THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

Đôi nét về làng cổ Bích La và Phiên Chợ Đình duy nhất trong năm

Người thành cổ Quảng trị


Nguyễn Thanh Tùng
I. Làng Bích La và các công trình tín ngưỡng:
Làng Bích La là một làng quê có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời. Sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An biên soạn năm 1553 đã đề cập đến làng Hoa La (nay là Bích La), là một trong 49 làng cổ thuộc huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong. Do ngài bổn thổ khai khẩn Cai tri phó tướng Doãn Lộc Hầu Linh tế Hán ngự sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần, nguyên quán làng Hoa Duệ thuộc Hoan châu lãnh mệnh lệnh của Triều Lê vào trấn thủ 2 xứ Tân Bình và Thuận Hoá. Ngài đã chiêu mộ lưu dân khẩn hoang ruộng đất, thành lập Tổng Xã, cùng đi có 14 vị ở lại Thuận Hoá để lập làng.
Năm 1527 cụ Lê Mậu Doãn (chính là Ngài khai khẩn chức tước Doãn Lộc Hầu) cùng các vị tiền nhân mở mang cương vực, khẩn hoang lập ấp xây dựng nên làng Hoa La và phát triển thành 5 làng gọi là ngũ giáp, thuộc địa phận 3 xã: Bích La hậu thuộc xã Triệu Tài; Bích La thượng thuộc xã Triệu Long; Bích La trung, nam, bắc thuộc xã Triệu Đông. Hiện Thập tứ tôn phái (14 họ tộc) của làng cộng cư trên một cương vực rộng lớn thuộc địa bàn các xã là trọng điểm vựa lúa của vùng Triệu Phong, Quảng Trị.
Vị thế, địa hình làng Bích La là nơi non nước hữu tình; nằm ở phía Đông thành Thuận (hay thành Thuận Châu/ Thuận Xương, tức là thành của châu Thuận) là tên gọi để chỉ một trung tâm chính trị - lỵ sở của một Châu (châu Ô thời Chăm trước thế kỷ XIV, châu Thuận từ thế kỷ XV - XVI và huyện Thuận Xương, Vũ Xương, Đăng Xương một thời sôi động trong các thế kỷ XVI - XVIII) mà chính nó đã để lại những ký ức gắn bó như là máu thịt đối với cư dân Việt ở vùng đồng bằng Triệu Phong, cho đến 1875 trong Đại Nam nhất thống chí thì coi như mất dấu vết “lâu ngày thay đổi nay không rõ chỗ nào”. Về giao thông đi lại bằng đường thuỷ thì vô cùng thuận lợi: có sông lạch An Mô là nhánh sông Thạch Hãn chạy qua làng cũng từ phía Tây nên việc giao lưu, tiếp xúc của các khu dân cư với Thành Thuận rất tiện lợi. ở phía Bắc thì có núi Cửa Rào bạt ngàn cây cối xanh tươi. Cạnh ngay đình làng là Hói nước nằm vắt dọc theo bờ làng định hình con Rồng toạ lạc mà các bậc cao niên cho đến dân làng qua bao đời nay vẫn gọi là Cửu tuyền Long mạch, nước từ sông 9 khúc tuôn ra ôm ấp địa thế sang trọng, nên con cháu dân làng nhiều đời anh kiệt. Dưới chế độ phong kiến trải qua các thời Chúa, các triều Vua, nhiều đời con cháu học hành thông thái, đỗ đạt cao là những ông Nghè, ông Cống, quan Võ, quan văn giữ nhiều chức tước, phẩm hàm của Triều đình. Từ ngày có Đảng, con em của làng tham gia hoạt động cách mạng, giữ những trọng trách của Đảng và Nhà nước, điển hình là đồng chí Lê Duẩn.
Ngày nay trước cổng đình còn lưu cặp đối:
“Địa chung linh khí truyền thiên cổ
Thế xuất anh tài diễn ức niên”.
Dịch nghĩa:
“Đất hun đúc khí thiêng toàn vẹn từ nghìn xưa
Trời sinh hào kiệt lúc nào cũng có”.
Làng Bích La đặc biệt có một quần thể di tích rất khác lạ với các làng cổ truyền người Việt ở Quảng Trị nói riêng, miền Trung nói chung. Tất cả các công trình tín ngưỡng đều toạ lạc chung quanh đình làng.
Mặt trước là hồ nước, theo truyền thuyết là nơi ngự của Thần Kim Quy. Hàng năm cứ vào sáng mồng Ba tết Nguyên đán, dân làng đến dâng hương và xem thần Kim Quy quần lượn trên mặt hồ và đó là điềm báo tốt lành cho một năm mưa thuận, gió hoà, dân làng làm ăn thịnh vượng; bên phải là một tổ hợp miếu thờ được bố trí theo hình chữ U gồm: án thờ tiên tổ của 14 họ tộc, miếu thờ 2 vị tiến sĩ Cảnh Huy Bá và Cảnh Tiến Bá, miếu khai khẩn thờ Cai tri phó tướng Doãn Lộc Hầu, miếu Thành hoàng bổn thổ, miếu Cao Các đại vương, miếu Cao Sơn, miếu Lôi Sơn, án thờ xã tắc (đàn thờ Thần nông và cũng là đàn tế trời), miếu bà Chúa Ngọc (thiên Y ana ngọc diễn phi), án thờ Trung đình bảo vệ (thần bảo trợ vùng đất và con người của làng, có lẽ là thần Thổ địa). Cách xa một quảng 200m về phía Tây là miếu âm hồn đàn; phía Bắc là miếu thờ Bà Hoả; từ đường của các dòng họ: Lê Văn, Lê Bá, Lê Cảnh… có lẽ các bậc tiền nhân của làng, khéo sử dụng thuật phong thuỷ để phát huy một thế đất địa linh nhân kiệt, lo toan cho đức độ, tài năng của con cháu muôn đời và biểu hiện sự cố kết, cộng cảm cộng đồng nơi vùng đất mới mà các ngài chọn để lập nghiệp.
II. Lễ - Hội chợ đình Bích La:
Chợ đình làng Bích La chỉ có phiên họp chợ duy nhất nhằm vào ngày mồng 3 tết hàng năm và đã đi vào hò, vè, thơ ca như một sự đúc kết tinh tuý cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân lúa nước vùng nông thôn Quảng Trị:
“Bớ bà con làng trên xóm dưới (dạ)
Bớ anh em xóm dưới làng trên (dạ)
Hò là hò dô khoan (ư ư hư, ư hự, ư hự)
Mỗi năm chợ họp một phiên (là bơ dô khoan).
Mùa xuân tết đến ta liền vui chơi (ư ư hư, ư hử. Ư hử)…
Bà con sinh sống gần xa (là bơ dô khoan).
Nhớ về họp chợ Mồng ba đình làng.
(Trích lời trong điệu hát Bá trạo)
Chợ Đình đã có từ ban sơ
Mua bán vui xuân thoả đợi chờ…
Một năm chỉ có mồng ba tết

Thần rùa xao xuyến tỉnh giấc mơ.
                                                                                                  (Lê Bá Hưng - Hội chợ Đình)
Không biết tự bao giờ phiên chợ ngày mồng 3 tết ra đời. Song theo truyền thuyết: có một năm hồ trước đình làng bỗng dưng nước đục. Rùa vàng không xuất hiện và đúng vậy năm đó mùa màng thất bát, thiên tai hoành hành, lụt to bão lớn. Từ đó cứ đến canh tư (3 giờ sáng ngày mồng 3 tết Nguyên Đán) dân làng tập trung về quanh hồ mở Hội với không khí nô nức rộn rã, đèn đuốc sáng trưng, trống giong cờ mở, gõ mõ gõ chiêng… khấn cầu rùa vàng nổi bơi lội trên mặt hồ để ban phát cho dân làng điềm may trong năm. Và đúng vậy, năm đó rùa vàng nổi. Dân làng gặp mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, phát tài, phát lộc, yên vui, hạnh phúc. Cứ như thế, không ai bảo ai đến sáng mồng 3 tết cuộc gặp đầu năm trở thành ngày trẫy hội và hình thành nên “phiên chợ” - phiên chợ đình Bích La ra đời và đó cũng là phiên chợ duy nhất trong năm.
Cùng song hành với phiên chợ họp ngày mồng 3 (tết Nguyên Đán) tại Đình làng Bích La và các Lễ - Hội dân gian mang đậm dấu ấn tín ngưỡng, tâm linh; giàu tính nhân văn, có sức lan toả lớn. Bởi đa phần trong Lễ - Hội đều phản ánh cuộc sống sinh hoạt của cư dân lúa nước. Mọi sự kiện đều mang dáng dấp của nhà nông, diện mạo của nhà nông - là những con người chịu thương, chịu khó, giàu sức sáng tạo, nặng tình, nặng nghĩa với quê hương xứ sở…
Như đã đề cập trên, Thành Thuận Châu khi đã không còn vai trò lịch sử của một trung tâm chính trị, văn hoá của một vùng thì cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng chắc chắn sẽ bị hẫng hụt. Do vậy, khoảng sau năm 1875, lễ hội chợ đình Bích La vượt ra khỏi phạm vi của một làng, mà về sau trở thành của cả một vùng (Làng Bích La nằm về phía Đông Thành Thuận Châu chưa đầy 2km). Và Lễ - Hội và phiên chợ duy nhất trong năm tại chợ Đình Bích La trở thành ngày hội của cả vùng.
Cứ thế, khoảng 2 giờ sáng ngày mồng 3 tết, khắp các đường thôn, ngõ xóm trong ánh đèn, ngọn đuốc bập bùng là từng đoàn người râm ran, nô nức đến với Đình làng để trẫy hội. Hàng hoá chủ yếu là những sản vật người nông dân làm ra rau, hoa, quả, gạo, nếp, cá, gà, vịt… và một mặt hàng không bao giờ thiếu đó là những con gà nặn bằng đất phơi khô, quét màu gắn vào một ống tre vát nhọn, rồi dát vào một mẩu lá cọ để làm lưỡi gà. Gọi là “tò he”. Đây là một mặt hàng từ xưa đến nay được con trẻ quanh vùng yêu thích đặc biệt. Cũng chính từ những con gà đất này mà Lễ hội chợ đình Bích La trở thành “ngày hội văn hoá cổ truyền của vùng đồng bằng Triệu Phong Quảng Trị”. Việc buôn bán ở chợ Đình, đặc biệt hơn các chợ làng khác là người bán không nói thách, người mua không trả giá. Đi chợ là mua lộc, cầu tài đầu năm nên mua bán đều thuận tiện. Chợ đình Bích La còn là chợ giao duyên, hẹn ước, tâm tình. Những cụ ông, cụ bà nay đã 70, 80 tuổi cũng nên vợ, nên chồng từ những phiên chợ này từ xửa, từ xưa. Ngày nay, vì lẽ đó mà phiên chợ Đình thu hút rất đông những nam thanh, nữ tú náo nức chờ phiên chợ để hẹn non, thề biển, dựng xây tổ ấm gia đình.
Đặc biệt chợ đình Bích La tan rất sớm. Khi chưa rõ mặt người thì chợ đã tan. Các con đường làng rộn rã với tiếng gà đất (tò he) của con trẻ “gáy râm ran” báo hiệu chợ đã tan. Lúc này, khách tứ phương và con dân tiếp tục dự các phần Lễ - Hội của làng như: lễ cúng Thần linh; tham gia các hội bình thơ, hội bài chòi, thổi gà đất, hội cờ chòi, đập om đất, kéo co, chơi đu, hò đối đáp… Qua đây, những người nông dân quanh năm “một nắng, hai sương” càng thấy thắm tình, thắm nghĩa. Tình đoàn kết nơi luỹ tre làng càng thêm bền chặt. Đó là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp, mà ngày nay chúng ta cần bảo tồn và phát huy giá trị.
Làng Bích La là một làng văn hoá cổ truyền của người Việt ở vùng đồng bằng Quảng Trị. Các Lễ - Hội cổ truyền luôn là bản thông điệp giàu sức chuyển tải các giá trị văn hoá góp phần dựng xây và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, trong hành trình xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
N.T.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét