THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

Hãy nhìn cho đúng lịch sử

Người thành cổ Quảng trị
Đinh Kim Phúc
Gửi cho BBCVietnamese.com từ TP. HCM
Nhân đọc bài “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của “Tiến sĩ” Đỗ Ngọc Bích đăng trên BBC Việt ngữ, tôi có đôi điều muốn thưa chuyện cùng.
Trước hết, đọc những dòng sau đây của cô:
1. “Những thanh niên này hầu hết đều lớn lên vào những năm 1980, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc có điều khiển của nhà nước Việt Nam sau cuộc chiến tranh biên giới 1979, bài xích Trung Quốc, tố cáo Trung Quốc ‘hơi nhiều”.
Trong những năm cuối 1970 và đầu 1980 “tiến sĩ” đang ở đâu? Đang ở trời Tây trong giảng đường đại học hay nép mình trong góc phố an bình nào đó ở Việt Nam trong lúc hàng ngàn người dân Việt đã ngã xuống chống giặc để cho cô có mảnh bằng học vị hôm nay. “Chủ nghĩa dân tộc có điều khiển” là gì thưa cô? Sao lời lẽ tương tự như bộ máy tuyên truyền chụp mũ trên Mạng Hoàn Cầu đến thế!
2. “Họ không nhận ra được rằng Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hóa và tư tưởng, và nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm chiến tranh (1950-1975)”.
Tôi tin rằng cho dù cô được học và lớn lên trên đất Mỹ, nhưng giáo trình nào? tài liệu nào của Mỹ đã dạy cho cô là “Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc”? Sao cô không nói luôn là “Việt Nam vốn bị Trung Quốc đô hộ tự nghìn xưa, là phần đuôi của Đại Hán?” Còn cái mà cô gọi là “ân huệ” thì phải chăng cô muốn cùng Giáo sư Lê Xuân Khoa thảo luận lại “Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến?”.
3. “Cho dù Trung Quốc giúp Việt Nam là vì tính toán chính trị của họ, được giúp đỡ để chiến thắng cũng là điều tốt mà ‘mình nên nhớ’. Câu “yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng” trong tình huống này có lẽ đúng”.
“Tiến sĩ” Đỗ Ngọc Bích muốn nhớ, thì nhân đây tôi giúp cho cô nhớ: Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phản bội cách mạng Việt Nam không phải là từ năm 1979 mà khi còn trong bàn Hôi nghị Geneva năm 1954 khi bàn về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Đông Dương (trong đó có Việt Nam).
Nếu chưa đọc hoặc chưa được học, xin mời cô tham khảo 2 tài liệu sau đây:
- Wilfred G. Burchett, China, Cambodia, Vietnam Triangle, Vanguard Books, 1982.
- Red Brotherhood at war by Grant Evans & Kelvin Rowley published in 1984 by The Thetford Press Ltd.
4. “Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa có bao giờ tuyên ngôn chủ quyền các đảo đó không, hay chỉ mãi đến năm 1974 mới điều hải quân ra trấn giữ và bảo vệ? Chúng ta đã bao giờ dành thời gian nghiên cứu xác nhận thông tin trước khi đấu tranh đòi chủ quyền chưa nhỉ?”.
Chúng tôi không thể hiểu tại sao cô Bích lại đặt được một câu hỏi ngây ngô và ngớ ngẩn đến thế nhỉ. Đã có biết bao nhiêu tư liệu và bản đồ của Pháp (và nước ngoài) xác nhận quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền An Nam từ thế kỷ 17, 18 mà Đỗ Ngọc Bích chưa đọc hay không biết?
Cô đọc được tiếng Việt và tiếng Pháp không? Thôi thì tôi nhắc lại tài liệu sau đây bằng hai thứ tiếng Pháp-Việt cho Cô dễ hiểu:
Ngày 5.9.1951, trong phiên họp khoáng đại hội nghị thứ 2 của hội nghị San Francisco, đại biểu Liên Xô Andrei A. Gromyko sau khi chỉ trích tính cách bất hợp pháp và sự vô nghĩa của bản dự thảo hòa ước của Anh – Mỹ để ký với Nhật Bản đã đưa ra một đề nghị 7 điểm gọi là để hướng dẫn việc ký kết hòa ước thực sự với Nhật Bản. Điểm 6 đề nghị trao trả hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa cho Trung Quốc. Nhưng hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này với 48 phiếu chống.
Hai ngày sau, ngày 7.9.1951 Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, đã lên tiếng tái xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao như sau:
“Và nói một cách thẳng thắn rằng phải tranh thủ mọi cơ hội để chặn đứng những mầm mống gây xung đột, chúng tôi xác nhận chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vốn từ xưa đã thuộc lãnh thổ Việt Nam”.
Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn, không có một phái đoàn nào phản đối.
5. “Xét cho cùng, đất nước Việt Nam, lãnh thổ Việt Nam hiện nay có được là nhờ sự “mở mang bờ cõi” Nam tiến vào lãnh thổ Chiêm Thành, Khơ-me.
Lịch sử là vậy, đất đai dân cư di dời, sở hữu chuyển đổi, do thỏa thuận cũng như do xâm lấn.
Rút cục, có thể nói chủ nghĩa dân tộc mù quáng đôi khi cũng tai hại không kém gì chủ nghĩa bành trướng đế quốc vậy”.
Nếu dựa vào những lý lẽ “lịch sử” theo kiểu như vậy, tuy có phần hấp dẫn đối với cô nhưng rõ ràng sẽ mở ra một hộp Pandoras của những xung đột không thể nào giải quyết được. (1)
Một sách giáo khoa về luật pháp quốc tế của Michael Akehurst khái quát vấn đề chung đó như sau: “Đất đai chinh phục được ngày nay, hoặc ít ra đất đai do một kẻ xâm lược chinh phục, thì không thể được thừa nhận quyền sở hữu. Trong quá khứ thì được. Nhưng quyền sở hữu trước kia dựa vào sự chinh phục bây giờ có trở nên mất giá trị không? Nếu trở nên mất giá trị, thì kết quả sẽ rất là sửng sốt; nếu rút ra kết luận logic của việc đó, thì có nghĩa là bắt Mỹ sẽ trả lại cho người Idian da đỏ, và người Anh sẽ phải trả lại nước Anh cho người xứ Welsh”. (2)
Những ví dụ như vậy có thể nhân lên không bao giờ hết. Kết luận mà phần đông các nhà cầm quyền đạt được là những khái niệm về luật pháp quốc tế không thể áp dụng lui trở lại cho các cuộc xung đột trong quá khứ để làm mất giá trị pháp lý của những biên giới ngày nay được.
Những vấn đề đó đặc biệt gay gắt trong các thuộc địa cũ của các cường quốc thực dân Châu Âu. Akehurst nhận xét: “Những biên giới thuộc địa, được vạch ra bằng vũ lực trong các thế kỷ trước, ngày nay phần lớn đã trở thành những biên giới của những nước mới độc lập, mà không nước nào muốn thấy biên giới của họ bị đưa ra đặt vấn đề lại. Các nước Mỹ la tinh và Á-Phi, với một cái ngoại lệ (như Trung Quốc chẳng hạn) đã đồng ý rằng các biên giới thuộc địa phải được tiếp tục sử dụng, theo luật pháp quốc tế, như những biên giới sau độc lập. Ở Mỹ la tinh, điều đó được hiểu là nguyên tắc Utipossidetis, nghĩa là: Như bạn đã sở hữu, bạn sẽ tiếp tục sở hữu” (3).
Như vậy, lý luận như cô Bích thì nước Mỹ cũng là một phần của Trung Quốc như một vị tướng Trung Quốc từng tuyên bố gần đây.
6. Cuối cùng, “Những blogger đấu tranh cho chủ quyền lãnh thổ đã bao giờ đọc Đại Việt Sử Ký, Đại Việt Sử Lược, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư hay Việt Nam Sử Lược ở dạng nguyên bản, chưa qua biên soạn, cắt xén chưa?”
Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha… từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, hay Lý Công Uẩn, rồi các gia tộc họ Trần, Lê, Nguyễn, v.v…
Chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình xem lịch sử Việt Nam mà chúng ta học có đúng là lịch sử không?”
Tôi trộm nghĩ cô đã phơi bày “trình độ” hiểu biết và khả năng nghiên cứu nghèo nàn về sử học qua bài viết của mình trước mọi người Việt Nam khắp năm châu...
Chào trân trọng
Chú thích:
(1)- Theo thần thoại Hy Lạp, Pandoras là người đàn bà do Thần lửa tạo ra và bị đưa xuống để trừng phạt trần gian đã lấy trộm lửa. Thần Zeus cho chị ta một cái hộp, khi mở ra thì đủ tất cả các thói hư tật xấu bay ra làm ô nhiễm cả thế giới. Hộp Pandora do đó có nghĩa là vật hào nhoáng nguy hiểm.
(2), (3)- Grant Evans – Kelvin Rowley. The Red Brotherhood at war (bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Tấn Cưu – Chân lý thuộc về ai?), NXBQĐND, 1986.

Về tác giả:
Đinh Kim Phúc, tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 1977-1980, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Sư phạm Lịch sử tại Đại học Cần Thơ năm 1984, tốt nghiệp Sau đại học chuyên ngành Sư phạm Lịch sử tại Đại học Sư phạm Hà Nội 1 năm 1988, hiện là nghiên cứu viên của Khoa Đông Nam Á học, Trường Đại học Mở TP.HCM. Đây là bản rút ngắn do tác giả gửi cho BBC, sau khi đã gửi một bài dài hơn cho các trang mạng khác. Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét