về thăm quê. Đồng chí thân tình đi thăm hỏi từng nhà, tìm lại từng người quen biết cũ. Sau này đồng chí còn tìm về tận Cẩm Xuyên, Hà Tình tìm lại cội nguồn thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên. Mới hay con người đâu chỉ có một Tổ quốc để cống hiến, hy sinh mà còn có một quê hương để hướng về, để thương tưởng, bởi dù có đi nơi đâu, làm bất cứ việc gì thì quê hương, nơi "chôn rau cắt rốn'' mãi mãi vẫn là cõi đi về trong tâm thức của một đời người.
Cuộc Sống Việt _ Theo Nông thôn Việt Nam
Mời xem tiếp :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét