THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

Mênh mông hồ Tây

Người thành cổ Quảng trị
“Mênh mông hồ, sương thu tan trong gió” tiếng hát cất lên trong làn điệu ca trù ngân nga, thiết tha, da diết làm đắm say lòng ngườì. Tiếng hát vút lên, mơn man trên sóng nước, bồng bềnh trôi trên màn sương bàng bạc,  bay lên thinh không rồi dội xuống mặt hồ tạo thành một âm hưởng kỳ lạ, cuốn hút người ta về phía đó: hồ Tây.
Hồ Tây xuất hiện tự bao giờ, không ai biết được. Chỉ biết rằng Hà Nội trước đây sông hồ nhiều lắm. Sông thì có thể đếm trên đầu ngón tay: sông Hồng, sông Lừ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, còn hồ thì không biết bao nhiêu mà kể. Nào hồ Gươm, Trúc Bạch, Thiền Quang, Giảng Võ, nào Thành Công, Đống Đa, Ngọc Khánh, Linh Đàm… Nhưng to nhất, đẹp nhất vẫn là hồ Tây.
Không gì đẹp bằng ngắm cảnh hồ Tây vào lúc rạng Đông. Mặt hồ rộng mênh mang. Khói sương mịt mờ lan tỏa. Những con sâm cầm giật mình vỗ cánh rào rào trên mặt nước.Thảm cỏ ven hồ đẫm sương lóng lánh những chuỗi  hạt cườm. Hạt sương đậu trên lá sen lúng liếng như nước ngọc.
Hương sen thoang thoảng quanh hồ. Nhìn toàn cảnh hồ Tây vào buổi ban mai ta như lạc vào bồng lai tiên cảnh. Non nước mây trời giao thoa hòa quyện. Thật hiếm có Thủ đô nào lại có một hồ nước rộng và đẹp đến thế. Chuyện rằng nơi này khi xưa con trâu vàng vùng vẫy tìm mẹ đã giẫm nát vùng này mà tạo thành hồ. Chuyện rằng hồ này là nơi vãng cảnh, nghỉ ngơi của các bậc vua chúa, hiền tài, là nơi thủy quân ta luyện tập. Chùa Trấn Vũ là nơi Lý Thường Kiệt nghỉ qua đêm trước khi lên đường phá Tống. Thánh Trấn Vũ đã hiện về báo mộng cho ông điềm lành trong cuộc trường chinh vạn dặm. Người sẽ hiển linh phù hộ độ trì trên con đường chinh phạt đầy cạm bẫy hiểm nguy.
Hồ Tây trước đây có nhiều tên gọi: Dâm Đàm, Trâu Vàng, Lãng Bạc. Dâm Đàm là đầm có sương mù. Lãng Bạc là bến sông có sóng lớn. Trước đây hồ Tây là bến lớn thông với sông Hồng. Năm 1573 hồ Dâm Đàm được đổi thành hồ Tây vì trùng với tên húy của Vua Lê Thế Tông. Xung quanh hồ là những làng nghề trù phú: Đúc đồng Ngũ Xã, tranh Đông Hồ, giấy Yên Thái... Thấp thoáng sau những rặng tre, những cây cổ thụ là những ngôi chùa, ngôi đình cổ kính: đình Võng Thị, phủ Tây Hồ. Chùa Tịnh Lâu, chùa Hoằng Ân, Trấn Quốc...
Ai đã đến hồ Tây mà chưa đến phủ Tây Hồ thì chưa biết được hồ Tây. Cả một quần thể kiến trúc nguy nga tọa lạc trên một bán đảo ven hồ. Người đến lễ phủ nườm nượp. Đó đây khói hương nghi ngút. Tiếng gõ mõ, tụng kinh liên hồi tạo thành một hợp âm huyền ảo, đưa người ta về nơi cội nguồn, quá khứ hư vô.
Mặt hồ khói sương tạo nên nhiều hình dạng, tùy theo cảm giác từng người. Có lúc khói sương bốc cao, giống như dáng hình vua Lý đang lướt trên thuyền rồng. Có cả bóng hình bà chúa Liễu và bà chúa Thượng ngàn bay là là trên mặt nước. Phảng phất đâu đây trong màn sương mờ bảng lảng bóng dáng người Anh hùng dân tộc đã phá Tống bình Chiêm oai phong lẫm liệt. Các tín chủ đến đây, ai cũng đều cầu mong được phù hộ độ trì. Người gặp vận may cũng đến, người gặp vận hạn cũng đến. Kẻ gặp may thì đến tạ ơn, người gặp hạn thì đến xin cứu rỗi. Người ta đến để tìm niềm tin trong cuộc sống vốn đã bộn bề lo toan, vất vả.
Theo truyền thuyết Tây Hồ, vào những đêm đẹp trời, khi mọi người còn đang say giấc, trâu Vàng hồ Tây nổi lên mặt hồ với muôn hình ánh hào quang rực rỡ. Kỳ diệu thay huyền thoại ngày xưa đang trở thành sự thật hôm nay, khi hồ Tây đang đổi thay từng ngày theo đất nước. Đất hồ Tây đất Vàng, đất Bạc. Những xóm nghèo xơ xác đang được thay bằng những phố khu trù mật, hiện đại khang trang.
Những người dân khi xưa lam lũ đang trở thành những chủ nhân thực sự trên mảnh đất của con Lạc cháu Rồng. Hồ Tây giờ đây đang chuyển mình mạnh mẽ. Những dự án tôn tạo hồ Tây đang gấp rút hoàn thành. Những nhà hàng lộng lẫy soi bóng ven hồ. Những khách sạn năm sao, những nhà hàng nổi với đầy đủ tiện nghi tới tấp mọc lên. Dự án kè hồ đã hoàn thành. Những hàng cây mới trồng đã bắt đầu rủ bóng. Con đường ven hồ đang thi công sôi động.
Sớm sớm hàng nghìn người đến tập dưỡng sinh bên sóng nước Tây Hồ. Và chiều chiều những đôi trai gái tình tứ dắt tay nhau đi dạo quanh hồ đã làm cho nơi đây càng thêm thơ mộng. Tất cả đều hướng đến hồ Tây-lá phổi của Thủ đô để tận hưởng những phút giây thư giãn trong không gian thinh lặng, của mây trời, đất nước bao la.
Nguyễn Tiến Hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét